Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

MỘT SỐ BÀI THƠ XƯA RẤT ẤN TƯỢNG

     MỘT SỐ BÀI THƠ XƯA RẤT ẤN TƯỢNG
             Nguyễn Hồng Trân (Sưu tầm và bình luận)
                                        ==00==
Bài 1:
  KHÓC THỊ BẰNG PHI

Ôi thị Bằng Phi đã mất rồi,
Ới tình, ới nghĩa, ới duyên ơi.
Mưa hè, nắng chái oanh ăn nói.
Sớm ngõ, trưa sân liễu đứng ngồi.
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.
Mối tình muốn dứt càng thêm bận,
Lẽo đẽo theo hoài mãi chẳng thôi.
                                           Vua Tự Đức
                              ==00==
Bài thơ chữ Nôm theo thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú ( 8 câu, mỗi câu 7 chữ) của vua Tự  Đức đã tồn tại bao lâu rồi mà ngày nay nhiều người đọc lại vẫn còn thấy ưa thích. Vì bài thơ khóc thị Bằng Phi thật là hay, thật lãng mạn! Sự xúc cảm sâu sắc của nhà vua được thể hiện rất hình tượng, thành tâm và tinh tế. Tôi rất thích bài này và xin mạo muội họa lại một bài để tỏ lòng biết thưởng thức và ngưỡng mộ cái tình ý sâu lắng của tác giả đã gửi gắm vào những câu thơ của mình.
      Bài họa:                                    
               LÒNG BUỒN
             Nguyễn Hồng Trân (cựu GV Đại học Huế)                    
Thân nàng như thế đã yên rồi,
Định mệnh, do trời, số phận ôi!
Sáng đến, chiều về nhìn cá lội,
Ngày qua, tháng lại nhớ phi ngồi.
Nhìn gương, nhớ bóng nghe còn tiếng,
Khoác áo, mong hình thấy vắng hơi.
Luyến tiếc, đau thương sao kể xiết .
Lòng buồn nặng trĩu mãi không thôi.

(Ghi chú: Có sách ghi rằng bài này có trong tập thơ 1000 bài thơ của Nguyễn Gia Thiều khóc vợ lẽ Thị Bằng Cơ. Không biết điều đó có đúng không? Nhà nghiên cứu về thơ Nôm ở Huế -Trương Đình Tín thì cho rằng bài đó là của vua Tự Đức như nhà văn Dương Quảng Hàm cũng đã từng nêu trong sách của ông ấy. Vì trong nhiều tập thơ của Nguyễn Gia Thiều không thấy có bài đó, vả lại kiểu thể hiện ngôn từ trong thơ của Nguyễn Gia Thiều không như vậy. Ai biết rõ điều này tường tận hơn, xin chỉ bảo giùm cho?)

Bài 2:
                    NĂM CỤ RỚT CÁI ÌNH
(Thơ của Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn( ? -1946)-Quê ở Bố Trạch, Quảng Bình)
          Năm 1933, Pháp cho vua Bảo Đại trực tiếp tham chính nên toàn thể Nội các do Nguyễn Hữu Bài đứng đầu phải từ chức. Nguyễn Trọng Cẩn có bài thơ ghi lại biến cố này như sau:

Năm cụ khi không rớt cài ình,
Đất bằng sấm dậy giữa Thần Kinh.
Bài không đeo nữa xin dâng Lại,
Đàn chẳng ai nghe khéo dở Hình,
Liệu thế không xong Binh chẳng được,
Liêm đành chịu đói, Lễ không rinh,
Công danh như thế là hưu hỉ,
Đại sự xin nhường lớp hậu sinh.
                                         ==***==

Ghi chú: 1. Nguyễn Hữu Bài (1863-1935): quê ở làng Cao Xá, h.Vĩnh Linh, t.Quảng Trị. Thiên chúa giáo. Thượng thư bộ Lại.
                2. Tôn Thất Đàn (1873 -1936): quê ở Thừa Thiên Huế. Tt bộ Hình. (là cụ thân sinh của GS. Tôn Thất Lang, GS. Tương Lai (Nguyễn Phước Tương), GS  Nguyễn thị Ngọc Toản (vợ Trung tướng Cao Văn Khánh).
                3. Phạm Liệu ( ? ...?...  ): quê ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Tt bộ Binh.
                4. Võ Liêm (  ? …  ?... ): quê ở Hương Thủy, Thừa Thiên. Tt. Bộ Lễ.
                5. Vương Tứ Đại ( ?     ?  ): quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa, Tt. Bộ Công.
                                             ==00==
Bài 3:
           
                             “NGẪM SỰ ĐỜI”  
                            
Bài thơ “Ngẫm sự đời” của vua Tự Đức là một bài thơ chữ Nôm, thể loại Đường luật (Thất ngôn- bát cú) đã nói lên nỗi niềm tâm sự của ngài về cuộc đời với mối quan hệ gia tộc và xã hội.
           NGẪM SỰ ĐỜI
Sự đời ngẫm nghĩ , nghĩ mà ghê!
Sống gửi rồi ra thác lại về
Khôn dại cùng chung ba tấc đất
Giàu sang chưa chín một nồi kê
Tranh giành trước mắt, mây tan tác
Đày đọa sau thân, núi nặng nề
Thử đến hỏi Tiên, Tiên chẳng thấy
Gượng làm chút nữa để mà nghe…
Ngay hai câu đầu “mở đề”, ta có thể hiểu được nhà vua cảm thấy lòng mình ngao ngán với sự đời thực tại:
Sự đời ngẫm nghĩ , nghĩ mà ghê!
Sống mãi rồi ra thác lại về
Ngài cho rằng, cứ sống mãi với nhiều chuyện rắc rối làm chi rồi cũng đến lúc chết cả thôi.
Đến hai câu tiếp là hai câu “thực”, tác giả muốn nói lên một triết lý là người khôn, kẻ dại cuối cùng cũng chung số phận về với đất mà thôi, chẳng còn ý nghĩa gì:
Khôn dại cùng chung ba tấc đất
Giàu sang chưa chín một nồi kê
Và giàu sang rồi cũng không được dài lâu, bền vững.
Từ triết lý cuộc đời như thế, ngài đã dẫn đến hai câu “luận”:
Tranh giành trước mắt, mây tan tác
Đày đọa sau thân, núi nặng nề
Việc tranh giành nhau quyền lợi, địa vị đã mất mát tình nghĩa, làm tổn thất nặng nề đến đạo lý gia đình, tộc phái. Hai câu này nói lên tâm trạng của nhà vua rất buồn trong hoàn cảnh anh em ruột thịt đã mất đoàn kết muốn hại nhau làm tổn thương đến họ hàng, làng xã…
Cuối cùng hai câu “kết” của bài thơ nói lên sự bế tắc nỗi buồn của nhà vua được chưa giải tỏa:
Thử đến hỏi Tiên, Tiên chẳng thấy
Gượng làm chút nữa để mà nghe…
Ngài không còn hy vọng gì đến đấng thần tiên để giải cứu ưu phiền cho mình nữa mà đành theo số phận cố chịu đựng gắng gượng làm vua để mà nghe thêm những điều thiên hạ luận bàn, phán xét chuyện đời mà thấm thía tiếp thu…
                                                              ===000===
Ghi chú: Vua Tự Đức (1829 - 1883), tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, con trai thứ hai của vua Thiệu Trị. Ông trị vì đất nước suốt 36 năm (1847-1883) là ông vua nhà Nguyễn trị vì đất nước lâu nhất  trong số 13 vua nhà Nguyễn.
Bài 4:
Đến với bài thơ THĂNG LONG HOÀI CỔ của bà Huyện Thanh Quan
                 (Nguyễn Hồng Trân sưu tầm và bình luận)


“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh ấy người đây luống đoạn trường”  
                      ==00==
Bài thơ này đã ra đời sau sự kiện lịch sử ở nước ta là sau khi Nguyễn Ánh kéo quân đến Thừa Thiên đánh quân Tây Sơn để chiếm lại kinh thành Phú Xuân, rồi lên ngôi vua và đặt niên hiệu Gia Long vào năm 1802. Từ đó thành Thăng Long (Hà Nội) chỉ còn là Cố đô mà thôi.
Lời thơ trong bài HOÀI CẢM này mang đậm âm hưởng hoài niệm với sự tiếc nuối một thời vàng son dĩ vãng.
Trong hai câu đầu mở đề, tác giả đã cho hiện lên như một lời trách móc thời thế đã tạo ra một khung cảnh buồn lắng, âm thầm trong trời đất:

          Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương

Tiếp đến hai câu thực như một bức tranh ảm đạm ở chốn thần kinh xưa. Đường sá, cỏ cây đìu hiu; nhà cửa, lâu đài khuất bóng mặt trời:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Sau đó là hai câu luận rất hay là tác giả đã liên tưởng đến những vật vô tri, vô giác mà như có linh hồn đang tự ái, tủi thân và giận hờn qua bao năm tháng sầu bi:

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương

Sau cùng là hai câu kết thật là tài tình. Bà ta đã đưa ra một triết lý về nhân sinh quan của hậu thế gắn liền với giá trị tình cảm con người trong đời sống thực tại:

Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh ấy người đây luống đoạn trường.
                            ==00== 
Ghi chú:
  Bà huyện Thanh Quan (Nguyễn Thị Hinh) sống ở đầu thế kỷ XIX, quê ở làng Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận (nay Từ Liêm, Hà Nội), là vợ ông Lưu Nguyên Ôn,người làng Nguyện Áng, huyện Thanh Trì, nay thuộc Hà Nội, ông đã từng làm Tri huyện Thanh  quan (Thái Bình).Vì thê, người ta quen gọi bà là Bà huyện Thanh Quan.

Không có nhận xét nào: