Thứ Tư, 23 tháng 12, 2015

                                     ĐÓN MỪNG NOEL NĂM 2015
                                                                      ==00==
                                                       (Nguyễn Hồng Trân) 
                        
Tưng bừng khắp chốn đón Noel
Chuông vọng ngân nga khắp mọi miền
Hớn hở vui mừng như Tết đến
Hân hoan náo nức tựa tân niên
Nhà thờ vang tiếng kinh cầu nguyện
Phố xá rộn ràng khách lạ quen
Đất nước ngày càng nhiều đổi mới
Giáo lương đoàn kết sống bình yên.
                       =***=
                       Hà Nội T12-2015

            NHỚ LẠI NHỮNG ẤN TƯỢNG ĐÊM NOEL
*Đêm Noel tại Huế vào năm 1945:

Hồi đó, tôi mới học xong lớp nhì ở trường Tiểu học phường Huệ An (gần Cửa Hữu ở kinh thành Huế), ba tôi dắt tôi đi dạo chơi đêm Noel tại nhờ thờ Giòng chúa Cứu thế (gần cung An Định). Cửa nhà thờ có cây Noel rất to và ảnh Đức Mẹ Maria. Trước 12 giờ đêm, hai cha con vào trong nhà thờ và đứng phía sau nhìn Đức cha quản chủ thuyết giảng cho các con chiên vùng An Cựu về mùa Giáng sinh và xen lẫn từng đoạn cầu kinh vang vang… 
Sau đó đến 12 giờ đêm, cha con chúng tôi cùng với nhiều người ra bên phía phải nhà thờ đứng trước hang đá có máng cỏ để xem biểu trưng Đức Mẹ Maria sinh ra Đức chúa Giê-Su trong máng cỏ. Lúc đó, ba tôi phải đặt tôi ngồi lên hai vai của ba để tôi được nhìn cho rõ.
Trong nhà thờ vẫn vang rền tiếng cầu kinh, rồi thỉnh thoảng thêm vào những điệu nhạc truyền thống của công giáo cứ êm đềm và lan tỏa ra bên ngoài một cách linh thiêng, trang trọng trong cảnh thanh bình của đất nước ta mới hoàn toàn độc lập. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ôi, cái không khí đêm Noel hồi ấy ở cố đô Huế thật là tuyệt vời! Tôi cứ nhớ mãi kỷ niệm ấy nơi quê hương gốc của tôi làng Phú Xuân ở Huế mà tôi được đi cùng với người cha thương yêu để ngắm nhìn và cảm nhận một đêm Noel rất ấn tượng…
*Đêm Noel ở Vinh vào năm 1955:
Khi ra Tập kết tại miền Bắc, tôi học ở trường cấp II, Đức Thọ Hà Tĩnh, dịp cuối năm tôi cùng môt số bạn bè đi về thành phố Vinh chơi và để xem đêm Noel tại nhà thờ Cầu Rầm. Trước cửa nhà thờ có trưng bày cây Noel lớn. Tại đây, tôi thấy không khí đêm Noel cũng rất tấp nập, rộn ràng và tiếng cầu kinh trong nhà thờ vang vang như ở Huế, nhưng cái hang đá có máng cỏ để minh họa cảnh Đức chúa Giáng sinh thì không lớn và linh thiêng như ở Huế. Nhưng tôi và các bạn bè cũng có ấn tượng về cái đêm Noel đầu tiên của học sinh chúng tôi trên đất Nghệ An-quê hương của Bác Hồ.
*Đêm Noel ở Hà Nội năm 1965:
Hồi đó, tôi là giáo viên dạy học tại trường TC Kỹ thuật II ở Hà Nội. Vào dịp Noel, lớp giáo viên trẻ chúng tôi rủ nhau đến Nhà Thờ Lớn Hà Nội (gần Hàng Trống và hồ Hoàn Kiếm) để dạo chơi xem đêm Noel ở Thủ đô. Chúng tôi dạo quanh bờ hồ rồi đến Nhà Thờ Lớn xem nghi lễ Giáng sinh. Cảnh đêm Noel ở Hà Nội thật rộn ràng, sôi nổi từng đoàn người kéo nhau dạo quanh Hồ Gươm rồi đến nhà thờ. Chúng tôi thấy số nam nữ thanh thiếu niên rất đông và cả những người già cũng thích đi xem Noel, mặc dù tiết trời rét lạnh, nhưng trông ai cũng vui tươi đi dạo như ngày Tết. Không khí tại Nhà Thờ Lớn trong đêm Noel cũng làm nghi lễ như các nhà thờ khác nhưng quang cảnh trang hoàng có cây Noel lộng lẫy hoành tráng hơn, đông đúc du khách đến tham quan…
Đến xem đêm Noel tại Hà Nội, chúng tôi thấy rất ấn tượng về cảnh trang trí cây Noel, ông già Noel rất lớn, rất đẹp. Trong khi đi dạo, bọn trai trẻ chúng tôi được nhìn thấy những chàng trai, cô gái Hà thành rất nhiều người đẹp. Nhất là các cô thiếu nữ nét mặt xinh tươi, cười vui rạng rỡ đang nắm tay nhau đi dạo chơi lướt qua trước mắt chúng tôi làm cho những chàng trai xa xứ  rất ngỡ ngàng, mơ màng như lạc vào tiên động…
Ôi, đêm Noel tại Hà Nội hồi ấy thật là ấn tượng, thật là rung động tâm hồn!...
*Đêm Noel ở Huế năm 1976:
Sau khi đất nước ta được hòa bình thống nhất, đến năm 1976, tôi được Bộ Đại học điều về giảng dạy ở trường Đại học Tổng hợp Huế, tôi lại được trở về xứ Huế được dự lễ Noel năm 1976 sau hơn 30 năm xa cách quê hương.
Lúc đó tôi cùng với mấy người bà con ở Huế đi xem đêm Noel tại nhà thờ Giòng chúa Cứu Thế. Chính nơi đây cách hơn 30 về trước, tôi và ba tôi đã cùng đi xem đêm Noel, nhưng bây giờ ba tôi không còn nữa, tôi thấy rất buồn, rất xúc động… Tôi im lặng cứ đi theo với bà con, bạn bè để cảm nhận cái không khí đêm Giáng sinh ở Huế sau ngày hòa bình thống nhất đất nước. Đến nhà thờ, tôi thấy cảnh trang hoàng cây Noel, ảnh Đức Mẹ Maria rất lớn, đèn nhà thờ màu sắc rực rỡ hơn xưa. Nhiều người đi đến tham quan rất đông, nét mặt ai cũng vui tươi, hân hoan, phấn khởi vì đất nước đã hoàn toàn thống nhất, an bình.
*Đêm Noel ở Huế những năm sau 1977 đến 2012.
Đến năm 1977, tôi chuyển gia đình vợ con vào Huế, từ đó hầu hết những năm sau này, tôi và vợ con tôi đều đi dạo chơi đêm Noel tại nhà thờ Phủ Cam (gần nhà tôi). Không khí đêm Noel ở nhà thờ này được tổ chức rất uy nghi trang trọng, vì đây là nhà thờ quản xứ cả một vùng lớn có Thiên chúa giáo. Trên tường chính diện nhà thờ này có treo ảnh chân dung Đức Mẹ bồng con, phía trước có cây Noel rất lớn. Bên cạnh phải nhà thờ có hang đá, máng cỏ có đèn lung linh nhấp nháy rất sinh động.
Hồi đó, có vài lần vợ chồng tôi được Hội đồng giáo xứ gửi giấy mời đến dự lễ Noel trong nhà thờ Phủ Cam. Do đó, tôi mới hiểu biết thêm cách thức, nội dung về nghi lễ Giáng sinh của đạo Thiên chúa tại nhà thờ đạo. Đó là nét văn hóa tôn giáo.
*Đêm Noel ở Hà Nội những năm 2013-2015.
Từ năm 2013, sau khi mãn tang bà mẹ tôi ở Huế, các con cháu tôi đang làm việc ở Hà Nội đã mời ba mẹ ra ngoài này để con cháu được phụng dưỡng tuổi già. Thế là vợ chồng tôi đành phải rời quê hương để lại trở về sống ở Hà Nội sau gần 40 năm xa cách. Trong mấy năm qua, do ở xa nhà thờ đạo nên những dịp lễ Noel, tiết trời rét lạnh, nên vợ chồng tôi chưa đi xem lễ Noel tại Nhà thờ  lớn Hà Nội được. Thật là tiếc! Tôi rất muốn đến bờ Hồ Gươm dạo chơi trong đêm Noel rồi ghé qua Nhà Thờ Lớn để xem đêm Noel và nhớ lại cảnh dạo chơi năm xưa (1965) với bao ấn tượng thời trai trẻ ở Thủ Đô vào mùa Giáng sinh an lành ấm áp tình người…

                                        Hà Nội, ngày đông, năm 2015.

Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015


        CUỘC DU NGOẠN VÒNG QUANG TÂY HỒ
                         (tg Nguyễn Hồng Trân)
Hôm nay, vào một ngày đầu mùa đông ở Hà Nội, tuy trời lạnh nhưng có ánh nắng nên cũng cảm thấy dễ chịu. Chúng tôi lên ô- tô điện (dịch vụ DL 80.000đ/người) đi du lịch quanh vùng bờ Tây Hồ. Đây là lần đầu tiên vợ chồng chúng tôi được đi ngắm qua các di tích đền chùa và thắng cảnh xưa và nay trên đường ven hồ Tây. Thực ra cái hồ này không hề xa lạ với chúng tôi, vì trước đây, thời sinh viên, chúng tôi đã từng đi dạo trên đường Cổ Ngư (bây giờ là đường Thanh Niên) và nhiều lần đến tham quan chùa Trấn Vũ, Phủ Tây Hồ, đền Quán Thánh… cũng có vài lần đi thuyền rồng, hoặc ca-nô trên Hồ Tây. Hồi ấy, chưa có đường liên tiếp vòng quanh Tây Hồ như bây giờ. Con đường này cũng mới hình thành cách đây không lâu. Trước đây chỉ có từng đoạn ven hồ, nhưng năm nay (2015) thì đã hoàn thành cơ bản toàn bộ mặt đường bao quanh gần hết biên hồ, còn hàng rào ngăn cách an toàn với hồ nước thì còn tiếp tục xây dựng nâng cấp.
Người dẫn chúng tôi đi tham quan cho biết rằng, con đường ven Tây Hồ này dài 17 cây số. Chúng tôi lần lượt đi xem qua các Chùa Trấn Quốc, Đền Quán Thánh, Chùa Sải, Chùa Võng Thị, Đình Trích Sài, Chùa Thiên Niên, Chùa Vạn Niên, Chùa Tảo Sách, Công viên nước Hồ Tây, Đầm sen Ngoại giao đoàn, Đình Quảng Bá, Chùa Hoàng Ân, Phủ Tây Hồ, Đền Kim Ngưu, đình Nghi Tàm, Chùa Kim Liên, Đình Yên Phụ. Mỗi nơi đều có một vẻ đẹp riêng của nó, nhưng chúng tôi cảm thấy hầu hết các di tích đền chùa như mới trùng tu, tôn tạo sáng rạng lên.
Tuy qua một buổi tham quan qua loa nhưng chúng tôi cũng thấy thú vị với đầy ấn tượng giữa cảnh quan tổng thể của các di tích hướng ra măt hồ; những nét xưa và nay đã hòa quyện vào nhau một cách tự nhiên hợp với ý thức về tâm linh và tín ngưỡng của con người đất Việt.
Tôi hy vọng rằng, trong năm tới -2016, việc tổ chức tham quan bằng ô-tô điện quanh Hồ Tây sẽ được cải thiện một cách phong phú hữu ích và thích thú hơn nữa.
                   Hà Nội-9-12-2015

*Hãy đọc phần phụ lục và chú thích quan trọng sau đây để biết thêm các truyền thuyết về những sự tích vùng Tây Hồ.                          
Phụ lục:
Hồ Tây theo truyền thuyết ngày xưa có tên lúc đầu là Đầm Xác Cáo(1)  , sau đó có tên là Hồ Kim Ngưu(2) (Hồ Trâu Vàng). Đến Thế kỷ XVI thì đổi tên hồ thành Dâm Đàm (3). Và tên cuối cùng cho đến sau này hồ được đổi tên là  Tây Hồ (4), và người ta thường gọi là Hồ Tây.
                                
Chú thích: (1) Đầm Xác Cáo: Theo truyền thuyết là nơi đây có hang con cáo chín đuôi thường phá hại dân lành, bị Long Quân dâng nước lên công phá, giết chết con cáo đó và xác cáo phơi trên mặt đầm (đầm là vùng trũng có nước và có cả bùn lầy, lau sậy mọc um tùm).
(2) Hồ Kim Ngưu dựa theo truyền thuyết hồ Trâu Vàng. Truyện kể về một người khổng lồ ở đất Việt, sức khỏe phi thường, không ai địch nổi. Ông xuất gia làm thiền sư, đó chính là thiền sư Minh Không. Thiền sư Minh Không sang Tàu chữa bệnh cho con vua Tống. Khi công việc hoàn thành, vua muốn trả ơn. Nhà sư chỉ xin một ít đồng đen cho vào tay nải. Vua Tàu đồng ý cho thiền sư tự ý vào kho lấy đồng. Thiền sư đã lấy đồng đen đem về nước Nam. Về đến Thăng Long, ông dùng số đồng đó đúc thành bốn thứ bảo khí nhà Phật: Tượng Phật, tháp Báo Thiên, đỉnh đồng và một quả chuông đồng rất lớn. Chuông đúc xong, đức vua sai ông đánh một hồi chuông dài để báo hiệu cho dân chúng biết tin vui nước nhà đang thái bình thịnh trị! Tiếng chuông ngân đến tận kinh đô bên Tàu. Nghe tiếng chuông con trâu bằng vàng to lớn nằm trước kho đồng bên Tàu tự dưng bừng tỉnh "Đồng đen là mẹ của vàng" ngỡ là tiếng mẹ gọi nó liền vươn mình phóng thẳng xuống phương Nam tìm đến quả chuông khổng lồ, quần mãi xung quanh khiến cho cả một vùng đất lớn quanh quả chuông sụt xuống thành một vùng hố sâu và nước tràn đầy trải rộng thành một hồ nước mênh mông.
(3) Dâm Đàm: Theo sách Hồn sử Việt thì khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, hồ Kim Ngưu trở thành một địa điểm du ngoạn được nhà vua và các quan ưa thích, nhiều lần trong các buổi du thuyền trên hồ, nhà vua gặp sương mù bao phủ, cảnh tượng hồ trở nêm huyền ảo mộng mơ, vì vậy hồ đã được đổi tên là Dâm Đàm.
(4)Tây Hồ: Đến năm 1573, để tránh tên húy của Vua Lê Thế Tông là Duy Đàm, người ta đổi là Tây Hồ. Cái tên Tây Hồ có từ đó, ngoài lý do trên, có lẽ việc đặt tên này nhằm sánh với phương Bắc, vì ở Trung Quốc cũng có Tây Hồ nổi tiếng ở Hàng Châu. Việc đặt tên các địa danh, sông hồ của Việt Nam theo chữ nghĩa  Trung Quốc là chuyện bình thường. Tây Hồ là cách đọc Hán Việt của hồ Tây, và hồ Tây đã trở thành cái tên gần gũi, lâu dài, nên thơ nhất đối với người Hà Nội cũng như nhân dân cả nước. /.
  

Chủ Nhật, 8 tháng 11, 2015

 CHUYẾN THAM QUAN VÙNG ECOPARK
(Bút ký của Nguyễn Hồng Trân)
==00==
Vào ngày thứ 7, vợ chồng tôi và con gái út đi tham quan khu Ecopark(công viên sinh thái) ở Văn Giang, Hưng yên.
Chúng tôi đến điểm đón khởi hành tại trước sân Nhà hát lớn Hà Nội. Sau đó có xe đưa khách đi tham quan miễn phí đến vùng Ecopark. Xe chạy chưa đầy một giờ là đến nơi.
Đến đây, chúng tôi đăng kí xe điện đi tham quan vùng sinh thái này. Xe điện có anh Dương Chí Công HDV rất nhiệt tình vui vẻ hướng dẫn chúng tôi dạo xem các đường phố, đến khu nhà sàn; đến các vườn hoa, hồ, suối; đến đồi cây cọ; đến phố biệt thự,v.v… Đến đâu chúng tôi cũng cảm thấy môi trường trong lành, sạch đẹp,mọi cảnh vật hiền hòa, dịu mát…
Thực ra, chúng tôi nghe nói khu Ecopark này là của Công ty cổ phần mới khởi công xây dựng khu này từ năm 2009 đến năm 2012 mới bắt đầu sử dụng. Khu công viên sinh thái này khá rộng, hơn 5000 hecta đất. Trong vùng này có 13 tòa nhà cao tầng(18-24 tầng), khu biệt thự nhà phố và nhiều nhà thấp tầng đã bán cho dân cư và cơ quan sử dụng. Ngoài ra có đủ các dịch vụ cơ bản cho cư dân và khách đến tham quan như siêu thị,chợ ướt(gồm các hàng tươi sống), nhà trường, phòng khám, tuyến xe buýt số 47b và xe Ecopark với nhiều chuyến về Hà Nội rất thuận tiện.

Đặc biệt, trong công viên sinh thái này có những đồi thấp, bãi cỏ khá đẹp để hàng tuần vào thứ 7, chủ nhật hoặc những ngày lễ, họ tổ chức các cuộc vui chơi cho thanh thiếu niên, các tổ chức đoàn thể đến tập trung giao lưu, thi đấu thể thao v.v…
Sau khi dạo chơi các nơi xong,chúng tôi đến phố Trúc để nghỉ ngơi ăn trưa. Tại đây có nhiều nhà hàng ẩm thực danh tiếng như: ẩm thực Nam Định, Hà Nội, Hưng Yên, Huế v.v… Chúng tôi ghé vào nhà hàng ẩm thực Huế để dùng bữa. Chúng tôi gọi các món bánh khoái, bún thịt nướng, bánh tráng xúc với nộm hến lạc… Chúng tôi thưởng thức các món ấy rất ngọn miệng và cảm thấy dễ chịu trước thái độ tiếp khách của các cô cậu phục vụ bàn rất niềm nở, dễ thương.
Sau khi ăn trưa xong, chúng tôi ra đầu phố đón xe số 1 của công ty Ecopark về lại Hà Nội. Lần đầu tiên chúng tôi đến tham quan vùng công viên sinh thái này và có ấn tượng rất tốt.

Tôi cảm thấy vùng này có triển vọng thành một khu công viên sinh thái lớn đầy tiềm năng, nhưng tiếc rằng, hiện nay việc trồng cây dọc đường phố và trên các vùng đồi chưa phù hợp lắm; chưa tạo ra cảnh quan đẹp, thoáng mát, trong sạch cho vùng sinh thái. Một số hồ, ao, mương, suối cần mở rộng và trồng các loài hoa xung quanh cho đa dạng, bền lâu hơn…
Hy vọng rằng, khu công viên sinh thái Ecopark này dần dần sẽ là nơi thu hút hấp dẫn nhiều khách tham quan và cũng mong cho công ty cổ phần này phát triển có hiệu quả kinh tế và xã hội.
 

                                 Hà Nội ngày 8-11-2015.

Thứ Năm, 8 tháng 10, 2015

          MẤY V/Đ CẦN TÌM HIỂU MỘT SỐ SỰ KIỆN LỊCH SỬ
                                 QUA BÁC ĐẶNG VĂN VIỆT
                                                 =***=
Kính thưa bác, chúng cháu rất hân hạnh được gặp bác-một lão thành quân đội NDVN để tìm hiểu thêm một số sự kiện lịch sử mà bác vừa là nhân chứng; vừa là người thực hiện nhiệm vụ.
Sau đây, có một số câu hỏi của chúng cháu lần lượt đặt ra cho bác, kính mong bác vui lòng giải đáp:
1.Cơ duyên nào mà bác gia nhập vào trường Thanh niên Tiền tuyến[TNTT] ở Huế? Trường đó do tổ chức nào thành lập và ai phụ trách làm Hiệu trưởng? Học viên có bao nhiêu người và bác còn nhớ có những ai cùng thời ấy với bác không?
2.Khi cách mạng Tháng Tám bùng lên ở Huế, tình hình trường TNTT chuyển biến như thế nào? Bác là người thực hiện việc treo cờ Tổ quốc lên kỳ đài kinh thành Huế trong ngày cách mạng ở Huế (21-8-1945) và ngày lễ vua Bảo Đại thoái vị (30-8-1945) như thế nào? Bác có thể cho biết cảm xúc của bác lúc đó?
3.Bác có ý nghĩ gì về vua Bảo Đại sau khi đọc bản chiếu thoái vị và giao lại ấn kiếm nhà vua cho Chính phủ CM lâm thời?
4.Sau CM Tháng Tám ở Huế, nghe nói có bọn biệt kích của quân Pháp nhảy dù xuống vùng núi Hiền Sĩ (không xa Huế), do một quan tư Pháp là Castella chỉ huy. Sau đó bị đội TNTT đã lập mưu kế bắt gọn toán biệt kích nhảy dù đó. Bác đã có tham gia trong đội quân ta hôm ấy, bác có thể kể lại vắn tắt việc đó và suy nghĩ của bác sau khi quân ta thu được môt số vũ khí và tài liệu mật của chúng?
5.Sau CM Tháng Tám đến kháng chiến chống giặc Pháp, bác đi bộ đội lên Cao -Bắc -Lạng và đã từng làm Trung đoàn trưởng TĐ 174, bác đã chỉ huy đánh nhiều trận thắng lợi và đã làm cho quân giặc Pháp kinh hoàng. Nghe nói tướng Pháp thời đó đã mệnh danh Đặng Văn Việt là Hùm Xám đường 4 có đúng không? Trận đánh nào bác chỉ huy mà nổi tiếng với quân địch như vậy?
6.Kính thưa bác! Trong cuộc đời quân ngũ lâu năm của bác, có kỷ niệm gì sâu sắc nhất của bác? Bác có những điều gì cần gửi lại cho thế hệ trẻ tương lai của đất nước Việt Nam chúng ta?

 BÁC ĐẶNG VĂN VIỆT TRẢ LỜI 
NHỮNG CÂU HỎI ĐÃ NÊU TRÊN
                          ==00==
LGT: Sau đây là phần tóm tắt những câu trả lời lúc tôi trao đổi với bác Việt, còn khi vào chương trình quay phim và ghi âm thì bác ấy nói rất dài với nhiều vấn đề liên quan nên tôi chưa ghi lại được toàn bộ cuộc nói chuyện của bác ấy.
*TL câu 1: Cơ duyên mà tôi và nhiều anh em thanh niên thời bấy giờ vào Huế gia nhập trường Thanh niên Tiền tuyến là sau ngày Nhật đảo chính Pháp ở VN 9-3-1945, tôi đang học năm thứ 3 Đại học Y khoa thuộc Đông Dương tại Hà Nội thì nhà trường bị đóng cửa. Do đó, chúng tôi vào Huế xin vào học trường Quân sự của Chính phủ Trần Trọng Kim, nhưng sau đó trường này Việt Minh hóa thành trường Thanh niên Tiền Tuyến[TNTT] do ông Phan Anh và Tạ Quang Bửu phụ trách. Số lượng sinh viên gồm có 43 người, tôi có danh sách đầy đủ. Tôi còn nhớ hồi đó có anh Cao Văn Khánh, anh Nguyễn Thế Lương, anh Phan Tử Lăng...
*TL câu 2: Trong những ngày cách mạng Tháng Tám ở Huế, trường TNTT chuyển biến nhanh chóng thành một lực lượng quân đội cách mạng của Việt Minh, mặc dầu vũ khí chưa có gì đáng kể, chỉ mấy khẩu súng trường mà thôi. Đội TNTT chúng tôi được phân công lo việc hạ cờ nhà vua xuống và treo cờ Tổ quốc lên kỳ đài của kinh thành Huế vào ngày 21-8-1945. Lúc bấy giờ rất căng thẳng vì cột cờ có đội lính Khố vàng của nhà vua bảo vệ, họ sẵn sàng chờ lệnh vua để nổ súng vào quân Việt Minh không cho hạ cờ vàng quẻ ly của nhà vua. Nhưng vì thế lực của Việt Minh quá mạnh, vua Bảo Đại đã nắm được tình hình thế sự từ trước,  nên nhà vua không cho lính khố vàng nổ súng mà để cho quân Việt Minh muốn làm gì thì làm. Thế là chúng tôi điều khiển, chỉ huy một số lính dỏng của triều đình lo việc hạ cờ vàng của nhà vua xuống và kéo cờ đỏ sao vàng lên kỳ đài một cách yên ổn. Lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc rất to, rất đẹp đã tung bay phần phật trên kỳ đài kinh thành cố đô Huế trong những ngày cách mạng Tháng Tám từ 21 đến 23-8-1945.
Để chuẩn bị cho buổi lễ thoái vị của đức vua, vào ngày 30-8, cờ vàng quẻ ly của triều đình nhà Nguyễn được kéo lên lại cho đến khi làm lễ vua Bảo Đại thoái vị thì hạ xuống và kéo cờ đỏ sao vàng lên. Lúc đó mấy phát súng thần trước Ngọ Môn nổ vang trời. Cả biển người đến dự lễ đều tưng bừng phấn khởi hô vang khẩu hiệu:
"Việt Nam độc lập muôn năm!"
Lúc ấy, tôi và các đồng đội cảm thấy rất vinh dự và tự hào được chứng kiến một sự kiện lịch sử trọng đại tại cố đô Huế mùa thu cách mạng Tháng Tám năm 1945. Chấm dứt chế độ quân chủ lâu đời ở Viêt Nam.
*TL câu 3: Bài chiếu thoái vị của vua Bảo Đại đã được chuẩn bị từ trước nên khá đầy đủ ý nghĩa.
Lúc đó tôi vô cùng xúc động và nghĩ rằng Bác Hồ, Đảng và Chính phủ ta rất tinh tế đã vận động được nhà vua thoái vị rất êm thấm, không xẩy ra căng thẳng, đổ máu như sau cuộc cách mạng ở Pháp(14-7-1789) do nhà vua ra sức chống cự, tàn sát quân dân công xã cách mạng nên sau đó cả nhà vua Louis XVI và hoàng hậu Marie Antoinette đều bị giết vào năm 1792.

Trong bài chiếu thoái vị vua Bảo Đại đọc chiều hôm đó có đoạn:
"Còn về phần trẫm, sau 20 năm ngai vàng, bệ ngọc, đã biết bao ngậm đắng nuốt cay. Từ nay trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập, chứ trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của trẫm hay của Hoàng Gia mà lung lạc quốc dân nữa.
           Việt Nam độc lập muôn năm!
          Dân chủ Cộng hòa muôn năm!"
                                    
Sau khi đọc tờ chiếu thoái vị cũng là lời phát biểu chính thức của ông vua Nhà Nguyễn cuối cùng này, mọi người trong buổi lễ rất cảm động và đồng thanh hô to:
          -Hoan hô nhà vua thoái vị!
-Việt Nam độc lập muôn năm!
-Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!
Sau đó Ngài Bảo Đại vui cười và đề nghị Đoàn Đại diện của Chính phủ tặng cho Ngài một vật kỷ niệm. Lúc ấy ông Trần Huy Liệu rất lúng túng, vì lúc Chính phủ cử ông vào làm chủ lễ tiếp nhận thoái vị của vua Bảo Đại thì không nghĩ đến chuyện này. Do đó chẳng có gì để kỷ niệm xứng đáng cho nhà vua cả. Ông Liệu đang băn khoăn và lo lắng thì ông Cù Huy Cận rất nhanh trí đến trình với ông Liệu là sẽ lấy “Huy hiệu cờ đỏ sao vàng” tặng cho cựu hoàng. Ông Liệu tán thành và tuyên bố ông Cù Huy Cận đến trao tặng Huy hiệu cho cựu hoàng. Ông Cận nói: “Đoàn Đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam xin trao tặng người công dân Vĩnh Thụy vật lưu niệm nhỏ này. Đề nghị đồng bào hoan hô!”.
Thế là mọi người hoan hô ầm vang…
Buổi lễ cũng kết thúc.

Vậy là chiều tối ngày 30-8-1945, đã chính thức chấm dứt chế độ quân chủ lâu đời ở Việt Nam và một trang sử Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời vào ngày 2-9-1945.
*TL câu 4: Nghe tin bọn biệt kích quân Pháp nhảy dù vùng núi Hiền Sĩ( cách Huế 25 Km), UB CM rất lo chuyện quân Pháp tấn công chiếm lại tp. Huế, hơn nữa, một số quan lại thân Pháp đang trong thành phố thì rất nguy hiểm cho chính quyền CM mới ra đời. Do đó, có lệnh cử chúng tôi đi bắt ông Phạm Quỳnh, ông Ngô đình Khôi... giao cho dân quân du kích địa phương đem đi quản thúc nơi xa. Về sau nghe tin có quân biệt kích Pháp nhảy dù xuống gần đó, dân quân sợ quân biệt kích Pháp sẽ giải thoát mấy ông  quan thân Pháp đó nên đã tự động giết ông Quỳnh và hai cha con Ngô Đình Khôi(con là Ngô Đình Huân).
Đội TNTT chúng tôi lại lên Hiền Sĩ lập mưu bắt gọn bọn biệt kích Pháp do tên quan tư Castella chỉ huy. Chúng tôi đã thu được điện đài, vũ khí và tài liệu mật liên quan đến việc Pháp định liên lạc với ông Quỳnh, ông Khôi để tổ chức cho hàng trăm tù binh Pháp còn ở Huế nổi dậy giành lấy lại chính quyền đã mất.
*TL câu 5: Sau những sự kiện ở Huế trong CMT8, tôi tiếp tục lên đường đi bộ đội làm lính cụ Hồ. Tôi đã qua nhiều chiến dịch đánh địch trong kháng chiến chống giặc Pháp. Cuôc đời quân ngũ của tôi và đồng đội trải qua bao gian nan, đau khổ, nguy hiểm... nhưng rất có ý chí, có nghị lực để vượt qua mọi thử thách trong chiến tranh. Tôi đã từng làm Trung đoàn trưởng TĐ 174 và đã chi huy đánh thắng giặc nhiều trận tại chiến trường vùng Cao Bắc Lạng. Đặc biệt là trận phục kích địch ở vùng dọc đường 4, quân ta đã lập kế tiêu diệt đoàn xe nhà binh của giặc hơn 130 chiếc và thu được nhiều chiến lợi phẩm về vũ khí và quân trang, quân dụng. Tôi nghe nói mấy tướng Pháp nói Đặng Văn Việt là con hùm đường 4. Thực ra họ tự phong cho mình lúc nào thì ai biết? chỉ nghe dư luận thế thôi.
*TL câu 6: Kỷ niệm sâu sắc nhất của tôi trong cuộc đời quân ngũ làm lính cụ Hồ là mối tình quân và dân gắn bó mật thiết với nhau; tình đồng đội, đồng chí nồng nàn đầm ấm, biết chia sẻ ngọt bùi, cay đắng cùng nhau. Trong buổi tọa đàm này, tôi muốn nói với các bạn trẻ thời nay rằng, các bạn sống trong thời đại hòa bình và cuộc sống hiện đại, các bạn chưa hiểu hết những điều trong quá khứ mà tuổi trẻ ngày xưa của chúng tôi đã trải qua. Chúng tôi luôn nuôi dưỡng tinh thần yêu Tổ quốc, yêu dân tộc Việt Nam rất sâu sắc mới có quyết tâm, mới dám chịu đựng và hy sinh tính mạng để giành đôc lập cho Tổ quốc cho dân tộc. Có nhiều người chưa hiểu gì về chính trị và quân sự cứ cho rằng, nước ta không cần phải chiến tranh đổ máu mà cũng vẫn giành được đôc lập như một số nước trên thế giới. Lịch sử của nước họ khác với nước ta. Nước ta không thể bằng phương pháp thương lượng mà có độc lập được! Sau khi nước ta mới giành được độc lập thì giặc Pháp đã lập tức gây hấn chiến tranh đánh vào Nam Bộ. Vì vậy buộc ta phải đánh lại để giữ lấy nền độc lập non trẻ của chúng ta. Đó là cuộc chiến tranh bắt buộc để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, chứ không phải tự nhiên ta đánh Pháp để giành độc lập. Các bạn trẻ nên hiểu rõ điều đó mà đừng suy diễn một cách lệch lạc về lịch sử.
                                             Đặng Văn Việt
Chúng cháu cảm ơn bác rất nhiều về buổi chuyện trò hôm nay của bác dành cho BTLS QG VN.
Kính chúc bác và gia đình sức khỏe.
Hy vọng sẽ được gặp bác nhiều lần khác nữa.


Thứ Hai, 28 tháng 9, 2015


  CÁCH TÌM BỔN MẠNG TUỔI VỚI NGŨ HÀNH
           THEO QUY TẮC LỤC GIÁP NẠP ÂM
             (Do Nguyễn Hồng Trân -tạo lập quy tắc này 
để tìm đúng danh vị tuổi bổn mạng ứng với trong ngũ hành)
 1.Tý * 2.Tuất * 3.Thân  
 4.Ngọ * 5.Thìn * 6.Dần         
 Xem lòng bàn tay trái như môt hình ngũ giác được ký hiệu GÂ (là Giáp Ất từ góc bên phải phía trên) rồi vòng theo chiều kim đồng hồ lần lượt BĐ (Bính Đinh), MK(Mậu kỷ), CT(Canh Tân), NQ(Nhâm Quý).            
Quy tắc định vị ngũ hành bổn mạng theo quy luật đầu rẽ, giữa ra, cuối vào: theo chiều kim đồng hồ để xác định.1và 4 là đầu; 2 và 5 giữa; 3 và 6 cuối-Thực hiện theo hình ngũ giác nêu trên.
Chú ý: đầu(1,4) là rẽ quay thuận lui cạnh kế sau để xác định thuộc hành nào.
     Định danh loại tuổi
Ngũ hành
Biểu tượng danh vị
 Nghĩa Việt ngữ
Canh Tý   -  Tân Sửu
Thổ
Bích thượng Thổ =
Đất trên vách
Canh Ngọ -  Tân Mùi
Thổ
Lộ bàng Thổ =
Đất ven đường
Nhâm Tý  -  Quý Sửu
Mộc
Tang đố Mộc =
Gỗ cây dâu
Nhâm Ngọ - Quý Mùi
Mộc
Dương liễu Mộc =
Gỗ cây dương liễu
Giáp  Tý  -   Ất Sửu 
Kim
Hải trung Kim =
Vàng trong biển
Giáp Ngọ -   Ất Mùi
Kim
Sa trung Kim =
Vàng trong cát
Bính Tý   -    Đinh Sửu
Thủy
Giản hạ Thủy =
Nước dưới khe
Bính Ngọ -   Đinh Mùi
Thủy
Thiên hà Thủy =
Nước mưa
Mậu Tý   -    Kỷ Sửu
Hỏa
Tích lịch Hỏa =
Lửa sấm sét
Mậu Ngọ  -   Kỷ Mùi
Hỏa
Thiênthượng Hỏa=
Lửa trên trời




Canh Tuất   -  Tân Hợi
Kim
Thoa xuyến Kim=
Vàng trang sức
Canh  Thìn-  Tân  Tị
Kim
Bạch lạp Kim =
Vàng chân đèn sáp
Nhâm Tuất -  Quý Hợi
Thủy
Đại hải Thủy =
Nước Đại dương
Nhâm  Thìn- Quý Tị
Thủy
Trường lưu Thủy=
Nước sông dài
Giáp  Tuất-   Ất Hợi 
Hỏa
Sơn đầu Hỏa =
Lửa trên đỉnh núi
Giáp  Thìn-   Ất Tị
Hỏa
Phúc đăng Hỏa =
Lửa đèn lồng
Bính Tuất  - Đinh Hợi
Thổ
Ốc thượng Thổ =
Đất trên nền nhà
Bính Thìn -  Đinh Tị
Thổ
Sa trung Thổ =
Đất trong cát
Mậu Tuất   - Kỷ  Hợi
Mộc
Bình địa Mộc =
Gỗ đồng bằng
Mậu Thìn  -   Kỷ Tị
Mộc
Đại lâm Mộc =
Gỗ rừng lớn
     Định danh loại tuổi
Ngũ
hành
Biểu tượng danh vị
 Nghĩa Việt ngữ
Canh Thân  - Tân Dậu
Mộc
Thạch lựu Mộc =
Gỗ cây thạch lựu
Canh Dần  -  Tân Mão
Mộc
Tùng bá Mộc =
Gỗ cây tùng bách
Nhâm Thân - Quý Dậu
Kim
Kiếm phong Kim=
Vàng đầu kiếm
Nhâm Dần - Quý Mão
Kim
Kim bạch kim =
Vàngtrắng:Bạch K
Giáp  Thân-  Ất Dậu
Thủy
Tuyềntrung Thủy=
Nước trong suối
Giáp Dần -   Ất Mão
Thủy
Đại khê Thủy =
Nước khe lớn
Bính Thân - Đinh Dậu
Hỏa
Sơn hạ Hỏa =
Lửa dưới núi
Bính Dần -  Đinh Mão
Hỏa
Lô trung Hỏa =
Lửa trong lò
Mậu Thân -  Kỷ Dậu
Thổ
Đại trạch Thổ =
Đất đồng lớn
Mậu Dần  -   Kỷ Mão
Thổ
Thành đầu Thổ =
Đất trên thành
   
Phương pháp LỤC GIÁP NẠP ÂM theo Địa Chi này đã mở rộng có kết hợp Can và Chi giúp ta có thể xác định được các mốc thời gian của từng thập kỷ(10 năm) với các Can Chi một cách chính xác mà không bị sai sót, nhầm lẫn. Một quy tắc đơn giản (Đầu rẽ, giữa ra, cuối vào = tức rẽ cách một đỉnh trong khuôn hình ngũ giác nêu trên rồi nhập thuận vào cạnh tiếp nối với cạnh kề gốc Can; còn các Chi giữa ra, cuối vào ra đều theo chiều thuận các cạnh hình đó). Điều này giúp ta tính được Can Chi những năm cách nhau một thập kỷ được dễ dàng. Muốn vậy, ta phải hiểu rằng, vòng Thiên Can là 10 năm, còn vòng Địa Chi là 12 năm. Bội số chung của hai vòng này là 60 năm. Nghĩa là sau 6 thập kỷ thì trùng lại tuổi có Can Chi như nhau,nhưng số tuổi khác nhau. Một điều cần lưu ý thêm là trong 10 Thiên Can, cứ mỗi Can ứng với một số cuối của số biểu năm Dương lịch như sau: Canh-0, Tân-1, Nhâm-2, Quý-3, Giáp -4,Ất-5, Bính -6,Đinh-7,Mậu -8,Kỷ -9; Ví dụ: năm 1948 là năm thuộc Can Mậu. Muốn biết thuộc Chi nào thì phải chia biểu số năm Dương lịch số cho 12, còn số dư, ta đem trừ đi 3 rồi đối chiếu với dãy 12 Chi: 1-Tý, 2-Sửu, 3-Dần, 4-Mão, 5-Thìn, 6-Tị, 7-Ngọ, 8-Mùi, 9-Thân, 10-Dậu, 11-Tuất, 12-Hợi. Như ví dụ trên, ta chia 1948 cho 12, còn dư 4, trừ 3, còn lại 1. Thế là ứng với Chi Tý. Vậy năm 1948 là năm Mậu Tý. Nhưng phải lưu ý rằng, số biểu năm Dương lịch phần nhiều là đi trước năm Âm lịch 1-2 tháng. Vì vậy, những mốc sự kiện sau tháng 2 Dương lịch thì ta mới dùng số biểu để tính như nói trên.
Ngoài ra, ta có thể tính theo quy tắc Lục giáp với hình ngũ giác nêu trên thì cũng thuận tiện mà không phải làm phép chia.

Ví dụ: Ta thử dùng năm Can Mậu với lục giáp nói trên: TÝ-TUẤT-THÂN; NGỌ-THÌN-DẦN.
Ta biết rằng Can Mậu ứng với số cuối cùng của số biểu năm Dương lịch là 8. Chẳng hạn ta lấy năm Mậu Thân =1968 thì lần lượt đến năm 1978 là Mậu Ngọ; năm 1988 là Mậu Thìn; năm 1998 là Mậu Dần… Đó là phép tiệm cận tính tới sau. Ta có thể tính lùi lại phía trước thì cũng theo thứ tự lùi trong Lục giáp đó Cụ thể với năm 1958 là năm Mậu Tuất; năm 1948 là Mậu Tý; năm 1938 là năm Mậu Dần; năm 1928 là năm Mậu Thìn v.v…
Bằng cách như thế, ta có thể tính Can Chi của những năm khác cũng theo quy tắc ấy. Chẳng hạn tính năm có Can Canh(có số cuối của số biểu năm Dương lịch là số 0). Ta lấy năm Canh Tý: năm 1960 thì năm 1970 là năm Canh Tuất; năm 1980 là năm Canh Thân; năm 1990 là năm Canh Ngọ; năm 2000 là năm Canh Thìn; năm 2010 là năm Canh Dần… và ta cũng có thể tính tới hoặc tính lùi theo ý muốn xác định một mốc năm nào đó cũng rất tiện lợi.

Những ví dụ nêu trên là tính theo Can Chi dương(số lẻ trong dãy thứ tự), còn muốn tính theo Can Chi âm(số chẵn trong dãy số thứ tự) thì cứ theo sát kế tiếp Can Chi dương là có ngay Can Chi âm.
Ví dụ: Can Chi dương là Canh Tý thì Can Chi âm kế sát đó là Tân Sửu; năm dương Canh Tuất, năm âm kế đó là Tân Hợi; năm dương là Canh Thân thì năm âm kế đó là Tân Dậu; năm dương là Canh Ngọ thì năm âm kế đó là Tân Mùi; năm dương là Canh Thìn thì năm âm kế đó là Tân Tị; năm dương là năm Canh Dần thì năm âm kế đó là năm Tân Mão…
Chúng ta cứ thực hành áp dụng cách tính này vài lần thì sẽ quen và trở nên thuận lợi, nhanh chóng và chính xác.
Cần lưu ý rằng, mỗi HÀNH TINH có liên quan đến 6 cặp tuổi âm dương có bổn mạng khác nhau(cứ mỗi cặp liền nhau là một bổn mạng, ta xem bảng liệt kê trên thì thấy rõ). Ví dụ: HÀNH MỘC gồm có 6 cặp:1.Nhâm Tý & Quý Sửu (Tang đố mộc=gỗ cây dâu); 2.Nhâm Ngọ & Quý Mùi (Dương liễu mộc= gỗ cây dương liễu); 3.Mậu Tuất & Kỷ Hợi(Bình địa mộc=gỗ đồng bằng); 4.Mậu Thìn & Kỷ Tị (Đại lâm mộc=gỗ rừng lớn); 5.Canh Thân & Tân Dậu(Thạch lựu mộc= gỗ cây lựu); 6.Canh Dần & Tân Mão(Tùng bá mộc= gỗ cây tùng).
 
Để tiện lợi cho cách xác định bổn mạng theo ngũ hành tình nói trên, tôi đã vẽ minh họa bằng cách dùng bàn tay trái mà lòng bàn tay như một hình ngũ giác có 5 cạnh để chỉ các vùng ngũ hành: Hỏa-Thổ- Mộc- Kim- Thủy; còn các góc của ngũ giác là vị trí 5 cặp Thiên Can: 1.Giáp-Ất, 2.Bính–Đinh, 3.Mậu-Kỷ, 4.Canh–Tân, 5.Nhâm Quý. 

  BÀN TAY TÌM BỔN MẠNG TUỔI THEO THIÊN CAN-ĐỊA CHI
  (do Nguyễn Hồng Trân –cựu GV ĐHTH-Huế tạo lập 2015)

Ghi chú: Các góc của lòng bàn tay trái là quy ước của 5 cặp Thiên Can dương và âm: G.Â= Giáp- Ất; B.Đ=Bính-Đinh; M.K=Mậu-Kỷ; C.T=Canh-Tân; N.Q=Nhâm-Quý. Còn các cạnh ngũ giác của lòng bàn tay trái là 5 hành tinh định dạng cho mỗi cạnh theo quy ước cứ mỗi hành tinh chứa 6 cặp bổn mạng tuổi như sau:
I.Bổn mạng hành Hỏa
gồm có 6 cặp tuổi sau đây:
1.M.Tý-K.Sửu= Tích lịch Hỏa (lửa sấm sét)
2.M.Ngọ-K.Mùi=Thiên thượng Hỏa (lửa trên trời=lửa sao băng)
3.G.Tuất-Â.Hợi=Sơn đầu Hỏa (lửa trên núi)
4.G.Thìn-Â.Tị = Phúc đăng Hỏa (lửa ngọn đèn)
5.B.Thân-Đ.Dậu= Sơn hạ Hỏa (lửa dưới núi)
6.B.Dần-Đ.Mõa = Lô trung Hỏa (lửa trong lò)
II.Bổn mạng hành Thổ
gồm có 6 cặp tuổi sau đây:
1.C.Tý-T.Sửu= Bích thượng Thổ (đất trên vách)
2.C.Ngọ-T.Mùi =Lộ bàng Thổ (đất ven đường)
3.B.Tuất-Đ.Hợi= Ốc Thượng Thổ (đất trên nền nhà)
4.B.Thìn-Đ.Tị = Sa trung Thổ (đất trong cát)
5.M.Thân-K.Dậu= Đại trạch Thổ (đất đồng lớn)
6.M.Dần-K.Mão = Thành đầu Tổ (đất trên thành)
III.Bổn mạng hành Mộc
gồm có 6 cặp tuổi sau đây:
1.N.Tý-Q.Sửu= Tang đố Mộc (gỗ cây dâu)
2.N.Ngọ-Q.Mùi= Dương liễu Mộc (gỗ dương liễu)
3.M.Tuất-K.Hợi= Bình địa Mộc (gỗ đồng bằng)
4.M.Thìn-K.Tị = Đại lâm Mộc (gỗ rừng lớn)
5.C.Thân-T.Dậu= Thạch lựu Mộc (gỗ cây lựu)
6.C.Dần-T.Mão = Tùng bá mộc (gỗ cây tùng bách)
IV.Bổn mạng hành Kim
gồm có 6 cặp tuổi sau đây:
1.G.Tý-Â.Sửu= Hải trung Kim (vàng trong biển)
2.G.Ngọ-Â.Mùi= Sa trung Kim (vàng trong cát)
3.C.Tuất-T.Hợi= Thoa xuyến Kim ((vàng trang sức)
4.C.Thìn-T.Tị = Bạch lạp Kim (vàng chân đèn sáp)
5.N.Thân-Q.Dậu= Kiếm phong Kim (vàng đầu kiếm)
6.G.Dần-Â.Mão =Kim bạch kim (vàng trắng=Pt)
V.Bổn mạng hành Thủy
gồm có 6 cặp tuổi sau đây:
1.B.Tý-Đ.Sửu = Giản hạ Thủy (nước dưới khe)
2.B.Ngọ-Đ.Mùi =Thiên hà Thủy (nước mưa)
3.N.Tuất-Q.Hợi =Đại hải Thủy (nước biển lớn)
4.N.Thìn-Q.Tị = Trường lưu Thủy (nước dòng sông)
5.G.Thân-Â.Dậu = Tuyền trung Thủy (nước trong suối)
6.G.Dần-Â.Mão = Đại khe Thủy (nước khe lớn).
                                          ==00==
  
                           Hà Nội,  năm Ất Mùi=2015
                                              NHT