Thứ Bảy, 31 tháng 8, 2013

           VỀ MỘT TỜ CHIẾU THOÁI VỊ CỦA VUA BẢO ĐẠI
                   Nguyễn Hồng Trân (sưu tầm và giới thiệu)     
Đây là là tờ chiếu quan trọng của vua Bảo Đại đã đọc lúc thoái vị tại quảng trường trước cửa Ngọ Môn ở Kinh thành Huế vào chiều 30 tháng 8 năm 1945. Buổi lễ nhà vua thoái vị chiều hôm đó có Đoàn Đại diện của Chính phủ Cách mạng lâm thời. Đoàn gồm có các ông Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy cận, Lê Văn Hiến… Trưởng đoàn là ông Trần Huy Liệu- Nhà Sử học Việt Nam.
Trong giờ phút long trọng của buổi lễ, cờ vàng Quẻ Ly của triều đình hạ xuống, cờ đỏ sao vàng Chính phủ Cách mạng lâm thời được kéo lên tung bay trong gió chiều lộng mát trước hàng vạn đồng bào đến dự lễ. Buổi lễ bắt đầu. Ông Trần Huy Liệu tuyên bố lý do buổi lễ thoái vị của nhà vua và đọc Quyết định của Chính phủ Cách mạng lâm thời đến tiếp nhận. Mấy phát súng lệnh ầm vang cả đô thành để chào mừng buổi lễ. Vua Bảo Đại mặc bộ hoàng bào và đội khăn vành vàng ngồi vui vẻ đàng hoàng và chỉ thị cho ông Nguyễn Duy Quang(thư ký thượng hạng của nhà vua) đưa khay đựng ấn –kiếm nhà vua để ngài sờ vào, xem lại lần cuối rồi sai ông Quang trao lại cho ông Trưởng đoàn Trần Huy Liệu. Sau đó vua Bảo Đại đọc tờ chiếu thoái vị một cách trang trọng, xúc động…
          Toàn văn của tờ chiếu đó như sau:

                   VIỆTNAM HOÀNG ĐẾ BAN CHIẾU
(Cho quốc dân khi nhà vua thoái vị)

          -Hạnh phúc của dân Việt Nam!
          -Độc lập của nước Việt Nam!.
Muốn đạt mục đích ấy, trẫm đã tuyên bố: Trẫm sẵn sàng hy sinh hết mọi phương diện, và cũng vì phương diện ấy nên trẫm muốn sự hy sinh của trẫm phải có bổ ích cho Tổ quốc.
          Xét thấy điều bổ ích cho Tổ quốc lúc này là sự đoàn kết quốc dân, trẫm đã tuyên bố ngày 22 tháng 8 vừa rồi rằng: trong giờ nghiêm trọng này đoàn kết là sống, chia rẽ là chết.
          Nay thấy nhiệt vọng dân chủ của quốc dân lên quá cao, nếu Trẫm cứ ngồi yên mà đợi Quốc hội thì không thể nào tránh khỏi nạn Nam Bắc phân tranh, đã thống khổ cho quốc dân lại thuận tiện cho người lợi dụng.
          Cho nên mặc dầu trẫm hết sức đau đớn nghĩ đến công lao liệt thánh, vào sinh ra tử trong gần 400 năm để mở mang giang sơn đất nước từ Thuận Hóa tới Hà Tiên.
          Mặc dầu trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua trong 20 năm, mới gần gũi quốc dân được mấy tháng chưa làm được gì ích lợi cho quốc dân như lòng trẫm muốn, trẫm cũng quả quyết thoái vị để nhường quyền điều khiển quốc dân lại cho  một Chính phủ dân- chủ cộng- hòa.
          Trong khi trao quyền cho chính phủ mới, trẫm chỉ mong ước có ba điều này:
          1/-Đối với Tông-Miếu và Lăng Tẩm của Liệt-Thánh, chính phủ mới nên xử trí thế nào cho có sự thể.
          2/-Đối với các đảng phái đã từng tranh đấu cho nền độc lập quốc gia, nhưng không đi sát theo phong trào dân chúng, Trẫm mong Chính phủ mới sẽ lấy sự ôn hòa mà xử trí để những phần tử ấy cũng có thể giúp vào việc kiến thiết quốc gia và tỏ rằng chính phủ dân chủ cộng- hòa nước ta đã xây đắp ở trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân.
          3/-Đối với quốc dân, Trẫm khuyên hết cả các giai cấp, các đảng phái, cho đến cả người Hoàng phái cũng vậy, đều nên hợp nhất mà ủng hộ triệt để chính phủ dân chủ, giữ vững nền độc lập của đất nước, chứ đừng vì lòng quyến luyến trẫm và Hoàng-gia mà sinh chia rẽ.
          Còn về phần trẫm, sau 20 năm ngai vàng, bệ ngọc, đã biết bao ngậm đắng nuốt cay. Từ nay trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập, chứ trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của trẫm hay của Hoàng Gia mà lung lạc quốc dân nữa.
           Việt Nam độc lập muôn năm!
          Dân chủ Cộng hòa muôn năm!
                                    ***
Sau khi đọc tờ chiếu thoái vị cũng là lời phát biểu chính thức của ông vua Nhà Nguyễn cuối cùng này, mọi người trong buổi lễ rất cảm động và đồng thanh hô to:
          -Hoan hô nhà vua thoái vị!
-Việt Nam độc lập muôn năm!
-Chủ tịch Hồ Chí Minh muôn năm!
Sau đó Ngài Bảo Đại vui cười và đề nghị Đoàn Đại diện của Chính phủ tặng cho Ngài một vật kỷ niệm. Lúc ấy ông Trần Huy Liệu rất lúng túng, vì lúc Chính phủ cử ông vào làm chủ lễ tiếp nhận thoái vị của vua Bảo Đại thì không nghĩ đến chuyện này. Do đó chẳng có gì để kỷ niệm xứng đáng cho nhà vua cả. Ông Liệu đang băn khoăn và lo lắng thì ông Cù Huy Cận rất nhanh trí đến trình với ông Liệu là sẽ lấy “Huy hiệu cờ đỏ sao vàng” tặng cho cựu hoàng. Ông Liệu tán thành và tuyên bố ông Cù Huy Cận đến trao tặng Huy hiệu cho cựu hoàng. Ông Cận nói: “Đoàn Đại diện Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam xin trao tặng người công dân Vĩnh Thụy vật lưu niệm nhỏ này. Đề nghị đồng bào hoan hô!”.
Thế là mọi người hoan hô ầm vang…
Buổi lễ cũng kết thúc.
Cựu hoàng Bảo Đại xuống lầu Ngũ Phụng, cởi hết quần áo hoàng bào nhà vua rồi mặc bộ vét tông, lên xe do cụ Nguyễn Như Đào (lái xe riêng cho nhà vua cũ) đưa ông Vĩnh Thụy về Cung An Định sống với gia đình.
Vậy là chiều tối ngày 30-8-1945, đã chính thức chấm dứt chế độ quân chủ lâu đời ở Việt Nam và một trang sử Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời vào ngày 2-9-1945.
                                             ===00===  
Ghi chú: tờ chiếu nêu trên đã ghi rõ:
Khâm thử
Phụng ngự ký: “Bảo Đại”
Ban chiếu tại lầu Kiến Trung, ngày 18 tháng 7 năm Bảo Đại thứ 20 (25 tháng 8 năm 1945)
Số hiệu: 1871 –GT.
Ngự tiền Văn phòng cung lục
Dấu ngự tiền văn phòng
==0==
(Cứ liệu này trích trong phần phụ lục cuốn “Một cơn gió bụi” của Lệ Thần Trần Trọng Kim.NXB VS. 1969)                                                    

Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

CHÀO MỪNG VỊNH HẠ LONG

   CHÀO MỪNG VỊNH HẠ LONG

Thích Thú chào mừng vịnh Hạ Long
Kỳ quan thế giới xứng tên rồng
Tự hào đất nước vang bờ cõi
Danh dự quốc gia rạng núi sông
Đất Việt nghìn năm bền sức sống
Trời Nam vạn thuở vững thành đồng
Tổ tiên tâm huyết nuôi truyền thống
Hậu thế vinh quang giống Lạc Hồng!..
                         Nguyễn Hồng Trân

Thứ Bảy, 24 tháng 8, 2013

MẤY ĐIỀU CẦN THIẾT ĐỂ TĂNG CƯỜNG SỨC KHỎE VÀ NÂNG CAO TUỔI THỌ

                 MẤY ĐIỀU CẦN THIẾT ĐỂ TĂNG CƯỜNG
                   SỨC KHỎE VÀ NÂNG CAO TUỔI THỌ
                                         Nữ Bác sĩ Thái Lê Phương
Vấn đề nâng cao sức khỏe và tuổi thọ, người ta nói nhiều trên báo chí, trên các phương tiện truyền thông đại chúng theo những phạm vi và chủ đề khác nhau nhưng mục đích thì như nhau là để tăng cường khỏe, nâng cao tuổi thọ cho mọi người một cách hợp lý và khoa học.
Sau đây chúng tôi xin trình bày mấy điều cần thiết đó một cách giản dị, có chọn lọc để thực hiện được vấn đề nêu trên:
         
1.VỀ ĂN UỐNG:
*ĂN: Các loại ngũ cốc như bột gạo,mì; bột ngô, bột đậu, bột kê. Tốt nhất nên ăn nhiều bột ngô. Trong ngô già có chứa nhiều chất làm giảm sự tăng huyết áp và xơ vữa động mạch. Ăn ít bột gạo. Ăn bột kiều mạch (Oats) càng tốt.Nó làm hạ huyết áp, hạ mỡ máu, hạ đường trong máu. Trong kiều mạch có chứa 18% cellulose, người ăn kiều mạch không bị viêm dạ dày đường ruột, ung thư trực tràng, ung thư kết tràng. Ăn bột kê (Millet), có tác dụng giảm bệnh khớp, an thần. Ăn các loại đậu như đậu phụng (lạc),đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh đều tốt. Nhất là đậu phụng có những chất làm cân bằng lượng insunlin và glucose trong máu, phòng đái tháo đường. Nên ăn nhiều rau, củ, quả. Rau quả tươi xanh như rau cải, rau ngót, rau dền, rau má, rau ngổ, rau lang; quả dưa gang, dưa leo; quả bí đao, bí đỏ, cà tím.
Các loại trái quả chín ăn rất tốt cho sức khỏe như: chuối, đu đủ, cam, bưởi, quýt, mận, nho đỏ, xoài, thanh long, dưa hấu, mảng cầu (na). Các loại củ nên ăn khoai lang, khoai tây, củ từ, củ tía, cà rốt, củ dong, củ môn sọ, môn sáp vàng. Vì các thứ này dễ hấp thu các độc tố để thải ra ngoài. Củ cà rốt làm sáng mắt, dưỡng tóc, dưỡng da. Bí đỏ kích thích tế bào tụy, sản sinh insulin. Người thường xuyên ăn bí đỏ rất ít mắc bệnh tiểu đường. Trong các loại rau quả còn cần nhắc đến khổ qua (mướp đắng). Tuy nó đắng, nhưng nó tiết ra insulin, người thường ăn mướp đắng cũng không bị tiểu đường. Cà chua: ăn cà chua để phòng tránh măc ung thư. Cà chua xào trứng gà là đáng giá nhất. Và canh cà chua, hoặc canh trứng gà cà chua cũng rất tốt. Tỏi là vua chống ung thư, nhưng thái ra sau 15 phút để nó kết hợp với dưỡng khí tạo ra chất tỏi “đại toán tố” mới dùng thì có tác dụng chống ung thư.
Thức ăn trong bữa cơm nên hạn chế các món nhiều thịt mỡ, nhất là thịt lợn. Về các thức ăn các loài động vật, người ta khuyên nên ăn thịt các loài có xương nhỏ hơn loài xương to.Nên dùng các món tôm tép, cua, cá. Không nên ăn các món chiên rán nhiều lần sẽ dễ tạo thành các tế bào ung thư phát triển. Không nên dùng mỡ động vật để xào nấu mà dùng dầu thực vật là tốt hơn. Các món canh không nên dùng loại canh quá chua sẽ đau dạ dày. Ta dùng canh xương, canh nấm rất tốt. Nhất là nấm mèo(mộc nhĩ), linh chi. Vì các thứ này có tác dụng miễn dịch một số bệnh. Canh xương thì có nhiều chất keo hoạt hóa làm giảm hoạt tính của độc tố trong cơ thể. -Mộc nhĩ đen: ăn mộc nhĩ đen (nấm mèo) có tác dụng làm máu không đông đặc lại. Tránh được tình trạng nhồi máu cơ tim. Nhất là đối với những người có nhóm máu AB. Tác dụng này của mộc nhĩ đen là do một bác sĩ chuyên gia về bệnh tim của Mỹ phát hiện.
-Phấn hoa (Pollen) : loại có bán trong các tiệm dược thảo. Bây giờ ở châu Âu, châu Mỹ đều thịnh hành phấn hoa. Võ Tắc Thiên đã ăn phấn hoa, Từ Hi Thái hậu cũng ăn phấn hoa. Mọi người đều biết, phấn hoa là tinh túy của thực vật, nó duy trì sự sống, dinh dưỡng rất phong phú, là cái tốt nhất trong thực vật. Cổ nhân đã từng sử dụng rồi.  Tài liệu ghi chép cho biết, tỷ lệ chữa bệnh của phấn hoa là 97%. Nếu dùng phấn hoa chữa sớm bệnh thận suy kiệt, đái ra máu, u thận thì rất hiệu quả. Phấn hoa còn chữa chứng rối loạn đường ruột. Phấn hoa được mệnh danh là cảnh sát đường ruột. Sau khi ăn phấn hoa, ta có thể duy trì trật tự đường ruột.  Ngoài ra, phấn hoa còn làm đẹp da thịt thắm tươi, mịn màng.
-Rong biển: là một loại thức ăn rất tốt cho sức khỏe. Rong xoắn ốc phát hiện năm 1962. Một gam nó bằng 1.000 gam tổng hợp tất cả các loại rau. Dinh dưỡng của rong này đặc biệt phong phú, rất toàn diện, phân bố dinh dưỡng rất cân bằng, hơn nữa là thức ăn kiềm tính nên giảm loét dạ dày. Nó còn làm giảm sự nhiễm phóng xá. Ngoài ra nó rất quan trọng đối với một số bệnh như tim mạch, tăng huyết áp, tăng mỡ máu, tiểu đường... Ưu điểm lớn nhất của rong xoắn là khiến cho bệnh nhân tiểu đường không bị biến chứng, có thể ăn uống như người bình thường. Với 8 gam rong xoắn là có thể duy trì sự sống 40 ngày.

*UỐNG: còn về các thức uống thì nên dùng các loại như nước chè xanh, rượu vang đỏ, sữa đậu nành, sữa chua.
-Nước chè xanh có tác dụng chống ung thư. Vì trong chè xanh có chất phá được các gốc tự do của các tế bào lạ gây ung thư; làm tăng độ bền của huyết quản, còn ngăn ngừa được sâu răng.
-Rượu vang đỏ có tác dụng chống lão hóa, ổn định huyết áp, giảm mỡ trong máu, ngăn ngừa bệnh tim.
-Sữa đậu nành(là loại tốt nhất trong các loại đậu) nó có chứa một số  chất chống ung thư, như ung thư tuyến vú, ung thư ruột non, ruột già.
-Sữa chua có tác dụng duy trì sự cân bằng vi khuẩn, không cho loại vi khuẩn có hại tăng cao.
-Uống sữa bò cũng rất tốt, vì nó có tác dụng bồi bổ sức khỏe và thải mạnh các chất độc vi lượng thâm nhập trong máu như chì, thiếc, đồng. Tuy nhiên, trong sữa bò có chứa nhiều nhũ đường thì nhiều người không hấp thu được. Cho nên đối với những người đó thì không nên uống sữa bò nhiều.

*KIÊNG KHEM: Dân gian ta có câu tục ngữ: “Có kiêng, có lành”. Cái gì có hại cho sức khỏe thì nên kiêng. Chẳng hạn như không nên hút thuốc lá;  Không dùng thuốc phiện; Không nghiện rượu, bia. Khi có bệnh, phải tuân theo lời dặn của bác sĩ về kiêng khem các đồ ăn, thức uống.

2.VỀ LAO ĐỘNG:
LĐ CHÂN TAY: Đối với những người còn dùng sức lao động chân tay để sính sống thì cần chú ý đến phương tiện dùng để lao động sao cho phù hợp với bản thân về tầm vóc và sức lực. Có như vậy mới duy trì lao động được an toàn, sức khỏe không suy giảm. Tuyệt đối không rán sức làm việc cho xong. Vì như thế sẽ gây tại hại cho sức khỏe về sau.
LĐ TRÍ ÓC: Đối với những người thường xuyên lao động trí óc thì cũng phải biết cách sử dụng phương tiện làm việc và thời gian làm việc cho hợp lý. Tránh ngồi làm việc lâu trong một tư thế cố định. Vì về sau dễ làm cho cột sống bị chèn ép. Không nên sử dụng nhiều giờ liền với máy vi tính và các máy kỹ thuật số. Vì nó sẽ làm cho thị lực đôi mắt suy giảm nhanh chóng, đồng thời trí não bị kích hoạt dồn dập sẽ làm cho não bộ yếu dần và lúc già cả sẽ lẫn thẫn hay quên.
          Nói chung, lao động chân tay hay lao động trí óc đều nên thực hiện có chừng mực. Nhất là đối với những người cao tuổi việc lao động nhẹ nhàng là rất cần thiết để khỏi bị suy giảm nhanh chóng thần kinh và trí não.

