Thứ Ba, 28 tháng 8, 2012

NỮ SĨ TƯƠNG PHỐ CUỘC ĐỜI TÌNH VÀ THƠ

                                      NỮ SĨ TƯƠNG PHỐ -
                               CUỘC ĐỜI TÌNH VÀ THƠ  
                                                               *****      
                                                                      Nguyễn Hồng Trân


Nữ sĩ Tương Phố tên thật là Đỗ Thị Đàm sinh ngày 14/7/1900, nguyên quán ở xã Bối Khê, tổng Cẩm Khê, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên và mất ngày 8/11/1973 tại Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Về năm sinh của bà có vài sách ghi khác nhau nhưng căn cứ trên lăng mộ bà tại đồi Tương Sơn, Đà Lạt đã ghi năm sinh 1900 và năm mất là 1973.  
Nữ sĩ Tương Phố -Đỗ Thị Đàm là một Nữ sĩ hiện đại, bút danh Tương Phố.   Bà sinh ra trong một gia đình nho học, thân sinh của bà là một nhà nho thanh bần là Đỗ Duy Phiên và bà Nguyễn thị Yêm. Thân mẫu bà hiếm hoi, chỉ sinh được hai người con gái là Tương Phố và Song Khê. Song Khê - Đỗ thị Quế cũng là một nữ sĩ có tiếng lúc bấy giờ. Hai chị em lúc nhỏ học chữ Hán với thân phụ, và học tiếng Pháp tại trường công lập ở tỉnh nhà Hưng Yên. Sau đó, bà Đỗ Thị Đàm lên học tại trường nữ Sư phạm Hà Nội. Thời kỳ đó, bà gặp anh chàng sinh viên trường thuốc Thái Văn Du (em ruột cụ Thái Văn Toản -Thượng thư Bộ Lại, triều Nguyễn thời Bảo Đại), người làng Quy Thiện, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị rồi thành vợ chồng và sống tại Hà Nội.  
Đỗ Thị Đàm được hưởng hạnh phúc cùng chồng chưa đầy một năm thì chồng bà phải sang Pháp để học tiếp lấy bằng Y Khoa Thuộc địa năm 1916. Sau đó bà sinh con trai mới 6 ngày thì chồng bà là Y sĩ Đông Dương nên Pháp điều đi tham chiến trong chiến tranh Pháp - Đức (1914-1918). Lúc bấy giờ bà mới có con trai đầu lòng tên là Thái Văn Châu.  Sang Pháp được ba năm, ông Du không chịu nỗi giá rét mùa đông nên bị bệnh lao phổi rất nặng phải đưa về Huế điều trị năm 1919. Hồi này, nữ sĩ đang bận bịu con thơ tại Hà Nội. Vả lại, đường sá lại xa xôi cách trở, nên không vào thăm chồng được. Không bao lâu thì bà được điện tín báo cho biết chồng bà đã tạ thế và đã đưa đám tang rồi (Mùa thu 1920).
        Sau khi chồng qua đời, bà đem con về nương nhờ cha già. Đoạn tang rồi, vì cảnh cha già con dại và cũng thương cha cứ khuyên con gái mình tuổi còn quá trẻ mới gần đôi mươi mà goá bụa nên đi thêm bước nữa cho đời đỡ trống trải, cô đơn, vất vả. Bà
đành lòng phải tái giá (làm vợ bé) với quan Tuần vũ  Phạm Khắc Chánh ở tỉnh Phúc Yên lúc bà mới 25 tuổi (1925). Nhưng sau cũng chẳng rõ bà có thêm con cái với ông Chánh nữa hay không?

       
Năm 1954, bà di cư vào Nam, đi cùng với gia đình người con trai của bà với ông Thái Văn Du vào sinh sống tại thành phố Đà Lạt. Người con trai của bà là giáo sư Thái Văn Châu đã từng làm Giám đốc sở Thủy Lâm Đà Lạt. Bà Tương Phố đã sống gắn bó với Đà Lạt gần 20 năm cùng gia đình con trai và 10 người cháu nội của bà. Nhiều lần bà muốn cùng con trai Thái Văn Châu ra Huế thăm lăng mộ của người chồng cũ Thái Văn Du nhưng vì thời chiến tranh đi lại khó khăn và mất liên lạc bà con, người thân ngày xưa ở quê chồng nên không biết đâu mà tìm. Năm tháng trôi qua, bà buồn rầu chưa tìm được lăng mộ cha cho đứa con trai duy nhất của bà. Bà cứ canh cánh bên lòng một nỗi niềm thương nhớ, day dứt... Nhưng sau khi nước nhà hòa bình thống nhất, GS Thái Văn Châu đã ra Huế tìm thăm được ngôi mộ của cha mình trên đồi sát chùa Từ Hiếu do một người bà con ở Huế giúp đỡ. Về sau này các con của ông Châu có ra Huế và nhờ cô Ni sư Diệu Thành dẫn đến thăm lăng ông nội Thái Văn Du.   
         Năm 1972, sau khi nghe tin đứa cháu đích tôn của bà là Thái Kim Đăng đã hy sinh vì Tổ quốc (Liệt sĩ), bà vô cùng thương tiếc rồi dần dần lâm bệnh nặng và qua đời tại Đà Lạt vào ngày 14 tháng 10 năm Quý Sửu (tức ngày 8/11/1973).
 
Đỗ Thị Đàm rất yêu thích văn thơ từ thuở nhỏ, cũng do được thụ hưởng ở người cha những áng thơ văn đẹp và buồn buồn trong văn chương trung đại của Trung Quốc và Việt Nam. Và nhất là trong thời gian bà ở Hà Nội đã quen thân làm bạn với một chàng trai từ Huế ra học trường Y rồi trở thành vợ chồng. Chồng của bà tên là Thái Văn Du – một chàng trai rất yêu văn thơ lại vừa có vốn cựu học và tân học ở kinh đô Huế, và đôi vợ chồng trẻ thường cùng nhau đàm đạo về văn thơ. Và nhất là khi vào học trường nữ Sư phạm Hà Nội (1918 – 1920 ) có dịp làm phong phú thêm vốn văn chương Đông – Tây, bà rất đam mê việc đọc văn thơ của các tác gia thi văn có tiếng trong và ngoài nước rồi sáng tác thơ văn với nhiều đề tài khác nhau nhưng đều toát lên một nội dung trữ tình sâu lắng tâm hồn man mác, thăm thẳm...
Bà vào làng văn thơ Việt Nam từ những năm cuối thập kỷ 20 (1927-1928). Từ đó, bà làm nhiều bài thơ và nhiều áng văn xuôi đậm đà chất thơ đã tuôn chảy dưới ngòi bút của bà. Những tác phẩm chính của bà là:
-Giọt lệ thu (được bà viết ở sông Thương năm 1923 và lần đầu tiên được in trên “Nam phong tạp chí” năm 1928). 

-Trúc Mai (truyện dài bằng thơ).
-Một giấc mộng (truyện, 1928).
-Mối thương tâm của người bạn gái” (văn xuôi, 1928).
-Bức thư rơi (văn xuôi, 1929),
-Tặng bạn chán đời (thơ 1929),
-Tái tiếu sầu ngâm (thơ lục bát, 1930),
-Khúc thu hận (thơ song thất lục bát, 1931),
-Đời đáng chán (thơ song thất lục bát, 1932)…

Những tác phẩm này cùng các bài thơ được Tương Phố viết từ năm 1915 đến 1949 và những sáng tác khác của bà sau này tập hợp lại thành ba tập: “Giọt lệ thu”, “Mưa gió sông tương”, và (Trúc mai”.
Trong những tác phẩm văn thơ của Tương Phố, về văn xuôi thì chẳng có tác phẩm nào gây được ấn tượng xúc động sâu sắc như tác phẩm thơ văn giao thoa “Giọt lệ thu”. Có lẽ do bao nỗi đau buồn dồn dập riêng tư và xã hội đã đè nặng lên vai bà, tâm trí bà lúc đương thời đã tạo nên tâm điểm sáng tác của bà một cách sâu sắc, hiện thực.

            Một điều đặc biệt là sau khi bài “Giọt lệ thu” ra đời trên báo Nam Phong (số 131tháng 7 năm 1928) đã làm cho nhiều người trong xã hội nước ta lúc bấy giờ vô cùng xúc động và ngưỡng mộ tài năng văn thơ của bà đã tạo nên được những nỗi niềm rung động trái tim thân thiết với bao người. Cho đến ngày nay, có nhiều cụ già xứ Huế tuổi gần 90 mà vẫn còn thuộc lòng nhiều đoạn thơ của bà Tương Phố.
 Chẳng hạn như bài:

                                           KHÓC CHỒNG

Ngoảnh lại trời Nam lệ chứa chan,
Lửa hương thôi đã lỗi muôn vàn.
Thương chàng vỡ lỡ đường danh vọng,
Tủi thiếp bơ vơ lỗi đoạn tràng.
Chiếc bách dòng sâu e sóng cả.
Nửa chăn bụi lấp lửa canh tàn.
Từ đây non nước người xa vắng,
Chi xiết lòng em nỗi dở dang...                      

            Có thể nói rằng bài “Giọt lệ thu” là bài nổi tiếng nhất của Tương Phố vì nó rất hay trên nhiều mặt mà rất nhiều người khác nhau về lứa tuổi và học vấn đều cảm nhận được một cách thấm thía trong tâm hồn. Nó có một cái gì đó vừa chân thực, vừa huyền ảo; vừa gần gũi lại vừa xa xôi; vừa tủi thân lại vừa thương nhớ.v.v...
                                                
Bao giờ quên được mối tình xưa,
Sinh tử còn đâu mãi tới giờ !
Giấc mộng tìm nhau, tìm chẳng thấy
Mênh mang biển hận, hận không bờ !...
Có đoạn bà tự sự phận mình một cách đau buồn, tủi phận:
            “Duyên chẳng hẹn trăm năm, tình còn ghi muôn kiếp. Anh chàng Thái Văn Du mất ở Huế ngày 25 thánh 7 năm Canh Thân(1920). Đôi lứa trẻ trung, kẻ Nam người Bắc. Khi sống đã xa nhau,  lúc mất không gặp mặt. Lòng em thương xót bao giờ cho nguôi !...

Trời thu ảm đạm muôn màu,
Gió thu hiu hắt thêm rầu lòng em.
Trăng thu bóng ngả bên thềm
Tình thu ai để duyên em bẽ bàng...

            (Bốn câu thơ này sau khi Tương Phố qua đời đã được ghi lên bia lăng mộ của bà tại đồi Tương Sơn, Đà Lạt).
            Chúng ta thấy rằng, tác phẩm này tác giả không chỉ thể hiện bằng thơ mà cả văn xuôi xen lẫn giao thoa với nhau rất ăn ý và tạo thành một dòng chảy tình cảm đậm đà sâu lắng, thiết tha tình người.
“Anh ơi ! thu về như gợi mối thương tâm. Mỗi độ thu sang, em lại vò lòng than khóc. Nghĩ năm có một lần thu, nhưng thu năm nay đi, năm sau còn trở lại. Hỏi ba sinh hương lửa, thời ái ân kia dễ mấy kiếp hẹn hò nhau ? Chẳng hay cơ trời dâu bể vì đâu, xui nên chăn gối vừa êm, lửa hương mới bén, sắc cầm dìu dặt ngón đàn, bỗng ai xô lộn tình tan, gương vỡ cho người lỡ duyên !
            Than ôi ! Hình dung đôi ngả, gió mây hồi ấy, anh đi mãi năm tháng thường về, người không dấu vết. Em muốn tìm anh tìm chẳng thấy ! Hôm sớm bâng khuâng buồn lại nhớ. Thương nhau gầy gò khóc vì nhau. Anh vui non nước bấy lâu, bụi hồng khuất nẻo dứt đường cá chim. Trông bốn phía trời mây vơ vẩn, em còn biết đâu là lối phía bay mà tìm ? Chốn phòng loan từ thuở vắng anh, lệch làn chăn gối đượm sầu. Gương xưa chiếu cũ nghiêng xiêu. Thu Đông đến chẳng cùng em ái ân nữa. Giấc cô miên trằn trọc một canh dài. Mắt muốn nhắm đi lòng nào có ngủ. Đường kia nỗi nọ, trăm năm tâm sự, khôn đem hồn mộng gửi chiêm bao ! Ngày tới đêm lui, hôm mai lần nữa, những ngậm ngùi than xót cho thân”.
            Những dòng tâm sự của bà cứ liên tục tuôn trào ra từ những mạch ngầm thương yêu, tình nghĩa rồi cứ suy nghĩ liên miên chuyện thiên nhiên trời đất có hiểu cho chăng tâm trạng của mình trong những ngày tháng cô đơn, lạnh lẽo, tê tái lòng sầu...
            “Than ôi ! lênh đênh sóng nước một con thuyền. Phong ba cuộc thế mấy phen dập vùi. Nghĩ cánh buồm bạt gió, bể hận không bờ. Con chèo tuyệt vọng khôn giò bến, em nay còn biết buông theo ngã nào ? Trên cầu đoạn trường bể khóc như nắm vỏ gầy thảm thiết thương anh. Trăm mối tơ lòng không tung mà rối. Xuân qua hạ lại, cảm tình đã chẳng khác chi Đông. Thu sang tâm sự lại dạt dào, thương tâm gió buổi mây chiều, lòng em lai láng biết bao sầu tình...
            Anh ơi ! phòng Thu vò võ một mình, mỗi khi nhớ anh em lại ngừng tay kim chỉ, muốn bước chân hiên xa trông non nước mà hồi tưởng đường xưa lối  trước đi về có nhau thì muôn ngàn tâm sự lúc bấy giờ lại như xô lùi em về canh đời dĩ vãng, mà rồi ngọn trào trong dạ cũng mênh mông cồn sóng lệ. Em nhiều khi nghĩ thương nước mắt, muốn thôi đi không khóc nữa nhưng hai hàng châu lệ vẫn cứ chan hoà như mưa. Nước non ngao ngán tình xưa, gối chăn ngấm lệ lòng sầu đến nay...”

            Có những đoạn bà tâm sự nỗi lòng mình như đang thầm nói bên bàn thờ chồng thật cảm động và khi đọc lên cũng như những dòng thơ cuộn vào dòng chảy tâm tư của người góa bụa trẻ trung:

            “Anh ơi ! non nước còn đó mà anh vội đi đâu ? Ngày Xuân sao chẳng ở cùng nhau? Duyên thắm nỡ nào chia rẽ lứa. Ngoài nội uyên kia cùng chắp cánh, trên nương én nọ chẳng lìa đôi. Trong mây kết bạn liệng ngang trời. Nghĩ chim ríu rít, tủi người lẻ loi. Ôi chim có đôi, người sao lẻ bạn. Chăn đơn gối chiếc em biết cùng ai than thở chuyện trăm năm ? Đời em phận mộc cánh chuồn, tóc tơ ngắn ngủi cùng anh không có phúc nối duyên lâu dài. Nhưng gieo chanh, rắc ớt chua cay lòng trẻ, để rày chếch mác dở dang... Cũng bởi tại khuôn xanh kia đã quá say lừa lọc. Trời ơi ! ba sinh hương lửa đã có duyên kiếp ái ân bạn đời. Ví dầu chẳng để trăm năm nữa, cũng cho xuân thu đắp đổi độ vài mươi năm cho cam tấm lòng trẻ thì khăn túi. Nỡ nào chắt chiu em mới một xuân quân đã đem sinh ly tử biệt chia phôi bước đường. Con còn trong cử chưa ra rốn, rộ qua bể cạn chưa hoàn hồn, anh đã vội vàng dứt áo ra đi. Ôi ! ra đi nào phải đi gần, dặm đường Âu Mỹ ngàn trùng nước non. Buổi tiễn đưa, nhìn anh rồi lại nhìn con. Chén quan hà những uống lệ mà cay !...
Gió mưa chim chẳng lìa đôi,
Giữa đường ân ái nào người lẻ duyên.
Lai sinh nguyện chuyển cánh uyên,
Cao bay chẳng để khôn thiêng lọc lừa.

            Anh ơi ! một năm qua mấy thời xuân, bốn mùa trăng để mấy rằm trong thu ? Trăng đẹp khi tròn, hoa thơm khi úa. Đời xuân xanh ai trẻ mãi ru mà ! người yêu hoa đem lòng luyến ái khách. Say trăng chén rượu vui mời, nhưng thêm 3 vạn 6 nghìn ngày, sinh thư cõi trần ai không hơn gì mộng cảnh. Cho nên thương hoa xuân ta cảm trắng thu tàn. Đã mang tấc dạ yên say, khách chung tình không nở để vì mình mà trăng sầu hoa tủi. Em nay vì anh mà đến nỗi nửa chừng xuân. Tơ liễu còn xanh mà nửa lần tâm sự, đã sang thu rồi...
            Than ôi ! anh đi chẳng lại, đã đành rằng duyên kia dang dở. Những ngày xanh quãng vắng em đợi chờ ai ?

Ngày xanh luyến tiếc xuân dài,
Oanh đưa liễu đón duyên ai đi về.
Xuân vui đôi lứa đề huề,
Sầu xuân say tỉnh tê mê một thời.
Xuân xanh duyên đã phai rồi,
Đời xuân thôi cũng là đời bỏ đi...

            Anh ơi ! hờn xuân em lại hận trời. Trời đa đoan phũ phàng con trẻ. Nơi dở dang này em biết than thở với ai đây? Theo duyên những ước duyên may, em có ngờ đâu giữa đường đứt gánh chung tình. Anh đi để lại cho em những ngày mưa sầu gió thảm ! Con anh măng sữa, em còn thơ ngây. Cuộc đời trăm đắng ngàn cay. Trông vào ai, cậy vào ai ? Thấy gian nan chân chồn bước ngại. Tới lui đã dở, nắng mưa dễ biết lánh vào đâu ? Đường mây vỗ cánh, chiều bóng mát cây cao. Chim kia còn hơn em có tổ, hôm mai đi về. Buông con mắt trông bốn phía trời, em chỉ biết ngậm ngùi rưng rưng nước mắt mà không biết đâu là nơi hy vọng được tháng ngày ấm no. Năm theo anh, em mười bảy thơ ngây, đào tơ sen gió, ái ân thuở đó, đem ngày xanh hẹn tuổi bạc đầu”.

Thực ra trong lòng bà Tương Phố, tuy thời gian xa cách chồng và chịu nhiều đau khổ, thiệt thòi nhưng bà vẫn có niềm tin và hy vọng đến ngày vợ chồng hội ngộ vinh quang. Bà Tương Phố như muốn phân trần với chồng là người vợ hiền bao giờ cũng luôn luôn nghĩ tới chồng và muốn cho chồng mình được công thành danh toại. Vì vậy nên gian nan khổ cực mấy cũng gắng chịu đựng:

            “Em những chắc cùng nhau đôi lứa thiếu niên. Bắc Nam dù cách trở, hương lửa vẫn nồng nàn thì nay dầu xa xôi, mai rồi lại gặp gỡ, và nước non còn đó, đâu hết cơ duyên. Nên chi con thơ măng sữa em chăm chút, chẳng phiền cha mẹ, chẳng phiền anh, rắp mong để yên lòng khoa danh gặp hội, anh đua bước. Một mai nam nhi toại chí. Dưới bóng tùng quân, em cũng được nở nang mày mặt”.

Rồi bà không ngờ niềm tin và hy vọng của bà đã tiêu tan hết khi nghe tin người chồng thân yêu của mình không còn nữa. Bà quay cuồng than khóc đau đớn, thương tiếc cho số phận của chồng và của mình rồi oán trách sự đời quá bạc bẽo:

Than ôi ! những cậy mình tuổi trẻ khinh li biệt. Em nào có học đến chữ “ngờ” mà biết trước sinh ly tử biệt đoạn trường dồn nhau. Sự duyên càng nói càng đau....
           
 Nhưng cũng tưởng đầu xanh tuổi trẻ ái ân còn dài thì rồi đây sum họp âu sẽ có ngày cùng nhau hàn huyên kể lại mối sầu chia phôi. Nào hay đâu ông tạo hoá cơ cầu, xui nên vật đổi sao dời trong phút chốc. Đương đau đớn xa nhau, bỗng lại khóc mất nhau!...  
            Ôi, tin đâu xét ruột, xé lòng!... Mảnh giấy xanh đưa đến tận nơi: Ngày hai mươi nhăm tháng bảy năm Canh Thân (1920) là ngày anh tạ đất tạ trời, cướp công cha mẹ, dứt tình vợ con, lìa rẽ anh em, chia đường kim cổ. Một gánh nợ đời trút cả cho người còn lại!
            Chao ôi ! lưng trời sét đánh, em thật đã chết cả đời người. Thôi thế thì thôi! một giải khăn ngang, năm thân gấu xổ, trăm năm tâm sự còn nói năng gì! Con anh nào biết mặt cha, thân côi cút trái đào 3 tuổi, từ nay em dạy, em nuôi. Khoảng trời đất không mong gì thấy bố ! Nghĩ mà thương xót cho con... nhà không nóc, mưa gió mai ngày, cuộc đời xoay xở biết toan sao ?  Đoạn trường em lại biết bao nhiêu giăng mắc. Con còn trẻ thơ, lo ăn, lo mặc, lo học, lo hành... Khi con khôn lớn lại phải lo sao cho thành danh phận để chen vai nối gót với đời. Nghĩ như thân em sức vóc liễu bồ, cánh vây không có, hai bàn tay trắng, đức tài cũng không, một mình mẹ goá nuôi con, em biết lo liệu sao cho tròn phận ấy?”.
Trong niềm xót xa, tuyệt vọng đó, bà vẫn có lúc liên hệ so sánh chuyện tình trong  trời đất như để than vãn với linh hồn của người chồng quá cố với những lời đầy chân thành tình nghĩa nặng sâu:

            “Anh ơi ! anh mất đi để lại cho em bao nhiêu nỗi dở dang ở đời. Dầu em có nghĩ liều: mặc đời cua máy, cáy đào, nỗi dở dang âu đành chẳng bận. Nhưng tình nhớ thương khuây khoả sao đây ! Ra về vắng vẻ, tháng ngày khăn áo cũ còn hình dung bóng dáng anh. Khoảng trời đất non buồn, nước lạnh. Người đi biền biệt, kiếp này còn gặp nhau đâu nữa mà mong!
            Trên mây kia là Ngưu Chức chia phôi cũng đoạn trường, những khóc nhau rồi lại có ngày thấy nhau. Em khóc anh mấy thu nay lệ đã đắm lòng, người đành không lại, mộng sao chẳng về ?... Nghĩ đau duyên ấy lại hờn với Ngâu !

Thu về đẹp lứa duyên Ngâu,
Trăm năm Ô Thước bắc cầu Ngân giang.
Đôi ta ân ái lỡ làng,
Giữa đường sinh tử, đoạn tràng chia hai.
Anh vui non nước tuyền đài,
Cõi trần hương lửa riêng ai lạnh lùng.
Nhân gian khuất nẻo non bồng,
Trăm năm nào thiếp tấm lòng bơ vơ...”

            Tuy tâm trạng của bà trong thời đoạn này rất buồn bã, hoang mang không biết lo liệu cuộc đời ra sao, nhưng bà không gục ngã trước hoàn cảnh và số phận của mình. Bà cố bình tâm nhìn cảnh vật thiên nhiên để khuây khỏa nỗi lòng nhớ thương và tự an ủi cho mình mà gắng sức để sống nuôi con khôn lớn trưởng thành nhằm giữ lại một kỷ niệm thương yêu duy nhất huyết nhục của người chồng quá cố.
           
“Anh ơi ! chung cảnh thu này, Đông Tây Nam Bắc biết bao người cảm thu. Nhưng lòng ai thu hẳn như em ! mà mây chiều vấn dạ, gió mai lạnh lùng. Như em, mỗi khi hạt sương giao là lệ thẳm, một lần lá rụng là một mảnh tình sầu. Thu càng thảm, sầu càng tăng. Anh ơi ! em nghĩ đến về với anh mùa thu. Mất anh cũng lại mùa thu. Cho nên năm lại năm, cứ độ thu sang thì em lại bồi hồi nhớ trước, tưởng xưa mà lòng thu một tấm cũng ngây ngất sầu!
            Anh ơi, giọt lệ khóc thu, em chỉ vì anh mà năm năm lai láng... Than ôi, thu sang thu não lòng người biết bao!

                                    Sầu thu nặng, lệ thu đầy,
                                   Vi lau san sát, hơi may lạnh lùng.
Ngổn ngang trăm mối bên lòng,
          Ai đem thu cảnh hoạ cùng thu tâm”
     Chúng ta có thể nói rằng, bài “Giọt lệ thu” của nữ sĩ Tương Phố đã nổi tiếng vang xa và thấm sâu lâu dài trong lòng bạn đọc của nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp của xã hội. Như vậy thật là đáng quý đáng trân trọng! “Giọt lệ thu” của Tương phố là lối văn thơ giao thoa uyển chuyển thật độc đáo, mới mẻ. Mặc dầu nó không nổi bật về ý nghĩa lịch sử và văn hóa lắm nhưng nó có một giá trị về xã hội nhân văn rất cao. Đó là được nhiều người trong xã hội lúc bấy giờ đã tìm thấy sự đồng cảm của tâm hồn và tình nghĩa con người.
Xin trích một đoạn trong cuốn “Từ điển Văn học” (T2 NXB, KHXH,1984, tr491) về nhận xét đánh giá chung văn thơ của Tương Phố mà tiêu biểu là “Giọt lệ thu” như sau:
“Tương Phố đã góp vào bộ phận văn chương hợp pháp 30 năm đầu Thế kỷ XX một tiếng khóc ảo não. Ít nhiều bà có làm sống lại tâm trạng người chinh phụ trong văn học quá khứ. Bà cũng tiếp nhận âm hưởng tiếng khóc của bao nhiêu văn nhân thi sĩ qua nhiều bài văn tế, văn điếu, bài vãn của nhiều đời. Nhưng nỗi đau xót bất hạnh của bà có nhiều sầu thảm, vô vọng hơn, cũng nhuốm màu sắc hiện đại hơn, vì trong đó không chỉ có nỗi đau riêng mà còn gói cả “Trời sầu” của thế hệ thanh niên tiểu tư sản thành thị Việt Nam trong những năm sau Đại chiến I...”
Như vậy, vai trò của nữ sĩ Tương Phố trong văn chương dân tộc chủ yếu gắn với tác phẩm “Giọt lệ thu” – một trong những dấu ấn khó phai mờ trong lịch sử văn chương ở thập niên thứ ba của thế kỷ 20 như là tiếng than kêu xót xa, da diết của con người hòa trong không khí buồn đau chung của thời đại. Khi đọc những đoạn văn tâm tình than vãn của bà xen lẫn trong “Giọt lệ thu” cũng chứa đầy âm điệu hồn thơ. Chính vì thế mà nó có khởi sắc một lối thi pháp khá mới mẻ cho việc phát triển phong trào thơ mới sau này “Một thời đại mới trong thi ca” dân tộc – thời đại của thơ mới lãng mạn với sự xuất hiện những gương mặt các thi nhân tiếng tăm như Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Cù Huy Cận, Hàn Mặc Tử, Thế Lữ, .v.v...

CHUYỆN VỀ NGƯỜI CHA VIỆT KIỀU ĐI TÌM CON...

CHUYỆN NGƯỜI CHA VIỆT KIỀU VỀ QUÊ TÌM CON SAU GẦN 60 NĂM LY HƯƠNG  
                                        *******   
                                     Nguyễn Hồng Trân

           Đó là chuyện ông Lê Công Tôn- quê ở làng Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Ông Tôn xa quê trong một hoàn cảnh bắt buộc đi lính thợ cho Pháp tham chiến đánh bọn Phát xít Đức trong Đại chiến Thế giới lần thứ hai (1939-1945). Lúc ông rời khỏi quê hương là lúc bà vợ ông đang mang thai mấy tháng đứa con đầu. Thế rồi do hoàn cảnh ốm đau bệnh tật, bà vợ đầu đã qua đời trong thời chống Pháp. Do hoàn cảnh khó khăn của chiến tranh tại Việt Nam lúc bấy giờ nên ông Tôn cũng không về được quê hương Việt Nam mà ở lại làm việc để sinh sống tại Pháp rồi nhập quốc tịch Pháp.
Năm 1939, cô Trần thị Hoè sinh được đứa con trai đầu lòng, cô vui lắm vì đã làm thoả lòng mong ước của người chồng lúc cô đang có thai. Ngày tháng qua, con trai lớn dần trông rất dễ thương. Nhưng tiếc thay cha nó đi sang Pháp không hề biết mặt con. Mỗi lần nựng nịu đùa vui với con, cô lại càng nhớ cha nó và nghĩ thầm: “Ước gì lúc này có anh bên cạnh em và con thì vui thích biết chừng nào? Anh nhìn thấy con vùng vẫy, múa máy chân tay rồi miệng cười xinh xinh trong chiếc nôi bằng tre mà anh đã đi đặt người ta làm cho chắc chắn trước lúc anh đi xa mấy nghìn trùng…”.
Có những lúc trái gió trở trời, thằng bé bị ốm cứ khóc hoài, cô Hoè dỗ dành mãi nó vẫn khóc, cô Hoè bế ẵm con lên vỗ vỗ nhè nhẹ vào thân con và ru hời ru hỡi cho con ngủ yên rồi đặt con xuống giường nằm bên cạnh con và suy nghĩ triền miên trong ngôi nhà tranh ở làng quê.
Năm tháng cứ kéo dài, nỗi buồn cô đơn của người vợ xa chồng khi con còn thơ dại cứ dai dẳng kéo theo cô. Nhiều lúc tủi thân, cô than thở một mình như tâm sự với ánh trăng khuya bằng những vần thơ giản dị:
“Xa nhau đã mấy mùa rồi,
Mẹ con mong đợi mấy lời tin anh.
Đợi hoài chẳng thấy tiếng tăm,
Em càng buồn tủi, nhìn trăng thêm sầu,
Anh đi sang Pháp bao lâu?
Mẹ con thương nhớ lo âu tháng ngày.
Bao giờ hết hạn lính Tây,
Mong anh còn sống sum vầy mẹ con.
Nhìn con lòng dạ héo hon,
Đến khi con lớn biết còn cha không?...”

Những vần thơ này cô Hoè cứ dùng để hò ru con nhiều lần làm cho bà con xóm giềng cũng thuộc lòng lời ru ấy. Thế mà vẫn chưa thấy chồng về và cũng không có tin tức gì cả. Cô thất vọng, cố nén chịu cảnh cô đơn ưu phiền nhiều năm. Trong bà con xóm làng ai cũng thương yêu cô, động viên cô và giúp đỡ cô hết lòng, nhưng không thể nào lấp hết lỗ trống tình cảm vợ chồng yêu thương trong trái tim người cô phụ…
Trong thời chiến tranh, khó khăn gian khổ làm cô bệnh nặng rồi qua đời lúc cô còn trẻ (mới 27 tuổi). 
Thế rồi tin cô Hoè từ trần đã đến tai chồng (là ông Lê Công Tôn) do mấy người bạn đồng hương là ông Phan Thanh Địch và Lê Luyện tin cho biết. Ông Tôn được tin ấy đau đớn vô cùng và muốn xin về nước ngay để tìm đứa con trai của ông mà ông chưa biết mặt. Nhưng lúc ấy ông bị ốm nặng đang nằm viện không thể về Việt Nam được. Sau đó thì chiến tranh xẩy ra do giặc Pháp đánh chiếm nước ta. Ông Tôn không có điều kiện về quê hương và đành ở lại Pháp xin việc làm để sinh sống. Sau đó thì ông lấy vợ người Pháp là bà LuCienne. Bà là một nhân viên văn phòng. Bà rất đảm đang hiền hậu đã biết chăm sóc chồng con suốt đời. Bà này đã sinh được cho ông Tôn 6 con (4 trai và hai gái. Đó là: Jean Pierra, Guy, Monique, Bermard, Alain, Anna Marie) và Lấy họ Lê của ông Tôn.
Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước Việt Nam, ông Tôn rất muốn về quê hương để tìm thăm người con trai đầu của ông đã gần 60 năm trời ông chưa được thấy mặt. Đồng thời tìm đến viếng thăm ngôi mộ của người vợ đã mất từ lâu mà ông chưa biết chỗ. Nhưng ông còn chưa biết rõ địa chỉ gia đình con ông cụ thể ở đâu nên ông phải chờ đợi có thêm tin tức rõ ràng hơn.
Vào năm 1977, nhân dịp có một Việt kiều quen thân là Lê Bá Y về thăm quê Quảng Trị, ông Tôn có nhờ tìm kiếm tin tức về người con trai đầu của ông. Người ấy đã đi tìm  nơi này nơi khác để dò hỏi tin con cho ông Tôn, nhưng chẳng ai biết anh Lê Công Tước con ông với cô Hoè nay ở đâu cả. Người ta chỉ nói cho ông biết tin rằng, sau khi người mẹ mất thì anh Tước được người bác ruột nuôi. Đến năm 1954, anh Tước được người chú ruột là Lê Công Thưởng đem theo đi tập kết ra miền Bắc và cho học trường học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Về sau anh Tước học Đại học trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp ra trường làm việc ở đâu cũng không ai được rõ. Mặc dù chưa tìm ra được địa chỉ của người con, nhưng nghe tin con mình được người em chăm lo cho việc học hành của con được thành đạt như vậy ông cũng rất mừng. Rất nhiều lần ông gửi thư và thiếp chúc mừng năm mới cho bà con nội ngoại gần xa ở quê hương và để hỏi thêm tin tức của con trai mình còn sống ở đâu, nhưng cũng chẳng ai biết cụ thể địa chỉ cả. Ông vô cùng buồn bã, khổ tâm về chuyện này. Tuy vậy, ông Tôn vẫn không thất vọng mà cảm thấy trong lòng mình có một niềm phấn khởi vui chung với bà con xóm làng sau ngày hoà bình thống nhất đất nước. Ông biết nhiều người, nhiều gia đình còn tổn thất, mất mát đau thương trong mấy chục năm lửa đạn chiến tranh vừa qua, nên ông cũng dịu đi nỗi buồn riêng của mình.
Bà con ở Quảng Trị nói với người bạn Việt kiều của ông Tôn: “Nếu hết hạn phép thì chú cứ về Pháp đi, để địa chỉ của ông Tôn lại, bà con chúng tôi sẽ tìm giúp.  Nếu có tin cụ thể thì chúng tôi sẽ đưa địa chỉ cho con trai ông Tôn liên hệ”.
Nghe vậy người bạn Việt kiều của ông Tôn cũng yên tâm và chuẩn bị lên đường về Pháp. Trước khi rời quê hương sang Pháp, ông ghé vào một quán nhỏ bên đường quốc lộ 1A uống ly cà phê và ngắm lại quê nhà một lần nữa để tạm biệt. Ông cố ý để lại một danh thiếp của ông Tôn nhờ bà chủ quán cứ đặt danh thiếp ấy trên mặt bàn cho người vào ra, qua lại nhìn xem để họa may có ai biết thì nhờ ghi lại địa chỉ và cho con ông Tôn biết để liên lạc với người cha. Nhưng tháng ngày cứ trôi qua mà vẫn bặt vô âm tín về người con trai của ông Tôn. Mặc dù chị chủ quán cũng rất quan tâm hỏi han rất nhiều người qua lại để tìm tin tức anh Lê Công Tước, nhưng vẫn chưa có thông tin gì cả.
Mấy tháng sau, ông Tôn lại gửi một bức thư về cho bà con nội ngoại ở quê đề nghị tìm giúp. Trong thư có một cái thiếp chúc mừng năm mới bà con và có ghi thêm mấy dòng chữ: “Nhờ bà con ai biết con trai tôi là Lê Công Tước nay ở đâu thì tin giùm cho cậu ấy biết địa chỉ của tôi mà liên lạc gấp. Tôi xin đa tạ bà con”.
Bức thư đó cứ nằm trên bàn nhà bác Hào sát đường QL 1A thuộc làng Thượng Xá. Nhiều người qua lại ghé thăm đều nhìn xem thư đó cả. Thế rồi một hôm, có một chị công tác phụ nữ ghé vào nhà bác Hào và xem tấm thiếp bưu ảnh đó thì mới biết được tin về người cha của anh Tước và cô liền nói với bác Hào: “Anh Tước đang ở thành phố Huế, nhưng không biết anh ấy làm gì ở đâu. Trong làng ta có nhiều người làm việc ở Huế, bà con cứ nhờ họ tìm kiếm cho thì chắc là được”.
Sau một thời gian không lâu, anh Lê Công Tước thật bất ngờ biết được tin mình vẫn còn người cha mà xưa nay anh chưa hề gặp mặt. Lúc đầu mới nghe tin, anh Tước vẫn không tin đó là sự thật. Sau đó bác Hào vào tận Huế đến nhà anh đưa bưu thiếp có địa chỉ của cha anh Tước. Lúc đó anh mới tin. Bà con trong làng đều thương anh cứ coi anh là đứa con mồ côi cha mẹ từ lâu. Nay được biết chắc chắn tin cha anh vẫn còn sống và rất tích cực tìm con, bà con xóm làng cũng vui mừng. Còn anh Tước vui sướng và xúc động trào tuôn nước mắt. Vợ con anh cũng mừng vui theo…
Đêm hôm đó, anh Tước thức thâu đêm để viết thư dài cho cha. Trong thư có đoạn: “Chao ôi! biết được tin cha còn sống và tích cực chăm chú tìm con, con quá sung sướng, mừng vui không cầm được nước mắt. Cha ơi ! con không ngờ bây giờ con vẫn còn cha. Con rất mong hai cha con mình được gặp mặt nhau càng sớm càng tốt. Cha thu xếp mọi việc để mau về với con cha nhé. Bà con nội ngoại rất thương cha và cũng muốn gặp lại cha. Bây giờ đất nước đã bình yên, cha còn sống trở về thăm quê cũng rất thuận lợi. Cha đừng ngại gì chuyện cha đi lính thợ cho Pháp thời xưa cho nặng lòng do dự. Bởi vì lúc đó hoàn cảnh bắt buộc đấy thôi. Con chỉ tiếc thay giờ đây mẹ không còn nữa để đón mừng cha cho thoả lòng mong đợi. Con yêu thương mẹ lắm cha ạ. Mỗi lần hình dung mẹ là con cứ khóc hoài …”.
Ông Lê Công Tôn nhận được thư con rất cảm động. Ông viết nhiều thư gửi về cho con trai và có kế hoặch thu xếp để về Việt Nam gấp.
Vào mùa xuân năm 1997. Biết được tin cha đã bay về Hà Nội, nhưng anh Tước không giám ra trực tiếp đón cha mà nhờ mấy người bà con ruột thịt đến đón. Bởi vì anh Tước biết cha già có bệnh cao huyết áp sợ khi gặp con quá xúc động sẽ rất nguy khốn. Sau đó ông Tôn bay vào thành phố Huế. Khi xuống sân bay Phú Bài, anh Tước nhận ra cha ngay (vì đã có ảnh cha mà anh ngày ngày thường ngắm và cầu mong được gặp lại cha). Hai cha con ôm chầm nhau khóc, hai người con gái lai Pháp của ông cũng khóc theo cha rồi ôm hôn người anh trai cùng cha khác mẹ. Anh Lê Công Tước đưa cha và hai em về nhà mình để hàn huyên tâm sự. Sau đó, anh Tước đưa cha và các em về quê thăm bà con rồi lên đồi cát thắp hương lên mộ ông bà nội và mộ người mẹ đầu.
   Khói hương thơm bay lên nghi ngút, mấy cha con và những người thân ruột thịt đứng lặng yên rưng rưng nước mắt tưởng niệm bên ngôi mộ. Lúc này chắc vong linh của cô Hoè tại âm phần cũng sẽ bùi ngùi xúc động trước cảnh viếng mộ của chồng con và bà con ruột thịt.
Thời gian về thăm quê, ông Tôn đã đến tạ ơn các ân nhân, gia đình đã có công chăm sóc cha mẹ và con ông trong những năm tháng ông ly biệt quê nhà. Đồng thời ông cũng đến viếng thăm nhà thờ họ Lê và ngôi đình làng Thượng Xá để thắp hương khấn cầu cho bà con dòng tộc, dân làng được bình an, thịnh vượng.
Mấy ngày lưu lại tại làng quê, ông thường lên cầu sông Nhồng ngắm lại cảnh dòng sông trong xanh êm đềm chảy hiền hoà và thỉnh thoảng có những cụm cây bèo lục bình hoa tim tím lững lờ trôi như ngày xưa. Hai bên bờ sông những hàng tre, cây sung, cây mưng(lộc vừng) vẫn rung rinh cành lá trong gió chiều lộng mát. Các bến sông, tiếng cười vui chuyện trò của các chị, các bà ra giặt giũ cứ râm ran; các cháu thiếu niên bơi lội tắm đùa rộn vang như thuở nào…
Những cảnh tượng ấy gợi lên bao nhiêu kỷ niệm xa xưa cuộc đời trai trẻ của ông tại miền quê xứ sở thân yêu này đã dồn dập quay về ngập tràn trong cơ thể… Ông Tôn cứ bịn rịn, lưu luyến ngắm nhìn mãi chốn này mà không muốn đi đâu xa nữa. Nhưng ông Tôn chợt nhớ tới việc đến thăm một người bạn học trường huyện ngày xưa nay đã nghỉ hưu về sống ở làng quê với gia đình vợ con. Đó là ông Phan Giá- nguyên là Viện trưởng Viện Kiểm sát Liên khu IV, nguyên Hiệu phó trường Tư Pháp Hà Nội nay đã hồi hương hưu trí.
Ông Giá đưa ông Tôn đi thăm bà con và bạn bè trong làng thượng Xá. Sau đó hai ông có dịp hỏi han chuyện trò về quê hương, đất nước và con người Việt Nam đã qua mấy chục năm đau thương mất mát vì khói lửa của chiến tranh kéo dài. Trước khi chia tay với ông Tôn, ông Giá vui vẻ nói với ông Tôn rằng: “Anh về Việt Nam lần này là mãn nguyện rồi đó, được gặp nhiều bà con xóm làng và gặp lại con trai đầu đã quá lâu mong đợi. Cậu Tước con anh đã chịu khó phấn đấu học tập, rèn luyện khá lắm. Nó sống rất tình cảm và có nghị lực vươn lên trong cuộc đời của một thanh niên Việt Nam. Nó là một cán bộ ngành giáo dục có năng lực, đạo đức và uy tín nên đã được chính thức vào đảng Cộng sản Việt Nam từ năm 1969”.
Nghe như vậy, ông Tôn cũng rất vui sướng và tự hào về đứa con trai Việt của mình và liền nói với ông Giá rằng: “Nó được như thế cũng nhờ sự thương yêu đùm bọc của bà con xóm làng, được quan tâm giúp đỡ của xã hội và Nhà nước Việt Nam”.
Sau một thời gian về thăm quê, ông Tôn vào Huế ở với gia đình con trai để cha con ngày đêm tâm sự cho thoả lòng mong ước bấy lâu. Về sau ông tôn có kế hoạch giúp đỡ cho gia đình anh Tước sửa sang, nâng cấp nhà cửa tử tế để có nơi thờ tự ông bà và cha mẹ. Được như thế ông Tôn cũng cảm thấy an lòng để trở lại Pháp, nơi đất khách quê người nhưng cũng có một tổ ấm gia đình vì số mệnh.
Trong những năm sau, ông Tôn cũng đã vài lần về Việt Nam thăm quê hương, bà con nội ngoại và ở với gia đình anh Tước để gắn bó tình cảm cha con và mong bù đắp lại được phần nào những thiếu thốn tình cảm cha mẹ trong hơn nửa thế kỷ như kẻ mồ côi phụ mẫu.
Những năm gần đây vì tuổi già sức yếu ông Lê Công Tôn không thể đi về Việt Nam như trước nữa. Ông luôn gửi thư về động viên gia đình anh Tước và bà con ruột thịt ở quê hương Việt Nam và cầu mong cho mọi người sống an lành, hạnh phúc. Những người con lai Pháp của ông Tôn với bà vợ sau cũng gửi thư về thăm gia đình anh Tước. Đặc biệt là có cô con gái út Anna Marie nhiều lần biên thư về cho anh trai cả để chia sẻ tâm tình. Cô đề nghị anh Tước viết rõ thêm về tình hình bà con ruột thịt ở quê hương và cô đã nói rằng: “Anh chị em chúng tôi không bao giờ quên một đại gia đình chúng ta tại quê hương Việt nam rất giàu tình cảm và lòng nhân hậu…”
Bà con ruột thịt nội ngoại ở xóm làng cũng rất mừng cho ông Tôn cuối đời đã tìm về thăm được bà con nội ngoại, quê hương xứ sở, viếng thăm mộ người vợ xấu số đã sớm về cõi tiên mà chưa thấy lại mặt chồng. Đồng thời ông quá nỗi vui mừng tìm thấy được người con trai Việt duy nhất của ông sau gần 60 năm ly biệt quê nhà.
                                              ====000==== 
                         Phước Vĩnh, TP. Huế,   2012
 Ghi chú: Nội dung bài này đã được đăng trong tạp chí “Kiến thức ngày nay” số750 ( 10/6/2011)

MỘT BÀI THƠ TRIẾT LÝ VỀ "DẠI- KHÔN"


MỘT BÀI THƠ TRIẾT LÝ VỀ DẠI KHÔN
               Nguyễn Hồng Trân sưu tầm & giới thiệu

                   DẠI KHÔN

         (Trần Tế Xương)

 

Thế sự đua nhau nói dại khôn
Biết ai là dại biết ai khôn ?
Khôn nghề cờ bạc là khôn dại
Dại chốn văn chương ấy dại khôn
Này kẻ nên khôn đều có dại
Làm người có dại mới nên khôn
Cái khôn ai cũng khôn là thế
Mới biết trần gian kẻ dại khôn


Bài thơ Đường này rất độc đáo là vần của bài thơ chỉ một từ “khôn”. Đó là dụng ý của tác giả mà rất hay về ý nghĩa triết lý chuyện dại khôn trên đời. Tác giả Trần Tế Xương đã gói gọn trong tám câu thơ rất dễ hiểu về quan niệm dại khôn thế nào cho đúng và phải biết mình, biết người. Cần nhớ rằng, không thể chỉ biết mình khôn, còn người ta dại và ngược lại, không để mình cứ khôn mãi, còn người ta thì dại hoài!   Đồng thời mọi người phải biết đối nhân xử thế dại khôn cho hợp lý mới xứng đáng là người biết dại khôn. Điều này không phải dễ! Không phải ai cũng làm được! Phải chú ý rút kinh nghiệm và chịu khó học hỏi trong thực tế cuộc sống mới có thể vận dụng dại khôn thành công.

ẤN TƯỢNG MỘT BÀI CA VỀ CÁC MẸ CÓ CON LIỆT SĨ

   ẤN TƯỢNG MỘT BÀI CA VỀ CÁC MẸ CÓ CON LIỆT SĨ
                                           *******   
                                                        Nguyễn Hồng Trân  

Ở quê hương Quảng Trị  [QT] chúng tôi có chuyện các bà mẹ đi tìm đầu con trai mình bị giặc Pháp giết chết rồi chặt đầu. Đó là bà Nguyễn Thị Đệ (tức bà Nghè Lượng) làng Long Hưng, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng và bà Diêu Cháu, bà Hoàng Thị Sáng làng Mai Xá, huyện Gio Linh. Các bà mẹ này đều có con trai bị giặc Pháp tra tấn dã man rồi chặt đầu đem cắm lên cọc tre bêu diếu ngoài cổng chợ.
Bà Đệ có con trai đầu là Trần Tuân (cựu học trò Quốc học Huế), cán bộ tuyên truyền huyện Hải Lăng), do bọn Việt gian chỉ điểm nên bị giặc Pháp bắt vào đêm 24-4-1948 cùng với 7 cán bộ khác của xã tại thôn Phường Sắn (gần nhà thờ La Vang). Những người bị bắt hôm đó gồm có: Trần Tuân, Trần Ngọc Ba (người Long Hưng), Đào Nhượng, Lê Thanh, Lê Mão (người An Thái), Nguyễn Phàn, Bùi Phước Sanh (người Ba Khê) và Văn Ngọc Cẩn (người Phường Sắn). Sau đó giặc đưa vào thị trấn Diên Sanh giam 8 người một tuần để tra tấn rồi bọn giặc đem chặt đầu cả 7 người và cắm trên cọc tre dọc đường đến gần chợ Diên Sanh. Riêng anh Văn Ngọc Cẩn (con ông lý Văn Ngọc Hồng) thì bị thủ tiêu mà không đem chặt đầu bêu như 7 người nói trên. Chắc chúng sợ mất lòng các ông hương lý khác.
Bà Đệ nghe tin giặc đã chặt đầu con mình, bà vô cùng đau thương khóc cạn nước mắt rồi lặng lẽ đi vào Diên Sanh nhìn đầu con và xin lấy đầu về mai táng cho con, nhưng bọn giặc không cho. Chúng nói để cả ngày mai nữa. Nhưng đêm đến, bà Đệ đã nhờ người quen tìm cách lấy đầu anh Trần Tuân và các anh khác về cho gia đình chôn cất.
Còn bà Lê thị Cháu (tức Diêu Cháu) có con trai là Nguyễn Đức Kỳ(Xã đội trưởng) và bà Hoàng Thị Sáng có con trai là Nguyễn Phi (cán bộ bình dân học vụ xã) đã hy sinh vào ngày 16-8-1948 cùng cảnh ngộ bị giặc Pháp ở đồn Nhĩ Hạ bắt được và giết chết rồi chặt đầu đem bêu ngoài cổng chợ vùng Gio Mai, huyện Gio Linh. Sau đó bà Diêu Cháu và bà Sáng nghe tin con bị giặc chặt đầu đau xót vô cùng và đi lấy đầu con về chôn cất.
Chủ trương của giặc là cắm các đầu của những người chúng giết để bêu diếu ở nơi đông người qua lại như chợ địa phương cho nhiều người   trông thấy để về loan tin cho nhau biết rộng rãi nhằm mục đích làm cho đồng bào sợ hãi không giám cho con em đi theo Việt Minh.
Sự kiện dã man, tàn bạo ấy của giặc hòng đe dọa đồng bào ta lo sợ  không dám theo cách mạng. Nhưng chúng đã nhầm to, sau những vụ giết người dã man chưa từng thấy như vậy của giặc thì ngọn lửa căm thù giặc của dân chúng khắp nơi lại càng bốc cao hơn và họ quyết tâm theo cách mạng để diệt loài xâm lăng tàn bạo.

Nghe câu chuyện cảm động về bà mẹ có con đã hy sinh như vậy, nhạc sĩ Phạm Duy trong chuyến đi thực tế vào QT đã đến Gio Linh và sáng tác bài hát; “Bà mẹ Gio Linh” (năm 1948). Bài hát này đã vang lên một thời ở Bình, Trị, Thiên trong vài năm đầu chiến tranh chống giặc Pháp. Lời bài hát như một bài thơ đi cùng giai điệu nhạc buồn giản dị dễ nghe nhưng rất tình cảm, rất chân thực và đầy lòng nhân ái, sâu sắc ý nghĩa nhân văn. Chính giá trị lịch sử của bài ca “Bà mẹ Gio Linh” này đã được tái bản trong tuyển tập nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy gần đây và được đông đảo người dân Việt trân trọng và ngưỡng mộ hết lòng.
Bài ca “Bà mẹ Gio Linh” đã được nhiều người ưa thích và hát ca trong thời kháng chiến. Còn các ca sĩ đã từng hát bài này đầu tiên là chị Tân Nhân (người làng Mai Xá, Gio Linh); ca sĩ Hương Loan (làng Nại Cửu, Hải Lăng). Về sau này có nhiều ca sĩ đã hát bài này và có thu băng, ghi đĩa như: Khánh Ly, Duy Quang, Duy Khánh, Hương Lan, Thái Thanh, Thu Hiền, v.v… Trong đó hát hay nhất là các ca sĩ Khánh Ly, Duy Quang, Duy Khánh. Giọng hát và lời ca của các ca sĩ này rất ấm áp, tình cảm yêu thương mà không rên rỉ tiều tụy.
Phần ca từ trong bài hát, nhạc sĩ Phạm Duy đặt rất hay như ba đoạn thơ miêu tả hoàn cảnh và sự biến chuyển tình cảm qua từng thời khắc cuộc đời của một bà mẹ nghèo ở miền quê QT nhưng rất giàu lòng yêu nước Việt Nam. Chẳng hạn trong các câu hát:
“Mẹ già cuốc đất trồng khoai
Nuôi con đánh giặc đêm ngày
Cho dù áo rách sờn vai
Cơm ăn bát vơi, bát đầy...”
….
“…Con đi dân quân sớm tôi vác súng về,
mẹ mừng một con yêu nước có kém chi…”
….
“…Mẹ già tưới nước trồng rau
Nghe tin xóm làng kêu gào
Quân thù đã bắt được con
Đem ra giữa chợ cắt đầu…”
….
“Nghẹn ngào không nói một câu
Mang khăn gói đi lấy đầu…”
“Khi trông con nuôi, xúm xít dưới túp nhà
Mẹ nhìn đàn con, thương nhớ đứa con xưa
Con ơi, con ơi, uống hết bát nước đầy
Ngày một ngày hai, con nhớ ghé chơi đây…”

Đoạn cuối lời bài ca đã nói lên tấm lòng của người mẹ đã coi các chiến sĩ bộ đội ta như con nuôi. Càng nhớ thương con mình bao nhiêu thì càng quý những đứa con nuôi bấy nhiêu.
Tuy lời bài hát: “Bà mẹ Gio Linh” sau này có thay đổi chút ít so với bản gốc năm 1948. Có phải do nhạc sĩ Phạm Duy sửa lại hay do các ca sĩ tự cải biên cho thích hợp với thời thế hay không? Nhưng dù sao thì linh hồn của bài ca “Bà mẹ Gio Linh” vẫn được sống mãi với thời gian.
Chúng tôi rất cám ơn nhạc sĩ Phạm Duy đã để lại cho quê hương QT chúng tôi một ca khúc đầy tình nghĩa như thế! Đồng thời chúng tôi cũng xin cám ơn các ca sĩ đã đem giọng ca của mình làm rung động bao trái tim người dân Việt khắp nơi hình dung lại một thời tổn thất lớn lao của người dân Việt trong khói lửa chiến tranh.
Giờ đây, hằng năm cứ mỗi lần đến ngày Thương binh -Liệt sĩ, chúng tôi lại nhớ những sự kiện đau thương của các mẹ có con hy sinh cho quê hương đất nước tồn tại muôn đời…
                                ==00==  
                          Phước Vĩnh Huế, tháng 7 năm 2012.
                                     NHT (cựu GV Đại học Huế)
(Ghi chú: Bài này đã được đăng trên tạp chí “Kiến thức ngày nay” số 790 tháng 7-2012.)