Thứ Năm, 27 tháng 2, 2014

              XIN NHỚ ƠN THẦY THUỐC ĐÃ CỨU TÔI 
                                         ==00==
Tôi còn nhớ vào thời chiến tranh, lúc tôi còn nhỏ, thời kháng chiến chống giặc Pháp, tôi bị đau nặng do bệnh sốt rét và thương hàn gây nên tại vùng tản cư miền An Lạc, thôn Phú Long, Hải Lăng, Quảng Trị. Mẹ tôi kể lại rằng, vào một đêm mùa hè năm Đinh Hợi(1947), tôi bị sốt cao, người mê man, vùng vẫy kêu la, làm cho cả nhà và bà con lân cận đều chạy đến lo lắng, giúp đỡ. Lúc đó mẹ tôi hốt hoảng, than khóc ầm ĩ. Bà con kéo đến, người thì đắp khăn ướt lạnh lên trán tôi; người thì giã củ ném(hành tăm) rịt buộc vào hai bàn chân, bàn tay tôi để mong giảm sốt. Hồi đó, bệnh viện tỉnh ở xa, không có phương tiện đi cấp cứu. Tôi vẫn nằm tại nhà kêu la vùng vẫy liên tục. Lúc bấy giờ có một anh y tá xã đang đi qua đường nghe tiếng kêu la, khóc lóc và tiếng ồn ào của bà con kéo đến, anh ấy liền ghé vào xem có chuyện gì không? Thấy tôi nằm quằn qoại kêu la, anh y tá liền khám cho tôi rồi nói với mọi người là tôi bị sốt cao, cần phải tiêm thuốc và uống thuốc giảm sốt không thì nguy hiểm đến tính mạng. Thế là mẹ tôi rất lo và mọi người vội vàng nấu nước sôi luộc kim tiêm cho anh ấy tiêm cho tôi. Sau khi tiêm và uống thuốc xong, dần dần tôi nằm yên và hạ sốt rồi ngủ yên. Mẹ tôi và bà con lân cận rất an lòng, hy vọng tôi sẽ qua cơn nguy hiểm.
Sau đó,anh y tá còn ghi mấy thứ thuốc Tây rồi bảo với mẹ tôi ngày mai sang bên nhà Phúc các chị Xơ-tu ở nhà thờ đạo La Vang mua mấy thứ thuốc để uống tiếp cho đỡ bệnh. Nếu không giảm bệnh thì tìm cách võng bệnh nhân ra nằm viện ở thị xã Quảng Trị để cứu chữa, không nên để ở nhà lâu sẽ nguy hiểm. Mẹ tôi cám ơn anh y tá và thực hiện như anh ấy dặn. Anh y tá đó là Lê Bá Lợi, người thôn Mai Đàn, xã Hải Quang(sau này là Hải Lâm).
May quá! là sau một thời gian mấy tuần tôi đã khá lên nhiều rồi dần dần khỏi bệnh, nhưng tóc trên đầu bị rụng hết cả. Nhưng không sao, miễn là còn sống là tốt. Thế là tử thần không thể kéo tôi đi theo được! Đó là sự may mắn của tôi đã gặp được một thầy thuốc tốt bụng kịp thời để cứu mạng cho tôi. Tôi mãi mãi xin nhớ ơn thầy thuốc Lê Bá Lợi.
Vì vậy tôi có làm bài thơ Đường luật để tặng các thầy thuốc nhân ngày 27-2- 2014.

  GẶP PHÚC LƯƠNG Y
                 
Tử thần đã định kéo tôi đi
Sốt rét mê man chẳng biết gì
Gặp phúc lương y không quản ngại
Thiện tình từ mẫu chẳng lo chi
Tháng ngày nguy khốn rồi qua khỏi
Giờ phút hiểm nghèo đã biệt ly
Số phận đời tôi còn sống tiếp
Sao mà chịu xuống cõi âm ty !...
                Nguyễn Hồng Trân

Thứ Tư, 26 tháng 2, 2014

         TÌM HIỂU THÊM VỀ CÂU ĐỐI TẾT
                                ==00==  
Từ ngày xưa cho đến nay, tại nước Việt Nam ta vẫn duy trì hình thức về câu đối. Ngày xưa các cụ đồ nho thường viết câu đối bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, nhưng sau này có nhiều người không biết chữ Hán hoặc Nôm thì viết bằng quốc ngữ cũng hay. Câu đối nói chung, hay câu đối dịp Tết đều có luật và có thể loại của nó cả.
A.VỀ LUẬT: có ba điều cần lưu ý về cặp câu đối. Đó là phải đối ý, đối từ, đối thanh.
1.Đối ý là phải có ý tương phản hoặc tương đồng. Ví dụ: Tương phản như:  vui vẻ- buồn rầu; tương đồng như:  bực tức-giận hờn…
2.Đối từ là phải theo từ loại, nghĩa là danh từ thì phải đối với danh từ. Ví dụ: ong- bướm; chim-cá; phố phường-thôn xóm; động từ phải đối với động từ. Ví dụ: mưa- nắng; leo trèo-chạy nhảy; tính từ phải đối với tính từ. Ví dụ: xanh lơ-đỏ thắm; vàng hoe-tím đậm…
3.Đối thanh là phải theo thanh âm trắc và bằng.
Ví dụ: mềm (bằng)- cứng (trắc);  yêu(bằng) –ghét(trắc); siêng năng(bằng)-nhác nhớn(trắc)…
Cần phải lưu ý thêm rằng: nếu là những đôi từ láy thì căn cứ vào từ đi sau để đối cho hợp. Ví dụ: thong thả-vội vàng; lơ là-chăm chỉ…
B.VỀ LOẠI: Hình thức câu đối có ba thể loại:
1.Câu đối vặt là loại câu đối, thường mỗi vế có từ 3 đến 6 chữ. Người xưa xếp loại này là câu đối vặt, vì nó ngắn quá, chưa thể hiện được ý nghĩa của nó.
 Ví dụ như câu đối Trạng Quỳnh khi còn nhỏ đối lại vế đối của ông Tú Cát nêu ra:
Trời sinh ông Tú Cát;
Đất đẻ con bọ hung.
(cát: tốt; hung: xấu). Ở đây, ngoài nghệ thuật chơi chữ, vế đối lại của Trạng Quỳnh còn có ẩn ý làm giảm sự kiêu ngạo của ông Tú Cát nữa.
2.Câu đối thơ là câu đối mà hai vế của nó phải đặt theo đúng luật của thơ thất ngôn quy định, tức mỗi vế có 7 chữ như trong cặp câu thực, cặp câu luận của bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Chẳng hạn đây là cặp câu đối về cảnh Tết:
Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo;
Nhân tình bạc thế lại bôi vôi.
( Tú Xương)
Duyên với giang sơn nên dán chữ;
Nợ gì trời đất phải trồng nêu.

(Bà Huyện Thanh Quan)

3.Câu đối phú là câu đối mỗi vế dài từ 8 chữ trở lên.
Thí dụ:
Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới;
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước Xuân vào.

(Hồ Xuân Hương)

Đuột giời ngất một cây nêu, hết túi ba mươi ri cũng Tết;
Vang đất đùng ba tiếng pháo, rạng ngày mồng một rứa là Xuân.
(Nguyễn Công Trứ)
Cụ Thượng Nguyễn Công Trứ viết câu đối  thường gắn với hoàn cảnh sống và cá tính của mình.  
Về hình thức, những câu đối Tết của cụ viết toàn là câu đối phú, lại thuần Nôm, không có lấy một câu nào viết bằng chữ Hán. Năm cùng tháng tận, rồi Tết đến xuân về, nhà thì nhẵn túi, nhìn cây nêu cao, nghe tiếng pháo nổ, cụ ngậm ngùi:
Đuột giời ngất một cây nêu, hết túi ba mươi ri cũng Tết;
Vang đất đùng ba tiếng pháo, rạng ngày mồng một rứa là Xuân.
(Đuột giời: thẳng tuốt lên trời. Ri: thế này. Rứa: thế nầy, thế nọ, như thế. Đây là từ địa phương vùng  Bắc miền Trung Việt Nam).
             
Chiều ba mươi nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra khỏi cửa;
Sáng mồng một rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông phúc đón vào nhà.

Tết có cóc gì đâu, uống một vài be củ tỏi;
Nợ đâm ương ra đó, nói ba chuyện cà riềng.
(Be củ tỏi: ve đựng rượu có hình dạng như củ tỏi, để rót rượu cho tiện và dễ. Chuyện cà riềng: chuyện lòng dòng, con cà con kê)
            Và cụ Trứ đón Tết trong một trạng thái tâm lý hờ hững:
Mồng một Tết, mồng hai Tết, mồng ba Tết, ờ Tết;
Buổi sáng say, buổi trưa say, buổi chiều say, cho say.
             
  Cái nghèo cứ lùng nhùng đeo bám cụ, nhưng cụ vẫn không nản chí, trái lại vẫn cứng cỏi, đầy bản lĩnh và có cá tính. Nghèo mà vẫn trong sạch:
Mua pháo đốt chơi, để anh em nghe có tiếng;
Giật nêu đứng lại, cho làng nước biết không xiêu.
                                  *****
   Nguyễn Hồng Trân sưu tầm và biên tập

Thứ Hai, 17 tháng 2, 2014

   CUỘC HỌP MẶT ĐỒNG HƯƠNG TỈNH QUẢNG TRỊ     
TẠI HÀ NỘI ĐẦU XUÂN NĂM GIÁP NGỌ= 2014
                                            ==00==
Sáng ngày 16/2/2014, họp đồng hương tỉnh Quảng Trị tại Hà Nội vào đầu xuân năm Giáp Ngọ 2014 thật là đông vui. Mọi người ai cũng muốn đi sớm đến đây để tìm người thân quen, bạn bè mà chuyện trò cho thoải mái, thỏa thích. Số lượng hộp đồng hương năm nay gần 250 người, phần lớn là các ông bà già. Trước khi vào cuộc họp là có chương trình ca nhạc đầu xuân chào mừng sự gặp mặt đầu năm của Hội đồng hương Quảng Trị. Tiếp đó, vào cuộc họp, ông Trần Hữu Thắng Chủ tịch Hội đồng hương tỉnh Quảng Trị trình bày tóm tắt những hoạt động của Hội trong 2 năm qua. Sau đó ông Nguyễn Đức Cường-Chủ tịch tỉnh Quảng Trị ra tham dự và lên phát biểu ý kiến về tình hình của tỉnh nhà trong năm qua và phương hướng phấn đấu phát triển trong thời gian tới. Sau đó một số vị tham gia ý kiến cho Hội đồng hương và tỉnh nhà. Có mừng thọ cho 2 cụ tuổi 90. Cuối cùng là bế mạc, ban tổ chức mời mọi người sang nhà ăn dự liên hoan tiệc mặn rất đầm ấm, thân tình giữa những người sống xa quê hương, xứ sở.

Thứ Tư, 12 tháng 2, 2014

     ĐẦU XUÂN CÔ NÀNG SẢN PHỤ ĐI XIN CHỮ
                             ==00==

          (Nguyễn Hồng Trân sưu tầm và biên tập lại).
Ngày xuân cô nàng làm nghề hộ sinh đi du xuân và muốn tìm gặp thầy đồ nho khai bút chữ Hán đầu năm. Khi gặp được thầy đồ, cô ta mừng lắm và xin thầy ghi cho cô mấy chữ khai xuân để lưu niệm khởi hành đầu năm mới. Cô ta hớn hở đến chỗ thầy đồ:
-Thưa thầy cho con xin mấy chữ Thánh Hiền đầu xuân làm lưu niệm.
-Cô tên họ là gì? quê ở đâu và làm nghề gì? Phải nói cụ thể nghề nghiệp thì tôi cho câu chữ mới hợp, mới hay.
-Dạ vâng. Con tên là Kim Thạch, quê ở Hải Phòng. Con làm nghề đỡ đẻ tư nhân.
-Được rồi tôi sẽ cho cô mấy chữ Thánh Hiền thích hợp, cô về treo lên trong nhà để lưu niệm nhé.
-Vâng ạ, xin cám ơn thầy.
Ông thầy đồ Nho cầm bút lông suy nghĩ một lúc rồi chấm mực tàu nhẹ nhàng chấm phẩy, kéo ngang, phết dọc, lên xuống ngoằn nghèo như hoa lá, cành cây…
Dòng chữ Hán hiện ra rất đẹp, cô gái rất vui mừng tỏ vẻ thích thú nhìn vào hàng chữ như có sức mạnh thần kỳ.
Dòng chữ đó là: “Phòng sản, Kim tồn, Thạch bất truy”.
Cô nàng liền hỏi thầy đồ: “Thế có nghĩa thế nào thầy?”
Thầy đồ giải thích: “Có tên cô là Kim Thạch, quê Hải Phòng, làm nghề sản phụ mát tay, tồn tại mãi không ai theo kịp”.
Nghe vậy cô ta đắc chí cười vui khoái trá, rồi cám ơn thầy và mở túi xách lấy một gói trà ngon và hai bao thuốc lá kèm với một phong bao 100 nghìn mừng tuổi thầy đầu năm.
Thầy đồ mỉm cười, cám ơn và chúc cô về vui vẻ cả năm.
Về nhà, cô nàng Kim Thạch ấy liền treo ngay câu chữ Hán ấy lên trên tường ngay đầu giường phòng ngủ của cô.
Ai đến thăm chơi nhà, cô đều khoe xin được câu chữ Hán đầu xuân thầy cho rất hay: “Nghề sản phụ mát tay, tồn tại mãi không ai theo kịp”. Mọi người nghe cũng khen hay. Cô ta hứng khởi lắm!
Sau mấy tháng sau, nhờ có câu chữ đầu xuân thầy cho đó, cô làm ăn vẫn phát đạt và tinh thần sảng khoái, nét mặt hồng tươi và ngày càng xinh đẹp thêm.
Một hôm, có một cụ già hay chữ Hán, là người bà con bên nội của cô ta từ Hải Phòng đến thăm. Cụ đi lui tới trong phòng, vừa phe phẩy cái quạt, vừa ngắm dòng chữ Hán một hồi lâu rồi nói với cô cháu:
“Sao cháu lại treo câu này trên đầu giường kỳ cục thế?. Chẳng hay chút nào cả!”
Cô ta hỏi lại: “Thế nên treo chỗ nào cho hợp, thưa cụ?”.
Ông cụ bảo ngay: “Phải bỏ đi! Không treo chỗ nào cả!”
-Sao thế cụ? cháu chẳng hiểu thế nào cả? cụ nói cho cháu nghe đi!
Ông cụ từ từ giải thích cho cô gái nghe: “Phòng sản, theo chữ Hán có nghĩa tiếng Việt là ngừa đẻ, Kim tồnnay còn, Thạch bất truyđá chẳng theo”.
Nói đến đó ông cụ lại mỉm cười, còn cô gái thì hỏi lại:
“Thế có sao đâu cụ mà phải bỏ đi?”.
Ông cụ nói: “Cháu chẳng hiểu gì cả. Đó là những cụm từ nói lái lại thành một câu hài hước, buồn cười lắm!”.
Cô gái vẫn băn khoăn có vẻ chưa hiểu lắm. Ông cụ liền nói toẹt ra cho cô hiểu:
Ngừa đẻ nói lái là đè ngửa, nay còn con này, đá chẳng theođéo chẳng tha! Cháu nghe rõ cả chưa? Thế là ông đồ này muốn trêu cháu một cách thô tục.
Nghe vậy cô gái hoảng quá vừa xấu hổ vừa tức giận ông thầy Đồ Nho chơi xỏ mình. Cô liền nói với ộng cụ:
“Cháu sẽ đến gặp ông Đồ Nho ấy mà mắng cho ông ta một trận cho hả giận”.
Cô ta nói thì như thế nhưng rồi cô ta cứ im lặng chỉ cười thầm một mình rồi lẩm nhẩm lại câu chữ Hán:
       “Phòng sản, Kim tồn, Thạch bất truy.” Nghĩa là:
       “Ngừa đẻ, nay còn, đá chẳng theo” nghĩa là “đè ngữa con này, đéo chẳng tha”!...
       Cô nàng đọc đi đọc lại câu nầy rồi tiếp tục cười một mình….
                    Hà nội, đầu xuân năm Giáp Ngọ- 2014
                                             NHT

Thứ Năm, 6 tháng 2, 2014


               TRỞ VỀ ĐÓN TẾT TẠI HÀ NỘI
                             ==00==

Đã lâu quá rồi, tôi mới có dịp về đón Tết tại Hà Nội. Phố phường bây giờ dân chúng đi lại tấp nập hơn xưa nhiều. Trước đây, đường phố đầy xe đạp, nhưng giờ đây hầu hết phương tiện đi lại là xe máy và ôtô. Nhất là hệ thống xe búyt dày đặc và lưu thông khắp thành phố với giá rẻ (5, hoặc 7 ngàn một lượt) đã tạo điều kiện cho nhiều người dân đi lại được thuận tiện. Nhiều đường phố được mở rộng và có thêm nhiều cầu vượt và đường trên cao để tránh sự ùn tắc giao thông trong thành phố khi vào tầm giờ cao điểm. Phố xá rộn ràng khách ra vào các cửa hàng, cửa hiệu dồn dập. Hàng hóa tiêu dùng rất phong phú đầy đủ các thứ loại có nhãn hiệu Việt Nam và ngoại quốc với những mẫu mã đẹp mắt. Tuy vậy, người mua sắm cũng rất cảnh giác với các loại hàng giả mạo, chất lượng không tốt vẫn còn bày bán ở một số cửa hàng tư nhân hám lợi mà các cơ quan chức trách chưa phát hiện kịp thời để dẹp bỏ…
Đặc biệt mấy ngày giáp Tết Giáp Ngọ, nhiều mặt hàng truyền thống phục vụ cho ngày Tết đều tiêu thụ rất nhanh như các loại bánh chưng, bánh tét, nem chua, dò chả, mứt kẹo v.v… cũng ít người để ý đến các loại mặt hàng này có an toàn thực phẩm hay không nữa? Thấy cần là mua, cứ mua cho kịp về dùng ngày Tết, thế thôi!
Trong các công sở, cửa hiệu cửa hàng đều trang hoàng hoa cảnh đẹp mắt như các chậu hoa đào, mai, quất… Trong mọi nhà dân đều có bình hoa đào, hoa mai đón chào năm mới. Trên dọc các đường phố cũng được trưng bày hoa cảnh rất đẹp. Nhất là ban đêm cảnh đèn hoa màu sắc nhấp nháy sinh động trên các lâu đài, hãng hiệu, chùa chiền, đền miếu… trông rất đẹp mắt.
Đêm giao thừa pháo hoa được bắn lên ở 27 địa điểm trong thành phố, trong đó có 5 điểm lớn, nhưng có hai điểm lớn nhất trình diễn pháo hoa rất đẹp là ở Hồ Gươm và Tây Hồ. Mấy chục năm nay không còn cảnh đón giao thừa pháo nổ đì đùng khắp nơi và người ta đua nhau đi hái lộc(các nhành lá non trên cây) quanh các đền chùa như ngày xưa nữa.
Đặc biệt thời tiết Hà Nội vào dịp Tết năm nay rất đẹp, trời se lạnh nhẹ, không mưa phùn như các dịp Tết những năm trước. Trong mấy ngày Tết, người ta đi thăm nhau và chúc mừng năm mới rất thuận lợi. Nhiều người đi chùa, nhà thờ, đến Văn Miếu Quốc tử Giám, đến thăm lăng Bác Hồ, đi xin chữ đầu xuân v.v…
Vợ chồng chúng tôi cũng đi dạo chơi quanh hồ Gươm rồi đến vườn hoa Chí Linh-bên đường Đinh Tiên Hoàng (sát bờ hồ) để ngắm tượng đài toàn thân vua Lý Thái Tổ đang nhìn ra Tháp Rùa giữa Hồ Hoàn Kiếm. Sau đó chúng tôi vào đền Ngọc Sơn thắp hương tưởng niệm. Ngày Hôm sau chúng tôi lên Văn Miếu dạo chơi ngắm những chú rùa cõng bia các Tiến sĩ của đất Việt ngày xưa. Một lúc sau, chúng tôi dừng lại bên dãy tường thành Văn Miếu để ngắm các cụ đồ nho đang viết đại tự trao cho những người đến xin chữ đầu xuân(xin được một chữ thì phải biếu lại cho cụ đồ 150 nghìn đồng). Những chữ cụ đồ thường cho là loại chữ Hán gồm các chữ với nghĩa là: Tâm, Đức, Phúc, nhẫn, Phú, Thịnh, Vượng, Duyên… Chúng tôi nhìn thấy có cả người ngoại quốc đến xin chữ nữa và họ cũng vui vẻ chúc Tết ông đồ với những lời trang trọng, chân thành. Đó là nét văn hóa từ xưa mà nay ở Thủ đô Hà Nội vẫn đang còn tồn tại.
Ngày Tết chúc nhau khỏe mạnh thêm
Mùa xuân ước vọng an khang mãi!...
                        ==00==
                             Nguyễn Hồng Trân
            Hà Nội-Tết năm Giáp Ngọ= 2014.


Thứ Hai, 3 tháng 2, 2014

       TRÊN ĐỒI XỨ PHẬT LINH
                   ==00==       
Tượng ngựa trên đồi xứ Phật linh
Ai qua cũng ngắm gửi tâm tình:
Cầu mong đất nước luôn yên ổn
Ước vọng nhân dân được thái bình
Đạo đức sáng trong không giảm sút
Tinh thần vững chắc mãi trường sinh
Tri ân sâu nặng còn muôn thuở
Phúc ấm cao dày thật hạnh vinh!...
                      Nguyễn Hồng Trân

         Hà Nội xuân năm Giáp Ngọ-2014

Chủ Nhật, 2 tháng 2, 2014

             CHUYỆN CON NGỰA CỦA ANH KIỀN
                         (Nguyễn Hồng Trân)
                              ==00==
Tại làng Thượng Xá thuộc xã Hải Quang(nay là Hải Thượng), huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị ngày xưa có anh Phan Kiền làm liên lạc cho Ủy ban huyện sau ngày cách mạng tháng Tám năm 1945. Công việc của anh phải đi lại nhiều. Thỉnh thoảng có công văn “khẩn”, anh ấy phải chạy bộ nhanh cho kịp. Thấy anh vất vả với công việc, UB đã tậu cho anh một con ngựa để đi lại thuận tiện. Vì hồi ấy rất hiếm xe đạp nên anh phải quen dần với chuyện cỡi ngựa đi thực hiện nhiệm vụ liên lạc.
 Từ đó, anh Kiền làm thân với con ngựa và chăm sóc nó rất chu đáo. Con ngựa xám này anh đặt tên là con Côn-Côn. Con Côn-Côn này cũng khôn ngoan và tình nghĩa với anh Kiền lắm. Phải nói rằng, trên đời này có con ngựa và con chó là hai con vật nuôi rất khôn và biết nghe lời chủ, sống có tình với chủ nó. Khi chủ nó vuốt ve vào trên bờm nó và nói thì nó nghe và hiểu.
Tôi còn nhớ có một lần anh Kiền cỡi ngựa về quê ăn Tết năm Bính Tuất (1946), anh buộc nó vào gốc mít sát đụn rơm, nó vói cổ sang đưa lưỡi kéo rơm ra đưa vào mồm nhai nhai ngon lành. Bọn trẻ con trong xóm thấy lạ kéo nhau đến xem con ngựa và cười vui thích thú. Anh Kiền nói với mấy đứa trẻ: “Đây là con ngựa đực rất hùng dũng và tốt bụng. Đứa nào thích cỡi ngựa chú cho trèo lên lưng ngựa cỡi chạy một vòng đến đồi cát rồi quay về?”.
Nghe chú Kiền hỏi vậy, đứa nào cũng thích nhưng không giám nói ra. Vì nếu không biết trèo lên ngựa và không biết điều khiển ngựa thì dễ bị nó hất té ngã xuống đường thì khổ thân. Thấy có 6,7 đứa trẻ cả nam lẫn nữ cứ nhìn chú Kiền rồi vui vẻ nói:
“Chú ơi, chú cho mấy đứa cháu ngồi sau lưng chú dạo chơi một vòng được không?”. Chú Kiền cười và nói: “chuyện đó dễ thôi, mỗi lần ngồi sau lưng chú hai đứa, một trai, một gái. Trai ngồi sau lưng gái mà ôm vào cho chặt, con gái ngồi sau lưng chú cũng ôm vào thắt lưng chú cho chặt để khi ngựa chạy không bị văng rơi xuống đất, nghe chưa?”.
Cả bọn con trai đồng thanh dạ to, còn mấy đứa con gái thì im lặng, vì ái ngại về chuyện để cho con trai ôm chặt vào mình thì ngượng lắm...
Thế nhưng rồi mọi chuyện lại thấy êm đềm, không thấy đứa con gái nào ngượng ngùng gì cả mà chỉ thấy đứa nào cũng thích thú. Anh Kiền vui lắm. Mấy hôm ngày Tết, anh Kiền cỡi ngựa đi thăm bà con, bạn bè khắp trong thôn xóm trông rất oai hùng. Đi đến đâu là bọn con nít chạy theo sau cười vui rộn ràng, làm anh kiền càng thêm hứng thú.
Đến đầu năm 1947, trong một chuyến đi công tác miền Tây Quảng Trị, anh bị đạn đại bác của giặc Pháp bắn lên làm anh bị thương và rơi xuống ngựa. Con ngựa quay lại rồi nằm bên cạnh anh đưa lưỡi liếm liếm vào trán anh như thông cảm. Khi anh tỉnh lại, anh vẫn đau chân không sao trèo lên được lưng ngựa để về cơ quan. Con ngựa liền nằm xuống nghiêng lưng nó sát bên người anh để anh dùng hai tay bám vào lưng nó rồi nó từ từ đứng dậy và đi nhẹ nhàng đưa anh về được cơ quan ở vùng Tân Lệ (dưới chiến khu Ba Lòng).
Anh Kiền kể lại rằng, sau khi anh lành vết thương, ra viện về cơ quan gặp lại con Côn-Côn thì nó mừng lắm. Nó cứ nhảy qua, nhảy lại, hít hít vào đầu anh, má anh rồi hí hí, reo vang lên náo động và vẩy đuôi tỏ vẻ mừng vui thấy chủ đã trở về...
Vài hôm sau có chú Nguyễn Hương (người thị trấn Diên Sanh) là cán bộ Văn hóa truyên truyền của huyện cũng cỡi một con ngựa ô đến cơ quan. Thế là con Côn-Côn thấy có bạn gái đến liền hí vang lên mừng vui như lâu ngày mới gặp lại bạn tình. Chú Hương và anh Kiền hiểu ý hai con ngựa của mình nên đến mở dây buộc để thả cho hai cô chú ngựa dạo chơi một lúc trên mé đồi phía Nam sông Thạch Hãn.
Mùa hè năm 1947, giặc Pháp đi càn, con ngựa Côn-Côn bị Tây bắn chết cùng hàng chục con trâu bò của các gia đình nông dân vùng này. Mọi người dân đều căm tức lũ giặc hại dân và rất thương tiếc đàn trâu bò bị chết thì mùa sau không có sức kéo để cày bừa làm ăn thời vụ. Nhìn thấy cảnh trâu bò chết la liệt nằm ngổn ngang ngoài đồng, ai cũng động lòng than khóc. Anh Kiền cũng khóc theo và rất tiếc cho con ngựa tinh thần gần gũi của anh. Anh không cho họ mổ thịt như những con trâu bò mà anh lo chôn cất nó thật chu đáo và còn thắp hương trước ngôi mộ của nó nữa. Anh còn lấy một tảng đá đặt trên mộ rồi khắc dòng chữ “Côn-Côn của Phan Kiền, ta nhớ mãi!” để kỷ niệm như một người bạn thân đã lìa đời.
  (Nhân năm Giáp Ngọ-2014, kể chuyện ngựa của NHT)