Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

          MẤY V/Đ CẦN TÌM HIỂU MỘT SỐ SỰ KIỆN LỊCH SỬ
                                 QUA BÁC ĐẶNG VĂN VIỆT
                                                 =***=
Kính thưa bác, chúng cháu rất hân hạnh được gặp bác-một lão thành quân đội NDVN để tìm hiểu thêm một số sự kiện lịch sử mà bác vừa là nhân chứng; vừa là người thực hiện nhiệm vụ.
Sau đây, có một số câu hỏi của chúng cháu lần lượt đặt ra cho bác, kính mong bác vui lòng giải đáp:
1.Cơ duyên nào mà bác gia nhập vào trường Thanh niên Tiền tuyến[TNTT] ở Huế? Trường đó do tổ chức nào thành lập và ai phụ trách làm Hiệu trưởng? Học viên có bao nhiêu người và bác còn nhớ có những ai cùng thời ấy với bác không?
2.Khi cách mạng Tháng Tám bùng lên ở Huế, tình hình trường TNTT chuyển biến như thế nào? Bác là người thực hiện việc treo cờ Tổ quốc lên kỳ đài kinh thành Huế trong ngày cách mạng ở Huế (21-8-1945) và ngày lễ vua Bảo Đại thoái vị (30-8-1945) như thế nào? Bác có thể cho biết cảm xúc của bác lúc đó?
3.Bác có ý nghĩ gì về vua Bảo Đại sau khi đọc bản chiếu thoái vị và giao lại ấn kiếm nhà vua cho Chính phủ CM lâm thời?
4.Sau CM Tháng Tám ở Huế, nghe nói có bọn biệt kích của quân Pháp nhảy dù xuống vùng núi Hiền Sĩ (không xa Huế), do một quan tư Pháp là Castella chỉ huy. Sau đó bị đội TNTT đã lập mưu kế bắt gọn toán biệt kích nhảy dù đó. Bác đã có tham gia trong đội quân ta hôm ấy, bác có thể kể lại vắn tắt việc đó và suy nghĩ của bác sau khi quân ta thu được môt số vũ khí và tài liệu mật của chúng?
5.Sau CM Tháng Tám đến kháng chiến chống giặc Pháp, bác đi bộ đội lên Cao -Bắc -Lạng và đã từng làm Trung đoàn trưởng TĐ 174, bác đã chỉ huy đánh nhiều trận thắng lợi và đã làm cho quân giặc Pháp kinh hoàng. Nghe nói tướng Pháp thời đó đã mệnh danh Đặng Văn Việt là Hùm Xám đường 4 có đúng không? Trận đánh nào bác chỉ huy mà nổi tiếng với quân địch như vậy?
6.Kính thưa bác! Trong cuộc đời quân ngũ lâu năm của bác, có kỷ niệm gì sâu sắc nhất của bác? Bác có những điều gì cần gửi lại cho thế hệ trẻ tương lai của đất nước Việt Nam chúng ta?

 BÁC ĐẶNG VĂN VIỆT TRẢ LỜI 
NHỮNG CÂU HỎI ĐÃ NÊU TRÊN
                          ==00==
LGT: Sau đây là phần tóm tắt những câu trả lời lúc tôi trao đổi với bác Việt, còn khi vào chương trình quay phim và ghi âm thì bác ấy nói rất dài với nhiều vấn đề liên quan nên tôi chưa ghi lại được toàn bộ cuộc nói chuyện của bác ấy.
*TL câu 1: Cơ duyên mà tôi và nhiều anh em thanh niên thời bấy giờ vào Huế gia nhập trường Thanh niên Tiền tuyến là sau ngày Nhật đảo chính Pháp ở VN 9-3-1945, tôi đang học năm thứ 3 Đại học Y khoa thuộc Đông Dương tại Hà Nội thì nhà trường bị đóng cửa. Do đó, chúng tôi vào Huế xin vào học trường Quân sự của Chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng sau đó trường này Việt Minh hóa thành trường Thanh niên Tiền Tuyến[TNTT] do ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu phụ trách. Số lượng sinh viên gồm có 43 người, tôi có danh sách đầy đủ. Tôi còn nhớ hồi đó có anh Cao Văn Khánh, anh Nguyễn Thế Lương, anh Phan Tử Lăng...
*TL câu 2: Trong những ngày cách mạng Tháng Tám ở Huế, trường TNTT chuyển biến nhanh chóng thành một lực lượng quân đội cách mạng của Việt Minh, mặc dầu vũ khí chưa có gì đáng kể, chỉ mấy khẩu súng trường mà thôi. Đội TNTT chúng tôi được phân công lo việc hạ cờ nhà vua xuống và treo cờ Tổ quốc lên kỳ đài của kinh thành Huế vào ngày 21-8-1945. Lúc bấy giờ rất căng thẳng vì cột cờ có đội lính Khố vàng của nhà vua bảo vệ, họ sẵn sàng chờ lệnh vua để nổ súng vào quân Việt Minh không cho hạ cờ vàng quẻ ly của nhà vua. Nhưng vì thế lực của Việt Minh quá mạnh, vua Bảo Đại đã nắm được tình hình thế sự từ trước,  nên nhà vua không cho lính khố vàng nổ súng mà để cho quân Việt Minh muốn làm gì thì làm. Thế là chúng tôi điều khiển, chỉ huy một số lính dỏng của triều đình lo việc hạ cờ vàng của nhà vua xuống và kéo cờ đỏ sao vàng lên kỳ đài một cách yên ổn. Lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc rất to, rất đẹp đã tung bay phần phật trên kỳ đài kinh thành cố đô Huế trong những ngày cách mạng Tháng Tám từ 21 đến 23-8-1945.
Để chuẩn bị cho buổi lễ thoái vị của đức vua, vào ngày 30-8, cờ vàng quẻ ly của triều đình nhà Nguyễn được kéo lên lại cho đến khi làm lễ vua Bảo Đại thoái vị thì hạ xuống và kéo cờ đỏ sao vàng lên. Lúc đó mấy phát súng thần trước Ngọ Môn nổ vang trời. Cả biển người đến dự lễ đều tưng bừng phấn khởi hô vang khẩu hiệu:
"Việt Nam độc lập muôn năm!"
Lúc ấy, tôi và các đồng đội cảm thấy rất vinh dự và tự hào được chứng kiến một sự kiện lịch sử trọng đại tại cố đô Huế mùa thu cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chấm dứt chế độ quân chủ lâu đời ở Viêt Nam.
*TL câu 3: Bài chiếu thoái vị của vua Bảo Đại đã được chuẩn bị từ trước nên khá đầy đủ ý nghĩa.
Lúc đó tôi vô cùng xúc động và nghĩ rằng Bác Hồ, Đảng và Chính phủ ta rất tinh tế đã vận động được nhà vua thoái vị rất êm thấm, không xẩy ra căng thẳng, đổ máu như sau cuộc cách mạng ở Pháp(14-7-1789) do nhà vua ra sức chống cự, tàn sát quân dân công xã cách mạng nên sau đó cả nhà vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette đều bị giết vào năm 1792.

Trong bài chiếu thoái vị vua Bảo Đại đọc chiều hôm đó có đoạn:
"Còn về phần trẫm, sau 20 năm ngai vàng, bệ ngọc, đã biết bao ngậm đắng nuốt cay. Từ nay trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập, chứ trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của trẫm hay của Hoàng Gia mà lung lạc quốc dân nữa.
           Việt Nam độc lập muôn năm!
          Dân chủ Cộng hòa muôn năm!"
                                    
Sau khi đọc tờ chiếu thoái vị cũng là lời phát biểu chính thức của ông vua Nhà Nguyễn cuối cùng này, mọi người trong buổi lễ rất cảm động và đồng thanh hô to:
          -Hoan hô nhà vua thoái vị!
-Việt Nam độc lập muôn năm!
-Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!
Sau đó Ngài Bảo Đại vui cười và đề nghị Đoàn Đại diện của Chính phủ tặng cho Ngài một vật kỷ niệm. Lúc ấy ông Trần Huy Liệu rất lúng túng, vì lúc Chính phủ cử ông vào làm chủ lễ tiếp nhận thoái vị của vua Bảo Đại thì không nghĩ đến chuyện này. Do đó chẳng có gì để kỷ niệm xứng đáng cho nhà vua cả. Ông Liệu đang băn khoăn và lo lắng thì ông Cù Huy Cận rất nhanh trí đến trình với ông Liệu là sẽ lấy “Huy hiệu cờ đỏ sao vàng” tặng cho cựu hoàng. Ông Liệu tán thành và tuyên bố ông Cù Huy Cận đến trao tặng Huy hiệu cho cựu hoàng. Ông Cận nói: “Đoàn Đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam xin trao tặng người công dân Vĩnh Thụy vật lưu niệm nhỏ này. Đề nghị đồng bào hoan hô!”.
Thế là mọi người hoan hô ầm vang…
Buổi lễ cũng kết thúc.

Vậy là chiều tối ngày 30-8-1945, đã chính thức chấm dứt chế độ quân chủ lâu đời ở Việt Nam và một trang sử Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời vào ngày 2-9-1945.
*TL câu 4: Nghe tin bọn biệt kích quân Pháp nhảy dù vùng núi Hiền Sĩ( cách Huế 25 Km), UB CM rất lo chuyện quân Pháp tấn công chiếm lại tp. Huế, hơn nữa, một số quan lại thân Pháp đang trong thành phố thì rất nguy hiểm cho chính quyền CM mới ra đời. Do đó, có lệnh cử chúng tôi đi bắt ông Phạm Quỳnh, ông Ngô đình Khôi... giao cho dân quân du kích địa phương đem đi quản thúc nơi xa. Về sau nghe tin có quân biệt kích Pháp nhảy dù xuống gần đó, dân quân sợ quân biệt kích Pháp sẽ giải thoát mấy ông  quan thân Pháp đó nên đã tự động giết ông Quỳnh và hai cha con Ngô Đình Khôi(con là Ngô Đình Huân).
Đội TNTT chúng tôi lại lên Hiền Sĩ lập mưu bắt gọn bọn biệt kích Pháp do tên quan tư Castella chỉ huy. Chúng tôi đã thu được điện đài, vũ khí và tài liệu mật liên quan đến việc Pháp định liên lạc với ông Quỳnh, ông Khôi để tổ chức cho hàng trăm tù binh Pháp còn ở Huế nổi dậy giành lấy lại chính quyền đã mất.
*TL câu 5: Sau những sự kiện ở Huế trong CMT8, tôi tiếp tục lên đường đi bộ đội làm lính cụ Hồ. Tôi đã qua nhiều chiến dịch đánh địch trong kháng chiến chống giặc Pháp. Cuôc đời quân ngũ của tôi và đồng đội trải qua bao gian nan, đau khổ, nguy hiểm... nhưng rất có ý chí, có nghị lực để vượt qua mọi thử thách trong chiến tranh. Tôi đã từng làm Trung đoàn trưởng TĐ 174 và đã chi huy đánh thắng giặc nhiều trận tại chiến trường vùng Cao Bắc Lạng. Đặc biệt là trận phục kích địch ở vùng dọc đường 4, quân ta đã lập kế tiêu diệt đoàn xe nhà binh của giặc hơn 130 chiếc và thu được nhiều chiến lợi phẩm về vũ khí và quân trang, quân dụng. Tôi nghe nói mấy tướng Pháp nói Đặng Văn Việt là con hùm đường 4. Thực ra họ tự phong cho mình lúc nào thì ai biết? chỉ nghe dư luận thế thôi.
*TL câu 6: Kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi trong cuộc đời quân ngũ làm lính cụ Hồ là mối tình quân và dân gắn bó mật thiết với nhau; tình đồng đội, đồng chí nồng nàn đầm ấm, biết chia sẻ ngọt bùi, cay đắng cùng nhau. Trong buổi tọa đàm này, tôi muốn nói với các bạn trẻ thời nay rằng, các bạn sống trong thời đại hòa bình và cuộc sống hiện đại, các bạn chưa hiểu hết những điều trong quá khứ mà tuổi trẻ ngày xưa của chúng tôi đã trải qua. Chúng tôi luôn nuôi dưỡng tinh thần yêu Tổ quốc, yêu dân tộc Việt Nam rất sâu sắc mới có quyết tâm, mới dám chịu đựng và hy sinh tính mạng để giành đôc lập cho Tổ quốc cho dân tộc. Có nhiều người chưa hiểu gì về chính trị và quân sự cứ cho rằng, nước ta không cần phải chiến tranh đổ máu mà cũng vẫn giành được đôc lập như một số nước trên thế giới. Lịch sử của nước họ khác với nước ta. Nước ta không thể bằng phương pháp thương lượng mà có độc lập được! Sau khi nước ta mới giành được độc lập thì giặc Pháp đã lập tức gây hấn chiến tranh đánh vào Nam Bộ. Vì vậy buộc ta phải đánh lại để giữ lấy nền độc lập non trẻ của chúng ta. Đó là cuộc chiến tranh bắt buộc để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, chứ không phải tự nhiên ta đánh Pháp để giành độc lập. Các bạn trẻ nên hiểu rõ điều đó mà đừng suy diễn một cách lệch lạc về lịch sử.
                                             Đặng Văn Việt
Chúng cháu cảm ơn bác rất nhiều về buổi chuyện trò hôm nay của bác dành cho BTLS QG VN.
Kính chúc bác và gia đình sức khỏe.
Hy vọng sẽ được gặp bác nhiều lần khác nữa.