Thứ Ba, 11 tháng 6, 2013

CHUYỆN ÔSIN THỜI HIỆN ĐẠI

                        CHUYỆN VỀ MỘT OSIN THỜI HIỆN ĐẠI

                   Nguyễn Hồng Trân (Cựu GV Đại học KH Huế)

Tôi có một nhà bà con ở phường Phương Mai Hà Nội có thuê một Osin về giúp việc nhà. Cô Ôisin này tên là Lê thị Thảo, một cô gái có duyên, hoạt bát, khoảng 23 tuổi. Cô chủ là Hồ thị Song- một nhà kinh doanh bất động sản có hạng ở thành phố; Cậu chủ là  Thái Lê Chiến-một Tiến sĩ về công nghệ thông tin.

Sau khi đến tiếp xúc với chủ nhà, xem nhà cửa và biết được các yêu cầu cần giúp việc, cô Thảo đã nhận lời làm việc. Hai bên đã ký hợp đồng làm thử việc 1 tháng, sau đó nếu  không có ý kiến gì thay đổi thì giữa hai bên sẽ tỏa thuận một hợp đồng làm trong một năm.
        Sau khi cô Thảo làm việc được một tháng, cô chủ cảm thấy rất hài lòng và chuyển sang làm chính thức theo hợp đồng với tiền thuê 2 triệu đồng/ mỗi tháng, và cho cơm ăn hàng ngày. Ôsin vui vẻ làm việc nhiệt tình. Cô cậu chủ cảm thấy mình chọn đúng người giúp việc có hiệu quả. Nhất là cô chủ rất hài lòng về Ôsin của mình. Ngoài việc nội trợ, chợ búa, vệ sinh nhà cửa ra cô ta còn chuyện trò, xoa bóp cho cô chủ rất dễ chịu. Mặt khác, Ôsin này còn giúp giảng bài được cho con gái của chủ nhà (đang học lớp 9 ) những môn về tiếng Anh, về Văn học… Cô cậu chủ thấy con gái mình rất quý chị Thảo và khen chị ấy giảng giải dễ hiểu thì cũng quý chị Thảo và coi Ôsin Thảo như con gái cả của mình. Chỉ có điều cô chủ không ưa gì về hai cái tật của Ôsin Thảo này.
Thứ nhất là hay nghe lỏm chuyện cô chủ bàn việc làm ăn kinh tế với chồng hoặc với khách đến giao dịch tại nhà cũng như qua điện thoại;
Thứ hai là sau bữa ăn, tất cả thức ăn thừa, Ôsin đều đổ cho chó ăn dù còn nhiều hay ít. Cô chủ là người xứ Nghệ vốn có truyền thống tiết kiệm, nên khi thấy như thế rất xót ruột nói nặng lời với Ôsin: “Mày thật lãng phí, đã phận nghèo đi giúp việc nhà người ta mà còn làm sang! Con nhà lính mà tính nhà quan!”.
Nghe cô chủ mắng như vậy, Ôsin cũng chẳng sợ mà mặt cứ tỉnh bơ rồi vui cười và nói ngay: “Cháu xin lỗi cô, vì cháu quen cái tật đó rồi, từ giờ cháu sẽ không thế nữa, cô cứ yên tâm. Nếu cô chú muốn cất thức ăn thừa lại hôm sau dọn ra thì cô chú ăn, còn cháu sẽ không ăn đâu”. Cô chủ trố mắt ngỡ ngàng khi nghe Ôsin nói vậy và bực bội thốt lên:
“Trời ơi, mày là công chúa chứ không phải là một Ôsin nữa! Mày kiếm đâu ra cái học giả làm sang đó chứ? thật buồn cười cho mày đấy!”.
Cô bé Ôsin vẫn tươi cười giải thích:
“ Bởi vì nghe ông bà, bố mẹ cháu nói rằng, ăn lại của thừa thì xui xẻo lắm, không trước thì sau sẽ lụn bại cơ đồ. Thực tế có nhiều nhà như thế cô ạ. Vì vậy, khi dọn thức ăn ra bàn không nên dọn nhiều mà dọn vừa thôi, nếu Thiếu ta bổ sung tiếp thì khỏi bị thừa nhiều ”.
Cô chủ im lặng giây lát rồi nói:
“ Ừ thôi được, sau này mỗi lần mày dọn thức ăn ra bàn thì nên dọn vừa phải thôi. Nếu Thiếu thì lấy thêm, có dư thừa đổ đi không tiếc.Phải biết tiết kiệm con ạ!”.
Ôsin vui vẻ cười rồi nói ngay:
“Con xin chấp hành mệnh lệnh cấp trên!”.

        Thấy người giúp việc ngoan ngoãn nghe lời, bà chủ cũng vui vẻ cười theo. Có lần cả hai ông bà chủ thấy cô bé Ôsin xinh tươi dễ thương, với lại được con gái mình quý mến, thân tình nên cũng tâm sự chuyện trò hỏi han:
“Này Thảo ơi! Trông mày thông minh, xinh xắn sao không học cho đến nơi đến chốn để sau có tương lai nghề nghiệp ổn định cuộc sống có phải hơn không? Sao mày lại đi làm Ôsin vất vả chẳng có tiền đồ sáng sủa chút nào, rồi lấy chồng làm sao được?”.
Nghe vậy Ôsin Thảo cười hồn nhiên và nhìn ông bà chủ nói:
“Cháu xin cám ơn cô chú đã quan tâm đến hoàn cảnh của cháu. Nhưng thời bây giờ học xong ra có xin được việc đâu! Cháu thấy hiện nay có nhiều người như thế. Họ trở thành những kỹ sư, cử nhân “nằm chờ” vô thời hạn. Nhưng cháu nghĩ rằng “Sông có khúc người có lúc”. Cháu hy vọng là cháu sẽ có thêm một nghề nữa ngoài nghề làm Ôsin cô chú ạ ”. Cô chủ liển nói:
“Mày nói thật đấy chứ? nếu có ý thức, tinh thần quyết tâm như thế thì cô chú cũng rất mừng cho tinh thần lạc quan của mày”.
Thấy vui vui Ôsin Thảo nói thêm: “Biết đâu sau này cháu lại làm kinh doanh thương mại giỏi như cô, cũng hái ra tiền không bằng cô thì cũng em em cô đấy”. Nói xong Ôsin Thảo cười dòn vang như trẻ con. Cô chủ cũng cười theo và nói luôn:
“Mày đừng có mà nằm mơ! đừng có mà khoác lác hão huyền nữa con ạ! Mày tưởng làm kinh tế mà dễ à ? Tao phải học cật lực 4-5 năm trong trường Đại học. Sau đó còn học thêm thực tế ngoài đời bao nhiêu nữa mà còn chưa thấm vào đâu, huống hồ như mày…” .
        Sau một năm giúp việc cho ông bà chủ, Ôsin cảm thấy thoải mái và biết được nhiều điều và quý mến ông bà chủ tính tình thẳng thắn, cởi mở thông cảm cho tuổi trẻ làm nghề Ôsin. Và thời gian làm việc theo hợp đồng của Lê Thị Thảo cũng đã hết. Tết cũng sắp đến. Đã đến hạn thanh toán hợp đồng cho Ôsin Thảo, ông bà chủ trả tiền đầy đủ cho Thảo và còn thưởng thêm một bộ áo quần đẹp và một món tiền một triệu đồng. Thảo cảm động nói:
“Cô chú đối với cháu tốt quá, cháu xin nhớ ơn cô chú. Khi nào cô chú cần giúp việc gì thì cứ gọi cháu đến nhé! Để thành tâm cám ơn cô chú trong thời gian qua giúp đỡ cháu nhiều mặt, cháu xin mời cô chú và em Diệu Linh vào ngày Chủ Nhật tuần này đến nhà cháu liên hoan thân mật để cho bố mẹ cháu biết mặt cô chú và cám ơn cô chú luôn”.
Nghe nói như vậy, ông bà chủ đồng ý nhận lời.
        Ngày Chủ nhật của tuần lại đến, Lê Thị Thảo đã cùng với gia đình chuẩn bị xong bữa tiệc để đón ông bà chủ Song và Thái đến nhà mình liên hoan. Ôsin Thảo từ thị xã Bắc Ninh về Hà Nội bằng ôtô buýt để đón khách về nhà mình chơi. Qua điện thoại, cả nhà ông bà chủ cũng chuẩn bị sẵn sàng đễ lên chiếc xe con của gia đình đi chơi. Cô bé Thảo đến niềm nở chào mời cô chú rồi ôm chầm lấy em Diệu Linh thân thiết. Sau đó mọi người vào xe, ông chủ cầm lái và xe chuyển bánh lên đường.
        Chẳng mấy chốc xe đã đến tận cổng nhà Thảo ở sát mặt đường chính. Xe dừng lại, mọi người ra khỏi xe nhìn phố xá nhà cửa. Cô chủ hỏi Ôsin Thảo:
“Đâu nhà mày đâu?”. Thảo nói ngay:
“Nhà em đây, mời cô chú và em vào”. Một ngôi nhà ngói 3 tầng khang trang đủ mọi tiện nghi và phía sau lại có vườn cây cảnh xanh tươi rất đẹp. Có thể nói là còn đẹp hơn cả ngôi nhà của ông bà chủ. Ông bà chủ quá ngạc nhiên và khó hiểu…
        Sau khi vào cuộc liên hoan vui vẻ với gia đình cháu Lê Thị Thảo mới biết bố Thảo là một thương binh đã nghỉ hưu, mẹ Thảo là một ca sĩ cũ của đoàn văn công quân đội về hưu. Bố mẹ Thảo có mở một cửa hàng ăn trong vườn nhà. Cửa hàng luôn đông khách và thu nhập hàng tháng cũng khá nên lo được cho 3 đứa con ăn học đàng hoàng. Thảo là con thứ hai trong nhà. Thảo tốt nghiệp Đại học âm nhạc- bộ môn đàn tranh. Sau khi tốt nghiệp xong chẳng biết xin việc làm ở đâu cả nên cô bé không chịu ăn không ngồi rồi tốn kém cho bố mẹ. Cô tự đi xin làm người giúp việc ở Hà Nội mà cô bé cứ giấu giếm gia đình và nói là đi dạy kèm học trò để tạm thời sinh sống và tìm hiểu nơi xin việc làm ổn định lâu dài. Bố mẹ Thảo một năm qua cứ tưởng như vậy nên cũng yên tâm. Không ngờ bây giờ mới biết con đi làm Ôsin thật thương con và nể con vô cùng. Vì nó biết bố mẹ vất vả làm ăn nên nó phải chịu khó đi vào lao động thực tế để hiểu được cuộc sống cần phải làm thế nào mới đứng vững.
        Sau khi liên hoan thân mật chuyện trò vui vẻ với cả gia đình cháu Thảo, cô  chú Thái vui vẻ nói:
“Chúng tôi thật tâm phục, khẩu phục cháu Thảo đấy. Cháu đã tốt nghiệp Đại học rồi mà cứ tỉnh bơ chịu khó đi làm Ôsin cho người ta để đỡ khó khăn cho gia đình khi chưa có việc. Thế là giỏi, là một cô gái có bản lĩnh đấy”.
Chú Thái vừa nói xong rồi chỉ sang bảo với con gái của mình:
“Này Diệu Linh, con thấy chị Thảo tuyệt vời không? Con lo mà học tập gương chị Thảo đó nhé”. Bé Diệu Linh tủm tỉm cười tươi nhìn bố mẹ và chị Thảo rồi nói: “Dạ vâng ạ, con xin noi theo gương chị ấy”. Bố mẹ Thảo cười vui, Thảo cũng cười theo rồi nói:
“Cháu đi thâm nhập thực tế tại gia đình cô để sau này chuyển chuyển ngành sang làm ăn kinh tế đấy cô chú ạ. Do vậy mà cháu cứ hay nghe lỏm chuyện bàn bạc làm ăn của cô chú để học hỏi …”.
Cô Song nghe vậy cười nói ngay: “Chà chà, cô bé cũng đáo để khôn ngoan đấy chứ!, chúc Thảo trong tương lai gần sẽ có nhiều niềm vui mới nhé!”.

Mọi người lúc đó đều cười vui và Thảo xin cám ơn lời động viên thân tình của cô Song. Thảo và cả nhà ra sân tiễn cô chú và em Diệu Linh lên xe về Hà Nội.
                                      ==00==




Không có nhận xét nào: