Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TRÍ TUỆ CỦA SINH VIÊN

                     VẤN ĐỀ PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC
                            TRÍ TUỆ CỦA SINH VIÊN

                                            ***00***
                                                Nguyễn Hồng Trân
                                       (Cựu GVC- Đại học khoa học -Huế)

Việc chăm lo, tạo điều kiện cho sinh viên đại học phát triển năng lực trí tuệ là điều rất mong muốn của các trường đại học hiện nay. Để thực hiện được điều đó, các trường đại học không những chỉ đào tạo cho sinh viên [SV] nắm vững những tri thức cơ bản về lý thuyết và thực hành; kỹ năng và kỹ xảo cần thiết của một lĩnh vực ngành nghề nào đó mà còn phải tạo cho SV được một “vốn liếng” về phương pháp luận khoa học và một lối tư duy hiện thực khách quan để họ có được một năng lực trí tuệ tối thiểu ban đầu nhằm tiến bước vào đời một cách tự tin chủ động, sáng tạo.
Cuộc sống và hoạt động của sinh viên đại học ngày nay trong nhà trường rất phong phú, hấp dẫn nhưng cũng lắm điều phức tạp. Những SV nào biết thương cha mẹ, kính trọng thầy cô, quí mến bạn bè và biết tự mình làm chủ trong sinh hoạt, học tập giải trí sẽ tìm nhanh ra được con đường đi cho mình một cách hợp lý để phát triển tài năng trí tuệ.
Phải nói rằng, trong một khoảng thời 4 đến 5 năm trong trường đại học, người SV cảm thấy tuổi xuân bắt đầu có ý nghĩa. Vì phải gặp bao nhiêu điều, lo bao nhiêu chuyện... Nào là nên ăn cơm bụi, hay tự nấu ăn? nào là nên ở nội trú hay ở ngoài? nào là chuyện nên dạy thêm, học thêm? nào chuyện giao lưu với bạn bè, chuyện sinh hoạt học thuật v.v... Thật là nhiều trăn trở với cuộc đời, nhiều suy nghĩ trước những biến động của môi trường, xã hội và nhiều cảm xúc của tâm hồn khi tuổi thanh niên SV đang bừng lên, rạo rực... Những yếu tố mới theo tháng ngày cứ dồn dập đến, đòi hỏi họ phải tự mình tìm cách giải quyết cho yên tâm để học tập.
Những năm vào trường đại học là giai đoạn phát triển hoàn thiện về thể chất và tinh thần của lứa tuổi thanh niên. Người SV đại học bắt đầu hình thành phong cách riêng cho mình. Đặc biệt ở thời kỳ này họ có những khả năng nhạy cảm trí tuệ rõ nét. Do đó, những người làm công tác giáo dục đào tạo trong nhà trường phải hết sức quan tâm, tạo điều kiện cho lớp trẻ SV đại học có dịp phát huy năng lực trí tuệ một cách kịp thời. Cần có những chương trình nội khóa và ngoại khóa cho thích hợp, thú vị. Về nội khóa, cần chú ý đến các dạng bài tập lớn, những tiểu luận, chuyên đề, luận văn v.v... gắn liền với ngành nghề và có ý nghĩa thực tiễn thiết thực. Còn về chương trình ngoại khóa, nên tổ chức cho SV đi tham quan, kiến tập thực tế, mời những người có kinh nghiệm và trình độ nói chuyện về khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội, an ninh pháp luật v.v... để tăng cường thêm nhận thức lý luận và thực tế. Ngoài ra, thỉnh thoảng nên tổ chức những buổi giao lưu văn hóa, nghệ thuật, âm nhạc... Những hoặt động như thế sẽ làm hứng thú cho SV để tạo nguồn năng lượng cho việc phát triển trí tuệ toàn diện và thường xuyên.
Thực ra, việc phát triển năng lực trí tuệ của SV đại học là một vấn đề đầy khó khăn phức tạp nhưng rất lý thú trong giáo dục đào tạo. Trước đây, một số người quan niệm rằng: Phát triển trí tuệ chỉ là phát triển các thao tác tư duy, có người lại cho rằng: Trí tuệ là hệ thống các tri thức được tổ chức tốt. Ngày nay, chúng ta quan niệm trí tuệ bao gồm cả số lượng và chất lượng tri thức đã tích lũy được về cả chất lượng các thao tác tư duy để nhận thức và vận dụng. Năng lực hoạt động của trí tuệ bảo đảm cho con người thực hiện mục đích có hiệu quả và là cơ sở của sự thông minh và sáng tạo. 
          Những thành tựu mới của tâm lý học giáo dục hiện đại đã khẳng định rằng: Có thể bồi dưỡng, rèn luyện trí thông minh cho học sinh, SV. Đặc biệt là đối với SV đại học cần bồi dưỡng năng lực tư duy độc lập, sáng tạo; tư duy lý luận và thực tiễn nghề nghiệp. Đây là một nhiệm vụ quan trọng trong quá trình giáo dục đào tạo ở bậc đại học. Bởi vì có những lý do chính sau đây:
          + Bản thân việc học tập ở bậc đại học mang tính chất nghiên cứu và dần dần phải tiếp cận với quá trình nhận thức của nhà khoa học và công nghệ.
          + Hoạt động học tập ở đại học là một hoạt động học nghề ở trình độ cao. SV phải biết vận dụng các tri thức của các khoa học cơ bản và cơ sở vào chuyên ngành của mình. Muốn thế, người SV phải có năng lực độc lập suy nghĩ và tư duy nghề nghiệp.
          + Trong thời đại cách mạng khoa học kỹ thuật hoạt động nghề nghiệp tương lai của SV phải mang tính sáng tạo. Họ phải đứng trước nhiệm vụ hiện đại hóa đất nước; đứng trước những tình huống luôn luôn đổi mới mà suy nghĩ và hành động cho phù hợp với tiến trình phát triển của xã hội.
          + Con người mới của thời đại chúng ta là con người có tinh thần trách nhiệm cao,  có ý thức tập thể một cách khách quan; con người có ý thức chủ động sáng tạo. Cán bộ được đào tạo từ các trường đại học ra phải đi đầu trong vấn đề này. Nghĩa là họ không những tự tìm kiếm được việc làm cho mình mà còn có khả năng tạo ra được việc làm cho người khác trong xã hội nữa. Họ không những biết cách tìm kiếm, cập nhật và khai thác kịp thời các thông tin về các vấn đề xã hội quan tâm mà còn có khả năng hình thành và chuyển tải các thông tin một cách năng động, có chất lượng đáng tin cậy.
          Để có thể phát triển được năng lực hoạt động trí tuệ của SV đại học thì cần phải rèn luyện bồi dưỡng cho họ những năng lực chủ yếu sau đây:
*Thứ nhất là năng lực định hướng cơ bản trong cuộc sống cũng như trong khoa học. Định hướng là điều kiện cần thiết để phản ảnh đúng đắn thế giới quan bên ngoài và để tác động một cách hợp lý với quy luật lên thế giới đó. Nói một cách dễ hiểu hơn, đó là biết cách huy động, sắp đặt các năng lực chủ quan của cá nhân vào quy trình phát triển đời sống nghề nghiệp của bản thân gắn liền với hoàn cảnh thực tế của xã hội. Khi có được năng lực định hướng tốt, SV có thể phân biệt được nhiều vấn đề phức tạp và tự mình tìm ra cách giải quyết cho những tình huống khác nhau. Nghĩa là phải hướng dẫn cho SV cách thức xác định mục đích cần đạt tới, đối tượng để thực hiện và gợi ý những con đường dẫn tới đó. Sau đó đương nhiên, họ tự mình lựa chọn con đường thích hợp cho bản thân họ để tiến hành đạt tới đích có thành quả. Lấy một thí dụ nhỏ: Chẳng hạn việc SV làm "gia sư " dạy thêm là đúng hướng với mục đích cải thiện đời sống là chính đáng. Nhưng dạy cho đối tượng nào và dạy những vấn đề gì? Là phải tính liệu cho sát với khả năng trình độ hoàn cảnh của bản thân mình mới bảo đảm thành công được.
*Thứ hai là năng lực tư duy trừu tượng, tư duy lý luận. Trong các trường đại học, SV cần được rèn luyện kỹ năng phân tích được những dấu hiệu chung thuộc bản chất của sự vật  và những hiện tượng khách quan. Nói một cách khác là phải biết trừu tượng hóa và khái quát hóa vấn đề để từ đó có thể hoàn thành những khái niệm trừu tượng, nắm được cơ bản các qui luật khoa học. Điều này không dễ dàng, mà phải chịu khó hướng dẫn cho SV tập luyện nhiều các thao tác tư duy cơ bản khác nhau như phân tích, tổng hợp, so sánh, cụ thể hóa, mô hình hóa v.v... Dĩ nhiên phải biết kết hợp chặt chẽ giữa tư duy trừu tượng (tư duy bằng khái niệm) và tư duy cụ thể (tư duy bằng hình tượng). Có như vậy SV đại học mới có thể đi sâu vào nghiên cứu được những vấn đề phức tạp trong xã hội.
* Thứ ba là năng lực biểu đạt thông tin và phát triển ngôn ngữ. Đây là một vấn đề quan trọng trong khâu chuyển tải thông tin khoa học. Bởi vì vào học ở bậc đại học SV tiếp xúc với nhiều môn học, nhiều thuật ngữ mới. Do đó SV phải hiểu biết các thuật ngữ đó để khi diễn đạt ý của mình được rành mạch, rõ ràng, chặt chẽ, chính xác.
Ngoài ra các thầy cô cũng nên khuyên bảo các em SV phải học cách giao tiếp, diễn đạt lời ý lưu loát, suôn sẻ rõ ràng trước đám đông hay một đối tượng nào đó. Tục ngữ có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Cái gì có học hành cũng có hơn. Phải tập luyện nhiều lần cách nói năng mới quen được; mới có phản xạ nghĩ nhanh ra lời ý để nói cho phù hợp mà không lúng túng. Nhất là khi diễn đàn, phát biểu ý kiến không những chỉ thực hiện nội dung súc tích, sinh động, thông tin có chất lượng cao mà còn phải lưu ý đến âm lượng giọng cũng hài hòa, tốc độ nói vừa phải không cập rập, nói lắp bắp, ngập ngừng, làm điệu hoặc “bốc phét” dài dòng... Người nói phải nhạy cảm, phải biết kết thúc cuộc nói chuyện hay lời phát biểu của mình khi người nghe chưa kịp chán. Trong thực tế, nhiều vị đã thành công trong tập luyện cách phát biểu, diễn thuyết hay trả lời người phỏng vấn.
* Thứ tư là năng lực di chuyển các hành động trí tuệ. Đây là năng lực vận dụng các cách thức và biện pháp hành động trí tuệ đã nắm được vào những đối tượng và quá trình mới. Nghĩa là SV đại học phải biết nắm chắc các nguyên tắc cơ bản của khoa học và biết vận dụng một cách sinh động, hợp lý vào các ngành khoa học tương tự hoặc trái lại, khi thấy xuất hiện những cái mới cái hay ở ngành khác ta lại có thể liên hệ vào ngành mình để vận dụng. Chính nhờ có năng lực này mà giúp cho người ta có thêm nhiều sáng kiến, kinh nghiệm trong KHKT và kinh tế.
* Thứ năm là năng lực dự đoán khoa học. Năng lực này được dựa trên cơ sở nắm vững những qui luật của tự nhiên và xã hội nói chung và của chuyên môn mình nói riêng. Nó đòi hỏi phải có kỹ năng quan sát, phân tích so sánh, tìm ra các mối quan hệ giữa các hiện tượng và tác động của chúng. Mặt khác, phải có khả năng suy luận tương tự, kỹ năng suy luận diễn dịch và qui nạp mới thực hiện được khả năng dự đoán có giá trị. Có thể nới rằng đây là năng lực tầm cao của trí tuệ. Do đó, ở các trường đại học ngày nay đang chú ý quan tâm bồi dưỡng năng lực này cho thế hệ trẻ trí thức.
* Thứ sáu là năng lực tổ chức lao động một cách khoa học. Nghĩa là phải biết tổ chức việc học tập, nghiên cứu, lao động trí óc và lao động chân tay một cách hợp lý có kế hoạch. Đồng thời cần phải biết cách khai thác thông tin tư liệu, biết tích lũy kiến thức và vận dụng sở trường, thế mạnh của bản thân để hoạt động trí tuệ có chất lượng. Mặt khác, SV phải thường xuyên rút kinh nghiệm về phương pháp học tập và nghiên cứu của mình để tự tìm ra cách thức tự học sao cho có hiệu quả nhất.
* Thứ bảy là năng lực vận động trí thức vào hoạt động thực tiễn. Thực ra, đây là năng lực tổng hợp của các năng lực đã nói ở trên. Nghĩa là có đủ các nguyên vật liệu rồi bây giờ phải biết làm ra sản phẩm thiết thực. Điều này rất quan trọng. Nó cũng phải có quy trình phương thức, liều lượng, công nghệ v.v... mới thành được sản phẩm tốt. Qua thực tế sẽ giúp ích cho các nhà khoa học những bài học vô cùng quí báu về mối quan hệ giữa lý thuyết và thực hành.
 Đặc biệt, muốn rèn luyện giáo dục thành công những năng lực hoạt động của trí tuệ SV như trên, cần phải làm cho SV hiểu được các phẩm chất của trí tuệ cần phải có. Theo quan điểm của GS. Lê Khánh Bằng (nhà tâm lý học giáo dục sư phạm) thì có ba phẩm chất chính sau đây:
1. Thể hiện được tích hợp dung lượng của trí tuệ, nghĩa là có khả năng bao quát về lĩnh vực chuyên ngành của mình và hiểu thêm được các khoa học kế cận liên quan. Hiểu được cốt lõi các hiện tượng và bản chất của sự vật liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ để có thể xử lý được các vấn đề phát sinh và phát triển.
2. Thể hiện tính độc lập của trí tuệ. Tức là phải tự mình biết đánh giá một cách khoa học các ý kiến, các công trình của người khác và của bản thân được chủ động, khách quan. Đặc biệt là biết phê phán phương pháp suy nghĩ của mình: có gì chưa logic, chưa thiết thực?
3. Thể hiện tính mềm dẻo, năng động của trí tuệ. Nghĩa là biết lật đi lật lại vấn đề. Tránh hời hợt cứng nhắc, phiến diện hoặc do ảnh hưởng bệnh nghề nghiệp mà làm méo mó bản chất của vấn đề. Phải biết vận dụng tri thức vào những hoàn cảnh khác nhau để tìm ra nhiều phương án giải quyết. Từ đó chọn được phương án tối ưu để thực hiện.
Tóm lại, khi phát triển tốt được các năng lực và phẩm chất của trí tuệ như thế, SV đại học sẽ trở thành những con người chủ động, sáng tạo và tự tin. Họ có thể giải quyết đúng đắn và linh hoạt những tình huống khó khăn đột xuất khác nhau trong thực tế cuộc sống và công trình khoa học kỹ thuật một cách đúng đắn, hợp lý.

                                                                   N.H.T


                  

Không có nhận xét nào: