Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

BỨC TƯ NGỎ CHO CÁC EM HS...

                           
                THƯ NGỎ CHO CÁC EM HỌC SINH
   CHUẨN BỊ VÀO MÙA THI ĐẠI HỌC & CAO ĐẲNG -2013

Cứ hàng năm, vào khoảng tháng 4 thì nộp hồ sơ thí sinh thi vào các trường Đại học và Cao đẳng. Đầu tháng 7 là mùa thi đại học với bao nỗi lo âu của các thí sinh và cả thân nhân gia đình của họ. Nhiều thí sinh đã từng nhớ câu:
Con ơi nên nhớ câu này:
“Có công mài sắt có ngày nên kim”.
Nhưng nếu mài sắt mà không biết mài thì lấy đâu mà thành kim được! Đó chỉ là lời khuyên của dân gian đối với mọi người cần phải kiên trì, chịu khó mới có thành công. Đấy là một triết lý tổng quát của thế gian về nhân quả mọi hành động dưới góc độ lao động của con người, kể cả lao động chân tay và lao động trí óc.
Các thí sinh đã chuẩn bị hành trang cho mùa thì này rồi. Thí sinh nào cũng lo lắng cả, học giỏi cũng lo, học yếu lại càng lo. Lo là phải thôi, tâm trạng chung đều như thế. Nhưng vấn đề ở đây là nên lo toan chuyện nên thi vào trường nào, ngành nào cho phù hợp với khả năng học lực của mình và tương lại nghề nghiệp lâu dài… Đó mới chính là cái đáng lo. Còn chuyện sắp bước vào kỳ thi vào các trường Đại học cũng không phải ngỡ ngàng gì về hình thức, thủ tục thi cử vì đã trải qua một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học rồi. Các em chỉ lo lắng về nội dung các đề thi có vượt ra ngoài bộ nhớ kiến thức của các em không; các em cũng rất lo về kỹ năng và kỹ xảo làm bài của mình không đạt với yêu cầu của đáp án đề thi; hoặc có những câu đòi hỏi suy luận rất khó mà các em chưa từng được tập dượt ở trường THPT, v.v…
Những điều băn khoăn lo lắng của các em như thế cũng phải thôi. Nhưng vấn đề quan trọng của các thí sinh trước khi đi thi đại học là phải chuẩn bị đầy đủ những kiến thức và kỹ năng, kỹ xảo làm bài. Tất nhiên các em đã biết như thế rồi và thầy cô cũng dặn cả rồi. 
Với tư cách làm một giảng viên lâu năm của trường Đại học và đã từng ra đề thi, làm đáp án và chấm thi qua nhiều kỳ thi đại học, thầy xin trao đổi với các em thí sinh một số điều chủ yếu để các em vận dụng nhằm chuẩn bị cho việc thi vào đại học có kết quả tốt.
Cụ thể một số điều cần chú ý như sau:
1-Phải rà soát lại một vài lần về nội dung các kiến thức đã học trong chương trình bắt buộc phải học.
2-Phải thực hành cách giải quyết một số câu lý thuyết khó hay bài tập khó cho thành thạo để xem mình còn vướng mắc hay còn lúng túng chỗ nào không để tìm cách khắc phục. Có như thế mới dễ nhớ. Điều này các em phải làm thực sự từ A đến Z mới thấm nhuần và khó quên, chứ không nên làm qua loa thấy không có gì phức tạp rồi cho qua thì đến khi vào thi thực sự sẽ lúng túng và có chỗ quên thì gay go đấy. Điều này không ít thí sinh đã mắc phải. Đây cũng là cách kiểm tra lại kỹ năng, kỹ xảo làm bài của mình đến thuần thục chưa.
3-Phải biết cách chọn ý , lựa lời đưa vào nội dung bài làm thật rành mạch, đầy đủ. Phân biệt cho được các ý chính, ý phụ để đưa vào trước vào sau thế nào cho hợp lý, nhất thiết không trình bày dài dòng hoặc trùng lặp lời và ý. Không nên quá thuộc lòng bài mà viết nguyên xi từng câu, từng chữ như trong sách giáo khoa. Trừ những trường hợp kết luận một học thuyết, hoặc phát biểu một định lý, một lời trích dẫn thì cần chính xác từng câu chữ.
4-Đối với các môn thi theo tự luận như môn lịch sử, như văn học thì các thí sinh cần phải biết vận dụng kiến thức vào bài làm một cách thoả đáng, có chiều sâu. Nghĩa là phải biết phân tích, tổng hợp ý nghĩa vấn đề theo một quan điểm nhất quán đã được học.Muốn vậy, ngoài việc học thuộc các nội dung chương trình PTTH còn phải tự mình tìm tòi các vấn đề liên quan đến các chủ đề đó để có thêm chất liệu khi cần minh hoạ cho nổi bật ý tứ phân tích, đánh giá.

5-Đối với làm bài thi môn văn, chúng ta cần phải chú ý đến cả hình thức và nội dung bài viết. Phần nội dung phải chặt chẽ, ý tứ gắn kết với nhau một cách sinh động, sâu sắc.Phần hình thức là cách trình bày lời văn phải suôn sẻ, đọc lên nghe thật hàm xúc và tạo ấn tượng cho người đọc cảm tình với lời lẽ nhẹ nhàng, lưu loát hoặc là có lý lẽ giãi bày rạch ròi hợp với văn phong trong hoàn cảnh và tình huống cảm nhận một vấn đề, một tác phẩm văn học. Muốn đạt được kỹ năng đó, các em phải luyện tập từ ở nhà thật chu đáo. Trong thực tế có nhiều em thí sinh rất có kinh nghiệm chuẩn bị khá tốt cho phần thi văn của mình. Ngoài những trang bị nội dung kiến thức trong chương trình học ra, các em đã tự mình tìm tòi, nghiên cứu rồi viết thành một loạt các câu nhập đề và kết luật theo một số tình huống đề tài bài thi văn thường gặp. Chẳng hạn như về đề tài quê hương, đất nước; về lao động sản xuất; về cá nhân anh hùng; về tình cảm đời sống v.v… Thế rồi khi gặp loại nào cũng có thể gia giảm chút ít cho phù hợp với bối cảnh là có thể tạo thành những câu nhập đề hoặc kết luận rất hợp lý ý tứ và trôi chảy dòng văn. Nếu không chuẩn bị như thế các em sẽ lúng túng mất khá nhiều thời gian cho phần nhập đề, kết luận mà lại hành văn không gắn kết trôi chảy theo nội dung và vấn đề giải trình hay lập luận.
6-Đối với các môn khoa học tự nhiên như Toán Vật lý, Hoá học, Sinh học v.v…  đề thi theo lối tự luận hay trắc nghiệm thì cần chú ý đến khâu làm bài tập. Phải tập giải nhiều bài tập với các dạng khác nhau ở nhà cho thành thạo. Các em nên giải hoàn chỉnh từng loại bài từ đầu đến cuối để rút ra cách giải cho gọn. Có như thế khi vào thi thật thì mới khỏi lúng túng. Nhất là môn Toán thì chủ yếu giải các bài toán sao cho mạch lạc và có lý để người chấm thi thấy được kỹ xảo làm bài. Các em nên giải theo lối cơ bản. Nếu có biết lối giải tắt thì nêu sau, nếu còn thì giờ. Nói chung, các môn khao học tự nhiên thì phần lý thuyết không nhiều và không khó, nhưng phần bài tập thì có nhiều câu lắt léo để thử sức trình độ thí sinh. Do đó các em phải đọc kỹ và làm nháp cẩn thận, rồi xem đáp số có hợp lý không, bằng cách đưa đáp số thử ngược lại xem có khớp với dữ liệu hay không thì biết đáp số đúng hay sai.
7-Đối với các môn thi theo lối trắc nghiệm như tiếng Anh, tiếng Pháp… thì các em cần phải tạo cho mình một cái vốn từ vựng, các loại từ cũng như cú pháp thật chắc chắn, đồng thời phải ôn luyện nhiều dạng câu mẫu đủ các tình huống thì khi giải quyết các câu trắc nghiệm không phải lúng túng suy nghĩ lâu. Câu nào dễ thì nên làm trước sau đó sang câu khó. Các em không nên chần chừ khi thi theo lối trắc nghiệm mà không đủ thời gian. Lưu ý phải đọc kỹ các câu khác để tìm thấy mối liên quan mà có thể trả lời đúng câu kia.

Nói tóm lại, muốn thi vào các trường Đại học đạt hiệu quả tốt, các em phải khổ luyện ôn tập và làm bài nhiều để nắm vững phần lý thuyết và thực hành một cách nhuần nhuyễn, thành thục mới có thể cạnh tranh so tài trong thi tuyển vào trường đại học. Mấy điều thầy nêu trên để gợi ý cho các em tham khảo vận dụng ôn tập cho thích hợp. Điều đó chẳng qua là trợ giúp cho các em về cách nạp năng lượng tri thức và xử lý năng lượng ấy sao cho thiết thực chứ không phải thay thế cho vốn kiến thức của các em đã học được.
Các em cố giữ gìn sức khoẻ để chuẩn bị chu đáo cho mùa thi vào các trường Đại học và Cao đẳng năm nay có hiệu quả.
Chúc các em vượt qua đợt thi này thành công mĩ mãn.
                                       ===00=== 
               Nguyễn Hồng Trân(Cựu GV Đại học Huế)

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2013

HOÀNG HÔN TRÊN SÔNG QUÊ

    HOÀNG HÔN TRÊN SÔNG QUÊ
Hoàng hôn trên sông quê
Đợi thuyền ghe trở về
Cập bến bờ thương nhớ
Man mác hồn say mê…
                **
Ánh hồng xuống chân trời
Băng qua những sông suối
Tìm mặt nước chơi vơi
Đắm mình trong khát vọng                
                **
Hoàng hôn đang thầm lặng
Thủ thỉ với mây trời
Rụt rè như e thẹn
Ta muốn nhìn mãi thôi.
                 **
Những chiều hè vẫn thế
Ta đợi hoàng hôn về
Nhìn mặt nước ánh hồng
 Gợi cảm mối tình quê.
                **
Em ơi, anh biết lắm
Hoàng hôn là hết nắng
Nhưng còn nắng trong lòng
Tối khuya càng thêm ấm.
                **
Trong những đêm thanh vắng,
Ai hiểu được mặt trời.
Đem hoàng hôn đi đâu?
Để con trùng than thở…
                **
Da diết lắm em ơi!
Trời xa xôi, vời vợi .
Đất mong mỏi, hoàng hôn.
Qua đêm dài yên tĩnh.
                 **
Sáng sớm cỏ đầy sương.
Long lanh dưới mặt trời.
Như muôn ngàn viên ngọc.
Cứ lặng lẽ rơi rơi.
                 **
Thấm xuống đất mãi hoài...                
Em ơi, ai có hiểu
Anh mong điều kì diệu:
Em hiểu hết lòng anh.
                 **
Anh ước thành sương rơi
Trên tóc em hóa ngọc
Khi bình minh chiếu rọi
Lấp lánh giữa đất trời...            
                                    *****

                                                                      Nguyễn Hồng Trân

Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

CẢM  XÚC VỀ BỨC THƯ NGƯỜI MẸ GỬI CHO CON GÁI  
                                          ==00==  
                             Nguyễn Hồng Trân- sưu tầm và giới thiệu
 
Huế ngày 5-3-2013
Con gái Phong Lan thương yêu của mẹ!
Nhân dịp ngày Phụ nữ VN 8-3 năm nay, mẹ lại nhớ đến con- con gái đầu lòng của mẹ hằng năm cứ đến ngày 8-3 con đã thường xuyên chúc mừng mẹ, bà nội, bà ngoại và các cô dì ở quê nhà, mặc dù con sống với gia đình riêng ở nơi xa.
Con ơi, mẹ còn nhớ rất rõ những ngày con còn là một nữ sinh của  trường Quốc học Huế, con rất vui sướng nhận được những bông hoa tươi của các bạn nam cùng lớp 12 đến tặng, con lại đem về tặng lại mẹ rồi còn mua quà biếu mẹ thêm nữa làm cho cả hai mẹ con đều vui vẻ trong dịp 8-3.
Năm sau đó con vào học trường Đại học Ngoại ngữ ở Hà Nội cũng vậy, năm nào đến ngày 8-3 con cũng chúc mừng mẹ và bà con những lời thân thương trìu mến. Thời gian học tập ở Hà Nội và sống chung với bạn bè cùng lớp ở ký túc xa, mẹ nghe các bạn của con luôn khen con biết sống đoàn kết vui vẻ với bạn bè, biết tôn kính các thầy cô và mọi người ở trường. Thế là tốt. Cuộc đời sinh viên của con lúc bấy giờ cũng còn khó khăn, thiếu thốn. Vì ba mẹ lúc ấy cũng nghèo, không lo cho con ăn mặc được đầy đủ mà học hành thì vất vả nên con có gầy đi làm cho ba mẹ rất lo cho sức khỏe của con và thương con vô cùng!... Nhưng rồi con đã vượt qua được bao khó khăn, khổ cực để học hành thành công rồi tốt nghiệp ra công tác.
Bây giờ đây con đã có gia đình riêng, con cũng đã trở thành người vợ hiền, dâu thảo, người mẹ đôn hậu dễ thương… Mẹ thường được nghe chồng con khen con nấu ăn ngon, biết dạy con cái học hành, lễ phép, mẹ rất vui mừng. Mặt khác, ông bà thông gia cũng không có gì phàn nàn về con mà lại cũng khen con ngoan, biết đối nhân, xử thế một cách phù hợp với đối tượng và tình hình thực tế. Điều đó mẹ càng yên tâm về con. Như vậy là con đã biết giữ ngọn lửa tình cảm ấm cúng trong gia đình rồi đấy.
Nhưng như thế vẫn chưa đủ với tinh thần và ý thức làm người của một cán bộ khoa học trong thời ngày nay con ạ. Người phụ nữ trí thức ngày nay phải biết làm tốt việc trong nhà và cũng tốt ra cả việc cơ quan xã hội nữa. Mẹ muốn con phải biết vươn lên trong cuộc sống hiện tại và nghĩ đến cả tương lai. Muốn vậy, con phải không ngừng học hỏi, rèn luyện chuyên môn cho phát triển kỹ năng và tăng nhanh kỹ xảo. Mặt khác, con phải có ước mơ hoài bão chính đáng phù hợp với khả năng sở trường của mình để phấn đấu tích cực mới hy vọng thành công. Mẹ rất tin tưởng khả năng của con có thể thực hiện được những ước mơ của mình để làm cho chất lượng cuộc sống ngày được nâng cao.
Mẹ còn nhớ rõ là những năm con học trường phổ thông ở Huế, con cũng đã cố gắng học hành và rèn luyện rất nhiều. Các cô thầy trường phổ thông đều khen con ngoan, hỏi giỏi. Con đã từng đoạt giải nhất toàn tỉnh về môn Văn học và môn Ngoại ngữ lớp 9, đến lớp 11 và 12, con đã vươn lên thành học sinh giỏi Quốc gia đã đoạt giải nhất, nhì môn tiếng Nga, được trường Quốc học Huế ghi vào bảng vàng Danh dự truyền thống của trường. Điều đó làm cho ba mẹ vui lòng về con lắm. Đó là điều quý giá nhất đối với ba mẹ con ạ! Cái gia tài đáng giá nhất của ba mẹ chính là sự thành đạt của các con trong học tập và công tác phục vụ cho dân tộc, cho đất nước.

Con thương yêu của mẹ ơi! Mỗi lần nhìn thấy con vẫn xinh đẹp, vẫn tươi vui và được nhiều người quý mến là mẹ mừng lắm. Mẹ ba nay đã già rồi, quỹ thời gian của cuộc đời ba mẹ còn lại trên cõi đời này chẳng được bao lâu nữa. Hiện nay ba mẹ phải thực hiện phương châm: sống vui, sống khỏe, sống có ích cho xã hội và sống đẹp nữa (nghĩa là sống cho văn minh). Do đó, niềm vui của ba mẹ hiện nay là trông vào sự thành đạt về mọi mặt của các con cháu.
Nhớ lại ngày xưa trong chiến tranh chống giặc Mỹ xâm lược, mẹ là nữ bác sĩ với thân hình nhỏ bé gầy yếu nhưng mẹ vẫn quyết tâm lên đường đi chiến trường phục vụ công tác Y tế. Những vùng mẹ đã bước chân trên vùng đất Trị-Thiên đầy mảnh bom, lửa đạn và chất độc hóa học của quân thù. May sao mẹ vẫn còn sống để về với quê hương gia đình sau ngày đất nước hòa bình thống nhất 30-4-1975. Con có biết không, khi mẹ có bầu mang thai con, mẹ rất lo cho thân hình của con không biết có dị tật do mẹ bị nhiễm chất độc hóa học không? Khi mẹ đã sinh con rồi cả ba mẹ nhìn thấy con lành lặn, bình thường của một đứa bé mới sinh ra và lại xinh xắn nữa nên ba mẹ và bà con ai cũng vui mừng, sung sướng.
Trong những năm tháng mẹ con mình sống với nhau ở Đông Hà thật là ấm cúng trong tình thương của đại gia đình Y, Bác sĩ và các cán bộ y tế của bệnh viện Quảng Trị tại Đông Hà. Sau đó con lớn nhanh dần rồi cùng mẹ chuyển vào tp. Huế sinh sống cùng ba con ở khu tập thể của trường Đại học Tổng hợp Huế. Tại Huế có nhiều lần mẹ phải đi công tác xa đi ra nước ngoài, con ở nhà với ba Trân rất ngoan, biết lo học hành chăm chỉ, mẹ rất yên tâm vui mừng lắm.
Con Phong Lan của mẹ ơi! Bây giờ con lớn rồi, có gia đình chồng con êm ấm rồi, mẹ chỉ nhắc lại một chút quá khứ cho vui thế thôi. Mẹ nghĩ rằng con cũng như mẹ luôn biết liên hệ quá khứ để biết sống cho hiện tại và biết dự định cho cuộc sống trong tương lai.
Mỗi lần đến ngày 8 tháng 3 là mỗi lần mẹ con ta càng nhớ nhau nhiều, nhiều lắm phải không con ? Có lẽ ngày đó cũng là một dịp chúng ta phải xem lại mình đã làm gì xứng đáng cho gia đình chồng con và cộng đồng tại công sở và xã hội.
Mẹ chúc con và cả gia đình riêng của con mọi sự an lành và hạnh phúc.
Mẹ thương yêu của con.
 Thái Lê Phương.
 DÁNG ĐẸP ÁO DÀI NÓN LÁ VIỆT NAM
                                 ==00==

Em xinh đội nón càng xinh,
Cười tươi duyên dáng thân tình dễ thương.
Ung dung nhẹ bước trên đường,
Khách nhìn say đắm vấn vương tơ lòng.
Hai tà tha thướt cánh bông,
Vờn bay trong nắng ửng hồng má em.
Hồn nhiên trang trọng đẹp thêm,
Áo dài, nón lá lan truyền xưa nay...
                            ===  
          Nguyễn Hồng Trân thân tặng các cô, các chị
     nhân dịp ngày 8-3 năm 2013

Thứ Ba, 5 tháng 3, 2013

MÙA XUÂN VỀ VỚI QUÊ HƯƠNG ĐẤT NƯỚC
**00**
                        Nguyễn Hồng Trân


 
Hàng năm, mùa xuân lại về với quê hương đất nước chúng ta, làm cho bao người tràn đầy niềm tin và hy vọng… Ai cũng mong sao cho Tổ quốc thanh bình, đất nước xanh tươi, vững mạnh, đời sống dân mình được  khá lên, người nghèo bớt nỗi lo âu, đói khổ.
Mùa xuân Quý Tỵ năm nay đến với mọi miền quê hương đất nước chúng ta sau bao nhiêu tháng ngày biến động thời tiết bất thường, tiết trời khô hạn kéo dài chưa từng thấy ở nhiều tỉnh thành miền Trung. Cuối năm Nhâm Thìn, nhiều vùng trong nước ta không có mưa to, lũ lụt cũng không. Điều này làm cho người nông dân ở các làng quê rất lo lắng đến mùa màng đất ruộng, hoa màu… Vì không có lụt thì ruộng vườn không được bồi đắp phù sa mà chuột đồng thì ngày càng nhiều, chúng gậm nhấm phá hoạt lúa ngô…  
 Cổ nhân đã có câu: “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa”. Nghĩa là  muốn thành công mọi việc thì phải có ba yếu tố đó. Nhưng năm vừa qua thì Thiên không gặp thời, Địa không có lợi thì dù Nhân có được hòa cũng đành phải chịu thiệt hại mà thôi.
Mọi người dân ở nông thôn cũng như thị thành đều phải chịu đựng gian nan, vất vả với cảnh thiên tai khắc nghiệt, phải tự mình nghĩ cách khắc phục khó khăn để tự cứu sống mình. Họ làm ăn, sinh sống mà không chịu bó tay. Họ luôn nghĩ bụng: “Thua keo này, bày keo khác”.
Ngoài ra, tình hình suy thoái kinh tế của toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi hoạt động kinh tế ở nước ta. Nhiều thách thức đã phơi bày ra trước mắt các ngành nghề, doanh nghiệp của cả nước trong thời hội nhập WTO. Hàng trăm nhà doanh nghiệp bị tổn thất và bị phá sản. Nông dân thì bị mất đất do các dự án đầu tư nước ngoài nhảy vào.
Trước Tết Quý Tỵ năm nay, nhiều người rất lo lắng cho dịp Tết Âm lịch, trong thời buổi giá cả tăng lên khó lường mà túi tiền thì có hạn, nhất là dân nghèo thành thị trong những ngày Tết đến, xuân về. Nhất là dân nghèo  rất lo không biết có đủ cơm ăn no, áo mặc ấm hay không? Cũng may mà dịp này được sự quan tâm kịp thời của Đảng và Nhà nước cũng như cả hệ thống chính trị các cấp từ Trung ương đến các địa phương đã tích cực giải quyết kịp thời dùng “quỹ vì người nghèo” để trợ cấp cho các gia đình nghèo và khó khăn yên tâm ăn Tết vui vẻ đầm ấm.
 Mặt khác như thường lệ, vào cuối năm, có hàng chục ngàn phạm nhân được Nhà nước ân xá do đã lao động cải tạo tốt nên được về nhà sum họp với gia đình vào dịp Tết rồi được hưởng lại mùa xuân như những năm chưa phạm tội. Đó là nhờ sự đặc ân đầy tính nhân đạo của Đảng và Chính phủ ta đã thường xuyên quan tâm chu đáo đến đời sống nhân dân trong dịp Tết.   
Các công trình , di tích lịch sử, văn hóa du lịch cũng để một vài ngày phục vụ miễn phí cho nhân dân tự do đi tham quan. Nhất là ở Huế,  một địa danh của Di sản Văn hóa Thế giới cũng đã được nhiều khách du lịch trong và ngoài nước có nhiều cảm tình, ngưỡng mộ qua các kỳ lễ hội Festival và những ngày Tết cổ truyền dân tộc.
Đài Phát thanh truyền hình của tỉnh và Nhà nước đã liên tục phát đi những chương trình, các suất diễn về văn hóa, văn nghệ ngày xuân rất vui tươi ấn tượng.
Các nhà chức trách lãnh đạo của tỉnh và thành phố đã tổ chức các buổi gặp mặt thân mật với các nhân sĩ trí thức, chức sắc tôn giáo để chúc Tết. Các phường xã trong thành phố Huế chúng ta theo sự chỉ đạo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã khẩn trương tiến hành trợ cấp tiền và lương thực để kịp thời cho dân nghèo yên tâm ăn Tết.
Các cửa hàng lương thực, vật phẩm tiêu dùng cũng với phương thức định giá mềm ổn định để phục vụ cho bà con dân chúng mua sắm hàng Tết.

Những vườn hoa trong thành phố năm nay, tuy trưng bày không hoành tráng đủ các loại hoa màu sắc rực rỡ như mọi năm, nhưng cũng có nhiều cố gắng của các nhà trồng hoa và cây cảnh đã phần nào đem lại sắc xuân cho thành phố một cách nhẹ nhàng, ấm áp.
Nhiều cánh đồng rau, ruộng lúa đã bắt đầu có màu xanh đã lan tỏa khắp nơi sau những ngày có nắng xuân sưởi ấm.
Ngoài các công viên, mấy cụ già dắt cháu dạo chơi ngắm bồn hoa, cây cảnh đó đây. Trong các gia đình, thôn xóm, phố phường lo làm vệ sinh sạch sẽ từ trong nhà ra vườn tược và đường sá. Các đoàn thể vui vẻ tổ chức những buổi đi trồng cây đầu xuân để tạo cảnh quan môi trường xanh đẹp cho các công viên, đường làng, hè phố, triền sông…
Đặc biệt, trong những ngày đầu xuân có nhiều cuộc lễ hội vui chơi thú vị ở nhiều nơi rất sôi động như: đua thuyền, đấu vật, chơi bài chòi, kéo co, đánh du, chọi gà v.v…
Phải nói rằng cứ mỗi lần Tết đến, xuân về là chúng ta cảm thấy cả không gian và thời gian như chật hẹp, hối hả cùng với bao người hân hoan rạo rực đón xuân tưng bừng với đất nước quê hương. Những áng thơ văn cũng tuôn trào ra theo mạch cảm xúc ngầm của cả năm đang bừng lên theo dòng chảy trong tâm hồn với mạch đời của cuộc sống.
Chào xuân Quý Tỵ đến với thành phố Huế, tôi xin gửi tặng bài thơ:

“MÙA XUÂN NÉT HUẾ THANH BÌNH”
                           ***
Mùa xuân hoa nở đón bình minh,
Dân Huế vui tươi đậm nghĩa tình.
Dòng nước sông Hương như cuộn sóng,
Hàng thông núi Ngự cũng vươn mình.
Đào, mai khoe sắc cành ra lộc,
Hồng, thọ dịu dàng nhú búp xinh.
Đàn én mừng xuân bay rộn rã,
Chuông chùa ngân vọng điệu thanh bình.
                              +++
    Phước Vĩnh xuân  Quý Tỵ = 2013