Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016


              CHUYẾN ĐI THĂM KHU TƯỞNG NIỆM
                         VƯƠNG TRIỀU MẠC
                                        (Nguyễn Hồng Trân)
                                                 ==00==
Nhớ đến những chuyện kể ngày xưa thời phong kiến Việt Nam, vua quan có lúc sát phạt lẫn nhau dẫn đến thay triều, đổi tộc, làm cho dân chúng bất an, họ hàng lo sợ… Điển hình nhất là chuyện Mạc Đăng Dung, trước tình thế suy yếu, mâu thuẫn nội bộ triều Lê, ông đã ép vua Lê Cung Hoàng (tức Lê Xuân hay Lê Lự) nhườg ngôi rồi dựng lên triều Mạc năm 1527. Về sau, qua năm đời vua của con cháu họ Mạc thì bị các thế lực phò Lê, chống đối trả thù đã làm tan tác triều Mạc. Những người mang họ Mạc phải chạy trốn khắp nơi đành phải đổi sang họ khác để được an thân khỏi bị sát hại. Trong đó có họ hàng những người thân chúng tôi. Do đó, chúng tôi cũng muốn đến tận nơi vùng quê hương gốc tích nhà Mạc để viếng thăm đền thờ VƯƠNG TRIỀU MẠC cho biết thêm ngọn ngành một di tích lịch sử.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư và Từ điển các nhân vật lịch sử Việt Nam cũng như gia phả họ Mạc đã ghi lại rằng, Mạc Đăng Dung người làng Cổ Trai, có tài làm nghề chài lưới; có sức mạnh hơn người. Vào năm Bính Tý 1516 đã thi đấu võ đỗ đệ nhất Đô lực sĩ. Ông là cháu 7 đời của Trạng nguyên lưỡng quốc Mạc Đĩnh Chi. Mạc Đăng Dung được vua Lê Chiêu tông trọng dụng cho làm chức Thái sư, tước Nhân Quốc Công rồi đến tước An Hưng vương.
Mạc Đăng Dung là người có chí khí và tài nghệ thao lược đã giúp nhà vua nhiều việc nên vua Lê Chiêu Tông đã tin yêu phong cho làm Phò mã, gã con gái Lê Thị  Ngọc Minh. Nhưng về sau thì triều Lê rối loạn, quan lại cận thần xung đột nhau. Trước tình thế bất an đó, Mạc Đăng Dung ép vua Lê Cung Hoàng viết giấy nhường  ngôi để lập nên nhà Mạc vào năm Đinh Hợi 1527. Ông lên làm vua được 3 năm và ổn định được triều chính thì đến năm Canh Dần 1530 giao lại cho con cả là Thái tử Mạc Đăng Doanh lên ngôi vua. Đăng Doanh tôn cha làm Thái Thượng hoàng, tôn bà nội Đặng Thị Hiếu làm Thái hoàng Thái hậu. Sau đó, Thái Thượng hoàng cùng gia đình trở về quê hương Cổ Trai yên thân nghỉ dưỡng và cũng để tránh tiếng thiên hạ chê bai là kẻ phản vua lộng quyền…

Qua mấy đời vua nhà Mạc trị vì: Mạc Đăng Dung(1527-1530), Mạc Đăng Doanh(1530-1540), Mạc Phúc Hải(1541-1546), Mạc Phúc Nguyên (1546-1564), Mạc Mậu Hợp(1564- ?)… Sau đó, các phần tử phò Lê đứng lên diệt Mạc. Triều Mạc tan rã, chạy trốn lên miền núi và sang nước ngoài. Nhiều người họ Mạc lo sợ truy bức nên phải đổi sang các họ khác như họ Thái, họ Hoàng, họ Phan, họ Vũ, họ Nguyễn, họ Phạm,v.v…

Một số bà con nội ngoại chúng tôi là những hậu duệ xa xôi của gốc họ Mạc nên cũng rủ nhau về thăm khu tưởng niệm VƯƠNG TRIỀU MẠC ở làng Cổ Trai cho biết. Nơi đây ngôi đền đã được tôn tạo lên thành khu tưởng niệm Vương Triều Mạc vào năm 2010 trông rất khang trang, uy linh trên một vùng đất rộng lớn. Ngôi đền thờ chính có hai căn nhà rộng. Căn trước là Tiền đường-Thái miếu để đặt các án thờ chung các vị tiên tổ Mạc Đăng Dung. Ở gian này có treo một cái chuông đồng lớn có hoa văn tinh xảo; có dựng một cái bình rất lớn sành sứ có hoa văn, hình ảnh đền chùa cổ ở quê và một cặp câu đối Việt ngữ để ghi nhớ và tự hào vị tiền bối Mạc Đĩnh Chi- lưỡng quốc Trạng nguyên.

"LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN DANH BẤT HỦ
TAM HIỀN(1) LŨNG ĐỘNG(2) PHÚC TRƯỜNG LƯU"
(Trạng Nguyên hai nước tên còn mãi/ Lũng Động ba hiền phúc bền lâu)
Chú thích:
(1)-Lũng Động (hay Long Động) là quê hương xứ sở của Mạc Đĩnh Chi.
(2)-Tam hiền là ba phẩm hạnh cao quý của con người trí thức. Đó là: 1.hiền lương, 2.hiền sĩ, 3.hiền tài (tức là: 1.hiền lành, lương thiện; 2.người tri thức có đức hạnh; 3.có đủ tài năng, đạo đức).

Căn nhà sau là Hậu chẩm- Long đình là nơi đặt các bàn thờ có tượng đồng mạ vàng toàn thân y phục Hoàng đế các đời vua triều Mạc. Bàn thờ chính giữa là vua Mạc Đăng Dung, hai bên tả hữu là các bàn thờ của các vua con cháu Mạc Đăng Dung. Đặc biệt ở gian này có để nằm một thanh Đại đao lớn với trọng lượng gần 30 cân từ thời xa xưa ẩn tích dưới lòng đất qua gần 500 năm mới được tìm ra và đưa về bảo tồn lưu niệm.                                                                                                                   
Sau khi xem xong đền thờ chính, chúng tôi sang xem vườn đá bên cạnh. Vườn đá này cũng mới tạo lên trong năm 2010. Trong vườn có trồng một số loài hoa với sắc màu dễ chịu và đặt những tảng đá, phiến đá với dáng hình khác nhau và có khắc những bài thơ, câu danh ngôn, tục ngữ Việt để gợi lại cho người xem thêm ấn tượng mà hình dung và suy ngẫm…

Qua chuyến viếng thăm đền thờ nhà Mạc, chúng tôi đã hiểu thêm rằng, tuy nhà Mạc mang tiếng cướp quyền vua Lê, nhưng về sau lên ngôi, vua nhà Mạc vẫn duy trì các sách lược chính trị như nhà Lê để xã hội nội quốc yên ổn, chỉ có một vài chỉnh đốn cần thiết về đối nội, đối ngoại cho phù hợp với tình thế của thời đại mà thôi.
Chúng tôi hy vọng rằng sau này vùng di tích đền thờ vương triều Mạc ở Kiến Thụy sẽ được tôn tạo và hoàn thiện hơn nữa để cho du khách đến tham quan cảm nhận ấn tượng hơn. Thực tế bây giờ còn đơn sơ giản dị quá, chưa xứng tầm với một di tích đền thờ diện quốc gia về VƯƠNG TRIỀU MẠC.      





Thứ Ba, 8 tháng 3, 2016


NƯỚC MẮT NGƯỜI MẸ
==00==
(Nguyễn Hồng Trân)
Những người mẹ Việt Nam ta rất giàu nước mắt. Khi đau thương hay quá vui mừng xúc động đều tuôn trào nước mắt. Những sự đời thực tế về những tấm gương các bà cụ, các mẹ, các chị em phụ nữ ở nước ta đã được sách báo, đài truyền thanh, truyền hình đã nói nhiều. Ở đây, tôi chỉ xin nêu ngắn gọn một vài trường hợp tuôn trào nước mắt của mẹ tôi, bà nội tôi trước đây mà tôi đã chứng kiến để quý vị cùng chia sẻ cùng gia đình chúng tôi nhân dịp kỷ niệm: NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM 8-3.
*BÀ NỘI TÔI:
-Thời kháng chiến chống giặc Pháp, ông nội tôi ở xa, bà gian nan vất vả, nuôi con đau ốm, bệnh tật trên vùng đồi núi tản cư ở quê hương Phú Long,Quảng Trị. Giặc càn, đốt cháy nhà cả xóm, bà nghẹn ngào, tuôn trào nước mắt…
-Năm sau vào hè 1948, giặc lại càn, ông nội tôi mới về thăm quê nhà đã bị giặc bắt, trói tay kéo đi, bà bàng hoàng xót thương, tuôn trào nước mắt…
-Nghe tin người cháu (gọi bằng mợ) Trần Tuân (cán bộ văn hóa tuyên truyền xã) lọt vào đêm giặc phục kích bắt đi rồi bị chặt đầu cắm cọc bên đường đến chợ Diên Sanh. Bà quá đau đớn, căm hờn lũ giặc; bà cắn chặt răng, tuôn trào nước mắt…
-Lúc ông nội tôi được ra tù khỏi tay giặc cũng như khi hòa bình đình chiến năm 1954, bà tôi vui mừng xúc động, lại tuôn trào nước mắt…
*MẸ TÔI:

-Ba tôi tham gia bộ đội địa phương, bị bệnh sốt cấp tính rồi qua đời khi còn trẻ mới 34 tuổi. Mẹ tôi vô cùng đau thương, tuôn trào nước mắt…
-Em trai ruột của tôi Nguyễn Văn Triền mới 18 tuổi đã bị bệnh đột tử, mẹ tôi vô cùng đau thương, tuôn trào nước mắt…
-Em gái tôi Nguyễn Thị Kha đang có bầu, bị giặc Mỹ bắt đưa lên tàu bay trực thăng chở đi mất. Mệ tôi hốt hoảng,tuôn trào nước mắt rồi ngất đi…
-Khi nghe Phan Văn Trà (Bí thư xã Hải Quy, con rể mẹ tôi, chồng em gái tôi) bị giặc Mỹ bắn chết rồi chúng kéo lên thị xã vất ra ngoài đường để đe dọa dân chúng không tham gia Việt cộng. Mẹ tôi thấy cảnh đó càng căm thù lũ giặc dã man, càng đau xót thương đứa con rể tuổi còn thanh niên, chưa kịp nhìn rõ mặt đứa con trai đầu lòng mà đã hy sinh. Mẹ tôi than vãn, kêu gào, tuôn trào nước mắt…

-Sau khi hòa bình thống nhất đất nước Việt Nam năm 1975, tôi từ miền Bắc trở về quê hương gặp lại mẹ sau mấy chục năm xa cách nhớ thương. Mẹ tôi mừng mừng, tủi tủi, tuôn trào nước mắt… nhưng miệng cười tươi vui và mắt sáng lên niềm hy vọng về tương lai cuộc sống được an lành.