Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2014

 HAI CHỊ EM MÌNH-SAO EM ĐÀNH VĨNH BIỆT ĐI XA?...
                              ==00==
(Thái Lê Phương-chị gái cô Sao Mai)

Em đã đi xa thật rồi Mai ơi! Em ra đi không một lời từ biệt. Ôi đau đớn quá em ơi! Nỗi đau quặn thắt. Làm sao chị tin đây là sự thật! Chỉ mới mới hôm qua chị em mình mới chuyện trò tâm sự. Chuyện xây nhà thờ Chi đã bắt đầu ổn định; chuyện bà con quê hương. Chị em nói cười vui vẻ và chỉ qua một đêm thôi, mà tử biệt, phân ly-âm dương cách trở, vì cơn bệnh đột quỵ tai ác đã cướp mất đời em.
Ôi, cuộc đời sao nghiệt ngã vậy em? Cũng chỉ mới đây thôi, mỗi lần về quê bao giờ cũng có em mong đợi, dõi theo mỗi bước chị đi về quê. Em cứ hỏi: “chị về đến đâu rồi?, Mỹ Chánh hay Diên Sanh?” Rồi khi bước xuống tàu đã có em đứng đón chị đó rồi. Chị mừng quá rồi hai chị em tươi cười vui vẻ. Chị em mình lại bên nhau ra chợ Quảng Trị mua mấy thứ đồ ẩm thực ưa thích rồi uống nước giải khát ở quán bờ sông Thạch Hãn. Chiều chiều, hai chị em cùng đi viếng lăng mộ ông bà, má ba…
Những ngày đi xa, chị luôn nhớ về quê mình da diết. Quê hương chính là cái nôi của chị em đó, là nỗi nhớ mong, là những ngày sum họp; là lúc vui buồn có nhau… Là những ngày chị em mình gần gũi với ba má và quây quần bên những bữa cơm có rau sâm, rau má, rau khoai trong vườn nhà. Má cười đôn hậu với bao câu chuyên kể về cuộc đời và những khó khăn mà ba má đã vượt qua. Tất cả, tất cả đã theo chúng ta mà nuôi chúng ta khôn lớn. Giờ đây em đã bỏ chị mà đi rồi. Mỗi lần về, có ai mong đợi chị nữa đây? Có ai để sẻ chia nỗi buồn vui, thông cảm sâu sắc như hai chị em mình đối với gia đình, con cháu…
Em nói: “Cứ thương chị ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm”, không biết sẽ còn về quê được bao nhiêu lần nữa; không biết chị em mình có được bao nhiêu lần đón đưa nhau nữa?”- Em nói vậy mà hóa thành sự thật. Em đã bỏ chị mà đi, đi xa mãi mãi không về. Sao lại vô lý vậy em? Trước mắt em còn cả một khoảng trời rộng mở, với bao dự định cho cuộc sống gia đình trong tương lai. Mừng cho con cái đã trưởng thành. Bạn bè em đang hẹn ngày gặp mặt… Vậy mà em đã bỏ lại tất cả không đợi chờ ai!...
Em đứa con út của gia đình là điểm tựa, là nỗi nhớ niềm thương của anh, chị khi nghĩ về gia đình, quê hương là nơi đong đầy những kỷ niệm về ba má, bà con, thôn xóm; là sợi dây tình cảm gắn kết gia đình các anh, các chị với quê hương, xứ sở. Vậy mà em lại bỏ đi nhanh như vậy!... Vẫn biết là trong cuộc đời có nhiều cuộc chia ly, nhưng chia ly có hẹn ngày gặp lại, còn em ra đi lần này là mãi mãi biệt tăm… Còn mong đâu ngày gặp lại em tôi. Chị không thể tin, dù đó là sự thật. Sự thật buồn đau tận cùng gan ruột. Chị cứ muốn gọi vào số điện thoại cho em như những lần trước, nhưng tất cả đã rơi vào im lặng. Làm sao còn nói được với em đây, và làm sao còn nghe giọng nói của em nữa!..
Giờ đây em đã nằm yên trong lòng đất mẹ một mình. Ngày đêm    lạnh lẽo, vắng vẻ đìu hiu. Chị hiểu bây giờ quê hương ta trong lòng đất, có một phần xương cốt của ông bà, ba má chúng mình và của cả em  đó. Cầu mong sao đất quê hương luôn ấm áp, ấp ủ cho em, cho hương hồn em luôn thanh thản, siêu thoát về miền cực lạc. Chị hy vọng rằng, chết chưa phải là hết, phải không em? Em luôn hiện hữu mãi mãi trong tâm trí các anh, các chị, bà con, bạn bè và mọi người quen thuộc …
Gửi đến em muôn vàn nhớ thương.
Vĩnh biệt đứa em gái út của chị.
    Chị Thái Lê Phương.

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2014

                          NỖI ĐAU THƯƠNG BẤT NGỜ
                                            ==00==
Ôi, nỗi đau thương quá bất ngờ em Sao Mai ơi!
Biết tin em qua đời vì đột qụy bệnh tim vào một buổi sáng mùa xuân năm Giáp Ngọ (2014), vào ngày Mậu Tý(18), Tháng Đinh Mão(T 2). Cái ngày em vĩnh biệt trần gian về với Tổ tiên, thật quá bất ngờ, làm anh chị Nguyễn Hồng Trân, Thái Lê Phương và các cháu Phong Lan, Phong Ly đều sững sờ, tuôn trào nước mắt, đau thương vô cùng!...
Em là một giáo viên dạy Toán trường THPT Thành Cổ Quảng Trị, đã sát cánh, kề vai với người bạn đời đồng nghiệp, đồng môn, cùng quê, thôn Quy Thiện. Đã bao năm em vất vả cuộc đời giáo viên gắn bó với quê hương và tận tình chăm sóc chồng, nuôi dạy con chu đáo. Đồng thời em đã hết lòng gắng bó với nghề nghiệp trồng người cho xã hội.
Bao nhiêu lứa tuổi học trò của em đã trưởng thành rồi đi làm việc khắp nơi đều rất quý mến cô, thương nhớ cô như người mẹ hiền vui tính. Và cứ mỗi lần học sinh cũ về quê hương Quảng Trị, đều ghé thăm cô tỏ lòng tri ân, quyến luyến…
Ánh mắt, nụ cười thiện cảm, vui tươi; giọng nói nhẹ nhàng của cô giáo Sao Mai đã để lại ấn tượng thân thiết, kỷ niệm sâu sắc trong lòng học sinh không bao giờ phai nhạt. Mặt khác, cô Sao Mai giàu lòng nhân ái, cô luôn có tình thương với nhiều người, nên được nhiều người cũng thương yêu, quý mến cô. Cô luôn luôn có tinh thần trách nhiệm và tình cảm đối với ba, má, anh chị em của mình và cha mẹ, anh chị em bên chồng.
Hỡi ơi! Giờ đây cô Sao Mai không còn nữa, để lại bao thương tiếc cho gia đình, bà con, bạn bè, thân thuộc và học sinh khắp mọi xứ.
Tại lễ tang cô Sao Mai, đoàn người đã xếp hàng dài dài đến viếng suốt ngày tới tận đêm khuya. Có tới gần 80 vòng hoa và mấy chục bức trướng, liễn kính viếng, thương tiếc tiễn đưa cô thật trang trọng.
Tiếng sụt sùi khóc than trong từng đoàn người đến viếng làm cho anh chị em ruột thịt chúng tôi tuôn trào thêm nước mắt.
Ngày tiễn đưa cô giáo Sao Mai về nghĩa địa Đồng Rầm thôn Quy Thiện, đoàn xe tang nối đuôi nhau đưa linh cữu cô chạy chậm qua các trục đường chính của thị xã Quảng Trị rồi vòng đến trước cổng trường THPT Thành Cổ và dừng lại vài phút để linh hồn cô ghé lại thăm trường chào vĩnh biệt. Các lớp học trò mặc đồng phục và các thầy cô giáo chủ nhiệm đứng hai bên đường tiễn chào cô Sao Mai rồi cùng nhau đi bộ theo đoàn đưa tang về đến nơi an nghỉ cuối cùng của cô.
Ôi, số phận em Sao Mai của chúng tôi thế là xong. Em đã về với suối vàng, sang kiếp khác. Từ nay, chồng em sẽ cô đơn vắng người vợ hiền chăm lo sức khỏe, chia sẻ tâm tình; Các con cháu sẽ vĩnh viễn vắng bóng người mẹ, người bà đôn hậu đã hết lòng thương yêu con cháu.
Sao Mai em ơi! Anh Nguyễn Hồng Trân đây chỉ là người anh rể (chồng chị BS.Thái Lê Phương), nhưng em đã coi anh như là người anh ruột. Lúc nào em đối xử với anh cũng rất chân thành, tình cảm. Em đã hiểu lòng anh lúc vui buồn và chia sẻ, cảm thông thực lòng. Mẹ của anh và em gái ruột của anh cũng coi em như người con trong gia đình. Điều đó làm cho anh rất ấm áp tình thân Sao Mai à.
Từ nay, em không còn trên đời nữa, anh đau buồn lắm, thương tiếc em vô cùng, em ơi!...
Cầu mong siêu thoát hồn em
Thiên thu cực lạc nơi miền cõi âm…
                                   (Nguyễn Hồng Trân)

Thứ Sáu, 14 tháng 3, 2014

NHỚ CÂU HÒ NGÀY XƯA,
THƯƠNG NHỚ MẸ NHIỀU

“Chiều chiều ra đứng vườn cau,
Nhìn về quê mẹ, ruột đau chín chiều”.
Lòng con nhớ mẹ thương yêu,
Đời mẹ vất vả bao điều gian nan.
Ba mất sớm, mẹ khóc than,
Cô đơn góa bụa, mẹ càng tủi thân.
Mẹ lo lao động chuyên cần,
Nuôi đàn con nhỏ, dần dần lớn khôn.
Phong trần dáng mẹ héo hon,
Niềm vui quá ít, nỗi buồn nhiều thêm.
Đêm nằm mẹ ngủ không yên,
Chiến tranh chưa hết, ba miền đau thương.
Mẹ lo vững bước trên đường,
Cùng với đất nước đau thương tháng ngày.
Cũng may vận nước đổi thay
Hòa bình thống nhất chứa đầy niềm tin…
                    ==888==
                  Hà Nội, 6-3- 2014
         Nguyễn Hồng Trân(cựu GV ĐHKH Huế)

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

NHÂN NGÀY 8-3, NHỚ LẠI LỊCH SỬ TA
-CHUYỆN HAI BÀ TRƯNG KHỞI NGHĨA
                       ==00==
Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai chị em sinh đôi (sinh vào ngày mồng một, tháng tám, năm Giáp Tuất, năm 14 CN), là con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh (người đứng đầu bộ lạc huyện Mê Linh, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) thuộc dòng dõi Hùng Vương. Mẹ là bà Man Thiện. Hai Bà Trưng mồ côi cha sớm nhưng được mẹ quan tâm nuôi nấng, dạy con lòng yêu nước, rèn luyện sức khoẻ, rèn luyện võ nghệ. Chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách, con trai Lạc tướng huyện Chu Diên. Lúc bấy giờ nhà Đông Hán đang cai trị hà khắc nước Việt, viên tướng Thái thú Tô Định là người vô cùng bạo ngược, tham lam. Hai bà cùng Thi Sách chiêu mộ nghĩa quân, chuẩn bị khởi nghĩa, nhưng Thi Sách bị Tô Định giết chết. Hận giặc hãm hại nhân dân, giết hại chồng mình, Trưng Trắc đã cùng em gái Trưng Nhị phát động cuộc khởi nghĩa ở cửa Sông Hát vào mùa xuân năm Canh Tý (năm 40 CN) là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nhân dân Âu Lạc toàn diện và rộng khắp, chống lại thế lực phong kiến phương Bắc ở đầu công nguyên. Cuộc khởi nghĩa ban đầu thành công, hai Bà xưng Vương đã tập họp được nhiều nghĩa quân để chống giặc, đã tiến đánh chiếm lại được nhiều ví trí quan trọng và chém sát thương tướng giặc Tô Định. Sau đó, vua Hán Vũ Đế sai bị tướng Mã Viện đem đại quân sang tấn công rồi vây hãm các căn cứ quân ta để tiêu diệt dần. Quân của Hai bà đã phản công kịch liệt vào năm Nhâm Dần(năm 42) đã tiêu diệt được nhiều toán quân của Mã Viện, nhưng về sau, lực lương quân ta giảm sút nhiều, đồng thơi lương thảo cũng cạn kiệt, tình thế nguy ngập không chống cự nổi với giặc. Cuộc khởi nghĩa đến đầu năm Quý Mão (năm 43)đã hoàn toàn bị thất bại. Hai bà Trưng không chịu để giặc bắt đã hiên ngang trầm mình xuống sông Hát tự vẫn(vào ngày 6-3) để giữ khí tiết.
Đó là cuộc khởi nghĩa do phụ nữ lãnh đạo duy nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, lập nên một Nhà nước vương triều độc lập, thống nhất và tự chủ thời kỳ ấy. Chấm chấm dứt giai đoạn thống trị của phong kiến phương Bắc lần thứ nhất dài tới 246 năm (207 TCN - 39 CN).
Sử nước ta viết: ''... Trưng Vương là dòng dõi Hùng Vương, chị em đều có tướng dũng lược, căm giận Tô Định chính lệnh hà khắc tàn ngược tụ họp người các bộ, hăng hái dấy đội quân hùng mạnh, lừng lẫy uy danh, quận huyện hưởng ứng , cho nên lấy được 65 thành ở Lĩnh Ngoại, thu lại hết đất cũ Nam Việt, cũng là bậc hào kiệt trong nữ lưu..."
Hai Bà Trưng được coi là anh hùng dân tộc của Việt Nam, và được thờ cúng tại nhiều đền thờ, trong đó lớn nhất là Đền Hai Bà Trưngquận Hai Bà Trưng, Hà Nộiđền Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là Mê Linh,Hà Nội) - quê hương của hai bà. Ngoài ra, nhiều nơi trong nước đã lập ra những đền miếu để tưởng nhớ về hai vị nữ anh hùng của dân tộc từ thời xa xưa.
Đại Nam quốc sử diễn ca có đoạn kể về cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng đã trở thành quen thuộc đối với người Việt:
Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành
Kinh kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
Ba thu gánh vác sơn hà
Một là báo phục hai là Bá Vương
Uy danh động tới Bắc Phương
Hán sai Mã Viện lên đường tấn công
Hồ Tây đua sức vẫy vùng
Nữ nhi địch với anh hùng được sao!
Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo
Hai Bà thất thế cùng liều với sông!
Trước là nghĩa, sau là trung
Kể trong lịch sử anh hùng ai hơn.
Hàng năm, vào ngày 6 tháng 3 âm lịch, là ngày giỗ hay là lễ hội tưởng nhớ Hai bà, và hiện nay tại nhiều nơi trong nước Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt tại nước ngoài đều làm lễ tưởng niềm đến ngày đó vào dịp  8 tháng 3.
                         Hà Nội tháng 3 năm 2014      
               Nguyễn Hồng Trân sưu tầm và biên tập lại

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

   ẤN TƯỢNG VỚI DIỄN VIỄN VÂN TRANG            
                               ==00==

Vân Trang nét mặt dễ thương
Diễn viên thân thiện phim trường Việt Nam
Chào năm Giáp Ngọ mới sang
Chúc cho vai diễn cô càng hay thêm
Nụ cười, ánh mắt rất duyên
Làm bao khán giả đọng niềm mến yêu…
                         Nguyễn Hồng Trân