Thứ Sáu, 16 tháng 11, 2012

NHỚ VỀ NGÀY NHÀ GIÁO VN

   NHỚ VỀ “NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20-11”.
                                 **********
                                            Nguyễn Hồng Trân


Hàng năm, cứ đến ngày Nhà giáo 20 tháng 11 là bạn bè chúng tôi thường rủ nhau đến thăm các thầy cô giáo cũ của mình. Mặc dù chúng tôi bây giờ đều là trạc tuổi cũng cao trên 70 cả rồi. Trước đây lớp học trò cũ chúng tôi cũng có người làm chức nọ, quyền kia, địa vị này, địa vị khác... nhưng ai cũng thấm thía rằng “chức vụ, địa vị là tạm thời mà tình người là vĩnh viễn”. Bởi vậy mà chúng tôi không bao giờ quên ơn các thầy cô giáo cũ của mình. Các thầy cũng rất quý mến chúng tôi như thuở nào đang còn ngồi trên ghế nhà trường.
Lần nào chúng tôi đến thăm các thầy cô nhân dịp ngày nhà giáo, thầy cô rất vui mừng và xúc động. Có lẽ thầy cô nào cũng nhớ tới cái thời trống trường vang lên sớm chiều sinh động; cái thời thầy trò, trường lớp, bạn bè gắn bó với nhau mật thiết! Quên làm sao được những nét mặt, dáng đi, tà áo của các bạn đồng nghiệp; Quên làm sao được những ánh mắt, nụ cười hồn nhiên của các em học sinh ngây thơ, ngoan ngoãn và tinh nghịch.. Tất cả những hình ảnh, tâm hồn và tình cảm của những ngày học đường xa xôi ấy lại quay về trong tâm trí của các thầy cô rất êm đềm, sâu đậm..

Ôi ! thật là dễ thương và trìu mến ! Có lẽ cả không gian và thời gian ấy bao trùm lên những kỷ niệm thân thương, quý giá nhất của cuộc đời của thầy cô khi làm nghề dạy học. Thầy cô thường dạy bảo các em: “ Tiên học lễ, hậu học văn” ; dạy cho học trò biết luân lý, lễ độ; biết nhiều điều hay, lẽ phải và giàu lòng nhân ái,v,v...Thầy cô cũng thường nhắc nhở chúng tôi chớ đừng sống theo lối “Khi vui thì vỗ tay vào, đến khi hoạn nạn thì ào ào chạy ra” ,hoặc “vắt chanh bỏ vỏ” hay “Đánh trống bỏ dùi”...
Ở nhà trường, chúng tôi được các thầy cô dạy bảo nhiều điều lắm. Các thầy cô không những giảng dạy chúng tôi về những kiến thức văn hóa, khoa học mà dạy cả cách làm người, cách đối nhân xử thế, cách sống với đồng nghiệp và cộng động trong xã hội.
Giờ đây có nhiều thầy cô giáo của chúng tôi từ thời học Trung học phổ thông cho đến Đại học nay không còn trên đời nữa; Cũng có nhiều thầy cô giáo đã già yếu đang sống trong cảnh tuổi hạc chuyển sang những trang cuối với quỹ thời gian của cuộc đời không còn bao năm nữa. Tuy vậy, các thầy cô vẫn yêu đời, vẫn không ngừng suy nghĩ, đúc rút kinh nghiệm qua thực tế cuộc sống, góp ý kiến xây dựng cho Nhà nước, cho ngành giáo dục và đóng góp hữu ích cho những hoạt động của xã hội. Mặt khác có không ít thầy cô tuy tuổi già sức yếu vẫn nhiệt tình tâm huyết với nghề nghiệp còn tham gia giảng dạy,nghiên cứu khoa học, hướng dẫn luận văn, nhằm góp phần nào cho sự nghiệp giáo dục đào tạo các thế hệ sau tiếp tục rèn luyện đạo đức nhân tâm để cống hiến thực sự cho xã hội, đất nước.  Một số thầy cô đã chịu khó viết sách, viết báo để đóng góp cho đời những gì đã tích luỹ được trong những năm tháng giảng dạy ở nhà trường nhằm làm phong phú thêm vấn đề đào tạo cho thế hệ trẻ.
Tôi còn nhớ rất rõ những thầy cô rất đáng kính của chúng tôi thời ở trường cấp II, cấp III phổ thông và cả Đại học ở Bình- Trị -Thiên, ở Nghệ Tĩnh, ở Hà Nội mà chúng tôi đã học qua trước đây như các thầy Thân Trọng Ninh, Đặng Bá Đệ, Trần Nhu, Hoàng Huyền, Bùi Văn Nguyên, Nguyễn Công Tiến, Lê Trần Sửu, Trần Hữu Duy, Nguyễn Hoán, Nguyễn Hoàng Phương, cô Võ Thị Tri Túc, cô Ngọc Anh, cô Kim Anh,v.v… Các thầy cô luôn luôn vì học sinh thân yêu của mình mà đã vượt qua mọi khó khăn vất vả trong đời sống để tập trung trí tuệ, tâm huyết lo giảng dạy cho chúng tôi một cách tận tình, chu đáo. Nhờ vậy mà chúng tôi khi bước vào đời không bị hẫng hụt kiến thức lắm.
Những thầy cô đầy nhiệt huyết với nghề nghiệp giáo dục đào tạo như vậy thật đáng quý, đáng tôn vinh và kính phục biết bao!

Trong dân gian Việt Nam ta còn có câu: “Không thầy đố mày làm nên”. Câu này thật có ý nghĩa sâu rộng đối với cả trò lẫn thầy. Đối với học trò thì phải tìm thầy mà học cho đàng hoàng về mọi mặt cả ý thức làm người và cả văn hoá, chuyên môn nghề nghiệp. Còn đối với người thầy thì làm sao cho xứng đáng với danh dự thầy giáo, nghĩa là không có thầy hướng dẫn chỉ bảo, giảng dạy chu đáo thì học trò khó mà học tốt được; khó mà phát triển trí tuệ và tâm đức con người. Nói một cách thiết thực là không có người thầy thì dù học sinh có tự học theo sách giáo khoa và tài liệu thì cũng không thể hiểu sâu bằng khi có thầy giảng dạy trực tiếp. Vì vậy vai trò của người thầy phải thể hiện rõ nét trong học đường cũng như ngoài xã hội. 
Ngày nay, nền giáo dục của chúng ta đang đổi mới và phát triển toàn diện đồng thời bảo đảm chất lượng đào tạo. Hàng ngũ nhà giáo ngày càng nhiều và trọng trách thật nặng nề và cao cả trong sự nghiệp giáo dục đào tạo cho thế hệ tương lai của đất nước. Chắc chắn rằng các thầy cô ai cũng mong muốn trở thành “những người kỹ sư của tâm hồn” như Viện sĩ giáo dục sư phạm Nga Macarencô đã từng nói. Nếu được như vậy thì thật là danh dự cho vị trí nghề nghiệp của các thầy cô.
Nhưng hiện nay, trên thực tế của xã hội nước ta, không phải thầy cô giáo nào cũng rèn luyện, nuôi dưỡng được niềm vinh dự và tự hào ấy. Có những “con sâu đã làm rầu nồi canh” trong ngành giáo dục. Và giờ đây, cũng không ít loại sâu đã làm đau đầu cái danh dự hàng ngũ đồng nghiệp của các thầy cô. Chúng tôi nghĩ rằng, trong xã hội ta không lẽ nào vì nền kinh tế thị trường mà đã làm méo mó nhân cách quý báu và có truyền thống trong sáng, cao đẹp của các nhà giáo Việt Nam được.
Đạo đức, tinh thần và tình cảm của các thầy cô giáo vẫn mãi mãi là những tấm gương để chúng tôi noi theo; là những chấm son in đậm trong trí óc và tâm hồn của bao thế hệ học trò. Thế hệ trẻ nối tiếp nhau lên đường phụng sự cho nhân dân, Tổ Quốc để xứng đáng với công ơn dạy bảo thành người của các thầy cô.
Nhân dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo 20-tháng 11 năm nay, qua báo chí và đài phát thanh, chúng tôi xin gửi đến quý thầy cô đã về hưu và đương chức đang ở Huế nói riêng và khắp mọi miền của đất nước nói chung những tình cảm chân thành, thắm thiết, biết ơn và trân trọng nhất.
Nhân đây, chúng tôi xin nêu lại hai câu đối ngày xưa mà bạn bè học trò chúng tôi rất tâm đắc:
Học thầy, quý thầy, nghĩa nặng ơn đầy luôn ghi nhớ.
Chơi bạn, thương bạn, tình sâu đức rộng mãi chẳng quên”.
Và cũng xin kính gửi tặng các thầy cô một bài thơ:
              QUÝ NGHIỆP LÁI ĐÒ NGANG
         Nguyễn Hồng Trân (Đại học Huế)
(Kính tặng các thầy cô nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2012)

Làm nghề dạy học thật là sang!
Kiến thức giàu hơn cả bạc vàng.
Hạnh phúc học trò luôn quý mến,
Niềm vui giáo chức thật vinh quang.
Đưa đò tận bến cho yên ổn,
Chở khách sang sông phải vững vàng.
Chịu khó chèo thuyền vượt sóng gió,
Bền lòng quý nghiệp lái đò ngang…
                                NHT                                
                                ===000===
                                                                    
                                Phước Vĩnh, Huế ngày 1-11-2012
   

Thứ Tư, 14 tháng 11, 2012

TRAO ĐỔI VỀ VIỆC VIẾT GIA PHẢ...

TRAO ĐỔI VỀ VIỆC VIẾT GIA PHẢ DÒNG TỘC NGÀY NAY
                                       ==00==
            Nguyễn Hồng Trân (cựu GV. Đại học KH Huế)

Trong những năm gần đây, rất nhiều nơi trong nước ta rộ lên việc viết Gia phả của dòng tộc. Họ tộc nào cũng quan tâm đến vấn đề này, nhưng thuỳ theo điều kiện thực tế về nhân sự và tài liệu lưu trữ về dòng họ mình có tồn tại hay không mà việc tiến hành được thuận lợi hay khó khăn. Nói chung họ tộc nào cũng muốn có một quyển gia phả của họ mình để nối liền mạch đời của dòng họ, để cho con cháu biết rõ tổ tông mà lo thờ phụng và tu nhân tích đức, làm tròn bổn phận của con cháu đối với bà con họ hàng đang sinh sống và đối với các vị tiền liệt tổ tiên đã khuất. Dân gian ta có câu: “Chim có tổ, người có tông”, hay : “Uống nước nhớ nguồn”. Bởi vì mỗi người được sinh ra và lớn lên trên quê hương, đất nước mình thì cần phải biết gốc tích tổ tông, bà con họ tộc để duy trì, phát huy các truyền thống tốt đẹp của họ tộc mình mà giáo dục các thế hệ con cháu nối tiếp các đời sau luôn luôn vươn lên biết rèn luyện, phấn đấu trở thành những người tốt của dòng tộc, của quê hương đất nước. Nhất là đối với những người đi làm ăn sinh sống ở xa quê hương, xứ sở lâu năm thì con cháu họ cũng không rõ về bà con họ tộc, làng xóm mình như thế nào nữa. Và cứ thế dần dần họ như những người bị mất gốc tổ tông. Vì vậy việc viết gia phả là điều rất cần thiết để giúp cho mọi người trong gia tộc, họ hàng biết rõ ràng về mối quan hệ dòng dõi huyết thống của các đời con cháu nhằm gắn bó tình thân thiết với nhau được bền lâu hơn.

Ngày nay, việc thực hiện tạo lập một quyển gia phả có nhiều thuận lợi hơn ngày xưa về mặt in ấn, trang trí và trao đổi rút kinh nghiệm qua mạng để biên soạn   gia phả cho mau chóng và có kết quả tốt. Tuy vậy, việc viết thành công một quyển gia phả không phải dễ dàng. Chúng ta phải dày công tìm hiểu kỹ càng về bà con trong từng đời, từng chi nhánh của dòng họ để có được những thông tin, dữ liệu thật chính xác tin cậy mới viết được. Tất nhiên cũng không thể cầu toàn một thời gian ngắn mà có đầy đủ mọi thứ cần thiết mà có những cái có thể bổ sung thêm về sau. Những họ tộc nào đã có sẵn gia phả cũ rồi thì thuận lợi hơn nhiều. Vì đã có cái bản gốc và chỉ bổ sung thêm tỉ mỉ các đời nối tiếp về sau, cũng như phải hoàn chỉnh một số chi tiết còn thiếu ở các đời trước mà nay đã tìm được những cứ liệu chính xác thì nên đưa vào.

Muốn thực hiện được điều đó một cách khách quan, công bằng và toàn diện thì trước tiên họ tộc phải họp lại và đề cử ra một ban biên tập (nếu chưa có gia phả) hoặc tu chỉnh gia phả (nếu đã có gia phả). Ban này được các chi nhánh của dòng tộc cử ra gồm những người có am hiểu vấn đề và có tinh thần trách nhiệm với họ tộc về việc này.
Theo chúng tôi nghĩ, một quyển gia phả có giá trị là phải đạt được các yêu cầu sau:
1-Về hình thức:
Gia phả phải được trình bày trang trọng, sáng sủa, in rõ ràng, đẹp đẽ, giấy tốt, bìa chắc chắn.
2-Về nội dung:
Cần phải thể hiện đầy đủ các mục ghi cần thiết từ lời nói đầu đến các mục ghi cụ thể nhân sự theo từng đời riêng biệt, rõ ràng, súc tích để lưu truyền lâu dài cho các thế hệ con cháu mai sau.
Trong lời nói đầu của gia phả thì cần nêu cho được ý nghĩa, mục đích và yêu cầu của việc biên tập hoặc tu chỉnh bổ sung gia phả. Chúng ta không nên trình bày quá rờm rà nhiều chuyện xa xôi để gây bề thế, ấn tượng quan trọng cho gia phả họ mình mà không liên quan mật thiết đến họ tộc ở quê hương. Vì như thế sẽ làm loãng cái ý nghĩa, mục đích và yêu cầu của vấn đề đặt ra.
Còn việc ghi các nhân sự trong từng đời thì con cháu trai cũng như gái mang họ tộc mình phải ghi theo thứ tự anh chị được ghi trước, em sau. Phải thống nhất ghi như thế từ đầu đến cuối quyển Gia phả mà không được linh động đặc cách cho một đời nào cả, kể cả những người làm quan chức lớn hoặc phân biệt đối xử nam nữ trong gia đình. Chúng tôi đã thấy có một số gia phả lại không ghi theo thứ tự đó mà ghi con cháu trai trước, gái sau. Như thế là không đúng và khó biết được rành mạch các thứ lớp anh chị em con cháu nội ngoại về sau này.

Một điều cần lưu ý rằng, gia phả là để cho toàn thể con cháu trong họ biết nên nội dung cần phải khách quan, trung thực và dung hoà không mang màu sắc chính trị hoặc tôn giáo nặng nề; cũng không nên thêu dệt, đề cao họ tộc mình quá mức làm cho các họ khác trong làng không khâm phục và khó chịu.
Chúng tôi đã đọc tham khảo nhiều quyển gia phả trong và ngoài nước của một số dòng tộc thì thấy rằng có nhiều quyển viết khá tốt, hình thức và nội dung rất hài hoà, chất lượng. Trái lại có những quyển gia phả trông rất đẹp, rất đồ sộ nhưng nội dung thì quá rộng lớn, bắt nguồn từ những đời xa xôi. Như thế, con cháu cảm thấy xa vời mối quan hệ thiết thực gắn bó của dòng tộc ở quê hương. Như gia phả họ Ngô, gia phả họ Lê, gia phả họ Phan, gia phả Nguyễn Phước tộc v.v… Tất nhiên những quyển “Siêu gia phả” đó có giá trị và ý nghĩa rộng lớn của nó. Loại gia phả đó là gia phả “cao cấp” không thiết thực cho các dòng họ lẻ ở khắp các vùng của quê hương đất nước ta ngày nay.
Theo chúng tôi nghĩ, gia phả của dòng tộc chỉ cần ghi trong khoảng từ 15 đến 20 đời là tối đa, không nên viết lùi vào dĩ vãng quá xa xôi sẽ gặp nhiều chỗ hổng khó giải quyết. Trừ một số họ tộc đã có sẵn quyển gia phả cũ nhiều đời rồi thì mới dựa vào đó làm nối tiếp, còn nếu không thì Hội đồng của họ tộc nên bàn bạc thống nhất ý kiến chọn một ông cao tằng tổ nào đó có công với họ tộc để làm mốc đời thứ nhất trong gia phả rồi ghi xuống các đời tiếp theo sau thì cũng tạo được một quyển gia phả có giá trị.

3-Cách ghi trong gia phả: con cháu trai hoặc gái mang họ tộc đều ghi Họ tên, ngày tháng năm sinh, năm mất (ghi theo Âm lịch, chú thêm Dương lịch nếu biết), mồ mả ở xứ nào. Nếu con cháu trai thì vợ họ tên gì, sinh năm nào, con ai ở thôn làng nào, sinh hạ được mấy con (ghi rõ họ và tên các con kèm ngày tháng năm sinh). Nếu là con cháu gái mang họ tộc thì cũng ghi họ tên, ngày tháng năm sinh, năm mất, gả đi lấy chồng là ai, con cái nhà ai, ở thôn xã nào, có được mấy con, họ tên gì. Đối với con cháu gái chỉ ghi thế thôi là đủ rồi và chấm dứt. Còn con cháu trai thì tiếp tục ghi vào đời kế tiếp theo trong gia phả.

Lưu ý rằng, việc ghi thứ tự tên con cháu phải theo thể lệ gia tộc ngày xưa. Nghĩa là con thì mang họ cha và các con của bà vợ cả phải ghi trước các con của bà vợ sau không kể lớn tuổi hay nhỏ tuổi. Chúng tôi thấy một số quyển gia phả dòng tộc ghi thứ tự đưa con bà vợ hai nhiều tuổi hơn lên trước con bà vợ cả. Như thế là không hợp lệ. Trường hợp có con ngoài giá thú thì ghi sau cùng và có ghi chú là con của ai (nếu cần thiết, vì điều tế nhị mà dấu kín thì thôi).

Trong từng đời của gia phả, phải đánh số thứ tự từng người trên dưới  để dễ tìm kiếm và biết được số lượng chính xác của mỗi đời. Nhưng phải lưu ý rằng, khi ghi tên một người thì ghi kèm bên cạnh là con ông số mấy thuộc đời trước với bà nào. Bởi vì ngày xưa, một ông có thể có 2,3 vợ. Do đó, phải ghi rõ con với bà nào để con cháu về sau biết mối quan hệ bà con bên ngoại.  Như thế sẽ rất thuận tiện cho việc lập một gia phả điện tử hoặc một gia phả hình ảnh khi cần.
Xin nêu cụ thể một ví dụ về cách ghi như sau:
12.Nguyễn Bá Đàm-  Đ7, con trai thứ 2 của ông Khánh -số 16Đ6 (tức là số 16 thuộc đời thứ 6) với bà Lê thị Hoằng.
-Sinh ngày : 12-6 năm  Giáp Ngọ (1894); Mất ngày: 10-3- Tân Hợi (1971).
-Mộ tại xứ: Đồi An Lạc, thôn Phú Long, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. (Đã xây lăng có bia mộ cả ông và 2 bà).
      +a.Có vợ đầu là bà  Lê Thị Thướng : con ông Tú phủ Lê Thiếp và bà…?
-Người làng Cổ Thành, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
-Sinh ngày:…          năm Quý Tị (1893);   Mất ngày 13-11 năm Nhâm Tý (1912).
-Lăng mộ tại xứ đồi An Lạc, thôn Phú Long, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. (Đã xây lăng có bia mộ cả ông và 2 bà).
-Sinh hạ được 1 con trai là Nguyễn Chương 9 -11 năm Nhâm Tý (1912).
    +b. có vợ kế là bà Hoàng Thị Ngữ: con ông Lục phẩm Hoàng Quý và bà…? người làng Hội Yên, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị.
        -Sinh ngày: ?…năm Ất Mùi (1895); Mất ngày: 12-12 năm Mậu Thân (1968).
        Sinh hạ được 3 trai, 3 gái:
                 -Nguyễn Thị Liễn (Sn: Kỷ Mùi =1919, Mn: N. Thìn= 2012).
                -Nguyễn Thị Thiều (Sn: Tân Dậu =1921; Mn: Canh Thìn =2000).
                -Nguyễn Bá Bân (Sn: Quý Hợi =1923, )
                -Nguyễn Bá Quỳnh (Sn: Ất Sửu = 1925, )
                -Nguyễn Bá Khẹc (Sn: Đinh Mão =1927; Mn: Kỷ Tị = 1929)
                -Nguyễn Thị Ngoãn (Sn: Kỷ Tị = 1929; Mn: Canh Tý = 1960).
   
Ghi chú:Ông Nguyễn Bá Đàm là một thầy thuốc Đông y danh tiếng của huyện Hải Lăng; là người con trai nối nghiệp gia truyền thuốc Đông y của cụ thân sinh Nguyễn Bá Khánh-cựu quan ngự y thời vua Đồng Khánh (1885-1888). Được phong danh hiệu: “Hàn lâm đãi chiếu”
                                                      ====

Trong phần ghi chú, có thể nêu lên một số con cháu có học vấn (như kỹ sư, bác sĩ, ThS,TS, PGS, GS…) và có tài xuất sắc nghề nghiệp (như thợ mộc, thơ may, thợ thêu ren, thợ chạm trổ, thợ đúc mạ, kim hoàn, vận động viên thể thao, cầu thủ, v.v…), một số con cháu học giỏi đạt giải thưởng quốc gia, quốc tế thì cũng nên ghi chú thêm vào gia phả để khích lệ động viên các thế hệ nối tiếp sau thêm tự hào và noi gương theo. Mặt khác, cũng có thể ghi chú thêm về những nhân vật có sự nghiệp hoạt động chính trị (ghi cấp từ trưởng huyện trở lên), về nghiệp quân sự từ cấp Tá trở lên (cần ghi rõ Tá, Tướng của quân đội Quân đội Nhân Việt Nam hay quân đội Việt Nam Cộng hoà …).

4.Phần sơ đồ: Nên lập một sơ đồ gia phả, hoặc cây gia phả rồi đưa ra sau phần ghi xong cụ thể từng người trong các đời. Phần sơ đồ gia phả hay cây gia phả chỉ ghi tên đàn ông, không ghi tên đàn bà. Phần này phải làm sao cho khoa học, tạo lập thế nào cho dễ xem và hình dung được mối quan hệ bà con thân thuộc họ hàng.

5.Phần phụ lục: Phần này có thể đưa những cứ liệu, biểu đồ, tranh ảnh, văn tự chữ Hán, chữ Nôm còn lưu giữ được từ xưa tới nay có liên quan đến dòng họ để cho bà con trong họ và mọi người tham khảo, tìm hiểu.

Nói chung một quyển gia phả phải thể hiện được tinh thần đoàn kết trong họ tộc. Mọi người khi xem thấy yên lòng và tin cậy lớp con cháu càng về sau càng có nhiều ưu điểm và quý mến lẫn nhau. Dù cho bà con có ở xa hay gần cũng đều có quan hệ gắn bó với nhau trong tình cảm đại gia tộc thuận hoà thân thiết.

Nhìn chung, hiện nay rất nhiều họ tộc đã tạo lập được quyển Gia phả của họ tộc mình hoặc bổ sung tu chỉnh lại cho đầy đủ chính xác một cách thận trọng, chu đáo. Tuy nhiên, cũng có nhiều họ tộc ở làng quê vẫn chưa có điều kiện làm được quyển Gia phả cho đúng nghĩa của nó mà chỉ như là quyển sổ ghi chép lại tên tuổi, nghề nghiệp, địa chỉ v.v… của con cháu trong họ để mà biết mối quan hệ bà con dòng tộc mình mà thôi.
Mặt khác, lại có một số ít dòng tộc có khả năng và điều kiện chủ quan và khách quan nhưng lại không có ai có vai vế uy tín trong họ tộc để quan tâm chủ trì vấn đề biên tập hoặc tu chỉnh, bổ sung gia phả thật tích cực, nhiệt tình. Vì thế nên thời gian cứ trôi qua hết năm này đến năm khác mà vẫn chưa thực hiện được nguyện vọng của bà con trong dòng tộc có được một quyển Gia phả cho thật đàng hoàng, tử tế.
Để thực hiện tốt được việc này, chúng ta có thể tham khảo thêm trên mạng Internet về mục Gia phả Việt Nam để tìm ra phương thức thích hợp nhất cho quyển Gia phả của họ tộc mình.

Hy vọng rằng, càng về sau này, người ta sẽ học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau để có thể họ tộc nào cũng tạo lập được một quyển Gia phả của dòng tộc mình một cách đầy đủ, rõ ràng hoành tráng.
           
                                                                N.H.T                      
          
  Phước Vĩnh, TP. Huế, Quý Xuân năm Kỷ Sửu =2009


Ghi chú: 1.Bức ảnh trên là bìa của quyển Gia phả tộc Nguyễn Bá ở làng Phú Long , Hải Phú, Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị -đã in ấn lưu hành nội tộc vào năm Nhâm Ngọ =2002. Làng này là xuất xứ từ gốc làng Phú Xuân ở Huế ra lập nghiệp tại tỉnh Quảng Trị.
2. Bài này đã được đăng trong tạp chí XƯA &NAY số 329 -2009.

Thứ Ba, 13 tháng 11, 2012

"BỠN NHÂN TÌNH"-dị bản thơ vui của Nguyễn Công Trứ

 Bài thơ vui “BỠN NHÂN TÌNH”
          của Nguyễn Công Trứ.
                     ******

             Tau ở nhà tau, tau nhớ mi
             Nhớ mi nên phải bước chân đi
             Không đi mi nói răng không đến
             Đến thì mi nói đến mần chi?
             Mần chi, tau chẳng mần chi được!
             Mần được, tau đã mần lắm khi...
             Tau ngó mi hoài, mi nỏ thốt
             Mi nhìn tau mãi cứ cười khì
             Làm tau lúng túng như thằng dại
             Tau buồn ra cửa định chia ly
             Mi dằng tay tau rồi mi nói :
             «Thôi dừng buồn nữa, cứ mần đi !..." 
                              ==00==      
Ghi chú: Đây là dị bản cuối cùng rất vui và rất hay . Vì Nguyễn Công Trứ là người Hà Tĩnh nên ông dùng ngôn từ thông dụng của dân gian miền Trung như : « mi » là mày, « tau » là tao, « răng » là sao, « chi » là gì, « mần » là làm, « nỏ » là chẳng, là không, « thốt » là nói...

Những người dân miền Trung khi đọc những vẫn thơ này thì phải bật cười rất vui vì họ quá hiểu những từ ngữ địa phương mình, nhưng dân miền Bắc thì nhiều người chưa hiểu về các từ ở thổ địa miền Trung như đa nói trên. 
Thực ra bài thơ này của Nguyễn Công Trứ lúc đầu chỉ có 6 câu trên. Sau đó không hiểu ai đã ghi tiếp thêm vào 6 câu nữa tạo ra một dị bản làm cho bài thơ thật hoàn hảo ý tứ, đúng là « BỠN NHÂN TÌNH » như tác giả đã đặt đầu đề.

Cám ơn cụ Nguyễn Công Trứ đã để lại cho dân gian trần thế một bài thơ vui rất hay và tác giả nào đó đã thêm vào mấy câu sau của chính bản bài thơ để thành một dị bản sau cùng của bài thơ thêm ý vị hài hước thật là hay tuyệt !
Cám ơn cụ Nguyễn Công Trứ đã để lại cho dân gian trần thế một bài thơ vui rất hay và tác giả nào đó đã thêm vào mấy câu sau của chính bản bài thơ để thành một dị bản sau cùng của bài thơ thêm ý vị hài hước thật là hay tuyệt !
Chúng ta đọc lên nghe thật là thú vị, bởi bài thơ đã gợi lên hình ảnh đôi tình nhân tâm sự mộc mạc với nhau với hàm ý rất thẳng thắn và thực lòng...
Nguyễn Hồng Trân (cựu GV Đại học Khoa học Huế) sưu tầm và giới thiệu để bạn đọc xem cho vui.

Thứ Hai, 12 tháng 11, 2012

BÀN THÊM VỀ VIỆC DỊCH THUẬT VĂN THƠ

        BÀN THÊM VỀ CHUYỆN DỊCH THUẬT VĂN THƠ
                Nguyễn HồngTrân                                               
                                           ==00==   

Vấn đề dịch thuật từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt là việc không dễ; nhất là dịch các thể loại văn thơ lại càng khó rất nhiều. Muốn xác định một bản dịch thuật tốt hay không thì phải căn cứ vào mấy tiêu chí sau:
1.Nội dung bản dịch có bám sát với nội dung nguyên bản từng câu của ngôn ngữ ấn hành.
2.Dịch giả có trình độ ngoại ngữ đó phải vững vàng, thông thạo.
3.Dịch giả có am hiểu về lĩnh vực ngành nghề, khoa học- kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật… mà trong văn bản hoặc sách báo ngoại văn cần dịch.
Nếu dịch thuật về văn thơ, về các thể loại nghệ thuật thì dịch giả phải là người có năng khiếu về lĩnh vực đó mới có thể dịch lột tả được cái ý tứ, linh hồn của bài thơ hay câu văn của tác giả. Đặc biệt dịch thơ từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt là rất khó, còn dịch ngược từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài lại càng khó hơn nhiều. Trong thực tế có hiện tượng bài dịch thơ rất hay, nghe rất xúc động, tình cảm hay lắm, nhưng cũng chưa thật sát với nội dung nguyên bản lắm. Tất nhiên chúng ta không nên đòi hỏi dịch giả phải sát nguyên bản 100%. Điều đó là không tưởng! Tuy vậy nội dung, ý tứ của bài thơ ít nhất cũng phải đạt tới 60-70%. Nếu chỉ đạt ít hơn 60% thì bản dịch chưa đạt yêu cầu; Nếu chỉ đạt từ 50% và ít hơn thì bản dịch tồi.
Vấn đề dịch thuật nói chung là một quá trình chuyển ngữ rất tinh vi và sinh động. Người dịch thuật phải có một vốn về ngôn ngữ; phải có kỹ năng và kỹ xảo chuyển hóa ngôn ngữ của từng thể loại văn thơ cho phù hợp với ngữ cảnh và tâm hồn của nhân vật trong thơ. Vấn để chuyển tải vào bản dịch của mình cho bạn đọc được cảm nhận phải mềm mại, thấm thía chứ không cứng nhắc, trục trặc và tối nghĩa.
 Ngày nay, có nhiều bạn trẻ rất có năng khiếu ngoại ngữ nhưng lại rất yếu về ngôn ngữ Việt. Do đó làm hạn chế rất nhiều cái linh hồn ý vị của bài thơ hoặc bài văn trong những bản dịch của họ. Thậm chí có bạn trẻ có học vị tiến sĩ, có trình độ ngoại ngữ nhưng dịch một câu thơ không ra thơ, đọc lên nghe rất cứng đờ, không còn gì là thơ nữa.
 Dịch thơ và dịch lời trong bản nhạc thì khác với dịch văn xuôi. Dịch văn xuôi trước tiên là phải dịch đúng nội dung và ngữ nghĩa từng câu, sau đó mài dũa thành dòng văn Việt; còn dịch thơ thì không nhất thiết phải đúng nguyên văn từng câu, từng chữ mà chỉ cần đúng nội dung và ý nghĩa trong đoạn thơ của tác giả là được. Nếu bản dịch càng sát với nguyên văn từng câu thì càng tốt. Nhưng thực tế cho thấy dịch được một bài thơ như thế là rất hiếm.
Sau đây tôi xin dẫn chứng một vài đoạn về dịch thơ của nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ “ĐỢI ANH VỀ” của một nhà thơ Nga –Simonov:
 Nguyên bản tiếng Nga ở đoạn đầu của bài thơ như sau:
     Жди меня
Жди меня, и я вернусь.
          Только очень жди,
Жди, когда наводят грусть
Желтые дожди,
Жди, когда снега метут,
Жди, когда жара,
Жди, когда других не ждут,
Позабыв вчера.

Nghĩa là:     Hãy đợi anh
                   Hãy đợi anh, rồi anh sẽ về.
          Hãy cứ đợi nhé.
          Hãy đợi, khi lòng buồn tái tê
          Dù mưa rơi chiều vàng
                   Hãy đợi, khi tuyết rơi ngập tràn,
                   Hãy đợi, khi nắng cháy,
                   Hãy đợi,khi không còn ai đợi chờ
                   Dù họ ngày qua đã quên rồi…

Ngôn ngữ Nga là thế, dân Nga người ta hiểu tình thơ và ý tứ qua những câu đó với dòng thơ của họ. Khi Tố Hữu dịch sang tiếng Việt qua bản tiếng Pháp (vì Tố Hữu không biết tiếng Nga), ta thấy nó vẫn  lưu giữ được nội dung mà lại hay thêm nhiều. Vì hồn thơ nó phù hợp với tình cảm dòng thơ Việt.
Đoạn này, nhà thơ Tố Hữu đã dịch lại từ bản dịch tiếng Pháp như sau: 

Em ơi đợi anh về
Đợi anh hoài em nhé
Mưa có rơi dầm dề
Ngày có dài lê thê
Thì em ơi cứ đợi
Em, em ơi cứ đợi
Dù tuyết rơi bão nổi
Dù nắng cháy em ơi
Bạn cũ có quên rồi
Đợi anh hoài em nhé.

Đoạn này tiếng Pháp là:
 Attends-moi
(Simonov, 1941)

Si tu m'attends, je reviendrai,
Mais attends-moi très fort.
Attends, quand la pluie jaune
Apporte la tristesse,
Attends quand la neige tournoie,
Attends quand triomphe l'été
Attends quand le passé s'oublie
Et qu'on attend plus les autres.
Attends quand des pays lointains
Mặc dầu trong đoạn này bằng tiếng Nga hay tiếng Pháp đều không có câu « Ngày dài lê thê » mà chỉ có câu với ý là buồn. Nếu thế thì nên dịch là  « lòng có buồn lê thê » thì sẽ hay hơn.
Tố Hữu cho điệp khúc lại câu “Đợi anh hoài em nhé” cũng làm tăng thêm lời dặn dò của người chiến sĩ ở ngoài mặt trận rất tha thiết muốn được gặp lại người vợ ở quê nhà sau chiến tranh kết thúc. Tố Hữu dùng chữ “hoài” ở đây là cứ đợi mãi rất hợp tình cảm. Chứ không phải chữ “hoài” là hoài phí như một vài bạn người miền Bắc Việt Nam(tôi không tiện nêu họ tên) hiểu nhầm, không năm vững được ngôn từ tiếng Việt và đã phê phán Tố Hữu dịch không đúng.
Mặt dầu đoạn này có một vài câu, vài từ không sát nghĩa lắm(như đã nêu trên) nhưng cũng lột tả được tình ý của nội dung đoạn thơ và chúng ta cảm thấy rất hay.
Tôi xin dẫn chứng một đoạn cuối bài thơ để chúng ta thấy rõ thêm về cách dịch của Tố Hữu.
Đoạn cuối của bài thơ nguyên bản tiếng Nga như sau:
 Как среди огня
Ожиданием
своим
Ты
спасла меня.
Как я выжил, будем знать
Только
мы с тобой,
-Просто ты умела ждать,
Как никто другой.

Nghĩa là:  Trong lửa đạn chiến tranh
Bởi lòng mình mong đợi
Như em đã cứu anh
Sao anh đã không chết
Vì chúng ta sẽ biết
Chỉ chúng ta với nhau
Chẳng có ai khác hơn
Chỉ một điều giản đơn
Em đã biết chờ đợi.
Trong đoạn cuối của bài thơ “Đợi anh về” này, Tố Hữu đã dịch như sau:
Tan giặc bước đường quê
Anh của em lại về
Vì sao anh chẳng chết
Nào bao giờ ai biết
Có gì đâu em ơi
Chỉ vì không ai người
Biết như em chờ đợi.

Đoạn này trong bản dịch tiếng Pháp là :

En plein milieu du feu,
Ton attente M'a sauvé.
Comment j'ai survécu,
seuls toi et moi
Nous le saurons,
C'est bien simple,
tu auras su m'attendre,
comme personne.

Tuy mấy câu cuối này của bài thơ không sát nghĩa từng câu, từng từng từ với nguyên bản tiếng Nga lắm(vì Tố Hữu dịch qua tiếng Pháp), nhưng cũng bảo đảm nội dung và ý tứ rất phù hợp và khi đọc lên, chúng ta nghe thật tình cảm và hồn thơ rất hay.
Theo tôi nghĩ, dịch thơ là như vậy. Phải đảm bảo nội dung trong từng đoạn và thể hiện được linh hồn của thơ chứ không phải cân đo từng lời, từng chữ được.
          Một bản dịch hay hoặc dở thì bạn đọc sẽ bình luận, phán xét và nó sẽ được tồn tại lâu, nếu bản dịch hay và ngược lại, nếu dở thì sau một thời gian rất ngắn nó sẽ bị lãng quên.
                                                       NHT

Thứ Sáu, 9 tháng 11, 2012

KÝ ỨC VÀ THỜI GIAN (chùm thơ xướng họa)

CHÙM THƠ XƯỚNG HỌA CỦA NGUYỄN HỒNG TRÂN VÀ CÁC TÁC GIẢ

Bài xướng:        KÝ ỨC VÀ THỜI GIAN
              Nguyễn Hồng Trân (Huế)
Tình yêu sống mãi với thời gian
Ký ức trong tim cứ ngập tràn
Thuở ấy lơ là không gắn kết
Bây giờ hối tiếc đã tiêu tan
Người xưa lặng lẽ trao câu hát
Bạn cũ râm ran tặng điệu đàn
Thương nhớ triền miên lòng thắt lại
Cuộc đời chìm nổi đã sang trang...
                   Phước Vĩnh, tp.Huế 2012

Bài họa 1:           NỖI LÒNG
Nghe trong tĩnh mịch của không gian
Một khúc tình ca -giọt lệ tràn
Tháng lụn, hồn xưa buồn chẳng dứt
Năm tàn, dạ cũ nhớ chưa tan
Văn Quân nức nở vì cung nhạc
Tư Mã chua cay bởi tiếng đàn
Có phải lòng em còn gắn bó
Cho dù sách đã lật qua trang !..
         Thy Lệ Trang (Hoa Kỳ)

Bài họa 2:  TÌNH THƠ CHAN CHỨA
                  ==00==
Thời gian trôi mãi giữa không gian
Tỉnh giấc mơ xưa giọt lệ tràn
Giấc mộng Nam Kha vừa chấm dứt
Tơ lòng Từ Thức vẫn chưa tan
Chôn vùi ước vọng trong câu hát
Say đắm mộng mơ với nhịp đàn
Ký ức quay về trong chốc lát
Tình thơ chan chứa cả ngàn trang.
                  Thanh Trương

Bài họa 3:     TÌNH BẤT TUYỆT
                              ==##==
           Cuộc đời sắp mãn với thời gian
           Thương nhớ trong ta mãi ngập tràn
           Duyên cũ mong manh mà bất hũ
           Tình xưa ngắn ngũi vẫn không tan
           Xuân qua hoa nỡ mơ hình bóng
           Thu đến lá bay nhớ tiếng đàn
           Vật đỗi sao dời,tình bất tuyệt
           “Sách lòng” đêm nhớ dở từng trang
                                    Mạnh-Trương
                                 Washington DC/USA


Bài họa 4:                DỖI HỜN

Nặng nghĩa phu thê chớ dối gian!
Tâm tư u uất đẫm mi tràn
Sương đông giá buốt luôn mong hợp
Nắng hạ oi nồng chẳng muốn tan
Nỗi nhớ đong đầy qua khúc nhạc
Niềm thương khắc khoải dưới cung đàn
Nàng ơi! thứ lỗi cho anh nhé!
Thắm lại môi cười chút điểm trang.
                                  Như Thu

Bài họa 5:     LẠC BƯỚC PHƯƠNG NGÀN
Sâu thẳm nỗi niềm giữa thế gian
Hằng đêm thổn thức ngấn mi tràn
Cửa Tùng khuất nẻo hồn chất ngất
Dốc Miếu lặng tình dạ nát tan
Ngơ ngẩn đường làng bao dấu tích
Trầm tư góc phố những cung đàn
Bóng em như cả trời thu nhỏ
Sắc diện tươi hồng chẳng điểm trang
                                     Linh Đàn


Bài họa 6:              NGÀY ẤY BÂY GIỜ
Thuở ấy biết gì chuyện dối gian,
Học hành sinh hoạt thú vui tràn.
Hậu phương bám trụ xây quê mới,
Tiền tuyến lên đường phá giặc tan.
Gặp vụ ra đồng rèn ngón cấy,
Vào hè đến lớp luyện tay đàn.
Cuối đời gặp lại cùng tâm sự,
Chuyện cũ dông dài kể mấy trang . . .
              Võ Làng Trâm(Nha Trang)

Bài họa 7 :                    ÔI, NHỎ !
Một hôm nhỏ đến với trần gian
Ủy mỵ, đa mang ngấn lệ tràn
Cỏ biếc sau vườn thêu cúc dại   
Trời trong trước ngõ dệt sương tan     
Im nghe gió thoảng ngân chuông tóc
Mải hát cung tơ lạc phím đàn     
Ờ, nhỉ ? giao mùa  mừng tuổi ngọc
In hoài nỗi nhớ giở từng  trang
                       Lê Liên (Đà Lạt)
                         
Bài họa 8:                TÌNH QUÊ BAO ĐỘ

Hương quê ngào ngạt giữa không gian
Cho dẫu bão giông cứ chực tràn
THẠCH HÃN niệm ân dòng tỏa sáng
Ô LÂU bi mẫn nẻo lìa tan
CÂY ĐA đò thác lòng hiu quạnh
BẾN CỘ chim mơ tiếng họp đàn
QUẢNG TRỊ men tình xưa vẫn dậy
Hoa đây vẫn tỏa nét đài trang.
               Lê Đăng Mành (Quảng Trị)