NHỚ VỀ SÔNG ĐUỐNG
Ai về cầu Đuống nhắn em tôi
Gắn bó quê hương với đất trời
Khiếp sợ nhiều phen mà chẳng quản
Lo toan lắm bận vẫn chưa vơi
Bà con chịu khó bao tần tảo
Dân chúng cần cù mấy thảnh thơi
Tự Đức cho đào sông nhánh ấy
Giao thông, thủy lợi quý muôn đời.
==00==
Tháng tư, năm Quý Tỵ = 5/2013)
Nguyễn Hồng Trân
(Cựu GV. Đại học Khoa học Huế)
Ghi chú: Sông Đuống là một con sông đào vào loại dài nhất sông đào ở nước ta. Nó dài 68 Km, rộng trung bình 90 m. Con sông này do vua Tự Đức đời thứ 5 (1851) cho lệnh đào một nhánh sông Hồng (dựa vào một đoạn con sông nhỏ ngày xưa là sông Thiên Đức hoặc còn gọi là Thiên Đức Giang đã bị bồi lấp và thu hẹp) để nối liền sông Hồng với sông Thái Bình, nhằm mục đích phân lũ sông Hồng và tải phù sa về Bắc Ninh, Thái Bình hàng năm thêm màu mở cho ruộng đồng tươi tốt. Mặt khác, từ khi có con sông đào này, việc giao thông đường thủy của mấy tỉnh tiếp giáp được thuận lợi dễ dàng. Do đó làm ăn kinh tế ngày càng phát triển.
Con sông Đuống về sau đã trở thành một nét đẹp của không gian trong thiên nhiên và là nơi ghi dấu bao nhiêu kỷ niệm khó quên với thời gian mà thơ, ca, nhạc, họa đã từng làm nên những tác phẩm đã ấn tượng văn hóa đậm đà trong lòng dân tộc. Như trong bài thơ “Bên kia Sông Đuống” của nhà thơ Hoàng Cầm có đoạn:
“Bên kia sông Đuống
Quê hương ta lúa nếp thơm nồng
Tranh Đông Hồ, gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp...”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét