Thứ Hai, 15 tháng 8, 2016


                            LÒNG MẸ, TÌNH CON MÃI VẪN CÒN
                                                          ==##==
                                    (Nguyễn Hồng Trân)
Từ thuở ấu thơ đến nay đã già nua tóc bạc, đêm nào tôi cũng nhớ đến mẹ tôi. Mẹ tôi là Phan Thị Cúc, quê ở làng Thượng Xá, Hải Thượng, Hải Lăng, Quảng Trị. Bà sinh năm Ất Mão(1915), mất năm Canh Dần(2010). Mẹ tôi đã sống thọ 96 tuổi. Tôi cũng rất hạnh phúc được trở về chăm sóc nuôi dưỡng mẹ già gần 35 năm, sau một thời gian dài hơn 20 năm cách biệt gia đình và bà con làng xóm. Từ năm 1954 đến 1975, tôi sống ở miền Bắc. Đến năm 1976, tôi về lại thành phố Huế và giảng dạy trường Đại học Tổng hợp( nay là trường ĐH khoa học-Huế).

Mẹ con được gặp lại nhau trong hoàn cảnh nước nhà đã hòa bình, thống nhất, gia đình tôi được đoàn tụ. Niềm vui ấy đã dâng trào lên với mẹ con tôi thật là sung sướng…  Khi gia đình mới được sum họp, mẹ tôi cứ khóc hoài vì cảm động nhớ mãi nhiều chuyện ngày xưa về cái thời chiến tranh vô cùng gian nan vất vả. Tôi thương mẹ lắm, cứ động viên mẹ bớt lo nghĩ, đau buồn để an tâm sống cùng với gia đình bà con làng xóm.
Đối với mẹ tôi là cả một cuộc đời khổ cực, đau thương, vì chồng mất sớm(34 tuổi) để lại ba con thơ. Ba anh em chúng tôi còn nhỏ dại, mẹ tôi phải lo tần tảo nuôi con vất vả gian nan trong hoàn cảnh chiến tranh giặc Pháp.
Tôi còn nhớ vào một buổi sáng mùa hè năm 1947, tôi đi vác tre về làm chuồng heo, khi về đến nhà, tôi không nhận ra mẹ tôi nữa. Nhìn mẹ tôi với cái đầu cạo trọc như ông thầy tu, mặc quần nâu cụt đang cho heo ăn. Thấy mẹ như thế rất xấu xí tôi ngỡ ngàng và khóc òa lên. Hai năm trước ở Huế mẹ có mái tóc dài đến tận gót chân, khi mẹ búi tóc lên trông rất đẹp. Ai cũng khen mẹ người cao ráo, trắng da, dài tóc rất đẹp. Thế mà bây giờ mẹ phải làm như thế là sao? Mẹ tôi cười và giải thích rằng, thời chiến lo lao động làm ăn sinh sống là chính, còn phải lo khi giặc đến càn, đàn bà con gái sợ bọn giặc làm hại con ạ. Vì vậy mẹ phải làm cho xấu đi ở nơi này chẳng sao đâu con. 

Nhiều đêm khuya, mẹ tôi khóc thầm tủi phận một mình bên các con thơ đói rách. Có lần tôi tỉnh giấc, nghe tiếng sụt sùi, nức nở mẹ khóc trong đêm. Thương mẹ quá, tôi ôm chặt mẹ và dỗ dành mẹ đừng khóc nữa rồi hứa với mẹ rằng, con sẽ cố gắng lao động giúp đỡ cho mẹ bớt nhọc nhằn khổ cực và sẽ chăm sóc dạy bảo hai em(Nguyễn Thị Kha và Nguyễn Bá Triền) cho ngoan ngoãn.
Mẹ tôi nghe vậy đã ngừng khóc, xoa đầu tôi rồi nói: "Mẹ tin con trai đầu của mẹ biết thương mẹ, giúp mẹ và lo cho hai em".
Khi trên 10 tuổi, tôi đã cố gắng lao động, cuốc đất đồi trên vùng tản cư ở miền Giếng Đá, An Lạc để trồng khoai sắn và đi đốn củi đem ra chợ thị xã Quảng Trị bán lấy tiền mua gạo và đồ ăn. Sau đó, tôi vừa lao động giúp mẹ vừa tìm cách tự học thêm văn hóa qua sách giáo khoa. Vì trước lúc tôi về quê nội làng Phú Long, Quảng Trị, tôi đã học xong lớp nhì tiểu học ở cố đô Huế rồi. Nếu bỏ học hoàn toàn thì tiếc lắm. Cũng may cho tôi có người chú ruột là Nguyễn Bân đã xem tôi như con đẻ đã xin phép mẹ tôi mà đem tôi đi theo chú(cán bộ kháng chiến huyện Hải Lăng)để kèm cặp học tập, dạy bảo.  Nghe như thế tôi rất vui, nhưng thương mẹ nên tôi do dự không muốn xa mẹ; không muốn để mẹ vất vả một mình. Không ngờ mẹ tôi lại đồng ý cho tôi đi theo chú Bân để lo học hành, mẹ tôi đã nghĩ cho tương lai của tôi mà không để tôi bị thất học. Thế là tôi cũng chỉ giúp mẹ tôi đỡ nhọc nhằn, gian khổ một thời gian thôi. Sau đó tôi cũng tự đi tìm lớp ở vùng kháng chiến ở trong tỉnh để tiếp tục học lên. Đến năm tôi 16 tuổi, sau Hiệp định đình chiến ở Việt Nam (năm 1954), tôi đi ra Bắc tiếp tục học hành tại các trường phổ thông ở Hà Tĩnh, Hà Nội rồi làm nghề giáo viên ở Hà Nội cho đến năm 1976 thì được Bộ Đại học và THCN cử về Huế giảng dạy trường ĐH Tổng hợp Huế cho đến lúc về hưu năm 1999.

Như thế là tôi cũng đã sống trong tổ ấm gia đình với vợ con và được chăm sóc, nuôi dưỡng mẹ già trong 35 năm cuối đời mẹ. Tôi cứ nhớ mẹ thường ngân nga câu hò khi mẹ ngồi bên cửa sổ nhìn ra hàng cau, vườn chuối mẹ buồn buồn khe khẽ than:
Mẹ già như chuối chín cây
Gió đưa mẹ rụng con rày mồ côi
Mồ côi khổ lắm ai ơi
Đói cơm rách áo con thời ai lo?
Cầu mong Trời Phật thương cho
Vượt qua số phận rủi ro hiểm nghèo…
Mỗi lần cứ nghe mấy câu hò đó là lòng tôi xốn xang xúc động. Mẹ tôi còn thuộc lòng bài thơ của tôi đặt và khắc sau bình phong trong lăng mộ ba tôi, hồi tôi mới về Huế.
          Đinh Hợi(năm 1947) cha về với Tổ tiên
          Mẹ buồn tủi phận dạ ưu phiền
          Tiếc cha sự nghiệp còn dang dở
          Thương mẹ cuộc đời quá bấp bênh
          Ba đứa con côi đau thỉnh thoảng
          Một mình mẹ góa bệnh thường xuyên
          Bà con nội ngoại đều thương cảm
          Giúp đỡ tận tình mãi chẳng quên…
Mỗi lần nghe mẹ tôi đọc những vần thơ ấy là tôi không sao ngăn được lòng mình xúc động và muốn khóc òa lên thật to như hồi còn bé nhỏ luôn được sống với tuổi thơ đầm ấm, gần gũi hàng ngày bên mẹ nghèo mà rất giàu tình cảm yêu thương.

          Tôi còn nhớ hồi năm 1956, mẹ tôi vượt giới tuyến 17 để ra Hồ Xá, Vĩnh Linh tìm tôi. Vì 2 năm không gặp con trai đầu, nên mẹ quá nhớ thương phải lặn lội ra Bắc để tìm con. Nhưng tiếc thay lúc ấy tôi đang ở nhà chú Bân để đi học trường Phan Đình Phùng thị xã Hà Tĩnh và cũng không hề biết tin ấy. Rồi tình cờ tôi gặp anh Phan Văn Gia (Dược sĩ TC là bạn học cũ với tôi) tại thị xã Hà Tĩnh, anh liền nói với tôi: "Ôi, mày ở đây mà mẹ mày ra Hồ Xá chạy khắp nơi để hỏi tin tức mày mà chẳng ai biết cả. Bà khóc lóc mấy ngày rồi trở về quê, thật đau xót. Nghe anh Gia nói vậy, tôi cũng liền khóc òa lên vì quá thương mẹ.
          Sau đó tôi nghĩ ra cách liên lạc với mẹ qua thư từ xem sao. Thỉnh thoảng tôi gửi thư về Nam qua BLL của đảng ủy Vĩnh Linh nhờ họ chuyển. Thế mà lại có kết quả. Cũng nhờ anh Lê Văn Hoan (CB nằm vùng ở Hải Lăng) là người rất quên thân với gia đình tôi và bà con làng Thượng Xá nên anh rất nhiệt tình giúp chuyển bí mật các bức thư của tôi đến tận tay cho mẹ. Sau này, tôi gặp anh Hoan, anh kể lại rằng, cứ mỗi lần đến gặp bà và đưa thư của Trân là bà cứ khóc hoài, thương lắm…
Thế mới hiểu lòng mẹ, tình con mãi vẫn còn./.