Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

                                   VÀI  Ý KIẾN VỀ
               BỘ TIỂU THUYẾT “ĐƯỜNG THỜI ĐẠI”
                    CỦA TÁC GIẢ ĐẶNG ĐÌNH LOAN
(Nguyễn Hồng Trân-cựu GV trường Đại học KH Huế, Hội viên Hội Lịch sử Việt Nam, chuyên viên thông tin tư liệu Đại học Huế)
                                         ==00==
 Tôi là người rất thích đọc truyện và tiểu thuyết, nhất là loại tiểu thuyết lịch sử và trinh thám thì tôi rất quan tâm và đọc kỹ. Sau khi tôi được một người bạn thân là Nguyễn Thế Hậu(ở Huế) cho mượn bộ tiểu thuyết: “ĐƯỜNG THỜI ĐẠI”của tác giả Đặng Đình Loan để đọc, tôi rất mừng, nhưng tôi chỉ mượn 2 tập đầu về đọc thử đã. Vì tôi chưa biết Đặng Đình Loan là ai cả và ông cũng chưa có tiếng tăm gì trong làng văn chương nên tôi cũng không tin về chất lượng của bộ tiểu thuyết này lắm. Nhưng sau khi xem hết tập 1 và tập 2 thì tôi cảm thấy tác giả viết rất hấp dẫn về những sự kiện diễn ra trong thực tế ở các chiến trường chống giặc Mỹ như đang còn âm vang trong lòng đất của quê hương.
Sau đó, tôi tiếp tục mượn đọc cho hết 14 tập (do NXB QĐND). Sau này bộ tiểu thuyết có thêm 3 tập(15, 16,17) và NXB Chính trị Quốc gia đã tái bản 17 tập, tôi cũng đã cố gắng đọc hết vào dịp hè 2013. Với tư cách là một bạn đọc, một chuyên viên về thông tin tư liệu, tôi rất quan tâm đến bộ tiểu thuyết lịch sử này, trước tiên tôi xin    cảm ơn tác giả Đặng Đình Loan, cám ơn NXB QĐND, NXB Chính trị QG đã cho tôi có dịp thưởng thức được một tác phẩm sử thi của Việt Nam thời chống giặc Mỹ xâm lược một cách bi hùng lớn lao như thế, cảm động như thế! Tôi xin nói một cảm tưởng chung của tôi là:
Bộ tiểu thuyết lịch sử này có một giá trị lớn về nhiều mặt: chính trị, quân sự, ngoại giao, lịch sử, văn hóa…nó như một bức tranh lớn thể hiện rất sinh động, thực tế về cuộc đấu tranh vô cùng anh dũng, kiên cường của quân và dân ta chống giặc Mỹ xâm lược; Bức tranh đa sắc màu biểu trưng được sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam trong cao trào chống Mỹ cứu nước dưới ngọn đuốc chính nghĩa soi đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ Việt Nam.
Đi sâu, phân tích, bình luận cụ thể thì có các nhà nhà văn, nhà bình luận, còn tôi với góc độ là một chuyên viên về thông tin tư liệu, tôi xin có mấy ý kiến cảm nhận về bộ tiểu thuyết đó như sau:
1.Tác giả đã có công sưu tầm được nhiều tư liệu về chiến sự, chính sự rất quan trọng, đáng tin cậy. Hầu hết là như vậy, tôi không thể nêu ra nhiều dẫn chứng làm gì. Vì đọc cũng biết cả. Tôi chỉ xin nêu một ví dụ thôi. Chẳng hạn, trong tập 16-Cứu ĐôLa, từ trang 316-318, có đoạn ghi lời Ních Xơn nói trong cuộc họp với các nhân vật chủ chốt của ông: “Tôi đã gửi thư cho ông Hồ Chí Minh.Tôi nói bóng gió cho Hồ Chí Minh và cộng sản Việt Nam biết rằng, Mỹ không ngần ngại gì mà không dùng máy bay chiến lược B52 trút bom xuống tất cả các thành phố ở Bắc Việt Nam, kể cả Hà Nội và Hải Phòng. Tôi cũng nói bóng gió cho ông ta biết Mỹ sẵn sàng trút bom tàn phá tất cả hệ thống đê điều ở Bắc Việt Nam trong mùa lũ lụt… Cuối cùng nếu cần, chúng ta sẽ dùng những quả bom nguyên tử để hạ đòn nốc ao!...
Sau khi gửi thư cho Hồ Chí Minh, tôi cũng đã nhận được thư trả lời của ông ấy. Tôi xin trích đọc một đoạn trong thư của ông ấy để quý vị nghe”.
“…Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ để bảo vệ Tổ quốc và các quyền thiêng liêng của mình…”
2.Một số tư liệu về phác họa chân dung của các nhân vật trong tiểu thuyết cũng rất phong phú và tiêu biểu. Từ các nhân vật chính, cũng như nhân vật phụ kể cả bên ta và bên địch đều thể hiện được phong cách và thái độ tiêu biểu.
3.Những trận đánh lớn mang tầm cỡ quốc gia và cả quốc tế thì số liệu rất chi tiết, cụ thể như trận chiến ở Thung lũng IaDrang, trận chiến ở Đường 9 Khe Sanh… Điều đáng nói ở đây là tác giả mô tả trận đánh rất logich, hấp dẫn làm cuốn hút người đọc theo rõi cho đến cùng. Không có gì hư cấu quá đáng, quá xa vời với thực tế chiến trường. Vấn đề này, tác giả đã chịu khó đi sâu tìm hiểu rất kỹ về những điều thuộc về chiến thuật, chiến lược, chiến tranh của quân dân ta…
4.Tình quân dân, tình đồng đội, đồng chí được thể hiện rất gắn kết chặt chẽ sâu sắc và được thể hiện nhất quán từ đầu đến cuối bộ tiểu thuyết. Đây chính là chất keo tình nghĩa vững bền và cũng là nhân tố đem lại sự toàn thắng của cuộc chiến.
5.Chất lượng nội dung của của bộ tiểu thuyết lịch sử “ĐƯỜNG THỜI ĐẠI” này làm cho tôi cũng như nhiều nhà trí thức ở Huế rất khâm phục tinh thần chịu khó của tác giả đã đi sâu vào thực tế và nghiên cứu đối chiếu nhiều tài liệu trong và ngoài nước để chọn lọc trình bày cho hợp lý của bộ sử thi này. Tôi có thể nói rằng, tác giả Đặng Đình Loan là một người lính cụ Hồ đầy nhiệt huyết với Tổ quốc nhân dân, với đồng đội, một người có tài năng và tinh thần vượt khó mới làm nên được tác phẩm công phu trong gần 30 năm ròng kiên trì cầm bút miệt mài với một bộ tiểu thuyết này.
6.Về hình thức in ấn bộ tiểu thuyết rất rõ ràng, sáng sủa, bìa đẹp. Song, toàn bộ tiểu thuyết thiếu phần minh họa bằng vài hình ảnh nên cũng bị hạn chế phần nào về giá trị hình thức của bộ tiểu thuyết lịch sử này. Mặt khác, một số tên người thật việc thật, đôi chỗ còn sai nhầm họ tên. Ví dụ trong tập 11 có nói đến đội du kích 11 cô gái Sông Hương, có 5 cô còn sống trong đó có cô Hoàng Thị Nở, nhưng trong sách ghi là Nguyễn Thị Nở. Tôi đã gặp chị Nở, chị nói: “Nhờ anh Trân nói lại với tác giả khi nào tái bản nhớ sửa lại họ Hoàng giùm tôi, vì đó chính là tôi một thời thanh xuân của tôi và các chị em đã quyết tử cho quê hương đất nước. Đó cũng là niềm vinh dự cho cho tuổi trẻ chúng tôi, vinh dự cho bà con họ hàng chúng tôi nên không thể ghi sai họ tôi được”.
7.Về chất lượng của bộ tiểu thuyết này được nhiều nhà nghiên cứu trong quân đội cũng như các trí thức thời đại đánh giá rất cao trong buổi giới thiệu bộ tiểu thuyết này tại Thư viện Quốc gia Hà Nội sáng ngày 27-9-2013 vừa qua, do NXB Chính trị QG và Thư viện QG tổ chức. Tôi cũng rất tán thành với những ý kiến đánh giá nhận xét một cách khách quan đó.
Lời đề nghị:
1.Cầu mong Nhà nước, Ban tuyên giáo TW, quan tâm ủng hộ cho tác giả về tinh thần và vật chất để tác giả có thể tiếp tục hoàn thành nốt những tập cuối cùng của bộ tiểu thuyết giá trị lớn này.
 Trước đây, sau khi đọc xong 14 tập do NXB QĐND ấn hành, tôi đã đề nghị anh Loan nên tiếp tục viết chặng được về đích của “Đường Thời đại” thì mới trọn vẹn bộ tiểu thuyết lịc sử này. Nhưng hồi đó anh Loan chưa trả lời được, nhưng nay nghe anh nói đang cố gắng viết tiếp cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Nghe như vậy tôi rất mừng. Bộ tiểu thuyết lịch sử “Đường thời đại” nên viết tiếp cho đến khi giải phóng miền Nam và đem lại hòa bình thống nhất đất nước. Đó là nguyện vọng của tất cả chiến sĩ, đồng bào cả nước đang mong đợi.
2.Đây là bộ tiểu thuyết lịch sử nặng ký nhất về cuộc kháng chiến chống Mỹ của cả dân tộc ta và đã giành thắng lợi to lớn trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam. Hình ảnh của nhiều thế hệ, nhiều dân tộc anh em trong nước và nước ngoài đã hiệp lực với nhau dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, Nhà nước và sự chỉ lối anh minh của Bác Hồ đã đem lại thành công vững bền cho đất nước. Vì vậy, tôi đề nghị nên tổ chức những người có trình độ và trách nhiệm về văn hóa để đánh giá thật khách quan, một cách khoa học tác phẩm này.
3.Đề nghị Nhà nước có tài trợ về giá in sách để bán ra cho nhiều người được mua đọc thì sẽ có tác dụng rất lớn trong xã hội. Hiện nay số lượng sách xuất bản ít và với giá lưu hành vẫn đắt, nên nhiều người khó mà xem được.
4.Những ý kiến phát biểu của một số vị tham gia buổi giới thiệu sách sáng ngày 27-9-2013 tại Thư viện Quốc gia vừa rồi, nhà XB Chính trị QG nên có thư gửi lên cho cho các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước biết để có sự quan tâm thích đáng với công lao vô giá này.
Chúng tôi xin chân thành cám ơn tác giả Đặng Đình Loan đã chịu khó, công phu biên soạn bộ tiểu thuyết rất giá trị này, đồng thời chúng tôi cũng xin cám ơn NXB Quân đội và NXB Chính trị Quốc gia đã ấn hành bộ tiểu thuyết đồ sộ này mà chúng tôi mới có dịp được đọc. Và tôi cũng xin cám ơn Thư viện Quốc gia đã cho chúng tôi đến dự buổi giới thiệu bộ tiểu thuyết “ĐƯỜNG THỜI ĐẠI” một cách sinh động và trang trọng như thế.

                                     Hà Nội ngày 29-10-2013
                                       Nguyễn Hồng Trân

Không có nhận xét nào: