BÀI HỌC CUỘC ĐỜI
==00==
Trong thiên hạ có người sống thọ, có người sống yểu khác nhau. Có người may mắn sống thọ lâu năm với con cháu đông đúc vui vẻ; có người xui xẻo lìa đời quá sớm để lại bao nỗi đau thương cho gia đình, bà con. Còn lại thì đa số người dã từ trần về cõi âm ở những lứa tuổi già lão bình thường. Nói chung, ai rồi trước sau cũng trở về với cát bụi mà thôi. Đó là quy luật tạo hóa cuộc đời” SINH-LÃO -BỆNH- TỬ.
Có thể nói cuộc đời con người trên trần gian này không lâu. Do đó phải sống làm sao cho có đức, có tâm, có tinh thần “mình vì mọi người thì mọi người mới vì mình” mà chịu khó rèn luyện bản thân có đạo lý và trí tuệ. Không ai có thể đứng ra dạy đời được cả. Vì có ai dám nói: “cuộc đời tôi đã trải nghiệm hoàn hảo!...”.
Vì thế nên mỗi người tự mình tìm hiểu thực tế trong cuộc sống để rút ra những bài học cho cuộc đời mình có ý nghĩa. Đó là phải biết học hỏi cái hay, cái tốt trong thiên hạ. Nên nghĩ rằng, trong xã hội có nhiều người tài giỏi hơn mình.Đồng thời luôn có ý thức, thái độ khiêm tốn, hòa nhã, biết kính trên, nhường dưới. Làm người phải biết tự trọng, không tự cao, tự mãn cho rằng mình luôn luôn hơn người khác mà sinh ra thái độ đối xử ngạo mạn, trịch thượng thì người ta sẽ không có lòng tin, không quý trọng, không nể phục đâu!...
Người có đức, có tài là biết làm cho người khác phải tâm phục, khẩu phục mà không phải dùng đến lời lẽ nặng nề, dọa nạt khi phê phán người khác. Có như thế mới đem lại kết quả được niềm tin của nhiều người. Dân gian ta có câu: “Mật ngọt chết ruồi, mắm mạn không chết troi bao giờ”. Nghĩa là phải biết dùng những lời lẽ ôn tồn để phê bình, góp ý thì có sức thuyết phục mạnh hơn.Nghĩa là phải biết xử sự một cách tế nhị. Điều này không phải ai cũng làm được. Có những người có học và có địa vị cao, học vị cao cũng còn nhiều khiếm khuyết trong vấn đề này.
Cái giá trị nhân bản của con người là ở chỗ đó, chứ không phải ở chỗ có nhiều tiền, có địa vị, học vị cao mà người ta quý trọng và kính nể. Thực tế trong cuộc sống thường ngày đã chứng tỏ điều này.
Thế nhưng hiện nay, trong xã hội mới hiện đại có những thứ đã làm lu mờ ý nghĩa nhân văn đó. Vì thế, nên một số người thiếu tâm đức lại có cơ hội phát triển tính tự cao, thiếu khiêm tốn, bất nhã, coi thường người khác. Những kẻ đó cứ hay cho mình là hơn người, cái gì mình nghĩ, mình nói đều đúng mà không tôn trọng ý kiến của người khác. Thậm chí có người còn tỏ thái độ tinh tướng, hống hếch đe dọa người khác không tiếc lời. Cứ tưởng rằng như thế người ta sẽ sợ mình, sẽ chiều theo ý mình. Thế là nhầm rồi!
Đừng có ảo tưởng như vậy! Cái gì nó cũng có giá phải trả cả đấy các ngươi ạ!... Không cần ai dạy đời ai cả, mà chỉ cần chú ý rút kinh nghiệm mà sống trên đời cho phải đạo lý mà thôi. Phải biết đối nhân xử thế cho phù hợp với tình người, nhất là đối với những người có chức, có quyền, có danh vị, học vị lại càng chú ý tu thân tích đức, hướng thiện nhiều hơn.
Bài học cuộc đời là như thế!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét