Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2015

                         NGỒI TRÊN BỜ BIỂN NHẬT LỆ NHỚ VỀ CHUYỆN XƯA
                                                                    ==00==
Lần này về thăm quê Quảng Trị, tôi có dịp ghé qua thành phố Đồng Hới dạo chơi và rồi đi tắm biển Nhật Lệ thật là thú vị. Tôi đã đi tham quan động Phong Nha- Kẻ Bàng và đến nghỉ lại Đồng Hới mấy lần, nhưng cũng lâu lâu rồi. Lần này về lại Đồng Hới, tôi thấy phố phường, đường sá khang trang lên nhiều, nhất là vùng bờ biển Nhật Lệ, các khách sạn, cửa hàng mọc lên dày đặc xen lẫn giữa những hàng cây xanh bóng mát. Vợ chồng chúng tôi và cậu em đã say mê ngắm biển xanh với từng làn sóng vỗ bờ rồi cùng nhau chạy xuống tắm bơi vẫy vùng cùng với bao khách du lịch. Tiếng cười nói râm ran thật là vui nhộn.
Sau khi tắm xong, chúng tôi lên ngồi trên sân nhà hàng "Đức Hạnh" để thưởng thức mấy món hải sản vùng biển này như cua, mực, cá thu nướng, sò điệp nướng, v.v... Chỉ có món sò điệp nướng là lạ miệng đối với chúng tôi thôi, còn các thứ khác thì chúng tôi cũng đã được ăn ở nhiều nơi khác rồi. Nhưng có một điều làm cho tôi thích thú nhớ lại chuyện ngày xưa khi tôi về thăm gia đình bà cô ruột của tôi(bà Nguyễn Thị Đệ- người ta thường gọi là bà nghè Lượng) ở Đồng Hới. Bà chuyên môn làm các món ăn hải sản như thế để đãi bà con nơi xa về. Đặc biệt bà nấu cháo cá, chè đậu ván, làm bánh bột lọc, bánh nậm rất ngon. Hồi xưa ở Huế, vào năm 1944-1945, tôi học đang lớp nhì, khi tan học, mấy đứa học trò cùng phố với nhà tôi thường ghé đến nhà bà Đệ xem bà làm bánh, hấp bánh, nướng cá, nướng mực thơm lừng rất hấp dẫn khẩu vị. Đứa nào lúc đó cũng thèm chảy nước miếng. Thỉnh thoảng bà cho mấy đứa học trò bọn tôi nếm thử rồi khen ngon... Sau đó bà cũng cho ăn... ôi, thật là ngon! thật là vui!
Bây giờ mỗi lần về lại Đồng Hới, được nếm lại các thức ăn đó là tôi cứ nhớ đến bà nghè Lượng ngày xưa./.
                              Nguyễn Hồng Trân


Thứ Ba, 14 tháng 7, 2015

                 VĂN MIẾU HÀ NỘI THẬT LÀ ẤN TƯỢNG
                   (Nguyễn Hồng Trân sưu tầm và giới thiệu)

Văn Miếu ở số 58 phố Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, Hà Nội. Tên gọi Văn Miếu có từ năm Canh Tuất(1070), niên hiệu Thần Vũ II đời Lý Thánh Tông. Vua cho dựng Văn Miếu, đắp tượng Khổng Tử, Chu Công, Tứ Phối, vẽ tượng thất thập nhị hiền, bốn mùa cúng tế. Sau còn cho Hoàng thái tử đến học, vì thế ngày xưa còn có tên gọi là Thái học.
Năm Bính Thìn (1076), niên hiệu Anh Võ Chiêu Thắng I  lập nhà Quốc Tử Giám, một nhà trường mở rộng cho con em tầng lớp quí tộc đến học. Đây là một trường Đại học đầu tiên của dân tộc. Vào đầu đời Trần (1253), đổi thành Quốc học viện. Đến đời nhà Lê (1483) đổi thành Thái Học đường cho tới đầu thế kỷ XIX, khi kinh đô chuyển vào Huế, nhà Nguyễn lập Quốc Tử Giám ở Huế nên nơi này lại mang tên Văn Miếu và tồn tại cho tới ngày nay.
Khu nội tự Văn Miếu - Quốc Tử Giám tôn nghiêm, được ngăn cách với vườn Giám và không gian bên ngoài bằng tường gạch vồ và được chia làm 5 lớp không gian khác nhau, mỗi lớp được giới hạn bởi các tường gạch và có các cửa thông nhau: một cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên với các kiến trúc chủ thể là: cổng Văn Miếu, cổng Đại Trung, Khuê Văn các, cổng Đại Thành, khu điện thờ, cổng Thái Học và kết thúc là khu Thái Học.
          Nhìn từ trên Khuê Văn các ta thấy toàn cảnh hồ Giếng Thiên Quang và hai bên là dãy nhà bia đề danh tiến sĩ bằng chữ Hán, mỗi bên 41 tấm, và mỗi tấm dựng trên lưng con rùa đá vững vàng.
Tại Văn Miếu Hà Nội hiện nay chỉ còn 82/117 tấm bia đề danh tiến sĩ. Vì nếu theo đúng điển lệ triều Hậu Lê thì phải lập đủ 117 tấm bia đề tên Tiến sĩ. Thế nhưng trải qua bao cơn binh lửa, vật đổi sao dời, số bia chỉ còn là 82 tấm. Các tấm bia khắc văn bia Tiến sĩ đươc đặt trên lưng con rùa –là con vật tượng trưng cho sự trường tồn vĩnh cửu.
Hiện ở Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội còn lưu giữ được 82 văn bia đề danh Tiến sĩ, có niên đại trải dài hơn 300 năm với 82 khoa thi. Văn bia được khắc đầu tiên có niên đại Hồng Đức thứ 15 (1484) cho khoa thi Đại Bảo thứ 3 (1442) và văn bia khắc cuối cùng có niên đại Cảnh Hưng thứ 41 (1780) cho khoa thi Cảnh Hưng thứ 40 (1779). Số lượng văn bia được dựng theo thời gian như sau: thời Lê sơ có 13 văn bia, thời Mạc có 1 văn bia, thời Lê Trung hưng có 68 văn bia(3). Số người đỗ đại khoa được văn bia khắc họ tên, quê quán là 1304 vị Tiến sĩ Nho học (không kể 3 trường hợp đi thi 2 lần là Trịnh Thiết Trường, Nguyễn Nguyên Chẩn và Nguyễn Nhân Bị).
Hệ thống văn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội được nhà nước phong kiến các thời kỳ tổ chức dựng bia, khắc đá, đề danh khá cẩn thận và chu đáo, từ việc chọn đá, tuyển người soạn bài văn bia, người nhuận sắc, người khắc, hình thức trang trí, v.v... Một đặc điểm dễ nhận thấy là, 82 văn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội đều đề tên người soạn văn bia và bài văn bia thường được kết cấu theo một khuôn mẫu: phần mở đầu là ca ngợi công đức của các triều vua trị vì, ca ngợi đạo Nho và bậc thánh nhân quân tử; phần tiếp theo nói về việc mở khoa thi và liệt kê họ, tên, quê quán những người thi đỗ đại khoa; phần cuối là những lời bình về ý nghĩa của việc dựng bia, vai trò trách nhiệm và nghĩa vụ của những người thi đỗ trước giang sơn đất nước. Một đặc điểm khác cũng dễ nhận thấy là 82 văn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội đều khắc hoa văn trang trí rất cầu kỳ, mang tính cách điệu cao, là những tư liệu có giá trị khi nghiên cứu nghệ thuật điêu khắc nước ta thời kì từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII. Văn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội thực sự là những tài liệu hết sức có giá trị khi nghiên cứu truyền thống giáo dục, chế độ khoa cử và nghệ thuật điêu khắc thời Lê sơ - Lê Trung hưng.
Nhưng văn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội cũng có những đặc điểm liên quan đến vấn đề văn bản học mà chúng ta phải lưu ý khi sử dụng chúng. Đó là việc triều vua Minh Mệnh (1820-1840) thời Nguyễn cho đục những dòng chữ liên quan đến các chúa Trịnh trên 68 văn bia (các bia dựng từ năm 1653 đến năm 1779), hoặc việc 14 văn bia được xác định là khắc lại(4) đã làm mất đi tính minh xác của văn bia, một loại tài liệu được đánh giá cao về tính chính xác của văn bản.
82 văn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội đã được làm thác bản từ những năm đầu của thế kỷ XX do Trường Viễn đông Bác cổ Pháp (tại Hà Nội) thực hiện và những năm cuối của thế kỷ XX do Viện Nghiên cứu Hán Nôm thực hiện, các thác bản hiện lưu giữ tại Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm. 82 văn bia đề danh Tiến sĩ ở Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội đã được dịch và công bố nhiều lần
Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội, giờ đây hàng ngày có rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan đều rất thích thú. Đây cũng là nơi thỉnh thoảng có những cuộc triển lãm về Văn hóa-Nghệ thuật và tổ chức phong học hàm, học vị cho các nhà trí thức đạt tiêu chuẩn Quốc gia.
Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội tật là ấn tượng!
                                                 NHT