Thứ Năm, 22 tháng 9, 2016

                                  TẢN MẠN VỀ CHUYẾN DU LỊCH SA PA
                               (Ký sự của Nguyễn Hồng Trân)
                                            =@@=
Vào mùa thu năm nay (Bính Thân-2016), chúng tôi có dịp đi du lịch lên vùng Sa Pa(*) để hiểu biết thêm những cảnh vật và con người ở vùng Tây Bắc nước ta. Nhất là sau khi nghe tin tại vùng này mới khánh thành vào đầu xuân năm nay một đường dây cáp treo ba dây từ Sa Pa lên Fansipan dài nhất Thế giới thuộc dãy Hoàng Liên sơn ở Việt Nam thì chúng tôi càng háo hức muốn lên đi cáp treo này cho biết và vui mừng cho sự đổi thay diện mạo du lịch của đất nước ta.
Đây là chuyến đi đầu tiên lên vùng này của vợ chồng chúng tôi. Xe của Cty DL Victoria xuất phát từ Hà Nội đưa chúng tôi cùng đoàn DL của Singapore lên Sa Pa từ 7 giờ 30 đến 13 giờ thì đến nơi. Xe chạy trên đường cao tốc trong 5 giờ rưỡi và có 2 lần dừng xe cho du khách tạm nghỉ (mỗi lần10 phút). Khi xe chạy trên đường, chúng tôi có thể ngồi, nằm duỗi chân thoải mái suốt cả dọc đường dài và xem tivi trên xe với băng video giới thiệu về các di tích văn hóa các tỉnh vùng Tây Bắc. Khi nào đói bụng muốn ăn thì ăn uống theo suất phát cho du khách lúc lên đường. Anh Trần Ngọc Hà lái xe và chị Đỗ Thị Ngọ hướng dẫn đoàn du lịch rất nhiệt tình chăm lo chu đáo cho đoàn chúng tôi.
Dọc đường dài cao tốc từ Hà Nội lên Lao Cai, xe phải chạy bon bon qua bao nhiêu làng bản, đồi núi, suối sông, cầu cống… Từ tỉnh Phú Thọ lên Yên Bái rồi đến Lào Cai, có những đoạn xe chạy, chúng tôi nhìn rõ dòng sông Hồng chảy uốn lượn vòng vèo dưới các chân đèo, chân núi. Khi xe chạy lên cuối tỉnh Yên Bái thì phải chui qua hầm núi gần cầu Đại Việt. Xe cứ tiếp tục chạy trên đường cao tốc dọc sườn núi của dãy Hoàng Liên Sơn thì nhìn thấy cảnh quan núi rừng, khe suối, mây mù trên non cao thật là hùng vĩ…
Khi đến vùng rừng núi Hoàng Liên Sơn trên địa phận tỉnh Lào Cai, xe đưa chúng tôi chui qua hầm núi gần cầu Suối Đôi rồi tiếp tục chạy mãi hết đường cao tốc đến chân vùng đồi núi Sa Pa. Từ đây lên đến Trung tâm thị trấn Sa Pa, xe đưa chúng tôi phải chạy quanh co, vòng vèo gần 40 cây số nữa mới lên tận nơi. Nhìn thấy đường có nhiều nơi gập quẹo rất hẹp, dưới là vực sâu vài chỗ không có ta-luy rào chắn nạn, chúng tôi cảm thấy lo lo không an toàn. Tuy nhiên, anh Hà lái xe vẫn bình thản chuyện trò vui vẻ và tay lái rất điêu luyện đã vượt qua hết mọi " lưỡi dao nhọn" nguy hiểm của con đường lên dốc đến Trung tâm Sa Pa.
Sau khi xe đưa chúng tôi vượt qua hết chuỗi đường dài 350 Km với nhiều đồi núi, dốc đèo hiểm trở, đến 13 giờ du khách chúng tôi đã đến khách sạn Victoria. Chúng tôi làm thủ tục nhận phòng lưu trú 3 ngày 2 đêm để đi tham quan vùng Sa Pa.
Buổi chiều ngày đầu tiên, chúng tôi đi tham quan thị trấn Sa Pa bằng xe điện và dạo chơi qua các đường phố chính nơi đây như phố Xuân Viên (trước Nhà thờ Đá ), phố Thạch Sơn,  Cầu Mây, Fansipan,  Mường Hoa (phố Tây), Nguyễn Chí Thanh, Lương Đình Của, Võ Thị Sáu… Các đường phố ở đây còn nhỏ hẹp, nhà cửa hầu hết là chỉ có  vài tầng. Đặc biệt có phố Thạch Sơn nằm sát dưới chân núi đá cao.
Sau khi dạo phố xong, chúng tôi tìm nhà hàng để ăn bữa chiều tối. Trên đường Xuân Viên có rất nhiều quán ăn như: Cơm Việt, Hương Dũng, Sa Pa quán… Người ta giới thiệu các món ẩm thực đặc sản ở Sa Pa là: món thắng cố, cuốn sủi, lẩu cá hồi, cá tầm, thịt gừng, thịt lợn cắp nách, đồ nướng, v.v…
Đặc biệt là món Thắng Cố, đây là món ăn của người dân tộc H’mông được giữ cách chế biến cổ truyền tại các phiên chợ Bắc Hà, Mường Khương, Sa Pa. Một chảo thắng cố bao gồm thịt và nội tạng con ngựa được ninh nhừ trên bếp than. Nguyên liệu được ướp sẵn với các thảo quả, quế chi, hoa hồi và nhiều gia vị truyền thống khác. Người ta nói rằng, ai lên Sa Pa mà không ăn món thắng cố thì xem như chưa thực sự tìm hiểu về ẩm thực phố núi. Thắng cố ăn cùng cải mèo và nước chấm pha ớt Mường Khương là hợp vị nhất.
Tôi thì muốn ăn món thắng cố thử xem, nhưng vợ tôi thì không dám ăn nên chúng tôi đành ăn món thông thường không đặc sản lắm là mì xào với rau cải mèo cùng thịt dê phố núi. Hương vị món này cũng đậm đà ngon miệng.
Sáng ngày hôm sau, chúng tôi đi tham quan vùng cáp treo lên núi Fansipan. Phan Xi Păng, hay Phan Si Phăng là ngọn núi cao nhất Việt Nam, cũng là cao nhất trong ba nước Đông Dương nên được mệnh danh là "Nóc nhà Đông Dương" (3.143 m) thuộc dãy núi Hoàng Liên Sơn, cách thị trấn Sa Pa khoảng 9 km về phía tây nam, nằm giáp hai tỉnh Lào Cai và Lai Châu thuộc vùng Tây bắc Việt Nam. Theo tiếng địa phương, núi tên là "Hủa Xi Pan" và có nghĩa là phiến đá khổng lồ chênh vênh.
Đường cáp treo Fasipan này bắt đầu khởi công xây dựng vào tháng 11 năm 2013 và hoàn thành các hạng mục cơ bản vào tháng 2 năm 2016, do tập đoàn Sun Group đầu tư và thực hiện với sự tư vấn, thiết kế của hãng cáp treo số 1 thế giới Doppelmayr Garaventa. Cáp treo Fansipan Sa Pa đã hiện thực hóa ước mơ chiêm ngưỡng “nóc nhà Đông Dương” cho tất cả mọi người, đồng thời khẳng định ý chí và bản lĩnh Việt Nam trong việc kiến tạo nên những công trình mang tầm vóc và đẳng cấp quốc tế. Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của tổ hợp dự án là 4.400 tỷ đồng. Ngoài tuyến cáp chính, các hạng mục kiến trúc như nhà ga đi, nhà ga đến, nhà hàng, quầy lưu niệm… đều được thiết kế kỳ công. Nhà ga đi - ga Sa Pa do kiến trúc sư Bill Bensley - một trong những kiến trúc sư hàng đầu thế giới - thực hiện. 
Ngày 2 tháng 2 năm 2016, Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai và Tập đoàn  Sun Group đã khánh thành tuyến cáp treo ba dây hiện đại nhất thế giới, lần đầu tiên có mặt tại châu Á. Tại lễ khai trương, đại diện Kỷ lục Thế giới - Guinness World Record đã trao chứng nhận 2 kỷ lục Guinness cho cáp treo Fansipan Sa Pa là:
1.Cáp treo ba dây có độ chênh giữa ga đi và ga đến lớn nhất thế giới: 1.410 mét
2.Cáp treo ba dây dài nhất thế giới: 6.325 mét.
“Dự án cáp treo Fansipan không chỉ góp phần giúp Lào Cai và Fansipan trở thành điểm du lịch dành cho tất cả mọi người,  mà còn giúp tạo công ăn việc làm tại chỗ cho người dân địa phương, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh nói riêng và của cả vùng Tây Bắc nói chung, nơi luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Chính phủ”, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu tại lễ khai trương.(Theo nhà báo Phi Sơn trên báo Lào Cai ngày 2-2-2016). 
Tại buổi lễ khánh thành cáp treo này, ông Đặng Minh Trường, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Sun Group đã nói:
“Với tất cả những thử thách đã trải qua để có được ngày khai trương hôm nay, cáp treo Fansipan Sa Pa đã trở thành công trình tự hào, là sự vượt lên chính mình của Sun Group. Với tôn chỉ phát triển bền vững và hài hòa lợi ích cộng đồng, Sun Group cam kết sẽ nỗ lực hết mình để cùng chính quyền và nhân dân địa phương đưa du lịch Lào Cai lên một tầm cao mới…”
Chúng tôi thuê xe Taxi của Công ty PhanXiPang do anh Nguyễn Đức Hải lái xe đưa đến cổng vào cáp treo Fansipan. Đến đây đã thấy từng đoàn người kéo nhau đến chụp ảnh bên cột đồng hồ lớn trước lối vào đường dẫn tới cáp treo có bồn cây tùng và biểu tượng tháp nhọn núi Fansipan, phía trước đắp nổi dòng chữ lớn: FANSIPANLEGEND INDOCHANA SUMMIT(Huyền thoại Phanxipang-nóc nhà Đông Dương).Chúng tôi cũng chụp ảnh kỷ niệm tại đây rồi vào xếp hàng mua vé đi cáp treo lên núi Fansipan. Giá vé 600 ngàn đồng mỗi người cả đi về. Mua vé xong là đi vào thang máy cuốn xuống phía dưới theo ba đoạn mới đến chỗ xếp hàng vào cabin của cáp treo tại thung lũng Mường Hoa đi lên Fansipan. Mỗi cabin chở 30-35 người cứ xoay vòng liên tục chở người đi lên núi và xuống núi. Mỗi lần cáp treo đi lên và xuống khoảng 30-40 phút. Và với vận tốc ca bin đạt 8m/s và công suất vận chuyển tối đa 2.000 lượt khách trong một giờ.
Ngồi trong cabin cáp treo đi lên núi cũng như xuống núi rất nhẹ nhàng êm ái. Ai cũng vui thú nhìn cảnh rừng cây, suối khe, thung lũng... trải dài ở phía dưới đường cáp treo. Khi cabin chở du khách lên đến nơi và tự động mở cửa cho họ bước ra rồi vào nơi tạm dừng chân để chuẩn bị leo bộ lên đỉnh núi Fansipan với 639 bậc. Hầu hết lớp trẻ có sức khỏe đến đây đều hăng hái đi lên tận đỉnh núi. Còn những người già, sức yếu thì không dám liều đi lên.
Tại trạm cáp treo trên núi có các gian hàng bán các đồ dùng và vật lưu niệm, có Restoran phục vụ ăn uống, giải khát cho du khách. Nhưng nói chung, nội dung gian hàng chưa phong phú. Mặt khác, vùng núi phía trên không có gì cho du khách tham quan cả mà chỉ có ngắm sương mù buổi sáng và nhìn mây trời lãng đãng bay. Nghe nói rằng, có dự án tiếp theo là sẽ xây dựng một số đền, chùa để phục vụ ý nguyện về tâm linh cho du khách đến tham quan. Được như thế thì hay quá, nhưng chắc sẽ tốn kém rất nhiều tiền của đấy. Nhưng tốn tiền mà đáng tốn và có lợi là phải tốn thôi.
Buổi chiều, cúng tôi thuê xe taxi đi tham quan một vài bản mường dân tộc ở vùng Sa Pa. Anh Vi Văn Thành lái xe đưa chúng tôi vào bản Lao Chải và bản Tả Van. Đường đến hai bản này cũng rất quanh co khúc khỉu và nhiều ổ gà, ổ chó kéo dài gần 10 Km. Chúng tôi rất lo, nhưng anh Thành cứ lái chạy vùn vụt rất tự tin. Tôi nói với anh chạy xe chầm chậm thôi. Anh cười vui vẻ và nói rằng, hai bác yên tâm, con lái xe đường này mỗi ngày phục vụ du khách 5, 6 chuyến nên đã thuộc lòng đường rồi.
Trên dọc đường đi tham quan vùng thôn bản này, tất cả các xe đi qua phải mua vé mỗi người 75.000 đồng. Du khách tự đi vào bản tham quan, chẳng có người hướng dẫn, ngoài anh lái xe. Thế mà bán vé giá như thế là quá đắt. Theo tôi vé chỉ 50.000đ là được. Chúng tôi đi sâu vào tham quan bản Lao Chải. Bản này, dân bản là người H'Mông. Họ đang gặt lúa vụ hè thu trên những thửa ruộng bậc thang vòng cung xếp thành nhiều tầng lên tận đồi núi cao trông rất đẹp như những bức tranh thiên nhiên ở miền sơn cước thân yêu. Chúng tôi dừng lại vài chỗ để chụp ảnh lưu niệm với những cảnh vật này.Dọc đường vào bản, chúng tôi nhìn thấy rải rác từng nhóm người nước ngoài (phần lớn là người Âu, Mỹ) đi lang thang khắp nơi để tìm hiểu, khám phá những điều lạ lẫm mà họ chưa từng biết ở đất nước VN.
 Sau đó, xe anh Thành đưa đến bản Tả Van. Đến đây, chúng tôi vào xem một bảo tàng dân tộc của tư nhân bên dòng suối Đá có chiếc Cầu Mây treo qua suối. Bảo tàng dân tộc này chỉ trưng bày vài bộ y phục dân tộc Ráy, H'Mông và một số dụng cụ làm ăn sinh sống của dân bản. Chúng tôi tranh thủ chụp mấy bức ảnh ở vùng này rồi chuẩn bị quay về Sa Pa.
Lúc về đến Sa Pa, chúng tôi ghé vào chợ Trung tâm để xem hàng hóa vùng này. Trong chợ này trưng bày nhiều hàng hóa vùng Tây Bắc như các loại vải vóc, quần áo, đồ dùng thổ cẩm; các loại thảo dược miền núi, các loại mứt trái quả như táo, mận, đào… Chúng tôi mua một số đồ vật và thực phẩm về làm quà cho người thân.  Sau đó, chúng tôi đến nhà hàng Hương Dũng ở số 6 phố Xuân Viên để dùng bữa cơm tối. Nơi đây, nhà hàng sẵn sàng phục vụ du khách nhiều món ăn như các loại lẩu, xào, chiên, rang…
Sáng ngày cuối cùng ở Sa Pa, chúng tôi đi dạo chơi quanh hồ Sa Pa ở trung tâm thị trấn và trước sân nhà thờ đạo(có tên từ xưa là Nhà Thờ Đá). Tại đây, chúng tôi rất vui khi gặp lại mấy người thân quen ở Huế ra tham quan Sa Pa. Đồng thời, tôi cũng gặp nhiều du khách nước ngoài ngồi chơi ngắm cảnh và chuyện trò với nhau rất vui vẻ. Đồng thời cũng gặp mấy người dân tộc nói chuyện về phong tục của họ cũng thích thú. Đặc biệt làm chúng tôi rất ngạc nhiên nhất là thấy mấy cô dân tộc H'Mông dẫn đoàn người nước ngoài vừa đi vừa nói tiếng Anh, tiếng Pháp ào ào. Ôi, thật nể phục họ quá! Không biết họ học thế nào? học ở đâu mà nói được lưu loát như thế? Vợ chồng chúng tôi cũng đã học tiếng Anh(không chuyên) có trường lớp hẳn hoi mà cũng không thể nói được ào ào như vậy.
Nghe mấy anh lái xe du lịch nói rằng, mấy cô dân tộc nói tiếng Anh, tiếng Pháp như gió là vì họ tiếp xúc nhiều với người nước ngoài, có một vài người nước ngoài lưu trú vài ngày trong nhà họ và họ chịu khó học nói, kiểu nói bồi những câu đơn giản, chứ họ không biết viết thành văn. Nhưng cũng có nhà báo nói rằng, có Linh mục nhà thờ mời du khách Âu, Mỹ dạy tiếng Anh cho một số người dân tộc ở Sa Pa để họ có thể giúp du khách đến tham quan Sa Pa.
Đến buổi chiều hôm cuối cùng, chúng tôi tạm biệt khách sạn Victoria lên xe du lịch về Hà Nội lúc 14 giờ 30. Chúng tôi rất cám ơn khách sạn Victoria đã quan tâm giúp đỡ chúng tôi hoàn thành tốt chuyến tham quan Sa Pa vừa rồi. Chúc cho khách sạn Victoria giữ vững được truyền thống tốt đẹp của một khách sạn có từ thời Pháp với 20 năm tuổi đời và được nhiều người tin cậy.
Chuyến du lịch tham quan Sa Pa lần này, chúng tôi cảm thấy ấn tượng nhất là được đi cáp treo lên núi Fansipan. Đây là niềm mơ ước từ lâu của chúng tôi cũng như nhiều người khác trong thời kỳ còn trẻ trung. Lúc chưa có cáp treo, có một số bạn trẻ đã can đảm vượt núi rừng qua 2, 3 ngày để leo lên tận đỉnh Fansipan. Trong số đó có con rể của chúng tôi là Vũ Anh Tuấn. Giờ đây có đường cáp treo đã tạo thuận lợi và bảo đảm an toàn cho du khách lên Fansipan chỉ sau 15-20 phút là đến nơi.
Theo nguồn báo chí cho biết, từ đầu năm đến nay, nơi đây đã đón hơn 610.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đến từ 70 quốc gia, lãnh thổ trên thế giới, tăng trưởng doanh thu du lịch từ 35-40% một năm. Theo dự tính của Nhà nước, với dự án cáp treo lên Fansipan thì đến năm 2017, Sa Pa sẽ đón khoảng 2 triệu lượt khách một năm và đến 2020, con số này tăng lên 3 triệu lượt khách. Như vậy, triển vọng sẽ thu hồi vốn được nhanh chóng hơn và nhất định trong tương lai không xa lắm, ngành du lịch VN sẽ có tăng trưởng đáng kể nhờ công trình cáp treo Fansipan này./.
        CÁP TREO FANSIPAN DIỆU KỲ
                           =@=
Núi cao chót vót ẩn trong mây
Mạo hiểm du chơi cũng mấy ngày
Thung lũng, non cao sương phủ kín
Suối khe, thác đổ nước tràn đầy
Ca bin lơ lững chuyền yên ắng
Du khách rung mình thấy ngất ngây
Mong ước bao đời nay hiện thực
Sa Pa tuyến cáp đến bồng lai…
       Nguyễn Hồng Trân
           (Thị trấn Sa Pa đêm 17/9/2016)
Chú thích: (*)Sa Pa- ngày xưa người dân tộc gọi là Sa Pả nghĩa là bãi cát.Sa Pa ở đô cao 1600 mét(so với mực nước biển).  Mùa đông năm 1903, trong khi tiến hành đo đạc xây dựng bản đồ, đoàn thám hiểm của Sở địa lý Đông Dương đã khám phá ra cảnh quan mặt bằng Lồ Suối Tủng và bản Sa Pả. Sự kiện này đánh dấu việc ra đời của thị trấn Sa Pa sau này.
Năm 1905, người Pháp đã thu thập được những thông tin đầu tiên về địa lý, khí hậu, thảm thực vật... Sa Pa bắt đầu được biết tới với không khí mát mẻ, trong lành và cảnh quan đẹp. Năm 1909, một khu điều dưỡng được xây dựng. Năm 1917, một văn phòng du lịch được thành lập ở Sa Pa và một năm sau, người Pháp bắt đầu xây dựng những biệt thự đầu tiên. Năm 1920, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai hoàn thành, Sa Pa được xem như thủ đô mùa hè của Bắc Kỳ. Ngày xưa người Pháp đã xây dựng ở Sa Pa gần 300 biệt thự.
                         Hà Nội ngày 20-9-2016
                              Nguyễn Hồng Trân