Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

  MỘT NGƯỜI HUẾ NHƯ MỘT PHÓNG VIÊN NHIẾP ẢNH
         TRONG NGÀY LỊCH SỬ QUÂN TA TIẾP QUẢN
                          THỦ ĐÔ HÀ NỘI: 10-10-1954
                                           *****
                        Nguyễn Hồng Trân (cựu GV. ĐHKH Huế)
 Vào dịp đầu xuân năm Quý Tỵ (2013), tôi và thầy Dương Quang Cung đến thăm thầy Thân Trọng Ninh để chúc thọ thầy lên lão hạc tuổi 92. Thầy Ninh là một nhà giáo ưu tú. Trước đây thầy ấy đã dạy ở Hà Nội và sau ngày hòa bình thống nhất đất nước Việt Nam, thầy về Huế dạy sinh vật tại trường Cao đẳng Sư phạm Huế. Nay thầy đã nghỉ hưu ở số nhà 128 đường Phan Văn Trường TP. Huế. Tuy nay tuổi thầy đã cao, nhưng thầy vẫn minh mẫn và vui vẻ chuyện trò với chúng tôi một cách thân mật, nhiệt tình. Thầy kể cho chúng tôi nghe những kỷ niệm về thời trai trẻ của thầy ở Huế và ở Hà Nội. Đặc biệt thầy có kỷ niệm đáng nhớ là thầy có mặt trong ngày quân đội ta kéo về tiếp quản Thủ đô Hà Nội 10-10-1954.
Thầy Ninh đưa ra cả một tập ảnh và mấy cuộn phim còn lưu trữ về những hình ảnh lịch sử của ngày Đoàn quân ta kéo về Giải phóng Thủ đô Hà Nội. Chúng tôi cũng may mắn gặp dịp được xem tập ảnh đó với hơn 70 tấm ảnh đen trắng được chọn lọc như còn mới nguyên, hình ảnh khá rõ ràng. Thật vô cùng ngạc nhiên khi biết thầy là tác giả của bộ ảnh lịch sử đó. GS sử học Đinh Xuân Lâm chỉ vào thầy Ninh và nói cho mọi người nghe rằng:
“Đây là tác giả người Huế -Thân Trọng Ninh đây, là một nhân chứng sống sáng giá trong ngày quân ta tiến về tiếp quản Hà Nội đấy”.
Thật bất ngờ, chúng tôi vui thích và chúc mừng thầy đã ghi lại được những hình ảnh quý giá của ngày trọng đại đó.
Tôi hỏi thầy: “Nghe nói hàng năm cứ mỗi lần đến dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô, Ban tổ chức kỷ niệm đều tưng bày bộ hình ảnh của thầy và mời thầy ra thăm Hà Nội có phải không?”
Thầy Ninh cười vui và nói với tôi:
“Đúng rồi, năm nào họ cũng mời tôi ra Hà Nội dự lễ cả, nhưng có năm tôi còn khỏe thì đi ra thăm Hà Nội luôn, nhưng có năm sức khỏe không tốt thì tôi không ra dự được”.
Năm nay, nhân dịp kỷ niệm 59 năm ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội(10-10-1954—10-10-2013), chúng tôi đã ra Hà Nội cư trú không còn ở Huế để đến thăm thầy như mọi năm nữa, nhưng chúng tôi vẫn còn ghi nhớ những lời của năm trước khi chúng tôi đến thăm thầy và nghe thầy kể lại những điều mắt thấy, tai nghe và cảm xúc của thầy trong ngày lịch sử trọng đại đó. Thầy Thân Trọng Ninh rất vui vẻ nói với chúng tôi:
“Hồi ấy chúng tôi là những thanh niên sinh viên cùng với nhân dân Hà Nội vô cùng sung sướng, phấn khởi, tưng bừng đón mừng đoàn Giải phóng quân Việt Nam tiến về tiếp quản Thủ đô với khí thế hào hùng thắng lợi. Như trong bài ca “Tiến về Hà Nội” của nhạc sĩ Văn Cao đã vang lên sau này làm rung động lòng người khi nhớ đến cái ngày hôm ấy:
“ Trùng trùng, say trong câu hát,
Lớp lớp đoàn quân tiến về…
Năm Cửa Ô đón mừng đoàn quân tiến về
Như đài hoa đón chào, nở năm cánh đào
Hà Nội vang  tiếng quân ca…”
            
  Thầy Ninh kể tiếp: “Hồi ấy, tôi rất may mắn có chiếc máy ảnh Rêtina -2A của Đức mang theo để ghi lại những hình ảnh lịch sử tại Thủ đô Hà Nội trong ngày bộ đội cụ Hồ về tiếp quản Thủ đô. Đó là sự ham thích đã cháy bùng lên trong người tôi khi biết được sự hiếm hoi này. Tuy hồi ấy, tôi chỉ là một sinh viên yêu thích chụp ảnh về thiên nhiên, đất nước và con người ở đô thành Hà Nội. Thời đó tôi hăng hái hoạt động nhiếp ảnh nghiệp dư nhưng lại có tâm hồn nghiệp vụ như một nhà báo thực thụ. Lúc bấy giờ, tôi cứ chạy từ chỗ này sang chỗ nọ để chụp ảnh. Tôi chạy theo đoàn quân từ đường Bạch Mai, lên phố Huế, Hàng Bài, bờ Hồ, sang Hàng Ngang,Hàng Đào v.v…
Tôi đưa chiếc máy ảnh và ngắm chụp lia lịa được nhiều ảnh, trong đó có hơn 70 bức ảnh được chọn lọc quý giá trong thời điểm vinh quang của trái tim Tổ quốc đón chào những người con của đất nước đã 9 năm ra đi đánh giặc cứu nước nay đã chiến thắng trở về.
Trong ngày ấy, các đường phố rợp bóng cờ bay cùng với những pa nô, khẩu hiệu, biểu ngữ rung rinh trước gió…   Nhân dân Thủ đô Hà Nội đứng chật hai bên các trục đường chính để chờ đón giờ phút thiêng liêng ấy. Bao nhiêu gương mặt rạng rỡ, phấn khởi vui tươi vẫy chào cờ, hoa đón mừng đoàn quân ta chiến thắng trở về với trái tim của Tổ quốc”.    
Nói xong, thầy liền đem ra nhiều bức ảnh thầy đã chụp hồi đó cho chúng tôi xem và giải thích từng bức một. Chúng tôi rất khâm phục thầy đã qua hơn nữa thế kỷ rồi mà thầy vẫn giữ gìn cẩn thận những cuộn phim, những tấm ảnh đó như còn nguyên vẹn. Thầy còn cho chúng tôi biết thêm rằng, trước đó, khi quân Pháp rút đi khỏi Hà Nội thì đường phố vắng teo chẳng một ai đưa tiễn. Trái lại ai cũng mừng thầm là từ nay quân xâm lược Pháp sẽ vắng bóng vĩnh viễn. Chúng tôi cũng được thầy Ninh cho xem mấy bức ảnh quân Pháp rút khỏi Hà Nội.
Thỉnh thoảng những lần có kỷ niệm lớn về ngày Giải phóng Thủ đô, thầy đều được ban tổ chức Hội khoa học Lịch sử và Đài truyền hình Việt Nam đều mời thầy ra dự và thầy có đưa một số ảnh ra tham gia triển lãm vào dịp đó. Điều đó làm cho thầy cảm thấy vinh dự là một nhân chứng sống của một sự kiện lịch sử trọng đại –ngày 10,tháng 10 năm 1954, đoàn quân Việt Nam tiến về thủ đô Hà Nội.
          Thầy còn vui vẻ kể thêm rằng: “Có lần, khi tôi đang ở trong phòng triển lãm ảnh ngày Giải phóng Thủ đô Hà Nội, có một số người đến xem và chỉ cho tôi thấy bản thân họ hoặc bà con ruột thịt của họ có trong các bức ảnh của tôi. Như GS Trần Quốc Vượng vui mừng tìm thấy hình ảnh mẹ mình trong tấm ảnh nhân dân Hà Nội đứng hai bên đường vẫy cờ hoa chào mừng đoàn quân ta chiến thắng trở về. Điều đó cũng đủ làm cho tôi cảm thấy vui sướng vì mình đã kịp thời làm được một việc nhỏ có ích cho đất nước để kỷ niệm mãi mãi cho mai sau”.
          Tôi thường hay đến thăm thầy và đàm đạo chuyện khoa học đời sống … thấy thầy vẫn phong độ, tinh thần minh mẫn, tai mắt vẫn nghe nhìn bình thường, đi lại nhẹ nhàng, chuyện trò vui tươi sinh động. Tôi thấy sức khoẻ của thầy được như thế thật đáng mừng. Tôi nói với thầy: “Tuổi thầy cao hơn em 14 tuổi, không biết khi em bằng tuổi thầy có được sức khoẻ và minh mẫn như thầy không? Em sẽ cố gắng phấn đấu mọi mặt để được như thầy”.
Thầy Ninh nở một nụ cười hiền hậu và nói với tôi và có  một số em sinh viên ngồi xung quanh đó đều nghe:
 “Muốn được như ai tài giỏi mới khó còn muốn được như Ninh đây thì chẳng có gì khó lắm, chỉ cần siêng năng rèn luyện thân thể (tập thể dục đều đặn hàng ngày), ăn uống điều độ, rèn luyện trí tuệ thường xuyên và chừng mực là được thôi. Đừng để cho bộ não của mình quá nhàn rỗi sẽ bị lão hoá nhanh, nhưng cũng không nên lao động trí óc quá nhiều để căng thẳng thần kinh mà ảnh hưởng đến sức khoẻ. Vì mọi hoạt động của mình là do bộ não điều khiển cả. Nếu bộ não tốt thì mọi hoạt động của cơ thể sẽ tốt thôi”.
 Nghe thầy Ninh nói như vậy mà chúng tôi cảm thấy vui với thầy và ai cũng nghĩ bụng rằng mình sẽ cố học tập phấn đấu để được như thầy.    
          Thầy Thân Trọng Ninh là một giảng viên trường Cao đẳng sư phạm Huế đã nghỉ hưu lâu rồi, hiện nay tuy tuổi cao sức yếu nhưng vẫn nhiệt tình tham gia các công việc của dòng họ Thân, tham gia công tác đào tạo thế hệ trẻ ở Huế như giảng dạy thêm Tiếng Pháp cho các sinh viên, cộng tác viên với một số tạp chí địa phương và Trung ương… Thầy đã từng được mời tham gia đóng phim về vai quan lại triều Nguyễn, tham gia các đề tài khoa học về sinh học, sinh thái môi trường v.v… Hàng ngày thầy vẫn miệt mài bên chiếc máy vi tính và truy cập thông tin trên mạng Internet để tìm kiếm các tư liệu tham khảo cho việc nghiên cứu của thầy.    
           Mỗi lần kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 là thầy lại được Ban Tổ chức lễ  kỷ niệm mời thầy ra dự. Điều đó làm thầy vui sướng và cảm động trước sự quan tâm của Ban tổ chức đối với một trí thức nhân chứng lịch sử còn sống ở đất Cố đô Huế và đó cũng là một vinh dự cho gia đình họ hàng có người con xứ Huế đã từng sống gắn bó với Thủ đô Hà Nội lâu năm và có mặt trong những giờ phút lịch sử huy hoàng ấy./.
                                                                                  NHT
                                                   ==00==

Không có nhận xét nào: