Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

CHUYỆN VÊ 11 CÔ GÁI DU KÍCH SÔNG HƯƠNG

            CHUYỆN VỀ 11 CÔ GÁI DU KÍCH SÔNG HƯƠNG 
                  
Những ngày toàn quân và dân miền Nam ta nhất tề đồng khởi đánh quân xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai Ngụy quân, Ngụy quyền vào năm Mậu Thân(1968) đến nay đã trên 40 năm (1968-2012). Một thời mưa bom, bão đạn, bao nhiêu sinh mạng đã lìa đời để cho Tổ quốc, đất nước yên bình; Một thời mà cả nước phải chịu nhiều đau khổ hy sinh để quyết tâm chiến đấu để giành lấy độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất đất nước.
Mấy chục năm qua, cả nước Việt Nam chúng ta luôn luôn ghi nhớ công ơn của  bao anh hùng, liệt sĩ và những người đã có công với Tổ quốc, quê hương đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày thành lập quân đội (22-12-1944—22-12-2012), tôi tìm đến thăm các chị du kích sông Hương ngày xưa còn sống sót để chuyện trò tỏ lòng khâm phục các chị đã một thời oanh liệt dũng cảm chiến đấu quyết tử cho Tổ quốc Việt Nam quyết sinh; cho quê hương, đất nước có được hòa bình như hiện nay.
Tôi đến nhà các chị Hoàng Thị Nở và Chế Thị Mừng ở Huế, được gặp các chị và nghe các chị kể chuyện về những trận chiến đấu ác liệt với quân thù năm Mậu Thân (1968). Các chị vui vẻ nói với tôi rằng: “Bây giờ chúng tôi còn sống sót đến nay là cảm thấy quá may mắn, còn bao nhiêu đồng đội đã hy sinh trở thành liệt sĩ. Cứ mỗi lần nghĩ đến những cảnh đau thương trong chiến tranh hồi đó là chúng tôi không ai cầm được nước mắt, nhất là khi chúng tôi đến thăm viếng các nấm mồ các liệt sĩ đồng đội của mình.Giờ đây chúng tôi –những người còn sống sót sau cuộc chiến đã được Nhà nước quan tâm cho ăn học thêm rồi tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước làm việc, rồi có mái ấm gia đình, chúng tôi cũng cảm thấy mình vẫn còn hạnh phúc hơn bao nhiều chiến sĩ khác. Bây giờ chúng tôi chẳng có đòi hỏi gì thêm cả. Các cấp lãnh đạo cấp trên có quan tâm đến chúng tôi được chừng nào thì chúng tôi được nhờ chừng ấy mà thôi. Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng, trang sử hào hùng chống giặc Mỹ xâm lược của dân tộc ta đã có một chấm nhỏ đỏ rực của những người con gái sông Hương là chúng tôi cảm thấy vinh dự rồi. Điều đó đã góp phần xứng đáng với công lao của bao vị anh hùng liệt sĩ yêu nước đã biết hiến dâng cuộc đời mình cho Tổ quốc, đất nước Việt Nam”.
Sau đó, tôi có hỏi thêm kỹ về đội du kích 11 cô gái sông Hương thì các chị nói rõ thêm được một số điều chi tiết mà tôi muốn kể lại cho quý vị nghe sau đây:

Danh sách 11 cô gái của đội du kích Sông Hương là: 1-Phạn Thị Liên (tiểu đội trưởng), 2-Đỗ Thị Cúc (Tiểu đội phó), 3-Nguyễn Thị Hoa, 4-Đỗ Thị Hoa, 5-Nguyễn Thị Hợi, 6-Nguyễn Thị Diên, 7-Chế Thị Mừng, 8-Nguyễn Thị Xê, 9-Hoàng Thị Hết, 10-Hoàng Thị Sau, 11- Hoàng Thị Nở.
Trong số 11 cô gái du kích Sông Hương, cô Hợi là lớn tuổi nhất =22 tuổi, còn trẻ nhất là cô Nguyễn Thị Xê 17 tuổi (cô sinh năm Tân Mão- 1951). Có đến một nửa số chị em có hoàn cảnh gia đình, người thân đã bị thực dân Pháp và giặc Mỹ tàn sát, giết hại.
Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước chỉ còn lại 5 chị. Đó là các chị Hợi, Mừng, Xê, Nở, Hoa. Còn 6 chị đã hy sinh (năm Mậu Thân 1968 đã hy sinh 4 chị: chị Hoa, chị Diên, chị Sau, chị Hết.  Hai chị đã hy sinh năm 1969-1971 là chị Liên, chị Cúc).
Xuất phát chuyện 11 cô gái Sông Hương là từ đội nữ dân quân cơ sở xã Thuỷ Thanh (vùng Thanh Thuỷ Chánh có Cầu ngói Thanh Toàn). Trước khi thoát ly, các cô gái Thuỷ thanh đều hoạt động hợp pháp ở nhà. Ban ngày họ chằm nón và lên phố bán. Đêm đêm thay nhau dẫn bộ đội, cán bộ vào ra thành phố hoạt động chính trị, nghiên cứu trận địa hoặc thọc sâu diệt trừ bọn ác ôn theo giặc.
Trong dịp chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công nổi dậy năm Mậu Thân 1968, ông Hoàng Lanh đã tổ chức rút cả 11 cô gái của đội du kích Thuỷ Thanh này đi thoát ly và huấn luyện để phục vụ cho chiến đấu. 11 cô gái trong đội du kích đã được ông Thân Trọng Một, ông Hoàng Lanh gọi là “Tiểu đội nữ du kích Sông Hương” và sau đó người ta thường gọi đội du kích 11 cô gái Sông Hương.Trong chiến dịch Mậu Thân này, 11 cô du kích này được chia ra mấy tổ. Tổ thì chịu trách nhiệm chuẩn bị đường hành quân và dẫn tiểu đoàn K10, tổ thì dẫn tiểu đoàn K2 tấn công vào thành phố; tổ thì dẫn các đội công tác chính trị và vũ trang… Sau khi đã chiếm được thành phố Huế, đội nữ du kích này được lệnh phân tán về giúp các đại đội chủ lực truy quét quân Mỹ -nguỵ và bè lũ ác ôn đồng thời đánh địch phản kích chiếm lại thành phố.
Đội nữ du kích này được trang bị 4 cây súng B40 và B41 (súng chống tăng), một khẩu trung liên còn lại là tiểu liên.
Khi địch phản công đánh chiếm lại thành phố Huế, tiểu đội nữ du kích này chuẩn bị đánh lại các cuộc tấn công của địch từ Phú Bài lên cầu An Cựu.
Đạn pháo của giặc bắn dồn dập, bắn nát cả dãy phố từ cầu An Cựu vào. Sau những loạt pháo lại đến bom rơi xuống liên tiếp nổ vang trời rồi dừng lại. Các tổ nữ du kích báo tin cho nhau vẫn an toàn và chuẩn bị sẵn sàng tiêu diệt địch.
Tiếng xe tăng và thiết giáp của quân Mỹ rầm rầm tiến đến vừa bắn xối xả ra phía trước. Cô Liên đưa mắt quan sát rồi ra lệnh:  “đồng chí Hoa và đ/c Sau đợi địch đến thật sát rồi bắn.Khẩu B41 của tôi sẽ bắn chiếc tăng đi đầu, khẩu B40 của hai đ/c bắn chiếc thứ 2, mấy chiếc đi sau dành cho tổ các đ/c Cúc và đ/c Nguyễn Thị Hoa và đ/c Mừng. Ngay sau đó chúng ta tập trung bắn quét bộ binh Mỹ”.
Xe tăng, xe bọc thép Mỹ tiếp tục nhả đạn. Đất bị cày tung lên trước công sự. Chiếc xe tăng đầu đã đến sát. Bỗng tiếng nổ ục oằng vang lên, chiếc xe tăng hung hăng nhất bị cô Liên hạ gục bốc cháy. Mấy giây tiếp theo tổ của nữ cô Đỗ Thị Hoa và Hoàng Thị Sau phóng quả thứ 2. Chiếc M141 của giặc Mỹ bị trúng đạn cháy bùng lên. Tiếp đến là hai quả đạn của 2 tổ Cúc và Mừng ở hai bên sườn lập tức lao ra làm cho hai chiếc xe sau cùng trọng thương nằm bẹp dí tại chỗ. Tiếng súng bắn quét bộ binh giặc của cả 3 tổ đều rộ lên. Xác quân Mỹ chết nằm ngổn ngang trên đường và dọc hè phố. Bọn Mỹ còn lại phía sau tháo chạy.
Sau đó không lâu, giặc Mỹ cho máy bay đến giội bom khắp trận địa. Từng khối nhà bị san phẳng, từng bức tường bị bắn tung lên, cây cối hai bên công sự ào ào đổ xuống. Dưới trận mưa bom, lửa đạn dồn dập, tiếng nổ ầm ầm chát tai không ngớt làm cho nữ tiểu đội trưởng Liên cũng như Hoa và Sau đều ù tai và máu chảy ra chẳng nghe thấy gì nữa.
Sau trận bom này nữa, quân Mỹ lại cho bộ binh đông đúc ồ ạt tấn công vào trận địa nhằm tiêu diệt cho được tiểu đội nữ du kích “VC” (Việt cộng). Nhưng cả lần này bọn chúng cũng bị đánh bật. Xác giặc nằm phơi ra khắp nơi trên đường phố và ở các ruộng rau. Ít lâu sau, bọn Mỹ lại tiếp tục cho máy bay đến giội bom ác liệt hơn, nhưng cũng may là cả tiểu đội vẫn an toàn và lo tranh thủ ăn uống buổi trưa rồi chuẩn bị chiến đấu với giặc trận khác.
Trận này vô cùng ác liệt, bọn địch đã rút kinh nghiệm thất bại những lần trước, chúng cho đạn pháo bắn dồn dập khắp mọi hướng tới và xe tăng và bộ binh địch đã tập trung lực lượng mạnh hơn và đông đúc hơn mấy lần trước tấn công rất nhanh vào trận địa làm cho quân ta không cất đầu lên kịp. Tuy vậy, tổ của nữ du kích Đỗ Thị Hoa và Hoàng Thị Sau bắt đầu phát hoả B40, chiếc xe tăng của giặc đi đầu lập tức bùng cháy, rồi tiếp tục các xe sau cũng xịt khói và lửa bùng lên. Tổ của Chế Thị Mừng, tổ của Đỗ Thị Cúc cũng nổ súng vừa bắn xe tăng và bắn quét bộ binh địch, nhưng lần này giặc Mỹ cậy có quân đông, chúng không bỏ chạy rút lui mà cứ tìm cánh tiến công tiếp. Quân Mỹ cho cả xe tăng ào lên và trên có cả máy bay trực thăng bắn xối xả vào trận địa của tiểu đội nữ du kích của Liên. Liên thấy trên công sự của Hoa và Sau bốc một cột khói lên. Trời cũng sắp tối, quân Mỹ không giám tiến sâu vào nữa.
Tiểu đội trưởng Liên quyết định phải nhanh chóng xuất kích, tiếp cận địch, bất ngờ tấn công đánh bật quân Mỹ ra khỏi cứ địa. Theo lệnh của chỉ huy Liên, cả tiểu đội nữ du kích đã tiến sát quân địch và đồng loạt nổ súng. Bị tấn công dồn dập bất ngờ, nhất là khi nghe đạn B40, B41 nổ, quân giặc hoảng sợ vội vàng tháo chạy, nhưng tiểu đội trưởng Liên ra lệnh dừng lại không cho quân ta đuổi theo tiêu diệt, bởi vì Liên phát hiện những chiếc trực thăng vũ trang của địch đang bay sát trên đầu, bắn Rốc két tới tấp xuống vị trí công sự của tiểu đội. Liên nói với tiểu đội phó Đỗ Thị Cúc: “Địch tháo lui chạy như vịt, nhưng chưa lấy được xác của đồng bọn nên thế nào chúng cũng phản kích trở lại lần cuối cùng để lấy cho được xác chết trước khi trời tối hẳn”.
Một lúc sau, chị Liên và anh bộ đội Thắng đến hầm công sự của Hoa và Sau thì thấy bên ngoài có mấy tên Mỹ nằm chết còn bên trong hầm thì Hoa và Sau ngồi tựa bên nhau. Những mảnh lựu đạn đã băm nát thân thể Sau và Hoa. Có lẽ Hoa và Sau hy sinh khi những quả lựu đạn bọn Mỹ ném lần cuối vào mà các cô không kíp ném trả lại.
Nhìn thấy thế, Liên khóc đầm đìa nước mắt và nói: “Ôi hoa ơi! Sau ơi! Hai bạn ra đi mất rồi! mình có lỗi với hai bạn là đã đến chậm… Hoa ơi! Sau ơi!
Sau đó, Liên ra lệnh cho mọi người: “Chúng ta hãy nhanh chóng trở lại ổn định trận địa để chiến đấu trả thù cho Hoa và Sau.
Các trận chiến đấu càng về sau càng ác liệt. Mặc dù có các đơn vị chủ lực quân giải phóng tiếp ứng nhưng không thể tránh được sự khốc liệt của mưa bom bão đạn trên trận địa nên một số nữ đồng chí trong đội du kích đã hy sinh thêm 2 chiến sĩ nữa là chị Nguyễn Thị Diên và chị Hoàng Thị Hết. Thế là trong những trận chống lại sự phản công của quân Mỹ năm Mậu Thân đã có 4 chị đã hy sinh.
Quân ta không thể giữ được thành phố Huế trong hoàn cảnh khó khăn chung của chiến dịch Mậu Thân nên đành phải rút lui để bảo toàn, củng cố lực lượng, đồng thời rút kinh nghiệm, chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để tạo thời cơ quyết tâm chiến đấu để giải phóng miền Nam.
Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất đất nước, các chị em trong đội du kích Sông Hương còn sống sót lại trở về với đất mẹ Thừa -Thiên-Huế và chuyển ngành tham gia các công tác ở địa phương với tinh thần của người chiến sĩ của bộ đội cụ Hồ luôn luôn phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao và để xứng đáng là những người con gái của quê hương đất nước, mặc dù hầu hết các chị đều mang trong mình những vết thương đau dai dẳng vì chiến tranh.
Nhân dịp này chúng tôi gửi đến các chị và gia đình lời chúc mừng sức khỏe và cầu mong cho các chị luôn luôn bình an, thuận lợi trong cuộc sống. Đồng thời qua các chị cho chúng tôi gửi đến gia đình của các chiến sĩ đội nữ du kích sông Hương đã hy sinh năm xưa lời thăm hỏi ân cần và thông cảm với nỗi đau thương mất mát trong chiến tranh vì giặc Mỹ.
                                ===$$===
                                                           
                                                Nguyễn Hồng Trân


VĂNG VẲNG ĐIỆU HÒ RU EM...

                          VĂNG VẲNG ĐIỆU HÒ RU EM .
                                       

Điệu hò văng vẳng ru em ,
Âm thanh vang vọng êm đềm không nguôi:
“Ru em cho theéc cho muồi ,
Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu.
Mua vôi Chợ Quán ,Chợ Cầu ,
Mua cau Nam Phổ, mua trầu Chợ Dinh”...
Điệu ru dìu dịu thân tình ,
Cho em mau ngủ, cho mình nhớ nhau.
Lời ru lan tỏa về đâu ?
Cho người nhớ bạn, cho trầu nhớ cau.
Lời ru còn mãi trước sau ,
Làm sâu nỗi nhớ, đậm màu quê hương.
Điệu hò quen thuộc thân thương ,
Gợi nhiều kỷ niệm chặng đường thuở xưa.
Thương mẹ tần tảo sớm trưa ,
Nhớ em mong mẹ đứng chờ trước sân.
Lời ru văng vẳng xa gần ,
Thấm sâu trong đất, trong dân quê mình...
                    Nguyễn Hồng Trân
                           ==00==

Thứ Hai, 24 tháng 12, 2012

MÙA THU NGOẠN CẢNH TÂY HỒ (Bút ký)

       Bút ký: MÙA THU NGOẠN CẢNH TÂY HỒ
                          Nguyễn Hồng Trân
Cũng khá lâu rồi vợ chồng chúng tôi chưa có dịp dạo quanh Tây Hồ. Trước đây chúng tôi đã từng sống ở Hà Nội nhiều năm trong thời kỳ học tập và công tác. Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, chúng tôi trở về quê hương Trị- Thiên để phục vụ công tác giáo dục và y tế cho đến ngày nghỉ hưu vẫn thường trú ở tp. Huế. Thỉnh thoảng chúng tôi mới có dịp ra Hà Nội thăm con cháu, thăm bà con và bạn bè thân quen…
Lần này, ra chơi Hà Nội được dài ngày, chúng tôi quyết định đi ngắm cảnh ven Hồ Tây. Mùa thu ngoạn cảnh nơi đây sẽ có dịp nhớ lại những kỷ niệm xưa suốt một thời đáng nhớ của tuổi trẻ đã học tập và công tác tại Thủ đô Hà Nội.
Hồ Tây theo truyền thuyết ngày xưa có tên lúc đầu là Đầm Xác Cáo(1)  , sau đó có tên là Hồ Kim Ngưu(2) (Hồ Trâu Vàng). Đến Thế kỷ XVI thì đổi tên hồ thành Dâm Đàm (3). Và tên cuối cùng cho đến sau này hồ được đổi tên là Tây Hồ (4).
Để ngoạn cảnh Tây Hồ,trước tiên, chúng tôi đi dạo dọc con đường Thanh Niên mà ngày xưa gọi là đường Cổ Ngư. Đường này là ngăn cách Hồ Tây và Trúc Bạch. Hồ Trúc bạch ngày xưa cũng thuộc Hồ Tây, sau đó người ta đắp lên một con đê ngăn ra một vùng hồ nhỏ để nuôi cá và xung quanh hồ này trồng nhiều cây trúc để làm mành, làm rèm sáo che nắng, che mưa…Hồ Tây thì rất lớn (hơn 500 hecta và chu vi gần 18 Km), hồ Trúc Bạch thì nhỏ (chỉ vài chục hecta và chu vi chỉ hơn 6 Km). Hai bên con đường này những hàng cây xanh tỏa bóng râm xuống mặt đường thật mát mẻ dễ chịu. Từng đoạn, từng đoạn gần sát mép hồ đều có những chiếc ghế đá hướng ra mặt hồ để cho du khách dừng chân ngồi nghỉ ngơi, ngắm cảnh và chuyện trò tâm sự… Những chiếc ghế nơi đây cũng đã từng chứng kiến muôn vàn cuộc hẹn hò tình tứ của đôi lứa tình nhân ở Hà Nội và cả mọi nơi đến du chơi ngoạn cảnh.
Chúng tôi dạo bộ trên đường này một lúc rồi ghé vào tham quan lại chùa Trấn Quốc mà đã lâu lắm rôi chúng tôi chưa có dịp ghé thăm. Đây là một trong những ngôi chùa cổ của Hà Nội đã có từ thời Lý –Trần và cách đây khoảng 1500 năm. Ngôi chùa rất đẹp, nó tọa lạc trên hòn đảo nhỏ phía Đông của hồ, có ngọn tháp cao xinh xắn màu nâu đỏ. Nơi đây du khách hàng ngày ra vào tham quan tấp nập. Các sinh viên các trường thường đến viếng cảnh chùa để cầu nguyện; nhất là sinh viên trường Nghệ thuật đến ngắm cảnh chùa và vẽ tranh hoặc sáng tác lời ca, khúc nhạc…
 
(vợ chồng tác giả Nguyễn Hồng Trân và Thái Lê Phương ở Tây Hồ 10-2012)
Đến chùa Trấn Quốc làm tôi nhớ đến một sự kiện ngày xưa từ thời chúng tôi còn là sinh viên đến tham quan chùa này vào dịp hè năm 1959 thì được gặp đoàn đại biểu của Chính phủ Ấn Độ sang thăm nước ta do Tổng thống  Rajendra Prasad dẫn đầu ghé vào thăm chùa cùng đi với Bác Hồ. Lúc đó Tổng thống Ấn Độ có tặng cho nhà chùa một cây bồ đề Ấn Độ rất đẹp. Cây bồ đề ấy giờ đây đã sum xuê, to lớn và tỏa bóng mát cho cả một vùng rộng của sân chùa.
Chúng tôi đứng ở sân chùa nhìn ra Hồ Tây nước mênh mông xanh biếc và những làn sóng lăn tăn vỗ nhẹ vào các thành kè ven hồ nghe rất êm ái thanh bình. Nhìn xa xa giữa mặt hồ có nhiều tàu thuyền qua lại chở du khách dạo chơi đây đó tham quan những di tích, thắng cảnh ven hồ như đền Quán Thánh, cung Từ Hoa, chùa Kim Liên, điện Thụy Chương, phủ Tây Hồ…
Trên dọc đường đi ven bờ Hồ Tây, chúng tôi nghe vang vọng những bài ca, khúc nhạc du dương, trữ tình, trầm bổng trong chiều đông ấm áp. Lúc đó chúng tôi bỗng nhớ đến mấy câu ca dao ngày xưa quen thuộc:
Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.
Tiếp đó chúng tôi đi ngược lên phía làng Kẻ Bưởi (ngày xưa có tên là Yên Thái), nơi đây là cái nôi làng nghề làm giấy dó nổi tiếng, nhưng dân làng rất vất vả, người dân phải đi lấy cây dó trên rừng về, phải chặt khúc rồi dã nhỏ bằng cối chày cả ngày đêm mới kịp làm giấy. Có loại giấy quý làng này làm ra được dùng cho nhà vua ban Sắc phong cho các làng xã, tộc phái có sự kiện điển tích về lịch sử, văn hóa đáng được tôn vinh, trân trọng.
Sau khi ra khỏi làng này, chúng tôi lên thuyền du lịch đi về Phủ Tây Hồ(5) để viếng thăm, ngắm cảnh một địa danh linh thiêng của Thăng Long Hà Nội. Phủ Tây Hồ nằm trên một bán đảo nhô ra giữa Hồ Tây, ngày xưa nó thuộc một làng cổ của kinh thành Thăng Long. Chúng tôi đến Phủ Tây Hồ không phải dịp lễ hội thường niên vào ngày rằm tháng Giêng nhưng dân chúng đến hành hương và tham quan cũng rất đông. Chúng tôi đi dạo khắp vùng này và thấy người ta đến đốt vàng mả, hương trầm khói lên nghi ngút lan tỏa khắp cả vòm cây mái ngói. Phủ Tây Hồ còn mang đậm nét cổ xưa ở các điện thờ, đền miếu… Nhất là quang cảnh xung quanh Phủ rất uy nghi, trầm tĩnh. Những cây si, cây sung, cây lộc vừng cổ thụ nghiêng mình sà thân cành gần sát mặt nước Hồ Tây tạo nên một dáng vẻ cổ kính linh thiêng. Đứng trong khung cảnh này, tôi cảm hứng làm mấy câu thơ với tựa đề:
CẢM CẢNH TÂY HỒ
Nước Tây Hồ mênh mông xanh biếc
Thuyền ngày đêm liên tiếp du chơi
Đàn chim bay liệng ngang trời
Như vui với cảnh cùng người tham quan
Đường ven hồ rộn ràng du khách
Tới đền chùa tấp nập hành hương
Người từ khắp cả bốn phương
Về đây cầu nguyện an đường sinh linh…

Trời về chiều, chúng tôi lên thuyền ra giữa Hồ Tây rồi hướng về phía làng Thụy Khê để ngắm cảnh chiều hôm ở một vùng quê ven hồ. Lúc đó trên bầu trời Tây Hồ những đàn chim đang bay chầm chậm thành hàng như hẹn nhau trở về tổ. Bỗng nhiên có một cơn gió mạnh thổi qua làm thuyền chở chúng tôi rung rinh, chồng chềnh, cánh buồm nghiêng ngả và thấy đàn chim trên trời cũng hối hả bay nhanh. Thế là tự nhiên trong lòng tôi cảm thấy lo lo, sợ một cơn lốc đột ngột sẽ lật thuyền như chuyện chìm thuyền của đoàn nghệ thuật Trung Quốc khi chiều tối dạo chơi trên Hồ Tây vào đêm 11-9-1956. Các cụ già hồi đó ở gần Hồ Tây đã kể lại rằng, đoàn thuyền chở đoàn nghệ thuật TQ vừa ra đến giữa Hồ Tây thì đột ngột có một cơn lốc mạnh hất tung cả đoàn xuống hồ. Lúc ấy mọi người hốt hoảng không ngờ việc thiên tai ập đến bất ngờ cho đoàn TQ như thế. Đội cấp cứu đã tích cực cứu nạn được một số người, còn 9 người TQ mất tích. Mặc dù đã chăng lưới tìm kiếm cả đêm, nhưng vẫn không thấy. Hôm sau mới tìm được thi thể của 9 cô gái chưa chồng trong đoàn múa hoa sen của TQ, trong đó có cô Khương Nãi Tuệ là nữ nghệ sĩ múa có tiếng của TQ và một tay sáo danh tiếng là Phùng Tử Tồn cũng bị chết trong đêm hôm ấy. Thật là một chuyện chưa từng xẩy ra ở Hồ Tây từ xưa đến nay như thế!
Sau cơn gió mạnh thổi qua, chúng tôi đang ngồi trên thuyền mà vẫn không lo, cứ ung dung chuyện trò vui vẻ. Nhìn về phía gần bờ làng Thụy Khê có mấy chiếc thuyền nan có những người trên thuyền và dưới nước để vớt rong, mò ốc, bắt cá… cứ râm ran chuyện làm ăn kinh tế. Đặc biệt ở Hồ Tây người ta nuôi loài tôm càng xanh rất phát triển và đem lại nguồn lợi kinh tế khá cao. Trước đây, hàng năm người nuôi tôm càng xanh thu hoạch đến 40 tấn/ năm.  Qua thực tế ẩm thực, chúng tôi cũng biết về các loài cá, loài ốc và tôm ở Tây Hồ rất ngon. Vì thế một số hàng quán nhậu ở ven bờ với các món cá hấp, cá chiên, bún ốc, bánh tôm, v.v…lúc nào cũng đông khách thưởng thức. Ngoài ra, những người sống ven hồ còn cho biết thêm rằng, có một số tổ chức nuôi trồng sinh vật hồ đang nuôi loài cá hồi và nuôi trai lấy ngọc. Điều đó có nhiều hy vọng phát triển nghề nuôi thủy sản ở Tây Hồ được ổn định và bền vững, nếu chúng ta có biện pháp bảo vệ môi trường được tốt, không bị ô nhiễm nặng triền miên.
Sau khi rời khỏi thuyền lên bờ, chúng tôi đi bách bộ một đoạn quanh bờ hồ. Quang cảnh ở đây đã khác nhiều so với ngày xưa. Những hàng cây cau Tây, phượng vĩ, bằng lăng, hoa sữa … như thích thú với đất trời, hồ nước xanh trong và cứ thi nhau vươn mình lung lay thân cành trong gió chiều lộng mát.
Ngày nay con đường bao quanh phía Tây của hồ mang tên Lạc Long Quân, còn đường bao quanh phía Đông chạy dọc đê sông Hồng từ Nghi Tàm đến Nhật Tân là đường Âu Cơ.
Đi một lúc ngắm nhìn đó đây thư giãn tâm hồn, chúng tôi dừng chân ngồi lên ghế đá nhìn ra mặt hồ và hít thở không khí trong lành rồi cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa vào cái thời trẻ trung của cuộc đời sinh viên đã từng đi dạo quanh Tây Hồ với bao nhiêu tâm tình, ước vọng…
Ôi! Mùa thu ngoạn cảnh Tây Hồ thật là thú vị và vấn vương, thương nhớ bung lung, nhớ cảnh vật, nhớ tình người, nhớ hoài!nhớ mãi!..
        Hà Nội, Quý thu, năm Nhâm Thìn = 2012
Chú thích: (1) Đầm Xá Cáo: Theo truyền thuyết là nơi đây hang con cáo chín đuôi thường phá hại dân lành, bị Long Quân dâng nước lên công phá, giết chết con cáo đó và xác cáo phơi trên mặt đầm (đầm là vùng trũng có nước và có cả bùn lầy, lau sậy mọc um tùm).
(2) Hồ Kim Ngưu dựa theo truyền thuyết hồ Trâu Vàng. Truyện kể về một người khổng lồ ở đất Việt, sức khỏe phi thường, không ai địch nổi. Ông xuất gia làm thiền sư, đó chính là thiền sư Minh Không. Thiền sư Minh Không sang Tàu chữa bệnh cho con vua Tống. Khi công việc hoàn thành, vua muốn trả ơn. Nhà sư chỉ xin một ít đồng đen cho vào tay nải. Vua Tàu đồng ý cho thiền sư tự ý vào kho lấy đồng. Thiền sư đã lấy đồng đen đem về nước Nam. Về đến Thăng Long, ông dùng số đồng đó đúc thành bốn thứ bảo khí nhà Phật: Tượng Phật, tháp Báo Thiên, đỉnh đồng và một quả chuông đồng rất lớn. Chuông đúc xong, đức vua sai ông đánh một hồi chuông dài để báo hiệu cho dân chúng biết tin vui nước nhà đang thái bình thịnh trị! Tiếng chuông ngân đến tận kinh đô bên Tàu. Nghe tiếng chuông con trâu bằng vàng to lớn nằm trước kho đồng bên Tàu tự dưng bừng tỉnh "Đồng đen là mẹ của vàng" ngỡ là tiếng mẹ gọi nó liền vươn mình phóng thẳng xuống phương Nam tìm đến quả chuông khổng lồ, quần mãi xung quanh khiến cho cả một vùng đất lớn quanh quả chuông sụt xuống thành một vùng hố sâu và nước tràn đầy trải rộng thành một hồ nước mênh mông.
(3) Dâm Đàm: Theo sách Hồn sử Việt thì khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long, hồ Kim Ngưu trở thành một địa điểm du ngoại được nhà vua và các quan ưa thích, nhiều lần trong các buổi du thuyền trên hồ, nhà vua gặp sương mù bao phủ, cảnh tượng hồ trở nêm huyền ảo mộng mơ, vì vậy hồ đã được đổi tên là Dâm Đàm.
(4)Tây Hồ: Đến năm 1573, để tránh tên húy của Vua Lê Thế Tông là Duy Đàm, người ta đổi là Tây Hồ. Cái tên Tây Hồ có từ đó, ngoài lý do trên, có lẽ việc đặt tên này nhằm sánh với phương Bắc, vì ở Trung Quốc cũng có Tây Hồ nổi tiếng ở Hàng Châu. Việc đặt tên các địa danh, sông hồ của Việt Nam theo chữ nghĩa  Trung Quốc là chuyện bình thường. Tây Hồ là cách đọc Hán Việt của hồ Tây, và hồ Tây đã trở thành cái tên gần gũi, lâu dài, nên thơ nhất đối với người Hà Nội cũng như nhân dân cả nước.
(5)Phủ Tây Hồ:nơi đây ngày xưa có một ngôi đền thờ bà chúa Liễu Hạnh, một người đàn bà tài hoa, giỏi đàn ca, thơ phú, đức độ nên đã được dân gian thần thánh hoá rồi tôn vinh lên thành đức Thánh Mẫu . Hàng năm vào rằm tháng Giêng âm lịch, khách hành hương về đây rất đông, vừa đi lễ cầu mong Thánh Mẫu ban cho điều lành và mọi sự may mắn; vừa đi thưởng ngoạn cảnh đẹp Tây Hồ. 


Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012

"ĐI THƠM VỀ THÚI" -Câu chuyện vui có thật

       “ĐI THƠM VỀ THÚI:
- CÂU CHUYỆN VUI CÓ THẬT Ở HUẾ
    
                                       Nguyễn Hồng Trân

          “Đi thơm- về thúi” là câu chuyện vui có thật ở Huế ngày xưa mà đến nay người ta vẫn còn nhắc đến và kể cho nhau nghe cho vui.
Đó là chuyện về hai cô nữ sinh trường Đồng Khánh – Huế học giỏi, có năng khiếu văn thơ và đã thi đoạt giải cao. Vua Bảo Đại biết tin và khuyến khích ban thưởng cho mỗi cô một chiếc bút Paker kèm một quyển sổ tay, đồng thời mời cho đi du ngoạn trên không gian kinh thành Huế bằng máy bay thể thao chuyên dụng của nhà vua.
Khi nhận được giấy mời vào mùa hè năm 1938, hai cô nữ sinh Hoàng Thị Bích Dư(người quê ở Quảng Trị) và Nguyễn Thị Thiếu Anh(người Hà Tĩnh) rất hân hoan sung sướng vì vinh dự được nhà vua ưu ái ban thưởng cho chuyến du ngoạn hàng không đặc biệt này. Trước khi đến sân bay Tây Lộc- Huế để  chuẩn bị cho cuộc hành trình này, cả hai cô mặc y phục và trang điểm rất đẹp đẽ và xịt nước hoa thơm lừng. Bà con, bạn bè, cô thầy giáo cũng đến tận sân bay để chứng kiện một sự kiện nhỏ có ý nghĩa này.
Chiếc tàu bay đã đậu sẵn ở sân bay. Một lát sau có chiếc xe con bóng loáng đưa nhà vua đến. Người lại xe mở cửa mời  vua Bảo Đại ra xe. Mọi người đứng xung quang vỗ tay chào nhà vua. Vua Bảo Đại vẫy tay chào mọi người và gọi hai cô Dư và Cẩm đến. Hai cô cúi đầu chào nhà vua rồi lên máy bay. Mọi người vui tươi chào tiễn vua và hai cô. Vua Bảo Đại cười vui cũng vẫy tay chào rồi ngài vào buồng lái đóng cửa lại. Máy bay khởi động chạy nhanh dần trên đường băng và cất cánh lên cao rồi liệng quanh trên bầu trời Kinh thành Huế. Hai cô sung sướng vui cười nhìn quang cảnh toàn thành phố và cả những vùng ngoại ô thật rõ ràng tuyệt đẹp…
Dòng sông Hương mơ mộng hiền hòa uốn mình lững lờ trôi về biển Thuận An. Núi Ngự Bình, đồi Vọng Cảnh, các chùa chiền, lăng tẩm cứ hiện dần ra trước mắt hết danh lam này đến thắng cảnh khác như những bức tranh khổng lồ kỳ diệu. Hai cô cứ xuýt xoa, thích thú chiêm ngưỡng những cảnh đẹp thiên nhiên và nhân tạo ở Có đô Huế một cách say mê nồng nhiệt cả tâm hồn. Một hồi lâu sau nhiều vòng bay lượn trên không ngắm cảnh mặt đất, nhà vua chuyển sang mục trổ tài thể thao cho dân chúng biết. Vua bảo hai cô chằng giây an toàn qua thân để vua đổi sang kiểu bay lượn khác. Thế là vua Bảo Đại bắt đầu lái máy bay về phía Nam đến núi Ngự Bình thì nhào lộn quay máy bay về phía Bắc kinh thành bay đến An Hòa và cũng cho máy bay lộn nhào rồi quay về phía Nam đến núi Ngự Bình. Cứ như thế, nhà vua cho máy bay nhào lộn mới vài lần thì hai cô đã kêu lên vì chóng mặt bị say máy bay nên đã nôn tháo ra cả quần áo và bốc mùi chua thối ra trong khoang ngồi. Nhà vua thấy thế cũng lo cho hai cô liễu yếu đào tơ nữ sinh Đồng Khánh bị ngất xỉu, nên ngài  cho máy bay liệng chậm dần rồi hạ cánh xuống sân bay.
Nhà vua mở cửa dẫn hai cô xuống máy bay ra ngoài. Hai cô lúc này mặt mũi tái xanh như bệnh nhân đang ốm. Hai cô cảm thấy xấu hổ nhưng vẫn cố gượng mỉm cười với nhà vua và cúi đầu đa tạ ngài rồi kính chào nhà vua để ra về.
Lúc đó người quản máy bay cười và nói:
“Hai cô đi thì thơm mà về thì thúi”. Chắc cũng vì nhà vua muốn lưu niệm một tình huống đặc biệt của thể thao cho các cô thấy và thử sức các cô…
          Qua câu chuyện vui này, tôi đã hứng thứ làm một bài thơ Đường luật để lưu niệm trong cuộc đời tôi đã một thời sinh sống ở cố đô Huế.
                                                   
                               ==00==
Ghi chú: Câu chuyện này do nhà thơ Bích Hoàng (tức Hoàng Thị Bích Dư -cựu nữ sinh trường Đồng Khánh-Huế) kể lại cho tôi nghe trực tiếp vào đầu năm 2012 tại nhà riêng của cô ở 170 phố Cầu Giấy, Hà Nội.
-(1) Chị Thiếu- tức Nguyễn thị Thiếu Anh.
-(2) Em Dư – tức Hoàng Thị Bích Dư.        

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012

MỘT BÀI THƠ BUỒN ...

                    CẢM THÔNG LỜI TÂM SỰ
                    QUA MỘT BÀI THƠ BUỒN
                                    Nguyễn Hồng Trân
Bài thơ “Ngẫm sự đời” của vua Tự Đức là một bài thơ chữ Nôm, thể loại Đường luật (Thất ngôn- bát cú) đã nói lên nỗi niềm tâm sự của ngài về cuộc đời với mối quan hệ gia tộc và xã hội.
           NGẪM SỰ ĐỜI
Sự đời ngẫm nghĩ , nghĩ mà ghê!
Sống gửi rồi ra thác lại về
Khôn dại cùng chung ba tấc đất
Giàu sang chưa chín một nồi kê
Tranh giành trước mắt, mây tan tác
Đày đọa sau thân, núi nặng nề
Thử đến hỏi Tiên, Tiên chẳng thấy
Gượng làm chút nữa để mà nghe…
Ngay hai câu đầu “mở đề”, ta có thể hiểu được nhà vua cảm thấy lòng mình ngao ngán với sự đời thực tại:
Sự đời ngẫm nghĩ , nghĩ mà ghê!
Sống mãi rồi ra thác lại về
Ngài cho rằng, cứ sống mãi với nhiều chuyện rắc rối làm chi rồi cũng đến lúc chết cả thôi.
Đến hai câu tiếp là hai câu “thực”, tác giả muốn nói lên một triết lý là người khôn, kẻ dại cuối cùng cũng chung số phận về với đất mà thôi, chẳng còn ý nghĩa gì:
Khôn dại cùng chung ba tấc đất
Giàu sang chưa chín một nồi kê
Và giàu sang rồi cũng không được dài lâu, bền vững.
Từ triết lý cuộc đời như thế, ngài đã dẫn đến hai câu “luận”:
Tranh giành trước mắt, mây tan tác
Đày đọa sau thân, núi nặng nề
Việc tranh giành nhau quyền lợi, địa vị đã mất mát tình nghĩa, làm tổn thất nặng nề đến đạo lý gia đình, tộc phái. Hai câu này nói lên tâm trạng của nhà vua rất buồn trong hoàn cảnh anh em ruột thịt đã mất đoàn kết muốn hại nhau làm tổn thương đến họ hàng, làng xã…
Cuối cùng hai câu “kết” của bài thơ nói lên sự bế tắc nỗi buồn của nhà vua được chưa giải tỏa:
Thử đến hỏi Tiên, Tiên chẳng thấy
Gượng làm chút nữa để mà nghe…
Ngài không còn hy vọng gì đến đấng thần tiên để giải cứu ưu phiền cho mình nữa mà đành theo số phận cố chịu đựng gắng gượng làm vua để mà nghe thêm những điều thiên hạ luận bàn, phán xét chuyện đời mà thấm thía tiếp thu…

Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

NHÀ MÈO, NHÀ CÁO chuyện ngụ ngôn

                Chuyện ngụ ngôn của Bút Sắt:
                           NHÀ MÈO- NHÀ CÁO
(Nguyễn Hồng Trân sưu tầm, giới thiệu và bình luận)
        Nhà Cáo và nhà Mèo ở sát cạnh nhau. Đôi bên tuy khác tính, khác hình, nhưng cùng chung một loài ăn thịt, vả lại nhà ở gần nhau nên phải giao hảo với nhau cho yên ổn láng giềng.
Cáo thì giàu có, nhà cao cửa rộng, vườn tược mênh mông. Còn Mèo thì nghèo khó, nhà cửa nhỏ hẹp, ruộng vườn nhỏ nhoi. Mèo phải ra sức lao động cho đủ ăn và tích cóp tiền của lo dự phòng khi ốm đau hoặc thiên tai, địch họa.
Rồi một hôm, Cáo sang dòm ngó nơi Mèo sinh sống và bảo:
Bạn Mèo ơi, mình thấy nhà bạn nhỏ bé lắm, để mình giúp bạn xây nhà to hơn nhé.
Nghe người láng giềng giàu có muốn giúp mình, Mèo đồng ý. Thế là Cáo đưa ngay sang một đàn Cáo lớn, Cáo bé để giúp Mèo xây nhà.
Nhà xây chưa xong, Cáo lại ngon ngọt:
Bạn Mèo ơi, mình thấy giếng nước nhà bạn còn bé lắm, để mình giúp đào giếng cho to hơn, sâu hơn để có nhiều nước mạch trong lành nhé.
Nghe Cáo nói vậy thấy cũng phải, Mèo đồng ý. Thế là Cáo cử sang ngay một đoàn Cáo vằn, Cáo vện để đào giếng.
Nhà chưa xong. Giếng cũng chưa xong. Cáo lại ngon ngọt:
Bạn Mèo ơi, mình thấy dưới đất vườn nhà bạn có kho báu đấy, để mình giúp đào cho bạn lấy của lên, bán đi mà sinh sống cho đỡ vất vả nhé.Nghe Cáo nói như thế, Mèo không tin lắm và cũng chẳng ham nhưng vì nể bạn, Mèo đồng ý.
Thế là Cáo cử thêm một lô, một lốc cháu chắt đang thất nghiệp sang giúp Mèo đào xuống đất tìm kho báu để cùng nhau hưởng lợi.
Nhà xây chưa xong; Giếng cũng đào chưa xong; Kho báu không cũng chẳng thấy, Cáo vẫn lại ngon ngọt:
Bạn Mèo ơi, mình thấy đất vườn bạn cần trồng nhiều cây cối xanh tươi, để mình giúp trồng cho bạn những khu rừng cây gỗ quý để bán đi mà cải thiện đời sống nhé. Nghe nói vậy, Mèo lại nể bạn và đồng ý.
 Thế là Cáo huy động cả họ hàng nhà Cáo dồn dập sang sục sạo khắp vườn để lo toan tìm nơi ăn, chốn ở lâu dài với ý đồ giúp Mèo trồng cây, đào hồ, đắp đập v.v...

Qua một thời gian lâu, Mèo mất lòng tin nhưng không giám nói. Vì thực tế nhà đẹp đâu chưa thấy, giếng sâu cũng chưa thấy; kho báu càng không thể thấy; rừng cây gỗ quý cũng chẳng nên cây! nhưng Mèo phải lo lắng về chuyện cả đàn Cáo phá tan cả đất vườn, ăn hết cả đàn gà, ao cá của nhà Mèo đã bao năm cất công tạo lập khiến con cháu nhà Mèo ngày càng thêm khó khăn, khốn khổ. Mèo rất bức xúc và lo lắng cho số phận nhà Mèo, nhưng đã muộn quá mất rồi!!...
Rồi đến một ngày xấu trời nọ, đàn Cáo hung tợn không đủ ăn, đủ mặc bèn trở mặt phá phách, ngang tàng đe dọa sẽ tiêu diệt nhà Mèo để chiếm luôn cả nhà cửa, đất đai vườn tược… 
Ôi! Thấy tình thế lũ cáo hung dữ lấn át càng ngày càng thô bạo quá, nên nhà Mèo cũng rất lo mất cả nhà cửa, ruộng vườn và cả trăm họ nhà Mèo khó mà tồn vong được! Cả nhà Mèo không ăn ngon, ngủ yên, luôn phải nơm nớp lo âu, phòng vệ và cầu mong các bạn bè ở vùng xa tốt bụng thực sự, đến cứu giúp cho nhà Mèo được sống an bình với ngôi nhà và đất đai vườn tược của chính mình mà bao đời tổ tiên nhà Mèo đã ra công xây đắp và gìn giữ vẹn toàn.
                                                       Bút Sắt

LỜI BÌNH của Nguyễn Hồng Trân

Qua câu chuyện ngụ ngôn NHÀ MÈO-NHÀ CÁO của tác giả Bút Sắt, chúng ta thấy thật là thấm thía về sự đời có nhiều chuyện thực tế vui buồn xen lẫn nhau từ sự kiện này đến sự kiện khác. Qua những sự kiện đã diễn ra, người ta dần dần thấy được bản chất cái thiện và cái ác. Những người có lương tâm đạo đức thì luôn tin người khác, cũng như mình và luôn làm điều lành, cũng như sẵn sàng giúp đỡ người khác khị bị nạn, đồng thời cũng rất biết ơn người khác đã nhiệt tâm giúp đỡ mình. Trái lại, những kẻ xảo trá thì luôn luôn tìm cách làm cho người khác dễ tin mình rồi từ đó lợi dụng làm những điều vô liêm sỉ cốt nhằm mục đích vụ lợi riêng cho mình. Họ không bao giờ nghĩ đến lợi ích của người khác.
Chuyện NHÀ MÈO-NHÀ CÁO làm cho chúng ta càng thương cho Mèo vì quá tin bạn Cáo mà thiếu thận trọng, cảnh giác. Mèo quá ngây thơ cứ tin vào những lời ngon ngọt của bạn Cáo mà không xem việc nhà Cáo làm kết quả ra sao và với mục đích gì? Từ đó mới nghĩ ra cách xử sự cho hợp tình hợp lý. Dân gian ta có câu: “Khôn quá là hóa dại» và «Tin quá là hóa đần » ! Thật đúng như vậy! Nhưng cái gì cũng có giá của nó cả. Trước sau rồi cũng phải trả giá đắt cho những việc làm vô tâm, vô đức của họ, kể cả những ai quá khôn cũng như ai quá dại!
                                   ===###===