Thứ Bảy, 24 tháng 12, 2016

  ĐẾN THĂM LẠI VÙNG 5 CỬA Ô HÀ NỘI XƯA
    (Nguyễn Hồng Trân-sưu tầm, khảo sát và tổng hợp)

Tôi đã sống học tập và làm việc tại Hà Nội cũng gần 20 năm, nhưng cũng không chú ý tìm hiểu kỹ về các cửa ô ở Thủ đô Hà Nội. Sau này, tôi từ Huế ra lại Hà Nội định cư và sống cùng con cháu, hằng năm cứ vào dịp ngày 10 tháng 10 kỷ niệm ngày đoàn quân ta về tiếp quản Thủ đô, bài hát TIẾN VỀ HÀ NỘI của nhạc sĩ Văn Cao cứ vang lên dồn dập đêm ngày nghe rất hào hùng. Trong lời ca đó có câu: "Năm cửa ô đón chào đoàn quân tiến về,… Hà Nội bừng tiếng quân ca…". Thế là tôi cứ nhớ lại thời trai trẻ của mình đã từng ở Hà Nội và cùng với bạn bè hát ca bài đó một cách say sưa, sôi nổi.
Vì vậy mà tôi cố tìm hiểu kỹ về 5 cửa ô xưa ở Hà Nội để biết rõ thêm về di tích lịch sử của chúng.  
1.Ô Quang Chưởng
Ô Quan Chưởng hay còn gọi là ô Đông Hà, tên chữ là Đông Hà môn (東河門, tức cửa phường Đông Hà), là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm ở phía Đông của toà thành đất bao quanh Kinh thành Thăng Long, được xây dựng vào năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749), đến năm Gia Long thứ ba (1817) được xây dựng lại và giữ nguyên kiểu cách đến ngày nay. Đây là một trong 21 cửa ô, mà cửa ô này là một trong 5 cửa ô lớn còn sót lại của thành Thăng Long cũ.[1]
Ngày nay, ô Quan Chưởng nằm trên phố Ô Quan Chưởng, đầu phố Hàng Chiếu, gần chân cầu Chương Dương. Thời xưa, ô Quan Chưởng nằm trên đường từ trong thành phố đi ra bờ sông, thuộc địa phận phường Đông Hà, tổng Hậu Túc (sau đổi là Đồng Xuân), huyện Thọ Xương cũ. Từ cửa ô ra đến bờ sông Hồng là con đường dài tám chục mét. Phía ngoài cửa ô trước kia coi như đất ngoại thành.
Cổng xây có vọng lâu được canh gác và kiểm soát cẩn mật để giữ an ninh cho khu phố buôn bán bên trong. Hiện cửa ô còn nguyên lối tam quan với cửa chính và hai cửa phụ hai bên, trên nóc cửa chính có vọng lâu, tường phía trái cửa chính có gắn một tấm bia đá do Tổng đốc Hoàng Diệu cho đặt năm 1881 ghi lệnh cấm người canh gác không được sách nhiễu nhân dân mỗi khi qua lại cửa ô. Bên trên cửa lớn có ba chữ Hán 東河門 (Đông Hà môn).
Ca dao về Ô Quan Chưởng có câu:
Long Thành bao quản nắng mưa
Cửa Ô Quan Chưởng bây giờ còn đây.
Tên gi
Tương truyền, tên gọi Ô Quan Chưởng bắt nguồn từ sự kiện xảy ra vào năm Tự Đức thứ 26, khi thực dân Pháp đánh thành Hà Nội (20 tháng 11 năm 1873). Sách Người và cảnh Hà Nội của cụ Hoàng Đạo Thúy đã ghi: "Song song với Hàng Đậu là Hàng Khoai. Dưới chợ là phố Mới, đầu phố chỗ gần bờ sông có cửa ô Quan Chưởng (cửa Đông Hà) còn nguyên cổng xây cũ, đoạn này gọi là phố Hàng Chiếu. Trước khi Tây sang, tên Jean Dupuis (Đồ Phổ Nghĩa) gây cơ sở ở đây cùng với bọn khách trú, khi Francis Garnier đánh thành thì một ông Chưởng cơ, cùng một trăm chiến sĩ đã giữ thành này đến người cuối cùng!...". Tuy nhiên, sự kiện năm 1873 cho đến nay vẫn chưa được xác minh[2].
Chú thích
1.Từ điển đường phố Hà Nội Ô Quan Chưởng (đăng tại Hà Nội Mới online)
2.Viện nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Hà Nội, Ô Quan Chưởng
                                         ==00==  
2.Ô Cầu Dền

Ô Cầu Dền tên chữ là Yên Ninh, là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm sau thành Thịnh Yên[1]. Ô Cầu Dền là một cửa ngõ của kinh thành Thăng Long, xuất hiện trong sử từ thời Lý, thế kỷ XI - XII (Theo sách Đại Việt sử lược, quyển II, III, Nhà xuất bản Sử học, Hà Nội, 1960).
Các cửa ô Hà Nội đã được nêu trong nhiều tác phẩm văn thơ, âm nhạc.
Hà Nội vui sao
Những cửa đầu ô
Tíu tít gánh gồng
Đây Ô chợ Dừa, kia Ô Cầu Dền
Làn áo xanh nâu Hà Nội tươi thắm...
Lời ca bất hủ trên đây trong bài ca Người Hà Nội của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi đã làm xao xuyến hàng triệu con tim khi nhắc tới tên các cửa ô của Hà Nội.
Vị trí:
Ô Cầu Dền nằm ngã tư lớn nối phố Huế, Bạch Mai, Trần Khát Chân, Đại Cồ Việt. Đây chính là vị trí của ô Cầu Dền ngày xưa.
Các tài liệu và bản đồ cũ cho chúng ta thấy rõ vị trí của địa danh này cố định và tồn tại khá lâu, ít ra là từ thế kỷ XVIII. Dưới triều Nguyễn, cửa ô Cầu Dền là cửa ô chính quan trọng nhất trên đường thiên lý. Đó là con đường nối liền Thăng Long với các trấn và các tỉnh phía Nam (vào kinh đô Huế) qua những đồi cây cối rậm rạp và cả một rừng mai (nay thuộc khu vực Bạch Mai, Trương Định). Năm 1782 Lê Hữu Trác lên kinh qua cửa ô Cầu Dền có tả như sau: "Tôi thấy một cái thổ thành không cao lắm, kế bên có một dãy tường nhỏ, trên mặt tường ngựa đi được; phía ngoài là hàng rào tre dày đặc, dưới hàng rào có hào sâu, trong hào thả chông, thật là mười phần kiên cố. Ba tầng vọng canh được thiết lập nơi đây, tầng nào cũng có quân lính đứng thành hàng hai bên, đao thương xán lạn, hào quang như tuyết. Lính giữ cửa thấy bọn tôi đi có mang binh khí, xét hỏi thật nghiêm ngặt, đến khi biết rõ đầu đuôi, lại nhận thấy dấu hiệu áo lính trấn thủ đất Nghệ An mới để cho đi".
Tên gọi:
Tên gọi Ô Cầu Dền Theo cố giáo sư Trần Quốc Vượng cho hay: trước đó, cái tên này đã xuất hiện ở cố đô Hoa Lư (Trường Yên, Ninh Bình) với tấm bia cổ, chiếc cầu đá bắc qua sông Hoàng Long và cũng là một cửa ngõ của kinh thành Hoa Lư. Vì lẽ đó, có tác giả đã cho rằng cái tên Ô Cầu Dền cũng như nhiều tên khác ở Hà Nội: Cầu Đông, Chợ Dừa, Đình Ngang... đã được Lý Thái Tổ mang từ cố đô Hoa Lư ra kinh đô mới Thăng Long cách đây nghìn năm trước.
Theo một tích khác cửa ô Cầu Dền lại chép: đời nhà Mạc, ở làng Kim Liên có một người học trò cha mẹ chết sớm, nhà nghèo, phải đi dạy học kiếm ăn qua ngày. Mấy năm đói kém, nhờ có mấy mẫu ruộng rau dền nên anh đã cứu giúp được nhiều người qua khỏi nạn đói. Vì thế, người ta gọi chỗ ở của anh là Cầu Dền. Các cụ cao niên ở đây vẫn còn nhớ vùng này xưa kia (và thậm chí cho đến những năm 1945 - 1954) có con sông nhỏ dẫn nước thải từ nội thành ra, hai bên bờ có đất bãi phù sa, rau màu quanh năm xanh tốt. Trong đó có rau dền là nhiều hơn cả. Chiếc cầu bắc qua con sông hai bên bờ có nhiều rau dền nên gọi là Cầu Dền.
3.Ô Đông Mác
Ô Đông Mác tên chữ là Thanh Lãng, là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm sau thành Lãng Yên[1]. Ô Đông Mác là một cửa ngõ của kinh thành Thăng Long, Cửa Ô Đông Mác hiện tại đã mất hết hình tích cũ. Ngày xưa còn có tên Ô Đống Mác.
V trí:
Hiện nay, có phố Đống Mác nằm ở cuối phố Lò Đúc cũng là nơi gần vi trí Ô Đông Mác ngày xưa, giao nhau với đường Trần Khát Chân và đường Kim Ngưu, phía đông nam Hà Nội.
Là một trong những điểm bắt đầu của con đường thiên lý Bắc-Nam xưa, cửa ô này là nơi có thể đến bằng đường bộ lẫn đường thuỷ vào thành Thăng Long, nên thường có quân lính canh gác khá nghiêm ngặt.  
Tên gi:
Ô Đông Mác là tên cửa ô thời xưa, thời chúa Trịnh Sâm, (thế kỷ 18) có tên là ô Ông Mạc. Bản đồ Hà Nội năm 1831 gọi đây là cửa ô Thanh Lãng. Tới bản đồ năm 1866, cửa ô này được gọi là cửa ô Lãng Yên. Sang thế kỷ 20, người dân quen gọi là ô Đông Mác.
Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc, Đông Mác còn có tên là Ông Mạc. Vì năm 1782, từ nội thành về bến Thanh Trì, Hải Thượng Lãn Ông đã đi qua cửa ô này và ghi trong Thượng kinh ký sự: "Ngày 10/9, từ sáng tinh mơ, tôi qua cửa ô Ông Mạc. Cửa chưa mở…."
                                       ==00==
 4.Ô Chợ Dừa
Ô Chợ Dừa tên chữ là Thịnh Quang, là một cửa ô của Hà Nội xưa, nằm về phía tây của kinh thành Thăng Long.
V trí:
Ô Chợ Dừa nằm ở ngã sáu của các phố Khâm Thiên, Tôn Đức Thắng, Đê La ThànhNguyễn Lương Bằng, Xã Đàn.
Tên gi:
Ô Chợ Dừa nơi có chợ nhỏ họp dưới hàng dừa rợp bóng bát ngát, một phần đã giải thích cái tên gọi quen thuộc của cửa ô, lại hiện lên với vẻ sầm uất, nhộn nhịp của cảnh chợ.
Theo ghi chép trong Thượng Kinh ký sự của cụ Lê Hữu Trác: " Một cái thành đất không cao lắm. Bên cạnh là một cái tường nhỏ, trên mặt tường là đường xe ngựa đi, ở mé ngoài hàng rào che kín mít. Dưới chân tường là hào sâu. Trong hào thả chông xem ra rất kiên cố. Thành có ba vọng canh, nơi nào cũng có lính sắp hàng, gươm súng sáng quắc ".
                                         ==00==
5.Ô Cầu giấy
Tên gọi:
Cửa ô này ngày xưa là mở sát làng làm nghề giấy.
Vi trí:
Ô Cầu Giấy thì là một cửa ô xẻ qua toả thành đất bao quanh khu đông dân cư của kinh thành Thăng Long xưa, được nhiều nhà nghiên cứu gọi là vòng thành giữa, mà bức tường phía tây chạy từ núi Sưa (trong vườn Bách Thảo) theo phố Ngọc Hà, vượt phố Sơn Tây, Nguyễn Thái Học, trở thành chính phố Giảng Võ ngày nay. Cửa ô này vốn có tên chữ Hán là Thanh Bảo và ở vào chỗ gần Bến xe Kim Mã bây giờ."
Ô Thanh Bảo mới có từ đời Nguyễn. Ô Cầu Giấy có từ thời Lý ở gần Cầu Giấy (có thể nằm trên đê đường Bưởi) thì đúng hơn.  
 "Nguyên ở khu vực đầu phía đông cây cầu vốn có một cửa của một toả thành mà bức tường phía tây chạy ven bờ trái sông Tô, từ chợ Bưởi xuống đến Cầu Giấy. Đó là toả thành đất mà Lý Thái Tổ cho đắp từ năm 1014. Việt sử thông giám cương mục có ghi: "Năm Giáp Dần (1014) đắp thành đất Thăng Long: bốn bề xung quanh ngoài kinh thành đều sai đắp thành đất". Cái cửa phía tây này có tên là Tây Dương.



Thứ Hai, 21 tháng 11, 2016


            NHỮNG DẤU ẤN LỊCH SỬ VỀ MÁI TRƯỜNG XƯA  VÀ  NAY
                                                         =* * *=
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm nay(2016), chúng tôi gồm các thầy cô giáo từ trường KỸ THUẬT II HÀ NỘI đầu tiên năm xưa(1956) và những trường tiếp theo sau được trường Đại học Công nghiệp Việt Trì ngày nay mời về dự lễ KN 60 năm thành lập trường.
Chúng tôi rất phấn khởi và háo hức cùng nhau lên trường mới( 5 năm TL) này để gặp gỡ giao lưu tâm tình với các thầy cô và sinh viên qua nhiều thế hệ về đây để cùng nhau ôn lại những chặng đường đầy khó khăn,gian khổ mà đã vượt qua để rồi vững bước trưởng thành trên đường dài trong nền giáo dục đào tạo của đất nước Việt Nam.
Trong buổi lễ KN 60 năm thành lập trường(1956-2016) từ một trường Kỹ Thuật II Hà Nội chỉ có ba ngành: Mỏ Địa chất, Hóa chất và Thực phẩm. Sau đó trường KT II tách ra thành ba trường riêng: trường Mỏ và Địa chất(thuộc Tổng cụ Địa chất); ngành Thực phẩm về trường CN nhẹ. Ngành Hóa chất thành trường Trung cấp Hóa chất (thuộc Tổng cục Hóa chất). Từ trường TC Hóa chất này tiếp tục phát triển thành trường Cao đẳng Hóa chất ở vùng Lâm Thao Phú Thọ và đến năm 2011 thì thành lập trường Đại học Công nghiệp Việt Trì với đa ngành học trong đó có ngành Hóa.
Qua bài diễn văn của thầy Hiệu trưởng nhà trường tại buổi lễ, chúng tôi đã biết rõ thêm những bước phát triển mạnh mẽ đúng hướng của trường và đã đem lại những hiệu quả đáng kể trong sự nghiệp phát triển GD ĐT và nhân lực cho đất nước.
Chúng tôi rất phấn khởi vui mừng với nhà trường đã đạt được những thành tựu quan trọng về nhiều mặt trong 60 qua và được Chính phủ tặng thưởng các Huân chương cao quý(Huân chương Độc Lập hạng 1,2,3; HC Lao Động Hạng 1,2,3; ….)
Chúng tôi, những thầy cô giáo cũ của nhà trường rất cám ơn sự quan tâm của lãnh đạo trường ĐHCN Việt Trì đã cho chúng tôi có dịp về trường mới để cảm nhận được cái thực tế trưởng thành phát triển của nhà trường. Chúc tôi chúc cho trường chúng ta ngày càng lớn mạnh cả về chất và lượng.
