Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2013

XUÂN VÀ TUỔI TRẺ- bài ca sống mãi...

          XUÂN VÀ TUỔI TRẺ- Một bài ca sống mãi trên đời.
                                      (Nguyễn Hồng Trân)

Bài ca “XUÂN VÀ TUỔI TRẺ” của nhạc sĩ La Hối(*) đã tồn tại hơn nửa Thế kỷ rồi mà vẫn còn tươi nguyên âm điệu ngày xuân trên quê hương đất nước. Từ tuổi niên thiếu ở Huế (lúc 7-8 tuổi), tôi và các bạn cùng trường phổ thông hồi ấy(1945) đã hát ca khúc này một cách say sưa, hào hứng, rộn ràng, với tình cảm lai láng theo dòng ca từ trong bài hát rất nồng nàn trẻ trung như hiện lên trong trời đất cảnh mùa xuân tươi đẹp.
Giờ đây, tóc tôi đã bạc phơ, tuổi hạc đã xế chiều, nhưng tâm hồn tôi vẫn thanh xuân và mỗi lần xuân về tôi cứ hát đi hát lại bài đó và thấy mình như ngày xưa tóc còn đen, thấy đời mình như trẻ lại. Vợ chồng và cả nhà các con cháu chúng tôi cùng đồng ca bài ấy một cách vui tươi thích thú.
Trong hai đoạn đầu của lời ca đã rung động lên nguồn cám hứng khi mùa xuân đến làm rạo rực lòng người chìm đắm cùng vui trong vườn hoa xuân:

Ngày thắm tươi bên đời xuân mới,
Lòng đắm say bao nguồn vui sống.
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng,
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng.

Ngày thắm tươi bên đời xuân mới,
Lòng đắm say bao nguồn vui sống.
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng,
Ta muốn luôn luôn cười với hoa .

Rồi hai đoạn tiếp theo như vẽ lên quang cảnh ngày xuân tươi hòa vui với đất trời cùng lòng người mê đắm reo ca:

Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời,
Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng vui reo
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm
Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi

Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời,
Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng reo
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm
Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi.

Tiếp theo ba đoạn cuối, tác giả cứ nhấn mạnh lời ca với giai điệu nồng cháy với cụm từ luyến láy điệp khúc rộn ràng hân hoan liên tiếp như mùa xuân tưng bừng mãi mãi với lòng người đón chào xuân sang.

Vui sướng đi cho đời tươi sáng,
Vui sướng đi cho lòng thêm tươi,
Ta hát ca đón mừng xuân mới,
Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái!

Hát vang lên đời ta thắm tươi,
Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa
Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca
Hát vang hòa lòng thêm hăng hái

Hát vang lên đời ta thắm tươi,
Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa
Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca,
Xuân tưng bừng ...

Xin cám ơn nhạc sĩ (Liệt sĩ) La Hối đã để lại cho thế hệ chúng tôi và những thế hệ nối tiếp theo sau một bài ca xuân tuyệt vời. Đồng thời chúng tôi cũng cám ơn những ca sĩ từ trước tới nay đã nhiệt tình đem giọng ca vàng ngọc của mình cống hiến cho bao người dân Việt một giai điệu hòa với lời ca nồng nàn vui tươi khi mùa xuân đến. Đó là những ca sĩ như: Tân Nhân, Tường Vy, Nhã Phương, Đoan Trang, Hồng Ngọc, Cẩm Vân, Diễm Liên, Thanh Thúy, Minh Tuyết, Thu Giang, Anh Tuấn Hồ Bích Ngọc, v.v…
Xuất phát từ lòng biết ơn nhạc sĩ và các ca sĩ thể hiện bài “XUÂN VÀ TUỔI TRẺ”, tôi cảm xúc làm mấy câu thơ xin gửi tặng quý vị:

La Hối- “XUÂN VÀ TUỔI TRẺ” vui
Tưng bừng rộn rã tiếng reo cười
Bầu trời trong sáng mừng năm mới
Mặt đất xanh tươi ấm cuộc đời !...
                    Nguyễn Hồng Trân

Ngày nay, tuy nhạc sĩ La Hối đã không còn nữa nhưng bài hát “Xuân và tuổi trẻ” của ông vẫn mãi mãi vang vọng vui tươi mỗi độ Tết đến xuân về trên đất nước ta. Ngày xuân, nghe bài “Xuân và tuổi trẻ” của La Hối càng làm cho lòng người ấm cúng, thanh thản, tươi vui và cũng là lúc mọi người tưởng nhớ đến người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh của mảnh đất Hội An.
                                 ==00==
Chú thích:
(*)Nhạc sĩ La Hối tên thật là La Doãn Chánh, còn có tên gọi là La Khai. Ông sinh năm 1920, tại làng Minh Hương, Hội An. Tổ tiên ông vốn người Quảng Đông, Trung Hoa. Thuở thiếu thời do sống trong một gia đình có truyền thống âm nhạc nên La Hối đã bộc lộ được khả năng đặc biệt về âm nhạc qua nhiều ca khúc sống động, vui tươi, đặc biệt là những bài hát của thế hệ thanh niên. Hơn thế nữa, ông còn chơi thông thạo nhiều loại nhạc cụ khác nhau, kể cả nhạc cụ mới của phương Tây.
          Vào năm 1940, ông được đưa vào Chợ Lớn để học tập. Sau khi tốt nghiệp, ông lại được đưa sang Quảng Tây, Trung Quốc để được đào tạo chuyên sâu. Dến mùa thu năm 1942, ông lại trở về Hội An, Việt Nam. Trong thời gian này, ông tổ chức dạy đàn và thành lập Hội Yêu âm nhạc và tham gia hoạt động cách mạng chống phát xít Nhật. Giai đoạn này nhiều người sáng tác nhạc trẻ ở Hội An cũng như ở Quảng Nam, được ông dìu dắt như La Xuân, Lê Trọng Nguyễn, Dương Minh Ninh,…
          Lúc bấy giờ giặc Nhật truy bắt gắt gaonhững người tham gia chống Nhật. Trước tình hình nguy cấp ấy, La Hối phải chạy sang Lào. Nhưng do yêu cầu khẩn thiết đặt ra cho thanh niên Hoa kiều lúc đó, nên ông phải quay trở lại Hội An. Không may tổ chức người Hoa chống Nhật ở Hội An bị lộ, ông và một số đồng chí đã bị rơi vào tay giặc Nhật. Sau khi bị tra khảo dã man, ông cùng 9 đồng chí khác bị thảm sát dưới chân núi Phước Tường, vào ngày 2-4-1945. Năm đó ông vừa tròn 25 tuổi. 26 năm sau khi chiến sự bình yên, hài cốt của ông cùng với các đồng đội đã được đưa về mai táng tại khu Thập mộ liệt sĩ, sát cánhThanh Minh đình của người Hoa ở Hội An. Hiện nay ông được thờ tại gia đình và tại Trung Hoa Hội quán ở Hội An.
          Bản nhạc “Xuân và tuổi trẻ” của ông đã sáng tác vào giai đoạn Hội yêu âm nhạc ở Hội An tổ chức chống Nhật. Và đây là bài ca cuối cùng trong cuộc đời của La Hối. Nguyên gốc bài hát này do một người bạn học của La Hối là Diệp Truyền Hoa viết bằng tiếng Hoa, có tên: ‘Thanh niên dữ thanh xuân” nghĩa là Thanh niên và thanh xuân. Sau đó Diệp Truyền Hoa lại đổi tên bài này thành “Thanh niên dữ Xuân thiên” nghĩa là Xuân và tuổi trẻ.
          Năm 1946, trong khi cũng đoàn ca múa nhạc Anh Vũ đến Hội An biểu diễn, sau khi nghe bài “Thanh niên và Xuân thiên” của La Hối, nhà thơ, nhà đạo diễn Thế Lữ đã xin phép gia đình và viết lời Việt cho bản nhạc trên (lời Việt mà lâu nay chúng ta đã hát). Không những thế, Thế Lữ còn cho đoàn nhạc công trong đoàn phối nhạc và biên đạo múa biểu diễn bạn nhạc này tại phố cổ Hội An với sự tham gia của nhiều thiếu nữ Hội An lúc bấy giờ. Ngoài ra, để tưởng nhớ đến nhạc sĩ tài hoa, trẻ tuổi này, nhạc sĩ La Xuân đã viết bản nhạc “Mộng Doãn Chánh” nghĩa là mơ về Doãn Chánh (tức La Hối). Sau này được dịch là “Hội An ngày về”. Dây cũng là một bạn nhạc gây ấn tượng đối với người Hội An, Quảng Nám nói chung, người Hoa ở Hội An nói riêng.
          Hiện nay các di cảo của cố nhạc sĩ La Hối được bà con thân tộc họ La ở Hội An trân trọng gìn giữ. Trong đó người giữ được nhiều di cảo và kỷ vật nhất là nhạc sĩ La Gia Quảng, người cháu ruột của cố nhạc sĩ Doãn Chánh.
                         Nguồn trích từ bài của Tống Quốc Hưng
                       (trong Tạp chí “KTNN” số 705 (10-3-2010)
         

Không có nhận xét nào: