Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2016


                     VỀ THĂM LẠI HẢI PHÒNG,NHỚ MÃI KỶ NIỆM  XƯA
                                                               ==00==
Đối với tôi(nhà giáo Nguyễn Hồng Trân) và vợ tôi(BS. Thái Lê Phương) thì Hải Phòng là nơi có những kỷ niệm khó quên của một thời tuổi trẻ. Vợ tôi đã học trường học sinh Miền Nam ở đây trong mấy năm liền, còn tôi thì ngày xưa, hầu như hằng năm đều từ Hà Nội về Hải Phòng thăm bà con, bạn bè quen thân… Cũng có nhiều lần đưa sinh viên đi thực tập tại thành phố cảng công nghiệp này, như các nhà máy sản xuất xi măng, thủy tinh, ắc quy, đồ hộp, v.v…

Những địa danh, đường phố Hồng Bàng, Lê Lợi, dòng sông Cấm, bến phà Bính, bến cảng, nhà ga, chợ Sắt, cầu Thượng Lý, vườn hoa Loa Kèn, hiệu sách,… đều trở nên thân quen với chúng tôi. Nhất là quảng trường Nhà hát lớn Hải Phòng là nơi những người miền Nam thường đến đây trong những ngày thứ Bảy, Chủ nhật để gặp nhau chuyện trò, giao lưu cho đỡ nhớ quê nhà ở tận bên kia miền giới tuyến cầu Hiền Lương, Quảng Trị.
Tôi còn nhớ rõ hồi đó ở Hải Phòng tôi có một số người bà con nội ngoại như gia đình cậu mợ Lê Thanh Kỷ, Trần Thị Lan, gia đình chú Nguyễn Điển, anh Phan Thanh Biên Thùy, cô Phan Thị Phò, Phan Phỏng… và nhiều bạn bè quen thân như: Nguyễn Thị Lệ Minh, Nguyễn Thị Sương, Nguyễn Xuân Ninh, Nguyễn Thị Xuân Vin, Nguyễn văn Lân, Trần Thanh Hùng… Nhất là anh Hùng đàn ghi-ta rất hay. Anh thường rủ tôi và một số bạn trẻ nam nữ thuê đò dạo chơi trên dòng sông Cấm trong những đêm trăng mùa hạ để cùng hát với nhau những bài tình ca lãng mạn như những bài: Nụ cười Sơn Cước của Tô Hải, Thiên Thai của Văn Cao, Ai về sông Tương của Thông Đạt, Sơn nữ ca của Trần Hoàn, Tình ca của Hoàng Việt… và cũng hát thêm những bài ca ngoại quốc như: Đôi bờ, Nỗi buồn của Shopin, Nhạc chiều của Sube…
Có rất nhiều kỷ niệm thân thương một thời tuổi trẻ tại Hải Phòng làm sao kể hết được!...
Nguyễn Hồng Trân xin cám ơn các bạn vào xem bài này và chia sẻ…

                    Hà Nội, tháng 5, năm 2016.







Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016


TẢN MẠN VỀ CHUYẾN THAM QUAN
CHIẾN TRƯỜNG XƯA -ĐIỆN BIÊN PHỦ.
                                            ==00==
                              (Bút ký của Nguyễn Hồng Trân)
Nhiều người trong nước và nước ngoài đã nghe về cái tên Điên Biên Phủ [ĐBP]-một chiến tích lịch sử oai hùng của quân và dân ta đã chiến thắng vẻ vang quân xâm lược Pháp vào ngày 7-5-1954.
Chúng tôi cũng rất mong có dịp đến Điện Biên để tham quan vùng chiến trường xưa này, nơi đã ghi dấu chiến dịch 56 ngày đêm "Khoét núi ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt" để làm nên chiến thắng ĐBP "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu"; để cảm nhận được chiến công hiển hách của một thời lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

Đây là lần đầu tiên cả gia đình con cháu chúng tôi lên tham quan miền Điện Biên lịch sử này trong 3 ngày. Chúng tôi bay từ Hà Nội lên đến Điện Biên trong một giờ và nghỉ lại tại khách sạn 4 sao Mường Thanh vào ngày 19-4-2016. Sau đó hàng ngày có xe dịch vụ du lịch đưa chúng tôi đi tham quan những điểm di tích lịch sử tiêu biểu của ĐBP như: Khu tượng đài chiến thắng ĐBP ở Đồi D1;Khu chiến địa ác liệt ở Đồi A1; Khu căn cứ điểm Tập đoàn chỉ huy quân Pháp tại ĐBP, có hầm chỉ huy của tướng Pháp Đờ Cát (De Castries); Sở Chỉ huy chiến dịch ĐBP của quân ta;Nhà Bảo tàng Chiến dịch Điện Biên; khu du lịch sinh thái vùng hồ Pá Khoang…
Buổi đầu tiên chúng tôi đến tham quan khu Tượng đài Chiến thắng trên đồi D1. Đây là một cứ điểm cao nhất của dãy đồi phía Đông Điện Biên, quân địch thuộc Tiểu đoàn 9, Trung đoàn 3 đóng giữ. Vào lúc 17 giờ, ngày 30-3-1954, quân ta được pháo binh yểm trợ, 2 tiểu đoàn 166 và 154 (Trung đoàn 209, Đại đoàn 312) đã tấn công chiếm được đồi D1 này. Sau đó Tiểu đoàn 154 lo chốt giữ vị trí để tạo thế tấn công của quân ta tiến đánh vào Trung tâm Tập đoàn Căn cứ địa của giặc. Giờ đây, trên đỉnh đồi này được dựng một tượng đài cao với hình tượng quân ta phất cờ chiến thắng.
Tiếp đó, chúng tôi đến tham quan căn hầm chỉ huy của Tập đoàn cứ điểm của giặc ở ĐBP. Đặc biệt khi đến xem căn hầm chỉ huy sở của tướng Pháp Đờ Cát, chúng tôi rất ấn tượng với sự tích nơi này là ngày kết thúc chiến dịch ĐBP, tổ anh Tạ Quốc Luật đã đến phất cao ngọn cờ chiến thắng của quân ta trên nóc hầm Tập đoàn chỉ huy của giặc. Ngoài ra, tôi còn nhớ có chuyện vào ngày 22-5-1954, làm lễ thành hôn cậu tôi là tướng Cao Văn Khánh(quê Thừa Thiên-Huế), nguyên Đại đoàn phó Đại đoàn chủ lực 308 tham gia chiến dịch ĐBP) cùng với mợ tôi là Nguyễn Ngọc Toản (nữ quân y sĩ của chiến dịch)  trong căn hầm này sau nửa tháng, ngày mà ĐBP hoàn toàn được giải phóng. Sau này cậu tôi kể với tôi rằng: " Cậu mợ yêu nhau trước khi vào chiến dịch ĐBP, nhưng vì chiến tranh đang tiếp diễn ác liệt nên cậu mợ chưa nghĩ đến chuyện cưới nhau, nhưng sau ngày quân ta toàn thắng ĐBP, ông Vương Thừa Vũ(Chính ủy, Đại đoàn trưởng Đại đoàn chủ lực 308) khuyên cậu mợ nên tổ chức thành hôn sau ngày thắng lợi lớn này của dân tộc là rất hay, rất có ý nghĩa… Vì thế nên cậu mợ đã trở thành vợ chồng trong một thời thế đặc biệt như vậy. Thật là một kỷ niệm nhớ mãi trong cuộc đời quân ngũ của cậu mợ…".
Sáng ngày hôm sau, chúng tôi đến tham quan vùng đồi A1. Đồi này là một căn cứ quan trọng bậc nhất trong 5 quả đồi phòng tuyến phía Đông của quân giặc để bảo vệ khu Trung tâm Tập đoàn cứ điểm Mường Thanh. Nơi đây quân địch bố trí nhiều binh lực, hỏa lực rất mạnh và công sự trận địa kiên cố. Trận tấn công đồi A1 là trận diễn ra ác liệt nhất. Qua 39 ngày đêm chiến đấu liên tục, quân ta đã đánh bại được 30 đợt phản công của địch. Hầm Chỉ huy kiên cố nhất của cứ điểm A1 của quân giặc bị các Đại đội 315 và 317(Tiểu đoàn 249, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316) của ta đã chiếm được vào đêm 6-5-1954.
Đến các địa điểm nào thuộc di tích các trận chiến năm xưa của chiến dịch Điện Biên, chúng tôi cũng cảm thấy rất xúc động khi hình dung lại những cảnh tượng ác liệt của chiến trường giữa quân ta và địch; bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh trên mặt trận này, nhất là những cuộc giao tranh ở đồi A1, đồi D1…
Những di tích lịch sử tại ĐBP đã để lại cho chúng tôi cũng như những du khách trong nước và ngoại quốc nhiều ấn tượng sâu sắc, động lòng xúc cảm. Nhất là chiến tích ở vùng đồi A1. Nơi đây quân Pháp xây đắp các đồn bốt kiên cố, có 5 lớp hàng rào giây thép gai và các bãi mìn xen kẽ để bảo vệ; có hầm hào giao thông từ thấp lên cao và có trang bị vũ khí trung liên, đại liên, súng cối… để đánh lùi quân ta từ dưới chân đồi lên dần. Do đó, quân ta nhiều lần đánh đồi A1 vẫn không thành công, bị hy sinh quân lính rất nhiều. Sau đó, Bộ Chỉ huy chiến dịch ĐBP đã bàn mưu kế đánh thắng cho được đồi A1-một cứ điểm quan trọng của quân giặc nhằm tạo khí thế chiến đấu cho quân ta, đồng thời làm hoang mang tinh thần quân giặc. Mật kế đó là việc đào hầm ngầm sâu dưới đồi A1 dẫn đến trụ sở chỉ huy của giặc ở sát đỉnh đồi này. Sau đó, quân ta cho một khối lượng bộc phá lớn (960 kg) đánh nổ tung sở chỉ huy của giặc trên đồi, tiếp đó quân ta đã ào ạt xung phong lên chiếm lĩnh được đồi A1. Trận đánh thắng quân giặc ở đồi A1 này đã làm cho quân địch vô cùng hoảng hồn, lo sợ cho số phận các cứ điểm khác trong vùng Điện Biên.

