Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013

             LỜI CHÀO NĂM MỚI 2014
                            ==00==

Hồng Trân xin chào quý vị bà con và bạn bè quen biết!
Năm 2013 đã qua, năm 2014 đến rồi đó.
Chúng ta ai cũng mong muốn sao cho năm mới này sức khỏe được tăng lên, có thêm nhiều niềm vui mới, mọi việc được thuận lợi trong sự nghiệp và đời sống.
Hãy rút kinh nghiệm một năm qua để năm nay phấn đấu phát triển thành công những hoạt động vì lợi ích bản thân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Thân ái xin chào quý vị!
Hẹn gặp nhau trên mạng xã hội Facebook để cùng nhau chia sẻ, cảm thông những nỗi niềm nhân ái.

Thứ Ba, 24 tháng 12, 2013

            CHÚC MỪNG LỄ GIÁNG SINH
                                  ==00==

Hồng Trân xin chúc tất cả bà con, bạn bè gần xa hãy vui tươi hưởng mùa Giáng sinh thật đầm ấm, hạnh phúc.
Sau đây Hồng Trân xin gửi tặng một bài thơ:

ĐÊM NÔ-EL NGÀY ẤY
         NHỚ HOÀI                                             

Nhà thờ rộn rã tiếng chuông
Ngân vang rung động tâm hồn con chiên
Nhìn lên Đức mẹ dịu hiền
Ngồi trong hang đá sát bên hài đồng
Bên ngoài giá rét mùa đông
Tiếng kinh cầu nguyện ấm lòng thân thương
Lòng ta nhớ mãi quê hương
Nô-el năm ấy Thiên đường tối tăm
Thánh địa đức mẹ La Văng
Đạn bom dữ dội tan hoang cửa nhà
Nhớ lại bao chuyện đã qua
Lòng ta cứ mãi xót xa chuyện đời
Giáng sinh ngày ấy lâu rồi
Nay không còn nữa cái thời chiến tranh
Cầu mong dân được an lành
Chung vui đêm lễ GIÁNG SANH  tưng bừng…
                    Nguyễn Hồng Trân

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

                   CHUYỆN VỀ KẸO CU- ĐƠ HÀ TĨNH
                                            ==00==
                                         Nguyễn Hồng Trân  
 Ngày Nay, nhiều người đi xe ngang vùng Cầu Phủ (thị xã Hà Tĩnh) thường ghé lại mấy quán bán kẹo Cu –Đơ để mua vài gói làm quà. Cửa hàng nào ở đây cũng treo biển hiệu “Kẹo Cu –Đơ chất lượng”, “Kẹo Cu –Đơ đặc biệt”, “Kẹo Cu –Đơ chính gốc” v.v…
Thực ra kẹo Cu Đơ ở Cầu Phủ là mới có thương hiệu sau này mà thôi, nhưng kẹo chưa ngon, còn nhạt nhẽo và không được mềm dẻo như kẹo Cu-Đơ ở Hương Sơn mà chúng tôi đã từng ăn từ thuở xa xưa của tuổi học trò. Xuất xứ lâu đời nhất về loại kẹo này đầu tiên là tại vùng Hương Sơn, Hà Tĩnh. Đây là một loại kẹo lạc(đậu phụng) mà thôi, nhưng quy trình nấu và nguyên liệu thì có khác đôi chút. Kẹo lạc thông thường thì nấu có 3 thứ nguyên liệu chính: đó là đường, đậu lạc hột, bánh tráng(bánh đa), và phụ gia là nước gừng hay dầu chuối, nhưng kẹo Cu –Đơ thì không nấu bằng đường mà nấu bằng mật mía, nên mềm dẻo và thơm ngon.
Người ta đồn rằng, loại kẹo Cu –Đơ nấu ngon nhất là vùng huyện lụy Hương Sơn trên bờ sông Ngàn Phố. Hồi xưa, mới đầu người ta chỉ nói là kẹo lạc của nhà cụ Hai ở Thịnh Xá, là ngon có tiếng. Sau đó có một sự tích mà trở thành tên gọi là “kẹo Cu –Đơ”. Có lẽ do người Pháp đã tạo nên tên gọi đó. Vì tiếng Pháp đọc chữ cụ thành “Cu”, chữ Hai coi như số 2(deux) và đọc là  “Đơ”. Trong sách xưa đã kể lại rằng:
Nghe lưu truyền rằng, từ thời Pháp thuộc,một vị người Pháp đi qua Hà Tĩnh,ông lên dọc sông Ngàn Phố để khảo sát cảnh quan sông núi và thôn quê. Những người dân mời ông một bát nước chè xanh nóng và mời ăn miếng kẹo bọc trong tấm lá chuối khô, ông Pháp đó cũng cầm miếng kẹo và ăn ngon lành, rồi uống nước chè xanh, sau phút ngỡ ngàng ông ta thốt lên:
“Délicieux!” (ngon tuyệt vời).
 Sau đó ông ta hỏi về nguồn gốc loại kẹo bánh ngon kì lạ này và qua người thông dịch, người dân chỉ cho vị này nhà cụ Hai (làng Thịnh Xá, Hương Sơn) nơi đã sản xuất loại kẹo này. Vị người Pháp muốn tìm về nhà ông cụ Hai để xem cách nấu bánh kẹo của cụ. Sau đó ông ta mua hết thảy số bánh kẹo mà ông cụ đang có để về làm quà cho bạn bè và người thân.
Vị người Pháp này mua kẹo của ông cụ Hai bỏ vào hộp và về đề tên Gâteau de CU DEUX (bánh CU-ĐƠ) lên trên mỗi hộp mà ông gửi tặng bạn bè ở Paris, từ “de” trong tiếng Pháp dưới tên dòng tộc như là biểu hiện dòng dõi quý tộc”.
 Từ đó lan truyền ra chính thức cái tên kẹo CU- ĐƠ ngộ ngộ, vui vui này. Có người còn nói tếu là kẹo HAI CU, hoặc kẹo HẠI CU.
Có mấy người bạn từ Hà Tĩnh ra thăm nhà thơ Bút Tre và mời ăn kẹo Cu-Đơ –đặc sản của Hà Tĩnh. Bút Tre(tên thật là Đặng Văn Đăng) rất vui, vừa uống nước chè xanh, vừa ăn ngon lành miếng kẹo. Ăn xong ông vui cười ngâm nga câu một câu  rất khôi hài cho bạn bè nghe:
Không ăn không biết CU ĐƠ,
Ăn rồi mới biết nó đờ cu ra!….

Mọi người nghe vậy cười ồ lên. Có người hỏi thêm nhà thơ:
“Đề nghị nhà thơ giải thích từ “đờ”trong câu thơ?”.
Bút Tre cười rồi nói ngay:
“Ai muốn hiểu từ “ đờ” thế nào cho vui cũng được cả”.
Thế là mọi người vui vẻ, cứ đọc đi, đọc lại câu thơ của Bút Tre và cười thoải mái…
                           

Thứ Năm, 12 tháng 12, 2013

            ĐÊM ĐÔNG MONG NHỚ
                         ==00==
Đêm đông lạnh, vắng em càng lạnh
Chăn gối buồn, hiu quạnh nhớ em
Chập chờn giấc ngủ không yên
Ngoài hiên lá rụng tưởng em đang về!...

Ôi, đơn độc ê chề nhung nhớ!
Nằm thao thức trăn trở tỉnh mê
Nỗi buồn man mác tái tê
Mong em sớm được trở về bên anh.
                       ==00==
Ghi chú: Bài thơ này tôi viết từ mùa đông năm 1973, khi vợ tôi là bác sĩ Thái Lê Phương đang phục vụ công tác y tế thời còn chiến tranh ở chiến trường Trị Thiên.Lúc ấy tôi đang ở Hà Nội và chúng tôi chưa có con. May sao, sau khi hòa bình thống nhất nước nhà năm 1975, vợ tôi vẫn còn sống trở về đoàn tụ được gia đình. Thời gian trôi đi nhanh quá! Thế mà đến nay đã tròn 40 năm. Tôi nhớ mãi bài thơ ấy và đưa lên trang mạng cá nhân của mình để bạn bè khắp nơi cùng chia sẻ.

Thứ Hai, 9 tháng 12, 2013

   NELSON MANDELA-NGƯỜI ANH HÙNG CỦA THẾ GIỚI
                                  ==00==
Nelson  Mandela sinh ngày 18 tháng 7, 1918 và mất ngày 5 tháng 12, 2013) là Tổng thống Nam Phi từ năm 1994 đến 1999, và là tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu. Trước khi trở thành tổng thống, Mandela là nhà hoạt động chống chủ nghĩa apartheid (chủ nghĩa phân biệt chủng tộc), và là người đứng đầu trong phái vũ trang của Đảng Quốc Đại (ANC). Vào năm 1962 ông bị bắt giữ và bị buộc tội phá hoại chính trị cùng các tội danh khác, và bị tuyên án tù chung thân vào ngày 12 tháng 6 năm 1964. Mandela đã trải qua 27 năm trong lao tù, phần lớn thời gian là ở tại Đảo Robben. Trong thời gian ở trong tù, ông còn học được bằng Cử nhân luật thuộc Đại học Lôn Đôn (Chương trình dạy từ xa) để nắm được những kiến thức cơ bản về luật Quốc gia cũng như Quốc tế mà đấu tranh cho hợp pháp.
Sau khi được trả tự do vào ngày 11 tháng 2 năm 1990, Mandela đã lãnh đạo đảng của ông trong cuộc thương nghị để tiến tới một nền dân chủ đa sắc tộc vào năm 1994. Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình từ năm 1994 đến 1999, Mandela thường ưu tiên cho vấn đề hòa giải dân tộc.
Nelson  Mandela là tấm gương sáng chói của tinh thần chịu đựng gian khổ để đấu tranh chống lại mọi sự áp bức, phân biệt chủng tộc và ông không ngừng đấu tranh cho hòa bình thế giới và được cả nhân loại kính phục và mến mộ. Cuộc đời hoạt động của ông vì dân vì nước vì hòa bình tư do, dân chủ của mọi tầng lớp lao động, đã được các tổ chức quốc tế đã đánh giá cao về phẩm chất đạo đức của ông và đã dành nhiều giải thưởng cho ông.
Nelson Mandela đã nhận hơn 250 giải thưởng trong hơn bốn thập niên, trong đó có Giải Nobel Hòa bình năm 1993.
Khi nghe tin ông Mandela từ trần, nhiều nước treo cờ rũ tỏ lòng thương tiếc. Có một số nước như Anh, Pháp, Nhật đã cho đúc tượng ông, đặt tên đường, đặt tên trường học… để lưu niệm, tôn vinh ông –một con người vĩ đại rất xứng đáng cho nhân loại kính phục yêu thương.
Nelson  Mandela thật là xứng đáng là người anh hùng của thế giới. Ông mất đi để lại niềm thương tiếc vô hạn trong lòng dân khắp trên toàn cầu. Mandela giờ đây không còn nữa, nhưng cuộc đời và sự nghiệp của ông vẫn còn sống mãi trong trái tim mọi người.
                                        Nguyễn Hồng Trân

Thứ Ba, 26 tháng 11, 2013

TRỞ VỀ MÁI TRƯỜNG XƯA         

(Nguyễn Hồng Trân- cựu GV của trường)
Xin chào tất cả các bạn đồng nghiệp giáo viên! Nhân dịp ngày nhà giáo VN 20-11-2013, trường ĐHCN Việt Trì đã nhiệt tình đón mời các CB và GV cũ của trường tiền khai ở Hà Nội ngày xưa (trường kỹ thuật II-thành lập vào năm1956) về thăm trường. Chúng tôi rất phấn khởi và biết ơn sự quan tâm chu đáo của Ban Giám hiệu và các thầy cô giáo, CB NV nhà trường đã đón tiếp chúng tôi chu đáo, nồng ấm..
Dịp tựu trường này, chúng tôi thật xúc động khi gặp lại các thầy cũ đã ngoài 80 tuổi cũng cố gắng trở về và cũng gặp được nhiều bạn bè đã mấy chục năm chưa được gặp nhau. Phần lớn các CB và thầy cô giáo từ Hà Nội, một số từ Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, đặc biệt có thầy Lê Tấn Ngạch từ Quảng Bình xa xôi cũng về dự.
Hôm đó chúng tôi có dịp được gặp lại các CB và thây cô như thầy Thanh, Khương (hiệu phó), Đức, Vượng, Lam, Du, Ngạch, Á, Hạnh, Cương… và các cô: Bình Minh, Lệ Thủy, Minh Phượng, Minh Tâm, Thu Hằng, Ngọc Lan, Thanh Xoan, Lệ Khanh, Bạch Tuyết…
Những giờ phút lưu lại trường, chúng tôi được nghe thầy Khoa-Hiệu trưởng, đại diện lãnh đạo trường phát biểu ý kiến chào mừng đoàn CB, GV cũ về thăm trường và đồng thời thầy cũng trình bày vài nét chính yếu về sự trưởng thành của nhà trường trong mấy năm qua. Chúng tôi cảm thấy vui mừng trước sự phát triển nhanh chóng của trường ĐHCN Việt Trì.
Buổi trưa hôm đó, chúng tôi cùng với CB và GV nhà trường cùng dự tiệc mặn tại trường với những món ăn đặc sản miền đồi núi gần Đền Hùng.
Dịp trở về mái trường xưa lần này đã gây được nhiều ấn tượng đẹp trong mỗi người chúng tôi. Những bạn bè đồng nghiệp gặp nhau tay bắt, mặt mừng và hồi nhớ những kỷ niệm xưa đã nối tiếp nhau dồn về trong tâm trí, thật phấn chấn và lâng lâng trong lòng…
Chúng tôi mong vào dịp kỷ niệm 60 năm thành lập trường này (1956-2016), chúng tôi lại được trở về mái trường xưa và được gặp nhau trong bầu không khí tưng bừng, phấn khởi với nhiều cảm xúc hơn nữa…


Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

              NGHIỆP LÁI ĐÒ NGANG
                  ==00==

Hồng Trân xin chào tất cả các bạn đồng nghiệp giáo viên khắp các miền trên đất nước VN lời chào mừng nồng nhiệt nhân ngày Nhà giáo VN 20-tháng 11 năm nay 2013, và xin gửi tặng các bạn bài thơ “NGHIỆP LÁI ĐÒ NGANG”:

Làm nghề dạy học thật là sang!
Kiến thức giàu hơn cả bạc vàng.
Hạnh phúc học trò luôn quý mến,
Niềm vui giáo chức thật vinh quang.
Đưa đò tận bến cho yên ổn,
Chở khách sang sông chẳng dễ dàng.
Chịu khó chèo thuyền vượt sóng gió,
Bền lòng quý nghiệp lái đò ngang…
               Nguyễn Hồng Trân  

Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

     TẢN MẠN VỀ HOÀNG THÁI TỬ BẢO LONG
                   THỜI LƯU VONG Ở PHÁP    
     (Nguyễn Hồng Trân sưu tầm và giới thiệu)
                                  ==00==
Từ khi sang Pháp cùng với gia đình năm 1948, Hoàng Thái tử Bảo Long từng bị giám sát chặt chẽ khi còn đi học ở các trường phổ thông. Sau đó tham gia quân đội Pháp trong tuyệt vọng rồi qua đời lặng lẽ tại Pháp.
Như chúng ta biết, vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị từ năm 1945, nhưng cho đến giữa thập niên 1950, mong muốn và tính toán cho việc đưa Hoàng thái tử Bảo Long (sinh năm 1936) lên ngôi chấp chính vẫn còn âm ỉ. Trên đất Pháp, Bảo Long được chăm chút chuyện học hành; chăm sóc bảo vệ theo tiêu chuẩn của một ông hoàng. Thế nhưng, khác với Bảo Đại, Bảo Long đã tự quăng quật trong khó khăn, luôn cố gắng thoát khỏi bóng dáng chiếc áo bào Vương gia.
Năm 1948, sau khi sang Pháp, bà Nam Phương quyết định cho Bảo Long vào học trường Roches. Đây là một trường đứng đắn, kỷ luật rất nghiêm khắc, được nhà thờ Công giáo bảo trợ. Bà rất hiểu tính nết bướng bỉnh khó bảo của con trai và hy vọng học trường này sẽ làm cho con bà được trở nên thuần thục, trưởng thành  hơn.

Bảo Long cố gắng khép mình vào kỷ luật học đường, song tước vị hoàng tử kế nghiệp cũng cho cậu được hưởng một số đặc quyền như: mỗi buổi sáng cậu ta được tắm nước nóng trong khi các bạn cùng lớp phải tắm nước lạnh. Khẩu phần bữa tối cũng được ưu tiên: được chia nhiều thức ăn hơn, nhiều chocolate hơn. Cậu ta còn đem chia bớt thức ăn, thứ uống cho các bạn.
Bảo Long thông minh, sáng dạ, nhanh chóng hòa nhập với tập thể. Anh ta giỏi văn chương, ngôn ngữ Pháp và cả từ ngữ như tiếng Hy Lạp cổ. Ngược lại về toán và các khoa học tự nhiên thì kết quả bình thường, tuy nhiên, cũng nhiều lần đứng hàng đầu trong bảng tổng xếp hạng.
Thời gian đầu, các thầy cô giáo và bạn học lúng túng không biết xưng hô thế nào cho phải với tước vị cao quý của Bảo Long. Cuối cùng ông hiệu trưởng chọn tên… Philippe để đặt cho cậu Hoàng Thái tử này. Philippe có nguồn gốc Hy Lạp “hyppos”, có nghĩa là ngựa. Vì biết Bảo Long vốn mê cưỡi ngựa. Được hỏi ý kiến về chuyện đặt cái tên Philippe này, Bảo Long về hỏi lại mẹ, cuối cùng cả hai đều đồng ý.
Bảo Long rất giống cha về sở thích thể thao, ông biết chơi nhiều môn. Đây cũng là đặc thù của nhà trường. Phần lớn các buổi chiều đều dành cho hoạt động thể thao. Sinh hoạt lớp có trưởng lớp điều khiển, được gọi là “đội trưởng”. Bảo Long được lòng bạn bè nên từ lớp đệ nhị bậc Trung học ông được chỉ định làm trưởng lớp.
Lên 17 tuổi, Bảo Long đỗ tú tài triết học, nhưng vẫn luôn luôn có cảnh binh đi kèm. Sau này Bảo Long kể lại: “Tôi phải sống ngăn cách với thế giới xung quanh, đi đâu đều có cảnh binh bảo vệ, mặc dù ở Cannes là cả một thế giới ăn chơi, có ôtô sang trọng, có máy bay riêng, có gia nhân đầy tớ. Tóm lại tôi không biểu sao người ta lại bắt tôi sống trong ký túc xá trường trung học Roches, kỷ luật khắt khe, thiếu thốn mọi thứ. Sau này tôi mới hiểu, chính mẹ tôi muốn tránh cho tôi khỏi bị nuông chiều quá, tránh cuộc sống phóng đãng như cha tôi, một lối sống đã gây cho bà nhiều đau khổ”.
Dù sao, Bảo Long cũng được cha tặng một chiếc ôtô làm quà sinh nhật, tuy còn thiếu nửa năm nữa mới đến tuổi cầm tay lái. Trên chiếc thuyền cha ông mới mua, neo ở Monte Carlo, ở đó một thanh tra cảnh sát đã chuẩn bị sẵn chờ ông đến là trao giấy phép đặc cách, dành cho con trai Hoàng đế An Nam do nước cộng hoà Pháp bảo trợ.
Đó là một chiếc xe đẹp và dài, nổi tiếng thanh lịch, động cơ mang nhãn hiệu Jaguar XK 120. Vừa ra khỏi cảng, xe đã đâm vào sườn một chiếc xe đi ngược chiều. Bảo Long khi đó chưa quen lái xe, chưa qua một lớp học lái chính thức nào, chỉ học hỏi qua   thực hành qua người khác chỉ dẫn. Trong hai năm, ông đã gây ra 12 vụ tai nạn. May là không nghiêm trọng cho cả hai bên. Mỗi lần cầm tay lái chiếc xe tốc độ cao, ông phải cố kiềm chế để xe đi với vận tốc trung bình để bảo đảm an toàn.
Sau vụ âm mưu bắt cóc ông, cảnh sát vẫn giám sát chặt chẽ hành trạng của Bảo Long. Thường chỉ có một nhân viên được phân công luôn luôn kèm sát Thái tử để bảo vệ. Đó là viên thanh tra Tổng nha tình báo Chabrier. Ông ngủ luôn ở phòng liền kề, thông với phòng ngủ của Bảo Long, có thể nhanh chóng can thiệp khi có chuyện. Hàng ngày, ông theo Bảo Long đến trường, chiếm một chỗ ngồi cuối lớp nhưng không phải để nghe giảng bài mà chỉ chăm chăm theo dõi nhất cử nhất động của thái tử. Ban đầu, các bạn học ngạc nhiên thấy hôm nào cũng có một người lớn tuổi có mặt trong lớp nhưng cũng quen dần.
Mỗi khi Bảo Long ra ngoài, dù trên máy bay hay xe lửa, Chabrier luôn luôn đi bên cạnh. Những hôm Bảo Long lái xe đi chơi xa, người ta thấy Chabrier ghì chặt tay lái chiếc xe 203 bám theo xe của Bảo Long. Nhưng khi ông về nghỉ với gia đình ở Paris, Cannes hay Valberg, thì lập tức đã có cảnh sát địa phương thay thế.
Đỗ tú tài xong, Bảo Long ghi tên học dự thính cả hai trường một lúc: trường Hành chính và trường Luật. Thế rồi, đột nhiên Bảo Long muốn từ bỏ cuộc sống được chiều chuộng quá mức, có nhiều xe ôtô sang trọng, kể cả các thanh tra Tổng nha tình báo chăm chú bảo vệ mình để xin đứng vào hàng ngũ chiến đấu. Ông cho cha ông biết ý định từ bỏ vai trò kế vị ngôi báu mà người ta giao cho ông từ khi chào đời và muốn trở về nước, theo học trường võ bị Đà Lạt mới thành lập để trở thành sĩ quan quân đội quốc gia (của chính phủ Bảo Đại làm quốc trưởng bù nhìn).
Bất ngờ trước ý định của con trai, cựu hoàng Bảo Đại ban đầu chối từ vì ông không muốn con trai ông làm vật hy sinh. Thấy Bảo Long tha thiết theo đuổi binh nghiệp hơn là làm chính trị, Bảo Đại cho con vào học trường võ bị Saint Cyr, có tiếng hơn và… an toàn hơn. Ngoài ra ông thường nói: “Làm gì có giải pháp Bảo Đại mà chỉ có một giải pháp của người Pháp mà thôi!”. Trong lòng bực bội nhưng Bảo Long tuân lệnh cha, không trở lại Việt Nam.
Bảo Long bình thản chịu đựng cuộc sống khắc khổ trong quân ngũ, chan hoà với 27 bạn đồng ngũ chung chạ trong một phòng. Ông có thể rời bỏ trường bất kỳ lúc nào ông muốn nhưng ông ở lại, kiêu hãnh trong bộ quân phục áo đỏ, mũ chùm lông, đặc trưng của học sinh quân Saint-Cyr. Ông tham gia cuộc diễu binh ngày Quốc khánh Pháp 14/7/1955 , đi qua quảng trường Champs Elysées, ông đi ở hàng cuối của  đoàn vì vóc dáng bé nhỏ.
Bảo Long rất ít giống cha. Trong khi vẫn nói ông quyến luyến và khâm phục cha nhưng ông hết sức cố gắng để không giống cha. Tất cả những gì là kiêu căng, hợm hĩnh và tự mãn đều xa lạ đối với ông. Tính tình Bảo Long hướng về cái bi thảm còn cha ông, ngược lại, ham chơi, thích hưởng lạc.
Cuối năm 1956, sau hai năm học, ông phải chọn một trường thực hành. Năm học thực hành kết thúc, xa Saumur, xa bầy ngựa, ông nghĩ đến… cái chết. Một cái chết nhanh chóng, nếu có thể, phải là cái chết vẻ vang. Ông không vượt qua được nỗi đau mất nước và quên đi thất bại thảm hại của cha ông.
Chàng thanh niên kế vị triều Nguyễn quyết định dứt khoát, tìm đến cái chết để khỏi phải đau khổ, chấm dứt chuỗi thất bại và bơ vơ trong thời niên thiếu của mình. Thay vì tự tử ông xin chuyển sang đội quân lê dương để đi chiến đấu ở Algerie. Ông nghĩ đó là cách chắc chắn nhất để không bao giờ phải nghĩ lại nữa và tự kết liễu đời mình nhanh nhất. Phải gần 3 tháng sau, ông mới nhận được công văn chấp thuận của Bộ chiến tranh, trong khi ở Sài Gòn người ta đem hình nộm và ảnh chân dung của cha ông ra đốt và làm nhục.
Khi biết quyết định của con, Bảo Đại cũng như Nam Phương “tôn trọng ý nguyện của con” không tìm cách làm thay đổi sự lựa chọn của con, tránh không gợi vấn đề và giữ im lặng, không bộc lộ cơn xúc động trước mặt con.
10 năm phục vụ ở Algerie đã để lại trong ông một dư vị cay đắng. Đạo quân ông đã lầm lạc phục vụ suốt 10 năm, không để lại cho ông một kỷ niệm nào tốt đẹp. Ông đã mất thăng bằng về tinh thần và ngày một tuyệt vọng.
Sau đó, Bảo Long rời quân đội làm việc trong một chi nhánh ngân hàng có hội sở giao dịch khá to và đẹp trên đại lộ Opéra. Ông là người có tài, có kinh nghiệm dày dạn trong việc làm cho tiền của mẹ ông sinh sôi. Ông phụ trách công việc đầu tư tiền của khách hàng ra nước ngoài, đem lại lợi ích cho họ.

Đến giờ ăn trưa, ông cũng dừng lại trước một quầy hàng có mái che rồi bước vào mua một bánh mì kẹp thịt như tất cả mọi người. Trái với cha, ông khá giàu có. Từ văn phòng ngân hàng, ông quản lý tài sản thừa kế của mẹ, quan tâm đến việc sinh lợi, giữ được đôi chút ổn định sau bao nhiêu bão tố.
Ông sống trong một căn hộ đẹp ở đường Marais. Chưa bao giờ lập gia đình, ông cũng không có con cái. Ông luôn luôn day dứt vì cuộc sống lưu vong. Cuộc sống nhiều tai tiếng của bố, những tranh chấp kiện tụng giữa hai cha con chia nhau báu vật khiến tâm trạng ông lúc nào cũng u uất, buồn phiền.
Trong đám tang Bảo Đại, Bảo Long đứng ở bên linh cữu. Nhưng khi tang lễ kết thúc, trong lúc tiếng đàn ống lớn của nhà thờ vang lên, ông không đi theo cùng đoàn tang như truyền thống đòi hỏi. Bảo Long, gần như không muốn mọi người nhìn thấy, kín đáo bước ra khỏi nhà thờ bằng một cửa ngách. Cộng đồng người ở Paris không biết gì mấy về một ông hoàng bí ẩn, giữ kẽ này.
Ông qua đời ngày 28/7/2007 tại Bệnh viện Sens (Pháp) và lễ an táng được tổ chức vào ngày 2/8/2007, chỉ bao gồm những người thân thích của gia đình.
Thế đấy,“Sông có khúc, người có lúc”. Một vị Hoàng Thái tử- con vua Bảo Đại- vị vua cuối cùng của triều Nguyễn đã lưu vong ở nước ngoài rồi qua đời một cách lặng lẽ tại đất khách quê người mà không để lại điều gì vinh dự cho hoàng tộc cả. Thật là đáng tiếc! đáng tiếc!...
                         ==00==
Ghi chú: Các tài liệu tham khảo:
4.Vy Vân: Sự thật về vị Thái tử cuối cùng của Việt Nam (Báo du lịch Thứ 7 ngày 13-10-2012).
5.Võ Quang Yến: Đông cung Hoàng Thái tử Bảo Long (Tạp chí Huế Xưa & Nay 9-2009).

                


Thứ Năm, 7 tháng 11, 2013

       ẤN TƯỢNG NHỮNG ĐÊM TRẮNG


Sông Nê –Va đẹp hiền hòa,
Đã từng say đắm lòng ta thuở nào.
Bao lần ta đã ước ao,
Du chơi đêm trắng như vào cõi tiên.
Dòng người dạo cảnh liên miên,
Cùng nhau đàn hát thâu đêm tưng bừng.
Ai cũng hớn hở, vui mừng,
Như đi lễ hội tại vùng linh thiêng.
Trời đất như thể hợp duyên,
Tạo nên tuyệt tác thiên nhiên với đời….
                 Nguyễn Hồng Trân

Ghi chú: Ở Cố đô nước Nga –Saint Petersburg có hiện tượng rất đặc biệt như ở Phần Lan là vào tháng 6 có những đêm không bóng tối. Trời vẫn sáng như ban ngày vào lúc hoàng hôn mới xuống và cứ thế suốt đêm cho đến sáng ngày hôm sau. Người Nga gọi mấy đêm đó là “những đêm trắng”. Chỉ có 3 đêm là thể hiện rõ ràng nhất là vào đêm 24, 25, 26 tháng 6 hằng năm.

Thứ Bảy, 2 tháng 11, 2013

CẢM XÚC BIỂN TRỜI HẠ LONG
     Nguyễn Hồng Trân (cựu GV ĐHKH Huế)

Trên tàu du lịch Hạ Long,
Chiều về nhìn cảnh mà lòng lâng lâng…
Biển xanh in bóng mây hồng,
Tàu thuyền tấp nập, lượn vòng đó đây.
Du khách xúc cảm tràn đầy,
Thả hồn biển đảo đắm say vùng trời.
Thiên nhiên tạo cảnh tuyệt vời,
Kỳ quan Thế giới, khắp nơi vui mừng.
Lòng dân đất Việt tưng bừng,
Tự hào nổi bật một vùng danh lam.
              ==00==
    Hạ Long, tháng 8, năm 2013.
Ghi chú: Thực ra tên gọi vịnh Hạ Long ngày nay là đã có bao nhiêu tên khác nhau thay đổi qua nhiều thời kỳ lịch sử, thời Bắc thuộc khu vực này được gọi là Lục Châu, Lục Hải. Các thời , Trần, Vịnh mang các tên Hoa Phong, Hải Đông, An Bang, Vân Đồn, Ngọc Sơn hay Lục Thủy. Tên Hạ Long (rồng đáp xuống) mới xuất hiện trong một số thư tịch và các bản đồ hàng hải của Pháp từ cuối thế kỷ 19.
Trên tờ Tin tức Hải Phòng xuất bản bằng tiếng Pháp có bài viết về sự xuất hiện của sinh vật giống rồng trên vùng biển đảo này, khi người Pháp Legderin, thuyền trưởng tàu Avalence cùng các thủy thủ bắt gặp một đôi rắn biển khổng lồ ba lần (vào các năm 1898, 1900 và 1902) . Có lẽ người Châu Âu đã liên tưởng con vật này giống như con rồng châu Á, loài vật huyền thoại được tôn sùng trong văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa các nước đồng văn hóa châu Á nói chung. Bên cạnh những truyền thuyết của Việt Nam về Rồng Mẹ và Rồng Con đáp xuống khu vực vịnh đảo vùng Đông Bắc này, sự xuất hiện con vật lạ hiện hữu như rồng trong thực tại, có thể đã trở thành các lý do khiến vùng biển đảo Quảng Ninh được người Pháp gọi bằng cái tên vịnh Hạ Long từ đó và phổ biến đến ngày nay .
“Vịnh Hạ Long nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, là một phần phía tây Vịnh Bắc Bộ và phía tây giáp đất liền với đường bờ biển dài 120 km. Vịnh có tổng diện tích 1553 km2 gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên. Vùng Di sản được Thế giới công nhận có diện tích 434 km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam) và đảo Cống Tây (phía đông).
Vịnh Hạ Long là một di sản độc đáo bởi địa danh này chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử trái đất, là cái nôi cư trú của người Việt cổ, đồng thời là tác phẩm nghệ thuật tạo hình vĩ đại của thiên nhiên với sự hiện diện của hàng nghìn đảo đá muôn hình vạn trạng, với nhiều hang động kỳ thú quần tụ thành một thế giới vừa sinh động vừa huyền bí... Nơi đây còn gắn liền với những giá trị văn hóa – lịch sử hào hùng của dân tộc.
Đây là hình ảnh cổ xưa nhất của địa hình có tuổi kiến tạo địa chất từ 250 - 280 triệu năm, là kết quả của quá trình vận động nâng lên, hạ xuống nhiều lần từ lục địa thành trũng biển. Quá trình Carxto bào mòn, phong hoá gần như hoàn toàn tạo ra một Hạ Long độc nhất vô nhị trên thế giới.Hàng trăm đảo đá, mỗi đảo mang một hình dáng khác nhau hết sức sinh động: hòn Đầu Người, hòn Rồng, hòn Lã Vọng, hòn Cánh Buồm, hòn Gà Chọi (hoặc còn gọi Trống Mái), hòn Lư Hương...
Tiềm ẩn trong lòng các đảo đá ấy là những hang động tuyệt đẹp gắn với nhiều truyền thuyết thần kỳ như động Thiên Cung, động Sửng Sốt, động Tam Cung, hang Đầu Gỗ,hang Trinh Nữ, hang Luồn... Đó coi như là những cung điện, lâu đài của tạo hoá giữa chốn trần gian.
Từ xưa, Hạ Long đã được đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi mệnh danh là "kỳ quan đất dựng giữa trời cao”.

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

                                   VÀI  Ý KIẾN VỀ
               BỘ TIỂU THUYẾT “ĐƯỜNG THỜI ĐẠI”
                    CỦA TÁC GIẢ ĐẶNG ĐÌNH LOAN
(Nguyễn Hồng Trân-cựu GV trường Đại học KH Huế, Hội viên Hội Lịch sử Việt Nam, chuyên viên thông tin tư liệu Đại học Huế)
                                         ==00==
 Tôi là người rất thích đọc truyện và tiểu thuyết, nhất là loại tiểu thuyết lịch sử và trinh thám thì tôi rất quan tâm và đọc kỹ. Sau khi tôi được một người bạn thân là Nguyễn Thế Hậu(ở Huế) cho mượn bộ tiểu thuyết: “ĐƯỜNG THỜI ĐẠI”của tác giả Đặng Đình Loan để đọc, tôi rất mừng, nhưng tôi chỉ mượn 2 tập đầu về đọc thử đã. Vì tôi chưa biết Đặng Đình Loan là ai cả và ông cũng chưa có tiếng tăm gì trong làng văn chương nên tôi cũng không tin về chất lượng của bộ tiểu thuyết này lắm. Nhưng sau khi xem hết tập 1 và tập 2 thì tôi cảm thấy tác giả viết rất hấp dẫn về những sự kiện diễn ra trong thực tế ở các chiến trường chống giặc Mỹ như đang còn âm vang trong lòng đất của quê hương.
Sau đó, tôi tiếp tục mượn đọc cho hết 14 tập (do NXB QĐND). Sau này bộ tiểu thuyết có thêm 3 tập(15, 16,17) và NXB Chính trị Quốc gia đã tái bản 17 tập, tôi cũng đã cố gắng đọc hết vào dịp hè 2013. Với tư cách là một bạn đọc, một chuyên viên về thông tin tư liệu, tôi rất quan tâm đến bộ tiểu thuyết lịch sử này, trước tiên tôi xin    cảm ơn tác giả Đặng Đình Loan, cám ơn NXB QĐND, NXB Chính trị QG đã cho tôi có dịp thưởng thức được một tác phẩm sử thi của Việt Nam thời chống giặc Mỹ xâm lược một cách bi hùng lớn lao như thế, cảm động như thế! Tôi xin nói một cảm tưởng chung của tôi là:
Bộ tiểu thuyết lịch sử này có một giá trị lớn về nhiều mặt: chính trị, quân sự, ngoại giao, lịch sử, văn hóa…nó như một bức tranh lớn thể hiện rất sinh động, thực tế về cuộc đấu tranh vô cùng anh dũng, kiên cường của quân và dân ta chống giặc Mỹ xâm lược; Bức tranh đa sắc màu biểu trưng được sức mạnh của chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam trong cao trào chống Mỹ cứu nước dưới ngọn đuốc chính nghĩa soi đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng và Chính phủ Việt Nam.
Đi sâu, phân tích, bình luận cụ thể thì có các nhà nhà văn, nhà bình luận, còn tôi với góc độ là một chuyên viên về thông tin tư liệu, tôi xin có mấy ý kiến cảm nhận về bộ tiểu thuyết đó như sau:
1.Tác giả đã có công sưu tầm được nhiều tư liệu về chiến sự, chính sự rất quan trọng, đáng tin cậy. Hầu hết là như vậy, tôi không thể nêu ra nhiều dẫn chứng làm gì. Vì đọc cũng biết cả. Tôi chỉ xin nêu một ví dụ thôi. Chẳng hạn, trong tập 16-Cứu ĐôLa, từ trang 316-318, có đoạn ghi lời Ních Xơn nói trong cuộc họp với các nhân vật chủ chốt của ông: “Tôi đã gửi thư cho ông Hồ Chí Minh.Tôi nói bóng gió cho Hồ Chí Minh và cộng sản Việt Nam biết rằng, Mỹ không ngần ngại gì mà không dùng máy bay chiến lược B52 trút bom xuống tất cả các thành phố ở Bắc Việt Nam, kể cả Hà Nội và Hải Phòng. Tôi cũng nói bóng gió cho ông ta biết Mỹ sẵn sàng trút bom tàn phá tất cả hệ thống đê điều ở Bắc Việt Nam trong mùa lũ lụt… Cuối cùng nếu cần, chúng ta sẽ dùng những quả bom nguyên tử để hạ đòn nốc ao!...
Sau khi gửi thư cho Hồ Chí Minh, tôi cũng đã nhận được thư trả lời của ông ấy. Tôi xin trích đọc một đoạn trong thư của ông ấy để quý vị nghe”.
“…Nhân dân Việt Nam chúng tôi rất yêu chuộng hòa bình, một nền hòa bình chân chính trong độc lập và tự do thật sự. Nhân dân Việt Nam quyết chiến đấu đến cùng, không sợ hy sinh gian khổ để bảo vệ Tổ quốc và các quyền thiêng liêng của mình…”
2.Một số tư liệu về phác họa chân dung của các nhân vật trong tiểu thuyết cũng rất phong phú và tiêu biểu. Từ các nhân vật chính, cũng như nhân vật phụ kể cả bên ta và bên địch đều thể hiện được phong cách và thái độ tiêu biểu.
3.Những trận đánh lớn mang tầm cỡ quốc gia và cả quốc tế thì số liệu rất chi tiết, cụ thể như trận chiến ở Thung lũng IaDrang, trận chiến ở Đường 9 Khe Sanh… Điều đáng nói ở đây là tác giả mô tả trận đánh rất logich, hấp dẫn làm cuốn hút người đọc theo rõi cho đến cùng. Không có gì hư cấu quá đáng, quá xa vời với thực tế chiến trường. Vấn đề này, tác giả đã chịu khó đi sâu tìm hiểu rất kỹ về những điều thuộc về chiến thuật, chiến lược, chiến tranh của quân dân ta…
4.Tình quân dân, tình đồng đội, đồng chí được thể hiện rất gắn kết chặt chẽ sâu sắc và được thể hiện nhất quán từ đầu đến cuối bộ tiểu thuyết. Đây chính là chất keo tình nghĩa vững bền và cũng là nhân tố đem lại sự toàn thắng của cuộc chiến.
5.Chất lượng nội dung của của bộ tiểu thuyết lịch sử “ĐƯỜNG THỜI ĐẠI” này làm cho tôi cũng như nhiều nhà trí thức ở Huế rất khâm phục tinh thần chịu khó của tác giả đã đi sâu vào thực tế và nghiên cứu đối chiếu nhiều tài liệu trong và ngoài nước để chọn lọc trình bày cho hợp lý của bộ sử thi này. Tôi có thể nói rằng, tác giả Đặng Đình Loan là một người lính cụ Hồ đầy nhiệt huyết với Tổ quốc nhân dân, với đồng đội, một người có tài năng và tinh thần vượt khó mới làm nên được tác phẩm công phu trong gần 30 năm ròng kiên trì cầm bút miệt mài với một bộ tiểu thuyết này.
6.Về hình thức in ấn bộ tiểu thuyết rất rõ ràng, sáng sủa, bìa đẹp. Song, toàn bộ tiểu thuyết thiếu phần minh họa bằng vài hình ảnh nên cũng bị hạn chế phần nào về giá trị hình thức của bộ tiểu thuyết lịch sử này. Mặt khác, một số tên người thật việc thật, đôi chỗ còn sai nhầm họ tên. Ví dụ trong tập 11 có nói đến đội du kích 11 cô gái Sông Hương, có 5 cô còn sống trong đó có cô Hoàng Thị Nở, nhưng trong sách ghi là Nguyễn Thị Nở. Tôi đã gặp chị Nở, chị nói: “Nhờ anh Trân nói lại với tác giả khi nào tái bản nhớ sửa lại họ Hoàng giùm tôi, vì đó chính là tôi một thời thanh xuân của tôi và các chị em đã quyết tử cho quê hương đất nước. Đó cũng là niềm vinh dự cho cho tuổi trẻ chúng tôi, vinh dự cho bà con họ hàng chúng tôi nên không thể ghi sai họ tôi được”.
7.Về chất lượng của bộ tiểu thuyết này được nhiều nhà nghiên cứu trong quân đội cũng như các trí thức thời đại đánh giá rất cao trong buổi giới thiệu bộ tiểu thuyết này tại Thư viện Quốc gia Hà Nội sáng ngày 27-9-2013 vừa qua, do NXB Chính trị QG và Thư viện QG tổ chức. Tôi cũng rất tán thành với những ý kiến đánh giá nhận xét một cách khách quan đó.
Lời đề nghị:
1.Cầu mong Nhà nước, Ban tuyên giáo TW, quan tâm ủng hộ cho tác giả về tinh thần và vật chất để tác giả có thể tiếp tục hoàn thành nốt những tập cuối cùng của bộ tiểu thuyết giá trị lớn này.
 Trước đây, sau khi đọc xong 14 tập do NXB QĐND ấn hành, tôi đã đề nghị anh Loan nên tiếp tục viết chặng được về đích của “Đường Thời đại” thì mới trọn vẹn bộ tiểu thuyết lịc sử này. Nhưng hồi đó anh Loan chưa trả lời được, nhưng nay nghe anh nói đang cố gắng viết tiếp cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Nghe như vậy tôi rất mừng. Bộ tiểu thuyết lịch sử “Đường thời đại” nên viết tiếp cho đến khi giải phóng miền Nam và đem lại hòa bình thống nhất đất nước. Đó là nguyện vọng của tất cả chiến sĩ, đồng bào cả nước đang mong đợi.
2.Đây là bộ tiểu thuyết lịch sử nặng ký nhất về cuộc kháng chiến chống Mỹ của cả dân tộc ta và đã giành thắng lợi to lớn trong lịch sử chống ngoại xâm của Việt Nam. Hình ảnh của nhiều thế hệ, nhiều dân tộc anh em trong nước và nước ngoài đã hiệp lực với nhau dưới ngọn cờ quang vinh của Đảng, Nhà nước và sự chỉ lối anh minh của Bác Hồ đã đem lại thành công vững bền cho đất nước. Vì vậy, tôi đề nghị nên tổ chức những người có trình độ và trách nhiệm về văn hóa để đánh giá thật khách quan, một cách khoa học tác phẩm này.
3.Đề nghị Nhà nước có tài trợ về giá in sách để bán ra cho nhiều người được mua đọc thì sẽ có tác dụng rất lớn trong xã hội. Hiện nay số lượng sách xuất bản ít và với giá lưu hành vẫn đắt, nên nhiều người khó mà xem được.
4.Những ý kiến phát biểu của một số vị tham gia buổi giới thiệu sách sáng ngày 27-9-2013 tại Thư viện Quốc gia vừa rồi, nhà XB Chính trị QG nên có thư gửi lên cho cho các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước biết để có sự quan tâm thích đáng với công lao vô giá này.
Chúng tôi xin chân thành cám ơn tác giả Đặng Đình Loan đã chịu khó, công phu biên soạn bộ tiểu thuyết rất giá trị này, đồng thời chúng tôi cũng xin cám ơn NXB Quân đội và NXB Chính trị Quốc gia đã ấn hành bộ tiểu thuyết đồ sộ này mà chúng tôi mới có dịp được đọc. Và tôi cũng xin cám ơn Thư viện Quốc gia đã cho chúng tôi đến dự buổi giới thiệu bộ tiểu thuyết “ĐƯỜNG THỜI ĐẠI” một cách sinh động và trang trọng như thế.

                                     Hà Nội ngày 29-10-2013
                                       Nguyễn Hồng Trân