Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014


             HÀ NỘI MỪNG LỄ NÔEL
                          *****
Hà nội mừng lễ Nôel,
Lung linh đường phố ánh đèn sáng trưng.
Không khí rộn rịp tưng bừng,
Già trẻ trai gái đón mừng Giáng sinh.
Nhà thờ vang tiếng cầu kinh,
Bà con công giáo nhiệt tình hân hoan.
Ước mong phúc ấm vẹn toàn,
Cả lương lẫn giáo kết đoàn ấm êm.
Cho tình dân tộc mạnh thêm,
Quê hương đất nước vững bền niềm tin.
                   Hà Nội, 24/12/2014
                           Nguyễn Hồng Trân


Thứ Hai, 22 tháng 12, 2014

                PHÙNG QUÁN-ANH LÍNH CỤ HỒ
                            VÀ BÀI THƠ HAY
                                  ==00==
                                       Nguyễn Hồng Trân
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam (22/12/1944—22/12/2014), tôi viết bài này để nhớ lại một người lính cụ Hồ năm xưa mà tôi đã từng quen biết. Đó là nhà thơ Phùng Quán.
Những anh lính cụ Hồ, có nhiều người làm văn thơ rất hay, rất giàu tình cảm và rung động tâm hồn, vì họ đã trải nghiệm thực tế cuộc đời thăng trầm trong quân ngũ sau bao năm gian lao trên chiến trường để chống quân giặc xâm lược. Sau ngày hòa bình năm 1954, nhiều anh bộ đội đã chuyển ngành sang các lĩnh vực khác nhau để tiếp tục phục vụ Tổ quốc và dân tộc. Dù họ ở ngành nào thì mạch nước ngầm của tâm hồn văn nghệ của họ vẫn không ngừng tuôn trào trong cuộc sống thực tại. Và thơ của họ có những bài đã thấm sâu vào tim gan người đọc và cứ tồn tại mãi theo thời gian một cách bền vững như những dòng sông, dãy núi trên đất mẹ Việt Nam anh hùng. Một trong những bài thơ có ý nghĩa triết lý sâu sắc như thế là bài thơ “LỜI MẸ DẶN” của Phùng Quán.
Bài thơ này rất hay và đã được nhiều nhà văn, nhà thơ đã bình luận kỹ càng trên các trang báo chí trong mấy chục năm qua. Tôi rất thích bài này và đã học thuộc lòng từ khi tôi ra học ở Hà Nội từ năm 1957. Hồi ấy, tôi được quen biết anh Phùng Quán ở câu lạc bộ Thống nhất (sát bờ hồ Hoàn Kiếm).
Sau đây tôi xin đưa lên bài thơ đó để các bạn xem và tự mình suy nghĩ rồi chia sẻ nỗi niềm cùng tác giả.

         LỜI MẸ DẶN
Tôi mồ côi cha năm hai tuổi
Mẹ tôi thương con không lấy chồng
Trồng dâu, nuôi tằm, dệt vải
Nuôi tôi đến ngày lớn khôn.
Hai mươi năm qua tôi vẫn nhớ
Ngày ấy tôi mới lên năm
Có lần tôi nói dối mẹ
Hôm sau tưởng phải ăn đòn.
Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn
Ôm tôi hôn lên mái tóc:
- Con ơi! trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật.
- Mẹ ơi, chân thật là gì?
Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét.
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ
Từ đấy người lớn hỏi tôi:
- Bé ơi, Bé yêu ai nhất?
Nhớ lời mẹ tôi trả lời:
         - Bé yêu những người chân thật...
Người lớn nhìn tôi không tin
Cho tôi là con vẹt nhỏ
Nhưng không! những lời dặn đó
In vào trí óc của tôi
Như trang giấy trắng tuyệt vờị
In lên vết son đỏ chóị
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ.
Người làm xiếc đi dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật.
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao dọa giết
Cũng không nói ghét thành yêụ
Tôi muốn làm nhà văn chân thật, chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt được lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.
                                Phùng Quán (st 1957)

Thứ Hai, 15 tháng 12, 2014

LẦN ĐẦU TIÊN CHÚNG TÔI RA ĐẢO PHÚ QUỐC
                                 ==00==
                                       Nguyễn Hồng Trân
Vào đầu tuần tháng 12 vừa rồi, chúng tôi có dịp đi thăm bà con ruột thịt ở Bà Rịa-Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh, nên cũng tranh thủ ra đảo Phú Quốc tham quan du lịch một chuyến cho biết vùng đảo này.
Chúng tôi bay chuyến bay từ tp.HCM ra đảo Phú Quốc chỉ trong 35 phút. Hôm ấy thời tiết tốt. Người ngồi trên máy bay đang bay yên bình như ngồi trong phòng nhà, không có một chút lắc lư, rung động mạnh nào cả.
Khi tàu bay sắp hạ cánh, chúng tôi nhìn xuống hòn đảo thật là đẹp. Núi đồi, sông suối, nhà cửa và đường sá hiện rõ dần giữa biển trời trong xanh mát mẻ. Tàu bay giảm tốc độ rồi hạ cánh nhẹ nhàng xuống sân bay Quốc tế Phú Quốc. Xe của Khách sạn Anh Thi đón chúng tôi về nhận phòng ở. Chúng tôi ở phòng cuối tầng hai có cửa kính nhìn ra biển trông cảnh nước xanh, sóng vỗ nhẹ nhàng, thuyền tàu vào ra tới tấp, thật rộn ràng sinh động cả buổi sáng sớm cho đến lúc chiều tà...
Khách sạn Anh Thi chúng tôi đang nghỉ là trên đường Trần Hưng Đạo. Đây là con đường chính kéo dài dọc các sườn đồi của đảo. Trên đảo Phú Quốc dài và có  ngọn núi cao như Núi Chùa với độ cao 603 mét, núi Rồng dài 10 km, núi Hàm Ninh dài gần 30 km. Ban ngày chúng tôi đi tham quan một số danh lam của đảo như: Làng Chài Hàm Ninh, Suối Tranh, Bãi Sao… Đến địa điểm nào cũng thấy khách du lịch nội địa và ngoại quốc đông đúc ngắm nhìn cảnh vật rồi chụp ảnh, quay phim và vui cười thích thú. Cũng không phải ở đảo Phú Quốc có gì đẹp đẽ hấp dẫn hơn ở nơi khác mà vì đây là một hòn đảo lớn ở phía Đông Nam Việt Nam tại một vị trí đắc địa chiến lược. Phú Quốc có hơn 12 nghìn dân. Diện tích đảo này là 593km2 (bằng cả nước Singapore), nhưng Singapore thì thiếu nguồn nước ngọt, họ phải mua nước ngọt của Malaysia dẫn đường ống về, còn ở đảo Phú Quốc của Việt Nam chúng ta thì có 5 con sông, con suối và hồ nước ngọt Dương Đông. Do đó, nước ngọt cho cả huyện đảo này sử dụng qua nước máy thoải mái.
Tại Phú Quốc có 10 đơn vị hành chính, trong đó có 2 Thị trấn: Dương Đông và An Thới, có 8 xã: 1.Cửa Can, 2.Giành Dầu, 3.Bãi Thơ, 4.Hàm Ninh, 5.Cửa Dương, 6.Dương Tơ, 7.Thổ Châu và 8.Hòn Thơm. Hầu hết các xã này nằm phía Nam đảo Phú Quốc, gần thị trấn An Thới.Còn phía Bắc đảo PQ thì có đền thờ vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, khu rừng nguyên sinh quốc gia, và khu du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl rất đẹp, là nơi vừa rồi tổ chức thi hoa hậu VN năm 2014.
Công ty du lịch ở Phú Quốc ban ngày đưa xe chở chúng tôi đi tham quan các nơi. Trên chuyến xe 16 chỗ ngồi với ba nhóm người, hai nhóm người Việt và một nhóm người Italia. Chúng tôi có đến thăm nhà tù Phú Quốc, xí nghiệp sản xuất nước mắm PQ, công ty nuôi trai lấy ngọc, vườn hồ tiêu xứ đảo, công ty sản xuất rượu sim v.v…
Khi vào thăm nhà tù PQ, mọi người rất xúc động khi nhìn thấy khu giam giữ tù nhân trong 13 trại giam dài chật hẹp, mái lợp bằng tôn về mùa hè rất nóng. Có mấy “chuồng cọp” ngoài trời, một chuồng sắt đóng kín. Chung quanh nhà tù này bị bao bọc bốn lớp hàng rào cao và giữa là vòng dây thép gai dày đặc, bốn phía đều có lính canh giữ với chó Bec-Rê. Bốn góc khu nhà tù có 4 tháp canh, đèn pha quét sáng liên tục.Mỗi tháp có lính đứng sát bên khẩu súng đại liên 12 ly/7, chờ nổ súng khi nghi ngờ có người vượt ngục. Trong phòng Bảo tàng nhà tù PQ có ghi danh sách những tử tù chính trị quê quán ở nhiều vùng trên ba miền đất nước ta. Chúng tôi đến thắp nhang tưởng niệm và tri ân những chiến sĩ cách mạng bị giặc thù tra tấn dã man và đã hy sinh trong tù trong thời giặc Pháp và giặc Mỹ chiếm đóng.
Sau một tiếng tham quan nhà tù, chúng tôi đến xí nghiệp sản xuất nước mắm PQ xuất khẩu nổi tiếng với độ đạm rất cao 45 độ. Đây là cơ sở sản xuất nước mắm gia truyền từ xưa có tiếng của ông Sơn Tỷ(con trai cụ Phụng Hùng mà ngư dân PQ thường gọi là “quỷ biển”, vì mỗi lần ra biển đánh cá cơm là thuyền của cụ Hùng rất nhanh chóng đầy ắp cá cơm). Cá cơm là loài cá làm nước mắm rất ngon.Nước mắm PQ làm từ loài cá cơm vùng biển quanh đảo PQ có hương vị thơm ngon đặc biệt. Trong xưởng làm nước mắm này, người ta đặt những chiếc thùng gỗ tròn rất lớn có ướp đầy từng lớp cá cơm với muối rồi đóng kín. Sau 2 năm thì được mở vòi tháo nước mắm ra chảy theo đường ống đến bể chứa. Tiếp đó cán bộ chuyên nghiệp lo xử lý kỹ thuật, kiểm nghiệm chất lượng sản phẩm rồi đóng chai xuất xưởng. Phải nói rằng, quy trình sản xuất nước mắm PQ hiện nay rất bảo đảm an toàn thực phẩm và được khách hàng trong và ngoài nước tin cậy đặt hàng mua rất nhiều. Nhưng tiếc rằng, nguồn cá cơm tại PQ không đủ để cho xí nghiệp thực hiện sản xuất một khối lượng lớn để cung cấp cho thị trường. Do đó phải mua thêm cá cơm ở những vùng biển lân cận mới bảo đảm đủ lượng để sản xuất nước mắm.
Sau khi xem xong xí nghiệp sản xuất nước mắm, chúng tôi đến 2 trang trại nuôi trai biển để lấy ngọc. Các trang trại này đều do chuyên gia nước ngoài Nhật Bản và Australia tư vấn kỹ thuật và kinh nghiệm. Khi khách du lịch đến, họ trình bày cách nuôi trai trong các lồng đặt ngoài biển gần đảo. Họ lấy ra con trai đã được cấy hạt cát mầm chất trai xà cừ vào trong thân trai và đã nuôi 2 năm,  họ lấy dao cắt con trai đang sống đó ra và lấy kẹp gắp hòn ngọc bỏ ra trên đĩa cho mọi người xem. Người đứng xung quanh nhìn thấy viên ngọc rất đẹp mà đem lòng khâm phục những bậc cổ nhân trước đây đã sáng tạo ra cách làm giàu từ con trai biển. Ngay tại công ty này có cửa hàng trưng bày các loại trang sức bằng những chuỗi ngọc trai với nhiều màu sắc rất tinh xảo, đẹp đẽ. Có những chuỗi ngọc trai quý hiếm với giá lên tới hàng trăm triệu đồng.
 Sau khi xem xong cửa hàng trưng bày ngọc trai, chúng tôi lên xe chạy đến thăm vườn hồ tiêu đặc sản chất cay gia vị ở PQ. Hồ tiêu ở đây có vị cay thơm, ít nồng. Nhà hàng tiêu ở đây có bán các loại tiêu xanh, tiêu chín sấy khô. Tiêu xanh sấy khô thành tiêu màu đen, còn tiêu chín đỏ, họ làm lóc vỏ, sấy khô thành tiêu sọ có màu trắng đục. Tiêu sọ rất cay và có mùi thơm lâu. Nhiều người thích mua tiêu sọ này về làm quà gia vị cho bà con, bạn bè.
Trời về chiều, những đám mây trắng đang nhởn nhơ bay trên những đỉnh núi của đảo. Xe du lịch chở chúng tôi chạy băng băng con đường nhựa tới bên sườn đồi có công ty chế biến rượu sim PQ. Loại mật sim, rượu sim là đặc sản có thương hiệu nổi tiếng mà nhiều người gần xa đã biết. Cửa hàng rượu này đã rót sẵn ra các cốc ly nhỏ từng loại cho khách tham quan nếm thử. Tôi cũng nếm thử cho biết mùi vị ra sao mà nhiều người bạn của tôi trước đây đã từng mua về dùng các thứ rượu này và đều khen ngon.
Đúng là mật sim, rượu sim ngon thật! Chúng tôi và nhiều người rất ưa thích mua loại mật sim và rượu sim này về dùng. Chúng tôi còn tranh thủ ra xem vườn đồi  sim của công ty. Hoa sim tím nở rộ khắp vườn trông rất đẹp mắt. Người hướng dẫn viên du lịch nói rằng, đây là vườn sim có tính chất tương trưng để cho du khách biết cây sim, hoa trái sim mà thôi, còn đến mùa sim chín  thì công ty phải đi thu mua trái sim chín từ trong dân ở các vùng đồi núi nhiều sim. Khi nghe như vậy và nhìn cảnh vườn sim làm cho tôi càng nhớ lại đồi hoa sim tím vùng quê nội tôi ở thôn Phú Long, Hải Phú, Hải Lăng, Quảng Trị, mà nơi đây thời niên thiếu của tôi đã từng rủ nhau lên đồi hoa sim chơi vui, rồi đến mùa sim chín lại cùng nhau đi lên đồi hái sim ăn cho thỏa thuê rồi mang về cho người ở nhà thưởng thức hương vị trái quả của núi rừng. Khi hồi tưởng đến đay, tôi bỗng thầm nghĩ rằng, có lẽ tôi nên viết thư về cho ông Trưởng làng tôi tìm cách học hỏi chế biến mật sim, rượu sim để kinh doanh phục vụ cho du khách thường xuyên đến hành hương tại Thánh địa La Vang(sát làng tôi) thì sẽ được phát triển.
Buổi tối, chúng tôi đi dạo dọc bờ biển và ngắm cảnh chiều tà, hoàng hôn buông dần xuống biển. Sau đó ghé vào đường phố “Chợ đêm” Dinh Cậu nằm gần bờ biển. Khoảng 8 giờ tối là chợ đêm này bắt đầu đông đúc du khách đến mua sắm các đồ vật hải sản để lưu niệm. Đặc biệt là các hàng ăn với các món ăn hải sản tươi ngon ở biển PQ như mực, cua, ghẹ, tôm hùm, cá bớp, cá thu v,v… Tôm cá mực bơi lội trong các chậu thủy tinh, du khách cứ thỏa thích nhìn rồi chọn lựa theo ý mình và đặt luộc, nướng, chiên, xào hoặc nấu cháo, bún, miến để dùng. Tại chợ đêm này, tôi thấy có rất nhiều khách nước ngoài như: Nhật, Úc, Singapore, Malaysia, Nga. Nhiều nhất là người Nga (Vì có chuyến bay thẳng từ nước Nga sang đảo PQ). Tại các cửa hàng dọc các đường phố, chúng tôi thấy đề các bảng hiệu bằng 3 thứ tiếng: Tiếng Việt- Tiếng Anh và tiếng Nga. Vợ chồng chúng tôi cũng vào chợ đêm thưởng thức vài món ăn cho biết. Nhưng rất tiếc là các món ăn tại hàng ăn chợ đêm này nấu cũng không ngon bằng ở Huế. Tuy thế, điều ngạc nhiên của tôi là du khách ngoại quốc vào ăn đầy kín các nhà hàng, họ còn ngồi dãy bàn ra tận ngoài hiên.
Sau hơn 2 ngày du lịch thú vị ở đảo PQ, chúng tôi đặt vé tàu bay từ PQ ra thẳng Hà Nội trong buổi chiều. Ngồi trên tàu bay gần 2 giờ thì đến sân bay Nội Bài. Chúng tôi trở lại cái không khí tấp nập, hối hả dòng người trên xe cộ đi về trên các đường phố ở Thủ đô vẫn như mọi ngày. Về đến nhà, cuộc sống gia đình chúng tôi trở lại sum vầy, ấm áp. Vợ chồng chúng tôi kể lại cho các con cháu nghe về chuyến du lịch đầu tiên của ông bà tới đảo Phú Quốc thật là yên vui, thú vị!...
                          *******
                      Hà Nội ngày 12-12-năm 2014.

Thứ Sáu, 5 tháng 12, 2014

    MẸ GIÀ ĐI BÁN HÀNG RONG
              (thơ  Nguyễn Hồng Trân)
                            ==00==
Suốt ngày mẹ bán hàng rong,
Thu nhập chút ít mà lòng thấy vui.
Đôi chân lần bước nhiều nơi,
Đêm về mỏi mệt, rã rời toàn thân.
Ước gì con cháu ở gần,
Để được nương tựa, yên thân tuổi già.
Cuộc đời tủi phận bôn ba.
Suốt ngày kiếm sống thật là long đong.
Bao giờ mới được thong dong?
Không còn vất vả cho lòng thảnh thơi!...
Nhìn xem xã hội với đời,
Không còn nghèo khổ với người trần gian…
                            NHT (Hà Nội T12-2014)

Thứ Tư, 26 tháng 11, 2014

       Bút ký: MÙA THU NGOẠN CẢNH TÂY HỒ
                          Nguyễn Hồng Trân
Cũng khá lâu rồi vợ chồng chúng tôi chưa có dịp dạo quanh Tây Hồ. Trước đây chúng tôi đã từng sống ở Hà Nội nhiều năm trong thời kỳ học tập và công tác. Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, chúng tôi trở về quê hương Trị- Thiên để phục vụ công tác giáo dục và y tế cho đến ngày nghỉ hưu vẫn thường trú ở tp. Huế. Thỉnh thoảng chúng tôi mới có dịp ra Hà Nội thăm con cháu, thăm bà con và bạn bè thân quen…
Hiện nay, vợ chồng chúng tôi đã ra lại cư trú tại Hà nội theo đề nghị của con cháu muốn chăm sóc, phụng dưỡng ba mẹ lúc tuổi già ốm yếu…  Giờ đây,chúng tôi có thời gian rộng rãi để đi du ngoạn cảnh Tây Hồ vào một ngày thu yên lành thoải mái. Ngoạn cảnh nơi đây thật là thú vị. Cảnh mây trời, hồ nước mênh mông thoáng mát dễ chịu và đã làm cho chúng tôi nhớ lại những kỷ niệm xa xưa suốt một thời gian dài đáng nhớ của tuổi trẻ đã học tập và công tác tại Thủ đô Hà Nội.
Hồ Tây theo truyền thuyết ngày xưa có tên lúc đầu là Đầm Xác Cáo(1)  , sau đó có tên là Hồ Kim Ngưu(2) (Hồ Trâu Vàng). Đến Thế kỷ XVI thì đổi tên hồ thành Dâm Đàm (3). Và tên cuối cùng cho đến sau này hồ được đổi tên là Tây Hồ (4).
Để ngoạn cảnh Tây Hồ,trước tiên, chúng tôi đi dạo dọc con đường Thanh Niên mà ngày xưa gọi là đường Cổ Ngư. Đường này là ngăn cách Hồ Tây và Trúc Bạch. Hồ Trúc bạch ngày xưa cũng thuộc Hồ Tây, sau đó người ta đắp lên một con đê ngăn ra một vùng hồ nhỏ để nuôi cá và xung quanh hồ này trồng nhiều cây trúc để làm mành, làm rèm sáo che nắng, che mưa…Hồ Tây thì rất lớn (hơn 500 hecta và chu vi gần 18 Km), hồ Trúc Bạch thì nhỏ (chỉ vài chục hecta và chu vi chỉ hơn 6 Km). Hai bên con đường này những hàng cây xanh tỏa bóng râm xuống mặt đường thật mát mẻ dễ chịu. Từng đoạn, từng đoạn gần sát mép hồ đều có những chiếc ghế đá hướng ra mặt hồ để cho du khách dừng chân ngồi nghỉ ngơi, ngắm cảnh và chuyện trò tâm sự… Những chiếc ghế nơi đây cũng đã từng chứng kiến muôn vàn cuộc hẹn hò tình tứ của lứa đôi trai gái ở Hà Nội, trong đó có chúng tôi và những người nơi khác đến du chơi ngoạn cảnh Tây Hồ rồi lưu lại bên hồ trong cảnh chiều tà cho đến tận đêm khuya thanh vắng…
Chúng tôi dạo bộ trên đường này một lúc rồi ghé vào tham quan lại chùa Trấn Quốc mà đã lâu lắm rồi chúng tôi chưa có dịp ghé thăm. Đây là một trong những ngôi chùa cổ của Hà Nội đã có từ thời Lý –Trần và cách đây khoảng 1500 năm. Ngôi chùa rất đẹp, nó tọa lạc trên hòn đảo nhỏ phía Đông của hồ, có ngọn tháp cao xinh xắn màu nâu đỏ. Nơi đây du khách hàng ngày ra vào tham quan tấp nập. Các sinh viên các trường thường đến viếng cảnh chùa để cầu nguyện; nhất là sinh viên trường Nghệ thuật đến ngắm cảnh chùa và vẽ tranh hoặc sáng tác lời ca, khúc nhạc…
Đến chùa Trấn Quốc làm tôi nhớ đến một sự kiện ngày xưa từ thời chúng tôi còn là sinh viên đến tham quan chùa này vào dịp hè năm 1959 thì được gặp đoàn đại biểu của Chính phủ Ấn Độ sang thăm nước ta do Tổng thống  Rajendra Prasad dẫn đầu ghé vào thăm chùa cùng đi với Bác Hồ. Lúc đó Tổng thống Ấn Độ có tặng cho nhà chùa một cây bồ đề Ấn Độ rất đẹp. Cây bồ đề ấy giờ đây đã sum xuê to lớn tỏa bóng mát cho cả một vùng rộng của sân chùa.
Chúng tôi đứng ở sân chùa nhìn ra Hồ Tây nước mênh mông xanh biếc và làn sóng lăn tăn vỗ nhẹ vào các thành kè ven hồ nghe rất êm ái thanh bình. Nhìn xa xa giữa mặt hồ có nhiều tàu thuyền qua lại chở du khách dạo chơi đây đó tham quan những di tích, thắng cảnh ven hồ như đền Quán Thánh, cung Từ Hoa, chùa Kim Liên, điện Thụy Chương, phủ Tây Hồ…
Trên dọc đường đi ven bờ Hồ Tây, chúng tôi nghe vang vọng những bài ca, khúc nhạc du dương, trữ tình, trầm bổng trong chiều đông ấm áp. Lúc đó chúng tôi bỗng nhớ đến mấy câu ca dao ngày xưa quen thuộc:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Tiếp đó chúng tôi đi ngược lên phía làng Kẻ Bưởi (ngày xưa có tên là Yên Thái), nơi đây là cái nôi làng nghề làm giấy dó nổi tiếng, nhưng dân làng rất vất vả, người dân phải đi lấy cây dó trên rừng về, phải chặt khúc rồi dã nhỏ bằng cối chày cả ngày đêm mới kịp làm giấy. Có loại giấy quý làng này làm ra được dùng cho nhà vua ban Sắc phong cho các làng xã, tộc phái có sự kiện điển tích về lịch sử, văn hóa đáng được tôn vinh, trân trọng.
Sau khi ra khỏi làng này, chúng tôi lên thuyền du lịch đi về Phủ Tây Hồ(5) để viếng thăm, ngắm cảnh một địa danh linh thiêng của Thăng Long Hà Nội. Phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, ngày xưa nó thuộc một làng cổ của kinh thành Thăng Long. Chúng tôi đến Phủ Tây Hồ không phải vào dịp lễ hội thường niên vào ngày rằm tháng Giêng nhưng dân chúng đến hành hương và tham quan cũng rất đông. Chúng tôi đi dạo khắp vùng này và thấy người ta đến đốt vàng mả, hương trầm khói lên nghi ngút lan tỏa khắp cả vòm cây, mái ngói. Phủ Tây Hồ còn mang đậm nét cổ xưa ở các điện thờ, đền miếu… Nhất là quang cảnh xung quanh Phủ rất uy nghi, trầm tĩnh. Những cây si, cây sung, cây lộc vừng cổ thụ nghiêng mình sà thân cành gần sát mặt nước Hồ Tây tạo nên một dáng vẻ cổ kính linh thiêng. Đứng trong khung cảnh này, tôi cảm hứng làm mấy câu thơ với tựa đề:
CẢM CẢNH TÂY HỒ
Nước Tây Hồ mênh mông xanh biếc
Thuyền ngày đêm liên tiếp du chơi
Đàn chim bay liệng ngang trời
Như vui với cảnh cùng người tham quan
Đường ven hồ rộn ràng du khách
Tới đền chùa tấp nập hành hương
Người từ khắp cả bốn phương
Về đầy cầu nguyện an đường sinh linh…
Trời về chiều, chúng tôi lên thuyền ra giữa Hồ Tây rồi hướng về phía làng Thụy Khê để ngắm cảnh chiều hôm ở một vùng quê ven hồ. Lúc đó trên bầu trời Tây Hồ những đàn chim đang bay chầm chậm thành hàng như hẹn nhau trở về tổ. Bỗng nhiên có một cơn gió mạnh thổi qua làm thuyền chở chúng tôi rung rinh, chồng chềnh, cánh buồm nghiêng ngả và thấy đàn chim trên trời cũng hối hả bay nhanh. Thế là tự nhiên trong lòng tôi cảm thấy lo lo, sợ một cơn lốc đột ngột sẽ lật thuyền như chuyện chìm thuyền của đoàn nghệ thuật Trung Quốc khi chiều tối dạo chơi trên Hồ Tây vào đêm 11-9-1956. Các cụ già hồi đó ở gần Hồ Tây đã kể lại rằng, đoàn thuyền chở đoàn nghệ thuật TQ vừa ra đến giữa Hồ Tây thì đột ngột có một cơn lốc mạnh hất tung cả đoàn xuống hồ. Lúc ấy mọi người hốt hoảng không ngờ việc thiên tai ập đến bất ngờ cho đoàn TQ như thế. Đội cấp cứu đã tích cực cứu nạn được một số người, còn 9 người TQ mất tích. Mặc dù đã chăng lưới tìm kiếm cả đêm, nhưng vẫn không thấy. Hôm sau mới tìm được thi thể của 9 cô gái chưa chồng trong đoàn múa hoa sen của TQ, trong đó có cô Khương Nãi Tuệ là nữ nghệ sĩ múa có tiếng của TQ và một tay sáo danh tiếng là Phùng Tử Tồn cũng bị chết trong đêm hôm ấy. Thật là một chuyện chưa từng xẩy ra ở Hồ Tây từ xưa đến nay như thế!
Sau cơn gió mạnh thổi qua, chúng tôi đang ngồi trên thuyền mà vẫn không lo, cứ ung dung chuyện trò vui vẻ. Nhìn về phía gần bờ làng Thụy Khê có mấy chiếc thuyền nan có những người trên thuyền và dưới nước để vớt rong, mò ốc, bắt cá… cứ râm ran chuyện làm ăn kinh tế. Đặc biệt ở Hồ Tây người ta nuôi loài tôm càng xanh rất phát triển và đem lại nguồn lợi kinh tế khá cao. Trước đây, hàng năm người nuôi tôm càng xanh thu hoạch đến 40 tấn/ năm.  Qua thực tế ẩm thực, chúng tôi cũng biết về các loài cá, loài ốc và tôm ở Tây Hồ rất ngon. Vì thế một số hàng quán nhậu ở ven bờ với các món cá hấp, cá chiên, bún ốc, bánh tôm, v.v…lúc nào cũng đông khách thưởng thức. Ngoài ra, những người sống ven hồ còn cho biết thêm rằng, có một số tổ chức nuôi trồng sinh vật hồ đang nuôi loài cá hồi và nuôi trai lấy ngọc. Điều đó có nhiều hy vọng phát triển nghề nuôi thủy sản ở Tây Hồ được ổn định và bền vững, nếu chúng ta có biện pháp bảo vệ môi trường được tốt, không bị ô nhiễm nặng triền miên.
Sau khi rời khỏi thuyền lên bờ, chúng tôi đi bách bộ một đoạn quanh bờ hồ. Quang cảnh ở đây đã khác nhiều so với ngày xưa. Những hàng cây cau Tây, phượng vĩ, bằng lăng, hoa sữa … như thích thú với đất trời, hồ nước xanh trong và cứ thi nhau vươn mình lung lay thân cành trong gió chiều lộng mát.
Đi một lúc ngắm nhìn đó đây thư giãn tâm hồn, chúng tôi dừng chân ngồi lên ghế đá nhìn ra mặt hồ và hít thở không khí trong lành rồi cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa vào cái thời trẻ trung của cuộc đời sinh viên đã từng đi dạo quanh Tây Hồ với bao nhiêu tâm tình, ước vọng…
Ôi! Mùa thu ngoạn cảnh Tây Hồ thật là thú vị và vấn vương, thương nhớ bung lung, nhớ cảnh vật, nhớ tình người, nhớ hoài! nhớ mãi!..
        Hà Nội, Quý thu, năm Giáp Ngọ = 2014
Chú thích: (1) Đầm Xá Cáo: Theo truyền thuyết là nơi đây hang con cáo chín đuôi thường phá hại dân lành, bị Long Quân dâng nước lên công phá, giết chết con cáo đó và xác cáo phơi trên mặt đầm (đầm là vùng trũng có nước và có cả bùn lầy, lau sậy mọc um tùm).
(2) Hồ Kim Ngưu dựa theo truyền thuyết hồ Trâu Vàng. Truyện kể về một người khổng lồ ở đất Việt, sức khỏe phi thường, không ai địch nổi. Ông xuất gia làm thiền sư, đó chính là thiền sư Minh Không. Thiền sư Minh Không sang Tàu chữa bệnh cho con vua Tống. Khi công việc hoàn thành, vua muốn trả ơn. Nhà sư chỉ xin một ít đồng đen cho vào tay nải. Vua Tàu đồng ý cho thiền sư tự ý vào kho lấy đồng. Thiền sư đã lấy đồng đen đem về nước Nam. Về đến Thăng Long, ông dùng số đồng đó đúc thành bốn thứ bảo khí nhà Phật: Tượng Phật, tháp Báo Thiên, đỉnh đồng và một quả chuông đồng rất lớn. Chuông đúc xong, đức vua sai ông đánh một hồi chuông dài để báo hiệu cho dân chúng biết tin vui nước nhà đang thái bình thịnh trị! Tiếng chuông ngân đến tận kinh đô bên Tàu. Nghe tiếng chuông con trâu bằng vàng to lớn nằm trước kho đồng bên Tàu tự dưng bừng tỉnh "Đồng đen là mẹ của vàng" ngỡ là tiếng mẹ gọi nó liền vươn mình phóng thẳng xuống phương Nam tìm đến quả chuông khổng lồ, quần mãi xung quanh khiến cho cả một vùng đất lớn quanh quả chuông sụt xuống thành một vùng hố sâu và nước tràn đầy trải rộng thành một hồ nước mênh mông.
(3) Dâm Đàm: Theo sách Hồn sử Việt thì khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, hồ Kim Ngưu trở thành một địa điểm du ngoại được nhà vua và các quan ưa thích, nhiều lần trong các buổi du thuyền trên hồ, nhà vua gặp sương mù bao phủ, cảnh tượng hồ trở nêm huyền ảo mộng mơ, vì vậy hồ đã được đổi tên là Dâm Đàm.
(4)Tây Hồ: Đến năm 1573, để tránh tên húy của Vua Lê Thế Tông là Duy Đàm, người ta đổi là Tây Hồ. Cái tên Tây Hồ có từ đó, ngoài lý do trên, có lẽ việc đặt tên này nhằm sánh với phương Bắc, vì ở Trung Quốc cũng có Tây Hồ nổi tiếng ở Hàng Châu. Việc đặt tên các địa danh, sông hồ của Việt Nam theo chữ nghĩa  Trung Quốc là chuyện bình thường. Tây Hồ là cách đọc Hán Việt của hồ Tây, và hồ Tây đã trở thành cái tên gần gũi, lâu dài, nên thơ nhất đối với người Hà Nội cũng như nhân dân cả nước.
(5)Phủ Tây Hồ:nơi đây ngày xưa có một ngôi đền thờ bà chúa Liễu Hạnh, một người đàn bà tài hoa, giỏi đàn ca, thơ phú, đức độ nên đã được dân gian thần thánh hoá rồi tôn vinh lên thành đức Thánh Mẫu . Hàng năm vào rằm tháng Giêng âm lịch, khách hành hương về đây rất đông, vừa đi lễ cầu mong Thánh Mẫu ban cho điều lành và mọi sự may mắn; vừa đi thưởng ngoạn cảnh đẹp Tây Hồ.