Ngày hôm sau, chúng tôi đến thăm vùng núi đồi Mường Phăng là bản địa Sở chỉ huy chiến dịch ĐBP của quân ta. Tại đây có các lán trại của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thiếu tướng Hoàng Văn Thái. Các lán trại này sát bên vách núi và có căn hầm chiến lược dài 62 mét, vừa là nơi trú ẩn, vừa là nơi làm việc an toàn. Gần đó có lán làm việc của các cố vấn quân sự TQ như Vi Quốc Thanh, Trần Canh… Ngoài ra, trong vùng rừng núi này có thêm các lán trạm công vụ khác nữa.
Để cho du khách đi lên tham quan khu Sở Chỉ huy này, người ta đã tạo ra một con đường nhỏ có rải đá qua các đèo dốc, và các chiếc cầu bé bắc qua dòng suối nhỏ. Dọc đường này, chúng tôi thấy có nhiều em bé dân tộc đứng dọc đường chào khách du lịch: "cháu chào ông, chào bà; chào cô, chào bác…". Các em bé chỉ chào thôi chứ không chìa tay xin tiền hay xin quà như một số nơi du lịch khác. Nếu du khách có cho cây bút hay quyển sổ thì các em bé vui vẻ và nói lời cảm ơn.
Đến thăm Nhà Bảo tàng chiến thắng ĐBP, chúng tôi càng biết thêm được nhiều sự tích về tinh thần vượt gian khó, kiên cường, quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi cuối cùng của quân và dân ta. Như chuyện kéo pháo vào, kéo pháo ra, rồi kéo pháo vào; bí mật đào hào ngầm lên đồi A1 và chiến đấu hy sinh anh dũng mấy chục đêm ngày; chuyện hàng chục nghìn đồng bào các tỉnh Nghệ An,Thanh Hóa, Ninh Bình, và các tỉnh vùng Tây Bắc… đã đi dân công vận tải lương thực, vật dụng phục vụ cho chiến dịch ĐBP cũng bị hy sinh khá nhiều.
Nhà Bảo tàng chiến dịch ĐBP này có hai tầng với kiểu dáng hình tròn, trông rất khang trang, hoành tráng. Nhưng rất tiếc là nội dung trưng bày trong Bảo tàng này vẫn chưa phong phú lắm, cần sưu tầm thêm những hiện vật đặc trưng nhiều hơn nữa; cần có một sa bàn mô hình sinh động tổng hợp; có máy chứa các bài ghi âm hay phim tài liệu(có chọn lọc chất lượng) liên quan đến chiến thắng ĐBP… để phục vụ có hiệu quả cho du khách muốn tìm hiểu về chiến thắng ĐBP.
Trong chuyến du lịch Điện Biên lần này, chúng tôi có dịp đến tham quan khu sinh thái vùng hồ Pá Khoang. Chúng tôi đi thuyền máy dọc lòng hồ và lướt qua nhiều hòn đảo, luồn qua dưới mấy cầu treo vững chắc rồi đến đảo hoa anh đào. Loài hoa này do công ty du lịch Nhật Bản hợp tác trồng từ năm trước. Vùng hồ này rất rộng với diện tích mặt nước toàn hồ là 620 hécta. Đây là hồ nhân tạo do người ta chắn các con sông, con suối làm dâng nước để chạy nhà máy thủy điện cung cấp điện năng cho cả tỉnh Điên Biên.
Ngoài các điểm tham quan du lịch trên, ban đêm chúng tôi đến xem khu Resort Him Lam ở gần trung tâm thành phố. Tại đây có một khu nhà sàn bằng gỗ lim lớn nhất Việt Nam. Khu nhà sàn này xây dựng với dáng dấp kiểu cách mang tính dân tộc, nhưng trông rất sang trọng và rất đẹp. Tại đây có nhiều nhà nghỉ, có công viên vui chơi, có hồ nước với các chiếc cầu xinh xắn, ban đêm những dãy đèn trên cầu tỏa ánh sáng xuống mặt hồ lung linh như những vì sao đang vui đùa tắm mát. Những buổi tối, tại đây có sự giao lưu văn nghệ hoặc nhảy múa của du khách thật sôi động, hào hứng...
Sau đó, chúng tôi rủ nhau đến một quán ăn cô Bê sát cạnh nhà Văn hóa của Bản Ten để liên hoan các món ẩm thực đặc sản của miền Điện Biên cùng với các du khách từ nhiều nơi đến đây. Không khí chan hòa thân thiện giữa các dân tộc miền xuôi, miền ngược rất đầm ấm, vui tươi thoải mái…
Sáng ngày cuối cùng, trước khi bay về Hà Nội, chúng tôi chạy xe dạo quanh thành phố Điện Biên, chạy dọc đại lộ Võ Nguyên Giáp(dài 6 Km) sang đường Nguyễn Hữu Thọ đến chỗ nhìn rõ con sông Nậm Rốm hiền hòa mang ánh đất phù sa chảy về xuôi lặng lẽ.  Lúc sang đến một con đường có nhiều cây hoa ban đang nở trắng xóa trên cành trông rất đẹp mắt. Chúng tôi dừng chân chụp ảnh kỷ niệm dưới những cây hoa ban đặc trưng của miền rừng núi Tây Bắc này.  Cây hoa ban, nó rất giống cây móng bò. Lá của nó giống hoàn toàn như móng bò, nhưng cây móng bò thì có hoa tim tím và về sau thì có trái như trái keo; còn cây hoa ban thì hoa trắng hoặc phớt hồng. Đồng bào vùng này nói rằng, hoa ban có thể xào nấu ăn được và nó không có trái như cây móng bò. Tiếp đó, chúng tôi đi về chợ Mường Thanh, vào mua mấy thứ đặc sản về làm quà cho gia đình, bà con…
Buổi chiều, chúng tôi ra sân bay Mường Thanh để bay về Hà Nội. Trong khi ngồi chờ máy bay, tôi mở máy ghi âm để nghe rõ lại những lời thuyết minh của cô dẫn du khách tham quan:
"Trận ĐBP là trận đánh lớn nhất trong Chiến tranh Đông Dương  diễn ra tại vùng Mường Thanhchâu Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), giữa  Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) và quân đội Liên hiệp Pháp.
Theo Tổng kết Chiến dịch ĐBP của Bộ Quốc phòng thì toàn bộ chiến dịch ĐBP ta huy động hơn 60 nghìn quân, gồm 10 Trung đoàn bộ binh, 1 Đại đoàn công binh và pháo binh; Quân giặc huy động 16 ngàn quân, một Đại đội xe tăng, một Phi đội máy bay, 420 máy bay, thả 5.000 tấn bom. Tổn thất binh sĩ của quân ta trong chiến dịch Điện Biên là: 4.020 tử trận, 9118 bị thương. Phía quân giặc tử trận 2.293 và bị thương 6.650. Số quân Pháp bại trận ra hàng bị ta bắt tù binh là 11.721. Về trang bị, khí tài của giặc có 59 phi cơ bị phá hủy, 186 phi cơ bị đúng đạn hư hại, rất nhiều loại vũ khí nặng, xe tăng bị hỏng. Quân ta thu được 3 xe tăng, 28 đại bác, 5915 súng các loại và rất nhiều quân trang, quân dụng…
 Chiến thắng ĐBP là một thắng lợi quân sự lớn nhất trong cuộc  kháng chiến chống Pháp 1945 – 1954 của Việt Nam. Bằng thắng lợi quyết định  này, lực lượng QĐNDVN do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã buộc quân Pháp tại Điện Biên Phủ với tên Tổng chỉ huy Đờ Cát phải đầu hàng vào ngày 7 tháng 5 năm 1954 và sau đó quân Pháp phải rút khỏi Đông Dương".

Trong dịp du lịch lên chiến trường xưa Điện Biên này, chúng tôi cảm nhận được nhiều điều thú vị về cảnh vật, con người và những di tích lịch sử hào hùng của quân và dân ta trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Chúng tôi nhìn thấy du khách đến đây hàng ngày rất đông. Hy vọng rằng có sự quan tâm tích cực của Nhà nước và các ngành chức năng sẽ tạo điều kiện cho Điện Biên có sự phát triển toàn diện của vùng đất mang dấu ấn lịch sử vẻ vang của dân tộc./.
                                             NHT
                 (Hà Nội, mùa hè năm Bính Thân -2016)