Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

HỒ GƯƠM HÀ NỘI TRONG TÔI...

      HỒ GƯƠM HÀ NỘI TRONG TÔI, NGÀY ẤY…
                                     *****  
                         Nguyễn Hồng Trân    
Ngày xưa tôi ở Huế cùng gia đình, thời còn thơ đang đi học tiểu học, cũng như khi trở về quê Quảng Trị học cấp II, cho đến sau hoà bình (1954), tôi ra học trường cấp III Phan Đình Phùng, thị xã Hà Tĩnh, tôi rất thích đọc những chuyện về Hà Nội và cứ say mê với những cảnh vật và con người Hà Nội rồi cứ mong ước rằng: “Bao giờ mình được ra Hà Nội để được mắt thấy, tai nghe tận hưởng những gì mình yêu thích trân trọng tại xứ đô thành Thăng Long - Hà Nội cổ xưa này, là trái tim của Tổ quốc”.
Thế rồi năm Đinh Dậu (1957), Tôi được ra học ở Hà Nội. Tôi rất vui mừng vì mong ước của tôi đã thành sự thật. Trong thời gian đầu, tôi dành thời gian những ngày nghỉ học là rủ bạn bè đi tham quan đó đây trong thành phố để chiêm ngưỡng những gì mà bấy lâu nay mình chỉ biết qua sách báo, tiểu thuyết, hình ảnh, v.v…
Chúng tôi những đứa học sinh, sinh viên từ miền Trung ra đây đều thích thú dạo chơi tham quan Thủ đô Hà Nội. Không ai nói với ai nhưng đều có chung một ý nghĩ dự định sẽ đi những nơi nào trước, nơi nào sau. Trước tiên là đi chơi quanh bờ hồ Hoàn Kiếm vài lần để khảo sát những gì diễn biến thường nhật trước cảnh quan biểu trưng của đất Hà thành, rồi lên Văn Miếu Quốc Tử Giám, sang đền Quán Thánh, đến hồ Tây, hồ Trúc Bạch, rồi qua Công viên Bách Thảo, đến chùa Một Cột, chùa Láng, gò Đống Đa, v.v…

Vào những ngày Chủ Nhật trong năm đầu tiên đến Hà Nội, tôi đã đi chơi tham quan những danh thắng của Thủ đô theo trình tự kế hoặch như đã nêu trên. Trước tiên, tôi đi thăm chơi Hồ Hoàn Kiếm. Tôi đi dạo quanh hồ Gươm ngắm cảnh và nhìn người qua lại ven bờ thấy ai cũng tươi vui hồ hởi mà lòng tôi cứ lâng lâng phấn khởi như được lọt vào chốn bồng lai thiên cảnh nên thơ của đất nước. Dạo xong một vòng quanh bờ hồ, tôi ngồi lại trên một chiếc ghế đá rồi nhìn Tháp Rùa cổ kính đang soi mình dưới hồ nước trong xanh, nhìn chiếc cầu gỗ Thê Húc nho nhỏ, màu nâu đỏ, dáng cong cong nối liền Tháp bút với đền Ngọc Sơn… Lúc ấy lòng tôi xúc cảm làm mấy câu thơ:
Tháp Rùa in bóng xuống hồ,
Gió đưa hàng liễu ven bờ soi gương.
Về đây người khắp bốn phương,
Ngắm nhìn phong cảnh vấn vương tơ lòng.

Tôi cứ nhìn mãi những cảnh vật đó một cách thích thú, thân thương rồi nhớ lại về chuyện một sự tích truyền thuyết về hồ Gươm:
 
Truyền thuyết kể tiếp rằng Lê Lợi bắt được một thanh kiếm thần tại đây. Với thanh kiếm này Lê Lợi đã đánh đuổi được quân Minh và lên làm vua lấy hiệu là Lê Thái Tổ, lập ra nhà Hậu Lê (1428-1788). Trong buổi lễ mừng thắng lợi dẹp tan quân nhà Minh Trung Quốc, Lê Thái Tổ cùng quần thần bơi thuyền ra hồ Thủy Quân (Vì vào thời Lê, hồ còn được dùng làm nơi tập luyện của thuỷ quân nên được gọi là hồ Thuỷ Quân). Ra giữa hồ, có Rùa Vàng nổi lên mặt nước, chắn trước thuyền của vua gọi to:
- Xin nhà vua hãy hoàn lại gươm thần cho Long Vương!
Lê Thái Tổ rút gươm trả, rùa vàng ngậm lấy gươm lặn xuống nước đi mất. Từ đó hồ Thuỷ Quân được đặt tên là hồ Hoàn Kiếm.

Trên hồ có hai hòn đảo: Đảo NgọcĐảo Rùa. Trên Đảo rùa về sau xây Tháp Rùa, (Theo nhiều tài liệu lịch sử có khác nhau về  thời gian xây cất Tháp Rùa, nhưng theo một kết luận của tài liệu phân tích kỹ qua những sử liệu của nhà nghiên cứu Nguyễn Dư thì Tháp Rùa được xây toàn bộ trong khoảng từ tháng 6 năm 1884 đến tháng 4 năm 1886).   
Còn trên Đảo Ngọc thì xây chùa Ngọc Sơn. Sau đổi thành đền Ngọc Sơn thờ Thánh Văn Xương và Trần Hưng Đạo. Năm 1864, nhà nho
Nguyễn Văn Siêu đã đứng ra sửa sang lại cảnh đền. Trên gò Ngọc Bội, ông cho xây một ngọn tháp hình bút. Đó là tháp Bút ngày nay.

Trong thời gian khá dài tôi sinh sống, học tập rồi giảng dạy tại Hà Nội (từ năm 1957 – 1976), tôi hay đến hồ Hoàn Kiếm dạo chơi. Nhất là về mùa hè và mùa thu người ta dạo chơi nhiều nên rất vui.Có lần nhiều người đứng xúm lại ven bờ hồ xem những con rùa lên nằm phơi nắng chung quanh    Tháp Rùa. Đặc biệt rất lâu mới có một cụ Rùa lớn nỗi lên giữa hồ làm cho không khí rộn ràng quanh hồ do người ta đổ xô đến xem, chụp ảnh, quay phim…
Rồi những ngày Tết Nguyên Đán hàng năm, người ta dạo chơi quanh hồ thành từng đoàn, từng toán vui cười tán chuyện thích thú. Nhất là đêm 30 Tết, lớp thanh thiếu niên và những người chưa già đi chơi gần hết đêm trên các đường phố lân cận hồ Gươm rồi đến 12 giờ cùng nhau trở về đền Ngọc Sơn nghe loa phóng thanh lời Bác Hồ chúc Tết đầu năm mới. Sau đó, mọi người đua nhau đi hái lộc đầu xuân. Mấy đứa sinh viên chúng tôi cũng hái lộc (những cành đọt lá non trên các cây xanh trước đền Ngọc Sơn).
Không khí mừng Tết, đón xuân ở Thủ đô Hà Nội thật tuyệt diệu. Thời tiết dễ chịu, hơi se lạnh, có năm bay bay mưa phùn dưới ánh điện quang  trên mặt hồ như một màn kim tuyến trắng đục mơ màng lại càng tô điểm thêm cho không gian Hà Nội đêm đón Giao thừa. Và Hồ Hoàn Kiếm có thể nói là nơi tụ điểm của bao lớp người Thủ đô đến vui Tết mừng xuân năm mới.
Mặt khác, nơi đây là nơi đầu mối của các bến đỗ chính cho các tuyến đường tàu điện chạy trong thành phố như đường về Hà Đông, đường sang Cầu Giấy, đường tới Yên Phụ, đường lên Bách Thảo, đường về Bạch Mai,v.v…
Tôi cũng như các bạn học sinh, sinh viên, thầy giáo và nhiều người dân Hà Nội thường đi lại bằng tàu điện. Do đó, tiếng leng keng của tàu điện mỗi khi dừng lại và khởi hành cứ vang vọng ban ngày cũng như ban đêm đã thành cái âm thanh lưu niệm trong mọi người nhớ mãi cái thời Hà Nội xưa.
Bây giờ tôi ở thành phố Huế tuy xa Hà Nội cả không gian và thời gian, nhưng tôi vẫn cảm thấy gần Hà Nội mỗi khi thấy hình ảnh Hồ Gươm xuất hiện. Nơi đây đã đã để lại nhiều kỷ niệm nồng thắm trong tôi từ thời xa xưa ấy.
                               ==00==

Không có nhận xét nào: