Thứ Bảy, 29 tháng 7, 2017


                        NHỚ MÃI CỤ BÀ CỐ NỘI CỦA TÔI
                                                           =**=
Cụ bà cố nội của tôi là Lê Thị Hoằng, ngày xưa người ta thường gọi là bà Tú Khánh. Vì cụ cố ông là Nguyễn Bá Khánh, đỗ khoa Tú tài Hán học. Trong Gia phả họ Nguyễn Bá ở làng Phú Long có ghi lại rằng, năm Tự  Đức thứ 29, tức vào năm Bính Tí (1876), thi đậu Tú Tài. Năm Thành Thái thứ 6(1894), được thưởng danh vị Hàn Lâm viện Đãi chiếu. Cụ Khánh đã từng làm quan Ngự y tại triều đình nhà Nguyễn thời vua Đồng Khánh.   
 Cụ Khánh khi làm quan ngự y cho vua Đồng Khánh đã phải đổi tên là Nguyễn Bá Chước(kiêng trùng tên vua). Đến hạ tuần tháng 12 năm Đồng Khánh thứ 3, nhà vua băng hà. Triều đình cho Thị nữ Lưu Ngân(tức Lê Thị Hoằng) về quê ở làng Cổ Thành, Triệu Phong, Quảng Trị. Lúc ấy cô Hoằng 17 tuổi. Đến 19 tuổi thì lấy chồng, bà làm vợ kế ông Tú Chước (Khánh) người làng Phú Long, Hải Lăng, Quảng Trị. Ông Chước Là một thầy thuốc Đông y danh tiếng; là con trai thứ 4 của ông Nguyễn Bá Văn (người có công khai canh sáng lập ra làng Phú Long -gốc tích từ làng Phú Xuân Huế mà ra).   
Bà Lê Thị Hoằng nổi tiếng là một người đàn bà có sắc, có tài làm giàu nhờ biết cách sử dụng hợp lý đồng tiền do hai ông bà làm ra, đồng thời biết khai thác nguồn lực sẵn có ở địa phương để phát triển kinh tế. Đó cũng là có tài về năng lực trí tuệ, nhưng điều đó thì cũng không có gì là đặc biệt vì cũng không ít người phụ nữ thời xưa đã làm được. Cái đặc biệt nhất của bà Lê Thị Hoằng là người đàn bà biết rèn luyện sức khỏe dẻo dai, thể lực vững vàng. Bà là người sinh con nhiều nhất ở tỉnh Quảng Trị và có thể là sinh con vào loại nhiều trong cả nước. Chỉ có riêng bà đã sinh đến 20 người con với 8 con trai và 12 con gái. Về sau còn 14 người con(4 trai, 10 gái) sinh sống trưởng thành đến gìa cả. Trong đó ông nội tôi là Nguyễn Bá Đàm(con trai thứ 2 của bà) và ông cũng là một thầy thuốc Đông y có tiếng tại Thị trấn Diên Sanh thuộc huyện Hải Lăng mà nhân dân thường gọi là ông Giáo Tiềm. Ông nội tôi là người con được bà Hoằng rất quý mến vì đã nối nghiệp lương y được với người cha.
Bà Lê Thị Hoằng đã giúp chồng rất đắc lực trong việc chăm sóc nuôi dạy con cháu biết tự tin, tự trọng và lo lắng việc học chữ, học nghề để lập nghiệp vững vàng trong xã hội. Bà rất thông minh biết cách đối nhân xử thế hài hòa có lí, có tình nên bà con làng xóm rất kính phục. Ngoài ra, bà còn biết đọc sách chữ Hán Nôm một số tác phẩm ngày xưa như: Cung Oán ngâm khúc, Chinh phụ ngâm, Truyện Kiều… Tôi còn nhớ hồi tôi còn là học trò 14,15 tuổi, cũng có mấy lần được nghe bà giảng giải những đoạn thơ ý nghĩa hay trong các tác phẩm đó.
Ngày:6/6/năm Giáp Ngọ (1954), bà qua đời, hưởng thọ 81 tuổi. Có lẽ hơn 60 năm qua ở cõi vĩnh hằng, bà chắc cũng tự hào rằng, các con cháu chắt của bà đã tận tâm phụng sự cho Tổ quốc, cho nhân dân trong công cuộc chống giặc ngoại xâm và sự nghiệp phát triển khoa học,văn hóa,xã hội.
Có một con trai út (Nguyễn Cung Trứ) và một cháu nội(Nguyễn Bá Vui) là liệt sĩ thời chống giặc Mỹ. Người con trai thứ ba là một nhà hoạt động chính trị có tiếng ở tỉnh là ông Nguyễn Quýnh. Có hai người con trai là thầy thuốc Đông y (Nguyễn Bá Đàm và Nguyễn Bá Chinh). Một số cháu chắt có học hàm, học vị như: Nguyễn Mạnh Duy-GS.TSKH ngành điện; Nguyễn Thanh Sơn-TS.Điện lực; Nguyễn Thị Ngân Hà-TS.Ngôn ngữ-Văn học Pháp; Nguyễn Kim Khánh-TS. CN thông tin…









Thứ Năm, 6 tháng 7, 2017


                                  NHỚ LẠI MỘT THỜI Ở HUẾ
            (Nguyễn Hồng Trân và Thái Lê Phương tự bạch)                                                  
                                             ==@@==
Sau ngày hòa bình Thống nhất đất nước Việt Nam 1975, vợ chồng tôi được sum họp và vào Huế sinh sống. Tôi (Nguyễn Hồng Trân) từ Hà Nội vào Huế theo nghề dạy học tại trường Đại học Tổng hợp -Huế (nay là trường ĐH Khoa học- Huế); còn vợ tôi(bác sĩ Y khoa) từ Đồng Hà, Quảng Trị vào làm việc tại phòng khám đa khoa thuộc Ban BVSK cán bộ của tỉnh ở Huế. Sau đó tôi đưa mẹ tôi(Phan thị Cúc) từ vùng Thượng Xá, xã Hải Thượng, h. Hải Lăng, t.Quảng Trị vào Huế để vợ chồng tôi chăm sóc tuổi già cho bà.
Thời gian ở Huế của gia đình tôi cũng khá dài(từ 1976 đến 2013=37 năm). Sau khi bà mẹ tôi qua đời năm Canh Dần (2010), và sau năm mãn tang bà (2013), vợ chồng tôi lại chuyển ra Hà Nội theo lời đề nghị của con cháu(đang định cư tại Hà Nội) để được chăm sóc tuổi già cho ba mẹ. Thế là chúng tôi đành rời xa Cố đô Huế thân thương để về lại Thủ đô yêu quý- nơi đây vợ chồng chúng tôi đã từng học tập và công tác trên 10 năm.
Nhớ lại thời gian ở Huế, gia đình chúng tôi có nhiều kỷ niệm không bao giờ quên. Những nỗi niềm buồn vui cùng bà con, bạn bè đồng nghiệp vẫn âm ỉ thấm sâu vào máu thịt thành những cung bậc cảm xúc khác nhau qua những thời kỳ của cuộc sống…

Giờ đây, chúng tôi đều sang tuổi xế tà của cuộc đời, thỉnh thoảng ngồi ôn lại những kỷ niệm xưa cho vui và cũng muốn đánh thức tâm hồn thời trẻ trung để vui cùng con cháu, bà con, bạn bè… Chúng tôi xem lại những bức ảnh một thời ở Huế rồi lấy ra một số ảnh đưa lên FB của mình cho bạn xem cho vui và chia sẻ