Thứ Bảy, 29 tháng 12, 2012

CHUYỆN VÊ 11 CÔ GÁI DU KÍCH SÔNG HƯƠNG

            CHUYỆN VỀ 11 CÔ GÁI DU KÍCH SÔNG HƯƠNG 
                  
Những ngày toàn quân và dân miền Nam ta nhất tề đồng khởi đánh quân xâm lược Mỹ và bè lũ tay sai Ngụy quân, Ngụy quyền vào năm Mậu Thân(1968) đến nay đã trên 40 năm (1968-2012). Một thời mưa bom, bão đạn, bao nhiêu sinh mạng đã lìa đời để cho Tổ quốc, đất nước yên bình; Một thời mà cả nước phải chịu nhiều đau khổ hy sinh để quyết tâm chiến đấu để giành lấy độc lập, tự do, hòa bình và thống nhất đất nước.
Mấy chục năm qua, cả nước Việt Nam chúng ta luôn luôn ghi nhớ công ơn của  bao anh hùng, liệt sĩ và những người đã có công với Tổ quốc, quê hương đã hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Nhân dịp kỷ niệm 68 năm ngày thành lập quân đội (22-12-1944—22-12-2012), tôi tìm đến thăm các chị du kích sông Hương ngày xưa còn sống sót để chuyện trò tỏ lòng khâm phục các chị đã một thời oanh liệt dũng cảm chiến đấu quyết tử cho Tổ quốc Việt Nam quyết sinh; cho quê hương, đất nước có được hòa bình như hiện nay.
Tôi đến nhà các chị Hoàng Thị Nở và Chế Thị Mừng ở Huế, được gặp các chị và nghe các chị kể chuyện về những trận chiến đấu ác liệt với quân thù năm Mậu Thân (1968). Các chị vui vẻ nói với tôi rằng: “Bây giờ chúng tôi còn sống sót đến nay là cảm thấy quá may mắn, còn bao nhiêu đồng đội đã hy sinh trở thành liệt sĩ. Cứ mỗi lần nghĩ đến những cảnh đau thương trong chiến tranh hồi đó là chúng tôi không ai cầm được nước mắt, nhất là khi chúng tôi đến thăm viếng các nấm mồ các liệt sĩ đồng đội của mình.Giờ đây chúng tôi –những người còn sống sót sau cuộc chiến đã được Nhà nước quan tâm cho ăn học thêm rồi tuyển dụng vào các cơ quan nhà nước làm việc, rồi có mái ấm gia đình, chúng tôi cũng cảm thấy mình vẫn còn hạnh phúc hơn bao nhiều chiến sĩ khác. Bây giờ chúng tôi chẳng có đòi hỏi gì thêm cả. Các cấp lãnh đạo cấp trên có quan tâm đến chúng tôi được chừng nào thì chúng tôi được nhờ chừng ấy mà thôi. Tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng, trang sử hào hùng chống giặc Mỹ xâm lược của dân tộc ta đã có một chấm nhỏ đỏ rực của những người con gái sông Hương là chúng tôi cảm thấy vinh dự rồi. Điều đó đã góp phần xứng đáng với công lao của bao vị anh hùng liệt sĩ yêu nước đã biết hiến dâng cuộc đời mình cho Tổ quốc, đất nước Việt Nam”.
Sau đó, tôi có hỏi thêm kỹ về đội du kích 11 cô gái sông Hương thì các chị nói rõ thêm được một số điều chi tiết mà tôi muốn kể lại cho quý vị nghe sau đây:

Danh sách 11 cô gái của đội du kích Sông Hương là: 1-Phạn Thị Liên (tiểu đội trưởng), 2-Đỗ Thị Cúc (Tiểu đội phó), 3-Nguyễn Thị Hoa, 4-Đỗ Thị Hoa, 5-Nguyễn Thị Hợi, 6-Nguyễn Thị Diên, 7-Chế Thị Mừng, 8-Nguyễn Thị Xê, 9-Hoàng Thị Hết, 10-Hoàng Thị Sau, 11- Hoàng Thị Nở.
Trong số 11 cô gái du kích Sông Hương, cô Hợi là lớn tuổi nhất =22 tuổi, còn trẻ nhất là cô Nguyễn Thị Xê 17 tuổi (cô sinh năm Tân Mão- 1951). Có đến một nửa số chị em có hoàn cảnh gia đình, người thân đã bị thực dân Pháp và giặc Mỹ tàn sát, giết hại.
Sau ngày hòa bình, thống nhất đất nước chỉ còn lại 5 chị. Đó là các chị Hợi, Mừng, Xê, Nở, Hoa. Còn 6 chị đã hy sinh (năm Mậu Thân 1968 đã hy sinh 4 chị: chị Hoa, chị Diên, chị Sau, chị Hết.  Hai chị đã hy sinh năm 1969-1971 là chị Liên, chị Cúc).
Xuất phát chuyện 11 cô gái Sông Hương là từ đội nữ dân quân cơ sở xã Thuỷ Thanh (vùng Thanh Thuỷ Chánh có Cầu ngói Thanh Toàn). Trước khi thoát ly, các cô gái Thuỷ thanh đều hoạt động hợp pháp ở nhà. Ban ngày họ chằm nón và lên phố bán. Đêm đêm thay nhau dẫn bộ đội, cán bộ vào ra thành phố hoạt động chính trị, nghiên cứu trận địa hoặc thọc sâu diệt trừ bọn ác ôn theo giặc.
Trong dịp chuẩn bị cho cuộc Tổng tấn công nổi dậy năm Mậu Thân 1968, ông Hoàng Lanh đã tổ chức rút cả 11 cô gái của đội du kích Thuỷ Thanh này đi thoát ly và huấn luyện để phục vụ cho chiến đấu. 11 cô gái trong đội du kích đã được ông Thân Trọng Một, ông Hoàng Lanh gọi là “Tiểu đội nữ du kích Sông Hương” và sau đó người ta thường gọi đội du kích 11 cô gái Sông Hương.Trong chiến dịch Mậu Thân này, 11 cô du kích này được chia ra mấy tổ. Tổ thì chịu trách nhiệm chuẩn bị đường hành quân và dẫn tiểu đoàn K10, tổ thì dẫn tiểu đoàn K2 tấn công vào thành phố; tổ thì dẫn các đội công tác chính trị và vũ trang… Sau khi đã chiếm được thành phố Huế, đội nữ du kích này được lệnh phân tán về giúp các đại đội chủ lực truy quét quân Mỹ -nguỵ và bè lũ ác ôn đồng thời đánh địch phản kích chiếm lại thành phố.
Đội nữ du kích này được trang bị 4 cây súng B40 và B41 (súng chống tăng), một khẩu trung liên còn lại là tiểu liên.
Khi địch phản công đánh chiếm lại thành phố Huế, tiểu đội nữ du kích này chuẩn bị đánh lại các cuộc tấn công của địch từ Phú Bài lên cầu An Cựu.
Đạn pháo của giặc bắn dồn dập, bắn nát cả dãy phố từ cầu An Cựu vào. Sau những loạt pháo lại đến bom rơi xuống liên tiếp nổ vang trời rồi dừng lại. Các tổ nữ du kích báo tin cho nhau vẫn an toàn và chuẩn bị sẵn sàng tiêu diệt địch.
Tiếng xe tăng và thiết giáp của quân Mỹ rầm rầm tiến đến vừa bắn xối xả ra phía trước. Cô Liên đưa mắt quan sát rồi ra lệnh:  “đồng chí Hoa và đ/c Sau đợi địch đến thật sát rồi bắn.Khẩu B41 của tôi sẽ bắn chiếc tăng đi đầu, khẩu B40 của hai đ/c bắn chiếc thứ 2, mấy chiếc đi sau dành cho tổ các đ/c Cúc và đ/c Nguyễn Thị Hoa và đ/c Mừng. Ngay sau đó chúng ta tập trung bắn quét bộ binh Mỹ”.
Xe tăng, xe bọc thép Mỹ tiếp tục nhả đạn. Đất bị cày tung lên trước công sự. Chiếc xe tăng đầu đã đến sát. Bỗng tiếng nổ ục oằng vang lên, chiếc xe tăng hung hăng nhất bị cô Liên hạ gục bốc cháy. Mấy giây tiếp theo tổ của nữ cô Đỗ Thị Hoa và Hoàng Thị Sau phóng quả thứ 2. Chiếc M141 của giặc Mỹ bị trúng đạn cháy bùng lên. Tiếp đến là hai quả đạn của 2 tổ Cúc và Mừng ở hai bên sườn lập tức lao ra làm cho hai chiếc xe sau cùng trọng thương nằm bẹp dí tại chỗ. Tiếng súng bắn quét bộ binh giặc của cả 3 tổ đều rộ lên. Xác quân Mỹ chết nằm ngổn ngang trên đường và dọc hè phố. Bọn Mỹ còn lại phía sau tháo chạy.
Sau đó không lâu, giặc Mỹ cho máy bay đến giội bom khắp trận địa. Từng khối nhà bị san phẳng, từng bức tường bị bắn tung lên, cây cối hai bên công sự ào ào đổ xuống. Dưới trận mưa bom, lửa đạn dồn dập, tiếng nổ ầm ầm chát tai không ngớt làm cho nữ tiểu đội trưởng Liên cũng như Hoa và Sau đều ù tai và máu chảy ra chẳng nghe thấy gì nữa.
Sau trận bom này nữa, quân Mỹ lại cho bộ binh đông đúc ồ ạt tấn công vào trận địa nhằm tiêu diệt cho được tiểu đội nữ du kích “VC” (Việt cộng). Nhưng cả lần này bọn chúng cũng bị đánh bật. Xác giặc nằm phơi ra khắp nơi trên đường phố và ở các ruộng rau. Ít lâu sau, bọn Mỹ lại tiếp tục cho máy bay đến giội bom ác liệt hơn, nhưng cũng may là cả tiểu đội vẫn an toàn và lo tranh thủ ăn uống buổi trưa rồi chuẩn bị chiến đấu với giặc trận khác.
Trận này vô cùng ác liệt, bọn địch đã rút kinh nghiệm thất bại những lần trước, chúng cho đạn pháo bắn dồn dập khắp mọi hướng tới và xe tăng và bộ binh địch đã tập trung lực lượng mạnh hơn và đông đúc hơn mấy lần trước tấn công rất nhanh vào trận địa làm cho quân ta không cất đầu lên kịp. Tuy vậy, tổ của nữ du kích Đỗ Thị Hoa và Hoàng Thị Sau bắt đầu phát hoả B40, chiếc xe tăng của giặc đi đầu lập tức bùng cháy, rồi tiếp tục các xe sau cũng xịt khói và lửa bùng lên. Tổ của Chế Thị Mừng, tổ của Đỗ Thị Cúc cũng nổ súng vừa bắn xe tăng và bắn quét bộ binh địch, nhưng lần này giặc Mỹ cậy có quân đông, chúng không bỏ chạy rút lui mà cứ tìm cánh tiến công tiếp. Quân Mỹ cho cả xe tăng ào lên và trên có cả máy bay trực thăng bắn xối xả vào trận địa của tiểu đội nữ du kích của Liên. Liên thấy trên công sự của Hoa và Sau bốc một cột khói lên. Trời cũng sắp tối, quân Mỹ không giám tiến sâu vào nữa.
Tiểu đội trưởng Liên quyết định phải nhanh chóng xuất kích, tiếp cận địch, bất ngờ tấn công đánh bật quân Mỹ ra khỏi cứ địa. Theo lệnh của chỉ huy Liên, cả tiểu đội nữ du kích đã tiến sát quân địch và đồng loạt nổ súng. Bị tấn công dồn dập bất ngờ, nhất là khi nghe đạn B40, B41 nổ, quân giặc hoảng sợ vội vàng tháo chạy, nhưng tiểu đội trưởng Liên ra lệnh dừng lại không cho quân ta đuổi theo tiêu diệt, bởi vì Liên phát hiện những chiếc trực thăng vũ trang của địch đang bay sát trên đầu, bắn Rốc két tới tấp xuống vị trí công sự của tiểu đội. Liên nói với tiểu đội phó Đỗ Thị Cúc: “Địch tháo lui chạy như vịt, nhưng chưa lấy được xác của đồng bọn nên thế nào chúng cũng phản kích trở lại lần cuối cùng để lấy cho được xác chết trước khi trời tối hẳn”.
Một lúc sau, chị Liên và anh bộ đội Thắng đến hầm công sự của Hoa và Sau thì thấy bên ngoài có mấy tên Mỹ nằm chết còn bên trong hầm thì Hoa và Sau ngồi tựa bên nhau. Những mảnh lựu đạn đã băm nát thân thể Sau và Hoa. Có lẽ Hoa và Sau hy sinh khi những quả lựu đạn bọn Mỹ ném lần cuối vào mà các cô không kíp ném trả lại.
Nhìn thấy thế, Liên khóc đầm đìa nước mắt và nói: “Ôi hoa ơi! Sau ơi! Hai bạn ra đi mất rồi! mình có lỗi với hai bạn là đã đến chậm… Hoa ơi! Sau ơi!
Sau đó, Liên ra lệnh cho mọi người: “Chúng ta hãy nhanh chóng trở lại ổn định trận địa để chiến đấu trả thù cho Hoa và Sau.
Các trận chiến đấu càng về sau càng ác liệt. Mặc dù có các đơn vị chủ lực quân giải phóng tiếp ứng nhưng không thể tránh được sự khốc liệt của mưa bom bão đạn trên trận địa nên một số nữ đồng chí trong đội du kích đã hy sinh thêm 2 chiến sĩ nữa là chị Nguyễn Thị Diên và chị Hoàng Thị Hết. Thế là trong những trận chống lại sự phản công của quân Mỹ năm Mậu Thân đã có 4 chị đã hy sinh.
Quân ta không thể giữ được thành phố Huế trong hoàn cảnh khó khăn chung của chiến dịch Mậu Thân nên đành phải rút lui để bảo toàn, củng cố lực lượng, đồng thời rút kinh nghiệm, chuẩn bị đầy đủ mọi điều kiện để tạo thời cơ quyết tâm chiến đấu để giải phóng miền Nam.
Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất đất nước, các chị em trong đội du kích Sông Hương còn sống sót lại trở về với đất mẹ Thừa -Thiên-Huế và chuyển ngành tham gia các công tác ở địa phương với tinh thần của người chiến sĩ của bộ đội cụ Hồ luôn luôn phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao và để xứng đáng là những người con gái của quê hương đất nước, mặc dù hầu hết các chị đều mang trong mình những vết thương đau dai dẳng vì chiến tranh.
Nhân dịp này chúng tôi gửi đến các chị và gia đình lời chúc mừng sức khỏe và cầu mong cho các chị luôn luôn bình an, thuận lợi trong cuộc sống. Đồng thời qua các chị cho chúng tôi gửi đến gia đình của các chiến sĩ đội nữ du kích sông Hương đã hy sinh năm xưa lời thăm hỏi ân cần và thông cảm với nỗi đau thương mất mát trong chiến tranh vì giặc Mỹ.
                                ===$$===
                                                           
                                                Nguyễn Hồng Trân


Không có nhận xét nào: