Thứ Sáu, 26 tháng 10, 2012

TRƯỜNG LỤC QUÂN VIỆT NAM ĐẦU TIÊN

             TRƯỜNG LỤC QUÂN VIỆT NAM         
                                                        Nguyễn Hồng Trân

Vào xuân năm Tân Mão 2011 này, tôi có dịp đến thăm mấy bác cựu chiến binh cùng sinh hoạt trong Hội giáo chức hưu trí của trường Đại học Khoa học Huế với tôi. May mắn cho tôi là được chuyện trò với bác Lê Quang Minh là một cựu học viên trường Lục quân Trung học Quảng Ngãi ngày xưa. Bác Minh năm nay đã trên 85 tuổi nhưng vẫn còn minh mẫn, tinh tường kể lại cho tôi nghe tỷ mỷ về tồn tại lịch sử một thời của mái trường này.
Tôi hỏi bác Minh:
-Xin bác cho biết mục đích và ý nghĩa của sự ra đời mái trường này được không?
-Được chứ! –Bác ấy cười vui và nói tiếp:
“Có thể nói rằng sự ra đời của Trường Lục quân Trung học Quảng Ngãi
[LQTHQN] là một sự kiện nổi bật của lịch sử xây dựng quân đội ta trong những năm đầu mới thành lập. Trường này tuy chỉ tồn tại gần 6 tháng (1/6/1946 – 22/11/ 1946) nhưng đã có tiếng vang về hiệu quả đào tạo cấp tốc được các sĩ quan sơ cấp quân đội ta để phục vụ cho các chiến trường chống giặc Pháp tái xâm lược nước ta. Các giảng viên và học viên của trường này, về sau có nhiều người đã trở thành các sĩ quan cao cấp và các anh hùng liệt sĩ danh tiếng của Quân đội Nhân dân Việt Nam”.
-Bác có còn nhớ về cái thời thành lập trường này và cách tổ chức học tập, huấn luyện lúc bấy giờ thế nào không?
Bác ấy có đem ra cho tôi xem một quyển kỷ yếu nhỏ “50 năm Trường Lục quân Trung học Quảng Ngãi (1/6/1946-1/6/1996), trong đó có nhiều bài viết và nhiều hình ảnh của các học viên và giáo viên của nhà trường thời đó. Bác ấy vừa nói rành rọt kể cho tôi nghe, vừa chỉ vào những đoạn trong sách đã nhắc đến tên của các Ban lãnh đạo nhà trường, các giảng viên, các vị phụ trách Tổng đội, Ban huấn luyện, Ban Chính trị, Ban Hành chính Quản trị và các học viên nhà trường, v.v…
Lúc đó tôi vừa nghe bác Minh giải thích vừa ghi chép nội dụng của vấn đề bác trình bày:
“Trường này tọa lạc tại ví trí đồn lính Khố đỏ cũ của Pháp, nay là phường Trần Phú thành phố Quảng Ngãi. Trường LQTHQN, lúc đầu được tổ chức gọn nhẹ, chặt chẽ. Lúc đó Ban lãnh đạo của nhà trường gồm có: Hiệu trưởng:  tướng Nguyễn Sơn (Chủ tịch UBKC miền Nam Trung bộ), dưới Hiệu trưởng là Tổng đội, gồm có 4 Đại đội. Tổng đội trưởng: Phạm Kiệt, Tổng đội phó: Nguyễn Thuận; Chính trị viên: lúc đầu là Nguyễn Chính Giao, sau đó là Đoàn Khuê.
Nhà trường chia ra các ban trực thuộc Tổng đội gồm:
-Ban huấn luyện - tác chiến do ông Phan Hàm trưởng Ban.
-Ban chính trị do ông Lê Văn Nhiều trưởng Ban. Ban này phụ trách luôn các tổ như tổ giáo vụ, tổ nghiên cứu chủ nghĩa Mác-Lê Nin….
-Ban Hành chánh quản Trị: đầu tiên là đ/c Du Phong (tức Nguyễn Chính), về sau là đ/c Ngô Kiên, cuối cùng là đ/c Trần Ren.
-Các giảng viên Chính trị, triết học, Lịch sử… lúc đó có nhiều cán bộ tham gia giảng dạy như: Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Chánh, Nguyễn Sơn (Hiệu Trưởng), Trần Lương (Trần Nam Trung), Đoàn Khuê, Đào Văn Trường, Hoàng Minh Thi, Lê Duẩn (nhân vào Nam công tác ghé qua Quảng Ngãi).
Đặc biệt có các giảng viên nước ngoài như: Hai người Áo có tên Việt là Hồ chí Dân và Hồ Chí Long (giảng về Duy vật biện chứng và Duy vật lịch sử, về binh khí học). Về quân sự gồm các sĩ quan Nhật Bản đã theo cách mạng Việt Nam như các ông: Đông Hưng (tên Nhật là Camô), Minh Ngọc (Mitsunobu-Nakahara), Phan Lai (Igari), Minh Tâm(Satô), Nguyễn Văn Thống (Ishii-Taku, nguyên thiếu tá quân Nhật) và Phan Huệ (không rõ tên Nhật).
Bên cạnh các sĩ quan người Nhật đó (mỗi người phụ trách một đại đội) còn có các cán bộ quân sự của ta như: C1 là đồng chí Hiền(Lộc) và Thành, C2 là đồng chí Bằng và Thám, C3 là đồng chí Trường và Thắng, C4 là đồng chí Phi Hùng(Mùi) và Tham.
Về việc tuyển sinh vào trường LQTHQN, chính tướng Nguyễn Sơn cũng đã dựa theo chỉ thị của Bác Hồ, như đ/c Phan Phác (nguyên cục trưởng Cục quân huấn) lúc đó đã nhận được chỉ thị của Bác về tiêu chuẩn chiêu sinh: “Tuyển chọn trong những thanh niên có lòng yêu nước, tình nguyện vào quân đội, đầy đủ sức khoẻ. Về trình độ văn hoá đối với dân tộc kinh thì tương đương học vấn Thành chung(cấp II) trở lên, nhưng với dân tộc ít người thì Primaire
(Tiểu học) cũng được, với các chiến sĩ đang ở mặt trận đã dũng cảm, trung kiên với độc lập thì văn hoá lấy thấp một chút và được ban Chỉ huy mặt trận, đoàn thể giới thiệu cũng được xem xét”. Người còn chỉ thị: “Chương trình huấn luyện quân sự phải thật cụ thể theo cách đánh, khả năng trang bị của ta, về chính trị phải bồi dưỡng lòng yêu nước thương dân”(trích Hồi ký của Hồ Đệ (Thiếu tướng)và bài của Trần Đình Mai(Đại tá) - cựu học viên C3 trường LQTHQN  1946, tập kỷ yếu 50 năm trường LQTHQN (1.61946—161996,tr.60).
Về việc tuyển sinh của nhà trường, ông Lê Quang Minh cựu học viên trường LQTHQN –đơn vị C3 (hiện nay đang ở Huế tại số nhà mới 382 Chi Lăng tp. Huế) cho biết:
-Thi tuyển sinh lần thứ I: Đối tượng gồm các thanh niên cả nước về Quảng Ngãi dự thi rất đông khoảng trên 500 người. Nội dung thi văn hoá là các môn: Toán, Lịch sử, Địa lý (tương đương cấp 2). Tiêu chuẩn sức khoẻ: Thể lực 50 Kg trở lên, nam cao 1,6 mét, không bệnh tật… Kết quả tuyển sinh lần thứ I chỉ trúng tuyển khoảng 30%. Số đông bị hỏng thi. Họ rất buồn và lo lắng, trong đó có tôi.
-Thi tuyển sinh lần thứ II: Sau khi đi kiểm tra chiến trường miền Nam về, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Sơn cho tổ chức thi tuyển lần thứ II. Yêu cầu trình độ văn hoá tương đương tiểu học (primaire), về thể lực có linh động hơn… Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Sơn đã nói với nội dung là: Đây là trường Lục quân Trung học, đào tạo cán bộ quân sự trung cấp, hơn nữa đất nước ta còn nghèo, bao năm bị nô lệ, làm sao nhiều thanh niên có học lực cao được! Mặt khác, thực dân Pháp đang âm mưu xâm lược đất ta một lần nữa, nên chúng ta phải đào tạo gấp tốc nhiều cán bộ quân sự cho đất nước để chống ngoại xâm.

Nhờ có nhận định sáng suốt của thầy Hiệu trưởng như thế nên tổ chức thi lần thứ II trúng tuyển khá nhiều, trong đó có tôi (Lê Quang Minh). Mọi người nhập học rất phấn khởi và quyết tâm học hành luyện tập cho xứng đáng với học viên trường LQTHQN.
Đồng chí Minh kể tiếp: “Trong một buổi nghe thầy Hiệu trưởng nói chuyện về tình hình chiến sự Pháp tấn công ra Nha Trang và Buôn Ma Thuộc, thầy có lý luận với nội dung rằng: Mục đích giặc Pháp hiện nay là chiếm cho được Tây Nguyên để làm bàn đạp tấn công chiếm cả miền Nam Trung bộ. Nhưng chúng nó có làm được không là do chúng ta. Chúng ta phải tổ chức lực lượng quân sự mạnh, xây dựng cơ sở hậu phương vững chắc, nhằm chiến đấu để trói chân quân giặc không cho nó lấn chiếm thêm đất.
Những nhận định về địch và ta một cách sắc sảo của Hiệu trưởng thật là
hiệu nghiệm! Ta đã trói được chân giặc Pháp ở Nha Trang và Tây Nguyên, còn Liên Khu 5 vẫn là vùng giải phóng tự do cho đến ngày quân Pháp cuốn cờ về nước”.
Trường LQTHQN chủ yếu là học tập, huấn luyện quân sự chính quy của bộ binh chiến đấu, nguyên tắc tác chiến từ chỉ huy Tiểu đội lên Trung đội trong giai đoạn đầu học tập, sau đó nâng cao mức độ chỉ huy.
Giữa khoá, nhà trường tổ chức cho học viên đi thực tế từ Quảng Nam vào tận Nha Trang, Bình Thuận, Đèo Cả, Đại Lãnh, Củng Sơn, Vạn Giã, đường 19 An Khê, Tây Nguyên đến các Trung đoàn đến tham gia huấn luyện cơ bản hoặc trực tiếp dự các trận đánh với đơn vị đại đội tác chiến. Qua đó các học viên sẽ thu thập được những kinh nghiệm quý báu về việc chỉ huy chiến đấu trên thực tế trận địa.
  Thiếu tướng Phan Hàm-nguyên là Trưởng Ban Huấn luyện-Tác chiến ngày xưa của trường LQTHQN đã phát biểu nhận xét đánh giá về đào tạo của trường này như sau:
“Trong số hơn 400 học viên ra trường (chính xác là 468 người) thì đã có trên 100 người được đưa bổ sung cho phía Bắc, số còn lại thì phục vụ cho các đơn vị từ khu 5 vào đến Nam Bộ. Sự bổ sung kịp thời này đã làm giảm bớt khó khăn cho các cấp chỉ huy trên các mặt trận và ở các đơn vị…  Điều đáng chú ý nữa là: một trường quân sự, chính quy như vậy mà chỉ cách những mặt trận nóng bỏng nhất chỉ trên dưới 100 cây số cũng là điều hiếm thấy…”. Đồng chí Phan Hàm còn nói thêm:
 “Những phần quan trọng về tư tưởng quân sự thì do chính thiếu tướng Nguyễn Sơn thông qua cán bộ ta phụ trách. Cho đến nay gần 50 năm ở trong quân ngũ, được tham gia nhiều lớp huấn luyện ở trong và ngoài nước, tôi vẫn thấy bài học vỡ lòng sâu sắc nhất là bài học CẦM QUÂN của đồng chí Hiệu trưởng Nguyễn  Sơn. Bài học này tôi chưa hề thấy ở nơi nào cả !... ” (Trích đoạn bài của Thiếu tướng Phan Hàm trong tập kỷ niệm 50 năm trường LQTHQN 1/6/1946- 1/6/1996, tr.27-28).
Ai đã từng trải qua trường LQTHQN đều không thể quên những kỷ niệm xưa thật quý giá của thời trai trẻ lăn lộn luyện tập quân sự để ra tiền tuyến chống giặc ngoại xâm. Đặc biệt là họ rất vinh dự, tự hào được có một người thầy Hiệu trưởng nhà trường là một danh tướng quân đội Nhân dân Việt Nam và Hồng quân Trung Quốc -Tướng Nguyễn Sơn (1908-1956) -tên thật ở VN là Vũ Nguyên Bác, sang TQ có tên là Hồng Thuỷ. Thầy Sơn là người văn võ kiêm toàn, thông minh, sáng tạo. Điều này thể hiện rõ nét trong các bài giảng của thầy về khoa mục lý luận quân sự như về cầm quân. Đó là vấn đề có ba nội dung: biết luyện quân, nuôi quân và dùng quân.
Thầy Sơn là người sống tình cảm, trung thực với đồng bào, đồng chí cũng là người rất ghét sự hèn nhát, quan liêu…
 Những ai đã trải qua học tập và công tác tại trường LQTHQN hồi đó đều thừa nhận rằng: Hiệu trưởng Nguyễn Sơn là người rất thẳng tính, cương trực. Thầy ghét cách làm việc quan liêu, tham nhũng. Về những người phụ trách quản lý các đơn vị trong quân đội hẳn nhiều người còn nhớ câu nói của Nguyễn Sơn: “Những người lo việc nuôi quan phải liêm khiết. Những viên quản lý giữ tiền nuôi quân, nếu tham ô thì phải nghiêm trị kỷ luật nặng, không tha!..”  
Đồng chí Đỗ Minh Toại- nguyên Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ngãi trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 46 năm ngày khai giảng trường LQTHQN  có đoạn:
“Lịch sử của Quảng Ngãi gắn liền với với lịch sử dân tộc Việt Nam, của Đảng Cộng sản Việt Nam. Cùng với sự ra đời của đội Du kích Ba Tơ, trường LQTHQN của miền Nam Việt Nam đã xây dựng trên mảnh đất này, các đồng chí học viên cũ của trường đã góp phần vẻ vang cho truyền thống quê hương Quảng Ngãi chúng tôi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trong việc hình thành và xây dựng lực lượng quân đội nhân dân Việt Nam đầu tiên ở Nam Trung bộ…”
Lúc đầu trường LQTHQN dự tính chương trình đào tạo sĩ quan trong 2 năm kể cả đi thực tập. Nhưng do tình hình chiến sự diễn biến phức tạp nên UBKC Miền Nam Trung bộ được lệnh của Bác Hồ và Quân uỷ TW cho trường rút ngắn thời gian và mãn khoá trước thời hạn vào ngày 22/11/1946.
Trải qua hơn nửa thế kỷ, hầu hết thầy trò của trường LQTHQN đều có chung một nhận xét rằng: Thời gian đào tạo cán bộ chỉ huy quân sự sơ cấp của trường LQTHQN tuy ngắn hạn, nhưng đã trang bị được những kiến thức tối thiểu cơ bản về kỹ thuật, chiến thuật quân sự nhằm đáp ứng được yêu cầu phục vụ kịp thời cho các chiến trường lúc bấy giờ. Đó là một thành công đáng kể.
 Nhân dịp nhớ lại 65 năm về trước có một trường LQTHQN, chúng ta hãy cùng nhau nhớ lại chuyện xưa về mái trường này để un đúc thêm niềm tự hào về sự trưởng thành của quân đội ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu đã cùng với nhân dân cả nước làm nên trang sử vẻ vang cho Tổ quốc và dân tộc Việt Nam được hoà bình, độc lập và thống nhất đất nước trọn vẹn.
                                                                
                                                                N.H.T.
 Ghi chú:Bài này đã được đăng trong tạp chí “THẾ GIỚI MỚI” số 960 ngày 14/11/2011.

Không có nhận xét nào: