Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

       CHUYỆN TÌNH CỦA CẬU MỢ TÔI Ở ĐIỆN BIÊN
                                    ==00==
                         Nguyễn Hồng Trân
Sau khi nghe tin bà Ngọc Toản vào dự Festyval ở Huế ra, sáng ngày 20-4- 2014, tôi đến thăm bà và tìm hiểu thêm về cuộc đời quân ngũ của bà và ông chồng bà là tướng Cao Văn Khánh nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên (1954-2014).
Ông Cao Văn Khánh là người bà con bên ngoại với tôi(Nguyễn Hồng Trân). Ông ngoại của tôi(Phan Thanh Tuân) và bà mẹ của ông Khánh(bà Phan Thị Sâm) là anh em ruột. Tôi thường gọi cậu Khánh và mợ Toản. Ông Khánh đã mất năm 1980, bà Ngọc Toản tuy nay tuổi đã cao(86 tuổi), nhưng  bà vẫn còn tỉnh táo, minh mẫn đã kể cho tôi nghe vắn tắt về cuộc đời thăng trầm trong chiến cuộc. Đặc biệt là bà rất có duyên gặp lại người yêu cùng tham gia chiến dịch của quân dân ta đánh tan tập đoàn cứ điểm giặc pháp tại Điện Biên Phủ vào tháng 5, năm 1954.
 Bà Nguyễn Ngọc Toản[NNT] kể lại cho Nguyễn Hồng Trân [NHT] nghe:

-NNT: Cậu Cao Văn Khánh hồi xưa học ở trường Quốc học Huế, sau đó ra Hà Nội học trường Bưởi cùng một thời với ông Hoàng Đình Cầu. Cậu Khánh học xong Tú tài rồi học Cử nhân Luật. Sau đó về dạy môn Toán ở trường tư thục Phú Xuân, rồi sang dạy trường Việt Anh ở Huế. Đồng thời, cậu theo phong trào hướng đạo do ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu chỉ dẫn và vào trường quân sự Thanh niên Tiền tuyến ở Huế.
Đến năm 1945, sau cách mạng Tháng Tám, cậu vào đội Giải phóng quân [GPQ] của Việt Minh cùng đơn vị ông Nguyễn Chí Thanh, ông Nguyễn Chánh. Ông Thanh làm Chủ tịch và cậu làm Phó Chủ tịch GPQ Thuận Hóa. Còn mợ và cô Nguyễn Thị Lệ Tùng làm cứu thương cho đội GPQ. Sau đó cậu theo đội GPQ đi Nam tiến vào miền Nam Trung bộ. Sau đó, ông Khánh làm Sư đoàn trưởng, ông Hà Văn Lâu Sư đoàn phó của Sư đoàn 27.
Mợ không đi Nam tiến như cậu, mợ hoạt động nội thành Huế. Năm 1947, mợ bị giặc Pháp bắt, về sau mợ được ra tù rồi tiếp tục hoạt động. Mợ bị bắt lần 2 và bị trục xuất khỏi Huế. Mợ vào Sài Gòn học trường Maricuri và tiếp tục tham gia hoạt động CM trong sinh viên.Hồi đó có cô Bình Thanh, ông Phạm Xuân Ẩn, Trần Văn Ơn cũng học trường này và tham gia phong trào SV chống thực dân Pháp. Sau một thời gian bị lộ, mợ ra lại tỉnh Thừa Thiên, lên chiến khu Dương Hòa tham gia kháng chiến. Ngày 19-5-1949, mợ được kết nạp Đảng do ông Nguyễn Chí Thanh giới thiệu. Tiếp đó, mợ được điều ra Nghệ An công tác và học thêm về nghiệp vụ Y tế. Đến năm 1950, có thư của Bác Hồ cho đưa gia đình BS. Đặng Văn Ngữ ra Việt Bắc giúp Chính phủ Kháng chiến. Ông Ngữ xin đem đi theo 3 học viên y tế, trong đó có mợ(mợ là em ruột chị Tôn nữ Thị Cung-vợ ông Ngữ).
-NHT: Thưa mợ, thế cậu mợ ra Bắc lên tham gia chiến dịch Điện Biên lúc nào?
-NNT: Ông Khánh, năm 1948 làm Trưởng Khu 5, sau khi ông Nguyễn Sơn có lệnh cấp trên điều ra Thanh Hóa nhận trách nhiệm mới. Sau đó cuối năm 1949, cậu cũng ra Bắc vào Đại đoàn 308. Ông Vương Thừa Vũ làm Đoàn trưởng, cậu làm Đoàn phó, kiêm Tham mưu trưởng. Sau chiến dịch Hòa Bình năm 1951, cậu đến tìm mợ với tình cảm người đồng hương xứ Huế. Hai năm sau, đến tháng 12 năm 1953, từ hậu phương Thái nguyên, Đại đoàn 308 lên đường hành quân đi chiến dịch Trần Đình (tên gọi bí mật của chiến dịch Điện Biên Phủ).
-NHT: Thưa mợ, như thế cậu mợ yêu nhau từ khi nào và cưới nhau lúc nào?
-NNT: Thực ra, cậu mợ đã quen nhau từ thành phố Huế sau cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Hồi ấy, mợ mới 16 tuổi, công tác tại Đội cứu thương GPQ, còn cậu thì đang lo việc quân bận rộn suốt ngày đêm. Cậu mợ chưa nghĩ đến chuyện yêu đương. Hơn nữa, mợ hồi ấy còn trẻ quá, lo gì! Sau đó chiến tranh xẩy ra, cậu mợ lại xa nhau mấy năm trời mới gặp lại nhau sau chiến dịch Hòa Bình năm 1951 và đến chiến dịch Điên Biên (1953 -1954). Trong mấy năm trời đó, cậu mợ cũng ít khi được gặp nhau, chỉ tâm tình với nhau qua thư từ thôi.
Cậu mợ thực sự thương yêu nhau từ khi gặp lại cậu một cách tình cờ, khi cậu vừa ở Lào về cuối năm 1953 để chuẩn bị vào chiến dịch Điện Biên. Hồi ấy mợ đã ghi vào trang nhật ký như sau:
“Buổi gặp gỡ tình cờ đó ở giữa núi rừng Điện biên đã làm tôi thấy rõ lòng mình đã thật sự yêu anh Khánh. Lúc chia tay nhau mà lòng tràn ngập niềm vui của cuộc gặp gỡ… Âu cũng là một sự kiện mà Trời Phật sắp xếp để tiếp thêm sức mạnh cho tôi vượt qua được những thử thách của những ngày sắp đến”.
 Cuối năm 1953, cậu lên tham gia chiến dịch Điện Biên. Sau đó, mợ cũng lên theo đơn vị cứu thương của chiến dịch này. Mợ lo làm Y sĩ lo chăm sóc thương bệnh binh tại Đội cứu thương của bệnh viện dã chiến. Bệnh viện này đóng tại Bản Tấu (cách chiến trường vài chục cây số). Lúc bấy giờ cậu mợ tuy ở trong vùng Điện Biên, nhưng mỗi người một nơi, ít khi được gặp nhau.
Mợ cũng muốn biên thư dài cho cậu để chia sẻ nhiều chuyện vui buồn của mợ, nhưng sợ cậu Khánh phân tâm trong lúc cậu còn bao việc nhà binh căng thẳng. Thỉnh thoảng cậu biên thư cho mợ. Trong một bức thư có đoạn:
“Trước giờ phút quyết liệt, anh nghĩ đến bộ đội, đến em. Anh hi vọng rằng những chiến sĩ bị thương do sơ suất, những khuyết điểm của anh trong chỉ huy chiến đấu sẽ được bổ khuyết bằng sự chăm sóc dịu dàng của em”.
Trong một bức vào những ngày đầu tháng 5 kết thúc trận chiến mà quân dân ta đã toàn thắng giặc Pháp tại Điện Biên, cậu rất xúc cảm với thời điểm lịch sử ấy và liền viết thư để chia sẻ với mợ nỗi niềm vui sướng đó:
 “Em thân yêu! Ngày hôm nay là một ngày vui lớn của toàn quân, toàn thể nhân dân chúng ta. Ta đã đánh gục kẻ thù ở Điện Biên Phủ, tiêu diệt toàn bộ, bắt tù binh hơn một vạn quân với toàn bộ đại bác xe tăng của chúng ... Toàn quân, toàn dân phấn khởi trước chiến thắng vĩ đại đó. Nhân dân các nước cũng chia vui với chúng ta, vì đó cũng là một thắng lợi để củng cố nền hòa bình thế giới. Quân đội ta đã trưởng thành mau chóng, dù còn rất nhiều khuyết điểm.
Em hãy lặng yên nhắm mắt để tưởng tượng niềm vui sướng của toàn thể nhân dân. Anh gửi cho em nỗi vui sướng của đơn vị ta sau những chiến thắng dồn dập. Anh gửi em nỗi vui sướng của lòng anh, trước sự trưởng thành của quân đội ta, trong đó đoàn ta đã góp vào một phần xây dựng”.
Sau chiến thắng quân Pháp tại tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Ban lãnh đạo chiến dịch ĐBP đề nghị tổ chức đám cưới cho cậu mợ ở trong hầm tướng De Castries (Đờ- Cát). Lúc ấy tin đột ngột quá, mợ bối rối, mợ nói với Ban lãnh đạo (có ông Vương Thừa Vũ và ông Trần Nam Trung) cho để lại việc hôn lễ sau vào một thời gian ổn định mọi việc thu dọn chiến trường và đồng thời mợ phải về Bản Tấu xin phép bà mẹ mợ là bà Phạm Thị Tiên đang ở vùng có đội điều trị thương bệnh binh ở đó. Nhưng ông Vương Thừa Vũ cứ thôi thúc cậu mợ nên chấp thuận làm lễ thành hôn và nói để các ông xin phép bà mẹ thay cho, cứ yên tâm tổ chức lễ cưới dã chiến cho kịp thời. Vì đó là một sự kiện lịch sử đặc biệt có một ý nghĩa rất hay trong ngày quân dân ta toàn thắng quân xâm lược Pháp. Thế là cậu mợ tuân theo Quyết định của Ban tổ chức làm lễ thành hôn vào ngày 22-5-1954 trong căn hầm tướng Pháp De Castries đã đầu hàng quân ta.
Hôm tổ chức lễ cưới cho cậu mợ thật giản đơn nhưng trang trọng, vui vẻ, tưng bừng trong quang cảnh những ngày toàn quân dân ta mừng chiến thắng Điện Biên. Ông Trần Nam Trung làm chủ hôn. Bà con “hai họ quân đội” vỗ tay đề nghị cô dâu chú rể hát tặng bà con. Cậu hát bài “Anh bộ đội về làng”, còn mợ hát bài: “Em bé Mường La” và mọi người cùng hát theo rất nhiệt tình. Nhiều người cười vui nói to lên: “Đề nghị cô dâu, chú rể hôn nhau đi!”. Thế là cậu mợ hôn nhau lần đầu tiên trước đám đông đồng đội. Hôm đó cậu mợ rất xúc động nhìn nhau mỉm cười mà đôi mắt nhòa lệ. Sau buổi lễ thành hôn lịch sử đó, cậu về nói với mợ:  
 “Hôm nay, chúng ta rất vui sướng được sự ưu ái của các đ/c có mặt trong buổi thành hôn đặc biệt của chúng ta trên chiến trường đã im hẳn tiếng súng. Chúng ta vô cùng nhớ ơn các đ/c, đồng đội đã hy sinh trên chiến trường này để đến hôm nay chúng ta được hưởng niềm hạnh phúc riêng tư trong niềm vui sướng chung của cả dân tộc. Vợ chồng mình sẽ cố gắng hết sức mình để sống cho xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân đội ta,với niềm tin của nhân dân ta; niềm tin của Đảng và bác Hồ”.

Còn đối với mợ, hôm đó là một ngày kỷ niệm nhớ mãi trong đời mình. Trong buổi lễ cưới ấy, các đ/c, đồng đội có mặt đều vui vẻ đến chúc mừng cậu mợ thành vợ chồng. Lúc đó mợ rất xúc động vì mình sau chiến trận vẫn còn sống và được hưởng hạnh phúc trọn vẹn. Lúc ấy mợ hình dung lại những ngày đêm trên chiến trường bao nhiêu chiến sĩ đã hy sinh, trong đầu mợ cứ nhớ mãi những gương mặt trẻ trung của các chiến sĩ bị thương nặng rồi có người đã tắt thở trên cánh tay chăm sóc cấp cứu của mợ. Những hình ảnh ấy cứ hiện lên trước mắt mợ, làm mợ không cầm được nước mắt. Mợ nghĩ rằng, mình phải cố gắng phấn đấu trở thành một người thầy thuốc tốt và giỏi để cứu chữa cho đồng đội, cho nhân dân có hiệu quả.
Cũng trong ngày hôm ấy, cậu mợ hẹn nhau lên nóc chiếc xe tăng của quân ta đã tấn công vào ĐBP để chụp ảnh kỷ niệm.
-NHT: Cháu rất cám ơn mợ đã kể lại cho cháu biết rõ được chuyện tình của cậu mợ đã gắn liền với chiến thắng lịch sử của quân dân ta tại Điện Biên Phủ.
Cháu kính chúc mợ sức khỏe và mọi sự an lành và cho cháu được thắp nén nhang lên bàn thờ cậu, chúc cho linh hồn của cậu siêu thoát vào miền cực lạc ở cõi vĩnh hằng.
                              ==00==
Ghi chú: GS.Nguyễn Thị Ngọc Toản là con gái của cụ Tôn Thất Đàn-Thượng thư bộ Hình triều Nguyễn. Bà Toản là Đại tá Bác sĩ Quân y, là Ủy viên TW Hội nạn nhân chất độc da cam-Dioxin.

Không có nhận xét nào: