TÌM HIỂU THÊM VỀ CÂU ĐỐI TẾT
==00==
Từ ngày xưa cho đến nay, tại nước Việt Nam ta vẫn duy trì hình thức về câu đối. Ngày xưa các cụ đồ nho thường viết câu đối bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, nhưng sau này có nhiều người không biết chữ Hán hoặc Nôm thì viết bằng quốc ngữ cũng hay. Câu đối nói chung, hay câu đối dịp Tết đều có luật và có thể loại của nó cả.
A.VỀ LUẬT: có ba điều cần lưu ý về cặp câu đối. Đó là phải đối ý, đối từ, đối thanh.
1.Đối ý là phải có ý tương phản hoặc tương đồng. Ví dụ: Tương phản như: vui vẻ- buồn rầu; tương đồng như: bực tức-giận hờn…
2.Đối từ là phải theo từ loại, nghĩa là danh từ thì phải đối với danh từ. Ví dụ: ong- bướm; chim-cá; phố phường-thôn xóm; động từ phải đối với động từ. Ví dụ: mưa- nắng; leo trèo-chạy nhảy; tính từ phải đối với tính từ. Ví dụ: xanh lơ-đỏ thắm; vàng hoe-tím đậm…
3.Đối thanh là phải theo thanh âm trắc và bằng.
Ví dụ: mềm (bằng)- cứng (trắc); yêu(bằng) –ghét(trắc); siêng năng(bằng)-nhác nhớn(trắc)…
Cần phải lưu ý thêm rằng: nếu là những đôi từ láy thì căn cứ vào từ đi sau để đối cho hợp. Ví dụ: thong thả-vội vàng; lơ là-chăm chỉ…
B.VỀ LOẠI: Hình thức câu đối có ba thể loại:
1.Câu đối vặt là loại câu đối, thường mỗi vế có từ 3 đến 6 chữ. Người xưa xếp loại này là câu đối vặt, vì nó ngắn quá, chưa thể hiện được ý nghĩa của nó.
Ví dụ như câu đối Trạng Quỳnh khi còn nhỏ đối lại vế đối của ông Tú Cát nêu ra:
Trời sinh ông Tú Cát;
Đất đẻ con bọ hung.
(cát: tốt; hung: xấu). Ở đây, ngoài nghệ thuật chơi chữ, vế đối lại của Trạng Quỳnh còn có ẩn ý làm giảm sự kiêu ngạo của ông Tú Cát nữa.
2.Câu đối thơ là câu đối mà hai vế của nó phải đặt theo đúng luật của thơ thất ngôn quy định, tức mỗi vế có 7 chữ như trong cặp câu thực, cặp câu luận của bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Chẳng hạn đây là cặp câu đối về cảnh Tết:
Thiên hạ xác rồi còn đốt pháo;
Nhân tình bạc thế lại bôi vôi.
( Tú Xương)
Duyên với giang sơn nên dán chữ;
Nợ gì trời đất phải trồng nêu.
(Bà Huyện Thanh Quan)
Nợ gì trời đất phải trồng nêu.
(Bà Huyện Thanh Quan)
3.Câu đối phú là câu đối mỗi vế dài từ 8 chữ trở lên.
Thí dụ:
Tối ba mươi khép cánh càn khôn, ních chặt lại kẻo ma vương đưa quỷ tới;
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước Xuân vào.
(Hồ Xuân Hương)
Sáng mồng một lỏng then tạo hóa, mở toang ra cho thiếu nữ rước Xuân vào.
(Hồ Xuân Hương)
Đuột giời ngất một cây nêu, hết túi ba mươi ri cũng Tết;
Vang đất đùng ba tiếng pháo, rạng ngày mồng một rứa là Xuân.
(Nguyễn Công Trứ)
Cụ Thượng Nguyễn Công Trứ viết câu đối thường gắn với hoàn cảnh sống và cá tính của mình.
Về hình thức, những câu đối Tết của cụ viết toàn là câu đối phú, lại thuần Nôm, không có lấy một câu nào viết bằng chữ Hán. Năm cùng tháng tận, rồi Tết đến xuân về, nhà thì nhẵn túi, nhìn cây nêu cao, nghe tiếng pháo nổ, cụ ngậm ngùi:
Đuột giời ngất một cây nêu, hết túi ba mươi ri cũng Tết;
Vang đất đùng ba tiếng pháo, rạng ngày mồng một rứa là Xuân.
(Đuột giời: thẳng tuốt lên trời. Ri: thế này. Rứa: thế nầy, thế nọ, như thế. Đây là từ địa phương vùng Bắc miền Trung Việt Nam ).
Chiều ba mươi nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng bần ra khỏi cửa;
Sáng mồng một rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông phúc đón vào nhà.
Tết có cóc gì đâu, uống một vài be củ tỏi;
Nợ đâm ương ra đó, nói ba chuyện cà riềng.
(Be củ tỏi: ve đựng rượu có hình dạng như củ tỏi, để rót rượu cho tiện và dễ. Chuyện cà riềng: chuyện lòng dòng, con cà con kê)
Và cụ Trứ đón Tết trong một trạng thái tâm lý hờ hững:
Mồng một Tết, mồng hai Tết, mồng ba Tết, ờ Tết;
Buổi sáng say, buổi trưa say, buổi chiều say, cho say.
Cái nghèo cứ lùng nhùng đeo bám cụ, nhưng cụ vẫn không nản chí, trái lại vẫn cứng cỏi, đầy bản lĩnh và có cá tính. Nghèo mà vẫn trong sạch:
Mua pháo đốt chơi, để anh em nghe có tiếng;
Giật nêu đứng lại, cho làng nước biết không xiêu.
*****
Nguyễn Hồng Trân sưu tầm và biên tập
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét