Thứ Hai, 10 tháng 9, 2012

NHỚ VỀ ÔNG NỘI TÔI...

                         NHỚ VỀ ÔNG NỘI TÔI
               NHƯ ÔNG VẪN CÒN MÃI TRÊN ĐỜI
                                          ******  
                                                    Nguyễn Hồng Trân

             Tôi là cháu đích tôn của ông nên ông rất vui mừng và quan tâm thường xuyên. Ông nội tôi kể lại rằng, từ năm 1935 ông nội và cố nội bà của tôi đã tìm xin được việc cho ba tôi vào Cố đô Huế làm ăn sinh sống. Gia đình tôi vào sống ở Huế tại phường Huệ An ngày xưa (Nay thuộc Thuận Thành –Huế). Khi tôi vào học trường tiểu học ở Huế, mùa nghỉ hè nào ông nội tôi cũng đưa tôi về sống với ông để ông kèm cặp học thêm. Mùa nghỉ hè năm 1945, tôi học xong lớp nhì tôi về ở nhà ông tại thị trấn Diên Sanh ở với ông để học thêm chữ Hán. Hồi ấy, ông thương tôi lắm. Ông lo cho tôi ăn mặc và học hành chu đáo. Tôi cũng rất thương yêu ông và chăm học chuyên cần nên ông rất hài lòng. Tôi còn nhớ ông có đặt mấy câu thơ:
Cháu tôi là Nguyễn Hồng Trân
Sinh năm mậu Dần đã gần bảy tuổi
Về theo ông nội, ở chợ Diên Sanh
Chăm chỉ học hành, người lành tánh tốt.

Ngoài những giờ học ông quy định, tôi cũng có kế hoạch giúp ông bà quét nhà, lau cửa, rửa ấm chén trà hàng ngày. Thỉnh thoảng chiều chiều mát được giải lao, tôi đi chơi đánh bi, chơi đánh đáo hoặc chơi vụ với các bạn trong thị trấn. Nếu chưa đến giờ quy định được đi chơi thì dù các bạn thân có đến rủ rê, tôi cũng không dám rời bàn học. Có nhiều bạn cứ đến xem tôi học chữ Hán và ngạc nhiên là tôi viết chữ Hán rất đẹp và nhanh. Hồi đó ông tôi bắt tôi phải học thuộc lòng bài văn vần trong quyển “Tam thiên tự” (tức 3 nghìn từ). Tôi đã học trong một tuần là thuộc lòng. Đến bây giờ (trên 75 tuổi) tôi vẫn còn nhớ.
Ngoài việc ông dạy tôi học chữ Hán ra, về sau tôi lớn lên thêm, ông còn dạy cho tôi biết làm thơ lục bát và còn dạy cho hiểu câu đối và tập làm câu đối. Ông tôi thường làm một số câu đối tiếng Việt giản đơn để cho mọi người dễ đọc, dễ hiểu mà ý nghĩa rất thâm thúy. Chẳng hạn như cặp câu đối ông đề vào hai trụ cổng nhà là:
“Thuốc sơ sơ, nhờ thần hiệu
Thầy dở dở, đỡ xóm làng”.
Hoặc cặp câu đối:
“Nhà thấp, không lo mưa gió tạt
Cổng cao, mặc sức xe ngựa vào”.
Có lần ông tôi đưa ra một vế đối thật ngắn gọn nhưng ẩn ý rất hay mà bao nhiêu người chưa đối được. Đó là câu:
          “Thầy thuốc hay ho, không uống rượu!”
Ẩn ý ở câu này là từ kép “hay ho” vừa có nghĩa là giỏi dang, lại vừa có nghĩa là bị ho luôn.
Tôi cũng thử làm một câu đối lại như sau:
“Bệnh nhân tỉnh táo được ăn chè”.
Từ kép “tỉnh táo” ở đây tôi dùng cũng có ẩn ý là bình tĩnh và chữ táo cũng  có nghĩa là bệnh táo bón.
Ông tôi nghe vậy cũng gật đầu nói:
“Cũng khá đấy nhưng chưa hay, chưa ẩn ý sâu sắc như từ kép “hay ho”.
Trong mấy năm đầu cuộc kháng chiến chống giặc Pháp, ông tôi không ở thị trấn Diên Sanh nữa mà về quê tiếp tục làm thuốc chữa bệnh cho mọi người. Vào năm 1948, trong một buổi sáng, giặc Pháp đi càn quét quê tôi, ông tôi vì điếc tai không nghe tiếng mõ báo động có bọn giặc tiến vào làng nên ông đã bị chúng bắt về thị xã Quảng Trị. Và cũng vì có kẻ xấu theo giặc nên đã báo cho giặc biết ông là anh ruột của ông Nguyễn Quýnh (Chủ tịch huyện Hải Lăng đầu tiên) và người cháu ruột là Nguyễn Sam  (đảng viên Cộng sản từ năm 1930, là Bí thư Đảng ủy huyện Hải Lăng đầu tiên) đã đi theo Việt Minh. Vì vậy mà bọn giặc tuy biết ông tôi là một thầy thuốc Đông y giỏi ở huyện, nhưng chúng vẫn cố tình bắt giam và đày đi lao động nặng nhọc kéo phà tại bến phà ở sát cầu Sập qua sông Thạch Hãn tai thị xã Quảng Trị trong mấy tháng trời. Trong thời đoạn ấy, ông tôi đã thầm kín làm bài thơ như sau:

                    TỦI PHẬN ĐỜI
Ngày ngày cặm cụi kéo phà
Bụng thì đói khát, thịt da tím bầm
Nhiều lúc mong mỏi người thân
Vợ con cách trở, cũng dành chịu thôi
Nghĩ mà tủi phận cho đời
Làm nghề thầy thuốc sao trời hại ta?
Tù đày khổ cực thân già
Bực mình thầm chửi tổ cha giặc thù!
Các con ở tận chiến khu
Có biết cha đã bị tù Pháp không?
Mong sao kháng chiến thành công
Quét hét lũ giặc cho đồng bào yên!...
                   ==00==
(Thầy Lương y Nguyễn Bá Đàm -Giáo Tiềm 1948)
Bài thơ này sau khi ông nội tôi ra tù về nhà cuối năm 1948 mới đọc lại cho tôi nghe. Nghe xong bài thơ tôi muốn khóc to lên vì thương cho ông tôi quá và tôi càng căm ghét bọn giặc.
Ông tôi trở lại thị trấn Diên Sanh để hành nghề thầy thuốc Đông y như ngày xưa. Đồng bào khắp vùng Hải Lăng nghe tin ông Giáo Tiềm về làm thầy thuốc trở lại ai ai cũng mừng. Lúc ấy, ngôi nhà lầu hai tầng của ông tôi với hiệu thuốc Long Hòa đã bị chính quyền thân Pháp chiếm giữ làm công vụ. Lúc đó ông nội tôi phải thuê một ngôi nhà cấp 4 của ông Hương lý Phan Khắc Kiếm ở Diên Sanh để hành nghề. Nhà này sát bên cạnh nhà cậu tôi là Phan Quang Đãi đang buôn bán hàng tiêu dùng lặt vặt. Thời gian này có bà Phan Thị Bạo (vợ ba không chính thức của ông) người làng Thượng Xá vào ở chăm sóc cho ông tôi. Tôi cũng xin vào ở với ông để đi học và có dịp giúp ông những việc sai vặt như pha trà, nghiền thuốc Bắc, viên thuốc hoàn,v.v…
Tuy ở nhà thuê cũng chật chội nhưng ông tôi vẫn bố trí phòng bắt mạch khám bệnh gọn gàng tử tế. Hồi đó, nhà ông tôi không có dãy tủ thuốc Bắc như ở hiệu Long Hòa trước đây mà chỉ kê phái đơn thuốc cho bệnh nhân đến mua thuốc ở các hiệu thuốc Bắc của chú Tàu như Thái Hòa Tường, Vương Dỏ. Cứ hàng tháng các hiệu thuốc của các chú Tàu căn cứ vào số lượng thang thuốc được bán ra để tính tiền cho ông tôi hưởng tỷ lệ công thầy. Do đó mà thu nhập hàng tháng của ông tôi cũng không dư dật như trước đây. Vì vậy việc chi tiêu cho đời sống hàng ngày trong gia đình cũng bị hạn chế. Sự tiêu pha ăn mặc của ông cũng rất tiết kiệm. Tuy vậy, ông đối xử với người mẹ già và các anh em cũng như con cháu, bà con thân thuộc rất chu đáo. Khi có người đau ốm, ông bổ thuốc giúp đỡ mà không nhận tiền. Những ngày Tết, ngày lễ hàng năm nhiều người dân biết ơn thầy thuốc đã đem nếp gạo, bánh trái và gà vịt đến biếu thầy rất nhiều. Sau đó ông tôi lại sai người đem biếu lại cho mẹ già các anh chị em và con cháu sử dụng. Đặc biệt đối với những người ốm đau nghèo khổ, ông chữa bệnh miễn phí. Ông rất tự hào về nghề thuốc gia truyền làm ông đã có uy tín trong cả huyện. Ông tôi thật xứng đáng là một người con trai nối nghiệp được cha là cụ Nguyễn Bá Khánh (tức Bá Chước) đã đỗ Tú tài và từng làm quan Ngự y triều Nguyễn thời vua Đồng Khánh. Ông được tặng danh hiệu Viện Hàn Lâm đãi chiếu.
Ông nội tôi rất muốn truyền lại nghề thuốc Đông y cho ba tôi, các chú tôi và cả tôi là cháu đích tôn nữa, nhưng tất cả đều không học được thành công. Điều đó ông nội tôi buồn lắm nhưng cũng đành chịu, vì thời thế không ai muốn kiên trì học chữ Hán để làm nghề thuốc Đông y nữa.
Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, con cháu ông tôi đã về quê hương đầy đủ nhưng ông bà đều đã qua đời. Các cô chú của tôi là Nguyễn Thị Liễn, Nguyễn Thị Thiều, chú Nguyễn Bân và Nguyễn Quỳnh về quê thắp hương cúng bái trên mồ mả của ông bà và nguyện cầu cho ông bà mọi điều an lạc ở cõi vĩnh hằng. Mỗi lần đến viếng mộ ông bà, con cháu đều xúc động không cầm được nước mắt vì quá thương xót ông bà đã mấy chục năm xa cách không được chăm sóc nuôi dưỡng ông bà, ngay cả những lúc lâm chung cũng đều vắng mặt nhiều người con cháu.
Qua hơn một chục năm sau, hai chú tôi mới có điều kiện để xây lăng mộ cho ông bà chúng tôi được khang trang đàng hoàng. Lăng mộ ông bà tôi được chú Nguyễn Quỳnh đề xuất và chủ động đảm trách kinh phí xây dựng. Sau đó chú Nguyễn Bân vào túc trực hơn một tháng trời để lo liệu thực hiện công trình cùng sự cộng tác đầy nhiệt tình của chú Nguyễn Bá Xử ở quê. Ngôi lăng mộ được hoàn thành vào mùa xuần năm Quý Dậu (1993) ở trên đồi An Lạc, làng Phú Long, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Gần mười năm sau thì vợ chồng tôi (Nguyễn Hồng Trân và Thái Lê Phương) cũng xây dựng cho cha mẹ tôi sát bên dưới đó.
Giờ đây hai chú tôi Nguyễn Bân và Nguyễn Quỳnh đã già yếu. Nguyện vọng của hai chú là muốn tôn tạo khu lăng mộ của ông cho đàng hoàng hơn, có tường bao quanh thành khuôn viên để bảo đảm cho khu vực lăng mộ nghiêm trang, an toàn. Tôi đã đề xuất với các chú rằng: “Trước đây các chú lo xây lăng mộ cho ông bà rồi, bây giờ xin phép hai chú để các cháu lo liệu tôn tạo cho lăng ông bà to lơn và khang trang hơn. Cháu đề nghị sẽ thiết kế cấu trúc xây dựng thành một nghĩa trang gia đình cụ lương y Nguyễn Bá Đàm thật hoành tráng cho ông bà được vui lòng an lạc ở nơi suối vàng. Nghe như vậy các chú rất mừng và yên lòng chờ đợi. Thế là mấy anh em chúng tôi (vợ chồng các cháu nội của ông bà) đã bàn bạc với nhau quyết tâm thực hiện kế hoạch xây dựng nghĩa trang gia đình cụ lương y Nguyễn Bá Đàm trong hơn một tháng(từ 25/5 đến 2/7 năm Nhâm Thìn =2012).
Trong ngày khánh thành khu nghĩa trang này(18/8/2012) bà con khắp nơi trở về khá đông đủ để dự lễ mừng thành quả của công trình tôn tạo vùng lăng mộ thành khu nghĩa trang uy linh, tráng lệ.
Giờ đây hai chú thím tôi là Nguyễn Bân và chú Nguyễn Quỳnh, cũng như anh chị em chúng tôi gồm cháu nội, cháu ngoại và các cháu dâu, cháu rể, chắt nội… của ông bà đều phấn khởi yên tâm đã làm được một việc trọng đại có ý nghĩa tâm đức đối với cha ông, tiên tổ.
                                         ==00==    
                              Phủ Cam, Phước Vĩnh, tp.Huế 7-9-2012

Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2012

 CHÙM THƠ XƯỚNG HỌA - TÌM LẠI BẾN ĐÒ XƯA 

Bài xướng
                                TÌM LẠI BẾN ĐÒ XƯA 
Thân tặng cô Lệ Vy bến đò Vinh An , An Thơ trên sông Ô-Lâu
  
                       Nguyễn Hồng Trân (tp.Huế)



Trở về tìm lại bến đò xưa , 
Chỉ thấy dòng sông khuất bóng dừa. 
Lặng lẽ thương thầm cô gái nhỏ   
Bàng hoàng nhớ tiếc chuyến đò đưa.  
Bến sông còn đó, người đâu vắng ?  
Bờ cát từ đây bạn vẫn chờ...  
Bóng dáng đò em chèo thuở ấy   
Vẫn còn trong nắng lẫn trong mưa... 
                                                      NHT              
Các bài họa: 
1.NHỚ NGƯỜI XƯA 

            Võ Làng Trâm(Nha Trang)

Mới đó mà nay cũng đã xưa
Đôi bờ sông biếc rợp xanh dừa 
Đâu rồi đón bạn cho qua chuyến 
Hay đã theo chồng bỏ cuộc đưa 
Bến vắng thuyền trơ nhưng đứng đợi 
Sông sâu cầu nối lại ngồi chờ
Em ơi ! có biết người thương cảm
Năm tháng phong trần giữa nắng mưa . . .
                                               VLT
                             
2.NHỚ CÔ LÁI ĐÒ

                     Châu Thạch(Đà Nẵng)

Khách cũ, người xưa, bến cũng xưa
Soi trên dòng nước vẫn hàng dừa
Mà đâu nón lệch rung vai nhỏ?
Từng đã tay chèo liếc mắt đưa
Eo ấy dẫu xa lòng khó vắng
Lưng kia dầu biệt trí mong chờ
Một thời kỷ niệm đò ngang ấy
Nhớ mãi trong lòng qua nắng mưa.
                                             CT
             3.ĐÁNH MẤT
         Độc Hành (tp.HCM)
Bên bờ sông lặng Cố Đô xưa
Dáng nữ chờ ai – tựa gốc dừa
Núi Ngự sương giăng mờ ánh nguyệt
Văn Lâu nước hạ vắng đò đưa
Nhớ tình Vọng Cảnh - hè nao hẹn
Thương nghĩa Tịnh Tâm -  xuân ấy chờ
Biền biệt anh đi không trở lại
Khóc duyên dang dở lệ như mưa…
                                      ĐH 

4.BẾN CŨ NGƯỜI XƯA

Con nước xuôi về thăm bến xưa
Bâng khuâng rũ bóng tóc xanh dừa
Thuyền ai chỡ nặng ân tình cũ
Lá rụng sông hờn gợn sóng đưa
Xào xạc lao già rưng rức nhớ
Nôn nao cành trúc hắt hiu chờ
Chiều buông quạnh vắng mờ sương khói
Đêm xuyến xao lòng ngập gió mưa

                           Thu Vân (Biên Hòa)



Thứ Năm, 6 tháng 9, 2012

CẦU TRƯỜNG TIỀN NÉT DUYÊN CỦA HUẾ

           CẦU TRƯỜNG TIỀN-NÉT DUYÊN CỦA HUẾ  
                                               *****  
                                   Nguyễn Hồng Trân 
                                                                                                
Cầu Trường Tiền ở Huế là một trong những chiếc cầu  đẹp ở Việt nam. Nhìn chiếc cầu, nhiều du khách cũng như nhân dân thành phố Huế có cảm tưởng như một nàng công chúa trẻ trung đang nằm giữa cố đô và mỉm cười với núi Ngự, sông Hương hiền hoà xanh mát. Cầu Trường Tiền là nét duyên của Huế và đã tồn tại hơn 112 năm nay(1899-2012) nối liền hai bờ Bắc Nam dòng Hương Giang giữa Đô thành Huế.   

 Chiếc cầu vươn mình trên dòng sông Hương thơ mộng như con rồng khổng lồ uốn mình bắc ngang qua dòng sông một cách nhẹ nhàng, sang trọng.
Cầu Trường Tiền là nơi đã từng lắng nghe những âm thanh thì thầm của bao chàng trai cô gái thanh lịch đất thần kinh mà dân gian xứ Huế còn để lại mấy câu hò còn ngân vang mãi đến ngày nay:

“Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp(*),
Anh qua không kịp, tội lắm em ơi!
Bấy lâu ni mang tiếng chịu lời,
Dẫu có xa nhau đi nữa cũng tại ông trời mà xa!...”

Cầu Trường Tiền là cây cầu sắt đầu tiên nối liền mạch máu giao thông hai bờ Bắc Nam của thành phố Huế.
Cầu này được xây dựng từ năm Thành Thái thứ 9 (1897) và hoàn thành vào năm Thành Thái thứ 11(1899). Khi chưa có cầu, tại đây có một bến đò ngang gọi là bến đò Trường Tiền,  đoạn sông qua đây cũng gọi là sông Trường Tiền.

Về tên gọi chiếc cầu này cũng có thay đổi qua từng thời kỳ. Ban đầu, cầu có tên là cầu Thành Thái, vì cầu được xây dựng dưới thời vua Thành Thái thứ 9 (1897). Sau khi vua Thành Thái bị Pháp phế truất, Pháp cho đổi tên cầu thành cầu Clémenceau (Cơ- lê măng- Xô) là tên vị Thủ tướng nước Pháp có công trong Đại chiến thế giới lần thứ nhất. Đến năm 1945, Nội các Trần Trọng Kim cho đổi tên cầu này thành cầu Nguyễn Hoàng (vị chúa Nguyễn đầu tiên tới trị vì xứ Đằng Trong này). Mặc dầu qua bao thăng trầm biến cố lịch sử, chiếc cầu qua dòng Hương giang này đã mấy lần “thay tên, đổi họ”, nhưng dân chúng xứ Huế và khắp nơi trong cả nước đều gọi tên cầu Trường Tiền. Cái tên thông dụng bao đời nay vẫn thấm sâu trong tâm thức của mọi người. Ngày xưa còn gọi là Trường Tiền vì vị trí cầu nằm gần sát bờ sông Hương, cạnh xưởng đúc tiền xu thời xa xưa (trường tiền vùng đất trống rộng có xưởng đúc tiền).

Cầu Trường Tiền gồm 6 vài, mỗi vài dài 66 thước 8 tấc 5 phân(mỗi thước mộc ta bằng 0,425 mét); Cầu rộng 6 thước 2 tấc. Tổng chiều dài cây cầu là 401 thước 1 tấc (Đó là những số liệu lưu trữ cũ, còn bây giờ thực tế chiều dài và rộng của cầu này đã thay đổi chút ít qua các đợt trùng tu nâng cấp). Cầu có 12 nhịp được thiết kế theo kiểu kiến trúc Gothique; mỗi nhịp có thành hình bán nguyệt. Các nhịp kế tiếp nhau làm thành một giải sóng đều đặn, mềm mại như làn nước sông Hương. Với kiểu kiến trúc cầu khá đẹp, hài hoà lại ở ví trí trung tâm thành phố càng làm cho dòng Hương Giang và thành phố Huế thêm duyên dáng, thơ mộng.
Cầu Trường Tiền ban đầu làm bằng gỗ, còn mặt cầu thì lát bằng ván gỗ lim. Đến sau cơn bão lớn năm Giáp Thìn(1904) đã làm sập một vài sụp đổ xuống ngay tại chỗ, hai vài bay xuống sông ngang chợ Đông Ba, còn một vài bị cuốn trôi về tận Bãi Dâu. Qua trận bão, cầu bị hư hỏng nặng. Sau 2 năm (1904 – 1906), cầu Trường Tiền được sửa chữa lại bằng sắt và xi măng rất kiên cố. Đến năm 1938, cầu được mở rộng thêm hai bên cho khách bộ hành đi lại thuận lợi, thoáng mát.

Trong thời kháng chiến chống Pháp, cầu bị đánh sập hai vài để ngăn chặn bước tiến quân của giặc sang sông đánh chiếm kinh thành Huế. Sau đó cầu được sửa chữa lại với hình dáng như cũ nhưng với ba vài sắt hoàn toàn mới. Thời chiến tranh (1968), cầu đã bị sập 2 vài. Sau đó, cầu được Hãng Eiffel chịu trách nhiệm sửa lại để lưu thông, nhưng có một vài chưa được thay thế. Mãi tới năm 1990-1991, Công ty Cầu 1 Thăng Long đảm nhận tiếp tục sửa chữa lại cầu Trường Tiền. Riêng đối với vài số 4 của cầu này thì do tập đoàn Baudin Chateauneuf và hãng sơn Présiozo của Pháp lo liệu. Ngày 19-5-1995, lễ thông cầu được tổ chức trọng thể vào đúng ngày sinh nhật của Bác Hồ. Như vậy, cầu Trường Tiền đã được tu sửa lại toàn bộ và nâng cấp độ vững chắc hơn trước. Tuy cấu trúc cầu có thay đổi một số chi tiết về dầm, gá níu chằng, nhưng hình dáng chiếc cầu vẫn đẹp như xưa.

 Chiếc cầu lịch sử này đã bao phen bị phong ba bão táp của thiên tai và hư hại tàn phá của chiến tranh. Cầu đã từng chứng kiến trước bao cảnh hưng vong, thăng trầm của đất nước qua các thời đại.

Chợ Đông Ba đem ra ngoài giại(1)
Cầu Trường Tiền đúc lại xi-moong(2).
Ơi người lỡ hội chồng con,
Về đây gá nghĩa vuông tròn cùng ta...

Cầu Trường Tiền là thắng cảnh nổi tiếng đã đi vào thơ ca dân gian xứ Huế từ bao đời nay và là đề tài vô tận của biết bao ca khúc trữ tình; là biểu tượng của Huế xưa và nay.

   Như nhà thơ Thu Bồn đã cảm tác Bài “Tạm biệt ”, có đoạn:
           
            “Xin chào Huế một lần anh đến
            Để ngàn lần anh nhớ trong mơ…”

            “Áo trắng hỡi tìm em không thấy
Nắng mênh mang mấy nhịp Trường Tiền
Nón rất Huế nhưng đời không phải thế!
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng
Nhịp cầu cong và con đường thẳng
Một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu?
Con sông dùng dằng, con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu…”

Hoặc bài thơ: “VẪN HUẾ” Nguyễn Đức Hùng (trong tập: “Tình Huế với Đồng Nai”. NXB Hội nhà Văn -2008) có đoạn:

“Xuân vẫn còn lạnh, hạ vẫn còn mơ
Vẫn nón bài thơ nghiêng che trên má
Vẫn nắng mới hàng cau thôn Vĩ Dạ
Vẫn cầu Trường Tiền ngả bóng trăng soi.”

Nếu ai có dịp trèo lên đỉnh núi Ngự Bình mà nhìn về cầu Trường Tiền thì thấy đẹp vô cùng. Chiếc cầu như nàng tiên cá trắng nõn uốn mình nằm vắt ngang sông Hương xanh biếc, trong ngần.
Vào những đêm trăng sáng, bóng dáng chiếc cầu cứ lung linh, lấp loáng dưới lòng sông như đùa giỡn với ánh trăng. Thỉnh thoảng có những chiếc thuyền xuôi ngược được chèo lái qua dưới gầm cầu tạo nên những làn sóng nước vỗ vào chân cầu nghe lao xao, êm dịu.
Cầu Trường Tiền trong những đêm lễ hội thì thật là sang trọng. Cầu được trang điểm với những sắc màu phong phú của hệ thống chiếu sáng điện quang rực rỡ, nhấp nháy, tưng bừng. Trên cầu người ta đi lại rộn ràng và nhìn dòng sông Hương đang mơ màng bao ước vọng. Nhìn xa xa hai bên chân cầu có hàng ngàn hoa đăng sáng lập loè đung đưa theo làn sóng.

Ôi thật là lâng lâng xúc cảm khi ta rải bước dạo chơi dọc bờ sông Hương mà ngắm lại cầu Trường Tiền!
                       
Chiều về thành Huế tĩnh yên,
Dòng Hương soi bóng Trường Tiền lung linh.
Thông reo trên núi Ngự Bình,
Thuyền chèo xuôi ngược in hình trên sông.
Điệu hò man mác cõi lòng,
Mái nhì vang vọng nhớ mong bao điều!
Quê hương đất nước thân yêu,
Tim gan ta đã thấm nhiều hồn thiêng.
Mỗi lần ngắm lại Trường Tiền,
Lòng ta xao xuyến liên miên chuỗi tình.
                        =====
                                (Thơ Hồng Trân 2009)

Hình ảnh cầu Trường Tiền đã thấm đậm, sâu sắc trong lòng người Huế xưa nay và rất nhớ nhung lưu luyến, da diết đối với những người con xa quê, thương cội, nhớ nguồn. Cầu Trường Tiền đã gây được ấn tượng đẹp đẽ, dễ thương và trìu mến đối với bao du khách từ bốn phương trời mỗi lần đến Huế. Và thật đúng cầu Trường Tiền đã trường thọ một cách duyên dáng   giữa lòng Cố đô Huế./.
                                                                                 N.H.T

Chú thích: (*)-Chính thực ra cầu Trường Tiền chỉ có 6 nhịp theo hình cung xây dựng nhưng vì mỗi bên cầu có 6 cung nhịp nên cả hai bên là 12. Dân gian đã quen gọi như thế từ lâu rồi. Quan niệm vài và nhịp theo dân gian cũng chỉ tương đối thế thôi.Cũng như người ta gọi cầu Trường Tiền hay sau này thường gọi là cầu Tràng Tiền cũng thế. Chữ  “trường”ở đây theo chữ Hán là một vùng đất rộng chứ không phải trường là dài.
(1)giại: bãi đất hoang bờ sông; (2) xi-moong: xi măng.

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

 MỘT ĐÊM XƯA TRÊN DÒNG HƯƠNG GIANG  .
******
                                         Nguyễn HồngTrân (cựu GV. ĐHKH- HUẾ)
    Vào những đêm hè cuối tuần, ba tôi thường dắt tôi ra sông Hương dạo chơi rồi thuê thuyền có mái vòm che và người chèo đi từ bến Đông Ba lên dọc sông đến chùa Thiên Mụ rồi quay về lại bến cũ.
     Khi đến gần cầu Trường tiền thì cô chèo đò cất tiếng hò mấy câu dân ca thuở trước còn âm vang da diết:
       “Cầu Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp,
       Anh đi không kịp tội lắm em ơi!
       Bấy lâu ni mang tiếng chịu lời,
       Dẫu có xa nhau đi nữa
       cũng tại ông trời mà xa”…

   Chiếc thuyền nhẹ lướt trên sông đi qua khỏi cầu Bạch Hổ, cô chèo thuyền lại cất lên mấy câu hò dân gian nghe mà buồn thương, não ruột:
      "Chim xa rừng thương cây nhớ cội,
      Người xa người tội lắm người ơi!
      Thà rằng không biết thì thôi,
      Biết rồi mỗi đứa, một nơi thêm buồn...”
   Lúc ấy tôi cảm thấy buồn buồn nhưng mà thích thú vô cùng trong cảnh thanh bình dưới bầu trời trăng sao ánh vàng đua nhau rơi xuống dòng sông lấp loáng. Dòng Hương Giang êm đềm trôi đi mãi về biển Thuận An. Hai cha con nhìn theo những con đò ngược xuôi trên dòng sông với những điệu hò mái nhì trầm bổng, du dương, buông thả vào không gian vắng lặng một cách thâm trầm, nhớ nhung tha thiết … Tôi nhìn ba tôi và hỏi:
“Ba thích nghe hò Mái Nhì hay hò Mái đẩy ?”.
Ba tôi trả lời: “Ba thích cả hai”.
Rồi ba tôi giải thích cho tôi nghe: “Hò Mái nhì thì nhẹ nhàng sâu lắng, còn hò Mái đẩy thì sốt sắng, vui tươi”. Tôi quay đầu lại hỏi cô chèo đò: “có đúng không cô ?”. Cô lái đò gật đầu cười rồi nói: “Cháu có ưa thích cô hò cho cháu nghe không ?”. “Dạ cháu thích lắm”-tôi trả lời như thế rồi dục: “Cô hò đi cho cháu nghe với cô!”. Thế là cô ấy uốn mình đung đưa xô, kéo cán chèo kêu kẻo kẹt vừa thong thả chèo vừa cất giọng hò trầm lắng, ngân vang :
     “Hơ ơ hơ… ơ…ờ… hơ…
      Chiều chiều trước bến Văn Lâu,
      Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm,
      ơ hơ… Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông?
      hò hơ…ơ… Thuyền ai thấp thoáng bên sông,
      Đưa câu Mái đẩy, hò hơ…
      chạnh lòng nước non...”.

Nghe cô chèo đò vừa hò xong, tôi liền hỏi ba tôi:
“Lời của của bài hò này của ai đặt mà buồn rười rượi rứa ba?”
Ba tôi trả lời: “Bài hò xưa đó là do cụ Ưng Bình Khúc dạ thị sáng tác trong nỗi lòng tâm tư của cụ. Sau đó nhiều người cảm thấy hay và đem hò rồi trở thành quen thuộc với điệu hò Mái nhì ở Huế”.   

 Khi gần đến chùa Thiên Mụ, cô lái đò lại cất tiếng hò khoan thai trong trẻo:
    
     “Gió đưa cành trúc la đà,
     Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương.
     Thuyền về xuôi mái sông Hương,
     Có nghe tâm sự đôi đường đắng cay ?”…
   Ba tôi và tôi lặng im nhìn theo làn nước lăn tăn vỗ bên mạn thuyền do mái chèo khua nước lao xao mà lòng miên man nghĩ về tình người nhớ nhung, đa cảm mênh mang trên quê hương, đất nước...
   Ôi thật tuyệt vời! với điệu hò chứa chan bao nỗi niềm xúc cảm và lôi cuốn lòng người vào cõi tâm tư… Và dù cho ai đó tuổi đời già nua hay còn non trẻ đều man mác lắng sâu tâm tình vào dòng Hương Giang mơ mộng.
                                                   ==00==
     Trích Hồi Ký “DÒNG ĐỜI TÔI”, trong chương “Tuổi thơ ở Huế”