Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

BỨC TƯ NGỎ CHO CÁC EM HS...

                           
                THƯ NGỎ CHO CÁC EM HỌC SINH
   CHUẨN BỊ VÀO MÙA THI ĐẠI HỌC & CAO ĐẲNG -2013

Cứ hàng năm, vào khoảng tháng 4 thì nộp hồ sơ thí sinh thi vào các trường Đại học và Cao đẳng. Đầu tháng 7 là mùa thi đại học với bao nỗi lo âu của các thí sinh và cả thân nhân gia đình của họ. Nhiều thí sinh đã từng nhớ câu:
Con ơi nên nhớ câu này:
“Có công mài sắt có ngày nên kim”.
Nhưng nếu mài sắt mà không biết mài thì lấy đâu mà thành kim được! Đó chỉ là lời khuyên của dân gian đối với mọi người cần phải kiên trì, chịu khó mới có thành công. Đấy là một triết lý tổng quát của thế gian về nhân quả mọi hành động dưới góc độ lao động của con người, kể cả lao động chân tay và lao động trí óc.
Các thí sinh đã chuẩn bị hành trang cho mùa thì này rồi. Thí sinh nào cũng lo lắng cả, học giỏi cũng lo, học yếu lại càng lo. Lo là phải thôi, tâm trạng chung đều như thế. Nhưng vấn đề ở đây là nên lo toan chuyện nên thi vào trường nào, ngành nào cho phù hợp với khả năng học lực của mình và tương lại nghề nghiệp lâu dài… Đó mới chính là cái đáng lo. Còn chuyện sắp bước vào kỳ thi vào các trường Đại học cũng không phải ngỡ ngàng gì về hình thức, thủ tục thi cử vì đã trải qua một kỳ thi tốt nghiệp phổ thông trung học rồi. Các em chỉ lo lắng về nội dung các đề thi có vượt ra ngoài bộ nhớ kiến thức của các em không; các em cũng rất lo về kỹ năng và kỹ xảo làm bài của mình không đạt với yêu cầu của đáp án đề thi; hoặc có những câu đòi hỏi suy luận rất khó mà các em chưa từng được tập dượt ở trường THPT, v.v…
Những điều băn khoăn lo lắng của các em như thế cũng phải thôi. Nhưng vấn đề quan trọng của các thí sinh trước khi đi thi đại học là phải chuẩn bị đầy đủ những kiến thức và kỹ năng, kỹ xảo làm bài. Tất nhiên các em đã biết như thế rồi và thầy cô cũng dặn cả rồi. 
Với tư cách làm một giảng viên lâu năm của trường Đại học và đã từng ra đề thi, làm đáp án và chấm thi qua nhiều kỳ thi đại học, thầy xin trao đổi với các em thí sinh một số điều chủ yếu để các em vận dụng nhằm chuẩn bị cho việc thi vào đại học có kết quả tốt.
Cụ thể một số điều cần chú ý như sau:
1-Phải rà soát lại một vài lần về nội dung các kiến thức đã học trong chương trình bắt buộc phải học.
2-Phải thực hành cách giải quyết một số câu lý thuyết khó hay bài tập khó cho thành thạo để xem mình còn vướng mắc hay còn lúng túng chỗ nào không để tìm cách khắc phục. Có như thế mới dễ nhớ. Điều này các em phải làm thực sự từ A đến Z mới thấm nhuần và khó quên, chứ không nên làm qua loa thấy không có gì phức tạp rồi cho qua thì đến khi vào thi thực sự sẽ lúng túng và có chỗ quên thì gay go đấy. Điều này không ít thí sinh đã mắc phải. Đây cũng là cách kiểm tra lại kỹ năng, kỹ xảo làm bài của mình đến thuần thục chưa.
3-Phải biết cách chọn ý , lựa lời đưa vào nội dung bài làm thật rành mạch, đầy đủ. Phân biệt cho được các ý chính, ý phụ để đưa vào trước vào sau thế nào cho hợp lý, nhất thiết không trình bày dài dòng hoặc trùng lặp lời và ý. Không nên quá thuộc lòng bài mà viết nguyên xi từng câu, từng chữ như trong sách giáo khoa. Trừ những trường hợp kết luận một học thuyết, hoặc phát biểu một định lý, một lời trích dẫn thì cần chính xác từng câu chữ.
4-Đối với các môn thi theo tự luận như môn lịch sử, như văn học thì các thí sinh cần phải biết vận dụng kiến thức vào bài làm một cách thoả đáng, có chiều sâu. Nghĩa là phải biết phân tích, tổng hợp ý nghĩa vấn đề theo một quan điểm nhất quán đã được học.Muốn vậy, ngoài việc học thuộc các nội dung chương trình PTTH còn phải tự mình tìm tòi các vấn đề liên quan đến các chủ đề đó để có thêm chất liệu khi cần minh hoạ cho nổi bật ý tứ phân tích, đánh giá.

5-Đối với làm bài thi môn văn, chúng ta cần phải chú ý đến cả hình thức và nội dung bài viết. Phần nội dung phải chặt chẽ, ý tứ gắn kết với nhau một cách sinh động, sâu sắc.Phần hình thức là cách trình bày lời văn phải suôn sẻ, đọc lên nghe thật hàm xúc và tạo ấn tượng cho người đọc cảm tình với lời lẽ nhẹ nhàng, lưu loát hoặc là có lý lẽ giãi bày rạch ròi hợp với văn phong trong hoàn cảnh và tình huống cảm nhận một vấn đề, một tác phẩm văn học. Muốn đạt được kỹ năng đó, các em phải luyện tập từ ở nhà thật chu đáo. Trong thực tế có nhiều em thí sinh rất có kinh nghiệm chuẩn bị khá tốt cho phần thi văn của mình. Ngoài những trang bị nội dung kiến thức trong chương trình học ra, các em đã tự mình tìm tòi, nghiên cứu rồi viết thành một loạt các câu nhập đề và kết luật theo một số tình huống đề tài bài thi văn thường gặp. Chẳng hạn như về đề tài quê hương, đất nước; về lao động sản xuất; về cá nhân anh hùng; về tình cảm đời sống v.v… Thế rồi khi gặp loại nào cũng có thể gia giảm chút ít cho phù hợp với bối cảnh là có thể tạo thành những câu nhập đề hoặc kết luận rất hợp lý ý tứ và trôi chảy dòng văn. Nếu không chuẩn bị như thế các em sẽ lúng túng mất khá nhiều thời gian cho phần nhập đề, kết luận mà lại hành văn không gắn kết trôi chảy theo nội dung và vấn đề giải trình hay lập luận.
6-Đối với các môn khoa học tự nhiên như Toán Vật lý, Hoá học, Sinh học v.v…  đề thi theo lối tự luận hay trắc nghiệm thì cần chú ý đến khâu làm bài tập. Phải tập giải nhiều bài tập với các dạng khác nhau ở nhà cho thành thạo. Các em nên giải hoàn chỉnh từng loại bài từ đầu đến cuối để rút ra cách giải cho gọn. Có như thế khi vào thi thật thì mới khỏi lúng túng. Nhất là môn Toán thì chủ yếu giải các bài toán sao cho mạch lạc và có lý để người chấm thi thấy được kỹ xảo làm bài. Các em nên giải theo lối cơ bản. Nếu có biết lối giải tắt thì nêu sau, nếu còn thì giờ. Nói chung, các môn khao học tự nhiên thì phần lý thuyết không nhiều và không khó, nhưng phần bài tập thì có nhiều câu lắt léo để thử sức trình độ thí sinh. Do đó các em phải đọc kỹ và làm nháp cẩn thận, rồi xem đáp số có hợp lý không, bằng cách đưa đáp số thử ngược lại xem có khớp với dữ liệu hay không thì biết đáp số đúng hay sai.
7-Đối với các môn thi theo lối trắc nghiệm như tiếng Anh, tiếng Pháp… thì các em cần phải tạo cho mình một cái vốn từ vựng, các loại từ cũng như cú pháp thật chắc chắn, đồng thời phải ôn luyện nhiều dạng câu mẫu đủ các tình huống thì khi giải quyết các câu trắc nghiệm không phải lúng túng suy nghĩ lâu. Câu nào dễ thì nên làm trước sau đó sang câu khó. Các em không nên chần chừ khi thi theo lối trắc nghiệm mà không đủ thời gian. Lưu ý phải đọc kỹ các câu khác để tìm thấy mối liên quan mà có thể trả lời đúng câu kia.

Nói tóm lại, muốn thi vào các trường Đại học đạt hiệu quả tốt, các em phải khổ luyện ôn tập và làm bài nhiều để nắm vững phần lý thuyết và thực hành một cách nhuần nhuyễn, thành thục mới có thể cạnh tranh so tài trong thi tuyển vào trường đại học. Mấy điều thầy nêu trên để gợi ý cho các em tham khảo vận dụng ôn tập cho thích hợp. Điều đó chẳng qua là trợ giúp cho các em về cách nạp năng lượng tri thức và xử lý năng lượng ấy sao cho thiết thực chứ không phải thay thế cho vốn kiến thức của các em đã học được.
Các em cố giữ gìn sức khoẻ để chuẩn bị chu đáo cho mùa thi vào các trường Đại học và Cao đẳng năm nay có hiệu quả.
Chúc các em vượt qua đợt thi này thành công mĩ mãn.
                                       ===00=== 
               Nguyễn Hồng Trân(Cựu GV Đại học Huế)

Không có nhận xét nào: