Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2013

          TUỔI HỌC TRÒ Ở CỐ ĐÔ HUẾ
(Trích đoạn trong quyển Hồi ký “DÒNG ỜI TÔI”  (chương 1: Tuổi thơ ở Huế).
                           ==00==
Tuy nhà tôi ở Huế thuộc loại nghèo, nhưng ba tôi sống rất đàng hoàng, lịch lãm. Bạn bè ba tôi thường đến chơi nhà chuyện trò vui vẻ. Tôi vui sướng nhất là vào những dịp lễ hội, ba tôi thường dẫn tôi đi tham quan mọi nơi trong Đại nội hoặc đi các chùa chiền, lăng tẩm... Đi đến đâu tôi cũng được nghe ba giảng giải những điều mắt thấy tai nghe và cả những điều mơ hồ của cung đình vua chúa. Nhưng tôi còn nhỏ chưa hiểu biết gì mấy, chỉ thấy ngỡ ngàng trước những danh lam thắng cảnh cổ kính thiêng liêng. Nhiều lúc thấy tôi có vẻ sợ sệt trước mấy pho tượng các vị thần canh giữ cổng chùa (như ở chùa Thiên Mụ), ba tôi còn pha trò cho tôi bình tâm, không lo sợ nữa. Có những lần đi chơi xa, mẹ tôi cùng đi theo nữa, vui lắm. Tôi còn nhớ vào dịp đầu xuân năm mới, tôi cùng ba mẹ tôi đi chơi núi Ngự Bình. Ba tôi đặt tôi ngồi lên vai, hai chân thòng ra phía trước rồi bắt đầu lên đường dốc núi. Ba tôi và tôi đi trước, mẹ tôi theo sau. Có mấy chú thanh niên thấy các cô con gái nối tiếp nhau lên núi thì liền đứng ra chặn đường và buông lời trêu ghẹo như:  “ Các em ơi leo lên sườn núi có mệt không ? để anh giúp một tay dắt em lên nghe !"... “Em may áo dài ở mô mà đẹp rứa ?" . Lúc đó tôi thấy có một chú thanh niên nói ghẹo mẹ tôi rằng:
“Em ở xứ mô mà trắng da dài tóc đễ thương quá ! dừng lại cho anh hỏi thăm nào ! các anh sẽ giúp em du xuân vui vẻ ".v.v...
Ba tôi nghe vậy chắc cũng bực tức, liền bảo nhỏ với tôi ngoái cổ lui sau kêu  mẹ đi mau lên.
Tôi liền gọi to: “Mẹ ơi, ba bảo mẹ đi mau lên !". Mấy chú thanh niên đó ngỡ ngàng cười vui, ngó theo mẹ tôi một cách luyến tiếc...
Mẹ tôi mặc dù xuất thân từ nhà quê, lam lũ, con nhà nghèo (vùng Thượng Xá, Hải Lăng, Quảng Trị), nhưng trông thấy người ta cứ tưởng là người thành phố. Vì bà có dáng dấp thanh cảnh, mặt mũi sáng sủa, da trắng, tóc dài. Đặc biệt bà nói chuyện có thứ lớp và rất thích giao tiếp đàm luận với bạn bè, khách khứa, mặt khác cũng ưa đi tham quan, dự các lễ hội...
Có lần hai mẹ con chúng tôi đi xem đoàn diễu hành có voi ngựa lên tế Đàn Nam Giao. Đó là vào năm Nhâm Ngọ (1942), có lễ Tế Nam Giao ở Huế. Lúc bấy giờ tôi thấy dọc đường nối tiếp nhau các quan quân, voi ngựa, lọng cờ dày đặc từ cầu Nam Giao đến lên tận Đàn tế. Ngay cả voi ngựa cũng khoác áo lễ hội sặc sỡ, uy nghi. Tôi và mẹ tôi đứng trên một gò đất sát đường lối lên chùa Vạn Phước (Chùa được ông Phạm Quỳnh bảo trợ). Mẹ tôi bồng tôi lên cao để dễ nhìn thấy đoàn diễu hành. Một lúc sau thấy dân chúng đi xem chộn rộn, mọi người cố ngẩng cổ lên nhìn đức vua Bảo Đại mặc áo vàng ngồi trên giá lọng sơn son, thiếp vàng; xung quang có nhiều người khiêng và cận thần bảo vệ  đi theo. Mẹ tôi hỏi tôi: “Con thấy vua Bảo Đại đó chưa ? ". Tôi liền hỏi mẹ :" Đó là vua thật hay vua giả mẹ mà không thấy ông cử động gì cả ? ".  "Vua thật đó, răng con lại không tin? "- mẹ tôi trả lời. Tôi nói tiếp : "Con đọc sách và cũng nghe người ta bảo rằng khi vua thân hành trên đường là không ai được ngẩng đầu nhìn vua cả, tại sao bây giờ mọi người đều cứ nhìn tự do rứa?”
Mẹ tôi cười và nói: “ À đó là chuyện các vua thời xưa, còn vua bây giờ đã bỏ tục lệ đó rồi. Còn hôm nay vua ngồi cứng đờ, diện mạo buồn bã chắc là vua mệt ". Nghe mẹ tôi nói vậy tôi lại thắc mắc: “ Vua ngồi trên giá có người khiêng mà mệt chi mẹ ! ". Mẹ tôi đáp: “ Ngồi một chỗ tù túng là cũng mệt con ạ". Tôi nhìn mẹ và tin như thế rồi mỉm cười nghĩ đến chuyện vua buồn đái thì làm thế nào?
Hồi ấy tôi thường gần gũi mẹ nhiều hơn. Ba tôi thì bận việc luôn. Có khi vắng mặt cả tuần vì phải theo đoàn tuỳ tùng đưa vua Bảo Đại đi du ngoạn săn bắn trên rừng. Có lần mẹ tôi chờ ba tôi về để đưa tôi nhập học lớp nhất. Nhưng đến ngày hẹn của thầy giáo mà ba tôi vẫn chưa về. Mẹ tôi đành mạnh dạn đưa tôi đến trường gặp thầy Đẩu xin cho tôi học. Sau khi làm các thủ tục học vụ và thầy giáo vui vẻ nhận lời. Mẹ tôi cám ơn thầy rồi ra về. Tôi ở lại trường và theo thầy dẫn đến lớp nhập học.  Thầy chỉ cho tôi ngồi vào bàn, đồng thời giới thiệu tên tôi cho cả lớp biết. Lúc đó bao cặp mắt tinh nghịch của tụi học trò trai gái nhìn vào tôi lè lưỡi, bỉu môi, hú mồm, trợn mắt trêu chọc. Tôi là học trò mới đến chẳng biết gì cả. Trong lòng cảm thấy lo lo, sờ sợ. Nhất là khi thấy mấy trò bị thầy đánh đòn dồn dập (vì thầy nói không nghe, không chịu làm bài tập) thì tôi càng run và tự nghĩ bụng: " Không biết mình có vượt qua được những cực hình nặng nề này không ? ".
Tan học, tôi chạy vụt ra khỏi cổng trường định chạy một mạch về nhà thì bỗng nghe tiếng gọi tên tôi ở phía sau. Tôi đứng lại nhìn lui, thấy một trò gái đi nhanh đến chỗ tôi và tươi cười nhẹ nhàng hỏi:
“ Trò mới đi học buổi đầu tiên có vui không ? ". Tôi trả lời cộc lốc : "ngán lắm ". Trò ấy hỏi tiếp: "Sao vậy ? "- “Chẳng sao cả, thầy dữ dằn lắm, không mê được". Tôi trả lời thế và đi về nhà. Trò gái ấy theo tôi một đoạn rồi chào tôi và mỉm cười chia tay. (Trò gái đó chính là con của bà Đội Mái ở kiệt sau nhà tôi. Tên cô ở nhà là Bò, tên đi học là Phạm Thị Vinh Thuận).
Về sau, gia đình tôi và gia đình Vinh Thuận thân nhau lắm. Mẹ tôi và mẹ cô ấy rất hợp tính nhau. Hai gia đình qua lại với nhau thân thiết Có việc gì là giúp đỡ nhau tận tình như chị em ruột thịt. Thỉnh thoảng đi tham quan, du ngoạn đều rủ nhau đi và chụp ảnh chung hai gia đình. Có ảnh tôi và Thuận chụp chung. Hai đứa mặc bộ đồ thể thao ngắn, khoác vai nhau cười vui hồn nhiên thời thơ ấu. Thuận hiền lành, dễ thương, ít nói, hay mỉm cười. Ba mẹ tôi rất quý mến Thuận như con đẻ. Thỉnh thoảng ba mẹ Thuận bận việc đi vắng nhà cả ngày thì Thuận được gửi sang nhà tôi chơi và ở lại ăn cơm với chúng tôi như anh em trong một gia đình. Cũng có lúc ba mẹ tôi đi vắng xa một hai hôm, tôi được gửi sang nhà Thuận ăn chơi rồi ngủ lại qua đêm bên ấy. Buồn cười nhất là những hôm như thế, ba mẹ Thuận để cho hai đứa con nít ngủ chung với nhau, kể chuyện cổ tích cho nhau nghe rồi cười khúc khích trong chăn. Có lúc hai đứa thương nhau quá, hôn má nhau, kéo tai nhau đùa giỡn hồn nhiên thoải mái... Thuận rất quý mến tôi và hay bênh tôi lắm. Có lần ba tôi tức bực đánh đập tôi về chuyện tự động rủ nhau đi trèo cây cao bắt tổ chim. Nghe tiếng tôi khóc to, Thuận chạy sang ngay, khóc theo tôi rồi lạy xin ba tôi tha đòn cho tôi. Ba tôi thương tình con trẻ đã dừng tay, cất roi. Lúc đó tôi sung sướng vô cùng! Tuy tôi không bị đánh nữa nhưng tiếng nấc khóc lại to hơn, dài hơn như trong cơ thể có thêm nguồn sức mạnh tình ái tuổi thơ.
Ôi tuổi thơ của cuộc đời sao mà dễ thương, trong trắng quá ! Sao cứ mặn mà nhớ mãi khó quên ! Tôi yêu tuổi thơ biết nhường nào ! Nhiều lúc tôi muốn khóc thật lâu cho tuổi thơ còn mãi... 

Không có nhận xét nào: