Thứ Hai, 27 tháng 5, 2013

NHỚ VỀ SÔNG ĐUỐNG


   NHỚ VỀ SÔNG ĐUỐNG
 

Ai về cầu Đuống nhắn em tôi
Gắn bó quê hương với đất trời
Khiếp sợ nhiều phen mà chẳng quản
Lo toan lắm bận vẫn chưa vơi
Bà con chịu khó bao tần tảo
Dân chúng cần cù mấy thảnh thơi
Tự Đức cho đào sông nhánh ấy
Giao thông, thủy lợi quý muôn đời.
                  ==00==
Tháng tư, năm Quý Tỵ = 5/2013) 
       Nguyễn Hồng Trân
              (Cựu GV. Đại học Khoa học Huế)

Ghi chú:  Sông Đuống là một con sông đào vào loại dài nhất sông đào ở nước ta. Nó dài 68 Km, rộng trung bình 90 m. Con sông này do vua Tự Đức đời thứ 5 (1851) cho lệnh đào một nhánh sông Hồng (dựa vào một đoạn con sông nhỏ ngày xưa là sông Thiên Đức hoặc còn gọi là Thiên Đức Giang đã bị bồi lấp và thu hẹp) để nối liền sông Hồng với sông Thái Bình, nhằm mục đích phân lũ sông Hồng và tải phù sa về Bắc Ninh, Thái Bình hàng năm thêm màu mở cho ruộng đồng tươi tốt. Mặt khác, từ khi có con sông đào này, việc giao thông đường thủy của mấy tỉnh tiếp giáp được thuận lợi dễ dàng. Do đó làm ăn kinh tế ngày càng phát triển.
Con sông Đuống về sau đã trở thành một nét đẹp của không gian trong thiên nhiên và là nơi ghi dấu bao nhiêu kỷ niệm khó quên với thời gian mà thơ, ca, nhạc, họa đã từng làm nên những tác phẩm đã ấn tượng văn hóa đậm đà trong lòng dân tộc. Như trong bài thơ “Bên kia Sông Đuống” của nhà thơ Hoàng Cầm có đoạn:
“Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ, gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp...”

Thứ Bảy, 25 tháng 5, 2013

NHẠC SĨ TÀI HOA-LÊ CAO PHAN

                                NHẠC SĨ TÀI HOA -LÊ CAO PHAN 

                             Nguyễn Hồng Trân(sưu tầm và giới thiệu)

Ông Lê Cao Phan năm nay đã đầy 90 tuổi, quê ở làng Ngô Xá Đông - Triệu Phong - Quảng Trị là một nhạc sĩ đa tài. Ông nguyên là một nhà giáo và là người am hiểu nhiều lĩnh vực nghệ thuật như: thơ ca, âm nhạc, điêu khắc, hội họa… Ông có thể sử dụng nhiều loại nhạc cụ như dương cầm, đàn nguyệt, đàn tranh, Harmonica.
Ngoài ra ông Phan còn là người tinh thông ba ngoại ngữ: tiếng Pháp, tiếng Anh và chữ Hán. Ông đã dịch truyện Kiều sang tiếng Pháp (trước bản dịch của Nguyễn Khắc Viện) và dịch Truyện Kiều sang cả tiếng Anh nữa.
“Ông đã sáng tác được nhiều ca khúc với nhiều thể loại: thiếu nhi, giải trí, xã hội, Phật giáo. Đặc biệt, ông là tác giả của ca khúc Phật giáo Việt Nam, một bài hát gắn liền với lịch sử Phật giáo nước nhà trong hơn 55 năm qua, trở thành Đạo ca của Giáo hội Phật giáo Việt Nam” (Quy định tại Điều 4, Chương I, Hiến chương Tu chỉnh tại Đại hội Đại biểu toàn quốc GHPGVN, kỳ VI, 2007).
Lời bài ca này là:

Phật Giáo Việt Nam thống nhất Bắc Nam Trung từ nay
Một lòng chúng ta tiến lên vì đạo thiêng
Nào cùng vui trong ánh đạo vàng rạng ngời bốn phương
Vang ca đón chào Phật Giáo Việt Nam

Noi tấm gương Ngài Thích Ca giải thoát chúng sanh
Chúng ta dốc lòng nguyện cùng gieo rắc quanh mình
Bao mối vui lành tràn lan hàng tan đau đớn
Chắp tay ta cùng dưới Đài sen thắm kết đoàn

Phật giáo Việt Nam thống nhất Bắc Nam Trung từ nay
Nào cùng nắm tay kết nên một Đài sen
Cùng làm sao cho đóa sen ngời đời đời ngát hương
Muôn phương thấm nhuần Phật Giáo Việt Nam
                                               Lê Cao Phan
Ghi chú: Ca khúc này xem trên mạng tại đường dẫn:

Tại Hội nghị kỳ 2, khóa VI của Trung ương Giáo hội cuối tháng 12/ 2008 (?) , ông đã được tuyên dương công đức. Nhân dịp năm mới, phóng viên Văn Hóa Phật Giáo đã có cuộc trò chuyện với Nhạc sĩ Lê Cao Phan.
Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc những nội dung chi tiết cuộc gặp gỡ nhạc sĩ Lê Cao Phan với phóng viên  báo Văn hóa Phật giáo:
-“Phóng viên báo Văn hóa Phật giáo [PV]: Vào ngày 30/12/2008, tại hội nghị thường niên của Trung ương Giáo hội, ông được tuyên dương là người đã có nhiều đóng góp vào công tác văn hóa của Phật giáo, trong đó có ca khúc "Phật giáo Việt Nam" (PGVN) được chọn làm Đạo ca của Phật giáo Việt Nam, ông có cảm tưởng như thế nào khi nhận được vinh dự này?
-Nhạc sĩ Lê Cao Phan[NSLCP]: Quả thật làm tôi rất xúc động, vì không có gì hạnh phúc bằng đứa con tinh thần của mình được công chúng đón nhận và trở thành tài sản chung. Tôi luôn biết ơn chư tôn đức Tăng Ni và các Phật tử trong nhiều chục năm qua đã dành tình cảm yêu quý cho tôi. Thật sự đối với tôi, là một người Phật tử, nếu có khả năng gì thì lúc nào cũng chỉ muốn đóng góp vào các Phật sự để cúng dường Tam bảo, hoàn toàn không vì mục đích nào khác.
Hòa thượng Thích Thanh Tứ - Phó Chủ tịch TT HĐTS GHPGVN trao bằng tuyên dương công đức cho nhạc sĩ Lê Cao Phan.
Khi viết PGVN, tôi cũng chỉ thực hiện với tâm niệm cúng dường, mặc dù về sau được đông đảo Tăng Ni, Phật tử yêu thích nhưng tôi không hề nghĩ đến nó sẽ trở thành Đạo ca. Buổi lễ tuyên dương đã thể hiện sự quan tâm của Giáo hội đối với các Phật tử lão thành như chúng tôi, khiến tôi rất xúc động.
 -PV: Tại hội nghị, tôi thấy ông trình diễn ca khúc PGVN bằng harmonica. Cảm xúc lúc đó của ông như thế nào?
 -NSLCP: Tôi xúc động lắm. Thể theo yêu cầu của mọi người, tôi đã cố gắng thổi harmonica để tặng các đại biểu tham dự hội nghị. Do năm nay đã 87 tuổi và quá xúc động nên tôi thổi không được chính xác một số nốt.
Mỗi lần nghe lại PGVN, tôi lại được dịp trở về với quá khứ hào hùng của Phật giáo, nhớ đến một thời trai trẻ tôi sống hết mình với âm nhạc và đến với âm nhạc bằng cả tấm lòng trong sáng. Nhạc sĩ Phạm Duy có lần nói: Âm nhạc có sức chuyển hóa, lan tỏa đến trái tim người khác và làm sống lại những kỉ niệm của thời đã qua. Tôi nghĩ điều này rất đúng.
 -PV: Ca khúc PGVN được ông sáng tác chính xác vào thời gian nào và trong hoàn cảnh nào?
-NSLCP: Tôi viết ca khúc PGVN đúng vào tối mùng 9 tháng 5 năm 1951, trong dịp đại hội thống nhất Phật giáo ba miền Bắc Trung Nam, diễn ra từ ngày 6-10 tại chùa Từ Đàm (Huế). Đây là lần đầu tiên một đại hội Phật giáo được tổ chức nên đại biểu về dự rất đông. Lúc đó tôi 28 tuổi, anh Võ Đình Cường đã là Trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử (GĐPT) Trung phần, tôi được bầu làm Trưởng ban Hướng dẫn GĐPT tỉnh Thừa Thiên. Chứng kiến hàng ngàn chư Tôn đức Tăng-già quy tụ về chùa Từ Đàm lịch sử, chúng tôi rất vui mừng, xúc động. Chính ấn tượng đó đã thôi thúc tôi viết một bài hát để ca ngợi.
Vào đêm trước khi đại hội bế mạc, cảm xúc dâng trào, tôi đã ôm cây đàn ghuitar đánh nốt và ghi vội lời nhạc. Trong vòng 15 phút thì ca khúc hoàn thành. Tôi hát thử cho các anh chị Phật tử nghe, ai cũng đề nghị tôi hát tặng đại hội.Được chư Tôn đức đồng ý, tôi tập vội cho các em đoàn sinh GĐPT và chỉ huy trình diễn bài hát này tại lễ bế mạc vào ngày hôm sau. Tất cả đại biểu hôm đó nghe xong đều rất xúc động. Về sau tôi có nhờ các nhạc sĩ Thẩm Oánh, Võ Văn Thu… xem lại và chỉnh sửa trước khi phổ biến. Các nhạc sĩ đàn anh đều đã đánh giá tốt ca khúc này.
 -PV:  Ông sinh ra và lớn lên ở Quảng Trị, nhiều năm sống và làm việc tại Huế, hai tỉnh nghèo về kinh tế nhưng lại có nhiều Phật tử giàu đạo tâm. Phải chăng ca khúc PGVN là kết tinh của tinh thần Phật giáo tại hai vùng đất đó?
-NSLCP: Nói PGVN là kết tinh của tinh thần Phật giáo thì tôi không dám nhận. Tuy nhiên, có thể nói chính truyền thống kính Phật trọng Tăng mà tôi được hấp thụ từ nơi sinh ra và lớn lên đã góp phần rất lớn giúp tôi chuyển tải được phần hồn của bài hát. Nhưng yếu tố chính như tôi vừa nói, sự thành công của đại hội thống nhất Phật giáo là kết tinh lớn nhất để tôi hoàn thành bài hát này.
-PV: Trong PGVN, phần đầu mang âm hưởng hành khúc rất rõ, nhưng phần sau tiết tấu có phần dịu lại, khi viết như vậy ông đã có sự tiên liệu nào đối với Phật giáo hay không?
-NSLCP: Thú thật, tôi viết PGVN là để chào mừng đại hội, không có chủ đích gì khác. Tất nhiên trước không khí hào hùng lúc đó, tôi cũng như hầu hết các Phật tử bấy giờ đều tin tưởng Phật giáo nước nhà trong tương lai sẽ còn phát triển hơn nữa. Bởi vì Phật giáo đã có những bước tiến đáng kể mà công cuộc chấn hưng Phật giáo ba miền vào giai đoạn 1930-1945 đã đặt được nền móng vững chắc, làm tiền đề đưa đến đại hội thống nhất Phật giáo vào năm 1951, và về sau tiếp tục phát triển đúng như niềm tin của chúng tôi: Phật giáo đã tạo được sức mạnh to lớn vào thập niên 1960 khi bị chính quyền Diệm-Thiệu đàn áp.Ca khúc Từ Đàm quê hương tôi của nhạc sĩ Nguyên Thông (Phan Văn Giảng) và Tâm Đại (Lê Văn Dũng), sáng tác năm 1963 cũng đã phần nào nói lên được sức mạnh này.
 -PV: PGVN và Từ Đàm quê hương tôi có thể nói là hai ca khúc vượt thời gian, ra đời trong những biến cố lớn của Phật giáo Việt Nam, vì vậy tiết tấu của cả hai đều chứa đựng tính chất trang nghiêm, hùng tráng. Trong những biến cố của Phật giáo, ca khúc PGVN đã có tác dụng như thế nào?
-NSLCP: Sau khi ra đời, PGVN đã nhanh chóng trở thành bài hát phổ biến trong giới Tăng Ni và Phật tử, được sử dụng làm ca khúc mở màn trong các chương trình văn nghệ và các buổi lễ lớn của Phật giáo. Giai đoạn này tuy chưa chính thức trở thành đạo ca nhưng PGVN đã gần như là bài hát thông dụng trong các sinh hoạt của Phật giáo.Tôi đã chứng kiến ca khúc PGVN được dàn dựng rất quy mô tại chùa Xá Lợi vào năm 1963, dàn hợp ca này lên đến cả trăm người. Đặc biệt, trong phong trào chống kì thị tôn giáo của chế độ Diệm-Thiệu vào thập niên 1960, những cuộc xuống đường biểu tình của Tăng Ni, Phật tử, các giáo chức, sinh viên và học sinh, đi đâu tôi cũng nghe họ hát ca khúc này, làm cho sức mạnh tinh thần đấu tranh bảo vệ đạo pháp tăng lên gấp bội, không khí trở nên rất hào hùng.
Từ đó đến nay, tôi đi đâu, dù ở trong nước hay ra nước ngoài, cũng nghe thấy ca khúc này được đa số đồng bào Phật tử hoan nghênh, quý mến. PGVN đã đi vào lòng quần chúng Phật tử, trở thành món ăn tinh thần chung của mọi người, cũng như quốc ca, nó không còn là của riêng tôi nữa, dù tôi là tác giả.
-PV: Với PGVN, có thể nói Lê Cao Phan là cái tên được các Phật tử qua nhiều thế hệ mến mộ, ông đã có những kỉ niệm ấn tượng nào khi được quần chúng yêu quý?
-NSLCP: Thú thật, kỉ niệm về đứa con tinh thần của tôi nhiều lắm, không thể nói hết được, vì đi đâu tôi cũng được mọi người quý mến. Có những lúc tôi rất vui và ấn tượng khi nhiều người yêu thích ca khúc PGVN, hâm mộ tác giả Lê Cao Phan nhưng không biết mặt tôi. Do bài hát ra đời đã trên 55 năm nên có nhiều người nghĩ tôi không còn sống nữa.
Có lần tôi đến dự lễ tại một ngôi chùa ở Vũng Tàu, thầy trụ trì giới thiệu tôi là tác giả ca khúc PGVN, tất cả các em đều trố mắt nhìn. Có một em nói: Cháu gặp bác ở Vũng Tàu rất nhiều lần nhưng không biết bác là nhạc sĩ Lê Cao Phan. Lâu nay cháu cứ nghĩ bác qua đời rồi. Được gặp bác, cháu mừng quá!...”.
 (Ghi chú: Đoạn này đã trích trong bài đã đăng trên: http://phattuvietnam.net, ngày 14/02/2009)


Thứ Ba, 21 tháng 5, 2013

CHÀO MỪNG NGÀY PHẬT ĐẢN

         CHÀO MỪNG NGÀY ĐỨC PHẬT RA ĐỜI 

 Ngày Phật đản tại chùa Từ Đàm tp. Huế

        Chuông chùa vọng mãi tiếng ngân nga
Thổn thức tâm can nỗi nhớ nhà
Diệu Đế đèn hoa cờ phất phới
Từ Đàm tượng tháp ánh lan xa
Người già háo hức chờ Phật đản
Lớp trẻ hân hoan đón nhạc ca
Tưởng niệm hào quang Ngài xuất hiện
Lưu truyền muôn thuở đức hiền hòa.
                Nguyễn Hồng Trân          
12 tháng tư năm Quý Tỵ- 2013

Thứ Hai, 13 tháng 5, 2013

TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH-LẤY DÂN LÀM GỐC

                           TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
                    VỀ VẤN ĐỀ  “LẤY DÂN LÀM GỐC”  
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ xuất phát từ tình cảm thương dân, yêu nước, ghét ngoại xâm và bọn phản bội. Bác đã đi khắp đó đây và đã nhìn xa thấy rộng được nhiều vấn đề thực tế về những hoạt động thành công và thất bại ở nhiều nước trên thế giới để rút ra kinh nghiệm, bài học quý giá vận dụng vào đất nước mình. Trong đó có bài học phải “lấy dân làm gốc”.

 Quan điểm “lấy dân làm gốc” của Người cũng là xuất phát điểm của mọi chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước ta. Đồng thời, đó cũng là cơ sở mà cán bộ, đảng viên, nhất là các vị chức trách lãnh đạo xã hội cần phải thấm nhuần để rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng của mình.
Tìm hiểu quan điểm “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta thấy có những điểm tương tự với quan điểm trước đây của Nho gia. Nhưng so với tư tưởng của Nho gia thì quan điểm “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh có những điểm giống nhau và khác về căn bản.
Những quan điểm giống nhau là:
1-Là thái độ coi trọng dân, thấy được sức mạnh to lớn của dân. Về điều này, Nho gia thấy được một điểm hết sức quan trọng là: “Dân là gốc nước, gốc vững, nước yên” (Dân duy bang bản, bản cố, bang ninh). Điều đó được nói trong sách Kinh Thi. Hoặc: “Đường lối được dân chúng thì được nước, mất dân chúng thì mất nước” (Đạo đắc chúng tắc đắc quốc, thất chúng tắc thất quốc)  (Theo sách Đại học, Nxb Khoa học Xã hội, 1991 tr.119)  
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng có quan điểm tương tự như Nho gia, khi Người nói: “Trong bầu trời không có gì quý hơn bằng nhân dân. Trong thế gian không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân”  (Theo Báo Nhân dân ngày 21-5-1990)
2-Quan tâm đến đời sống của dân. Nho gia yêu cầu các bậc trị quốc phải bảo đảm cho người dân có đời sống tối thiểu để họ: “ngẩng lên đủ để phụng dưỡng cha mẹ, cúi xuống đủ để nuôi sống vợ con” (sử ngưỡng túc dĩ sự phụ mẫu, phủ cập, dĩ sức thê tử) (Theo Nguyễn Đăng Thục. Lịch sử triết học phương Đông tập II Nxb T.p Hồ Chí Minh, 1991 tr.61)  
Đây cũng là quan điểm cơ bản trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi người xác định trách nhiệm của Đảng và Chính phủ trong việc đề ra và thực hiện các chính sách. Chính sách của Đảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân. Nếu dân đói, dân rét, dân dốt, Đảng và Chính phủ có lỗi.
(Theo sách:Thế hệ trẻ Việt Nam sống, chiến đấu, lao động và học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại, Trung ương Đoàn ấn hành, 1986 tr.32)

3-Phải gần dân, đối xử đúng mức với dân. Kinh Thư viết: “Đối với dân nên gần, không nên coi là thấp hèn” (dân khả cận, bất khả hạ). Khổng Tử nhắc nhở những người cầm quyền: “Sai khiến dân phải cẩn thận như điều hành một cuộc tế lễ lớn” (Sử dân như thừa đại lễ).
Tác phong gần gũi nhân dân là nét tính cách tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sinh thời, Bác hay đi thăm hỏi đồng bào, tìm hiểu đời sống của nhân dân ở nhiều địa phương. Có như thế mới hiểu được thực tế đời sống và nguyện vọng của dân.
 Bác luôn giáo dục cán bộ, đảng viên không được có tác phong quan liêu, cuộc sống quan cách xa rời nhân dân.
4-Lo trước thiên hạ, vui sau thiên hạ (Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu, hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc). Đây là một phương châm sống cao thượng của những nhà Nho chân chính. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn thể hiện quan điểm này trong toàn bộ hoạt động cũng như đời sống của Người. Bác chăm lo cho tất cả mọi người nhưng không bao giờ đòi hỏi đãi ngộ cho riêng mình. Làm việc gì, sống như thế nào, bao giờ Bác cũng nghĩ đến dân trước hết.
  Những điểm khác nhau là:
1-Thái độ đối với người dân, nhất là người lao động chân tay và cách sống gần dân. Không như Nho gia xếp thiên hạ thành hai loại: Thượng trí và hạ ngu. Thượng trí là tầng lớp cầm quyền, trí thức, còn hạ ngu là hàng dân lao động chân tay. Quan điểm Nho gia cho rằng hai loại người này đã an bài trong xã hội (Duy thượng trí hạ ngu bất di). Ngoài ra trong nghề nghiệp họ còn phân biệt nghề sang, nghề hèn và phân biệt đối xử.
Ngược lại với quan điểm trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tôn trọng nhân dân. Người thường nhắc nhở cán bộ, đảng viên phải luôn luôn học hỏi nhân dân, học tập kinh nghiệm sáng tạo của quần chúng,   Người tôn trọng tất cả mọi người lao động và tất cả các nghề trong xã hội.
  Trong Di chúc, Người viết: “Phải gìn giữ Đảng ta thật trong sạch, xứng đáng là người lãnh đạo, người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Ngược lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với mọi người như người cha, người bác, người anh gần gũi. Bác ở trong căn nhà sàn giản dị, trang phục của Bác hàng ngày cũng bình dân.
 Điều Bác muốn nói là: cán bộ lãnh đạo mà biết sống giản dị, tiết kiệm, trong sạch, biết nghĩ đến dân và vì dân mà sống thì đó là cái phúc của dân.
2-Mục đích “lấy dân làm gốc”.
Mục đích của Bác khác với Nho gia ở chỗ không phải để xoa dịu lòng dân mà giữ gìn địa vị của mình mà quan điểm “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là để giải phóng người dân thoát khỏi tình trạng bị nô lệ về chính trị, bị kiệt quệ về kinh tế, bị tối tăm về tinh thần, tư tưởng, văn hóa, giáo dục do xã hội cũ gây nên.
Người viết trong di chúc: “Tôi chỉ có ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta hoàn toàn được độc lập, dân ta hoàn toàn được tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”.
3-Sự hiện thực hóa quan điểm “lấy dân làm gốc”.
Quan điểm của Nho gia chỉ có ý nghĩa trên diễn đàn, học thuật, không được giới cầm quyền đương thời thi hành, vì đụng chạm đến quyền lợi của chúng. Đâu có như Khổng Tử mong muốn là “hữu giáo vô loại” (có một nền giáo dục không phân biệt đẳng cấp).
Ngược lại, quan điểm “lấy dân làm gốc” hay lý tưởng sống vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được thể hiện bằng chính hoạt động của Người. Người không chỉ nói mà còn làm. Người suốt đời phấn đấu không ngừng cho đời sống chính trị cũng như đời sống kinh tế và văn hóa - giáo dục của nhân dân ta không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Trên đây là một số điểm cơ bản về quan điểm “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà chúng tôi đã nêu lên trong sự so sánh tương đối với tư tưởng của Nho gia. Từ những suy nghĩ trên đây, chúng tôi mong muốn một điều là: phương thức để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh không chỉ là thi tìm hiểu có tính chất sách vở, hoặc thi kể chuyện về Người, mà chủ yếu là bằng hành động cụ thể của mỗi người.
Đáng tiếc là, hiện nay một bộ phận cán bộ đang làm ngược lại những điều Bác răn dạy về phẩm chất, đạo đức của người cán bộ cách mạng. Họ quan liêu, cửa quyền, không hiểu gì tình hình thực tế của dân để “lo trước cái lo của dân, vui sau cái vui của dân” như Bác Hồ nói. Họ sống xa hoa, phè phỡn, thậm chí còn có lối sống vương giả bằng những nguồn thu nhập bất chính, trong khi còn nhiều người dân chưa thoát khỏi đói nghèo. Những đức tính như cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư – những nét tính cách tiêu biểu của Chủ tịch Hồ Chí Minh – đã dần dần xa lạ đối với họ.
Rất mong, qua những đợt vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” như thế này, những hiện tượng tham nhũng, quan cách, sách nhiễu sẽ bị thanh lọc dần, để mỗi người cán bộ, đảng viên được dân quý trọng và tin tưởng. Và như vậy, việc tìm hiểu quan điểm “lấy dân làm gốc” của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người không chỉ dừng lại trên lý thuyết, diễn đàn, hội thảo… mà phải được các tầng lớp chức trách lãnh đạo xã hội thực hiện có hiệu quả trên mọi lĩnh vực đời sống của nhân dân. Có như thế  mới thực sự hiểu được ý nghĩa sâu sắc của vấn đề lấy dân làm gốc.
                                          ==00==
                                 (Nguyễn Hồng Trân-cựu GV trường Đại học KH Huế)
                                                  


Thứ Ba, 7 tháng 5, 2013

MỘT BỨC THƯ TÌNH CÒN RƠI LẠI TRONG TÔI

                                          MỘT BỨC THƯ TÌNH
                                     CÒN RƠI LẠI TRONG TÔI

                                   Trích Hồi ký “DÒNG ĐỜI TÔI”                        (chương 4 “Chặng đường du học nước ngoài).

 Hàng năm vào dịp nghỉ hè, tôi rất chịu khó đi du ngoạn nhiều nơi trên đất bạn và hiểu biết được nhiều điều thú vị. Thế là tôi cũng thực hiện được nhiều mơ ước của tôi hồi ở Hà Nội.  
Cũng có nhiều bạn VN được phân phiếu cho đi du lịch hay đi nghỉ an dưỡng trong dịp hè hoặc đông, nhưng các bạn đó không đi mà bán lại phiếu nghỉ dưỡng cho người khác dùng.  Vì họ muốn giành thời gian đó đi lao động kiếm tiền mua các thứ gửi về cho gia đình, vợ con. Một số người cũng tiết kiệm tối đa để khi về nhà có chút ít đồng tiêu pha đỡ khổ. Nếu tôi có vợ con ở nhà thì tôi cũng thế. Nhưng nay tôi đã ngoài 30 rồi mà vẫn chưa có gia đình, vẫn còn cô đơn và đang đi du học. Nhiều lúc tôi nghĩ mà buồn cho số phận tình duyên của mình. Thế rồi những lúc rỗi, tôi tranh thủ biên thư về nước thăm gia đình, bà con, bạn bè... Tiếc rằng tôi vẫn chưa có vợ con để chăm biên thư cho thỏa lòng mong nhớ. Lần nầy tôi cảm thấy buồn buồn rồi lại nhớ tới người yêu cũ với chuyện tình duyên không thành, tôi liền biên thư cho Nguyễn thị Đào Nguyên nhân ngày 8-3 năm 1971 và trong thư tôi cũng chỉ hỏi thăm tình hình sức khỏe và công việc, thế thôi. Tôi không dám tâm sự gì nhiều, vì biết em đã lấy chồng và anh ấy đang đi bộ đội. Sau gần một tháng, tôi nhận được thư của Nguyên. Bức thư đã viết:

                                Thái Nguyên ngày 1-4-1971

Anh Trân yêu thương (không còn của em nữa) !
Quá lâu rồi anh nhỉ !  hôm nay em mới nhận được tin anh. Em vui mừng biết dường nào ! Em tưởng anh quên em rồi! Anh đã giận em và không bao giờ biên thư cho em nữa phải không?. Em có lỗi với anh nhiều lắm! anh cứ ghét em đi! Em tệ bạc lắm phải không anh? Ngay cả lúc anh rời Hà Nội ra đi du học, em có nghe tin và biết ngày giờ anh lên đường mà em vẫn không về Hà Nội tiễn anh được. Chiều hôm đó anh có mong em không ? Thôi mong làm gì anh ! chúng ta đã không có cơ duyên với nhau cũng là số phận. Nhiều đêm em không ngủ được, cứ muốn lùi lại thời gian để hồi nhớ những kỷ niệm đẹp đẽ một thời ở Hà Nội về mối tình đầu của chúng ta. Để rồi nhớ nhung, lưu luyến; để rồi kỷ niệm mãi mãi trong lòng!... Nhưng thôi, chuyện đã qua rồi. Bây giờ em đã có gia đình,con cái, nhưng anh vẫn cô đơn nơi đất khách quê người. Em thương anh lắm! Nói thế chắc anh không tin, nhưng em vẫn nói thực lòng mình đấy anh ạ. Em cầu chúc cho anh có một người vợ xinh đẹp hơn em, trình độ học vấn cao hơn em và có nghị lực nhiều hơn em, nhưng tình thương yêu và chiều chuộng anh thì không bằng em để cho anh đôi lúc còn nhớ tới em. Nói như vậy chắc anh cười em và cho rằng em tham lam, ích kỷ. Tùy anh muốn nghĩ về em thế nào cũng được, nhưng đối với em, anh là người tình cao quý và trân trọng nhất trong đời em vì anh đã đưa đến cho em cái hương vị ngọt ngào, rạo rực đầy cảm xúc của tình yêu trong tâm hồn em thời non trẻ... Nhất là mỗi lần nghe bài hát “Thiên Thai” của Văn Cao, em lại nhớ những âm thanh giọng hát của anh đã từng hát cho em nghe khi hai đứa mình ngồi sát bên nhau trên ghế đá bên đường Thanh Niên ở Tây Hồ. Bài ấy anh hát rất thiết tha và ấm áp tiếng ngân. Lời bài hát có mấy lần nhắc đến tên em là Đào Nguyên. Chắc anh đã cố ý hát bài này để gieo lắng sâu đậm vào tâm hồn em mỗi lần gặp gỡ tỏ tình?... Em hiểu rồi, anh khôn thật đấy!
Em muốn viết nhiều cho anh thêm nữa nhưng không thể viết được mà chỉ muốn ngồi bên anh chuyện trò như ngày xưa bên Hồ Tây Hà Nội.
Ôi, em thật là ảo tưởng! có phải không anh ? Thôi anh chiều em nhé ! cứ cho em có những giây phút tưởng tượng như thế có được không anh ?...
Thôi, em im lặng và từ từ lim dim đôi mắt để hình dung anh đang sát trước mặt em và...     cho em được mơ màng say đắm thật lâu !...                                   
Chào anh nhé!
                                   Người bạn gái đáng trách của anh.
  Đào Nguyên.

        Tôi cứ đọc đi, đọc lại bức thư này nhiều lần và lòng đầy thương nhớ. Biết nói gì đây với em qua không gian xa xôi cách trở này ! Tôi âm thầm đắp chăn nằm và nghĩ về em, càng yêu em nhiều thêm nữa. Nhưng em thuộc về anh bộ đội rồi. Thôi đừng khơi dậy chuyên tình năm xưa của em làm gì cho thêm lôi thôi đau khổ !... Tôi cố khuây đi nỗi buồn về chuyện tình riêng của mình để chủ tâm vào việc học hành vào thời kỳ cuối…
Sau này khi về nước, tôi vẫn giữ bức thư ấy. Đó là một kỷ niệm cảm động giữ lại bút tích về một bức thư tình còn rơi lại sâu lắng trong tôi.
                                                         Nguyễn Hồng Trân

Ghi chú: Chuyện tình giữa tôi và Đào Nguyên không thành là do mẹ cô ấy(góa bụa sớm) quá thương con gái út độc nhất của bà(sau 2 người anh) nên không muốn cho con đi lấy chồng xa với người quê miền Nam. Vả lại, tôi là con một gia đình liên quan đến phong kiến, quan lại, địa chủ. Vì vậy bà một mực không cho tôi và Nguyên dính kết duyên tình với nhau. Tôi biết Nguyên cũng khổ tâm lắm, nhưng vì quá thương mẹ nên đành phải nghe theo mẹ. Tôi biết em rất yếu đuối về tình cảm nên không quyết tâm vượt qua được những rào cản nặng nề về lễ giáo và tư tưởng khắc nghiệt của thời ấy.

Chủ Nhật, 5 tháng 5, 2013

NỤ HÔN & TIẾNG CƯỜI -thơ XH của Thy Lệ Trang -N.H.Trân


Bài xướng: NỤ HÔN

Hôn nhẹ làn da , hương ngất ngây
Hôn dòng tóc xõa tựa vầng mây
Hôn đôi mắt ướt- chiều ly biệt
Hôn cánh vai gầy- phút đắm say
Hôn ngón chân mềm-hàng lệ nóng
Hôn bờ môi lạnh-cuộc tình cay
Hôn cho rướm máu hồn hai đứa
Hôn với vòng ôm trắc trở đầy.

          THY LỆ TRANG
        MASSACHUSETS
             
Bài họa thơ NỤ HÔN của Thi Lệ Trang

              TIẾNG CƯỜI
Cười vui thỏa thích tuổi thơ ngây
Cười tiếng giòn vang đến tận mây
Cười rộn nguồn thơ chờ mộng tưởng
Cười tung ánh mắt đợi tình say
Cười tuôn thấm lệ lòng chua chát
Cười động sâu hồn dạ đắng cay
Cười mãi thành dòng đời kỷ niệm
Cười cho cuộc sống chứa chan đầy!...
                        ==00==
                             Nguyễn Hồng Trân (Hà Nội)