Thứ Tư, 30 tháng 4, 2014

         CẢM XÚC CHUYỆN
VỀ NHỮNG NGƯỜI TÙ CÔN ĐẢO
                  ==00==
                         Nguyễn Hồng Trân

Cứ mỗi lần đến dịp kỷ niệm ngày hoàn toàn giải phóng miền Nam Việt Nam 30 tháng 4 hằng năm là tôi lại được nghe lại những mẫu chuyện thực về những người tù Côn Đảo. Càng nghe, tôi lại càng xúc động và khâm phục tinh thần can đảm, chịu đựng đau khổ, hy sinh để đấu tranh bất khuất với kẻ thù là giặc Mỹ xâm lược Việt Nam.
Giặc Mỹ và bè lũ tay sai phản quốc đã dùng những cực hình tra tấn rất tàn ác, dã man đối những đồng bào, chiến sĩ ái quốc của chúng ta mà bọn giặc Mỹ đã gán cho cái tên VC (Việt cộng). Họ đã nằm trong lao tù Côn Đảo như một địa ngục trần gian. Họ phải chịu gông cùm, đói khát, bị tra tấn đến tàn phế, kiệt sức và đã có nhiều người chết dần trong tù một cách thê thảm…
Những người còn sống sót trở về sau ngày giải phóng 30-4 thì cũng bị bệnh tật, đau ốm kéo dài. Tuy vậy họ vẫn cảm thấy vui sướng được sống trở về sum họp với gia đình, bà con, dân chúng sau ngày hòa bình thống nhất đất nước. Và rồi họ cùng nhau gặp gỡ để chuyện trò ôn lại những năm tháng trong tù mà lòng đầy tự hào và tin tưởng vào cuộc sống tương lai cho thế hệ con cháu mai sau được an lành, hạnh phúc.
Trong số những người tù Côn Đảo còn sống trở về, tôi được may mắn gặp mấy người bạn quen thân như anh Lê Quang Vịnh, cô Lê Thị Nhân, anh Trần Văn Hòa…
Vào dịp 30-4 những năm về sau này tại tp.Huế. Có lần tôi được gặp nhiều vị cựu tù Côn Đảo về họp tại nhà anh Lê Quang Vịnh ở đường Nguyễn Phúc Nguyên, Kim Long, tp.Huế. Sau này, tôi cứ hay đến thăm gia đình anh Lê Quang Vịnh- người tử tù thời Mỹ Ngụy mà tôi đã từng hát bài: “Lê Quang Vịnh- người con quang vinh…” của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sáng tác từ miền Bắc năm xưa. Mỗi lần gặp anh Vịnh và chị Khánh(vợ anh) tôi lại hát bài đó cho anh chị nghe và anh chị rất vui thích.
Tôi còn kể cho anh Vịnh nghe thêm về câu chuyện do thầy Lê Quang Thái kể là sau khi nghe chính quyền giặc thù tuyên án tử hình GS Lê Quang Vịnh thì chùa Diệu Đế ở Huế đã tổ chức lễ cầu siêu cho GS Lê Quang Vịnh trong ba ngày liền để tỏ lòng vô cùng thương tiếc vị GS Toán học sắp tạ thế… Nhưng sau đó thì bọn giặc đày GS Lê Quang Vịnh ra giam vào “chuồng cọp tử tù” ở Côn Đảo. May sao anh Vịnh vẫn chưa bị giặc giết ngay mà chúng nó muốn dụ dỗ anh để thực hiện âm mưu thâm độc của chúng, nhưng không được, chúng giở trò hành hạ, tra tấn anh và các bạn tù của anh cho chết dần, chết mòn trong đau đớn thể xác, khủng hoảng tinh thần… Nhưng anh không chết, anh vẫn sống trong khổ đau cho đến ngày giải phóng Côn Đảo.
Cái ngày quân giải phóng tiến ra Côn Đảo đón tất cả những người tù yêu nước trở về đất liền gặp gia đình, bà con, đồng bào mình trên quê hương đất nước Việt Nam đã hòa bình thống nhất; cái ngày mà những người tù Côn Đảo không ngờ lại hưởng trọn niềm vui sướng, hạnh phúc lớn lao như vậy! Mọi người lúc bấy giờ ca vang lên thật to những bài ca yêu nước mà trước đây họ chỉ thầm ca với nhau trong lao tù quân giặc. Rồi họ cùng nhau hô to lên:
-Việt Nam hòa bình thống nhất, muôn năm!
-Bác Hồ Chí Minh, muôn năm!
-Quân đội nhân dân Việt Nam, muôn năm!
                            #=#         
                      (Hà Nội 30-4 năm 2014)

Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

HOÀNG HÔN VỀ TRÊN SÔNG QUÊ
                        ==00==
                Nguyễn Hồng Trân

Hoàng hôn trên sông quê
Đợi thuyền ghe trở về
Cập bến bờ thương nhớ
Man mác hồn say mê…
               

Ánh hồng xuống chân trời
Băng qua những sông suối
Tìm mặt nước chơi vơi
Đắm mình trong khát vọng             

               
Hoàng hôn đang thầm lặng
Thủ thỉ với mây trời
Rụt rè như e thẹn
Ta muốn nhìn mãi thôi.

                
Những chiều hè vẫn thế
Ta đợi hoàng hôn về
Nhìn mặt nước ánh hồng
Gợi cảm mối tình quê.

               
Em ơi, anh biết lắm
Hoàng hôn là hết nắng
Nhưng còn nắng trong lòng
Tối khuya càng thêm  ấm.

               
Trong những đêm thanh vắng,
Ai hiểu được mặt trời.
Đem hoàng hôn đi đâu?
Để con trùng than thở…
               
Da diết lắm em ơi!
Trời xa xôi, vời vợi .
Đất mong mỏi, hoàng hôn.
Qua đêm dài yên tĩnh.


Sáng sớm cỏ đầy sương.
Long lanh dưới mặt trời.
Như muôn ngàn viên ngọc.
Cứ lặng lẽ  rơi rơi.

                
Thấm xuống đất mãi hoài..
Em ơi, ai có hiểu
Anh mong điều kì  diệu:
Em hiểu hết lòng anh.

                
Anh ước thành sương rơi
Trên tóc em hóa ngọc
Khi bình minh chiếu rọi
Lấp lánh giữa đất trời...   
                      NHT




Thứ Năm, 17 tháng 4, 2014

     HẬU DUỆ HAI BÀ TRƯNG Ở INDONESIA

Các nhà nghiên cứu ở Indonesia tán thành giả thuyết người Minangkabau từ Việt Nam phiêu bạt đến Indonesia. Nhiều đoạn phim quảng bá du lịch cho đảo Sumatra đã tuyên bố tổ tiên người Minangkabau là người Việt đã di cư đến Nam Dương bằng thuyền, nhằm nhấn mạnh sự độc đáo của nền văn hóa Minangkabau.
Theo giả thuyết nhà nghiên cứu độc lập Trương Thái Du đưa ra, sau thất bại của cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, vào cuối năm 43 một bộ phận người Việt đã lên thuyền chạy trốn ra khơi và dạt vào Eo biển Malacca nhờ gió mùa Đông Bắc. Tiếp đó, họ định cư tại khu vực phía Tây đảo Sumatra và trở thành dân tộc Minangkabau ngày nay.
Tộc người này theo chế độ thị tộc mẫu hệ giống như người Việt cổ. Người nữ giữ quyền thừa kế trong thị tộc gọi là Turun Cicik, em gái của Turun Cicik nằm trong hàng thừa kế thứ hai gọi là Turun Nyi. Hai danh xưng này rất giống tên gọi của hai chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị.
                                          ==00==
Ghi Chú: Trên đây là thông tin mà Hồng Trân(Hội viên Hội lịch sử Việt Nam) mới biết được vài tuần nay. Sự thực thế nào chưa được khảo sát và kiểm chứng. Kính mong các nhà khoa học ngành sử học trong nước và nước ngoài thẩm định lại xem thực ư thế nào? Giả thyết đó đã được thuyết phục chưa? Ai biết thêm về thông tin này, xin gửi về theo email của Hồng Trân như sau:   nghongtran38@gamil.com
Xin chân thành cám ơn.
                                                      ==00==
Phụ lục
Trong sách Đại Nam quốc sử diễn ca có đoạn kể về cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng thành bài vè đã trở thành quen thuộc đối với người Việt:
Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành
Kinh kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
Ba thu gánh vác sơn hà
Một là báo phục hai là Bá Vương
Uy danh động tới Bắc Phương
Hán sai Mã Viện lên đường tấn công
Hồ Tây đua sức vẫy vùng
Nữ nhi địch với anh hùng được sao!
Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo
Hai Bà thất thế cùng liều với sông!
Trước là nghĩa, sau là trung
Kể trong lịch sử anh hùng ai hơn.
Hàng năm, vào ngày 6 tháng 3 âm lịch, là ngày giỗ hay là lễ hội tưởng nhớ Hai Bà. Sau này chúng ta lồng ghép vào ngày kỷ niệm Quốc tế Phụ nữ 8-3 để làm lễ hội.

Thứ Hai, 7 tháng 4, 2014

   HỒI ẤY VÀ BÂY GIỜ …
              ==00==         
    
Hồi ấy ước vọng biết bao,
Cái thời trai trẻ thuở nào thật vui.
Bạn bè nam nữ tới lui,
Cùng nhau chia sẻ ngọt bùi đắng cay.
Cười đùa ca hát nồng say,
Hân hoan, thích thú tràn đầy tình thương.
Bây giờ tóc đã tuyết sương,
Tâm hồn xanh thắm trên đường quy tiên.
Quy luật tạo hóa tự nhiên,
Ai cũng đến lúc về miền cõi âm.
Sống cho thanh thản tấm thân,
Coi trọng tình nghĩa chân thành với nhau.
                         ==00==
                    Nguyễn Hồng Trân
       Hà nội, xuân năm Giáp Ngọ- 2014.
Ghi chú: Hồi ấy tôi 22 tuổi và bây giờ đã 77 tuổi rồi. 55 năm trôi qua thật nhanh. Mong sao cuộc sống được SK và an bình.

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

BÍ ẨN CỦA LÒNG BÀN CHÂN
                        ==00==
(Nguyễn Hồng Trân sưu tầm và giới thiệu)
Ngày nay khoa học về Y học cơ thể con người dần dần người ta khám phá ra được nhiều điều thú vị và rất hữu ích cho con người luyện tập để nâng cao sức khỏe, trong đó có sự bí ẩn của lòng bàn chân.
Như chúng ta đã biết, hai bàn chân là nơi tập trung gánh chịu toàn bộ trọng lượng của cơ thể khi đi lại hoặc đứng yên. Các nhà Y học hiện đại đã nghiên cứu nhiều năm về hai bàn chân và cho rằng, hai lòng bàn chân đều chứa các vùng liên quan đến các bộ phận cấu tạo cơ thể người như đầu óc, cột sống, tai mắt và nội tạng của con người. Điều đó được minh họa theo hình ảnh đã nêu lên.
Nhờ đó, chúng ta nên quan tâm để luyện tập hàng ngày nhằm làm tăng cường cho sức khỏe. Cụ thể theo các lời khuyên của các bác sĩ như sau:
Buổi sáng ngủ dậy, tranh thủ tập lần lượt:
1.Dùng bàn tay phải, miết sát, xoa đi xoa lại lòng bàn chân trái khoảng 20-30 lần. Sau đó đổi sang tay trái, xoa lòng bàn chân phải và cũng làm như vậy.
2.Dùng ngón tay cái của bàn tay phải, miết sát, xoa đi xoa lại dọc mé dưới ngón chân cái của lòng bàn chân trái ở vùng biểu tượng có cột sống. Sau đó đổi chiều sang phía tay chân khác và cũng làm như vậy.
3.Dùng 4 ngón tay phải sát nhau và miết xoa khắp các vùng còn lại của lòng bàn chân trái với 20-30 lần. Sau đó đổi sang tay chân khác và cũng làm y như vậy.
4.Dùng ngón tay cái và ngón tay trỏ của bàn tay phải, cầm từng ngón chân của bàn chân trái rồi dùng ngón tay cái vuốt ngược lên 10-15 lần các ngón chân. Sau đó thay đổi bên ngón tay, bàn chân và cũng làm như vậy.
5.Khi trời lạnh, nên ngâm ngập hai bàn chân vào trong nước ấm trong 10-15 phút thì sẽ làm cho hệ thần kinh và nội tạng cơ thể được cải thiện dễ chịu.
Những điều vắn tắt nêu trên sẽ giúp ích cho các bạn luyện tập có hiệu quả.
           (Từ nguồn tài liệu của  nữ BS. Thái Lê Phương
      (Nguyên BS. Tim mạch ở BV Bạch Mai Hà Nội, Nguyên Trưởng phòng Bảo vệ sức khỏe CB tỉnh Thừa Thiên Huế).