VỀ THĂM LẠI PHỐ CỔ HỘI AN
==00==
Sau
hai ngày đêm dạo chơi thành phố Đà Nẵng, chúng tôi đến thăm lại phố cổ Hội An
mà không lên núi Bà Nà như năm ngoái nữa. Đến Hội An mua vé 70 ngàn đồng/một
người để tham quan phố cổ.
Phố
cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển
tỉnh Quảng Nam, Việt Nam,
cách thành phố Đà Nẵng khoảng 30 km về phía Nam. Nhờ những yếu tố địa lý
và khí hậu thuận lợi, Hội An từng là một thương cảng quốc tế sầm uất.
Người ta giới thiệu về sự tích
phố cổ này cũng khá tỷ mỉ. Vào thế kỷ XVI, chúa Nguyễn Hoàng thấy đây là nơi
giàu có (vàng, yến sào, quế, đường, mật ong, thuốc lá Cẩm lệ, cẩm thạch... )
nên mới lập thành trấn và cử con trai là Nguyễn Phước Nguyên trấn giữ, mở cửa
Hội An buôn bán với bên ngoài. Người Trung Quốc và người Nhật đến buôn bán và
thường trú ở những phố riêng. Sau đó còn có người Hà Lan và những người phương
Tây khác cũng đến buôn bán bang giao. có thể nói rằng, Hội An tỉnh Quảng Nam là một trong những nơi đầu tiên
đón nhận luồng văn minh phương Tây trên đất nước ta.
Hội An có nhiều tên gọi khác
nhau trong lịch sử: Hội Phố, Hoài Phố, Hải Phố, Hoa Phố... dù mang tên gì, nó
cũng là một đô thị gồm có cảng, có chợ, có phố. Hiện nay, cảng không còn nữa,
chỉ còn chợ và phố. Lịch
sử Hội An bắt nguồn từ thời xa xưa, người Chiêm Thành cũng đã từng dùng đây làm
cửa ngõ thông thương với bên ngoài. Với chúa Nguyễn, Hội An được mở rộng thành
nơi trung tâm của Quảng Nam
từ cuối thế kỷ XVI - đầu thế kỷ XVII.
Hội An nằm bên cửa Đại, nơi
sông Thu Bồn đổ ra biển, rất thuận tiện cho tàu buôn ra vào. Người nước ngoài
còn cư trú ở đây xây thành những khu phố riêng của họ: Phố Nhật, phố Tàu và một
số thương điếm của người Hà Lan. Một bài ký sự của một nhà sư Trung Quốc đến
đây hồi đầu thế kỷ XVII có ghi lại đại thể: Người Trung Quốc lập tiệm buôn đọc
theo bờ sông, gọi là Đại Đường Nhai, hai bên hàng quán liên tiếp nối nhau, phố
Nhật nằm ở phía đông phố khách. Người Nhật và người Trung Quốc là thương mại khách
là chính trong các phiên chợ lớn hàng năm kéo dài tới bốn tháng liền. Hàng năm
người Nhật mang đến 4 - 5 vạn nén bạc để cất hàng, còn người Trung Quốc thì
mang tơ lụa và đặc sản đến đổi hàng. Gần đây, các cuộc điều tra và khảo sát các
khu phố cũ đã được tiến hành, kết quả cho thấy còn nhiều di tích được giữ gần
như nguyên vẹn sau những lần trùng tu mới nhất. Đặc biệt đáng chú ý mấy phố cổ
của người Trung Quốc, cầu Lai Viễn và một số đền chùa cũ.
Phố Trung Quốc cũ chạy đọc theo bờ sông, gồm những
ngôi nhà hình ống. Phía trước nhà là cửa hiệu, đoạn giữa là nhà ở, và phía sau
là kho chứa hàng (cất từ thuyền dưới sông lên). Thông thường mỗi ngôi nhà như
thế có ba mái chính, giữa các mái ấy là mái vỏ cua. Đi từ trước ra sau nhà,
thấy như một ngôi nhà thống nhất. Những ngôi nhà này được dựng theo một mô-típ
giống nhau, giống nhau cả cách trang
trí.
Khu phố cổ nằm trọn trong phường Minh An, diện
tích khoảng 2 km², với những con đường ngắn và hẹp, có đoạn uốn lượn, chạy
dọc ngang theo kiểu bàn cờ. Nằm sát với bờ sông là đường Bạch Đằng, tiếp đó tới
đường Nguyễn Thái Học rồi đường Trần Phú nối liền với Nguyễn Thị Minh Khai qua Chùa Cầu. Đường Trần Phú xưa kia là con đường chính của thị
trấn, nối từ Chùa Cầu tới Hội quán Triều Châu. Vào thời Pháp thuộc, đường này được mang tên Rue du Pont Japonnais (tức Phố cầu Nhật Bản). Hai con đường
Nguyễn Thái Học và Bạch Đằng hình thành muộn hơn. Đường Nguyễn Thái Học xuất
hiện năm 1840, sau đó được người Pháp đặt tên là Rue Cantonnais
(tức Phố người Quảng Đông). Đường Bạch Đằng ra đời năm 1878, nằm sát bờ sông
nên xưa kia từng có tên gọi là Đường Bờ Sông. Căn cứ vào văn bản của
dinh trấn Quảng Nam thời Minh Mạng gửi
trưởng bang Hoa kiều, Hội An phố gồm 6 làng: Hội An, Minh Hương, Cổ Trai, Đông
An, Diêm Hộ, Hoa Phô. Nhà nghiên cứu người Pháp Albert Sallet cho rằng làng Hội
An là làng quan trọng nhất trong năm làng tạo nên quần cư Hội An cổ, gồm Hội
An, Cẩm Phô, Phong Niên, Minh Hương và An Thọ. Người phương Tây xưa kia gọi Hội
An bằng cái tên Faifo.
Điển hình nhất về phố cổ Hội An là có chiếc cầu chỉ
dài khoảng 18 m, có
mái che, vắt cong qua một lạch nước chảy từ sống Hoài ra sông Thu Bồn. Năm
1719, chúa Nguyễn Phúc Chu thăm Hội An,
đặt tên cho chiếc cầu là Lai Viễn Kiều, với ý nghĩa là "Cầu đón khách phương xa". Về sau người ta xây thêm một
gian thờ mà dân gian thường gọi là chùa Cầu. Tuy gọi là chùa nhưng bên trong
không có tượng Phật.
Phần gian chính giữa (gọi là chùa) thờ một tượng gỗ Bắc Đế Trấn Võ -là
vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui hạnh phúc cho con người. Đó là thể hiện khát
vọng thiêng liêng mà con người muốn gửi gắm cùng trời đất nhằm cầu mong mọi
điều tốt lành.
Có bài thơ về Chùa Cầu thời xa xưa:
Ai đi phố Hội Chùa Cầu
Để thương để nhớ để sầu cho ai?
Để sầu cho khách vãng lai
Để thương để nhớ cho ai chịu
sầu.
Lai Viễn Kiều theo truyền lại
do người Nhật dựng, vì thế gọi là cầu Nhật. Đó là những cầu nhỏ có mái che,
đường to ở giữa, hai bên có lối đi riêng. Nền cầu hơi vồng lên ở giữa, trông
như một vòng cung. Cầu ghép với một chùa ở bên. Xưa kia, cầu lát ván thưa, đứng
bên trên có thể nhìn thấy cá bơi dưới lạch nước.
Chùa Bà Mụ xưa kia là của người
Minh Hương. Chùa thờ Thiên mẫu thánh hậu và mười hai bà mụ, cầu cho thiên hạ
thái bình. Chùa có tam quan rất đẹp, bóng tỏa xuống mặt nước bao la, trông thật
thơ mộng. Những tượng thờ, đồ thờ trong chùa có trình độ điêu khắc khá tinh
xảo.
Chùa của người Trung Quốc nhưng
chủ yếu do những người thợ địa phương làm. Hội An tuy trải qua nhiều cuộc chiến
tranh nhưng chưa bị tàn phá mấy. Nhìn chung đó vẫn là nơi độc nhất ở nước ta
còn giữ được "phong độ" của một đô thị xưa. Hội An hiên nay đã thành một
điểm du lịch quan trọng không chỉ ở Quảng Nam - Đà Nẵng mà của cả nước.
Hội An cũng là vùng đất ghi nhiều dấu ấn của sự
pha trộn, giao thoa văn hóa. Các hội quán, đền miếu mang dấu tích của người Hoa nằm
bên những ngôi nhà phố truyền thống của người Việt và những ngôi nhà mang phong
cách kiến trúc Pháp. Bên cạnh
những giá trị văn hóa qua các công trình kiến trúc, Hội An còn lưu giữ một nền
văn hóa phi vật thể đa dạng và phong phú. Cuộc sống thường nhật của cư dân phố
cổ với những phong tục tập quán, sinh hoạt tín ngưỡng, nghệ thuật dân gian, lễ
hội văn hóa vẫn đang được bảo tồn và phát triển. Hội An được xem như một bảo
tàng sống về kiến trúc và lối sống đô thị xưa.
Với những giá trị
nổi bật, tại kỳ họp lần thứ 23 cuối năm 1999 (ngày 4 tháng
12), Tổ chức Giáo dục,
Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã công nhận đô thị
cổ Hội An là một di sản văn hóa thế giới, dựa trên hai tiêu chí:
1.Hội An là biểu hiện vật thể nổi bật của sự kết
hợp các nền văn hóa qua các thời kỳ trong một thương cảng quốc tế.
2.Hội An là điển hình tiêu biểu về một cảng thị
châu Á truyền thống được bảo tồn một cách hoàn hảo.
Đến phố cổ Hội An, chúng tôi được
thưởng thức mấy món ẩm thực dân gian thật độc đáo, trong đó có món cao lầu.
Trước đây, nhiều du khách đã ăn và kể lại thì chẳng có gì đặc biệt cả, nhưng
khi chúng tôi đến ăn và hỏi kỹ thì mới biết cách chế biến món ăn này rất kỳ
công. Nhiều người dân sống lâu năm ở phố cổ bảo cao lầu có ở Hội An từ thế kỷ
17, trong thời điểm cảng Hội An mở cửa, cho phép nhiều thương nhân nước ngoài
vào Hội An thông thương. Có lẽ vì thế mà món cao lầu có ảnh hưởng khá nhiều từ
ẩm thực của người Hoa và cũng ảnh hưởng một ít từ món mì lạnh Udon của người
Nhật.
Món cao lầu thịt heo tại quán Trung
Bắc là điển hình nhất ở Hội An. Món cao
lầu Hội An vẫn mang đậm nét riêng của mình và duy chỉ có Hội An mới có món cao
lầu đúng chất. Bởi, sợi cao lầu được làm từ gạo ngâm với nước tro, mà phải là
loại tro được đốt từ gỗ cây dương liễu (phi lao) hoặc cây tràm ở Cù Lao Chàm rồi đem bột tro, rây lọc lấy bột mịn rồi khuấy
trộn đều trong nước(ngày xưa người ta dùng nước giếng Bá Lễ), sau đó cho bột
gạo hoặc bột mì nhồi kỹ và làm thành sợi to bằng chiếc đũa. Do vậy, sợi cao lầu mới có màu vàng vàng mà không nơi nào
khác có thể làm được. Sau đó, xào lên với các chất gia vị thơm lừng rồi bỏ vào
các thứ như xá xíu thịt heo, tóp mỡ đã được rán giòn cho vào bát, bỏ thêm một
ít rau thơm, xa lách hoặc rau diếp, dưa leo...Tiếp đó, chan nước lèo vào bát
trộn đều lên rồi ăn và uống bia hoặc rượu nếp thì tât là khoái khẩu vô cùng.
Nước lèo của món cao lầu này là nước thịt xá xíu trộn lẫn
với hạt mè (vừng) rang thơm ngon. Thứ nước lèo này chỉ được chan xâm xấp vừa đủ
ướt và được ăn nguội, chứ không phải dùng nóng như các món có nước lèo khác. Ăn
với món mì sợi cao lầu là thịt xá xíu kèm với tóp mỡ hoặc sợi cao lầu chiên
giòn, rau sống (lấy từ làng rau Trà Quế), dùng kèm với nước tương và tương ớt.
Ăn bát cao lầu này thấy vị đậm đà ngon miệng.
Người ta kể rằng, ở phố cổ Hội An có đến gần cả chục quán hàng ăn có tiếng như:
Thanh cao lầu, bánh đập xào hến quán Bà Già, bánh xèo quán Giếng Bá Lễ, Hoành
Thánh quán Vạn Lộc, v.v … Nhưng chúng tôi chẳng có thời gian mà đến thưởng thức
các món ngon ở những nơi đó. Nếu chúng tôi có dịp cư trú tại Hội An lâu thì
cũng chịu khó để nếm cho biết mùi vị các thứ nhậu đặc sản ấy. Nhất định chúng
tôi sẽ đến phố cổ Hội An lần nữa để biết thêm nhiều điều thú vị khác…