Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2016


              CHUYẾN ĐI THĂM KHU TƯỞNG NIỆM
                         VƯƠNG TRIỀU MẠC
                                        (Nguyễn Hồng Trân)
                                                 ==00==
Nhớ đến những chuyện kể ngày xưa thời phong kiến Việt Nam, vua quan có lúc sát phạt lẫn nhau dẫn đến thay triều, đổi tộc, làm cho dân chúng bất an, họ hàng lo sợ… Điển hình nhất là chuyện Mạc Đăng Dung, trước tình thế suy yếu, mâu thuẫn nội bộ triều Lê, ông đã ép vua Lê Cung Hoàng (tức Lê Xuân hay Lê Lự) nhườg ngôi rồi dựng lên triều Mạc năm 1527. Về sau, qua năm đời vua của con cháu họ Mạc thì bị các thế lực phò Lê, chống đối trả thù đã làm tan tác triều Mạc. Những người mang họ Mạc phải chạy trốn khắp nơi đành phải đổi sang họ khác để được an thân khỏi bị sát hại. Trong đó có họ hàng những người thân chúng tôi. Do đó, chúng tôi cũng muốn đến tận nơi vùng quê hương gốc tích nhà Mạc để viếng thăm đền thờ VƯƠNG TRIỀU MẠC cho biết thêm ngọn ngành một di tích lịch sử.

Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư và Từ điển các nhân vật lịch sử Việt Nam cũng như gia phả họ Mạc đã ghi lại rằng, Mạc Đăng Dung người làng Cổ Trai, có tài làm nghề chài lưới; có sức mạnh hơn người. Vào năm Bính Tý 1516 đã thi đấu võ đỗ đệ nhất Đô lực sĩ. Ông là cháu 7 đời của Trạng nguyên lưỡng quốc Mạc Đĩnh Chi. Mạc Đăng Dung được vua Lê Chiêu tông trọng dụng cho làm chức Thái sư, tước Nhân Quốc Công rồi đến tước An Hưng vương.
Mạc Đăng Dung là người có chí khí và tài nghệ thao lược đã giúp nhà vua nhiều việc nên vua Lê Chiêu Tông đã tin yêu phong cho làm Phò mã, gã con gái Lê Thị  Ngọc Minh. Nhưng về sau thì triều Lê rối loạn, quan lại cận thần xung đột nhau. Trước tình thế bất an đó, Mạc Đăng Dung ép vua Lê Cung Hoàng viết giấy nhường  ngôi để lập nên nhà Mạc vào năm Đinh Hợi 1527. Ông lên làm vua được 3 năm và ổn định được triều chính thì đến năm Canh Dần 1530 giao lại cho con cả là Thái tử Mạc Đăng Doanh lên ngôi vua. Đăng Doanh tôn cha làm Thái Thượng hoàng, tôn bà nội Đặng Thị Hiếu làm Thái hoàng Thái hậu. Sau đó, Thái Thượng hoàng cùng gia đình trở về quê hương Cổ Trai yên thân nghỉ dưỡng và cũng để tránh tiếng thiên hạ chê bai là kẻ phản vua lộng quyền…

Qua mấy đời vua nhà Mạc trị vì: Mạc Đăng Dung(1527-1530), Mạc Đăng Doanh(1530-1540), Mạc Phúc Hải(1541-1546), Mạc Phúc Nguyên (1546-1564), Mạc Mậu Hợp(1564- ?)… Sau đó, các phần tử phò Lê đứng lên diệt Mạc. Triều Mạc tan rã, chạy trốn lên miền núi và sang nước ngoài. Nhiều người họ Mạc lo sợ truy bức nên phải đổi sang các họ khác như họ Thái, họ Hoàng, họ Phan, họ Vũ, họ Nguyễn, họ Phạm,v.v…

Một số bà con nội ngoại chúng tôi là những hậu duệ xa xôi của gốc họ Mạc nên cũng rủ nhau về thăm khu tưởng niệm VƯƠNG TRIỀU MẠC ở làng Cổ Trai cho biết. Nơi đây ngôi đền đã được tôn tạo lên thành khu tưởng niệm Vương Triều Mạc vào năm 2010 trông rất khang trang, uy linh trên một vùng đất rộng lớn. Ngôi đền thờ chính có hai căn nhà rộng. Căn trước là Tiền đường-Thái miếu để đặt các án thờ chung các vị tiên tổ Mạc Đăng Dung. Ở gian này có treo một cái chuông đồng lớn có hoa văn tinh xảo; có dựng một cái bình rất lớn sành sứ có hoa văn, hình ảnh đền chùa cổ ở quê và một cặp câu đối Việt ngữ để ghi nhớ và tự hào vị tiền bối Mạc Đĩnh Chi- lưỡng quốc Trạng nguyên.

"LƯỠNG QUỐC TRẠNG NGUYÊN DANH BẤT HỦ
TAM HIỀN(1) LŨNG ĐỘNG(2) PHÚC TRƯỜNG LƯU"
(Trạng Nguyên hai nước tên còn mãi/ Lũng Động ba hiền phúc bền lâu)
Chú thích:
(1)-Lũng Động (hay Long Động) là quê hương xứ sở của Mạc Đĩnh Chi.
(2)-Tam hiền là ba phẩm hạnh cao quý của con người trí thức. Đó là: 1.hiền lương, 2.hiền sĩ, 3.hiền tài (tức là: 1.hiền lành, lương thiện; 2.người tri thức có đức hạnh; 3.có đủ tài năng, đạo đức).

Căn nhà sau là Hậu chẩm- Long đình là nơi đặt các bàn thờ có tượng đồng mạ vàng toàn thân y phục Hoàng đế các đời vua triều Mạc. Bàn thờ chính giữa là vua Mạc Đăng Dung, hai bên tả hữu là các bàn thờ của các vua con cháu Mạc Đăng Dung. Đặc biệt ở gian này có để nằm một thanh Đại đao lớn với trọng lượng gần 30 cân từ thời xa xưa ẩn tích dưới lòng đất qua gần 500 năm mới được tìm ra và đưa về bảo tồn lưu niệm.                                                                                                                   
Sau khi xem xong đền thờ chính, chúng tôi sang xem vườn đá bên cạnh. Vườn đá này cũng mới tạo lên trong năm 2010. Trong vườn có trồng một số loài hoa với sắc màu dễ chịu và đặt những tảng đá, phiến đá với dáng hình khác nhau và có khắc những bài thơ, câu danh ngôn, tục ngữ Việt để gợi lại cho người xem thêm ấn tượng mà hình dung và suy ngẫm…

Qua chuyến viếng thăm đền thờ nhà Mạc, chúng tôi đã hiểu thêm rằng, tuy nhà Mạc mang tiếng cướp quyền vua Lê, nhưng về sau lên ngôi, vua nhà Mạc vẫn duy trì các sách lược chính trị như nhà Lê để xã hội nội quốc yên ổn, chỉ có một vài chỉnh đốn cần thiết về đối nội, đối ngoại cho phù hợp với tình thế của thời đại mà thôi.
Chúng tôi hy vọng rằng sau này vùng di tích đền thờ vương triều Mạc ở Kiến Thụy sẽ được tôn tạo và hoàn thiện hơn nữa để cho du khách đến tham quan cảm nhận ấn tượng hơn. Thực tế bây giờ còn đơn sơ giản dị quá, chưa xứng tầm với một di tích đền thờ diện quốc gia về VƯƠNG TRIỀU MẠC.      





Không có nhận xét nào: