Thứ Ba, 11 tháng 12, 2012

NHÀ MÈO, NHÀ CÁO chuyện ngụ ngôn

                Chuyện ngụ ngôn của Bút Sắt:
                           NHÀ MÈO- NHÀ CÁO
(Nguyễn Hồng Trân sưu tầm, giới thiệu và bình luận)
        Nhà Cáo và nhà Mèo ở sát cạnh nhau. Đôi bên tuy khác tính, khác hình, nhưng cùng chung một loài ăn thịt, vả lại nhà ở gần nhau nên phải giao hảo với nhau cho yên ổn láng giềng.
Cáo thì giàu có, nhà cao cửa rộng, vườn tược mênh mông. Còn Mèo thì nghèo khó, nhà cửa nhỏ hẹp, ruộng vườn nhỏ nhoi. Mèo phải ra sức lao động cho đủ ăn và tích cóp tiền của lo dự phòng khi ốm đau hoặc thiên tai, địch họa.
Rồi một hôm, Cáo sang dòm ngó nơi Mèo sinh sống và bảo:
Bạn Mèo ơi, mình thấy nhà bạn nhỏ bé lắm, để mình giúp bạn xây nhà to hơn nhé.
Nghe người láng giềng giàu có muốn giúp mình, Mèo đồng ý. Thế là Cáo đưa ngay sang một đàn Cáo lớn, Cáo bé để giúp Mèo xây nhà.
Nhà xây chưa xong, Cáo lại ngon ngọt:
Bạn Mèo ơi, mình thấy giếng nước nhà bạn còn bé lắm, để mình giúp đào giếng cho to hơn, sâu hơn để có nhiều nước mạch trong lành nhé.
Nghe Cáo nói vậy thấy cũng phải, Mèo đồng ý. Thế là Cáo cử sang ngay một đoàn Cáo vằn, Cáo vện để đào giếng.
Nhà chưa xong. Giếng cũng chưa xong. Cáo lại ngon ngọt:
Bạn Mèo ơi, mình thấy dưới đất vườn nhà bạn có kho báu đấy, để mình giúp đào cho bạn lấy của lên, bán đi mà sinh sống cho đỡ vất vả nhé.Nghe Cáo nói như thế, Mèo không tin lắm và cũng chẳng ham nhưng vì nể bạn, Mèo đồng ý.
Thế là Cáo cử thêm một lô, một lốc cháu chắt đang thất nghiệp sang giúp Mèo đào xuống đất tìm kho báu để cùng nhau hưởng lợi.
Nhà xây chưa xong; Giếng cũng đào chưa xong; Kho báu không cũng chẳng thấy, Cáo vẫn lại ngon ngọt:
Bạn Mèo ơi, mình thấy đất vườn bạn cần trồng nhiều cây cối xanh tươi, để mình giúp trồng cho bạn những khu rừng cây gỗ quý để bán đi mà cải thiện đời sống nhé. Nghe nói vậy, Mèo lại nể bạn và đồng ý.
 Thế là Cáo huy động cả họ hàng nhà Cáo dồn dập sang sục sạo khắp vườn để lo toan tìm nơi ăn, chốn ở lâu dài với ý đồ giúp Mèo trồng cây, đào hồ, đắp đập v.v...

Qua một thời gian lâu, Mèo mất lòng tin nhưng không giám nói. Vì thực tế nhà đẹp đâu chưa thấy, giếng sâu cũng chưa thấy; kho báu càng không thể thấy; rừng cây gỗ quý cũng chẳng nên cây! nhưng Mèo phải lo lắng về chuyện cả đàn Cáo phá tan cả đất vườn, ăn hết cả đàn gà, ao cá của nhà Mèo đã bao năm cất công tạo lập khiến con cháu nhà Mèo ngày càng thêm khó khăn, khốn khổ. Mèo rất bức xúc và lo lắng cho số phận nhà Mèo, nhưng đã muộn quá mất rồi!!...
Rồi đến một ngày xấu trời nọ, đàn Cáo hung tợn không đủ ăn, đủ mặc bèn trở mặt phá phách, ngang tàng đe dọa sẽ tiêu diệt nhà Mèo để chiếm luôn cả nhà cửa, đất đai vườn tược… 
Ôi! Thấy tình thế lũ cáo hung dữ lấn át càng ngày càng thô bạo quá, nên nhà Mèo cũng rất lo mất cả nhà cửa, ruộng vườn và cả trăm họ nhà Mèo khó mà tồn vong được! Cả nhà Mèo không ăn ngon, ngủ yên, luôn phải nơm nớp lo âu, phòng vệ và cầu mong các bạn bè ở vùng xa tốt bụng thực sự, đến cứu giúp cho nhà Mèo được sống an bình với ngôi nhà và đất đai vườn tược của chính mình mà bao đời tổ tiên nhà Mèo đã ra công xây đắp và gìn giữ vẹn toàn.
                                                       Bút Sắt

LỜI BÌNH của Nguyễn Hồng Trân

Qua câu chuyện ngụ ngôn NHÀ MÈO-NHÀ CÁO của tác giả Bút Sắt, chúng ta thấy thật là thấm thía về sự đời có nhiều chuyện thực tế vui buồn xen lẫn nhau từ sự kiện này đến sự kiện khác. Qua những sự kiện đã diễn ra, người ta dần dần thấy được bản chất cái thiện và cái ác. Những người có lương tâm đạo đức thì luôn tin người khác, cũng như mình và luôn làm điều lành, cũng như sẵn sàng giúp đỡ người khác khị bị nạn, đồng thời cũng rất biết ơn người khác đã nhiệt tâm giúp đỡ mình. Trái lại, những kẻ xảo trá thì luôn luôn tìm cách làm cho người khác dễ tin mình rồi từ đó lợi dụng làm những điều vô liêm sỉ cốt nhằm mục đích vụ lợi riêng cho mình. Họ không bao giờ nghĩ đến lợi ích của người khác.
Chuyện NHÀ MÈO-NHÀ CÁO làm cho chúng ta càng thương cho Mèo vì quá tin bạn Cáo mà thiếu thận trọng, cảnh giác. Mèo quá ngây thơ cứ tin vào những lời ngon ngọt của bạn Cáo mà không xem việc nhà Cáo làm kết quả ra sao và với mục đích gì? Từ đó mới nghĩ ra cách xử sự cho hợp tình hợp lý. Dân gian ta có câu: “Khôn quá là hóa dại» và «Tin quá là hóa đần » ! Thật đúng như vậy! Nhưng cái gì cũng có giá của nó cả. Trước sau rồi cũng phải trả giá đắt cho những việc làm vô tâm, vô đức của họ, kể cả những ai quá khôn cũng như ai quá dại!
                                   ===###===

Không có nhận xét nào: