Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

NHÂN NGÀY 8-3, NHỚ LẠI LỊCH SỬ TA
-CHUYỆN HAI BÀ TRƯNG KHỞI NGHĨA
                       ==00==
Trưng Trắc, Trưng Nhị là hai chị em sinh đôi (sinh vào ngày mồng một, tháng tám, năm Giáp Tuất, năm 14 CN), là con gái của Lạc tướng huyện Mê Linh (người đứng đầu bộ lạc huyện Mê Linh, thuộc tỉnh Vĩnh Phúc) thuộc dòng dõi Hùng Vương. Mẹ là bà Man Thiện. Hai Bà Trưng mồ côi cha sớm nhưng được mẹ quan tâm nuôi nấng, dạy con lòng yêu nước, rèn luyện sức khoẻ, rèn luyện võ nghệ. Chồng bà Trưng Trắc là Thi Sách, con trai Lạc tướng huyện Chu Diên. Lúc bấy giờ nhà Đông Hán đang cai trị hà khắc nước Việt, viên tướng Thái thú Tô Định là người vô cùng bạo ngược, tham lam. Hai bà cùng Thi Sách chiêu mộ nghĩa quân, chuẩn bị khởi nghĩa, nhưng Thi Sách bị Tô Định giết chết. Hận giặc hãm hại nhân dân, giết hại chồng mình, Trưng Trắc đã cùng em gái Trưng Nhị phát động cuộc khởi nghĩa ở cửa Sông Hát vào mùa xuân năm Canh Tý (năm 40 CN) là cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nhân dân Âu Lạc toàn diện và rộng khắp, chống lại thế lực phong kiến phương Bắc ở đầu công nguyên. Cuộc khởi nghĩa ban đầu thành công, hai Bà xưng Vương đã tập họp được nhiều nghĩa quân để chống giặc, đã tiến đánh chiếm lại được nhiều ví trí quan trọng và chém sát thương tướng giặc Tô Định. Sau đó, vua Hán Vũ Đế sai bị tướng Mã Viện đem đại quân sang tấn công rồi vây hãm các căn cứ quân ta để tiêu diệt dần. Quân của Hai bà đã phản công kịch liệt vào năm Nhâm Dần(năm 42) đã tiêu diệt được nhiều toán quân của Mã Viện, nhưng về sau, lực lương quân ta giảm sút nhiều, đồng thơi lương thảo cũng cạn kiệt, tình thế nguy ngập không chống cự nổi với giặc. Cuộc khởi nghĩa đến đầu năm Quý Mão (năm 43)đã hoàn toàn bị thất bại. Hai bà Trưng không chịu để giặc bắt đã hiên ngang trầm mình xuống sông Hát tự vẫn(vào ngày 6-3) để giữ khí tiết.
Đó là cuộc khởi nghĩa do phụ nữ lãnh đạo duy nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam, lập nên một Nhà nước vương triều độc lập, thống nhất và tự chủ thời kỳ ấy. Chấm chấm dứt giai đoạn thống trị của phong kiến phương Bắc lần thứ nhất dài tới 246 năm (207 TCN - 39 CN).
Sử nước ta viết: ''... Trưng Vương là dòng dõi Hùng Vương, chị em đều có tướng dũng lược, căm giận Tô Định chính lệnh hà khắc tàn ngược tụ họp người các bộ, hăng hái dấy đội quân hùng mạnh, lừng lẫy uy danh, quận huyện hưởng ứng , cho nên lấy được 65 thành ở Lĩnh Ngoại, thu lại hết đất cũ Nam Việt, cũng là bậc hào kiệt trong nữ lưu..."
Hai Bà Trưng được coi là anh hùng dân tộc của Việt Nam, và được thờ cúng tại nhiều đền thờ, trong đó lớn nhất là Đền Hai Bà Trưngquận Hai Bà Trưng, Hà Nộiđền Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (nay là Mê Linh,Hà Nội) - quê hương của hai bà. Ngoài ra, nhiều nơi trong nước đã lập ra những đền miếu để tưởng nhớ về hai vị nữ anh hùng của dân tộc từ thời xa xưa.
Đại Nam quốc sử diễn ca có đoạn kể về cuộc khởi nghĩa của Hai bà Trưng đã trở thành quen thuộc đối với người Việt:
Bà Trưng quê ở Châu Phong
Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên
Chị em nặng một lời nguyền
Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân
Ngàn tây nổi áng phong trần
Ầm ầm binh mã xuống gần Long Biên
Hồng quần nhẹ bước chinh yên
Đuổi ngay Tô Định, dẹp yên biên thành
Kinh kỳ đóng cõi Mê Linh
Lĩnh Nam riêng một triều đình nước ta
Ba thu gánh vác sơn hà
Một là báo phục hai là Bá Vương
Uy danh động tới Bắc Phương
Hán sai Mã Viện lên đường tấn công
Hồ Tây đua sức vẫy vùng
Nữ nhi địch với anh hùng được sao!
Cẩm Khê đến lúc hiểm nghèo
Hai Bà thất thế cùng liều với sông!
Trước là nghĩa, sau là trung
Kể trong lịch sử anh hùng ai hơn.
Hàng năm, vào ngày 6 tháng 3 âm lịch, là ngày giỗ hay là lễ hội tưởng nhớ Hai bà, và hiện nay tại nhiều nơi trong nước Việt Nam cũng như cộng đồng người Việt tại nước ngoài đều làm lễ tưởng niềm đến ngày đó vào dịp  8 tháng 3.
                         Hà Nội tháng 3 năm 2014      
               Nguyễn Hồng Trân sưu tầm và biên tập lại

Không có nhận xét nào: