Thứ Năm, 26 tháng 3, 2015

                    CHUYỆN THỦ THUẬT BÓI KIỀU
                         NGÀY XUÂN CỦA BẠN TÔI
                                                  ==00==                               
                                        Nguyễn Hồng Trân
Tôi có mấy người bạn thật có tài học thuộc lòng một số tác phẩm văn thơ như các ông Trần Đức Ngọc, Nguyễn Đình Cống, Đinh Cự,v.v… Ông Ngọc thì thuộc rất nhiều bài thơ của tác giả người Pháp, Nga; ông Cự thì thuộc nhiều đoạn chuyện Tam Quốc, Thủy Hử của Trung Quốc; Ông Cống thì thuộc gần hết truyện Kiều của Nguyễn Du. Do có lợi thế đó, nên ông ta say mê nghiên cứu việc bói Kiều và  ông cũng đạt tới một kỷ xảo về thủ thuật bói Kiều hiện đại. Đó là bói Kiều theo kiểu hiểu biết dựa vào đặc điểm tâm trạng của đối tượng được bói, đồng thời sự kết hợp nhạy bén suy đoán của chủ quan của ông tương đối có lý. Vì vậy làm cho nhiều người tin là bói Kiều thật là hay!
Bói Kiều theo kiểu này không phải ai cũng bắt chước được. Có lẽ cũng hiếm người thuộc lòng hầu hết Truyện Kiều như ông Cống. Ông Cống là một vị GS.TS về ngành xây dựng, nhưng kiến thức của ông về văn hóa rất sâu rộng. Tôi rất khâm phục ông điều đó. Ông Cống là một trong những người bạn thân của tôi. Tôi học hỏi ở ông được nhiều điều, nhưng không thể học được cách bói Kiều của ông ta. Vì đó là Trời phú cho trí nhớ của ông thật tuyệt vời. Ông Cống không những nhớ bố cục các nội dung trong Truyện Kiều mà còn thuộc lòng nhiều câu Kiều trong nội dung từng phần của Truyện Kiều. Mặt khác, ông cũng đã thuộc sách “Kim vân Kiều truyện” (thể văn xuôi) của Trung Hoa ngày xưa mà từ sách chuyện đó Nguyễn Du đã sáng tạo thành truyện thơ lục bát bằng chữ Nôm tiếng Việt và sau này xuất bản thành chữ Quốc ngữ thì rất thuận tiện cho nhiều người trong xã hội ta đọc được, làm họ rất thích thú và ngưỡng mộ cái thiên tài của Nguyễn Du đã làm nên một tác phẩm bất hủ cho nền văn hóa Việt Nam.
Ông Cống đã từng kể vanh vách cho bạn bè nghe nội dung từng phần của Truyện Kiều như sau:
TỪNG PHẦN NỘI DUNG TRUYỆN KIỀU

Thủ thuật bói Kiều của ông Cống là không phải như bói Kiều của mấy ông thầy bói ngày xưa là đọc lên mấy cầu Kiều trong trang nào đó mà nhân sự nhẩm lời thầy bói hướng dẫn rồi mở ngẫu nhiên ra một trang sách Kiều tùy chọn để cho thầy đọc và thầy giải thích về ý nghĩa các câu Kiều cho đương sự nghe để tự hiểu về mình…
Cách bói Kiều của ông Cống khác hẳn. Ông hỏi nhân sự cần bói về ngày tháng năm sinh rồi ông tự lẩm bẩm thì thầm và đưa sách Kiều cho nhân sự tự dở trang sách tùy ý rồi ông liền lấy sách xem một lát rồi đọc mấy câu Kiều cho nhân sự đó nghe.
Sự thực, ông Cống không xem gì trong trang sách đó cả, mà ông giả vờ chăm chú xem để suy nghĩ lựa chọn một vài câu có trong truyện Kiều mà ông đã thuộc lòng và lại phù hợp với đặc tính với nhân sự để ông đọc ra. Thế là nhân sự cần bói Kiều cảm thấy đúng với bản thân mình và liền tin tưởng lời bói Kiều của ông Cống quả thật là hay…
Thủ thuật bói Kiều của ông Công là thế đấy. Ông ta chỉ bói khá đúng cho từng nhân sự mà ông ấy quen biết và hiểu được đặc tính của họ.  
Ví dụ: *Khi bói cho một anh bạn có tật hay uống rượu thì ông Cống đọc câu Kiều:
"Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật  mình, mình lại thương mình xót xa"
*Khi bói cho cô gái vừa trải qua một chuyện buồn, cần có sự động viên, ông Cống đọc các câu:
Trời còn để có hôm nay
Tan sương đầu ngõ, vén mây giữa trời
Hoa tàn mà lại thêm tươi
Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa
*Khi bói cho anh bạn mới có người yêu, ông đọc câu:
“Thương sao cho trọn thì thương
Tính sao cho vẹn mọi đường, thì vâng!”
*Khi bói cho anh chàng ít khi giữ lời hứa với bạn là người phi quân tử thì ông đọc câu:
“Dặm khuya ngất tạnh mù khơi”
Thấy trăng mà thẹn những lời non sông”
*Khi bói cho người bạn có tính tự trọng, luôn giữ lời hứa thì ông ấy đọc câu:
“Trăng thề còn đó trơ trơ
Dám xa xôi mặt mà thưa thớt lòng”

Hoặc lấy câu Kim Trọng thề với Thúy Kiều:
Ví dù giải kết đến điều
Thì đem vàng đá mà liều với thân
.
*Khi bói cho cô bạn hiền hậu, đoan trang rất biết tôn trọng tình yêu thì ông Cống đọc câu Thúy Kiều đã hứa với Kim Trọng:
“Đã nguyền đôi chữ đồng tâm
Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai…”

Tôi chỉ lấy một vài ví dụ như thế. Còn nhiều nữa…
Như thế mới biết cái tài nhanh trí phán đoán của ông Cống và cái  vốn liếng hiểu Truyện Kiều, thuộc gần hết 3654 câu là một trí nhớ tuyệt vời của ông ta. Không những ông thuộc lòng câu thơ mà còn tìm hiểu các từ khó, các điển tích trong thơ qua những lời chú thích Truyện Kiều của học giả Đào Duy Anh, Đặng Thai Mai, Nguyễn Quảng Tuân…
Tôi rất khâm phục ông GS.TS. Nguyễn Đình Cống với cái trò chơi trí tuệ của ông về chuyện đầu xuân bói Kiều đã làm cho bạn bè vui vẻ quý mến ông.Tôi cảm hứng chuyện này rồi làm mấy câu thơ tặng ông Cống như sau:
Cái tài ông Cống bói Kiều
Làm cho thiên hạ có nhiều người tin
Truyện Kiều không phải là tiên
Bói gì trúng nấy mà yên phận mình!
Chẳng qua thủ thuật thông minh
Vui xuân giải trí nào linh nghiệm gì!...
                                         ==00==
Hà Nội mùa xuân năm Ất Mùi =2015
Nguyễn Hồng Trân (cựu GV Đại học Khoa học Huế )                 

Không có nhận xét nào: