Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

NHỚ ĐẾN THƯ CỦA BÁC HỒ
 GỬI CHO TRÍ THỨC VN
 ==00==
                                                  Nguyễn Hồng Trân

Nhân dịp kỷ niệm ngày sinh nhật Bác Hồ lần thứ 124 (19-5-2014), tôi xin ghi lại mấy điều thực tế về sự quan tâm của Bác Hồ đối với trí thức để quý vị hiểu biết thêm về tấm lòng nhân ái của Bác đối với đồng bào ta nói chung và đối với tầng lớp trí thức nói riêng.
Vào giữa năm 1948, tại miền đồi núi tỉnh Phú thọ, GS Tôn Thất Tùng nhận được một bức thư ngắn chữ đánh máy màu tím của Hồ Chủ tịch với nội dung như sau:
“Bác sĩ Tùng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo: chú làm việc rất hăng hái. Tôi rất vui lòng. Chú cứ gắng sức. Kháng chiến nhất định thắng lợi. Tổ quốc sẽ nhớ công con hiền cháu thảo. Thím và các cháu đều khoẻ mạnh cả chứ? Tôi luôn luôn bình an. Gửi chú và thím lời chào thân ái và quyết thắng”.
Bức thư này được GS Tôn Thất Tùng lần đầu tiền ghi lại trong tác phẩm: “Đường vào khoa học của tôi” trang 49, NXB,THANH NIÊN Thg12/1976.
Sau khi đọc xong bức thư ngắn của Bác hồ, GS Tôn Thất Tùng suy nghĩ:
“Mấy lời vắt tắt của Bác Hồ mà muôn vàn ân cần. Tôi nghĩ rằng với sự quan tâm của Bác, việc gì thấy tôi có ích cho nước, cho dân, tôi đều làm”.
Và mọi người đã biết cả cuộc đời của GS Tùng đã cống hiến cho Tổ quốc Việt Nam như thế nào rồi.

Giáo sư Đặng Văn Ngữ lúc nhỏ sống và học ở Huế. Sau khi đỗ Đại học Y khoa ở Hà Nội, BS sang Nhật nghiên cứu và tìm ra được giống nấm kháng sinh Péniciline. Vào năm 1948, tại Nhật Bản, BS đọc được một bản tin có đăng “Lời kêu gọi thi đua ái quốc” của Hồ Chủ tịch. Mặc dù vợ con đang ở Huế- trong vùng Pháp chiếm đóng nhưng BS không về Huế mà bí mật về Việt Bắc gặp Bác Hồ để Bác giao nhiệm vụ. Sau đó chị Tôn nữ thị Cung cùng 3 con cũng được đưa từ Huế ra vùng tự do, lên Việt Bắc. Không may đến ngày 18-5-1954, do bệnh hiểm nghèo, chị Cung đã qua đời. Và Bác Hồ đa gửi thư an ủi.
“ Gửi bác sĩ Ngữ.
Vừa được tin thím Ngữ mất, Bác thân ái gửi chú lời chia buồn thành khẩn.
Ở lớp huấn luyện năm ngoái, Bác thấy thím Ngữ chăm chỉ, thành thật và tiến bộ. Về sau Bác thường hỏi thăm thì nghe nói thím Ngữ công tác rất hăng hái ,hay giúp anh chi em và cũng khá mạnh khoẻ . Bác mừng rằng thím Ngữ sẽ thành một cán bộ đắc lực.
Bỗng nghe tin thím Ngữ mất, Bác cảm thấy buồn. Nhưng sinh tử là lẽ thường của tạo hoá , Bác khuyên chú chớ quá buồn rầu lâu, lấy công tác mà khuây khoả .
Về việc cháu bé, Bác đã dặn chú Bảy: có dịp thì sắp xếp cho cho đi học cùng các anh nó, chú không phải lo.
Chào thân ái
Hồ Chí Minh”
(Bức thư trên đã được công bố trên báo Nhân Dân Chủ nhật ngày 13-5-1990).
Một bức thư đầy tình cảm chân thành quý mến của Bác Hồ đối với nhà trí trí thức yêu nước. Bác rất quan tâm kịp thời để chia sẻ niềm vui nỗi buồn với các nhà trí thức.
Ngoài ra Bác Hồ còn có hàng trăm bức thư khác gửi chung cũng như gửi riêng cho các nhà khoa học-kỹ thuật, nhà giáo, thư cho các ngành, các cụ già, các cháu thiếu niên v.v… Thư nào Bác Hồ của chúng ta cũng quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của mọi người.
Giờ đây, tuy không còn Bác nữa, nhưng những lời Bác thăm hỏi ân cần với tình cảm chân thành của Bác từ những năm xưa vẫn còn vang vọng, chúng ta vẫn luôn luôn khắc sâu vào tâm trí để thực hiện những lời Bác dạy. Chúng ta nguyện sống cho xứng đáng với tình thương yêu của Bác.

Không có nhận xét nào: