Chủ Nhật, 2 tháng 6, 2013

CHUYỆN MÙA HÈ TỤI TRẺ CON RỦ NHAU ĐI CHỌI RẾ

Bài tự sự:        
                     CHUYỆN MÙA HÈ
       TỤI TRẺ CON RỦ NHAU ĐI CHỌI RẾ
                                       Nguyễn Hồng Trân
Ở quê tôi vùng phú Long, Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị, tụi trẻ con chúng tôi hồi xưa về mùa hè hay rủ nhau từng tốp đi chọi rế. Đây là một trò chơi rất thú vị của tuổi thơ ở làng quê.

Cứ sau mùa gặt vụ đông xuân, những đám toóc rạ, rơm phơi từng vạt đầy đồng. Dưới những đám toóc rạ, rơm đó là nơi sinh sôi nẩy nở và cư trú giao lưu của nhiều loài rế tự nhiên.
Không biết trò chơi thi nhau đi chọi rế ở quê tôi có từ bao giờ không rõ, nhưng khi tôi lớn lên ở tuổi 9,10 đã theo bạn rủ nhau từng tốp đi tìm rế, chọn bắt rế, nuôi rế, rồi rủ nhau đem đi chọi rế với các tụi trẻ mấy thôn làng lân cận. Điều đó cả tụi thiếu nhi chúng tôi đứa nào cũng khoái chí và cứ nhớ mãi cho đến tận bây giờ.

Quy trình của trò chơi này có mấy bước tiến hành:
Bước thứ nhất đi tìm rế thì không khó. Tụi trẻ con chúng tôi chỉ ra đồng lật nhanh mấy đám rạ rơm ra là thấy lũ rế nhảy ra lung tung.  Rế cái, rế đực và rế con đều có cả. Phải sang nhanh bước thứ hai là chọn bắt rế. Chúng tôi chỉ chụp vội mấy con rế đực có cặp càng to và đôi cánh có hoa văn và màu sắc đặc biệt. Rế Than có mầu đen (còn gọi là rế mọi), rế dầm có mầu nâu, rế lửa có màu đỏ vàng.
Mấy loại rế đực này thì rế lửa là nhỏ con, nhưng đôi càng của nó rất nhọn sắc, đôi cánh của nó phát ra tiếng kêu thanh trong réo rắc. Còn rế than và rế dầm thì to con hơn và có cặp càng to khỏe. Tiếng kêu của rế than và rế dầm thì kêu to vang rền, dỏng dạc. Tiếp đến bước thứ ba là nuôi rế. Bước này là khó nhất. Phải chọn một cái hộp đủ rộng (có nắp và lỗ thông khí). Trong hộp có một ít rau quả tươi như rau khoai, rau trai, quả dưa chuột, dưa hường, củ khoai lang sống. Cho thêm một ít cỏ khô tẩm một ít nước cho nó hút và lau râu, chùi càng. Thỉnh thoảng ta phải lấy bông cỏ may, quệt quệt vào đầu mặt hàm càng của nó cho nó sự tính hiếu đánh nhau của nó lên. Lúc đó nó sẽ há đôi càng chìa ra và chạy quanh tìm đối thủ xung trận! rồi xòe hai cánh phát kêu vang lên “reng reng! reng reng!” một cách oai hùng.
Bước cuối cùng là đem đi chọi rế. Bước này rất vui vẻ hào ứng. Vài đứa có hộp rế đen đi sang mấy thôn làng lân cận để thi đấu. Thế là một đoàn trẻ con có trai, có gái kéo theo sau chuyện trò râm ran thích thú. Hồi đó chúng tôi thường kéo nhau sang thôn La Vang, Phường Sắn, hoặc ra Thượng Xá, Long Hưng để chọi rế với tụi trẻ con của mấy làng đó. Cứ mỗi cặp rế của hai phe thi đấu, phái đấu 3 hiệp. Đấu trương của trò choi rế này là một cái khay bằng gỗ hoặc bìa các tông. Trò chơi này không cần ai làm trọng tài cả. Vì thắng, thua mọi người xem đều thấy rõ. Chỉ có cử mỗi phe mỗi người ghi vào giấy số điểm thắng, thua, hòa của mỗi bên để sau dễ tổng cộng mà khỏi nhầm lẫn cãi nhau.
Có một chuyện tôi vẫn còn nhớ mãi trong trò chơi chọi rế này. Đó là cứ sau khi chọi xong một hiệp, mỗi phe bắt lên con rế của mình rồi nhổ một sợi tóc dài của mấy đứa con gái ngồi xem, đem móc vào hàm con rế và cầm xoay vù vù mấy vòng cho con rế sực tức lên rồi thả xuống đấu trường cái khay để chúng tiếp tục chọi nhau.
Con này há to càng, con kia cũng há to xông tới chọi nhau. Hai con rế cứ nhún hai chân sau qua lại một hồi. Tiếp đó đổi tư thế xoay vòng quanh thật nhanh và hai cặp càng vẫn ghì sát nhau, húc vào nhau rồi găm vào nhau. Cứ như thế khi nào một trong hai con yếu đuối không chịu nỗi sức mạnh của đối thủ mà buông ra chịu thua và chạy quanh cái khay. Còn con rế thắng thì đuổi theo con thua và cất tiếng kêu giòn giã vang rền “reng reng reng! Reng reng reng! Reng reng reng!..là kết thúc hiệp đấu.

Có lần chúng tôi thắng cả đoàn, có lần có thắng có thua. Cứ mỗi con rế của phe nào chọi thắng là được hai điểm, nếu chọi hòa thì không có điểm, nếu thua thì trừ một điểm. Cứ mỗi lần đem đi chọi rế là phải thực hiện 10 lần thi chọi từng cặp rế. Cuối cùng đoàn nào cao điểm sẽ là được coi là đoàn chiến thắng. Đoàn Phú Long chúng tôi do anh Nguyễn Bá Yên dẫn đầu cũng được vài lần chiến thắng, nhưng đoàn thắng nhiều đợt nhất là đoàn Long Hưng do anh Trần Kim Tạo điều khiển.
Mỗi lần thi đấu như vậy, theo quy định với nhau nếu bên thua phải nộp cho bên thắng 10 hào để họ cử người đi mua kẹo bánh cùng liên hoan vui chung.
Chuyện tụi trẻ con chúng tôi mùa hè rủ nhau đi chọi rế ngày xưa thật là vui! Trò chơi thật là hay, thật là ấn tượng và đã mở tầm giao lưu giữa thiếu nhi làng này với làng khác rất tự nhiên hiền hòa và đoàn kết. Tiếc rằng trò chơi đầy kỷ niệm của tuổi thơ hồi ấy ở chốn làng quê ngày nay không còn nữa. Con cháu của chúng ta sau này chẳng bao giờ biết được trò chơi thi chọi rế đầy vui thú và ấn tượng ấy nữa. Nhớ tiếc quá thôi! Nhớ tiếc quá thôi!

Không có nhận xét nào: