Thứ Năm, 1 tháng 11, 2012

TÌM HIỂU NHÀ THƠ BÚT TRE...

                           TÌM HIỂU NHÀ THƠ BÚT TRE
                       VÀ TRÀO LƯU KIỂU THƠ ÔNG
                                             ********  
                                                          Nguyễn Hồng Trân

   

Nhà thơ Bút Tre tên thật là Đặng Văn Đăng (1911-1986),  quê ở xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Ông sáng tác chính xác bao nhiêu bài thì không ai rõ, nhưng kiểu thơ của ông được nhiều người cảm thấy thú vị rồi bắt chước làm theo và dần dần tạo ra một trường phái thơ  “Bút Tre” rất độc đáo, ngộ nghĩnh và mạnh bạo trong ngôn từ, hàm ý dung tục, hài hước… Dân gian thường nói: có thanh có tục lẫn lộn thì mới vui.
Thơ của Bút Tre đã nổi tiếng một thời rồi cứ kéo dài khi thầm lặng, khi sôi nổi khắp nơi trong các cộng đồng dân Việt.  Khi đọc thơ ông, ai cũng cảm thấy vui vẻ, dễ hiểu, dễ gần và dần dần rất nhiều người ngưỡng mộ ông. Không phải vì những bài thơ trữ tình, cũng không vì thơ ông gần với những bài ca dao, mà vì cách làm thơ, gieo vần của ông thật bất ngờ, độc đáo làm cho người nghe sự sảng khoái, vui tươi, thú vị sau những giờ lao động mệt nhọc, căng thẳng.
Lúc đầu người ta chưa biết Bút Tre là ai cả, đã có những người nói rằng: “Thơ Bút Tre là thơ tào lao, ngây ngô, thô tục, nghịch ngợm, vớ vẩn, … thơ chẳng ra thơ, tiếu lâm chẳng ra tiếu lâm, v.v… Đó là nhà thơ nông dân, không học thức!”. Nhưng rồi sau khi người ta đọc nhiều thơ ông và trào lưu thơ ông phát triển lan rộng khắp nơi thì những người trước đây chê bai ông đã tìm hiểu về ông và cảm thấy mình hồ đồ khi đã nhận xét, đánh giá nhà thơ Bút Tre như thế là không đúng . Nhà thơ Bút Tre -Đặng Văn Đăng là một trí thức đàng hoàng. Trước năm 1945, Đặng Văn Đăng làm nghề dạy học và viết báo. Ông đã từng có truyện dài và được đăng nhiều kỳ trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy, báo Đông Pháp ngày xưa với bút danh Lục Y Lang.  Ông rất giỏi Anh văn, Pháp văn, am hiểu triết học, chính trị, văn hóa -nghệ thuật  và văn thơ.Ông có một tập thơ “Nhật ký thơ” gồm 398 bài thơ đường luật rất nghiêm chỉnh.  Đặng Văn Đăng đã từng đỗ tú tài Pháp toàn phần.  Ông là một người tài hoa, dí dỏm, lạc quan. Một con người luôn gần gũi với quần chúng lao động, với bạn bè thân thuộc.
Sau ngày độc lập 1945, Đặng Văn Đăng thôi dạy học và chuyển sang hoạt động cách mạng làm văn hóa, báo chí, tuyên huấn Tỉnh ủy Phú Thọ. Ông được kết nạp Đảng CSVN vào cuối năm 1946.
 Sau đó, ông hoạt động ngoại giao, đã từng làm bí thư thứ hai Đại sứ quán Việt Nam tại Rumani. Năm 1956 ông là thư ký của Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Ung Văn Khiêm.  Trong thời gian làm Trưởng Ty Văn Hoá tỉnh Phú Thọ (1962-1968), ông là người đề xướng triển khai nhiều vấn đề lớn về văn hoá của đất nước như vấn đề nghiên cứu “Văn hoá Hùng Vương”.  Ông chính là người đã có công ghi lại (theo kiểu thơ) để lưu truyền câu nói nổi tiếng của Bác Hồ tại Đền Giếng khi Bác về thăm Đền Hùng (ngày 19/9/1954): “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
          Trong Bách khoa toàn thư mở (Wikipedia) trên mạng viễn thông Google có ghi rằng:
“Nhiều người không gọi thơ Bút Tre là thơ. Chỉ gọi là vè. Nhưng dẫu sao, lối thơ (hay vè) của Bút Tre đã cùng tồn tại với rộng rãi người dân Việt Nam suốt nửa cuối thế kỷ 20 và có thể sẽ còn lâu hơn nữa trong cách sống lạc quan mang lại niềm vui thường ngày cho nhiều người Việt Nam. Thơ Bút Tre là một thể thơ dân gian bắt nguồn từ ngôn từ khoáng đạt chốn làng quê Việt Nam; Điều khác biệt ở thể Thơ Bút Tre, là người sáng tác sau này không phải là một tác giả Đặng Văn Đăng nữa, mà là dân gian nhiều người sáng tác rồi truyền khẩu. Thơ Bút Tre là một hướng phát triển mới - Rút lấy cái cốt lõi của văn chương bác học mà trả về với hơi thở dân gian tự nhiên, chân chất mà sảng khoái. Bút Tre - Đặng Văn Đăng - người tiên phong cho một hướng đi ngược lại với văn chương hàn lâm, bác học trả lại cho văn hóa dân gian cái chân chất vốn có của ngàn năm thôn quê, mộc mạc dễ hiểu, dễ nhớ.” 

Tập thơ Bút Tre được in trong khoảng thời gian trước năm 1968. Ngay sau đó, dòng thơ Bút Tre dân gian được thành hình, ngày càng phát triển và trở thành một trường phái Bút Tre, tung hoành ngang dọc từ thành thị đến thôn quê trên đất nước. Có thể nói đây là một phong trào làm thơ "cưỡng từ đổi nghĩa, sửa dấu, ép vần" độc nhất của văn học VN, kể cả văn học bình dân lẫn văn học trí thức. Đặc tính của dòng thơ này là tính trào phúng và chất tục, khi thì tục lồ lộ, khi thì tục mà thanh, khi thì thanh mà tục, đáp ứng được thị hiếu của nhân dân đang cần những nụ cười sảng khoái để quên đi những gì gian nan, vất vả  trong cuộc sống lao động ở nông thôn thời chiến tranh trên quê hương đất nước.
Có thể nói thơ của Bút Tre thật hoặc Bút Tre dân gian đều là một thể loại thơ độc đáo trong dòng thơ cổ kim ở Việt Nam. Đó là lối thơ có những đặc điểm sau:

1.Tách chia cụm từ- Ví dụ như các câu sau:
*Hoan hô Đại tướng Võ Nguyên 
Giáp ta thắng trận Điện Biên trở về.

*Chị em mặc váy đánh cầu
lông bay vùn vụt qua đầu anh em.

*Anh đi công tác Plây-
Ku dài dằng dặc biết ngày nào ra.

    *Anh đi công tác đảo Côn
     Lôn em ở lại xóm thôn vui vầy.

*Bốn ông chung một đĩa lòng
lợn ngồi chễm chệ với thùng bia to.


2.Đổi dấu, thay từ:
   *Liên Xô rất đổi tự hào
Ga Ga Rịn (Rin) bay vào Vũ tru (vũ trụ).

*Không đi không biết Tam Đao (Tam Đảo)
Đi thì không biết chỗ nào mà ngu (ngủ)
Một giường nó nhét hai cu (cụ)
Thôi thì cố nhịn đến chu (Chủ) nhật về.
*Chia tay bằng một nải chuồi (chuối)
Ta về ta nhớ cái buồi (buổi) hôm nay.

*Mừng ngày mồng tám tháng ba,
Chị em phụ nữ chúng ta vung lền (vùng lên)
.

 3.Ép vần, ẩn ý:
*Lấy anh từ thuở mười lăm
Anh chê em bé, không nằm với em
Đến năm mười tám tuổi xanh,
Em nằm dưới đất anh lôi lên giường.
Một lần thương, hai lần thương,
Chân giường có bốn gãy giờ còn ba.

*Đồng Xuân nô nức tiếng đồn
Có cô bán trứng vịt lộn rất ngon.

*Bà con toàn thể xã ta,
Ðồng tâm phấn khởi giồng cà dái dê.
Dái dê to mập dài ghê.
Năm sau ta cứ dái dê ta trồng.

*Chưa ăn chưa biết cu đơ(kẹo Cu Đơ ở Hà Tĩnh)
Ăn rồi mới biết nó đờ cu ra.

Nội dung ý nghĩa thơ Bút Tre tuy không sâu sắc nhưng có tính quần chúng rộng rãi vì nội dung chứa nhiều ý ẩn dụ thanh tục hóm hỉnh xen lẫn xen lẫn nhau, nên dễ lan truyền khắp nơi. Chung quy cũng chỉ xoay xung quanh mấy vấn đề rõ nét như:

1.Ca ngợi, mỉa mai- Ví dụ như những câu sau:
*Hoan hô ông Tạ Đình Đề,
Trước đi theo giặc nay về với ta!

*Hoan hô ông Nguyễn Chí Thanh,
Ông về phân bắc, phân xanh đầy đồng!

 *Hoan hô anh La Văn Cầu,
      Cánh tay chặt đứt, nhưng đầu còn nguyên.

*Hoan hô các cụ trồng cây
     Mười cây chết chín, một cây gật gù!

*Hoan hô cục trưởng Hà Đăng
Ấn cho tàu chạy băng băng như rùa!

2.Nhận xét, so sánh:
*Chưa đi chưa biết Đồ Sơn,
Đi rồi mới biết chẳng hơn đồ nhà.
Đồ nhà tuy xấu, tuy già,
Nhưng là đồ thật hơn là đồ "sơn".

*Hội trường yên ắng ngủ say,
Thuyết trình vừa dứt... vỗ tay ra về.

     3. Khuyên bảo, Ước mong:
*Chim khôn chim đậu cành cao,
Bướm khôn bướm đậu ngay vào đầu chim.

*Ước gì em biến thành trâu,
Để anh là đỉa, anh bâu vào đùi.
Ước gì anh biến thành chầy,
Để em làm cối giã ngày giã đêm!
   
*Mừng ngày bầu cử tự do,
Những ai xứng đáng thì cho vào hòm(hòm phiếu).

Trọng tâm chủ yếu của thơ Bút Tre là phải gây cười cho thiên hạ. Muốn vậy, Bút Tre không ngần ngại gieo vào thơ mình một vài yếu tố nghịch ngợm, tục tằn một cách lộ liễu hoặc ẩn ý dung tục...

 Chẳng hạn như một số câu sau:
*Bướm đồng sờ đến thì bay,
Bướm nhà sờ đến, lăn quay ra giường.

*Chim rừng bóp cái chết ngay,
Chim nhà càng bóp càng ngày càng to.

*Khi đi em nắm cổ tay,
Khi về em nắm... chỗ này, chỗ kia.

*Bắc Ninh có cậu Nguyễn Trùng,
Dương vật khỏe quá cả vùng thất kinh! (anh Dương là lực sĩ vật)

Tất cả những thủ thuật thư pháp nói trên của tác giả là nhằm mục đích kích thích nụ cười sảng khoái, thú vị cho mọi người làm tăng thêm niềm vui trong đời sống. Đồng thời, một phần quan trọng của nhà thơ Bút Tre là muốn đem lại cho dân chúng một món ăn tinh thần hấp dẫn để họ thấy rõ giá trị của chúng mà luôn luôn chú ý vun đắp cho nền văn hóa dân gian ngày càng lành mạnh và phát triển phong phú.
            Trào lưu thơ Bút Tre có sức lan tỏa rất nhanh
Nhiều nhà nghiên cứu thơ Bút Tre đã có những lời nhận xét và bàn luận rất có lý và thực tế như sau:
1.Thơ Bút Tre đã thâm nhập vào cuộc sống, vào mọi lứa tuổi, vào mọi tầng lớp, ngày càng đậm đà, sôi động và lắm màu, lắm vẻ từ nội địa tới hải ngoại.
2.Từ một Bút Tre – Đặng Văn Đăng đã sinh thành những hậu Bút Tre, Bút Tre trẻ, Bút Tre non,   Bút Tre xanh... ào ạt ra đời và mặc nhiên đã và đang hình thành một "Trường phái Bút Tre".
3.Thơ Bút Tre rầm rộ phát triển, đó là món ăn khoái khẩu trên bàn trà, mâm rượu, trên hội diễn văn nghệ và cả những hội nghị nghiêm túc. Có những tác giả đã sáng tác nhiều bài phát triển Thơ Bút Tre in thành tập.
4.Thơ Bút Tre vẫn tiếp tục được sáng tác và yêu thích. Rất nhanh, những tác phẩm xuất sắc trở thành tài sản chung, hòa vào và làm phong phú trường phái Bút Tre. Nghĩa là cha đẻ của những bài thơ Bút Tre không chỉ có Bút Tre. Thực chất Bút Tre - Đặng Văn Đăng chỉ là cha đẻ duy nhất của trường phái thơ Bút Tre. Bút Tre dân gian không thể được xem như sáng tác của những tác giả có tên cụ thể; sáng tác của dân gian mà đọng lại được là đã có sự sàng lọc mài dũa của thời gian và về chất không kém gì, thậm chí còn hay hơn cả một số sáng tác của tác giả tên tuổi, và ngay chính cả Đặng Văn Đăng ngày còn sống khi đọc Thơ Bút Tre dân gian, cũng đã cười đến chảy nước mắt, rơi cả hàm răng giả - ông nói:  Thật bái lạy dân gian” .
5.Nhà thơ Bút tre đã đùa quá trớn với tứ thơ Việt Nam và đã làm loạn hồn thơ trong sáng của của những dòng thơ kim cổ nước ta. Tuy nhà thơ đã có những sáng tạo độc đáo trong hình thức cũng như nội dung của thể loại thơ, nhưng không bù đắp được cho những gì xuống cấp về ý tứ, tâm hồn trong thơ Việt.
6.Bút Tre – Đặng Văn Đăng xứng đáng được tôn vinh làm Chủ soái của một trường phái thơ, ở đâu cũng tạo ra những vần thơ Bút Tre để mà vui. Mặc dù dòng thơ Bút Tre có những mặt nhược về giá trị văn học của nó, nhưng cái hay, cái độc đáo của Thơ Bút Tre là ai cũng có thể sáng tác được, thậm chí còn hay hơn nữa –đúng là Hậu sinh khả úy.

                                      =====   



Không có nhận xét nào: