Thứ Bảy, 12 tháng 12, 2015


        CUỘC DU NGOẠN VÒNG QUANG TÂY HỒ
                         (tg Nguyễn Hồng Trân)
Hôm nay, vào một ngày đầu mùa đông ở Hà Nội, tuy trời lạnh nhưng có ánh nắng nên cũng cảm thấy dễ chịu. Chúng tôi lên ô- tô điện (dịch vụ DL 80.000đ/người) đi du lịch quanh vùng bờ Tây Hồ. Đây là lần đầu tiên vợ chồng chúng tôi được đi ngắm qua các di tích đền chùa và thắng cảnh xưa và nay trên đường ven hồ Tây. Thực ra cái hồ này không hề xa lạ với chúng tôi, vì trước đây, thời sinh viên, chúng tôi đã từng đi dạo trên đường Cổ Ngư (bây giờ là đường Thanh Niên) và nhiều lần đến tham quan chùa Trấn Vũ, Phủ Tây Hồ, đền Quán Thánh… cũng có vài lần đi thuyền rồng, hoặc ca-nô trên Hồ Tây. Hồi ấy, chưa có đường liên tiếp vòng quanh Tây Hồ như bây giờ. Con đường này cũng mới hình thành cách đây không lâu. Trước đây chỉ có từng đoạn ven hồ, nhưng năm nay (2015) thì đã hoàn thành cơ bản toàn bộ mặt đường bao quanh gần hết biên hồ, còn hàng rào ngăn cách an toàn với hồ nước thì còn tiếp tục xây dựng nâng cấp.
Người dẫn chúng tôi đi tham quan cho biết rằng, con đường ven Tây Hồ này dài 17 cây số. Chúng tôi lần lượt đi xem qua các Chùa Trấn Quốc, Đền Quán Thánh, Chùa Sải, Chùa Võng Thị, Đình Trích Sài, Chùa Thiên Niên, Chùa Vạn Niên, Chùa Tảo Sách, Công viên nước Hồ Tây, Đầm sen Ngoại giao đoàn, Đình Quảng Bá, Chùa Hoàng Ân, Phủ Tây Hồ, Đền Kim Ngưu, đình Nghi Tàm, Chùa Kim Liên, Đình Yên Phụ. Mỗi nơi đều có một vẻ đẹp riêng của nó, nhưng chúng tôi cảm thấy hầu hết các di tích đền chùa như mới trùng tu, tôn tạo sáng rạng lên.
Tuy qua một buổi tham quan qua loa nhưng chúng tôi cũng thấy thú vị với đầy ấn tượng giữa cảnh quan tổng thể của các di tích hướng ra măt hồ; những nét xưa và nay đã hòa quyện vào nhau một cách tự nhiên hợp với ý thức về tâm linh và tín ngưỡng của con người đất Việt.
Tôi hy vọng rằng, trong năm tới -2016, việc tổ chức tham quan bằng ô-tô điện quanh Hồ Tây sẽ được cải thiện một cách phong phú hữu ích và thích thú hơn nữa.
                   Hà Nội-9-12-2015

*Hãy đọc phần phụ lục và chú thích quan trọng sau đây để biết thêm các truyền thuyết về những sự tích vùng Tây Hồ.                          
Phụ lục:
Hồ Tây theo truyền thuyết ngày xưa có tên lúc đầu là Đầm Xác Cáo(1)  , sau đó có tên là Hồ Kim Ngưu(2) (Hồ Trâu Vàng). Đến Thế kỷ XVI thì đổi tên hồ thành Dâm Đàm (3). Và tên cuối cùng cho đến sau này hồ được đổi tên là  Tây Hồ (4), và người ta thường gọi là Hồ Tây.
                                
Chú thích: (1) Đầm Xác Cáo: Theo truyền thuyết là nơi đây có hang con cáo chín đuôi thường phá hại dân lành, bị Long Quân dâng nước lên công phá, giết chết con cáo đó và xác cáo phơi trên mặt đầm (đầm là vùng trũng có nước và có cả bùn lầy, lau sậy mọc um tùm).
(2) Hồ Kim Ngưu dựa theo truyền thuyết hồ Trâu Vàng. Truyện kể về một người khổng lồ ở đất Việt, sức khỏe phi thường, không ai địch nổi. Ông xuất gia làm thiền sư, đó chính là thiền sư Minh Không. Thiền sư Minh Không sang Tàu chữa bệnh cho con vua Tống. Khi công việc hoàn thành, vua muốn trả ơn. Nhà sư chỉ xin một ít đồng đen cho vào tay nải. Vua Tàu đồng ý cho thiền sư tự ý vào kho lấy đồng. Thiền sư đã lấy đồng đen đem về nước Nam. Về đến Thăng Long, ông dùng số đồng đó đúc thành bốn thứ bảo khí nhà Phật: Tượng Phật, tháp Báo Thiên, đỉnh đồng và một quả chuông đồng rất lớn. Chuông đúc xong, đức vua sai ông đánh một hồi chuông dài để báo hiệu cho dân chúng biết tin vui nước nhà đang thái bình thịnh trị! Tiếng chuông ngân đến tận kinh đô bên Tàu. Nghe tiếng chuông con trâu bằng vàng to lớn nằm trước kho đồng bên Tàu tự dưng bừng tỉnh "Đồng đen là mẹ của vàng" ngỡ là tiếng mẹ gọi nó liền vươn mình phóng thẳng xuống phương Nam tìm đến quả chuông khổng lồ, quần mãi xung quanh khiến cho cả một vùng đất lớn quanh quả chuông sụt xuống thành một vùng hố sâu và nước tràn đầy trải rộng thành một hồ nước mênh mông.
(3) Dâm Đàm: Theo sách Hồn sử Việt thì khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, hồ Kim Ngưu trở thành một địa điểm du ngoạn được nhà vua và các quan ưa thích, nhiều lần trong các buổi du thuyền trên hồ, nhà vua gặp sương mù bao phủ, cảnh tượng hồ trở nêm huyền ảo mộng mơ, vì vậy hồ đã được đổi tên là Dâm Đàm.
(4)Tây Hồ: Đến năm 1573, để tránh tên húy của Vua Lê Thế Tông là Duy Đàm, người ta đổi là Tây Hồ. Cái tên Tây Hồ có từ đó, ngoài lý do trên, có lẽ việc đặt tên này nhằm sánh với phương Bắc, vì ở Trung Quốc cũng có Tây Hồ nổi tiếng ở Hàng Châu. Việc đặt tên các địa danh, sông hồ của Việt Nam theo chữ nghĩa  Trung Quốc là chuyện bình thường. Tây Hồ là cách đọc Hán Việt của hồ Tây, và hồ Tây đã trở thành cái tên gần gũi, lâu dài, nên thơ nhất đối với người Hà Nội cũng như nhân dân cả nước. /.
  

Không có nhận xét nào: