Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

                                   VÀI  Ý KIẾN VỀ
               BỘ TIỂU THUYẾT “ĐƯỜNG THỜI ĐẠI”
                    CỦA TÁC GIẢ ĐẶNG ĐÌNH LOAN
(Nguyễn Hồng Trân-cựu GV trường Đại học KH Huế, Hội viên Hội Lịch sử Việt Nam, chuyên viên thông tin tư liệu Đại học Huế)
                                         ==00==
 Tôi là người rất thích đọc truyện và tiểu thuyết, nhất là loại tiểu thuyết lịch sử và trinh thám thì tôi rất quan tâm và đọc kỹ. Sau khi tôi được một người bạn thân là Nguyễn Thế Hậu(ở Huế) cho mượn bộ tiểu thuyết: “ĐƯỜNG THỜI ĐẠI”của tác giả Đặng Đình Loan để đọc, tôi rất mừng, nhưng tôi chỉ mượn 2 tập đầu về đọc thử đã. Vì tôi chưa biết Đặng Đình Loan là ai cả và ông cũng chưa có tiếng tăm gì trong làng văn chương nên tôi cũng không tin về chất lượng của bộ tiểu thuyết này lắm. Nhưng sau khi xem hết tập 1 và tập 2 thì tôi cảm thấy tác giả viết rất hấp dẫn về những sự kiện diễn ra trong thực tế ở các chiến trường chống giặc Mỹ như đang còn âm vang trong lòng đất của quê hương.
Sau đó, tôi tiếp tục mượn đọc cho hết 14 tập (do NXB QĐND). Sau này bộ tiểu thuyết có thêm 3 tập(15, 16,17) và NXB Chính trị Quốc gia đã tái bản 17 tập, tôi cũng đã cố gắng đọc hết vào dịp hè 2013. Với tư cách là một bạn đọc, một chuyên viên về thông tin tư liệu, tôi rất quan tâm đến bộ tiểu thuyết lịch sử này, trước tiên tôi xin    cảm ơn tác giả Đặng Đình Loan, cám ơn NXB QĐND, NXB Chính trị QG đã cho tôi có dịp thưởng thức được một tác phẩm sử thi của Việt Nam thời chống giặc Mỹ xâm lược một cách bi hùng lớn lao như thế, cảm động như thế! Tôi xin nói một cảm tưởng chung của tôi là:
Bộ tiểu thuyết lịch sử này có một giá trị lớn về nhiều mặt: chính trị, quân sự, ngoại giao, lịch sử, văn hóa…nó như một bức tranh lớn thể hiện rất sinh động, thực tế về cuộc đấu tranh vô cùng anh dũng, kiên cường của quân và dân ta chống giặc Mỹ xâm lược; Bức tranh đa sắc màu biểu trưng được sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam trong cao trào chống Mỹ cứu nước dưới ngọn đuốc chính nghĩa soi đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ Việt Nam.
Đi sâu, phân tích, bình luận cụ thể thì có các nhà nhà văn, nhà bình luận, còn tôi với góc độ là một chuyên viên về thông tin tư liệu, tôi xin có mấy ý kiến cảm nhận về bộ tiểu thuyết đó như sau:
1.Tác giả đã có công sưu tầm được nhiều tư liệu về chiến sự, chính sự rất quan trọng, đáng tin cậy. Hầu hết là như vậy, tôi không thể nêu ra nhiều dẫn chứng làm gì. Vì đọc cũng biết cả. Tôi chỉ xin nêu một ví dụ thôi. Chẳng hạn, trong tập 16-Cứu ĐôLa, từ trang 316-318, có đoạn ghi lời Ních Xơn nói trong cuộc họp với các nhân vật chủ chốt của ông: “Tôi đã gửi thư cho ông Hồ Chí Minh.Tôi nói bóng gió cho Hồ Chí Minh và cộng sản Việt Nam biết rằng, Mỹ không ngần ngại gì mà không dùng máy bay chiến lược B52 trút bom xuống tất cả các thành phố ở Bắc Việt Nam, kể cả Hà Nội và Hải Phòng. Tôi cũng nói bóng gió cho ông ta biết Mỹ sẵn sàng trút bom tàn phá tất cả hệ thống đê điều ở Bắc Việt Nam trong mùa lũ lụt… Cuối cùng nếu cần, chúng ta sẽ dùng những quả bom nguyên tử để hạ đòn nốc ao!...
Sau khi gửi thư cho Hồ Chí Minh, tôi cũng đã nhận được thư trả lời của ông ấy. Tôi xin trích đọc một đoạn trong thư của ông ấy để quý vị nghe”.
“…Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ để bảo vệ Tổ quốc và các quyền thiêng liêng của mình…”
2.Một số tư liệu về phác họa chân dung của các nhân vật trong tiểu thuyết cũng rất phong phú và tiêu biểu. Từ các nhân vật chính, cũng như nhân vật phụ kể cả bên ta và bên địch đều thể hiện được phong cách và thái độ tiêu biểu.
3.Những trận đánh lớn mang tầm cỡ quốc gia và cả quốc tế thì số liệu rất chi tiết, cụ thể như trận chiến ở Thung lũng IaDrang, trận chiến ở Đường 9 Khe Sanh… Điều đáng nói ở đây là tác giả mô tả trận đánh rất logich, hấp dẫn làm cuốn hút người đọc theo rõi cho đến cùng. Không có gì hư cấu quá đáng, quá xa vời với thực tế chiến trường. Vấn đề này, tác giả đã chịu khó đi sâu tìm hiểu rất kỹ về những điều thuộc về chiến thuật, chiến lược, chiến tranh của quân dân ta…
4.Tình quân dân, tình đồng đội, đồng chí được thể hiện rất gắn kết chặt chẽ sâu sắc và được thể hiện nhất quán từ đầu đến cuối bộ tiểu thuyết. Đây chính là chất keo tình nghĩa vững bền và cũng là nhân tố đem lại sự toàn thắng của cuộc chiến.
5.Chất lượng nội dung của của bộ tiểu thuyết lịch sử “ĐƯỜNG THỜI ĐẠI” này làm cho tôi cũng như nhiều nhà trí thức ở Huế rất khâm phục tinh thần chịu khó của tác giả đã đi sâu vào thực tế và nghiên cứu đối chiếu nhiều tài liệu trong và ngoài nước để chọn lọc trình bày cho hợp lý của bộ sử thi này. Tôi có thể nói rằng, tác giả Đặng Đình Loan là một người lính cụ Hồ đầy nhiệt huyết với Tổ quốc nhân dân, với đồng đội, một người có tài năng và tinh thần vượt khó mới làm nên được tác phẩm công phu trong gần 30 năm ròng kiên trì cầm bút miệt mài với một bộ tiểu thuyết này.
6.Về hình thức in ấn bộ tiểu thuyết rất rõ ràng, sáng sủa, bìa đẹp. Song, toàn bộ tiểu thuyết thiếu phần minh họa bằng vài hình ảnh nên cũng bị hạn chế phần nào về giá trị hình thức của bộ tiểu thuyết lịch sử này. Mặt khác, một số tên người thật việc thật, đôi chỗ còn sai nhầm họ tên. Ví dụ trong tập 11 có nói đến đội du kích 11 cô gái Sông Hương, có 5 cô còn sống trong đó có cô Hoàng Thị Nở, nhưng trong sách ghi là Nguyễn Thị Nở. Tôi đã gặp chị Nở, chị nói: “Nhờ anh Trân nói lại với tác giả khi nào tái bản nhớ sửa lại họ Hoàng giùm tôi, vì đó chính là tôi một thời thanh xuân của tôi và các chị em đã quyết tử cho quê hương đất nước. Đó cũng là niềm vinh dự cho cho tuổi trẻ chúng tôi, vinh dự cho bà con họ hàng chúng tôi nên không thể ghi sai họ tôi được”.
7.Về chất lượng của bộ tiểu thuyết này được nhiều nhà nghiên cứu trong quân đội cũng như các trí thức thời đại đánh giá rất cao trong buổi giới thiệu bộ tiểu thuyết này tại Thư viện Quốc gia Hà Nội sáng ngày 27-9-2013 vừa qua, do NXB Chính trị QG và Thư viện QG tổ chức. Tôi cũng rất tán thành với những ý kiến đánh giá nhận xét một cách khách quan đó.
Lời đề nghị:
1.Cầu mong Nhà nước, Ban tuyên giáo TW, quan tâm ủng hộ cho tác giả về tinh thần và vật chất để tác giả có thể tiếp tục hoàn thành nốt những tập cuối cùng của bộ tiểu thuyết giá trị lớn này.
 Trước đây, sau khi đọc xong 14 tập do NXB QĐND ấn hành, tôi đã đề nghị anh Loan nên tiếp tục viết chặng được về đích của “Đường Thời đại” thì mới trọn vẹn bộ tiểu thuyết lịc sử này. Nhưng hồi đó anh Loan chưa trả lời được, nhưng nay nghe anh nói đang cố gắng viết tiếp cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Nghe như vậy tôi rất mừng. Bộ tiểu thuyết lịch sử “Đường thời đại” nên viết tiếp cho đến khi giải phóng miền Nam và đem lại hòa bình thống nhất đất nước. Đó là nguyện vọng của tất cả chiến sĩ, đồng bào cả nước đang mong đợi.
2.Đây là bộ tiểu thuyết lịch sử nặng ký nhất về cuộc kháng chiến chống Mỹ của cả dân tộc ta và đã giành thắng lợi to lớn trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam. Hình ảnh của nhiều thế hệ, nhiều dân tộc anh em trong nước và nước ngoài đã hiệp lực với nhau dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, Nhà nước và sự chỉ lối anh minh của Bác Hồ đã đem lại thành công vững bền cho đất nước. Vì vậy, tôi đề nghị nên tổ chức những người có trình độ và trách nhiệm về văn hóa để đánh giá thật khách quan, một cách khoa học tác phẩm này.
3.Đề nghị Nhà nước có tài trợ về giá in sách để bán ra cho nhiều người được mua đọc thì sẽ có tác dụng rất lớn trong xã hội. Hiện nay số lượng sách xuất bản ít và với giá lưu hành vẫn đắt, nên nhiều người khó mà xem được.
4.Những ý kiến phát biểu của một số vị tham gia buổi giới thiệu sách sáng ngày 27-9-2013 tại Thư viện Quốc gia vừa rồi, nhà XB Chính trị QG nên có thư gửi lên cho cho các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước biết để có sự quan tâm thích đáng với công lao vô giá này.
Chúng tôi xin chân thành cám ơn tác giả Đặng Đình Loan đã chịu khó, công phu biên soạn bộ tiểu thuyết rất giá trị này, đồng thời chúng tôi cũng xin cám ơn NXB Quân đội và NXB Chính trị Quốc gia đã ấn hành bộ tiểu thuyết đồ sộ này mà chúng tôi mới có dịp được đọc. Và tôi cũng xin cám ơn Thư viện Quốc gia đã cho chúng tôi đến dự buổi giới thiệu bộ tiểu thuyết “ĐƯỜNG THỜI ĐẠI” một cách sinh động và trang trọng như thế.

                                     Hà Nội ngày 29-10-2013
                                       Nguyễn Hồng Trân

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

          TUỔI HỌC TRÒ Ở CỐ ĐÔ HUẾ
(Trích đoạn trong quyển Hồi ký “DÒNG ỜI TÔI”  (chương 1: Tuổi thơ ở Huế).
                           ==00==
Tuy nhà tôi ở Huế thuộc loại nghèo, nhưng ba tôi sống rất đàng hoàng, lịch lãm. Bạn bè ba tôi thường đến chơi nhà chuyện trò vui vẻ. Tôi vui sướng nhất là vào những dịp lễ hội, ba tôi thường dẫn tôi đi tham quan mọi nơi trong Đại nội hoặc đi các chùa chiền, lăng tẩm... Đi đến đâu tôi cũng được nghe ba giảng giải những điều mắt thấy tai nghe và cả những điều mơ hồ của cung đình vua chúa. Nhưng tôi còn nhỏ chưa hiểu biết gì mấy, chỉ thấy ngỡ ngàng trước những danh lam thắng cảnh cổ kính thiêng liêng. Nhiều lúc thấy tôi có vẻ sợ sệt trước mấy pho tượng các vị thần canh giữ cổng chùa (như ở chùa Thiên Mụ), ba tôi còn pha trò cho tôi bình tâm, không lo sợ nữa. Có những lần đi chơi xa, mẹ tôi cùng đi theo nữa, vui lắm. Tôi còn nhớ vào dịp đầu xuân năm mới, tôi cùng ba mẹ tôi đi chơi núi Ngự Bình. Ba tôi đặt tôi ngồi lên vai, hai chân thòng ra phía trước rồi bắt đầu lên đường dốc núi. Ba tôi và tôi đi trước, mẹ tôi theo sau. Có mấy chú thanh niên thấy các cô con gái nối tiếp nhau lên núi thì liền đứng ra chặn đường và buông lời trêu ghẹo như:  “ Các em ơi leo lên sườn núi có mệt không ? để anh giúp một tay dắt em lên nghe !"... “Em may áo dài ở mô mà đẹp rứa ?" . Lúc đó tôi thấy có một chú thanh niên nói ghẹo mẹ tôi rằng:
“Em ở xứ mô mà trắng da dài tóc đễ thương quá ! dừng lại cho anh hỏi thăm nào ! các anh sẽ giúp em du xuân vui vẻ ".v.v...
Ba tôi nghe vậy chắc cũng bực tức, liền bảo nhỏ với tôi ngoái cổ lui sau kêu  mẹ đi mau lên.
Tôi liền gọi to: “Mẹ ơi, ba bảo mẹ đi mau lên !". Mấy chú thanh niên đó ngỡ ngàng cười vui, ngó theo mẹ tôi một cách luyến tiếc...
Mẹ tôi mặc dù xuất thân từ nhà quê, lam lũ, con nhà nghèo (vùng Thượng Xá, Hải Lăng, Quảng Trị), nhưng trông thấy người ta cứ tưởng là người thành phố. Vì bà có dáng dấp thanh cảnh, mặt mũi sáng sủa, da trắng, tóc dài. Đặc biệt bà nói chuyện có thứ lớp và rất thích giao tiếp đàm luận với bạn bè, khách khứa, mặt khác cũng ưa đi tham quan, dự các lễ hội...
Có lần hai mẹ con chúng tôi đi xem đoàn diễu hành có voi ngựa lên tế Đàn Nam Giao. Đó là vào năm Nhâm Ngọ (1942), có lễ Tế Nam Giao ở Huế. Lúc bấy giờ tôi thấy dọc đường nối tiếp nhau các quan quân, voi ngựa, lọng cờ dày đặc từ cầu Nam Giao đến lên tận Đàn tế. Ngay cả voi ngựa cũng khoác áo lễ hội sặc sỡ, uy nghi. Tôi và mẹ tôi đứng trên một gò đất sát đường lối lên chùa Vạn Phước (Chùa được ông Phạm Quỳnh bảo trợ). Mẹ tôi bồng tôi lên cao để dễ nhìn thấy đoàn diễu hành. Một lúc sau thấy dân chúng đi xem chộn rộn, mọi người cố ngẩng cổ lên nhìn đức vua Bảo Đại mặc áo vàng ngồi trên giá lọng sơn son, thiếp vàng; xung quang có nhiều người khiêng và cận thần bảo vệ  đi theo. Mẹ tôi hỏi tôi: “Con thấy vua Bảo Đại đó chưa ? ". Tôi liền hỏi mẹ :" Đó là vua thật hay vua giả mẹ mà không thấy ông cử động gì cả ? ".  "Vua thật đó, răng con lại không tin? "- mẹ tôi trả lời. Tôi nói tiếp : "Con đọc sách và cũng nghe người ta bảo rằng khi vua thân hành trên đường là không ai được ngẩng đầu nhìn vua cả, tại sao bây giờ mọi người đều cứ nhìn tự do rứa?”
Mẹ tôi cười và nói: “ À đó là chuyện các vua thời xưa, còn vua bây giờ đã bỏ tục lệ đó rồi. Còn hôm nay vua ngồi cứng đờ, diện mạo buồn bã chắc là vua mệt ". Nghe mẹ tôi nói vậy tôi lại thắc mắc: “ Vua ngồi trên giá có người khiêng mà mệt chi mẹ ! ". Mẹ tôi đáp: “ Ngồi một chỗ tù túng là cũng mệt con ạ". Tôi nhìn mẹ và tin như thế rồi mỉm cười nghĩ đến chuyện vua buồn đái thì làm thế nào?
Hồi ấy tôi thường gần gũi mẹ nhiều hơn. Ba tôi thì bận việc luôn. Có khi vắng mặt cả tuần vì phải theo đoàn tuỳ tùng đưa vua Bảo Đại đi du ngoạn săn bắn trên rừng. Có lần mẹ tôi chờ ba tôi về để đưa tôi nhập học lớp nhất. Nhưng đến ngày hẹn của thầy giáo mà ba tôi vẫn chưa về. Mẹ tôi đành mạnh dạn đưa tôi đến trường gặp thầy Đẩu xin cho tôi học. Sau khi làm các thủ tục học vụ và thầy giáo vui vẻ nhận lời. Mẹ tôi cám ơn thầy rồi ra về. Tôi ở lại trường và theo thầy dẫn đến lớp nhập học.  Thầy chỉ cho tôi ngồi vào bàn, đồng thời giới thiệu tên tôi cho cả lớp biết. Lúc đó bao cặp mắt tinh nghịch của tụi học trò trai gái nhìn vào tôi lè lưỡi, bỉu môi, hú mồm, trợn mắt trêu chọc. Tôi là học trò mới đến chẳng biết gì cả. Trong lòng cảm thấy lo lo, sờ sợ. Nhất là khi thấy mấy trò bị thầy đánh đòn dồn dập (vì thầy nói không nghe, không chịu làm bài tập) thì tôi càng run và tự nghĩ bụng: " Không biết mình có vượt qua được những cực hình nặng nề này không ? ".
Tan học, tôi chạy vụt ra khỏi cổng trường định chạy một mạch về nhà thì bỗng nghe tiếng gọi tên tôi ở phía sau. Tôi đứng lại nhìn lui, thấy một trò gái đi nhanh đến chỗ tôi và tươi cười nhẹ nhàng hỏi:
“ Trò mới đi học buổi đầu tiên có vui không ? ". Tôi trả lời cộc lốc : "ngán lắm ". Trò ấy hỏi tiếp: "Sao vậy ? "- “Chẳng sao cả, thầy dữ dằn lắm, không mê được". Tôi trả lời thế và đi về nhà. Trò gái ấy theo tôi một đoạn rồi chào tôi và mỉm cười chia tay. (Trò gái đó chính là con của bà Đội Mái ở kiệt sau nhà tôi. Tên cô ở nhà là Bò, tên đi học là Phạm Thị Vinh Thuận).
Về sau, gia đình tôi và gia đình Vinh Thuận thân nhau lắm. Mẹ tôi và mẹ cô ấy rất hợp tính nhau. Hai gia đình qua lại với nhau thân thiết Có việc gì là giúp đỡ nhau tận tình như chị em ruột thịt. Thỉnh thoảng đi tham quan, du ngoạn đều rủ nhau đi và chụp ảnh chung hai gia đình. Có ảnh tôi và Thuận chụp chung. Hai đứa mặc bộ đồ thể thao ngắn, khoác vai nhau cười vui hồn nhiên thời thơ ấu. Thuận hiền lành, dễ thương, ít nói, hay mỉm cười. Ba mẹ tôi rất quý mến Thuận như con đẻ. Thỉnh thoảng ba mẹ Thuận bận việc đi vắng nhà cả ngày thì Thuận được gửi sang nhà tôi chơi và ở lại ăn cơm với chúng tôi như anh em trong một gia đình. Cũng có lúc ba mẹ tôi đi vắng xa một hai hôm, tôi được gửi sang nhà Thuận ăn chơi rồi ngủ lại qua đêm bên ấy. Buồn cười nhất là những hôm như thế, ba mẹ Thuận để cho hai đứa con nít ngủ chung với nhau, kể chuyện cổ tích cho nhau nghe rồi cười khúc khích trong chăn. Có lúc hai đứa thương nhau quá, hôn má nhau, kéo tai nhau đùa giỡn hồn nhiên thoải mái... Thuận rất quý mến tôi và hay bênh tôi lắm. Có lần ba tôi tức bực đánh đập tôi về chuyện tự động rủ nhau đi trèo cây cao bắt tổ chim. Nghe tiếng tôi khóc to, Thuận chạy sang ngay, khóc theo tôi rồi lạy xin ba tôi tha đòn cho tôi. Ba tôi thương tình con trẻ đã dừng tay, cất roi. Lúc đó tôi sung sướng vô cùng! Tuy tôi không bị đánh nữa nhưng tiếng nấc khóc lại to hơn, dài hơn như trong cơ thể có thêm nguồn sức mạnh tình ái tuổi thơ.
Ôi tuổi thơ của cuộc đời sao mà dễ thương, trong trắng quá ! Sao cứ mặn mà nhớ mãi khó quên ! Tôi yêu tuổi thơ biết nhường nào ! Nhiều lúc tôi muốn khóc thật lâu cho tuổi thơ còn mãi... 

Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

NHỚ VỀ KHÚC RUỘT MIỀN TRUNG
    Nữ BS. Thái Lê Phương
                    ==00==
Thương lắm miền Trung ruột thịt ơi!
Trải qua bão lũ bao đời rồi
Trẻ già vất vả mồ hôi đổ
Trai gái đau lòng nước mắt rơi
Địch họa bao năm còn dấu tích
Thiên tai mấy dạo đã tơi bời
Bà con khắc phục lo đời sống
Nhà nước quan tâm khắp mọi nơi.
                      **00**
           Hà Nội ngày 16-10-2013


Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

CHUYỆN HAI NGƯỜI BẠN ĐỜI CỦA VÕ ĐẠI TƯỚNG
   (Nguyễn Hồng Trân sưu tầm và giới thiệu)
                               ==00==
Đó là chuyện hai người phụ nữ đã nối tiếp nhau làm bạn đời gắn liền với sự nghiệp vì dân, vì nước của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Mối tình đầu của ông là liệt sĩ Nguyễn Thị Quang Thái, em ruột của liệt sĩ Nguyễn Thị Minh Khai- một phụ nữ tiền bối hoạt động cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam. Ông Giáp và bà Thái gặp nhau lần đầu tiên năm 1929, trên chuyến tàu Vinh - Huế. Trước đó, ông Giáp từng nghe các đồng chí cùng chi bộ nhắc tới cái tên cô gái Quang Thái, cô em gái của đồng chí Minh Khai còn rất trẻ nhưng hoạt động cách mạng rất hăng hái.
Con gái của ông Giáp và bà Thái là GS. Võ Hồng Anh đã ghi lại một đoạn về ba mẹ của mình như sau:
"Mẹ Thái mặc áo dài, tóc để xoã, da trắng hồng, gương mặt rất sáng, đặc biệt là đôi mắt, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng ba. Ba khi ấy ông đóng vai một nhà báo khá ăn diện. Về sau mẹ nói lại cho ba ấn tượng đầu tiên của mình: Một chàng thư sinh với vẻ “công tử bột”, chỉ khi nghe tự giới thiệu là nhà báo thì mẹ mới dịu lòng và bắt chuyện",
Giáo sư Võ Hồng Anh, con gái duy nhất của đại tướng Võ Nguyên Giáp và bà Nguyễn Thị Quang Thái, hình dung về buổi gặp gỡ đầu tiên của ba mẹ mình qua lời kể của cha, trong một buổi phỏng vấn của báo chí năm 2003. (Giáo sư Hồng Anh đã mất năm 2009).
Lần gặp thứ hai của Võ Nguyên Giáp và cô Quang Thái là tại một ngôi nhà trong thành nội Huế. Khi đó, Quang Thái đến xuất trình giấy giới thiệu sinh hoạt Đảng. "Một cô học sinh xinh xắn, giọng nói nhẹ nhàng, ấm áp. Cô có dáng mảnh dẻ, hai con mắt to rất sáng. Đôi mắt này mình đã gặp ở đâu nhỉ?”. -Anh Giáp thầm nghĩ thế.
Cuốn sách "Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời trẻ" của trung tướng Phạm Hồng Cư ghi lại:
“Sau đó, Quang Thái vào Huế học và tìm bắt liên lạc với tổ chức để nhận công tác với đoàn thể. Hai người có cơ hội gặp nhau vài lần, nhưng Quang Thái chưa nảy nở tình yêu đáp lại tấm lòng chân tình của người đồng chí. Thời gian qua đi, trong quá trình hoạt động, đấu tranh, tình yêu của họ nảy nở từ những lý tưởng chung về cách mạng...
Sau đó,hai người kết hôn khi bà Quang Thái 20 tuổi, nhưng mãi đến gần chục năm sau họ mới sinh con vì muốn “giữ” để được thoát ly hoạt động cùng nhau”.
Vào cuối năm 1939, thực dân Pháp khủng bố mạnh. Lúc này, chiến sĩ cách mạng Võ Nguyên Giáp phải rút vào hoạt động bí mật. Sau đó, ông được cử sang Trung Quốc hoạt động.
Trước sự phân vân, lo lắng vì hai vợ chồng không thể ở bên nhau khi con gái Hồng Anh còn quá nhỏ, bà Quang Thái động viên chồng: “Đây là một thời cơ lớn, trên đã muốn anh thoát ly thì anh nên quyết tâm. Mẹ con em tự lo được mà. Chờ con lớn thêm chút nữa em gửi con cho ông bà nuôi, em sẽ đi sau”. Cả hai vợ chồng bà Quang Thái không ngờ đó là cuộc chia ly vĩnh viễn giữa hai người.
Năm 1942, bà Quang Thái bị bắt và bị kết án 16 năm tù. Trong thời gian bị giam giữ, bà thường xuyên bị tra tấn nhưng vẫn kiên trung không tiết lộ thông tin của tổ chức. Năm 1944, bà Quang Thái từ trần do kiệt sức khi chăm sóc bệnh nhân trong nhà lao Hỏa Lò và bị nhiễm phong hàn.
Do điều kiện phải hoạt động bí mật nên mọi thông tin về việc bà Quang Thái bị bắt, Ông Võ Nguyên Giáp không hề hay biết. Chỉ đến khi trở về nước và tham dự hội nghị Hội nghị quân sự cách mạng Bắc kỳ họp tại Hiệp Hòa (Bắc Giang) vào tháng 4/1945, Võ Nguyên Giáp mới nhận được tin đau buồn. Khi nghe tin người vợ yêu thương đã hy sinh, người Đội trưởng Đội Tuyên truyền Giải phóng quân Võ Nguyên Giáp bàng hoàng, xót xa, đau đớn vô cùng…”

Mối tình thứ hai, gắn với đại tướng Võ Nguyên Giáp tới cuối đời, là với người vợ sau, bà Đặng Bích Hà - con gái của giáo sư Văn học Đặng Thai Mai.  Đây là người phụ nữ đã đồng hành với ông Giáp từ những ngày sau Cách mạng Tháng Tám cho đến trọn cuộc đời.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp vốn là đồng chí, đồng nghiệp với cụ Đặng Thai Mai từ những ngày Đảng Tân Việt mới đi vào hoạt động.
Võ Nguyên Giáp biết Đặng Bích Hà từ lúc còn là cô còn bé hay sang chơi và chuyện trò với ông. Ông rất quý gia đình cụ Đốc Mai và được hai cô con gái cụ quý mến như một người anh cả. Trong suốt thời gian hoạt động và làm việc từ 1931 đến 1941 tại Vinh, Võ Nguyên Giáp sống tại nhà của Giáo sư Đặng Thai Mai. Lúc nào ông cũng xem cô bé Bích Hà như một người em nhỏ nên rất cưng chiều, quý mến.
Khi mới ra Hà Nội, ngày nào đi luyện tập thể thao, ông cũng cho Hà đi cùng. Trên đường đi, thỉnh thoảng ông cũng kể cho cô bé Bích Hà nghe về cô Quang Thái và cô lắng nghe rất chăm chú.
Ngày ấy, cả gia đình cô Hà, nhất là cụ Đặng Thai Mai, rất quý cô Quang Thái và mọi người đều xem cô như người thân trong nhà. Sau khi cưới, Võ Nguyên Giáp ra ở riêng và tiếp tục hoạt động ở Hà Nội rồi sang Trung Quốc, còn cô Bích Hà học ở Hà Nội một thời gian. Đến năm 1943 cô theo trường tản cư về Thanh Hóa cho đến 1945 mới quay về Hà Nội.
Năm 1945, khi hai người gặp lại nhau, Võ Nguyên Giáp đang phải gánh chịu mất mát lớn, khi biết tin người vợ - người đồng chí Nguyễn Thị Quang Thái đã bị bắt và mất trong nhà tù Hỏa Lò từ đầu năm 1944. Từ sự kính phục và ngưỡng mộ, Bích Hà lại càng muốn được cùng ông chia sẻ mọi gian khó trên con đường cách mạng và đường đời.
Vào cuối năm 1946, gia đình cụ Đặng Thai Mai đồng ý tổ chức lễ cưới cho Võ Nguyên Giáp và Đặng Bích Hà. Đám cưới của hai người được tổ chức rất giản dị, nhưng ấm cúng. Thế là cô Bích Hà trở thành người bạn đời thứ hai và dài lâu với tướng Giáp. Suốt mấy chục năm làm bạn đời, Bích Hà vẫn luôn bên cạnh động viên chồng với tâm hồn bình thản qua những lời giản dị và lạc quan. Hai ông và đã sinh hạ được 4 người con: Võ Điện Biên, Võ Hòa Bình, Võ Thị Hạnh Phúc và Võ Hồng Nam. Các con cháu của ông bà đều đã trưởng thành và có uy tín và trách nhiệm trong công việc.
Về phần mình, dù hay vắng nhà, Đại tướng chưa bao giờ để vợ con phải có cảm giác lo lắng, hụt hẫng vì bị “lãng quên”, mà ông vẫn cố dành thời gian mấy phút để viết những dòng thư ngắn gọn gửi cho bà và các con để hỏi thăm sức khỏe và động viên tinh thần học tập, công tác.
Với cương vị là Tổng chỉ huy Quân đội nhân dân, là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ quốc phòng, từ khi đang còn đương chức cho đến khi về nghỉ hưu, ngày nào Đại tướng cũng rất bận rộn. Dù vậy, chưa năm nào Đại tướng quên ngày cưới của hai người. Hàng năm, cứ đến ngày 27/11, Đại tướng lại nhờ con gái mua một bó hoa hồng nhung - một loài hoa mà bà Bích Hà rất thích để tặng bà. Sau này, khi nghe nói hoa hồng nhung chứa nhiều thuốc rất độc, lại không có mùi thơm như trước nữa, ông lại dặn con vẫn mua hoa hồng để ba tặng mẹ nhưng phải là hoa hồng có mùi thơm. Ngoài ra, trong những đêm thanh vắng tại nhà riêng số 30 phố Hoàng Diệu Hà Nội, Võ Đại tướng thường chơi đàn dương cầm một vài bài mà bà Bích Hà và ông ưa thích.
Đến những năm gần đây, khi sức khỏe ngày càng yếu, hầu hết thời gian của Đại tướng là ở trong viện 108, tuần nào bà Bích Hà cũng vào thăm chồng, cùng ông chuyện trò. Hôm nào mệt bà không vào được, ông   rất băn khoăn lo cho sức khỏe cho vợ. Ông bảo con nhớ nói với mẹ: “Cố giữ gìn sức khỏe!”.
Tình yêu của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phó giáo sư Đặng Bích Hà là như vậy, bình dị nhưng đậm đà tình nghĩa cho đến suốt cả cuộc đời.
                                          ==00==
Ghi chú: Bài sưu tầm và giới thiệu này dựa vào nội dung chủ yếu trong bài tổng hợp của nhà báo Vương Linh.



Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

  MỘT NGƯỜI HUẾ NHƯ MỘT PHÓNG VIÊN NHIẾP ẢNH
         TRONG NGÀY LỊCH SỬ QUÂN TA TIẾP QUẢN
                          THỦ ĐÔ HÀ NỘI: 10-10-1954
                                           *****
                        Nguyễn Hồng Trân (cựu GV. ĐHKH Huế)
 Vào dịp đầu xuân năm Quý Tỵ (2013), tôi và thầy Dương Quang Cung đến thăm thầy Thân Trọng Ninh để chúc thọ thầy lên lão hạc tuổi 92. Thầy Ninh là một nhà giáo ưu tú. Trước đây thầy ấy đã dạy ở Hà Nội và sau ngày hòa bình thống nhất đất nước Việt Nam, thầy về Huế dạy sinh vật tại trường Cao đẳng Sư phạm Huế. Nay thầy đã nghỉ hưu ở số nhà 128 đường Phan Văn Trường TP. Huế. Tuy nay tuổi thầy đã cao, nhưng thầy vẫn minh mẫn và vui vẻ chuyện trò với chúng tôi một cách thân mật, nhiệt tình. Thầy kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm về thời trai trẻ của thầy ở Huế và ở Hà Nội. Đặc biệt thầy có kỷ niệm đáng nhớ là thầy có mặt trong ngày quân đội ta kéo về tiếp quản Thủ đô Hà Nội 10-10-1954.
Thầy Ninh đưa ra cả một tập ảnh và mấy cuộn phim còn lưu trữ về những hình ảnh lịch sử của ngày Đoàn quân ta kéo về Giải phóng Thủ đô Hà Nội. Chúng tôi cũng may mắn gặp dịp được xem tập ảnh đó với hơn 70 tấm ảnh đen trắng được chọn lọc như còn mới nguyên, hình ảnh khá rõ ràng. Thật vô cùng ngạc nhiên khi biết thầy là tác giả của bộ ảnh lịch sử đó. GS sử học Đinh Xuân Lâm chỉ vào thầy Ninh và nói cho mọi người nghe rằng:
“Đây là tác giả người Huế -Thân Trọng Ninh đây, là một nhân chứng sống sáng giá trong ngày quân ta tiến về tiếp quản Hà Nội đấy”.
Thật bất ngờ, chúng tôi vui thích và chúc mừng thầy đã ghi lại được những hình ảnh quý giá của ngày trọng đại đó.
Tôi hỏi thầy: “Nghe nói hàng năm cứ mỗi lần đến dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô, Ban tổ chức kỷ niệm đều tưng bày bộ hình ảnh của thầy và mời thầy ra thăm Hà Nội có phải không?”
Thầy Ninh cười vui và nói với tôi:
“Đúng rồi, năm nào họ cũng mời tôi ra Hà Nội dự lễ cả, nhưng có năm tôi còn khỏe thì đi ra thăm Hà Nội luôn, nhưng có năm sức khỏe không tốt thì tôi không ra dự được”.
Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 59 năm ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội(10-10-1954—10-10-2013), chúng tôi đã ra Hà Nội cư trú không còn ở Huế để đến thăm thầy như mọi năm nữa, nhưng chúng tôi vẫn còn ghi nhớ những lời của năm trước khi chúng tôi đến thăm thầy và nghe thầy kể lại những điều mắt thấy, tai nghe và cảm xúc của thầy trong ngày lịch sử trọng đại đó. Thầy Thân Trọng Ninh rất vui vẻ nói với chúng tôi:
“Hồi ấy chúng tôi là những thanh niên sinh viên cùng với nhân dân Hà Nội vô cùng sung sướng, phấn khởi, tưng bừng đón mừng đoàn Giải phóng quân Việt Nam tiến về tiếp quản Thủ đô với khí thế hào hùng thắng lợi. Như trong bài ca “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao đã vang lên sau này làm rung động lòng người khi nhớ đến cái ngày hôm ấy:
“ Trùng trùng, say trong câu hát,
Lớp lớp đoàn quân tiến về…
Năm Cửa Ô đón mừng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón chào, nở năm cánh đào
Hà Nội vang  tiếng quân ca…”
            
  Thầy Ninh kể tiếp: “Hồi ấy, tôi rất may mắn có chiếc máy ảnh Rêtina -2A của Đức mang theo để ghi lại những hình ảnh lịch sử tại Thủ đô Hà Nội trong ngày bộ đội cụ Hồ về tiếp quản Thủ đô. Đó là sự ham thích đã cháy bùng lên trong người tôi khi biết được sự hiếm hoi này. Tuy hồi ấy, tôi chỉ là một sinh viên yêu thích chụp ảnh về thiên nhiên, đất nước và con người ở đô thành Hà Nội. Thời đó tôi hăng hái hoạt động nhiếp ảnh nghiệp dư nhưng lại có tâm hồn nghiệp vụ như một nhà báo thực thụ. Lúc bấy giờ, tôi cứ chạy từ chỗ này sang chỗ nọ để chụp ảnh. Tôi chạy theo đoàn quân từ đường Bạch Mai, lên phố Huế, Hàng Bài, bờ Hồ, sang Hàng Ngang,Hàng Đào v.v…
Tôi đưa chiếc máy ảnh và ngắm chụp lia lịa được nhiều ảnh, trong đó có hơn 70 bức ảnh được chọn lọc quý giá trong thời điểm vinh quang của trái tim Tổ quốc đón chào những người con của đất nước đã 9 năm ra đi đánh giặc cứu nước nay đã chiến thắng trở về.
Trong ngày ấy, các đường phố rợp bóng cờ bay cùng với những pa nô, khẩu hiệu, biểu ngữ rung rinh trước gió…   Nhân dân Thủ đô Hà Nội đứng chật hai bên các trục đường chính để chờ đón giờ phút thiêng liêng ấy. Bao nhiêu gương mặt rạng rỡ, phấn khởi vui tươi vẫy chào cờ, hoa đón mừng đoàn quân ta chiến thắng trở về với trái tim của Tổ quốc”.    
Nói xong, thầy liền đem ra nhiều bức ảnh thầy đã chụp hồi đó cho chúng tôi xem và giải thích từng bức một. Chúng tôi rất khâm phục thầy đã qua hơn nữa thế kỷ rồi mà thầy vẫn giữ gìn cẩn thận những cuộn phim, những tấm ảnh đó như còn nguyên vẹn. Thầy còn cho chúng tôi biết thêm rằng, trước đó, khi quân Pháp rút đi khỏi Hà Nội thì đường phố vắng teo chẳng một ai đưa tiễn. Trái lại ai cũng mừng thầm là từ nay quân xâm lược Pháp sẽ vắng bóng vĩnh viễn. Chúng tôi cũng được thầy Ninh cho xem mấy bức ảnh quân Pháp rút khỏi Hà Nội.
Thỉnh thoảng những lần có kỷ niệm lớn về ngày Giải phóng Thủ đô, thầy đều được ban tổ chức Hội khoa học Lịch sử và Đài truyền hình Việt Nam đều mời thầy ra dự và thầy có đưa một số ảnh ra tham gia triển lãm vào dịp đó. Điều đó làm cho thầy cảm thấy vinh dự là một nhân chứng sống của một sự kiện lịch sử trọng đại –ngày 10,tháng 10 năm 1954, đoàn quân Việt Nam tiến về thủ đô Hà Nội.
          Thầy còn vui vẻ kể thêm rằng: “Có lần, khi tôi đang ở trong phòng triển lãm ảnh ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội, có một số người đến xem và chỉ cho tôi thấy bản thân họ hoặc bà con ruột thịt của họ có trong các bức ảnh của tôi. Như GS Trần Quốc Vượng vui mừng tìm thấy hình ảnh mẹ mình trong tấm ảnh nhân dân Hà Nội đứng hai bên đường vẫy cờ hoa chào mừng đoàn quân ta chiến thắng trở về. Điều đó cũng đủ làm cho tôi cảm thấy vui sướng vì mình đã kịp thời làm được một việc nhỏ có ích cho đất nước để kỷ niệm mãi mãi cho mai sau”.
          Tôi thường hay đến thăm thầy và đàm đạo chuyện khoa học đời sống … thấy thầy vẫn phong độ, tinh thần minh mẫn, tai mắt vẫn nghe nhìn bình thường, đi lại nhẹ nhàng, chuyện trò vui tươi sinh động. Tôi thấy sức khoẻ của thầy được như thế thật đáng mừng. Tôi nói với thầy: “Tuổi thầy cao hơn em 14 tuổi, không biết khi em bằng tuổi thầy có được sức khoẻ và minh mẫn như thầy không? Em sẽ cố gắng phấn đấu mọi mặt để được như thầy”.
Thầy Ninh nở một nụ cười hiền hậu và nói với tôi và có  một số em sinh viên ngồi xung quanh đó đều nghe:
 “Muốn được như ai tài giỏi mới khó còn muốn được như Ninh đây thì chẳng có gì khó lắm, chỉ cần siêng năng rèn luyện thân thể (tập thể dục đều đặn hàng ngày), ăn uống điều độ, rèn luyện trí tuệ thường xuyên và chừng mực là được thôi. Đừng để cho bộ não của mình quá nhàn rỗi sẽ bị lão hoá nhanh, nhưng cũng không nên lao động trí óc quá nhiều để căng thẳng thần kinh mà ảnh hưởng đến sức khoẻ. Vì mọi hoạt động của mình là do bộ não điều khiển cả. Nếu bộ não tốt thì mọi hoạt động của cơ thể sẽ tốt thôi”.
 Nghe thầy Ninh nói như vậy mà chúng tôi cảm thấy vui với thầy và ai cũng nghĩ bụng rằng mình sẽ cố học tập phấn đấu để được như thầy.    
          Thầy Thân Trọng Ninh là một giảng viên trường Cao đẳng sư phạm Huế đã nghỉ hưu lâu rồi, hiện nay tuy tuổi cao sức yếu nhưng vẫn nhiệt tình tham gia các công việc của dòng họ Thân, tham gia công tác đào tạo thế hệ trẻ ở Huế như giảng dạy thêm Tiếng Pháp cho các sinh viên, cộng tác viên với một số tạp chí địa phương và Trung ương… Thầy đã từng được mời tham gia đóng phim về vai quan lại triều Nguyễn, tham gia các đề tài khoa học về sinh học, sinh thái môi trường v.v… Hàng ngày thầy vẫn miệt mài bên chiếc máy vi tính và truy cập thông tin trên mạng Internet để tìm kiếm các tư liệu tham khảo cho việc nghiên cứu của thầy.    
           Mỗi lần kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 là thầy lại được Ban Tổ chức lễ  kỷ niệm mời thầy ra dự. Điều đó làm thầy vui sướng và cảm động trước sự quan tâm của Ban tổ chức đối với một trí thức nhân chứng lịch sử còn sống ở đất Cố đô Huế và đó cũng là một vinh dự cho gia đình họ hàng có người con xứ Huế đã từng sống gắn bó với Thủ đô Hà Nội lâu năm và có mặt trong những giờ phút lịch sử huy hoàng ấy./.
                                                                                  NHT
                                                   ==00==

Thứ Hai, 7 tháng 10, 2013

VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC
 ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP ĐÃ TỪ TRẦN
==00==

Than ôi, tướng Giáp qua đời!
Trào dâng thương tiếc bao người Việt Nam.
Từ ngày đất nước nguy nan,
Người lập quân đội, sẵn sàng đấu tranh.
Xây dựng lực lượng trưởng thành,
Đánh cho quân giặc tan tành khắp nơi.
Niềm tin chiến thắng sáng ngời,
Trận Điện Biên Phủ để đời vinh quang.
Giặc Pháp thua nặng phải hàng,
Cái mộng xâm lược tiêu tan chẳng còn.
Quân dân đất Việt sắt son,
Quyết tâm chiến đấu bảo tồn Giang sơn.
Rồi đến giặc Mỹ mạnh hơn,
Dùng nhiều kế độc tưởng khôn lừa người.
Không ngờ cũng thế cả thôi,
Thất bại nhục nhã phải rời Việt Nam.
Ngọn cờ chính nghĩa sang trang,
Việt Nam thống nhất huy hoàng yên vui.
                    Nguyễn Hồng Trân