Sau đây tôi xin cung cấp thêm một vài tư liệu về những người tiền bối của trường KỸ THUẬT II ngày xưa để nhà trường có thể đưa vào hồ sơ lịch sử của nhà trường.
MỘT SỐ NÉT CHÍNH VỀ TRƯỜNG KỸ THUẬT II HÀ NỘI-THÀNH LẬP TỪ THÁNG 5 NĂM 1956 VÀ MỞ KHÓA ĐÀO TẠO ĐẦU TIÊN.
                                                 ==@@==
Trường Kỹ Thuật II là tiền sinh của trường ĐH Công nghiêp Viêt Trì bây giờ. Trường này được thành lập từ QĐ của Bộ Trưởng bộ Công nghiệp nặng Nguyễn Văn Trân số …..QĐ/BCNN, ngày…tháng 5 năm 1956.
*Địa điểm của trường tại vùng Tượng Đình (bên tả….       trên đường từ Ngã Tư sở về Hà Đông cách nhà máy Cơ khí Hà Nội gần 2Km) với diện tích hơn 6 hecta.
*Ban thành lập trường đầu tiên tại Bộ CNN, trong đó có các thầy: Nguyễn Tuyên, Hoàng Trung, Đinh Văn Thọ, Nguyễn Hợp, Đinh Cự…
*Hiệu Trưởng nhà trường đầu tiên là thầy Hoàng Trung, Bí thư chi bộ trường,thầy Nguyễn Tuyên Hiệu phó. Tiếp đó, thầy Tuyên làm Hiệu Trưởng, thầy Trung là Bí thư Đảng ủy. Sau đó, Hiệu trưởng là thầy Nguyễn Quý Kỳ, Bí thư Đảng là thầy Từ Tích.
*Tổ chức lớp học: Từng lớp học viên có một tổ Đảng trực thuộc chi bộ nhà trường. Mỗi lớp có lớp trưởng, lớp phó do nhà trường cử. Mỗi khóa đào tạo trong 3 năm.
*Ngành đào tạo đầu tiên:  Nhà trường lúc bấy giờ chỉ mở được một số ngành như Địa chất(1 lớp=ĐC56), Khai khoáng(1 lớp=KK56), Hóa Phân tích(2 lớp HCA56 và HCB56), Hóa Thực phẩm(2 lớp HTPA56; HTPB56). Hóa KT (1 lớp=HKT56).
*Các phòng ban chức năng của trường:
-Bí thư Đoàn trường: đ/c Phan Văn Phương
-Phòng Giáo vụ: có thầy Lê Du.
Thư viện: Cô Lê Thị Tâm.
-Phòng Quản trị TC HC và đời sống: Bác Tiểng, cô Bích Chi, Ngô Giá, đ/c Kiếm, Cải.
-Ban Y tế: Cô Bồng, chị Bùi Anh Phong.
-Phòng Thí nghiệm: Đinh Cự, Nguyễn Côn, Ngọc Ánh. Sau đó chỉ N. Côn và N. Ánh.
*Các thầy cô giảng dạy các môn:
-Môn Toán: thầy Đinh Hải Trọng, Nguyễn Nam, .
-Môn Vật lý, Điện, Cơ: các thầy: Nguyễn Mậu Khai, thầy Tô Xuân Giáp, thầy Đạt, thầy Đức, thầy Đạm, thầy Hùng, thầy Tùng…
-Môn Hóa vô cơ, hữu cơ: gồm thầy Nguyễn Xuân Hoa, thầy Hoài,Phan Hoàng Thi, Trần Đình Cúc, thầy Thắng…
-Môn Hóa Phân tích, Hóa Lý: các thầy Nguyễn Văn Minh, Ngô Thế Giao..
-Môn hóa Hóa kỹ thuật và Silicát: các thầy Bùi Quang Nghiêm, Nguyễn Quang Huỳnh, Nguyễn Đức Nhẫn, Nguyễn Hợp và chuyên gia Liên Xô.
-Môn Ngoại ngữ: Tiếng Nga: gồm các thầy Đặng Biên, Phan Tất Gia, Nguyễn Ngọc Anh, Nguyễn Hiền; Tiếng Trung: thầy Nguyễn Thanh, thầy….              ?
-Môn Thể dục: Nguyễn Biểu, Nguyễn Nhàn.
-Môn Vẽ kỹ thuật: Thầy Lê Hiền, Nguyễn Trung.
-Môn Đo lường KT, Trang bị phòng thí nghiệm: thầy Quý, thầy Nhẫn.
-Môn Địa chất, Khai khoáng: thầy Lê Văn Tự, Nguyễn Đồng và các chuyên gia TQ.
*Năm 1958, trường có xưởng SX axit Sulfuric; lò SX than hoạt tính…
(Ghi chú: Tài liệu này do Nguyễn Hồng Trân- GV cũ của trường KTII cung cấp).


Thứ Năm, 13 tháng 10, 2016

ĐƯỜNG LÊN CAO NGUYÊN ĐÁ ĐỒNG VĂN, CỘT CỜ LỦNG CÚ, DINH THỰ VUA MÈO -VƯƠNG CHÍNH ĐỨC Ở HÀ GIANG
                                       (Bút ký của Nguyễn Hồng Trân)
Tháng trước, vợ chồng chúng tôi vừa mới đi DL lên vùng núi của tỉnh Lao Cai đến thị trấn Sa Pa rồi tới thung lũng Mường Hoa được ngồi vào Cáp treo kéo lên núi Fansipan. Chuyến đi này tuy rằng rất thú vị, nhưng với tuổi già như tôi(79), vợ tôi(73) cũng cảm thấy mệt. Năm nay, chúng tôi sẽ không định đi DL đâu nữa mà chỉ ở nhà dưỡng sức. Nhưng có cậu em(TS. Đại tá QĐ về hưu-Thái Lê Thắng) đã động viên chúng tôi đi thêm một chuyến nữa. Đó là lên Hà Giang để tận mắt chiêm ngưỡng cảnh núi rừng hùng vĩ phía Đông Bắc của VN và đồng thời thấy được hình ảnh đời sống của các dân tộc miền núi vô cùng vất vả gian nan nhưng vẫn luôn tự hào và giữ vững truyền thống yêu nước bảo vệ núi rừng thiêng liêng của Tổ quốc VN.
Đoàn DL chúng tôi gồm 18 người, trong đó 5 người ở Hà Nội là quân đội, công an, y tế và giáo viên; 13 người ở TP HCM là những bạn trẻ ở lớp học viên Cao học của trường ĐH Kiến trúc TP.HCM. Đoàn DL này dưới sự hướng đẫn của anh Đỗ Văn Hiện và chú tài xế Nguyễn Văn Thủy.
Chúng tôi đi theo tour DL lên Hà Giang trong 3 ngày 2 đêm. Xe của Cty DL đón chúng tôi tại trước Nhà Hát Lớn HN và xuất phát lúc 7 giờ sáng ngày 7 tháng 10 năm 2016. Xe qua cầu Nhật Tân, sang đường cao tốc lên  Vĩnh Phúc, qua Phú Thọ, lên Thái Nguyên, đến Tuyên Quang rồi đến Hà Giang.  Đến TP. Hà Giang, chúng tôi dừng chân chụp ảnh tại cột mốc lớn "Km số 0"(thuộc Quốc lộ 2 từ Hà Giang về Hà Nội) ở bên trái Quảng trường 26-3, trên đường Nguyễn Trãi. Tiếp đến, xe chúng tôi chạy dọc con đường ven dòng sông Lô đoạn chảy qua tỉnh Hà Giang. Nhìn dòng sông nước trong xanh và có đoạn thấy nhiều tảng đá nổi ở giữa dòng rất đẹp. Sau đó, xe tiếp tục chạy lên Thạch Sơn Tiên có vùng cây hoa Tam giác Mạch [TGM]. Cả đoàn dừng lại chụp ảnh lưu niệm trên đồng hoa TGM này. Đây là một loại hoa đặc biệt ở vùng Hà Giang. Người ta hay tổ chức Lễ hội TGM như để vinh danh, khuyến khích người dân giữ gìn nét văn hóa sinh sống của dân tộc miền núi. Cây hoa TGM mảnh nhỏ chừng 50-60 cm. Nó giống như hoa dại trong rừng, nó có hoa màu trắng, màu hồng rồi tàn hoa và có hạt chuyển sang khô. Người ta thu hoạch về đập lấy hạt để làm bột thức ăn cho người và gia súc. Hạt nó màu xám đen như hạt giống ngò mùi ở miền xuôi. Khi ăn cái bánh rán có TGM, ta cảm thấy có mùi vị thơm ngon đặc biệt. Loại hoa này người dân Hà Giang cứ trồng nhiều nơi ở quanh nhà, ở thung lũng, ở sườn núi… Xe chúng tôi chạy vòng vèo trên đường lên dốc núi đỉnh dèo, luôn nhìn thấy những thửa ruộng bậc thang và hoa TGM nằm xen kẽ giữa khoảng trống của núi đá và rừng cây.
Cũng may là hôm đó, thời tiết vùng này mát mẻ, chúng tôi lúc đầu cũng cảm thấy thoải mái dễ chịu. Nhìn xa xa những áng mây trắng lãng đãng bay qua trên đỉnh núi. Chúng tôi cảm thấy mơ màng như lac vào tiên cảnh   của núi rừng Hà Giang.
Đầu tiên chúng tôi đến cửa ngõ của Cao Nguyên đá Đồng Văn. Cao nguyên đá này kéo dài đến cả 4 huyện của tỉnh Hà Giang, từ Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn đến Mèo Vạc. Trong đó những núi đá nổi bật nhất là ở Đồng Văn. Con đường cho xe chạy qua vùng này còn hẹp, rất hiểm trở, quanh co, gấp khúc hàng trăm đoạn trên cao, rất căng thẳng cho tài xế và cả du khách ngồi trên xe. Có nhiều đoạn đường xe như leo lên triền núi cao, chúng tôi nhìn thấy phía dưới là những chóp núi nhỏ khác và những đồi ruộng bậc thang cũng như đồng hoa Tam giác Mạch.
Thỉnh thoảng xe phải dừng lại cho tài xế nghỉ tay, dưỡng sức và chúng tôi có dịp chụp ảnh lưu niệm với Cao nguyên đá nơi này. Chúng tôi leo lên núi "Cổng Trời" ở Quản Bạ ngắm cảnh rừng núi nhấp nhô trùng trùng, điệp điệp có mấy cặp núi đôi trông rất cân đối ấn tượng. Chúng tôi tranh thủ chụp ảnh lưu niệm rồi lên xe chạy tiếp đến vùng có nhiều dãy đá đen xám, có tảng dựng đứng rất oai vệ như đưa mắt nhìn ra mặt đường chào du khách vãng lai. Vùng núi đá ở đây toàn thấy đá với đá chồng chất nhau lên cao. Đá toàn một màu xám đen. Đây là một cao nguyên đá đặc biệt nên  từ tháng 4 năm 2010 đã được Hội đồng tư vấn Mạng lưới Công viên Địa chất Toàn cầu (GGN) của UNESCO chính thức công nhận là Công viên địa chất toàn cầu. Đây hiện là danh hiệu duy nhất ở Việt Nam và thứ hai ở Đông Nam Á. Hiện khu vực cao nguyên đá Đồng Văn là nơi cư ngụ của khoảng hơn 250 ngàn người dân thuộc 17 dân tộc thiểu số khác nhau của Việt Nam.. Ngày xưa vùng này hầu hết là các dân tôc thiểu số như H'Mông (Mèo), Lô Lô, Tày, Nùng, Thái… Sau này mở mang DL nên một số người Kinh cũng lên làm ăn sinh sống trên đất Hà Giang ngày càng đông hơn.
Sau khi dừng chân quan sát những dãy núi đá hùng vĩ thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn chạy dọc dòng sông Nho Quế ( xuất phát từ TQ đến Hà Giang) , đoàn chúng tôi đến Tham quan khu dinh thự vua Mèo ngày xưa. Khu này ở vùng Sà Phìn, trước khi leo lên khu dinh thự, chúng tôi đi  ngang qua chợ phiên Sà Phìn. Phiên chợ này mỗi tuần có một phiên, người đi chợ rất tấp nập. Hàng hóa đủ thứ được bày bán ở đây một cách tư do. Khi đến cổng của dinh thự này, có cô thuyết minh dẫn chúng tôi tham quan và nghe được nhiều điều tỷ mỷ về dinh thự vủa vị vua Mèo này.
Sau khi trở thành vị vua Mèo quyền uy ở Đồng Văn, ông Vương Chính Đức đã chứng kiến một giai đoạn dài những thăng trầm trong lịch sử của người Mông Đồng Văn. Trong giai đoạn đó, Vương Chính Đức và người con trai ông, Vương Chí Sình, đã trở thành huyền thoại của vùng đất này. Để khẳng định vai trò và uy quyền của mình, "vua Mèo" Vương Chính Đức đã mất nhiều tháng trời đi khắp đó đây tìm nơi có phong thủy tốt để xây cất dinh thự họ Vương. Khu này được xây dựng trong vòng 8 năm  với diện tích 1.120 m2. Toàn bộ dinh thự có hình mai rùa vững chắc, bao gồm hàng chục toà ngang, dãy dọc quy mô, bề thế với nhiều công trình phụ trợ khác, cùng với những hàng cây sa mộc vươn cao làm nổi bật lên nét vương giả giữa vùng cao nguyên.Vật liệu để xây dựng nhà gồm đá xẻ, gỗ lim, gỗ nghiến, nền nhà bằng đất, lợp ngói âm dương,… kết cấu kiến trúc gồm hai tầng, sàn nhà được lát bằng gỗ. Phía ngoài gian chính giữa có treo một bức hoành phi bằng chữ Hán do vua Khải Định triều Nguyễn phong tặng vua Mèo “Biên chinh khả phong”(Biên cương vững chắc). Ngay trước cửa chính vào dinh thự có cặp câu đối:     
“Gia tích thiện Hiền nhân xuất nhập/Môn phong lưu Quý khách vãng lai” (Nhà tụ người hiền thiện ra vào/Cửa thông thoáng khách quý tới lui ).
Vương Chính Đức giàu sụ do buôn bán hàng hóa đặc biệt là thuốc phiện. Sà Phìn chính là nơi trung chuyển thứ "cơm đen" từ tam giác vàng Miến Điện với vùng Vân Nam Trung Hoa sang Đông Dương. Cụ Vương lại ngấm ngầm sắm sửa vũ khí và có cả quân đội bí mật là những trưởng họ người Mông trung thành trong vùng.
Khi Nhật đảo chính Pháp, đội quân bí mật của Vương Chính Đức và Vương Chí Sình đã góp phần với quân du kích của Mặt trận Việt Minh tiêu diệt đánh đuổi quân Pháp tại khu vực Hà Giang.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Chính phủ Hồ Chí Minh đã có sự liên lạc cũng như mối thâm giao với người con thứ 2 của ông vua Mèo là Vương Chí Sình. Đích thân Cụ Hồ đã mời cụ Vương Chí Sình tham gia khóa Quốc hội đầu tiên và kết nghĩa anh em. Cụ Hồ đã đổi Vương Chí Sình thành Vương Chí Thành. Chính phủ ta cử phái viên phi ngựa về Sà Phìn, Đồng Văn trao tặng cụ Vương Chí Sình thanh đại đao (sau này quen gọi là bảo kiếm) mà trên vỏ bọc kiếm, Bác Hồ viết 8 chữ, mỗi bên 4 chữ cho thợ khắc: "Tận trung báo quốc/ Bất thụ nô lệ" là một sự kiện tốt lành không riêng nhà Vương ở Sà Phìn mà còn là ngày hội vui chung đối với người Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn, Mèo Vạc.
Cụ Vương tiếp tục tái cử ĐBQH khóa II (1960-1964). Những năm cuối năm mươi, phỉ nổi loạn ở cao nguyên Đồng Văn, gia đình nhà Vương đã góp phần đáng kể vào việc bình ổn ở khu vực phức tạp này. Sau đó cụ Vương Chí Sình được Bác Hồ mời về Hà Nội ở. Cụ mất năm 1962 thọ 76 tuổi.  Những đời sau của cụ, nhiều người đã đi sang các nước ngoài sinh sống lập nghiệp. Các đời nhà Vương đều lần lượt đặt tên đệm  là: Chính, Chí, Quỳnh, Duy, Văn, Lập.
Năm 1946, cùng với mối thâm giao với nhà Vương, Bác Hồ đã trực tiếp giới thiệu chàng trai người Mông là Vương Quỳnh Sơn, cháu ruột Vương Chí Sình vào học Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn. Sau này ông Sơn đảm nhiệm nhiều công tác khác nhau ở Việt Bắc lẫn Hà Nội. Khi về hưu ông vẫn được Chính phủ giao làm cố vấn mảng miền núi dân tộc.
Sau khi rời khỏi dinh thự vua Mèo,chúng tôi lên tham quan vùng cột cờ Lủng Cú-địa đầu Tổ Quốc VN (sát biên giới TQ). Lúc đến chân núi Lủng Cú, chúng tôi nhìn lên đỉnh núi thấy cột cờ đang tung bay lá cơ đỏ sao vàng VN thật là uy linh, hoành tráng. Chúng tôi, ai cũng mua áo cờ đỏ sao vàng mặc vào và khẩn trương lên tận cột cờ để chào cờ, ngắm cảnh rồi cùng nhau chụp ảnh kỷ niệm tại đây rất hứng thú. Đoàn học viên Cao học trường Kiến trúc TP.HCM đã xếp mô hình chữ "V" tượng trưng cho vinh quang VN và phất cờ lên như tuyên thệ với Tổ quốc rằng: "Lớp trẻ chúng con luôn hết lòng phụng sự cho đất nước VN vinh quang và vững bền…"
Nhiều đoàn du khách trong nước và cả nước ngoài cũng đến tham quan rất đông. Mọi người gặp nhau ở đây đều thể hiện trên nét mặt thân thiện, vui tươi, khâm phục và tự hào với truyền thống giữ nước của quân dân ta.
Chúng tôi có dịp nghe người quản lý di tích đã kể lại về quá trình xây dựng cột cờ lịch sử này rằng:
Cột cờ được xây dựng trên đỉnh Núi Rồng, thuộc địa phận xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, nằm ở độ cao trên 1.468m so với mặt nước biển.
Theo tài liêu di tích lich sử văn hóa đã ghi: Tiền thân của cột cờ Lũng Cú xuất hiện từ thời lý, khi Lý Thường Kiệt hội quân trấn ải biên thùy thì ông đã cho treo một lá cờ tại nơi này để đánh dấu chủ quyền lãnh thổ, từ đó lá cờ được duy trì trên bầu trời biên cương.
Đến năm 2000 cột cờ bằng bê tông cốt thép được xây dựng. Khi mới xây dựng thì con đường lên cột cờ vẫn chưa được rải nhựa mà chỉ là đường mòn và cũng chưa có những bậc đá quý như ngày nay, lúc đó nhân dân đã phải cõng, gùi xi măng, đá, cát, sỏi, nước và những nguyên vật liệu xây dựng khác từ chân núi lên. Đến năm 2002, khi cải tạo nâng cấp thì mới rải nhựa và xây dựng toàn bộ các bậc đá.
Được sự đồng ý của thủ tướng chính phủ, UBND tỉnh Hà Giang đã có văn bản chỉ đạo huyện Đồng Văn tiến hành nâng cấp cột cờ to hơn, đẹp hơn và bề thế hơn ngay tại vị trí Cột cờ cũ.   Công trình Cột cờ Quốc gia được đầu tư xây dựng là có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị, ngoại giao, khẳng định về chủ quyền lãnh thổ của Quốc gia, đồng thời thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Với những ý nghĩa đó, ngày 8 tháng 3 năm 2010 Cột cờ Lũng Cú chính thức được khởi công xây dựng, cùng với sự nỗ lực, cố gắng và sự quyết tâm của cán bộ, công nhân viên chức đơn vị thi công cũng như sự quan tâm chỉ đạo của các cấp các ngành, ngày 25 tháng 9 năm 2010 cột cờ đã được hoàn thành và được đưa vào phục vụ du khách trong và ngoài nước.
Đặc điểm của di tích này là:Đường lên gồm 2 đường:
-Đường bộ ( phía sau nhà khách Cực Bắc)
-Đường xe ô tô lên đến nhà lưu niệm cột cờ.
-Bậc lên xuống: Tổng số 839 bậc. Trong đó:
-Từ nhà nghỉ Cực Bắc  đến nhà Lưu Niệm: 425 bậc.

 -Từ nhà Lưu Niệm đến chân Cột Cờ : 279 bậc.
 -Bậc cầu thang xoán ốc trong cột cờ lên đỉnh là: 135 bậc.
 -Tổng chiều cao cột cờ : 34,85m.
 -Cán cờ cao : 14,25m.
Phát biểu tại lễ khánh thành cột cờ mới, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Hoàng Minh Nhất nói: “Lũng Cú là vùng đất địa đầu Tổ quốc, nơi có Cột cờ Lũng Cú biểu tượng đánh dấu chủ quyền Tổ quốc Việt Nam và cũng từ đó, cột cờ Lũng Cú luôn gắn với tên đất tên người của Hà Giang, luôn là niềm tin, niềm tự hào và sức mạnh của các dân tộc trong tỉnh. Việc trùng tu, nâng cấp Cột cờ Lũng Cú lần này nhằm khẳng định vị thế của đất nước, chủ quyền của Tổ quốc và tôn vinh tinh thần yêu nước, anh dũng bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc của đồng bào, chiến sĩ nơi đây”.
Cột cờ Lũng Cú trở thành niềm tự hào của bà con đồng bào các dân tộc ở Hà Giang nói riêng, đồng thời là biểu tượng thiêng liêng của người Việt Nam. Đây cũng là điểm du lịch được nhiều hãng lữ hành khai thác. Hiện nay, đường lên đỉnh núi có cột cờ đã được xây dựng lại với 839 bậc đá lên theo lối cũ, đồng thời cũng đã có lối đi mới đi xuống, cũng 839 bậc. Muốn leo lên đỉnh Cột cờ để phóng tầm mắt ra xung quanh, thì đi theo cầu thang xoáy trôn ốc bằng sắt với 140 bậc trong lòng cột cờ. Từ trên đỉnh Cột cờ Lũng Cú nhìn về phía Tây có 2 hồ nước. Điều lạ là, dù ở độ cao chót vót này nhưng nước ở 2 cái hồ này luôn trong xanh không bao giờ cạn, được người dân coi là “long nhãn” (mắt rồng). Dưới chân cột là nhà lưu niệm trưng bày các dụng cụ lao động, trang phục, sản phẩm văn hóa của các dân tộc Hà Giang. 
Hiện nay, tại Đồn biên phòng Lũng Cú có một trạm chuyên làm nhiệm vụ bảo vệ lá cờ trên Cột cờ Lũng Cú và hầu như cứ khoảng 1 tuần hoặc lâu nhất là 10 ngày cờ lại phải được thay mới, do sức gió trên đỉnh Lũng Cú rất mạnh khiến cờ dễ hư hỏng. Những lá cờ cũ được giữ lại làm quà tặng cho những đoàn khách đặc biệt đặt chân đến đây, được mang theo về một kỉ vật là lá cờ Tổ quốc từng tung bay trên đỉnh Cột cờ Lũng Cú. Đây là một món quà mang ý nghĩa thiêng liêng đối với bất cứ người con đất Việt nào. 
Sau khi tham quan xong cột cờ Lủng Cú, chúng tôi lên đường đi qua đèo Mã Pì Lèng- nơi được mệnh danh là một trong "Tứ đại đỉnh đèo" ở Bắc Việt. Đó là 1.Đèo Pha Đin (ở tỉnh Điên Biên), 2.Đèo Ô Quy Hồ (Lào Cai), 3.Đèo Mã Pì Lèng( Hà Giang), 4.Đèo Khau Phả (Yên Bái). Chúng tôi dừng lại ở đèo Mã Pì Lèng để chụp ảnh xuống những ngọn núi và dòng sông Nho Quế đang lượn vòng vèo dưới các chân núi trong buổi chiều tà. Sau đó xe chở chúng tôi đến thi trấn Mèo Vạc để ăn tối và nghỉ ngơi qua đêm tại khách sạn  Xuân Hạc.
Sáng ngày hôm sau, chúng tôi lên đường trở về Hà Nội. Dọc đường về, xe dừng lại một số địa điểm có quang cảnh thiên nhiên đáng ngắm nhìn, ghi nhớ hoặc vào các chợ, nhà hàng đặc sản vùng núi để mua sắm chút quà về tặng cho người thân.
Dọc đường đi lên tham quan Hà Giang cũng lúc trở về Hà Nội, đoàn chúng tôi cùng nhau ca hát dọc đường vui vẻ và giao lưu chuyện trò với nhau giữa mấy vị già và lớp trẻ rất thân tình. Sau đó, TS.Đại tá Thái Lê Thắng đã thay mặt đoàn phát biểu ý kiến về chuyến du lịch Hà Giang vừa qua và tỏ lòng cám ơn sự vui vẻ nhiệt tình và tận tụy, chu đáo của anh hướng dẫn viên Đỗ Văn Hiện và chú lái xe Nguyễn Văn Thủy.
Về đến Hà Nội, lúc tạm biệt chia tay nhau, chúng tôi ai cũng lưu luyến, vấn vương… Trong tâm trí chúng tôi chắc ai cũng suy nghĩ sẽ làm được những điều gì đó hữu ích cho bà con, bạn bè thân thuộc và cộng đồng sau chuyến tham quan rất bổ ích và lý thú này.
Sau chuyến du lịch này tôi có ngẫu hứng làm một bài thơ lục bát: "Đường lên du lịch Hà Giang" để tặng các bạn đọc cho vui.

ĐƯỜNG LÊN DU LỊCH HÀ GIANG
                          ==@@==
Đường lên du lịch Hà Giang
Quanh co khúc khỉu băng ngàn núi sông
Bấy lâu nao nức trong lòng
Được đi một chuyến thỏa mong đợi chờ
Dù cho mệt mỏi vật vờ
Vẫn say ngắm cảnh nên thơ dâng tràn
Nhìn cao nguyên đá Đồng Văn
Nhấp nhô dựng đứng tạo thành cảnh quan
Xen lẫn ruộng lúa bậc thang
Hoa Tam giác Mạch nở tràn đồi cao
Đến vùng Lủng Cú tự hào
Lá cờ Tổ quốc phất cao biên thùy
Trải qua bão tố hiểm nguy
Cột cờ vẫn vững uy nghi sơn hà.
Truyền thống đoàn kết dân ta
Bảo vệ Tổ quốc nước nhà bình yên.
                                  =***=
                               (Thơ Nguyễn Hồng Trân)

(Long Biên, Hà Nội ngày 10 tháng 10 năm 2016.NHT)

Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

                                  TẢN MẠN VỀ CHUYẾN DU LỊCH SA PA
                               (Ký sự của Nguyễn Hồng Trân)
                                            =@@=
Vào mùa thu năm nay (Bính Thân-2016), chúng tôi có dịp đi du lịch lên vùng Sa Pa(*) để hiểu biết thêm những cảnh vật và con người ở vùng Tây Bắc nước ta. Nhất là sau khi nghe tin tại vùng này mới khánh thành vào đầu xuân năm nay một đường dây cáp treo ba dây từ Sa Pa lên Fansipan dài nhất Thế giới thuộc dãy Hoàng Liên sơn ở Việt Nam thì chúng tôi càng háo hức muốn lên đi cáp treo này cho biết và vui mừng cho sự đổi thay diện mạo du lịch của đất nước ta.
Đây là chuyến đi đầu tiên lên vùng này của vợ chồng chúng tôi. Xe của Cty DL Victoria xuất phát từ Hà Nội đưa chúng tôi cùng đoàn DL của Singapore lên Sa Pa từ 7 giờ 30 đến 13 giờ thì đến nơi. Xe chạy trên đường cao tốc trong 5 giờ rưỡi và có 2 lần dừng xe cho du khách tạm nghỉ (mỗi lần10 phút). Khi xe chạy trên đường, chúng tôi có thể ngồi, nằm duỗi chân thoải mái suốt cả dọc đường dài và xem tivi trên xe với băng video giới thiệu về các di tích văn hóa các tỉnh vùng Tây Bắc. Khi nào đói bụng muốn ăn thì ăn uống theo suất phát cho du khách lúc lên đường. Anh Trần Ngọc Hà lái xe và chị Đỗ Thị Ngọ hướng dẫn đoàn du lịch rất nhiệt tình chăm lo chu đáo cho đoàn chúng tôi.
Dọc đường dài cao tốc từ Hà Nội lên Lao Cai, xe phải chạy bon bon qua bao nhiêu làng bản, đồi núi, suối sông, cầu cống… Từ tỉnh Phú Thọ lên Yên Bái rồi đến Lào Cai, có những đoạn xe chạy, chúng tôi nhìn rõ dòng sông Hồng chảy uốn lượn vòng vèo dưới các chân đèo, chân núi. Khi xe chạy lên cuối tỉnh Yên Bái thì phải chui qua hầm núi gần cầu Đại Việt. Xe cứ tiếp tục chạy trên đường cao tốc dọc sườn núi của dãy Hoàng Liên Sơn thì nhìn thấy cảnh quan núi rừng, khe suối, mây mù trên non cao thật là hùng vĩ…
Khi đến vùng rừng núi Hoàng Liên Sơn trên địa phận tỉnh Lào Cai, xe đưa chúng tôi chui qua hầm núi gần cầu Suối Đôi rồi tiếp tục chạy mãi hết đường cao tốc đến chân vùng đồi núi Sa Pa. Từ đây lên đến Trung tâm thị trấn Sa Pa, xe đưa chúng tôi phải chạy quanh co, vòng vèo gần 40 cây số nữa mới lên tận nơi. Nhìn thấy đường có nhiều nơi gập quẹo rất hẹp, dưới là vực sâu vài chỗ không có ta-luy rào chắn nạn, chúng tôi cảm thấy lo lo không an toàn. Tuy nhiên, anh Hà lái xe vẫn bình thản chuyện trò vui vẻ và tay lái rất điêu luyện đã vượt qua hết mọi " lưỡi dao nhọn" nguy hiểm của con đường lên dốc đến Trung tâm Sa Pa.
Sau khi xe đưa chúng tôi vượt qua hết chuỗi đường dài 350 Km với nhiều đồi núi, dốc đèo hiểm trở, đến 13 giờ du khách chúng tôi đã đến khách sạn Victoria. Chúng tôi làm thủ tục nhận phòng lưu trú 3 ngày 2 đêm để đi tham quan vùng Sa Pa.
Buổi chiều ngày đầu tiên, chúng tôi đi tham quan thị trấn Sa Pa bằng xe điện và dạo chơi qua các đường phố chính nơi đây như phố Xuân Viên (trước Nhà thờ Đá ), phố Thạch Sơn,  Cầu Mây, Fansipan,  Mường Hoa (phố Tây), Nguyễn Chí Thanh, Lương Đình Của, Võ Thị Sáu… Các đường phố ở đây còn nhỏ hẹp, nhà cửa hầu hết là chỉ có  vài tầng. Đặc biệt có phố Thạch Sơn nằm sát dưới chân núi đá cao.
Sau khi dạo phố xong, chúng tôi tìm nhà hàng để ăn bữa chiều tối. Trên đường Xuân Viên có rất nhiều quán ăn như: Cơm Việt, Hương Dũng, Sa Pa quán… Người ta giới thiệu các món ẩm thực đặc sản ở Sa Pa là: món thắng cố, cuốn sủi, lẩu cá hồi, cá tầm, thịt gừng, thịt lợn cắp nách, đồ nướng, v.v…
Đặc biệt là món Thắng Cố, đây là món ăn của người dân tộc H’mông được giữ cách chế biến cổ truyền tại các phiên chợ Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa. Một chảo thắng cố bao gồm thịt và nội tạng con ngựa được ninh nhừ trên bếp than. Nguyên liệu được ướp sẵn với các thảo quả, quế chi, hoa hồi và nhiều gia vị truyền thống khác. Người ta nói rằng, ai lên Sa Pa mà không ăn món thắng cố thì xem như chưa thực sự tìm hiểu về ẩm thực phố núi. Thắng cố ăn cùng cải mèo và nước chấm pha ớt Mường Khương là hợp vị nhất.
Tôi thì muốn ăn món thắng cố thử xem, nhưng vợ tôi thì không dám ăn nên chúng tôi đành ăn món thông thường không đặc sản lắm là mì xào với rau cải mèo cùng thịt dê phố núi. Hương vị món này cũng đậm đà ngon miệng.
Sáng ngày hôm sau, chúng tôi đi tham quan vùng cáp treo lên núi Fansipan. Phan Xi Păng, hay Phan Si Phăng là ngọn núi cao nhất Việt Nam, cũng là cao nhất trong ba nước Đông Dương nên được mệnh danh là "Nóc nhà Đông Dương" (3.143 m) thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sa Pa khoảng 9 km về phía tây nam, nằm giáp hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu thuộc vùng Tây bắc Việt Nam. Theo tiếng địa phương, núi tên là "Hủa Xi Pan" và có nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh.
Đường cáp treo Fasipan này bắt đầu khởi công xây dựng vào tháng 11 năm 2013 và hoàn thành các hạng mục cơ bản vào tháng 2 năm 2016, do tập đoàn Sun Group đầu tư và thực hiện với sự tư vấn, thiết kế của hãng cáp treo số 1 thế giới Doppelmayr Garaventa. Cáp treo Fansipan Sa Pa đã hiện thực hóa ước mơ chiêm ngưỡng “nóc nhà Đông Dương” cho tất cả mọi người, đồng thời khẳng định ý chí và bản lĩnh Việt Nam trong việc kiến tạo nên những công trình mang tầm vóc và đẳng cấp quốc tế. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của tổ hợp dự án là 4.400 tỷ đồng. Ngoài tuyến cáp chính, các hạng mục kiến trúc như nhà ga đi, nhà ga đến, nhà hàng, quầy lưu niệm… đều được thiết kế kỳ công. Nhà ga đi - ga Sa Pa do kiến trúc sư Bill Bensley - một trong những kiến trúc sư hàng đầu thế giới - thực hiện. 
Ngày 2 tháng 2 năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai và Tập đoàn  Sun Group đã khánh thành tuyến cáp treo ba dây hiện đại nhất thế giới, lần đầu tiên có mặt tại châu Á. Tại lễ khai trương, đại diện Kỷ lục Thế giới - Guinness World Record đã trao chứng nhận 2 kỷ lục Guinness cho cáp treo Fansipan Sa Pa là:
1.Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới: 1.410 mét
2.Cáp treo ba dây dài nhất thế giới: 6.325 mét.
“Dự án cáp treo Fansipan không chỉ góp phần giúp Lào Cai và Fansipan trở thành điểm du lịch dành cho tất cả mọi người,  mà còn giúp tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nói riêng và của cả vùng Tây Bắc nói chung, nơi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ”, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại lễ khai trương.(Theo nhà báo Phi Sơn trên báo Lào Cai ngày 2-2-2016). 
Tại buổi lễ khánh thành cáp treo này, ông Đặng Minh Trường, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sun Group đã nói:
“Với tất cả những thử thách đã trải qua để có được ngày khai trương hôm nay, cáp treo Fansipan Sa Pa đã trở thành công trình tự hào, là sự vượt lên chính mình của Sun Group. Với tôn chỉ phát triển bền vững và hài hòa lợi ích cộng đồng, Sun Group cam kết sẽ nỗ lực hết mình để cùng chính quyền và nhân dân địa phương đưa du lịch Lào Cai lên một tầm cao mới…”
Chúng tôi thuê xe Taxi của Công ty PhanXiPang do anh Nguyễn Đức Hải lái xe đưa đến cổng vào cáp treo Fansipan. Đến đây đã thấy từng đoàn người kéo nhau đến chụp ảnh bên cột đồng hồ lớn trước lối vào đường dẫn tới cáp treo có bồn cây tùng và biểu tượng tháp nhọn núi Fansipan, phía trước đắp nổi dòng chữ lớn: FANSIPANLEGEND INDOCHANA SUMMIT(Huyền thoại Phanxipang-nóc nhà Đông Dương).Chúng tôi cũng chụp ảnh kỷ niệm tại đây rồi vào xếp hàng mua vé đi cáp treo lên núi Fansipan. Giá vé 600 ngàn đồng mỗi người cả đi về. Mua vé xong là đi vào thang máy cuốn xuống phía dưới theo ba đoạn mới đến chỗ xếp hàng vào cabin của cáp treo tại thung lũng Mường Hoa đi lên Fansipan. Mỗi cabin chở 30-35 người cứ xoay vòng liên tục chở người đi lên núi và xuống núi. Mỗi lần cáp treo đi lên và xuống khoảng 30-40 phút. Và với vận tốc ca bin đạt 8m/s và công suất vận chuyển tối đa 2.000 lượt khách trong một giờ.
Ngồi trong cabin cáp treo đi lên núi cũng như xuống núi rất nhẹ nhàng êm ái. Ai cũng vui thú nhìn cảnh rừng cây, suối khe, thung lũng... trải dài ở phía dưới đường cáp treo. Khi cabin chở du khách lên đến nơi và tự động mở cửa cho họ bước ra rồi vào nơi tạm dừng chân để chuẩn bị leo bộ lên đỉnh núi Fansipan với 639 bậc. Hầu hết lớp trẻ có sức khỏe đến đây đều hăng hái đi lên tận đỉnh núi. Còn những người già, sức yếu thì không dám liều đi lên.
Tại trạm cáp treo trên núi có các gian hàng bán các đồ dùng và vật lưu niệm, có Restoran phục vụ ăn uống, giải khát cho du khách. Nhưng nói chung, nội dung gian hàng chưa phong phú. Mặt khác, vùng núi phía trên không có gì cho du khách tham quan cả mà chỉ có ngắm sương mù buổi sáng và nhìn mây trời lãng đãng bay. Nghe nói rằng, có dự án tiếp theo là sẽ xây dựng một số đền, chùa để phục vụ ý nguyện về tâm linh cho du khách đến tham quan. Được như thế thì hay quá, nhưng chắc sẽ tốn kém rất nhiều tiền của đấy. Nhưng tốn tiền mà đáng tốn và có lợi là phải tốn thôi.
Buổi chiều, cúng tôi thuê xe taxi đi tham quan một vài bản mường dân tộc ở vùng Sa Pa. Anh Vi Văn Thành lái xe đưa chúng tôi vào bản Lao Chải và bản Tả Van. Đường đến hai bản này cũng rất quanh co khúc khỉu và nhiều ổ gà, ổ chó kéo dài gần 10 Km. Chúng tôi rất lo, nhưng anh Thành cứ lái chạy vùn vụt rất tự tin. Tôi nói với anh chạy xe chầm chậm thôi. Anh cười vui vẻ và nói rằng, hai bác yên tâm, con lái xe đường này mỗi ngày phục vụ du khách 5, 6 chuyến nên đã thuộc lòng đường rồi.
Trên dọc đường đi tham quan vùng thôn bản này, tất cả các xe đi qua phải mua vé mỗi người 75.000 đồng. Du khách tự đi vào bản tham quan, chẳng có người hướng dẫn, ngoài anh lái xe. Thế mà bán vé giá như thế là quá đắt. Theo tôi vé chỉ 50.000đ là được. Chúng tôi đi sâu vào tham quan bản Lao Chải. Bản này, dân bản là người H'Mông. Họ đang gặt lúa vụ hè thu trên những thửa ruộng bậc thang vòng cung xếp thành nhiều tầng lên tận đồi núi cao trông rất đẹp như những bức tranh thiên nhiên ở miền sơn cước thân yêu. Chúng tôi dừng lại vài chỗ để chụp ảnh lưu niệm với những cảnh vật này.Dọc đường vào bản, chúng tôi nhìn thấy rải rác từng nhóm người nước ngoài (phần lớn là người Âu, Mỹ) đi lang thang khắp nơi để tìm hiểu, khám phá những điều lạ lẫm mà họ chưa từng biết ở đất nước VN.
 Sau đó, xe anh Thành đưa đến bản Tả Van. Đến đây, chúng tôi vào xem một bảo tàng dân tộc của tư nhân bên dòng suối Đá có chiếc Cầu Mây treo qua suối. Bảo tàng dân tộc này chỉ trưng bày vài bộ y phục dân tộc Ráy, H'Mông và một số dụng cụ làm ăn sinh sống của dân bản. Chúng tôi tranh thủ chụp mấy bức ảnh ở vùng này rồi chuẩn bị quay về Sa Pa.
Lúc về đến Sa Pa, chúng tôi ghé vào chợ Trung tâm để xem hàng hóa vùng này. Trong chợ này trưng bày nhiều hàng hóa vùng Tây Bắc như các loại vải vóc, quần áo, đồ dùng thổ cẩm; các loại thảo dược miền núi, các loại mứt trái quả như táo, mận, đào… Chúng tôi mua một số đồ vật và thực phẩm về làm quà cho người thân.  Sau đó, chúng tôi đến nhà hàng Hương Dũng ở số 6 phố Xuân Viên để dùng bữa cơm tối. Nơi đây, nhà hàng sẵn sàng phục vụ du khách nhiều món ăn như các loại lẩu, xào, chiên, rang…
Sáng ngày cuối cùng ở Sa Pa, chúng tôi đi dạo chơi quanh hồ Sa Pa ở trung tâm thị trấn và trước sân nhà thờ đạo(có tên từ xưa là Nhà Thờ Đá). Tại đây, chúng tôi rất vui khi gặp lại mấy người thân quen ở Huế ra tham quan Sa Pa. Đồng thời, tôi cũng gặp nhiều du khách nước ngoài ngồi chơi ngắm cảnh và chuyện trò với nhau rất vui vẻ. Đồng thời cũng gặp mấy người dân tộc nói chuyện về phong tục của họ cũng thích thú. Đặc biệt làm chúng tôi rất ngạc nhiên nhất là thấy mấy cô dân tộc H'Mông dẫn đoàn người nước ngoài vừa đi vừa nói tiếng Anh, tiếng Pháp ào ào. Ôi, thật nể phục họ quá! Không biết họ học thế nào? học ở đâu mà nói được lưu loát như thế? Vợ chồng chúng tôi cũng đã học tiếng Anh(không chuyên) có trường lớp hẳn hoi mà cũng không thể nói được ào ào như vậy.
Nghe mấy anh lái xe du lịch nói rằng, mấy cô dân tộc nói tiếng Anh, tiếng Pháp như gió là vì họ tiếp xúc nhiều với người nước ngoài, có một vài người nước ngoài lưu trú vài ngày trong nhà họ và họ chịu khó học nói, kiểu nói bồi những câu đơn giản, chứ họ không biết viết thành văn. Nhưng cũng có nhà báo nói rằng, có Linh mục nhà thờ mời du khách Âu, Mỹ dạy tiếng Anh cho một số người dân tộc ở Sa Pa để họ có thể giúp du khách đến tham quan Sa Pa.
Đến buổi chiều hôm cuối cùng, chúng tôi tạm biệt khách sạn Victoria lên xe du lịch về Hà Nội lúc 14 giờ 30. Chúng tôi rất cám ơn khách sạn Victoria đã quan tâm giúp đỡ chúng tôi hoàn thành tốt chuyến tham quan Sa Pa vừa rồi. Chúc cho khách sạn Victoria giữ vững được truyền thống tốt đẹp của một khách sạn có từ thời Pháp với 20 năm tuổi đời và được nhiều người tin cậy.
Chuyến du lịch tham quan Sa Pa lần này, chúng tôi cảm thấy ấn tượng nhất là được đi cáp treo lên núi Fansipan. Đây là niềm mơ ước từ lâu của chúng tôi cũng như nhiều người khác trong thời kỳ còn trẻ trung. Lúc chưa có cáp treo, có một số bạn trẻ đã can đảm vượt núi rừng qua 2, 3 ngày để leo lên tận đỉnh Fansipan. Trong số đó có con rể của chúng tôi là Vũ Anh Tuấn. Giờ đây có đường cáp treo đã tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn cho du khách lên Fansipan chỉ sau 15-20 phút là đến nơi.
Theo nguồn báo chí cho biết, từ đầu năm đến nay, nơi đây đã đón hơn 610.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đến từ 70 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới, tăng trưởng doanh thu du lịch từ 35-40% một năm. Theo dự tính của Nhà nước, với dự án cáp treo lên Fansipan thì đến năm 2017, Sa Pa sẽ đón khoảng 2 triệu lượt khách một năm và đến 2020, con số này tăng lên 3 triệu lượt khách. Như vậy, triển vọng sẽ thu hồi vốn được nhanh chóng hơn và nhất định trong tương lai không xa lắm, ngành du lịch VN sẽ có tăng trưởng đáng kể nhờ công trình cáp treo Fansipan này./.
        CÁP TREO FANSIPAN DIỆU KỲ
                           =@=
Núi cao chót vót ẩn trong mây
Mạo hiểm du chơi cũng mấy ngày
Thung lũng, non cao sương phủ kín
Suối khe, thác đổ nước tràn đầy
Ca bin lơ lững chuyền yên ắng
Du khách rung mình thấy ngất ngây
Mong ước bao đời nay hiện thực
Sa Pa tuyến cáp đến bồng lai…
       Nguyễn Hồng Trân
           (Thị trấn Sa Pa đêm 17/9/2016)
Chú thích: (*)Sa Pa- ngày xưa người dân tộc gọi là Sa Pả nghĩa là bãi cát.Sa Pa ở đô cao 1600 mét(so với mực nước biển).  Mùa đông năm 1903, trong khi tiến hành đo đạc xây dựng bản đồ, đoàn thám hiểm của Sở địa lý Đông Dương đã khám phá ra cảnh quan mặt bằng Lồ Suối Tủng và bản Sa Pả. Sự kiện này đánh dấu việc ra đời của thị trấn Sa Pa sau này.
Năm 1905, người Pháp đã thu thập được những thông tin đầu tiên về địa lý, khí hậu, thảm thực vật... Sa Pa bắt đầu được biết tới với không khí mát mẻ, trong lành và cảnh quan đẹp. Năm 1909, một khu điều dưỡng được xây dựng. Năm 1917, một văn phòng du lịch được thành lập ở Sa Pa và một năm sau, người Pháp bắt đầu xây dựng những biệt thự đầu tiên. Năm 1920, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai hoàn thành, Sa Pa được xem như thủ đô mùa hè của Bắc Kỳ. Ngày xưa người Pháp đã xây dựng ở Sa Pa gần 300 biệt thự.
                         Hà Nội ngày 20-9-2016
                              Nguyễn Hồng Trân