Thứ Tư, 24 tháng 9, 2014

BÀI HỌC CUỘC ĐỜI
                                ==00==
Trong thiên hạ có người sống thọ, có người sống yểu khác nhau. Có người may mắn sống thọ lâu năm với con cháu đông đúc vui vẻ; có người xui xẻo lìa đời quá sớm để lại bao nỗi đau thương cho gia đình, bà con. Còn lại thì đa số người dã từ trần về cõi âm ở những lứa tuổi già lão bình thường. Nói chung, ai rồi trước sau cũng trở về với cát bụi mà thôi. Đó là quy luật tạo hóa cuộc đời” SINH-LÃO -BỆNH- TỬ.
Có thể nói cuộc đời con người trên trần gian này không lâu. Do đó phải sống làm sao cho có đức, có tâm, có tinh thần “mình vì mọi người thì mọi người mới vì mình” mà chịu khó rèn luyện bản thân có đạo lý và trí tuệ. Không ai có thể đứng ra dạy đời được cả. Vì có ai dám nói: “cuộc đời tôi đã trải nghiệm hoàn hảo!...”.
Vì thế nên mỗi người tự mình tìm hiểu thực tế trong cuộc sống để rút ra những bài học cho cuộc đời mình có ý nghĩa. Đó là phải biết học hỏi cái hay, cái tốt trong thiên hạ. Nên nghĩ rằng, trong xã hội có nhiều người tài giỏi hơn mình.Đồng thời luôn có ý thức, thái độ khiêm tốn, hòa nhã, biết kính trên, nhường dưới. Làm người phải biết tự trọng, không tự cao, tự mãn cho rằng mình luôn luôn hơn người khác mà sinh ra thái độ đối xử ngạo mạn, trịch thượng thì người ta sẽ không có lòng tin, không quý trọng, không nể phục đâu!...
Người có đức, có tài là biết làm cho người khác phải tâm phục, khẩu phục mà không phải dùng đến lời lẽ nặng nề, dọa nạt khi phê phán người khác. Có như thế mới đem lại kết quả được niềm tin của nhiều người. Dân gian ta có câu: “Mật ngọt chết ruồi, mắm mạn không chết troi bao giờ”. Nghĩa là phải biết dùng những lời lẽ ôn tồn để phê bình, góp ý thì có sức thuyết phục mạnh hơn.Nghĩa là phải biết xử sự một cách tế nhị. Điều này không phải ai cũng làm được. Có những người có học và có địa vị cao, học vị cao cũng còn nhiều khiếm khuyết trong vấn đề này.
Cái giá trị nhân bản của con người là ở chỗ đó, chứ không phải ở chỗ có nhiều tiền, có địa vị, học vị cao mà người ta quý trọng và kính nể. Thực tế trong cuộc sống thường ngày đã chứng tỏ điều này.
Thế nhưng hiện nay, trong xã hội mới hiện đại có những thứ đã làm lu mờ ý nghĩa nhân văn đó. Vì thế, nên một số người thiếu tâm đức lại có cơ hội phát triển tính tự cao, thiếu khiêm tốn, bất nhã, coi thường người khác. Những kẻ đó cứ hay cho mình là hơn người, cái gì mình nghĩ, mình nói đều đúng mà không tôn trọng ý kiến của người khác. Thậm chí có người còn tỏ thái độ tinh tướng, hống hếch đe dọa người khác không tiếc lời. Cứ tưởng rằng như thế người ta sẽ sợ mình, sẽ chiều theo ý mình. Thế là nhầm rồi!
Đừng có ảo tưởng như vậy! Cái gì nó cũng có giá phải trả cả đấy các ngươi ạ!... Không cần ai dạy đời ai cả, mà chỉ cần chú ý rút kinh nghiệm mà sống trên đời cho phải đạo lý mà thôi. Phải biết đối nhân xử thế cho phù hợp với tình người, nhất là đối với những người có chức, có quyền, có danh vị, học vị lại càng chú ý tu thân tích đức, hướng thiện nhiều hơn.
Bài học cuộc đời là như thế!

Thứ Sáu, 19 tháng 9, 2014


      DÒNG SÔNG DĨ VÃNG

Dòng sông dĩ vãng cứ trôi dài
Kỷ niệm buồn vui cứ vãng lai
Sáu khắc ngày sang còn hiện rõ
Năm canh đêm đến cứ phơi bày
Trong xanh làn nước êm đềm chảy
Trắng đục mây trời lãng đãng bay
Nỗi nhớ triền miên lòng bịn rịn
Người xưa ẩn hiện cuốn hồn say!...
                ===000===   
                    Nguyễn Hồng Trân

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

 CHUYỆN TUẦN LỄ VÀNG NĂM XƯA THÁNG 9 NĂM 1945
                                         ==00==
                            Nguyễn Hồng Trân
Trong bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh giử cho đồng bào cả nước vào ngày 17-9, Người đã nêu rõ ý nghĩa to lớn của việc tổ chức Tuần lễ Vàng và kêu gọi mọi người tích cực tham gia. Bức thư có đoạn: “ Tổ chức “Tuần lễ Vàng” không những có ý nghĩa giúp vào nền tài chính quốc phòng, nó còn có một ý nghĩa chính trị quan trọng. Vì vậy tôi mong rằng toàn quốc đồng bào, nhất là các nhà giàu có, hết sức vì nước hy sinh. Tôi tin rằng, toàn quốc đồng bào, nhất là các nhà giàu có, trong sự quyên giúp này, sẽ xứng đáng với sức hy sinh phấn đấu của các chiến sĩ ái quốc trên các mặt trận”.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với lòng nồng nàn yêu nước, nhân dân ta ở khắp nơi đã tích cực hưởng ứng “Tuần lễ vàng” (17 đến 24 tháng 9 năm 1945) và sẵn sàng đóng góp tiền của, vàng, bạc cho Chính phủ lâm thời Việt Nam đang gặp khó khăn về tài chính.
Vào những ngày mùa thu đất nước mới độc lập, không khí hưởng ứng cuộc phát động “Tuần lễ vàng” ở Hà Nội dấy lên rất sôi nổi. Các gia đình khá giả, các quan lại chế độ cũ, nhiều người cũng giác ngộ theo lời kêu gọi của cụ Hồ đã thành tâm, nhiệt tình đem tiền, vàng đến ủng  cho Chính phủ. Trên đường phố Hà Nội những ngày ấy đồng bào đi đóng góp tiền của cho Nhà nước đông như ngày hội. Có cụ già 80 tuổi đã đem ủng hộ cho Chính phủ 17 lạng vàng.
Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã ủng hộ cho Chính phủ được mấy chục triệu đồng và mấy tạ vàng. Sự hưởng ứng nhiệt liệt và tự nguyện ấy của nhân dân đã góp phần đáng kể về giải quyết những khó khǎn về tài chính của đất nước lúc bấy giờ. Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, trong Tuần Lễ vàng đã quyên góp được 40 triệu đồng và 370kg vàng nộp vào Quỹ Quốc phòng và trích ra 20 triệu đồng dành cho Quỹ Độc lập.
Cả tuần lễ đó ở các thành phố lớn trong cả nước như Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn,Cần thơ, Biên Hòa v.v… đều được tổ chức trang trọng “Tuần lễ vàng” và thu được kết quả. Tuy số tiền và vàng của dân ủng hộ không nhiều lắm, nhưng vào thời đó là vô cùng quý giá về cả vất chất và tinh thần.  Nó thể hiện tình cảm yêu nước của đồng bào ta từ Bắc chí Nam rất nồng nàn, tình nghĩa với Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa mới ra đời rất khó khăn về công quỹ.

NHỚ LẠI TUẦN LỄ VÀNG NĂM XƯA
             SAU NGÀY ĐỘC LẬP  

Mười bảy, tháng chín, bốn lăm, (17-9-1945)
Tuần lễ Nhà nước quyên vàng toàn dân.
Mọi người hăng hái tinh thần,
Ủng hộ Chính phủ đỡ phần khó khăn.
Việt Nam độc lập mới thành,
Ngân quỹ thiếu thốn, thanh danh thế nào?
Bác Hồ kêu gọi đồng bào,
Hảo tâm đóng góp nâng cao tấm lòng.
Phụng sự Tổ quốc non sông,
Độc lập dân chủ thành công vững bền.
                        ==00==
                 Nguyễn Hồng Trân


Thứ Năm, 11 tháng 9, 2014

                NHỚ CÁC MÓN CHÈ HUẾ NĂM XƯA
                                  ==00==
Từ nhỏ đến bây giờ, tôi rất thích ăn chè. Tôi cũng đã từng đi đó đây trong đất nước Việt Nam ta và thưởng thức các món chè ở nhiều nơi như ở Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Sài gòn, Cần Thơ… Nơi nào cũng có các món chè, nhưng theo tôi và nhiều người đã nói thì không có nơi nào mà các món chè phong phú và thơm ngon như chè ở Huế. Có thể kể ra các món chè đó như: chè hạt sen, chè đậu ván, chè xanh đánh, chè trôi nước, chè kê, chè môn, chè khoai tía, chè khoai từ, chè bình tinh, chè đậu đen, đậu đỏ, chè đậu phụng(lạc), chè bắp non(ngô non), chè thập cẩm… Đặc biệt ngày xưa có chè thịt quay nữa. Mỗi loại chè đều có một vị riêng rất thơm ngon.
Tôi và ba tôi ngày xưa ở Huế thường ăn chè mỗi tuần vài ba lần. Ba tôi kéo tôi đi theo ra hàng chè ở chợ Đông Ba, hoặc các quá chè trong thành nội để ăn, cũng có khi gọi các cô, các bà bán chè rong ban ngày và cả ban đêm vào nhà để ăn.Hình ảnh các cô, các bà bán chè mặc áo dài gánh chè đi rao dọc đường phố đã in đậm trong mắt tôi từ thuở còn thiếu niên.
Ba tôi ăn nhiều lắm, nhất là loại chè đậu ván và chè kê là ba tôi thích nhất. Ông ăn mỗi lần gần cả chục bát chè. Còn tôi thì thích ăn chè xanh đánh và chề khoai tía, mẹ và các em tôi thì thích ăn chè bắp non và chè thập cẩm.
Sau ngày hòa bình thống nhất đất nước, tôi từ Hà Nội trở về dạy học ở trường Tổng hợp Huế và cả gia đình tôi cũng về định cư tại vùng Bến Ngự, Phủ Cam. Từ đó, tôi lại được thưởng thức lại mấy món chè Huế mà ngày xưa tôi rất thích. Nhưng không phải quán chè nào cũng có chè nấu thơm ngon đậm đà hương vị như ngày xưa. Vì một số quán chè đã dùng đường hóa học nấu chè bán cho có lời nhiều hơn, nên chè không ngon như nấu đường mía thật của thời xưa.
Nói chung, các món chè Huế sau này không còn phong phú và thơm ngon, đậm đà hương vị như chè ngày xưa nữa. Có một số chè bây giờ không còn nữa như chè thịt quay, hoặc ít nấu bán như chè kê, chè môn, chè bình tinh.
Thật là tiếc! không biết khi nào tôi mới được thưởng thức lại các món chè ấy? Chắc là các món chè đó đã theo về với tổ tiên người tạo ra món chè ấy rồi!...
                                ***
(Nguyễn Hồng Trân-cựu GV Đại học Khoa học Huế)

Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

       TUỔI GIÀ AI CŨNG THẾ THÔI!
Tuổi già ai cũng thế thôi,
Mắt mờ, tai điếc, răng thời lung lay.
Tháng ngày nhức mỏi chân tay,
Đêm nằm trăn trở, sáng ngày ngẩn ngơ.
Đi đứng lững chững, vật vờ,
Buồn vui đột ngột, mập mờ hay quên.
Đầu óc cứ nghĩ liên miên:
Tình nghĩa con cháu thảo hiền đến đâu?
Thôi đừng nghĩ ngợi thêm sầu,
SINH-LÃO-BỆNH TỬ là câu luật trời.
Yên tâm thanh thản cuộc đời,
Khi Tổ tiên gọi kịp thời ra đi.
Không còn ân hận điều chi,
Nghĩa tình trọn vẹn không gì băn khoăn...
                   ==00==
        Nguyễn Hồng Trân(cựu GV Đại học TH- Huế)

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

SỨC MẠNH CHÍNH NGHĨA
CỦA BẢN TUYÊN NGÔN ĐỘC LẬP VIỆT NAM 2-9-1945
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập trong cuộc meeting lớn trước hàng chục vạn đồng bào Việt Nam tại quảng trường Ba Đình, Hà Nội, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bản tuyên ngôn độc lập ấy đã trải qua 69 năm trời mà vẫn còn còn vang dội nồng nàn sức mạnh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam.
Ngay vào những lời đầu tiên của bản Tuyên ngôn đã thể hiện một sự khẳng định chân lý nhân quyền trong một đất nước là gì và nó thiêng liêng như thế nào:
 Hỡi đồng bào cả nước!
Tất cả mọi người đều sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Nói đến đây, Hồ chủ tịch nhìn xuống cả biển người đang chú ý lắng nghe và hỏi: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”
Mọi người vui sướng đồng thanh cất tiếng vang lên: “Rõ rồi ạ!”
Người lại tiếp tục nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của chân lý đó. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã liên hệ sắc bén với những bản tuyên ngôn độc lập nổi tiếng của các nước Mỹ và Pháp để làm tăng thêm giá trị của bản tuyên ngôn. Người đọc dõng dạc từng chữ, từng câu:

Lời bất hủ ấy ở trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Suy rộng ra, câu ấy có ý nghĩa là: tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do.
Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 cũng nói: Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi.
Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.
       
Tiếp đó là Người đã mạnh dạn vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp đã dùng lời lẽ mỹ miều mị dân để tuyên truyền chính sách công bằng bác ái đối với dân thuộc địa nhằm lừa bịp dân chúng Việt Nam. Chúng tưởng rằng chúng có thể che lấp được những âm mưu thâm độc và tội ác của chúng đối với nhân dân Việt Nam ta trong  một chuỗi năm trường nô lệ. Nhưng nhân dân Việt Nam đã thấy rõ chân tướng của chúng là muốn làm cho ngu dân, không cho dân chúng được hưởng quyền tự do dân chủ trong cuộc sống. Do đó Người không ngần ngại vạch trần bộ mặt thật của chúng:

Thế mà hơn 80 năm nay, bọn thực dân Pháp lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta. Hành động của chúng trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa.
Về chính trị, chúng tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào”.
        Bản tuyên ngôn độc lập của Người cũng đã dẫn chứng ra cho cả thế giới biết về chính sách cai trị của thực dân Pháp thật là thâm độc,dã man:

Chúng thi hành những luật pháp dã man. Chúng lập ba chế độ khác nhau ở Trung, Nam, Bắc để ngăn cản việc thống nhất nước nhà của ta, để ngăn cản dân tộc ta đoàn kết.
Chúng lập ra nhà tù nhiều hơn trường học. Chúng thẳng tay chém giết những người yêu nước thương nòi của ta. Chúng tắm các cuộc khởi nghĩa của ta trong những bể máu”.

Không những về mặt chính trị- xã hội mà về kinh tế, văn hoá đều bị chúng khống chế và thao túng theo ý đồ của chúng. Đó là:

Chúng dùng thuốc phiện, rượu cồn để làm cho nòi giống ta suy nhược.
Về kinh tế, chúng bóc lột dân ta đến xương tuỷ, khiến cho dân ta nghèo nàn, thiếu thốn, nước ta xơ xác, tiêu điều. Chúng cướp không ruộng đất, hầm mỏ, nguyên liệu. Chúng giữ độc quyền in giấy bạc, xuất cảngnhập cảng.
Chúng đặt ra hàng trăm thứ thuế vô lý, làm cho dân ta, nhất là dân cày và dân buôn trở nên bần cùng.Chúng không cho các nhà tư sản ta ngóc đầu lên. Chúng bóc lột công nhân ta một cách vô cùng tàn nhẫn”.

Mặt khác, bản tuyên ngôn cũng đã nêu lên được cái thực trạng thảm hại của đất nước Việt Nam trong giai đoạn biến cố Nhật Pháp để dân ta và cả thế giới hiểu rõ cái thái độ của Chính phủ Pháp:

Mùa thu năm 1940, phát xít Nhật đến xâm lăng Đông Dương để mở thêm căn cứ đánh Đồng Minh, thì bọn thực dân Pháp quỳ gối đầu hàng, mở cửa nước ta rước Nhật. Từ đó dân ta chịu hai tầng xiềng xích: Pháp và Nhật. Từ đó dân ta càng cực khổ, nghèo nàn. Kết quả là cuối năm ngoái sang đầu năm nay, từ Quảng Trị đến Bắc kỳ, hơn hai triệu đồng bào ta bị chết đói.
Ngày 9 tháng 3 năm nay, Nhật tước khí giới của quân đội Pháp. Bọn thực dân Pháp hoặc là bỏ chạy, hoặc là đầu hàng. Thế là chẳng những chúng không "bảo hộ" được ta, trái lại, trong 5 năm, chúng đã bán nước ta hai lần cho Nhật.
Trước ngày 9 tháng 3, biết bao lần Việt Minh đã kêu gọi người Pháp liên minh để chống Nhật. Bọn thực dân Pháp đã không đáp ứng lại thẳng tay khủng bố Việt Minh hơn nữa. Thậm chí đến khi thua chạy, chúng còn nhẫn tâm giết nốt số đông tù chính trị ở Yên BáiCao Bằng”.

Mặc dù thực dân Pháp đối với nhân dân Việt Nam như vậy, nhưng dân ta vẫn có thái độ xử sự với người Pháp một cách nhân đạo. Bản tuyên ngôn cũng đã dẫn chứng lên điều đó:

Tuy vậy, đối với người Pháp, đồng bào ta vẫn giữ một thái độ khoan hồng và nhân đạo. Sau cuộc biến động ngày 9 tháng 3, Việt Minh đã giúp cho nhiều người Pháp chạy qua biên thuỳ, lại cứu cho nhiều người Pháp ra khỏi nhà giam Nhật và bảo vệ tính mạng và tài sản cho họ”

Bản tuyên ngôn đã khẳng định lại rõ ràng vấn đề tình hình Việt Nam trong giai đoạn cuối để đi đến tổng khởi nghĩa giành chính quyền, thực hiện nền độc lập dân tộc:

        Sự thật là từ mùa thu năm 1940, nước ta đã thành thuộc địa của Nhật, chứ không phải thuộc địa của Pháp nữa. Khi Nhật hàng Đồng minh thì nhân dân cả nước ta đã nổi dậy giành chính quyền, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Sự thật là dân ta lấy lại nước Việt Nam từ tay Nhật, chứ không phải từ tay Pháp. Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ cộng hoà”.

Cùng với những vấn đề nóng hổi cần thiết đã nêu trên, bản tuyên ngôn độc lập đã tuyên bố cho đồng bào cả nước và thế giới biết về vai trò và nhiệm vụ của Chính phủ lâm thời trước vận mệnh của đất nước mới hình thành và cũng nói rõ thái độ của Chính phủ mới trước mọi tình thế xẩy ra:

Bởi thế cho nên, chúng tôi, lâm thời Chính phủ của nước Việt Nam mới, đại biểu cho toàn dân Việt Nam, tuyên bố thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam.
Toàn dân Việt Nam, trên dưới một lòng kiên quyết chống lại âm mưu của bọn thực dân Pháp”.

Cuối cùng của bản tuyên ngôn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quan điểm và trọng trách của Chính Phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trước quốc dân đồng bào cả nước và thế giới:
 
 Chúng tôi tin rằng các nước Đồng minh đã công nhận những nguyên tắc dân tộc bình đẳng ở các Hội nghị TêhêrăngCựu Kim Sơn, quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.
Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập!
Vì những lẽ trên, chúng tôi, Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng:
Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Có thể nói rằng, Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2 tháng 9 năm 1945 đã nói lên ý chí, nguyện vọng của một dân tộc sau 80 nô lệ đau khổ dưới ách thực dân Pháp đã vùng lên giành lấy độc lập tự do cho dân tộc. Một nền độc lập chính đáng. Đây là một bản tuyên ngôn đầy sức mạnh chính nghĩa và có một sức thuyết phục lớn lao đối với mọi người trong và ngoài nước suốt 69 năm qua. ] 
                                         ==00==