Chủ Nhật, 25 tháng 5, 2014

        CHUYỆN KIÊN TRÌ VÔ NHỊ CỦA CHÚ ĐỢI LÀNG TÔI
                                                    ==00==
                                              Nguyễn Hồng Trân

Vào một buổi sáng Chủ nhật mùa hè, chúng tôi- những bạn bè thân quen với lứa tuổi già 70,80 ở mấy nhà chung cư lân cận rủ nhau đến nhà tôi (ở H11, phố Vạn Hạnh, khu Đô thị Việt Hưng, Q.Long Biên, tp.Hà Nội) để đàm luận chuyện đời, chuyện nghề, chuyện vui,v.v…
Trong giờ phút chuyện trò vui vẻ, thoải mái, tôi nói với các ông bạn rằng:
“Phải nói rằng, đàn ông làng tôi thuộc loại đàn ông kiên trì nhất, khó có làng nào bằng!”.
Nghe tôi nói như thế, mấy ông bạn ồ lên nói ngay với tôi:
“Ông chủ quan quá đấy! ông bốc phét rồi! Căn cứ vào đâu mà ông bảo đàn ông của làng ông kiên trì nhất?”.
Tôi trả lời với các bạn:
“Được rồi, tôi sẽ kể cho các bạn nghe câu chuyện thật này để chúng ta cùng nhau chia sẻ cho vui:
“Tôi có một người bà con bên nội ở làng Phú Long, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị, có tiếng kiên trì nhất huyện. Đó là ông Nguyễn Bá Đợi, sinh năm Ất Hợi (1935). Hiện nay ông đã lên 80 tuổi mà vẫn còn vui tươi và minh mẫn. Hàng ngày ông Đợi vẫn đi làm đồng, khi có việc họ, việc làng, ông tham gia đánh chiêng, đánh trống lúc tế lễ. Bà vợ ông là Nguyễn Thị Y(người làng Đại Nại) cũng còn tinh tường, tỉnh táo. Bà thường ở nhà lo nội trợ gia đình và chăn nuôi gà, lợn. Hai ông bà thời còn trẻ rất khỏe mạnh, đẹp đôi.
Lúc sinh đứa con đầu là con gái,ông đặt tên là Nguyễn Thị Tá. Sau đó bà vợ có thai, ông mong đứa con thứ hai là con trai. Vì ông là con trai đầu của ông Nguyễn Bá Nại, nhưng bà Y sinh đứa thứ hai cũng là con gái, đặt tên Nguyễn Thị Vấn. Thấy hai đứa con đầu đều là con gái ông thấy buồn, nhưng vẫn kiên trì chờ đợi có con trai để nối dõi tông đường. Bà vợ lại sinh tiếp đứa thứ ba cũng là con gái, tên là Nguyễn Thị Việt. Khi có ba đứa con liên tiếp đều là gái cả, ông chồng quá buồn rầu, bà vợ cũng buồn theo và thương chồng. Bà nói với chồng và người cha chồng: “Phận con đã không sinh được con trai cho họ tộc, có lẽ con lo tìm người nữ khác hỏi làm vợ hầu cho anh Đợi để có con trai”. Ông Đợi nghe vợ nói vậy rất thương vợ trong tâm trạng làm dâu thời phong kiến và ông nói ngay:
“Cám ơn bà đã có ý tốt với tôi như thế, nhưng tôi nghĩ là chúng ta cần phải kiên trì, chịu khó thêm nữa. Tôi chưa chịu bỏ cuộc mà đi lấy vợ lẽ đâu!”
Nghe chồng nói vậy, bà Y cũng yên tâm mà gắng sức kiên trì theo chồng. Sau đó, bà lại đẻ tiếp thêm đứa con thứ 4 cũng là con gái tên là Nguyễn Thị Ngữ; Ông Đợi vẫn kiên trì cho bà vợ mang bầu tiếp rồi đẻ đứa thứ 5 cũng con gái, tên là Nguyễn Thị Phu; Ông Đợi vẫn không nao núng, vẫn kiên trì chờ đợi và ông cho bà mang bầu tiếp và đẻ đứa thứ 6 cũng con gái, tên là Nguyễn Thị Phương.
 Cứ mỗi lần bà đẻ thêm một con gái là ông bà đều rất buồn, nhưng bà có tâm lý nặng nề hơn, vì lo lắng, cảm thấy mình làm dâu chưa tròn với gia nương, họ tộc. Thấy vợ băn khoăn lo lắng nhiều, ông Đợi rất thương vợ, cứ động viên là chúng ta cứ “kiên trì mai phục” thì nhất định thành công. Nghe chồng nói vậy, bà yên tâm và càng quý trọng, thương yêu chồng nhiều hơn.
Mặc dù bà Y đã mang nặng đẻ đau 6 lần rồi cũng đã chịu đựng đau khổ cả vật chất và tinh thần rồi, nhưng bà cũng quyết tâm theo lời khuyên của ông chồng.
Thế là sau 6 đứa con gái, đến sinh đứa thứ 7 là con trai và đặt tên là Nguyễn Bá Hướng. Lúc bấy giờ cả nhà vui vẻ vô cùng. Ông Đợi và cụ Nại sung sướng lắm. Khi tròn tháng thằng cu Hướng, cả nhà sum vầy làm lễ cúng gia tiên để ăn mừng khẳm tháng con trai đầu rất hoan hỷ. Tiếp đến 5 lần sinh của bà Y đều là 5 đứa con trai là: Nguyễn Bá Đạo, Nguyễn Bá Hữu, Nguyễn Bá Hiệu , Nguyễn Bá Quả, Nguyễn Bá Diên.
Như vậy bà Y đã sinh cho ông một đàn con 12 đứa, nghĩa là đầy một tá như tên đứa con gái đầu ông đã đặt tên là Nguyễn Thị Tá. Cặp vợ chồng ông Đợi bà Y sinh đàn con rất cân đối: 6 gái, 6 trai (Thị Tá, Thị Vấn, Thị Việt, Thị Ngữ, Thị Phu, Thị Phương; Bá Hướng, Bá Đạo, Bá Hữu, Bá Hiệu, Bá Quả, Bá Diên). 6 con gái, 6 con trai của ông bà hiện nay đều lớn khôn có nghề nghiệp và gia thất yên ổn cả.
Sau khi tôi kể chuyện này xong, mấy người bạn thân quen của tôi đều cười vui và nói:
“Đúng làng ông có người đàn ông kiên trì thật! Khó có người kiên trì thành công mà có một đàn con gái trai cân đối như thế. Bái phục ông Đợi làng ông Trân đấy nhé”. Có ông bạn khác lại nói:
“Có lẽ đó là chuyện ông Hồng Trân bịa ra kể cho vui thôi, chứ có đâu mà người đàn ông đặc biệt kiên trì như vậy!”.
Nghe ông bạn có vẻ nghi ngờ không phải chuyện thật, tôi liền đưa quyển gia phả dòng họ Nguyễn Bá ở làng tôi ra chỉ cho mấy ông bạn xem ở đời thứ 8 trang 82 có tên ông Nguyễn Bá Đợi, có một vợ là Nguyễn Thị Y, sinh hạ được 12 người con: 6 gái liên tục được sinh ra trong 12 năm đầu, rồi đến 6 trai nối tiếp nhau được ra đời trong 12 năm sau.
Khi biết rõ sự thực như vậy, tất cả mấy ông bạn tôi đều cười phá lên và nói:
“Thế là rõ chuyện thật rồi! đáng “tâm phục, khẩu phục” ông Đợi làng Phú Long đó! Vì ông bà đã nuôi con khôn lớn có nghề nghiệp lao động làm ăn ổn định là quá giỏi rồi.”
Tôi cũng cười vui theo và nói thêm:
“Thực ra, chuyện kiên trì yêu thương vợ nồng nàn để có con trai thì nhiều nơi đã có người như thế, nhưng có người kiên trì thành công, có người không kết quả. Trường hợp kiên trì của ông bà Đợi thì rất thành công như ý muốn…
Vừa rồi tôi về quê tảo mộ ở quê (ngày 17, 18-5-2014), tôi đã gặp ông Đợi, bắt tay ông và nói vui với bà con trong họ tộc:
“Thưa bà con, đây là ông Nguyễn Bá Đợi, đàn ông họ Nguyễn Bá làng ta, là một người đặc biệt, hiếm ai sánh bằng. Ông là “vị tướng 12 sao: 6 sao nội và 6 sao ngoại, rất cân đối!, rất công bằng!...
 “Đề nghị bà con chúc mừng sức khỏe hai ông bà Nguyễn Bá Đợi, Nguyễn Thị Y và cả gia đình các con cháu”.
Thế là mọi người vỗ tay hoan hô vui vẻ.Ông Đợi tươi vui trên nét mặt một ông già hiền hậu. Ông bà Đợi hiện có 10 cháu nội và 15 cháu ngoại. Đại gia đình ông bà Đợi sống hòa thuận, êm ấm với nhau và luôn gắn bó với bà con họ tộc, xóm làng.



Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

NHỚ ĐẾN THƯ CỦA BÁC HỒ
 GỬI CHO TRÍ THỨC VN
 ==00==
                                                  Nguyễn Hồng Trân

Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ lần thứ 124 (19-5-2014), tôi xin ghi lại mấy điều thực tế về sự quan tâm của Bác Hồ đối với trí thức để quý vị hiểu biết thêm về tấm lòng nhân ái của Bác đối với đồng bào ta nói chung và đối với tầng lớp trí thức nói riêng.
Vào giữa năm 1948, tại miền đồi núi tỉnh Phú thọ, GS Tôn Thất Tùng nhận được một bức thư ngắn chữ đánh máy màu tím của Hồ Chủ tịch với nội dung như sau:
“Bác sĩ Tùng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo: chú làm việc rất hăng hái. Tôi rất vui lòng. Chú cứ gắng sức. Kháng chiến nhất định thắng lợi. Tổ quốc sẽ nhớ công con hiền cháu thảo. Thím và các cháu đều khoẻ mạnh cả chứ? Tôi luôn luôn bình an. Gửi chú và thím lời chào thân ái và quyết thắng”.
Bức thư này được GS Tôn Thất Tùng lần đầu tiền ghi lại trong tác phẩm: “Đường vào khoa học của tôi” trang 49, NXB,THANH NIÊN Thg12/1976.
Sau khi đọc xong bức thư ngắn của Bác hồ, GS Tôn Thất Tùng suy nghĩ:
“Mấy lời vắt tắt của Bác Hồ mà muôn vàn ân cần. Tôi nghĩ rằng với sự quan tâm của Bác, việc gì thấy tôi có ích cho nước, cho dân, tôi đều làm”.
Và mọi người đã biết cả cuộc đời của GS Tùng đã cống hiến cho Tổ quốc Việt Nam như thế nào rồi.

Giáo sư Đặng Văn Ngữ lúc nhỏ sống và học ở Huế. Sau khi đỗ Đại học Y khoa ở Hà Nội, BS sang Nhật nghiên cứu và tìm ra được giống nấm kháng sinh Péniciline. Vào năm 1948, tại Nhật Bản, BS đọc được một bản tin có đăng “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Hồ Chủ tịch. Mặc dù vợ con đang ở Huế- trong vùng Pháp chiếm đóng nhưng BS không về Huế mà bí mật về Việt Bắc gặp Bác Hồ để Bác giao nhiệm vụ. Sau đó chị Tôn nữ thị Cung cùng 3 con cũng được đưa từ Huế ra vùng tự do, lên Việt Bắc. Không may đến ngày 18-5-1954, do bệnh hiểm nghèo, chị Cung đã qua đời. Và Bác Hồ đa gửi thư an ủi.
“ Gửi bác sĩ Ngữ.
Vừa được tin thím Ngữ mất, Bác thân ái gửi chú lời chia buồn thành khẩn.
Ở lớp huấn luyện năm ngoái, Bác thấy thím Ngữ chăm chỉ, thành thật và tiến bộ. Về sau Bác thường hỏi thăm thì nghe nói thím Ngữ công tác rất hăng hái ,hay giúp anh chi em và cũng khá mạnh khoẻ . Bác mừng rằng thím Ngữ sẽ thành một cán bộ đắc lực.
Bỗng nghe tin thím Ngữ mất, Bác cảm thấy buồn. Nhưng sinh tử là lẽ thường của tạo hoá , Bác khuyên chú chớ quá buồn rầu lâu, lấy công tác mà khuây khoả .
Về việc cháu bé, Bác đã dặn chú Bảy: có dịp thì sắp xếp cho cho đi học cùng các anh nó, chú không phải lo.
Chào thân ái
Hồ Chí Minh”
(Bức thư trên đã được công bố trên báo Nhân Dân Chủ nhật ngày 13-5-1990).
Một bức thư đầy tình cảm chân thành quý mến của Bác Hồ đối với nhà trí trí thức yêu nước. Bác rất quan tâm kịp thời để chia sẻ niềm vui nỗi buồn với các nhà trí thức.
Ngoài ra Bác Hồ còn có hàng trăm bức thư khác gửi chung cũng như gửi riêng cho các nhà khoa học-kỹ thuật, nhà giáo, thư cho các ngành, các cụ già, các cháu thiếu niên v.v… Thư nào Bác Hồ của chúng ta cũng quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của mọi người.
Giờ đây, tuy không còn Bác nữa, nhưng những lời Bác thăm hỏi ân cần với tình cảm chân thành của Bác từ những năm xưa vẫn còn vang vọng, chúng ta vẫn luôn luôn khắc sâu vào tâm trí để thực hiện những lời Bác dạy. Chúng ta nguyện sống cho xứng đáng với tình thương yêu của Bác.

Thứ Ba, 13 tháng 5, 2014

ĐỨC PHẬT TRONG TRÁI TIM TA
                      ==00==
                  
Đức Phật trong trái tim ta,
Đầy lòng nhân ái mọi nhà kính yêu.
Thắp nhang khấn vái mọi điều,
An bình, phúc ấm cho nhiều chủng sinh…
Đức Phật là đấng thiêng linh,
Trải bao cay đắng hy sinh cho đời.
Dạy cho ta biết làm người,
Phải có tâm đức là lời đầu tiên…
                 Nguyễn Hồng Trân

Chủ Nhật, 11 tháng 5, 2014

          NGÀY MẸ- CON MƠ
                       ==00==
           
Mỗi lần nhìn ảnh mẹ trên bàn thờ
Con tưởng rằng con lạc vào giấc mơ
Nghe mẹ dặn dò bao điều tình nghĩa
Con ghi tạc vào lòng như tuổi thơ.
          
Có đâu ngờ, đời mẹ quá đau thương
Cha mất sớm, mẹ khổ cực nhiều đường
Lo nuôi dạy con lớn khôn thành đạt
Vất vả nhọc nhằn, mẹ vẫn đảm đương.

Ôi, vấn vương lòng mẹ mãi không quên
Đôi mắt mẹ nhìn con, nét dịu hiền
Con biết mẹ tin tưởng con nhiều lắm
Những điều hứa, con cố gắng làm nên.

Mong mẹ yên lòng dù ở nơi đâu
Con khấn cầu cho mẹ khỏi lo âu
Với Tổ tiên an tâm và thanh thản
Cõi vĩnh hằng được siêu thoát bền lâu…
                       
                              Nguyễn Hồng Trân         
                           Hà Nội, ngày 11-5-2014.

Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

       CHUYỆN TÌNH CỦA CẬU MỢ TÔI Ở ĐIỆN BIÊN
                                    ==00==
                         Nguyễn Hồng Trân
Sau khi nghe tin bà Ngọc Toản vào dự Festyval ở Huế ra, sáng ngày 20-4- 2014, tôi đến thăm bà và tìm hiểu thêm về cuộc đời quân ngũ của bà và ông chồng bà là tướng Cao Văn Khánh nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên (1954-2014).
Ông Cao Văn Khánh là người bà con bên ngoại với tôi(Nguyễn Hồng Trân). Ông ngoại của tôi(Phan Thanh Tuân) và bà mẹ của ông Khánh(bà Phan Thị Sâm) là anh em ruột. Tôi thường gọi cậu Khánh và mợ Toản. Ông Khánh đã mất năm 1980, bà Ngọc Toản tuy nay tuổi đã cao(86 tuổi), nhưng  bà vẫn còn tỉnh táo, minh mẫn đã kể cho tôi nghe vắn tắt về cuộc đời thăng trầm trong chiến cuộc. Đặc biệt là bà rất có duyên gặp lại người yêu cùng tham gia chiến dịch của quân dân ta đánh tan tập đoàn cứ điểm giặc pháp tại Điện Biên Phủ vào tháng 5, năm 1954.
 Bà Nguyễn Ngọc Toản[NNT] kể lại cho Nguyễn Hồng Trân [NHT] nghe:

-NNT: Cậu Cao Văn Khánh hồi xưa học ở trường Quốc học Huế, sau đó ra Hà Nội học trường Bưởi cùng một thời với ông Hoàng Đình Cầu. Cậu Khánh học xong Tú tài rồi học Cử nhân Luật. Sau đó về dạy môn Toán ở trường tư thục Phú Xuân, rồi sang dạy trường Việt Anh ở Huế. Đồng thời, cậu theo phong trào hướng đạo do ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu chỉ dẫn và vào trường quân sự Thanh niên Tiền tuyến ở Huế.
Đến năm 1945, sau cách mạng Tháng Tám, cậu vào đội Giải phóng quân [GPQ] của Việt Minh cùng đơn vị ông Nguyễn Chí Thanh, ông Nguyễn Chánh. Ông Thanh làm Chủ tịch và cậu làm Phó Chủ tịch GPQ Thuận Hóa. Còn mợ và cô Nguyễn Thị Lệ Tùng làm cứu thương cho đội GPQ. Sau đó cậu theo đội GPQ đi Nam tiến vào miền Nam Trung bộ. Sau đó, ông Khánh làm Sư đoàn trưởng, ông Hà Văn Lâu Sư đoàn phó của Sư đoàn 27.
Mợ không đi Nam tiến như cậu, mợ hoạt động nội thành Huế. Năm 1947, mợ bị giặc Pháp bắt, về sau mợ được ra tù rồi tiếp tục hoạt động. Mợ bị bắt lần 2 và bị trục xuất khỏi Huế. Mợ vào Sài Gòn học trường Maricuri và tiếp tục tham gia hoạt động CM trong sinh viên.Hồi đó có cô Bình Thanh, ông Phạm Xuân Ẩn, Trần Văn Ơn cũng học trường này và tham gia phong trào SV chống thực dân Pháp. Sau một thời gian bị lộ, mợ ra lại tỉnh Thừa Thiên, lên chiến khu Dương Hòa tham gia kháng chiến. Ngày 19-5-1949, mợ được kết nạp Đảng do ông Nguyễn Chí Thanh giới thiệu. Tiếp đó, mợ được điều ra Nghệ An công tác và học thêm về nghiệp vụ Y tế. Đến năm 1950, có thư của Bác Hồ cho đưa gia đình BS. Đặng Văn Ngữ ra Việt Bắc giúp Chính phủ Kháng chiến. Ông Ngữ xin đem đi theo 3 học viên y tế, trong đó có mợ(mợ là em ruột chị Tôn nữ Thị Cung-vợ ông Ngữ).
-NHT: Thưa mợ, thế cậu mợ ra Bắc lên tham gia chiến dịch Điện Biên lúc nào?
-NNT: Ông Khánh, năm 1948 làm Trưởng Khu 5, sau khi ông Nguyễn Sơn có lệnh cấp trên điều ra Thanh Hóa nhận trách nhiệm mới. Sau đó cuối năm 1949, cậu cũng ra Bắc vào Đại đoàn 308. Ông Vương Thừa Vũ làm Đoàn trưởng, cậu làm Đoàn phó, kiêm Tham mưu trưởng. Sau chiến dịch Hòa Bình năm 1951, cậu đến tìm mợ với tình cảm người đồng hương xứ Huế. Hai năm sau, đến tháng 12 năm 1953, từ hậu phương Thái nguyên, Đại đoàn 308 lên đường hành quân đi chiến dịch Trần Đình (tên gọi bí mật của chiến dịch Điện Biên Phủ).
-NHT: Thưa mợ, như thế cậu mợ yêu nhau từ khi nào và cưới nhau lúc nào?
-NNT: Thực ra, cậu mợ đã quen nhau từ thành phố Huế sau cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Hồi ấy, mợ mới 16 tuổi, công tác tại Đội cứu thương GPQ, còn cậu thì đang lo việc quân bận rộn suốt ngày đêm. Cậu mợ chưa nghĩ đến chuyện yêu đương. Hơn nữa, mợ hồi ấy còn trẻ quá, lo gì! Sau đó chiến tranh xẩy ra, cậu mợ lại xa nhau mấy năm trời mới gặp lại nhau sau chiến dịch Hòa Bình năm 1951 và đến chiến dịch Điên Biên (1953 -1954). Trong mấy năm trời đó, cậu mợ cũng ít khi được gặp nhau, chỉ tâm tình với nhau qua thư từ thôi.
Cậu mợ thực sự thương yêu nhau từ khi gặp lại cậu một cách tình cờ, khi cậu vừa ở Lào về cuối năm 1953 để chuẩn bị vào chiến dịch Điện Biên. Hồi ấy mợ đã ghi vào trang nhật ký như sau:
“Buổi gặp gỡ tình cờ đó ở giữa núi rừng Điện biên đã làm tôi thấy rõ lòng mình đã thật sự yêu anh Khánh. Lúc chia tay nhau mà lòng tràn ngập niềm vui của cuộc gặp gỡ… Âu cũng là một sự kiện mà Trời Phật sắp xếp để tiếp thêm sức mạnh cho tôi vượt qua được những thử thách của những ngày sắp đến”.
 Cuối năm 1953, cậu lên tham gia chiến dịch Điện Biên. Sau đó, mợ cũng lên theo đơn vị cứu thương của chiến dịch này. Mợ lo làm Y sĩ lo chăm sóc thương bệnh binh tại Đội cứu thương của bệnh viện dã chiến. Bệnh viện này đóng tại Bản Tấu (cách chiến trường vài chục cây số). Lúc bấy giờ cậu mợ tuy ở trong vùng Điện Biên, nhưng mỗi người một nơi, ít khi được gặp nhau.
Mợ cũng muốn biên thư dài cho cậu để chia sẻ nhiều chuyện vui buồn của mợ, nhưng sợ cậu Khánh phân tâm trong lúc cậu còn bao việc nhà binh căng thẳng. Thỉnh thoảng cậu biên thư cho mợ. Trong một bức thư có đoạn:
“Trước giờ phút quyết liệt, anh nghĩ đến bộ đội, đến em. Anh hi vọng rằng những chiến sĩ bị thương do sơ suất, những khuyết điểm của anh trong chỉ huy chiến đấu sẽ được bổ khuyết bằng sự chăm sóc dịu dàng của em”.
Trong một bức vào những ngày đầu tháng 5 kết thúc trận chiến mà quân dân ta đã toàn thắng giặc Pháp tại Điện Biên, cậu rất xúc cảm với thời điểm lịch sử ấy và liền viết thư để chia sẻ với mợ nỗi niềm vui sướng đó:
 “Em thân yêu! Ngày hôm nay là một ngày vui lớn của toàn quân, toàn thể nhân dân chúng ta. Ta đã đánh gục kẻ thù ở Điện Biên Phủ, tiêu diệt toàn bộ, bắt tù binh hơn một vạn quân với toàn bộ đại bác xe tăng của chúng ... Toàn quân, toàn dân phấn khởi trước chiến thắng vĩ đại đó. Nhân dân các nước cũng chia vui với chúng ta, vì đó cũng là một thắng lợi để củng cố nền hòa bình thế giới. Quân đội ta đã trưởng thành mau chóng, dù còn rất nhiều khuyết điểm.
Em hãy lặng yên nhắm mắt để tưởng tượng niềm vui sướng của toàn thể nhân dân. Anh gửi cho em nỗi vui sướng của đơn vị ta sau những chiến thắng dồn dập. Anh gửi em nỗi vui sướng của lòng anh, trước sự trưởng thành của quân đội ta, trong đó đoàn ta đã góp vào một phần xây dựng”.
Sau chiến thắng quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Ban lãnh đạo chiến dịch ĐBP đề nghị tổ chức đám cưới cho cậu mợ ở trong hầm tướng De Castries (Đờ- Cát). Lúc ấy tin đột ngột quá, mợ bối rối, mợ nói với Ban lãnh đạo (có ông Vương Thừa Vũ và ông Trần Nam Trung) cho để lại việc hôn lễ sau vào một thời gian ổn định mọi việc thu dọn chiến trường và đồng thời mợ phải về Bản Tấu xin phép bà mẹ mợ là bà Phạm Thị Tiên đang ở vùng có đội điều trị thương bệnh binh ở đó. Nhưng ông Vương Thừa Vũ cứ thôi thúc cậu mợ nên chấp thuận làm lễ thành hôn và nói để các ông xin phép bà mẹ thay cho, cứ yên tâm tổ chức lễ cưới dã chiến cho kịp thời. Vì đó là một sự kiện lịch sử đặc biệt có một ý nghĩa rất hay trong ngày quân dân ta toàn thắng quân xâm lược Pháp. Thế là cậu mợ tuân theo Quyết định của Ban tổ chức làm lễ thành hôn vào ngày 22-5-1954 trong căn hầm tướng Pháp De Castries đã đầu hàng quân ta.
Hôm tổ chức lễ cưới cho cậu mợ thật giản đơn nhưng trang trọng, vui vẻ, tưng bừng trong quang cảnh những ngày toàn quân dân ta mừng chiến thắng Điện Biên. Ông Trần Nam Trung làm chủ hôn. Bà con “hai họ quân đội” vỗ tay đề nghị cô dâu chú rể hát tặng bà con. Cậu hát bài “Anh bộ đội về làng”, còn mợ hát bài: “Em bé Mường La” và mọi người cùng hát theo rất nhiệt tình. Nhiều người cười vui nói to lên: “Đề nghị cô dâu, chú rể hôn nhau đi!”. Thế là cậu mợ hôn nhau lần đầu tiên trước đám đông đồng đội. Hôm đó cậu mợ rất xúc động nhìn nhau mỉm cười mà đôi mắt nhòa lệ. Sau buổi lễ thành hôn lịch sử đó, cậu về nói với mợ:  
 “Hôm nay, chúng ta rất vui sướng được sự ưu ái của các đ/c có mặt trong buổi thành hôn đặc biệt của chúng ta trên chiến trường đã im hẳn tiếng súng. Chúng ta vô cùng nhớ ơn các đ/c, đồng đội đã hy sinh trên chiến trường này để đến hôm nay chúng ta được hưởng niềm hạnh phúc riêng tư trong niềm vui sướng chung của cả dân tộc. Vợ chồng mình sẽ cố gắng hết sức mình để sống cho xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân đội ta,với niềm tin của nhân dân ta; niềm tin của Đảng và bác Hồ”.

Còn đối với mợ, hôm đó là một ngày kỷ niệm nhớ mãi trong đời mình. Trong buổi lễ cưới ấy, các đ/c, đồng đội có mặt đều vui vẻ đến chúc mừng cậu mợ thành vợ chồng. Lúc đó mợ rất xúc động vì mình sau chiến trận vẫn còn sống và được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Lúc ấy mợ hình dung lại những ngày đêm trên chiến trường bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh, trong đầu mợ cứ nhớ mãi những gương mặt trẻ trung của các chiến sĩ bị thương nặng rồi có người đã tắt thở trên cánh tay chăm sóc cấp cứu của mợ. Những hình ảnh ấy cứ hiện lên trước mắt mợ, làm mợ không cầm được nước mắt. Mợ nghĩ rằng, mình phải cố gắng phấn đấu trở thành một người thầy thuốc tốt và giỏi để cứu chữa cho đồng đội, cho nhân dân có hiệu quả.
Cũng trong ngày hôm ấy, cậu mợ hẹn nhau lên nóc chiếc xe tăng của quân ta đã tấn công vào ĐBP để chụp ảnh kỷ niệm.
-NHT: Cháu rất cám ơn mợ đã kể lại cho cháu biết rõ được chuyện tình của cậu mợ đã gắn liền với chiến thắng lịch sử của quân dân ta tại Điện Biên Phủ.
Cháu kính chúc mợ sức khỏe và mọi sự an lành và cho cháu được thắp nén nhang lên bàn thờ cậu, chúc cho linh hồn của cậu siêu thoát vào miền cực lạc ở cõi vĩnh hằng.
                              ==00==
Ghi chú: GS.Nguyễn Thị Ngọc Toản là con gái của cụ Tôn Thất Đàn-Thượng thư bộ Hình triều Nguyễn. Bà Toản là Đại tá Bác sĩ Quân y, là Ủy viên TW Hội nạn nhân chất độc da cam-Dioxin.

Thứ Hai, 5 tháng 5, 2014

                       TÌNH QUÊ THẤM ĐẬM
                                          ==00==
                                        Nguyễn Hồng Trân

Cửa Việt Quảng Trị quê hương,
Ở xa ta vẫn nhớ đường về thăm.
Thời gian trôi mãi tháng năm,
Cha con ta được thắm nồng tình thương.
Nơi chốn ấy, luôn vấn vương,
Bao nhiêu tình nghĩa trên đường lập thân.
Dù đi xa , hay ở gần,
Tình quê thấm đậm, ấm dần trong tim…
                  Hà Nội, tháng 5-2014.