Thứ Bảy, 15 tháng 11, 2014

                    NHỚ LẠI MỘT THỜI LÀM HỌC TRÒ
                              VÀ THẦY GIÁO CỦA TÔI
                                                    ==00==
                                                      Nguyễn Hồng Trân
Dòng đời tôi đã chảy theo những sông, suối của ngành giáo dục và đào tạo trên đất nước Việt Nam. Từ lúc tuổi thơ cho đến khi già nua tóc bạc vẫn luôn luôn nhớ mãi những kỷ niệm thân thương của thời học trò và bao nhiêu dấu ấn sâu sắc của một chuỗi tháng ngày làm thầy giáo trong nhà trường Trung học và Đại học.
Lúc làm học trò thì tôi lo chăm chỉ học hành, vâng lời cha mẹ và luôn lắng nghe thầy cô dạy bảo; luôn kính thầy, quý thầy. Trong nhà trường cũng như ngoài xã hội, đối với bạn bè, tôi cũng rất chan hòa, vui vẻ, khiêm nhường và tử tế.
Tôi thường xuyên nhớ đến cặp câu đối mà ông nội tôi và ba tôi hay khuyên bảo tôi từ khi con niên thiếu:
*HỌC THẦY, QUÝ THẦY, NGHĨA NẶNG, ƠN ĐẦY LUÔN GHI NHỚ.
*TÌM BẠN, THÂN BẠN, TÌNH SÂU, ĐỨC RỘNG MÃI CHẲNG QUÊN.
Khi tôi lớn lên học xong Trung học rồi đến khi tôi tốt nghiệp Đại học, tôi lại làm thầy dạy học một thời gian dài. Từ năm 1960, tôi đã dạy học ở Hà Nội, đến khi nước nhà hòa bình thống nhất, tôi trở về quê hương dạy học ở trường Đại học Tổng hợp Huế (sau này là trường ĐHKH-Huế) cho đến lúc về hưu (năm 1999). Sau đó, tôi lại được mời đến giảng dạy ở các trường ĐH và CĐSP ở Huế cho đến năm 2010 tôi mới hoàn toàn chấm dứt giảng bài cho sinh viên. Như vậy, kể ra cuộc đời làm thầy của tôi cũng khá dài lâu và tôi cũng đã trải qua nhiều cung bậc thăng trầm trong cuộc đời làm giáo viên trên đất nước ta. Thời kỳ chiến tranh thì gian khổ vô cùng trong cảnh bom rơi, đạn nổ. Cái sống chết không hình dung được, nhưng vẫn lạc quan yêu đời; hàng ngày tôi vẫn lên lớp và vẫn hăng say giảng bài cho các em mà không hề thấy chán chường, nản chí gì cả. Đến lúc hết chiến tranh, hòa bình thống nhất đất nước thì lâm vào cảnh khó khăn về đời sống vật chất kéo dài. Hoàn cảnh lúc đó làm tôi cũng như các giáo viên nói chung đều thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu nhiều bề, nhưng rồi cũng vượt qua, không ai muốn kêu ca gian khổ…
Qua bao nhiêu thử thách gian nan trong cuộc sống làm cho tôi già đi trước tuổi rất nhiều. Nhưng cũng may sao mình đang còn sống khỏe mạnh để nhìn đất nước đổi thay, nhìn lớp con cháu tràn đầy sức sống để xây dựng đất nước. Thế cũng là tốt rồi, hạnh phúc lắm rồi! Cứ suy nghĩ như vậy, tôi cảm thấy vui lên và sống thoải mái trong những năm tháng còn lại của cuộc đời. Và mỗi khi đến dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20 tháng 11 là tôi vô cùng xúc động khi nhớ đến các thầy cô đã dạy tôi ngày xưa mà nhiều thầy cô bây giờ không còn nữa; nhớ đến các em học sinh, sinh viên của mình mà tôi luôn quý mến yêu thương.
Nhân dịp này, tôi xin gửi đến các thầy cô lẳng hoa rực rỡ để chúc mừng quý thầy cô dồi dào sức khỏe và hạnh phúc.
                                                    Hà Nội 15-11-2014.

Thứ Bảy, 8 tháng 11, 2014

              DÒNG SÔNG MANG BAO NỖI NHỚ
                                      ==00==
                                       Nguyễn Hồng Trân

Ôi, Hương giang êm đềm trong mơ mộng
Thuyền ngược xuôi xao động giữa đêm sương
Hò Mái nhì du dương nghe ấm áp
Gợi lòng ta man mác nỗi nhớ thương…

Cầu Trường Tiền vấn vương khách du ngoạn
Nhìn dòng sông lấp loáng ánh chiều tà
Núi Ngự Bình thông ngân nga trong gió
Đồi Vọng Cảnh mờ tỏ núi non xa…

Những đêm hè quê ta lộng gió mát
Ngồi du thuyền ca hát bạn bè vui
Nhắc nhau chuyện ngọt bùi bao kỷ niệm
Nhớ một thời niên thiếu mãi không nguôi…

Dòng sông ơi! tràn ngập niềm thương nhớ
Gắn dòng đời hơi thở với thiên nhiên
Nhiều biến cố đảo điên trong chiến sự
Bao lớp người quyết tử, nghĩa tổ tiên…

Thời chiến tranh vang rền bom lửa đạn
Nỗi đau thương dày dạn với dân mình
Sự mất mát hy sinh không kể xiết
Để đền ơn tiên liệt giữ sinh linh…

Nhiều người biết quên mình vì nghĩa lớn
Tình dân tộc giang sơn được vững bền…
                          ==00==
              Hà Nội,tháng 11 năm 2014

Thứ Năm, 30 tháng 10, 2014

ĐOÁN SỐ TỬ VI  KHOA HỌC KHOA HỌC HAY MÊ TÍN ?
                                       ===00===
Nguyễn Hồng Trân
                            
        Môn phái "số tử vi" (STV) từ Trung Quốc truyền sang Việt nam ta từ thủa xa xưa và cũng không ai biết được chính xác nó đã xuất hiện ở nước ta vào thời kỳ nào. Tuy vậy, qua các sách vở lưu truyền lại, người ta cũng đã biết ông Tổ sư của môn phái STV này là do ông Trần Đoàn tức là Hi Di Tử thời nhà Tống Trung Quốc (năm 966-980) sáng lập ra. Sách Vân Đài loại ngữ của Lê Qúy Đôn cũng xác nhận như thế. Về sau, các nhà Tử Vi học cứ diễn dịch, triễn khai dần dần thành một môn Tử Vi chính thống. Ở Việt Nam ta cũng xuất hiện một số sách về STV của các tác giả như Vân Đằng Thái Thử Lang, Nguyễn Phước Lộc, Nguyễn Mạnh Bảo v.v...
        Cách thức lập lá số và phép luận giải rất bài bản, công phu. Cơ sở phương pháp luận của STV  là dựa vào thuyết "ÂM DƯƠNG NGŨ HÀNH". Do đo,vấn đề STV làm cho nhiều người xưa và nay càng thêm quan tâm tìm hiểu.

Thực ra vấn đề STV có hay, dở ra sao còn phụ  thuộc vào nhiều yếu tố. Trong đó có yếu tố khả năng, tài nghệ của người lý giải. Còn về mặt khoa học nó đạt mức độ nào cũng chưa ai đánh giá, tổng kết một cách khách quan, sát thực.
        Theo quan điểm của các nhà chiêm tinh học Trung Quốc đã cho hay rằng: mỗi con người ta sinh ra trong một thời điểm nào đó (năm, tháng, ngày, giờ  âm lịch) thì đều có các vì sao tương thích trong vũ trụ tác động vào cơ thể của người ấy và làm ảnh hưởng đến toàn diện cuộc đời nhân sinh về trí tuệ, tình cảm, sức khỏe, sở trường v.v... Từ đó, các nhà Tử Vi học đã nghiên cứu , sắp xếp và quy định được 14 vì sao chính và 97 sao phụ. Tất cả các loại sao đều được phân vị theo quy tắc kết hợp hoặc riêng biệt và tác động lên 12 cung đời của từng người trong bản đồ lá STV. Đó là các cung:   Bổn mệnh, Phụ mẫu, Phúc đức, Điền trạch, Quan lộc, Nô bộc, Thiên di, Ách tật, Tài bạch, Tử tức, Phu thê, Huynh đệ .
  
        Cung mệnh được an vị đầu tiên theo tháng và giờ sinh, còn các cung sau lần lượt theo chiều thuận kim đồng hồ mà định vị trong từng ô của lá số theo thứ tự: mệnh, phụ mẫu, phúc đức ... còn có cung thân không cố định riêng,là cung ngụ cư tại một cung nào đó, tuỳ theo đặc điểm của lá số Cung thân an vị cũng theo tháng và giờ sinh như cung mệnh chỉ khác là chiều tính giờ thì ngược lại.

        Các sao chính có 14 sao. Sao Tử  vi làm chủ hệ. Nó được an vị theo ngày sinh và phụ thuộc vào bản cục của đương số còn các sao khác phụ thuộc vào sao Tử Vi và định cư theo quy tắc riêng. Thí dụ: Sao Thiên phủ bao giờ cũng ở vị trí đối xứng qua đường chéo Dần - Thân của lá số. Nếu Tử Vi ở Tý thì Thiên phủ ở Thìn; Tử vi ở Tuất thì Thiên phủ ở Ngọ v.v... 14 sao chính được sắp xếp thành  hai vòng trong các ô của lá số.
Vòng thứ  nhất bắt đầu từ sao Tử Vi (cách 3 ô) đến sao Liêm trinh (cách 2 ô)đến sao Thiên đồng, Vũ khúc, Thái dương (cách 1 ô) đến Thiên Cơ. Vòng thứ hai từ sao Thiên Phủ; tiếp Thái Âm, Tham Lang, Cự Môn, Thiên Tướng, Thiên Lương, Thất Sát (cách 3 ô) đến Phá Quân.
        Các sao phụ có nhiều loại như Tả Phù, Hữu Bật, Văn Xương, Văn Khúc, Tuần, Triệt v,v... mỗi loại sao an vị theo cách riêng của nó.
        Quá trình luận giải lá STV gồm 2 bước: Bước đầu là sơ giải, bước sau là tinh giải. Bước sơ giải là xem xét yếu tố Sinh - Khắc giữa bản Cục và bản Mệnh như thế nào. Nếu Cục sinh Mệnh thì Mệnh thịnh Vượng. Thí dụ: Cục  Hỏa, Mệnh Thổ; Nếu Cục khắc Mệnh thì Mệnh suy. Thí dụ: Cục Thủy, Mệnh Hỏa. Sau đó phải xem sao Tử Vi đóng ở cung nào để biết ý nghĩa thuộc tính thuận nghịch ra sao ? Nếu sao Tử  Vi đóng tại cung Tý, Hợi, Mão, Dậu là bình địa (tức là bình thường); tại Sửu, Mùi là đắc địa (thuận lợi); tại Thìn, Tuất là vượng địa (khá thuận lợi);tại Dần, Thân, Tỵ Ngọ là Miếu địa (rất thuận lợi). Còn 13 sao chính khác thì có thêm thuộc tính hãm địa (bất lợi).
        Trong bước sơ giải này cũng phải liên hệ với các cung đời(Mệnh, Phụ, Phúc...) cung chi (Tý, Sửu, Dần, Mão...) để có được những thông tin về ý nghĩa.
        Lưu ý rằng: các cung chi thì luôn luôn cố định, còn các cung đời thì di động tùy thuộc vào cung mệnh mà các cung khác xếp đặt liên tiếp theo sau (như đã nêu ở trên). Riêng cung Thân là cung ngụ cư vào một cung khác nào đó thì phải chịu ảnh hưởng lớn vào cung ấy. Chẳng hạn Thân cư ở cung Mệnh  thì có nghĩa bản thân tự lập, tự làm nên sự nghiệp; nếu Thân cư ở cung Thê thì được nhờ vợ, phụ thuộc nhiều vào vợ, vợ định đoạt mọi việc trong nhà; Thân cư ở cung Quan lộc là nhờ vào con đường công danh, sự nghiệp mà phát đạt, có uy quyền tín nhiệm. Thông thường cung Thân được luận giải cho người từ 30 tuổi trở lên.
        Sang bước thứ hai là bước tinh giải. Bước này là giải tỷ mỷ, phải cân nhắc mức độ ảnh hưởng của từng sao chính và sao phụ ở trong từng cung, kết hợp với các phép xung chiếu, hợp chiếu để giải đóan. Trong đó quan trong nhất là xung chiếu (tức là dựa vào các sao có trong cung đối xứng qua tâm lá số).  Thí dụ: cung xung chiếu của cung Dần là cung Thân. Quá trình luận giải từng cung đời chủ yếu là phân tích ý nghĩa của từng sao trong cung chủ định rồi liên hệ với tính chất các sao trong xung chiếu rồi tổng hợp lại thành nội dung của vấn đề giải được. Chẳng hạn về cung Mệnh, Thân thì phải giải được về cốt cách, tinh thần, tính tình, vận mệnh, thọ yểu ra sao; cung Ách  tật thì giải xem về sức khỏe, bệnh tật, tai họa ở mức độ nào; cung Tử tức là xem con cái nhiều ít, con đầu trai hay gái, con cái dễ nuôi hay khó nuôi, có được nhờ con cái không v.v...
        Sau khi giải xong 12 cung đời là giải sang Đại hạn (10 năm) và Tiểu hạn (1 năm) để biết một số điều tác động đáng kể trong vòng hạn đó đến bản thân như thế nào...
        Qua gần 20 năm quan tâm tìm hiểu và luận giải STV cho nhiều người để nghiên cứu thực chất của vấn đề này, chúng tôi thấy rằng: tỷ lệ giải đúng theo sách so với thực tế chỉ đạt tới khoảng 60%  là cao nhất (đối với các cung Mệnh, Thân, Quan lộc, Tài bạch, Thiên di, Ách tật); các cung khác chỉ đúng khoảng 50% . Riêng các cung Phụ Mẫu, Phúc đức, Điền trạch tỷ lệ đúng là thấp nhất, chỉ độ 30%  mà thôi. Xin nêu dẫn chứng một trường hợp kỳ lạ là kết quả giải 2 lá STV cho hai anh em ruột mà một người thì bố mẹ thọ bách niên giai lão, còn người kia thì bố chết sớm, mẹ đi thêm bước nữa.
        Qua những thực tế mâu thuẫn đó, chúng tôi thấy rằng về cách thức luận giải lá STV theo sách vở xưa và nay của Tàu và ta thì thấy rằng vẫn có một cái gì đó chưa ổn. Những kết quả của luận giải có nhiều chỗ mâu thuẫn với thực tế của cuộc đời. Mặc dù quy trình tạo lập lá số và cách thức luận giải nội dung rất là bài bản; có quy tắc chặt chẽ, rõ ràng. Chính nhờ đó mà các nhà toán tin học của Việt Nam ngày nay đã tiến hành lập trình, tạo ra được các phần mềm chấm STV chạy được trên các máy vi tính hiện nay. Một trong những phần mềm STV có giao diện màn hình lá STV đầu tiên là phần mềm cuả Bảo Trân (ở Canada). Nhưng tiếc thay về phần luận giải lá số thì khó mà tin được. Vì kết quả giải ra thường cứ trùng lặp, giống nhau nhiều về nội dung trong những lá số khác nhau. Có lẽ "từ điển giải mã" của các nhà Tử vi học ngày xưa vẫn còn có những chỗ khiếm khuyết mà lâu nay chưa ai đủ điều kiện nghiên cứu thật sâu để bổ sung hoàn chỉnh. Cũng không phải vì thế mà chúng ta nghi ngờ rằng STV  là phương sách giả tạo của các nhà chiêm tinh học phong kiến thời xưa để nhằm ổn định tâm lý, đạo đức cho mọi người trong xã hội. Bởi vì các nhà Tử vi học không dễ dàng gì mà đánh lừa được nhiều nhà thông thái trong xã hội. Qua thực tế, cái gì thực sự  nghiệm đúng được nhiều thì người ta mới tin tưởng và nó mới tồn tại được  lâu dài. Chẳng hạn chuyện thực về Trần Thái Tông đã giải đoán STV và biết trước đuợc ngày mất của mình là ngày mồng một tháng tư năm Đinh Sửu (1277)[Sách Đại Việt sử kí toàn thư quyển V, trang 39]. Mặt khác, cũng không phải vì một số điều giải đoán STV  chính xác với thực tế mà chúng ta quá sùng bái STV đến mức mê tín. Từ đó dễ sinh ra những tâm lý lo âu, sợ hãi hoặc vui sướng, lạc quan hão huyền. Như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, đến hạnh phúc gia đình và quan hệ  bà con, bạn bè trong xã hội.

        Trải qua thực tế nhiều năm khảo sát, nghiên cứu vấn đề giải đoán STV, chúng tôi xin mạnh dạn nêu lên mấy ý kiến sau đây:
        * Môn phái Tử vi học, theo chúng tôi nghĩ là nó có tính khoa học. Bởi vì nó dựa theo phương pháp luận là thuyết âm dương ngũ hành phương Đông - Thuyết này đã được nhiều Hội đồng khoa học của các nước thừa nhận và đã ứng dụng vào y dược học, châm cứu, luyện tập dưỡng sinh, trong lịch pháp, trong thời vụ nông nghiệp v.v... có hiệu quả.
        * Cách luận giải STV có vẻ thâm thúy nhưng chưa tạo được những mạch tư duy lôgích giữa những diễn biến của các vấn đề khi luận giải. Do vậy, có nhiều trường hợp phát sinh mâu thuẫn thì không giải quyết được. Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Bởi vì ngày xưa những thầy Tử vi học viết sách luận giải theo chủ quan suy đoán  của mình. Lúc đó chưa đủ các điều kiện về phương pháp toán học như bây giờ để rà xét lại những kết quả giải đoán mà hoàn chỉnh và tối ưu hóa dần.
        * Ngày nay, chúng ta có thuận lợi về các phương tiện hiện đại thì có thể đi sâu để tìm ra được bản chất của vấn đề.

        Chúng tôi hy vọng rằng trong thời gian không xa nữa, những ai đã quan tâm đến vấn đề này thì cùng nhau hợp lực nghiên cứu để có thể đi đến thống nhất được ý kiến về giải đoán STV là khoa học hay là mê tín. Hiện nay thì tôi vẫn cho rằng giải đoán STV là còn bí ẩn khó hiểu và chỉ mang màu sắc khoa học mà thôi.

                                                                                          N.H.T