Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

                    CHUYỆN THỦ THUẬT BÓI KIỀU
                         NGÀY XUÂN CỦA BẠN TÔI
                                                  ==00==                               
                                        Nguyễn Hồng Trân
Tôi có mấy người bạn thật có tài học thuộc lòng một số tác phẩm văn thơ như các ông Trần Đức Ngọc, Nguyễn Đình Cống, Đinh Cự,v.v… Ông Ngọc thì thuộc rất nhiều bài thơ của tác giả người Pháp, Nga; ông Cự thì thuộc nhiều đoạn chuyện Tam Quốc, Thủy Hử của Trung Quốc; Ông Cống thì thuộc gần hết truyện Kiều của Nguyễn Du. Do có lợi thế đó, nên ông ta say mê nghiên cứu việc bói Kiều và  ông cũng đạt tới một kỷ xảo về thủ thuật bói Kiều hiện đại. Đó là bói Kiều theo kiểu hiểu biết dựa vào đặc điểm tâm trạng của đối tượng được bói, đồng thời sự kết hợp nhạy bén suy đoán của chủ quan của ông tương đối có lý. Vì vậy làm cho nhiều người tin là bói Kiều thật là hay!
Bói Kiều theo kiểu này không phải ai cũng bắt chước được. Có lẽ cũng hiếm người thuộc lòng hầu hết Truyện Kiều như ông Cống. Ông Cống là một vị GS.TS về ngành xây dựng, nhưng kiến thức của ông về văn hóa rất sâu rộng. Tôi rất khâm phục ông điều đó. Ông Cống là một trong những người bạn thân của tôi. Tôi học hỏi ở ông được nhiều điều, nhưng không thể học được cách bói Kiều của ông ta. Vì đó là Trời phú cho trí nhớ của ông thật tuyệt vời. Ông Cống không những nhớ bố cục các nội dung trong Truyện Kiều mà còn thuộc lòng nhiều câu Kiều trong nội dung từng phần của Truyện Kiều. Mặt khác, ông cũng đã thuộc sách “Kim vân Kiều truyện” (thể văn xuôi) của Trung Hoa ngày xưa mà từ sách chuyện đó Nguyễn Du đã sáng tạo thành truyện thơ lục bát bằng chữ Nôm tiếng Việt và sau này xuất bản thành chữ Quốc ngữ thì rất thuận tiện cho nhiều người trong xã hội ta đọc được, làm họ rất thích thú và ngưỡng mộ cái thiên tài của Nguyễn Du đã làm nên một tác phẩm bất hủ cho nền văn hóa Việt Nam.
Ông Cống đã từng kể vanh vách cho bạn bè nghe nội dung từng phần của Truyện Kiều như sau:
TỪNG PHẦN NỘI DUNG TRUYỆN KIỀU

Thủ thuật bói Kiều của ông Cống là không phải như bói Kiều của mấy ông thầy bói ngày xưa là đọc lên mấy cầu Kiều trong trang nào đó mà nhân sự nhẩm lời thầy bói hướng dẫn rồi mở ngẫu nhiên ra một trang sách Kiều tùy chọn để cho thầy đọc và thầy giải thích về ý nghĩa các câu Kiều cho đương sự nghe để tự hiểu về mình…
Cách bói Kiều của ông Cống khác hẳn. Ông hỏi nhân sự cần bói về ngày tháng năm sinh rồi ông tự lẩm bẩm thì thầm và đưa sách Kiều cho nhân sự tự dở trang sách tùy ý rồi ông liền lấy sách xem một lát rồi đọc mấy câu Kiều cho nhân sự đó nghe.
Sự thực, ông Cống không xem gì trong trang sách đó cả, mà ông giả vờ chăm chú xem để suy nghĩ lựa chọn một vài câu có trong truyện Kiều mà ông đã thuộc lòng và lại phù hợp với đặc tính với nhân sự để ông đọc ra. Thế là nhân sự cần bói Kiều cảm thấy đúng với bản thân mình và liền tin tưởng lời bói Kiều của ông Cống quả thật là hay…
Thủ thuật bói Kiều của ông Công là thế đấy. Ông ta chỉ bói khá đúng cho từng nhân sự mà ông ấy quen biết và hiểu được đặc tính của họ.  
Ví dụ: *Khi bói cho một anh bạn có tật hay uống rượu thì ông Cống đọc câu Kiều:
"Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật  mình, mình lại thương mình xót xa"
*Khi bói cho cô gái vừa trải qua một chuyện buồn, cần có sự động viên, ông Cống đọc các câu:
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa
*Khi bói cho anh bạn mới có người yêu, ông đọc câu:
“Thương sao cho trọn thì thương
Tính sao cho vẹn mọi đường, thì vâng!”
*Khi bói cho anh chàng ít khi giữ lời hứa với bạn là người phi quân tử thì ông đọc câu:
“Dặm khuya ngất tạnh mù khơi”
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông”
*Khi bói cho người bạn có tính tự trọng, luôn giữ lời hứa thì ông ấy đọc câu:
“Trăng thề còn đó trơ trơ
Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng”

Hoặc lấy câu Kim Trọng thề với Thúy Kiều:
Ví dù giải kết đến điều
Thì đem vàng đá mà liều với thân
.
*Khi bói cho cô bạn hiền hậu, đoan trang rất biết tôn trọng tình yêu thì ông Cống đọc câu Thúy Kiều đã hứa với Kim Trọng:
“Đã nguyền đôi chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai…”

Tôi chỉ lấy một vài ví dụ như thế. Còn nhiều nữa…
Như thế mới biết cái tài nhanh trí phán đoán của ông Cống và cái  vốn liếng hiểu Truyện Kiều, thuộc gần hết 3654 câu là một trí nhớ tuyệt vời của ông ta. Không những ông thuộc lòng câu thơ mà còn tìm hiểu các từ khó, các điển tích trong thơ qua những lời chú thích Truyện Kiều của học giả Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Quảng Tuân…
Tôi rất khâm phục ông GS.TS. Nguyễn Đình Cống với cái trò chơi trí tuệ của ông về chuyện đầu xuân bói Kiều đã làm cho bạn bè vui vẻ quý mến ông.Tôi cảm hứng chuyện này rồi làm mấy câu thơ tặng ông Cống như sau:
Cái tài ông Cống bói Kiều
Làm cho thiên hạ có nhiều người tin
Truyện Kiều không phải là tiên
Bói gì trúng nấy mà yên phận mình!
Chẳng qua thủ thuật thông minh
Vui xuân giải trí nào linh nghiệm gì!...
                                         ==00==
Hà Nội mùa xuân năm Ất Mùi =2015
Nguyễn Hồng Trân (cựu GV Đại học Khoa học Huế )                 

Thứ Tư, 18 tháng 3, 2015

NHỚ LẠI CHÙM THƠ ANH VIẾT CHO EM
                     ==00==
            Nguyễn Hồng Trân

Chùm thơ anh viết cho em
Khắc vào tâm trí say men tình nồng
Tâm hồn như nước trên sông
Đầy vơi, trong đục theo dòng trôi êm

Chùm thơ anh viết cho em
Là vầng trăng sáng trên nền trời xanh
Như chim ríu rít trên cành
Gọi nhau bay lượn vòng quanh mọi miền

Chùm thơ anh viết cho em
Tràn dâng cảm xúc triền miên tháng ngày
Buồn vui, sướng khổ, đắng cay…
Cuộc đời trải nghiệm chứa đầy niềm tin

Chùm thơ anh viết cho em
Tấm lòng nhiệt huyết gắn liền tình yêu
Xa nhau càng nhớ nhau nhiều
Đêm đêm thổn thức bao điều truân chuyên…

Chùm thơ anh viết cho em
Là giàn lửa ấm suốt đêm đông tàn
Cùng nhau chờ đón xuân sang
Bao niềm ân ái dâng tràn trong tim…
                    ==00==

Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

CHÀO MỪNG NGÀY KỶ NIỆM PNQT 8-3
                                 ==00==
Nhân dịp kỷ niệm 105 ngày PNQT 8-3 năm nay 2015, tôi xin nhắc nhắc lại một câu chuyện xưa về một tấm gương của người phụ nữ Việt Nam con nhà danh gia vọng tộc đã rất đầy lòng hiếu nghĩa, nhân ái hiếm có. Đó là chuyện công chúa Trần Huyền Trân. Một cô gái rất trẻ, mới quá tuổi trăng tròn đã tuân theo lời hứa hẹn của vua cha và lời khuyên của vua anh cùng quần thần dân chúng để đất nước được an bình, quan hệ hữu hảo với ngoại bang mà phải chịu đành lòng xuất giá lấy chồng xa, nơi xứ lạ nước người. Nhưng rồi số phận của nàng đã tiêu tan hy vọng. Tôi cảm động trước tình cảnh của Huyền Trân công chúa và làm mấy câu thơ để chia sẻ…
         TÌNH SỬ HUYỀN TRÂN
            
Mối tình lịch sử khó ai quên ,
Công chúa Huyền Trân giữ lời nguyền.
Phải lấy Chế Mân làm vợ  kế.
Tăng phần quan hệ Việt và Chiêm.
Châu Ô, Châu Rý về Thuận Hóa.
Thỏa lòng mong ước cả đôi bên.
Nhưng phận của nàng thật xấu số.
Lấy chồng, chồng vội bỏ quy tiên.(1307)
Mang thân góa bụa đời dang dở .
Để lại ngàn năm một sử tình ...
                  Nguyễn Hồng Trân

Ghi chú: Công chúa Huyền Trân(1287-1312) là con gái của Vua Trần Nhân Tông(1258- 1293), em gái vua Trần Anh Tông. Để thực hiện lời hứa của vua cha sẽ gả con gái Huyền Trân cho vua Chăm để hai nước Việt -Chăm an bình hữu hảo.Vua con Trần Anh Tông đã chấp thuận cho vua Chế Mân nước Champa (Chiêm Thành) sính lễ giao hai châu Ô và châu Rí(Lý) về cho nước Việt và rước công chúa Huyền Trân về làm hoàng hậu.
          Ngày xưa nước Việt chúng ta ranh giới phía Nam chỉ đến Đèo Ngang mà thôi. Sau đó hai nước Việt và Chiêm cứ xung đột nhau bao nhiều lần. Vua Việt cho quân đánh đuổi quân Chiêm Thành lùi vào đến vùng Ma Linh Cửa Việt (thuộc tỉnh Quảng Trị bây giờ). Qua nhiều lần giao tranh rồi hòa hoãn, về sau được kết nối với nhau trong hòa bình thân thiện nhờ sự chuyển biến tình cảm bang giao giữa hai đức vua Việt và Chiêm trở thành thông gia với một chuyện tình đặc biệt.
          Sau đây tôi xin giới thiệu thêm một đoạn nghiên cứu về cuộc đời của công chúa Trần Huyền Trân của ông Trần Cao Lộc để quý vị hiểu rõ thêm.
                  TÌM HIỂU VỀ CÔNG CHÚA TRẦN HUYỀN TRÂN
TRẦN  CAO  LỘC
Năm 1306, khi gót ngà của Trần Huyền Trân tiến về phương Nam là lúc công chúa Đại Việt đã biến thành một danh nhân diệu kỳ nhất trong lịch sử Việt Nam. Một sứ giả hòa bình xinh đẹp cho mối giao hảo Việt Chiêm, cũng là khởi nguồn để dân Việt mở rộng giang sơn đến mũi Cà Mau. Gót hồng ấy không khác một Nữ hoàng dùng “Đế đạo” để chinh phục một phần nước Chămpa mà không tốn một sinh mạng của quân binh hai nước.
Theo “Nghệ An ký” của Bùi Dương Lịch, trước đây có nước Việt Thường từ phía Nam đèo Hải Vân đến Bắc tỉnh Bình Thuận. Đến thế kỷ thứ VII, Việt Thường bị phân hóa, Bắc nhập vào nước Văn Lang, Nam nhập vào nước Lâm Ấp (Lingi) thành nước Chămpa. Đến đời Đường (620 – 906), người Trung Hoa cắt phía Nam nước Văn Lang cho Champa để tạo thù hai nước.
Đến năm 1305, Vua Chế Mân trả đất ấy cho Đại Việt dưới hình thức sính lễ, một tặng phẩm độc đáo nhất trong lịch sử hôn sự. Theo đó thì nước Việt sẽ tiếp quản một dải đất trải dài mấy trăm cây số.
Chúng ta hãy ngược dòng lịch sử để tìm hiểu nguồn gốc sâu xa của cuộc hôn nhân này. Vua Trần Nhân Tông có lần theo sứ đoàn Chămpa của Bảo Lộc Kê đến kinh thành Phật Thệ (Vijaya). Vua Chế Mân rất hâm mộ vua nước Việt và đã xin cầu hôn công chúa Trần Huyền Trân, bây giờ mới có 14 tuổi. Nhà vua hứa gả và hẹn đến 4 năm sau hãy đến Đại Việt cầu hôn. Về triều, vua Nhân Tông báo cho vua Anh Tông về lời hứa gả này. Ngài dặn đừng cho công chúa biết sớm, chỉ mời Ngự y dạy Huyền Trân về thuốc Nam và châm cứu, mời Nữ sư Chiêm dạy tiếng Khartapu để công chúa có thể đàm thoại với người Chăm và dạy tiếng Sanskrit để đọc được sử thi Ấn Độ. Ngoài ra cho công chúa tự chọn 4 người hầu thông minh và giỏi võ để cùng học tiếng Khartapu.
Mùa thu năm 1305, sứ Chiêm là Chế Bồ Đài trình quốc thư cầu hôn với nhiều lễ vật quý hiếm và trang trí trên bạch tượng một kiệu hoa hết sức lộng lẫy. Vua Anh Tông họp triều bàn hôn sự. Phe tướng có Đoàn Nhữ Hài đòi đem binh “làm cỏ” Chiêm Thành. Quan văn hưởng ứng không gả, bảo Chế Mân đã già, dù vương phi Tapasi đã chết, nhưng còn hai con là Chế Chí và Chế Văn đều xấp xỉ tuổi công chúa nên sau này con của công chúa rất khó làm quốc vương Chiêm Thành. Phe đồng ý gả có Trần Đạo Tái và Trần Khắc Chân nói lời hứa gả của Thượng hoàng không nên xem nhẹ. Vua Anh Tông hỏi ý công chúa và Thái hậu Tuyên Từ, nhưng chỉ thấy khóc không nói lời nào.
Vua Chế Mân sợ sính lễ không xứng với công chúa Đại Việt liền phi báo bổ sung sính lễ. Ngoài thần phục và nộp cống còn đem toàn quân đến trợ chiến khi có chiến tranh và dâng trả 2 châu Ô và Rí. Lúc bấy giờ, Vua Anh Tông đến với công chúa và thái hậu để phủ dụ. Việt – Chiêm có duyên với nhau từ khi Thượng hoàng giúp Chiêm 20.000 quân và 500 chiến thuyền để chống giặc Mông Cổ. Vua Chế Mân khi ấy còn là thái tử đã cùng vua cha chiến đấu anh dũng dưới chân thành Đồ Bàn. Điều đó đủ minh chứng Chế Mân là vị vua anh hùng. Vua Chế Mân đã chờ cưới suốt 4 năm, nay lại hết lời cầu khẩn, nên công chúa về Chiêm quốc không phải là không có hạnh phúc. Vả lại, nếu từ chối thì Việt Chiêm khó tránh cảnh đầu rơi máu đổ, nên vua quyết gả.
Thế là mùa xuân năm 1306, công chúa Huyền Trân bước lên kiệu voi trắng, để lại sau lưng quốc tiệc tiễn đưa. Kiệu voi công chúa vào đại ngàn Trường Sơn. Các nữ tỳ Chiêm túc trực bên Huyền Trân sẵn sàng giải thích tường tận các đặc trưng Chiêm thành để nàng làm quen với quê hương mới. Gần đến kinh thành Phật Thệ, các tỳ nữ Chiêm dâng hôn phục cô dâu cho Công chúa. Y trang toàn bằng tơ tằm nhuộm xanh nhạt và được dát vàng, đính ngọc đến tận đôi hài hoa. Đai ngọc trai, vương miện có đính ngọc lục bảo, có tua bằng nhiều sợi tơ vàng để che mặt.
Từ xa, công chúa thấy kinh thành Phật Thệ cờ hoa rực rỡ. Hai bên cửa thành là hai hàng triều hầu văn võ, sau lưng có chiến binh, bên ngoài nhân dân reo hò. Vua Chế Mân thúc voi trắng tiến lên đến gần kiệu hoa. Vua vừa bập bẹ vài tiếng Việt mời công chúa vào triều, Huyền Trân bèn nói một tràng tiếng Khartapu ra mắt, khiến vua sững sờ vui thích. Vào triều, vua phong ngay công chúa Đại Việt làm hoàng hậu và truyền khắc vào bia đá Po Sah ở cổ thành Indrapura (Đồng Dương).
Hoàng hậu ra mắt triều thần đúng nghi thức Chiêm thành. Công chúa nói bằng tiếng Chiêm thỉnh cầu vua thả hết tù nhân và mở kho chẩn bần khiến triều thần đều tôn kính.  Kinh thành bắt đầu lễ hội suốt 7 ngày đêm. Quốc vương tỏ ra quý trọng và cho tạc tượng. Vua còn cho thợ đẽo guốc bằng gỗ quế để nàng đi cho ấm chân, tắm suối nước nóng ở Cát Lỗi và trồng nhiều mai bên bờ suối cho Huyền Trân thưởng xuân.
Nhưng hạnh phúc đến với Huyền Trân chẳng được lâu dài, chỉ sau 11 tháng làm hoàng hậu Chiêm Thành, đến năm 1307 Vua Chế Mân băng hà sau chuyến đi xem xây Tháp Thần Po-Yăng-Prong ở cao nguyên Daklak. Triều đình cử hành lễ quốc tang 7 ngày. Các phi tần của vua lần lượt bị ném sống vào lửa, riêng hoàng hậu đang có mang nên được hoãn lại đến sau khi sanh sẽ phải chết theo Vua. Mùa thu năm 1307, nàng sinh được một hoàng tử. Trước khi lên dàn hỏa, nàng xin về Đại Việt báo tang và đã sinh con. Trước đó, nàng đã sai người về quê hương lén trao mật thư lên hoàng huynh Trần Thuyên.
Dân gian có câu chuyện kể khác với những gì ghi trong Đại Việt sử ký toán thư, song rất thú vị, chuyện kể rằng, vua Anh Tông tuyển chọn sứ đoàn, đứng đầu là An phủ sứ Đặng Văn với mật chỉ rước Huyền Trân về an toàn, phò trợ có tướng Trần Khắc Chung với 100 ngự lâm quân. Vua Chiêm bấy giờ là Chế Chí chấp thuận và cho 200 quân cùng 4 cung nữ Chiêm theo bảo vệ. Đến Huế, tướng Chung đuổi cung nữ và  quân Chiêm về. Phái đoàn cố đi trong mưa bão khắc nghiệt của miền Trung và về đến kinh thành Đại Việt an toàn. Thế là công chúa Trần Huyền Trân đã làm tròn sứ mạng của một sứ giả hòa bình Việt Chiêm.
Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, đến năm 1308, công chúa đã đi tu trên núi Hổ ở huyện Thiên Bản với pháp danh là Hương Tràng (3). Nàng tu được 4 năm thì mất (1308-1312). Tương truyền, tóc nàng dính lại một cách kỳ lạ, có người bảo nàng bị  “bùa Hời”. Mộ của Trần Huyền Trân ở thôn Tức Mặc, phủ Thiên Trường (Nam Định), trên bia chỉ đề Hoàng hậu Paramesevari. Riêng miếu thờ Công chúa ở làng Kim Lâu (Cam Lộ- Quảng Trị) bên giếng cổ của người Chăm, vách giếng là đá ghép rất đẹp. Ở núi Ngũ Phong, phường An Tây, thành phố Huế có đền thờ nàng tức “Đền Hương Tràng” (2007) có tượng bằng đồng, gần với “Đền Kim Phật” (2011) có rồng dài 105m, tức Vua Trần Nhân Tông. Hai đền đều ở trong khuôn viên rộng 28,38 ha, trong có cả cung Vân Phụng, lăng Khải Định, tháp Thiền sư Liễu Quán và Bảo tàng Lịch sử nhà Trần (1225 – 1413).
Những thế kỷ trước, để ghi nhớ công ơn mở mang bờ cõi của các vị công thần khai quốc, triều đình và nhân dân Huế đã lập miếu thờ Đại Đế Vương ở làng Lịch Đợi, phường Đúc, thành phố Huế, trong đó có công chúa Huyền Trân. Do chiến tranh và những biến thiên lịch sử, đến nay miếu không còn nữa. Vì vậy, đền Huyền Trân khánh thành năm 2007 là sự chuyển tiếp ý nguyện, lòng thành kính của nhân dân đến công chúa Huyền Trân. Đền khá rộng với quy mô 28ha, tọa lạc tại núi Ngũ Phong, thôn Ngũ Tây, phường An Tây, thành phố Huế
Mấy trăm năm sau, Tổng đốc Quảng Nam là Võ Chuẩn đã tưởng niệm công ân của công chúa với bài nhạc “Nước non ngàn dặm ra đi” theo điệu Nam Bình. Đến nay (2010) vẫn còn vang vọng trên sông Hương, núi Ngự xứ Huế.