Thứ Năm, 29 tháng 1, 2015

        CHIẾC ÁO DÀI NỮ VIỆT NAM THẬT TUYỆT VỜI!
                                               ********  
                                                    Nguyễn Hồng Trân
Chiếc áo dài xuất hiện ở Việt Nam từ ngày xưa lần đầu tiên vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, tức chúa Vũ Vương(1738 - 1765). Thời đó có quy định về kiểu cách chiếc áo dài nam và áo dài nữ. Áo dài nam thì đơn giản ta không bàn đến. Chỉ có áo dài nữ thì càng ngày càng phong phú về kiểu cách, màu sắc, hoa văn… đã gây ấn tượng quý mến, yêu thích cho mọi người dân Việt. hình dáng chiếc áo dài nữ đầu tiên đã ra đời do một họa sĩ có danh hiệu Cát Tường lấy cảm hứng từ mẫu chiếc áo dài tứ thân để biến nó chỉ còn lại hai vạt trước và sau mà thôi.Vì thế nên đến thời Pháp thuộc người ta thường gọi là áo dài nữ là áo lơ-mue (Le mur-là bức tường- ẩn ý tên ông Tường).
  Mỗi chiếc áo dài Việt Nam có một màu riêng, như xanh, đỏ, tìm, vàng, nâu, trắng v.v… Qua nhiều thời kỳ, phụ nữ Việt sử dụng chiếc ào dài đã được cải tiến dần dần nên đẹp hơn trước và thuận lợi hơn áo dài ngày xưa. Dáng dấp chiếc áo dài thì vẫn thế, nhưng có một số chi tiết thay đổi cho phù hợp với dáng người mặc như cổ áo mở rộng không bo, vạt áo thêu thùa cành hoa, chim thú… (do bà Trần Lệ Xuân nghĩ ra năm 1957); áo dài cúc bấm, áo dài cúc khuy vải; áo dài tay bó hoặc tay loe; áo dài thêu chim, thêu hoa, đính kim tuyến, áo dài tà,  áo ngắn tà, áo dài tay, không tay, v.v… Có thể nói rằng, ngày nay áo dài phụ nữ Việt Nam rất đa dạng kiểu cách, hoa văn và đẹp hơn nhiều so với ngày xưa. Chiếc áo dài nữ Việt Nam không những chỉ phụ nữ Việt ưa thích mà cả những phụ nữ nước ngoài cũng ưa thích.
Người phụ nữ Việt Nam khi mặc áo dài trông rất duyên dáng, thanh lịch. Ngày xưa, ở thành phố cũng như nông thôn thì đi chợ, đi chùa, đi nhà thờ, đi dự việc họ, việc làng… phụ nữ đều mặc áo dài đàng hoàng, nhìn rất dịu dàng, lịch sự.
Tại cố đô Huế, phụ nữ thường thích mặc áo dài màu tím. Các du khách đến thành phố Huế khi nhìn thấy trên cầu Trường Tiền, trên các đường phố từng tốp học sinh, sinh viên mặc áo dài thướt tha đi nhẹ nhàng ung dung trông rất dễ thương, trìu mến.
Ngày xưa, gia đình tôi ở kinh thành Huế, mỗi lần tôi đi ngang trường nữ Đồng Khánh, lúc tan trường là gặp từng đoàn nữ sinh mặc áo dài xanh, tím, trắng thướt tha đi trên đường phố, trông thật đẹp đẽ, dịu dàng  dễ thương quá!...  Bây giờ mỗi lần cứ hình dung lại những ngày niên thiếu ở Huế là trước mắt tôi lại hiện lên những hình ảnh các cô gái dịu hiền, xinh tươi đang ung dung trên đường phố dọc bờ sông Hương và cầu Trường Tiền như một bức tranh thanh bình mơ mộng….
Ôi, áo dài phụ nữ Việt Nam đã ghi sâu bao niềm nhớ nhung lưu luyến của bao thế hệ học trò và thầy cô cũng như bao người dân Việt!...
                                           Hà Nội tháng 1, năm 2015
                                                          NHT

Thứ Tư, 7 tháng 1, 2015


        GIẾNG NƯỚC LÀNG QUÊ
                       ==@@==

Giếng làng chứa đựng nước trong
Thả gầu xuống giếng mà lòng bâng khuâng
Mặt nước xáo động ánh trăng
Không còn nguyên bóng chị Hằng soi đêm
Nhẹ nhàng múc nước kéo lên
Để bóng trăng hiện tròn nguyên dáng hình
Quê hương giếng nước ân tình
Bạn bè trai gái cúi mình xuống soi
Ban ngày giếng ngắm mặt trời
Đêm về thấy bóng bao người thân quen
Mạch ngầm dòng nước tuôn lên
Tạo nguồn sinh động đẹp thêm cho đời!....
                       Nguyễn Hồng Trân

Thời tôi còn dạy học ở Hà Nội, có một số bạn bè của tôi quê ở Ninh Bình (bên dòng sông Đáy) như bạn Tĩnh, bạn Uông, bạn Quân, bạn Hải…, có lần rủ tôi về chơi ở vùng quê Ninh Bình làm tôi rất vui thích. Vì đã lâu lắm rồi tôi chưa được về quê hương tôi ở bên phía Nam dòng sông Thạch Hãn, Quảng Trị. Do đó, nên khi về thăm những vùng quê này, tôi đã hình dung lại vùng quê tôi nơi xa xôi bên kia giới tuyến mà lòng nhớ nhung khôn xiết vì đã hơn 10 năm rồi chưa được về lại thăm chốn quê nhà, nơi ấy đang còn mẹ già và các em tôi mong đợi…
Bạn Hải dẫn tôi đi thăm chơi đó đây, đến núi Non Nước thị xã Ninh Bình; đến đình làng Phúc Lộc… Lúc đi ngang qua giếng làng Phúc Lộc, tôi dừng lại ngắm nhìn quang cảnh giếng nước buổi sáng mùa hè với râm ran tiếng ve kêu xen lẫn với tiếng cười nói khúc khích của các cô gái, chàng trai đến múc nước rộn ràng bên giếng nước.
Ôi! Thật là ấn tượng đậm đà nơi miền quê ta đất Việt! Điều đó làm tôi nhớ lại cảnh mấy cái giếng  làng tôi như giếng Đá Đen, giếng Ông Dưng, giếng Bà Vãn… ở thôn Phú Long quê tôi ngày xưa cũng có cái cảnh như thế, nhưng trong chiến tranh, bom đạn giặc Mỹ xâm lược đã làm tan nát quê hương tôi và những cái giếng nước ngày xưa ấy bây giờ cũng không còn như nữa. Tôi liên tưởng như vậy rồi xúc động lòng mình cảm tác ra mấy câu thơ:

Giếng nước quê xưa đâu rồi?
Lòng ta lưu luyến bồi hồi nhớ nhung…
Bây giờ xa cách nghìn trùng
Khi nào về được thăm vùng quê hương?
Ra đi biết mấy dặm đường
Lòng ta mãi mãi nhớ thương quê nhà.
                      =@@=
                      Nguyễn Hồng Trân

Thứ Năm, 1 tháng 1, 2015


        HÀ NỘI ĐÓN XUÂN VỀ
                    ==@@==
Xuân về Hà Nội rực hoa tươi
Đường phố đông vui rộn tiếng cười
Bách Thảo chim về kêu ríu rít
Tây Hồ thuyền đến lướt đua bơi
Hồ Gươm in bóng người du ngoạn
Trấn Quốc soi mình khách dạo chơi
Cuộc sống thanh bình thêm hạnh phúc
Thủ đô yêu dấu thắm tình đời…
                      *****
            Hà Nội 1-1-2015
             Nguyễn Hồng Trân