3.VỀ NGHỈ NGƠI GIẢI TRÍ:
Vấn đề nghỉ ngơi, giải trí rất cần thiết cho mọi người sau những ngày giờ lao động mệt mỏi, căng thẳng. Có nhiều hình thức giải trí trong cuộc sống hiện tại. Tùy theo lứa tuổi, tùy theo cá tính sở thích của từng người mà vận dụng cho hợp lý. Đã gọi là nghỉ ngơi, giải trí là không làm việc và phải chọn những trò chơi nhẹ nhàng, vui vẻ, thư thái tâm hồn để cải thiện cho thần kinh, trí óc. Có nhiều cách nghỉ ngơi, thư giãn. Có thể ngồi hay nằm yên tĩnh, không suy nghĩ gì hết. Nếu có nghĩ ngợi thì nên nghĩ về những chuyện vui của thời trai trẻ, thanh xuân để tăng cường yếu tố sinh lý tích cực. Thư giãn bằng cách chơi đàn(nếu biết) hoặc nghe ca nhạc vui tươi, hoặc xem phim hài, đọc truyện cười. Làm như thế sẽ xóa được những vết hằn tạm thời trên não bộ do sự căng thẳng trong quá trình làm việc. Cũng có thể thư giãn bằng cách đi dạo chơi ngắm cảnh vật như rừng cây, sông suối, ao hồ để nghe chim hót, nhìn ong bướm bay, xem cá lội…Cũng có thể thư giãn bằng cách hẹn nhau gặp gỡ bạn bè để chuyện trò vui vẻ.

4.TẬP LUYỆN:
Luyện tập là điều vô cùng quan trọng trong đời sống của con người để duy trì sức khỏe, nâng cao dần thể lực để đẩy lùi các bệnh tật. Việc luyện tập có thể theo hai hình thức: Tập luyện thể dục, thể thao và tập luyện dưỡng sinh.
*Tập luyện thể dục, thể thao: vấn đề này tùy theo từng lứa tuổi, tùy theo giới tính và thể lực mà thực hiện mức độ cho phù hợp. Chẳng hạn như đi bộ hàng ngày (chừng 20 phút), tập các động tác mềm dẻo tay chân, thân thể; luyện tập bơi, chơi cầu lông, đánh bóng bàn… Nếu ta cứ tập luyện thể dục, thể thao đều đặn hàng ngày thì tăng cường sức khỏe rõ rệt và sẽ giảm được nguy cơ tăng lượng đường trong máu và suy nhược thần kinh.
Lưu ý về cách đi bộ: ta không nên đi bộ quá xa, quá lâu, đi chừng 20 phút là được. Vì đi lâu sẽ làm cho chất nhờn bôi trơn ở các khớp xương sẽ nóng lên và làm giảm độ nhờn, ảnh hưởng xấu đến khớp xương, nhất là khớp xương đầu gối và gót bàn chân bị đau thì rất kho khăn đi lại. Mặt khác, đi bộ với tốc độ vừa phải, hai cánh tay hất phía trước, phía sau nhịp nhàng theo bước chân đi. Tập luyện đi bộ hàng ngày rất tốt cho sức khỏe và làm giảm độ đường trong máu, ngăn ngừa được bệnh tiểu đường.
*Tập luyện dưỡng sinh: Điều này rất bổ ích cho sức khỏe lâu dài, tăng cao tuổi thọ. Song đòi hỏi chúng ta phải có quyết tâm và kiên trì tập luyện mới thành công. Trong luyện tập dưỡng sinh có nhiều hình thức tập, nhưng ta nên chọn một số bài tập đơn giản hữu ích như bài tập thở, xoa bóp.
-Cách tập thở: Ta ngồi trên ghế dựa ở nơi thông thoáng, đặt hai bàn tay lên đầu gối, tư thế ngồi thẳng lưng, hít khí dần vào phổi và làm cho bụng phình ra, rồi thở khí ra, xẹp bụng lại. Cứ làm như thế chừng 20-30 lần. Sau đó, ta vẫn ngồi trên ghế dựa, đổi tư thế hít thở bằng cách gập thân xuống song song với mặt nền nhà, đồng thời cúi đầu xuống thấp quá hai đầu gối, mắt nhìn ngược ra phía sau. Sau đó hít vào, đồng thời nhấc đầu lên cùng thân thẳng lưng như lúc ngồi, đầu ngửa ra một chút. Sau đó thở ra, đồng thời gập thân xuống song song với mặt nền nhà, đồng thời cúi đầu xuống thấp quá hai đầu gối, mắt nhìn ngược ra phía sau. Cứ tập thở như thế chừng 10-15 lần. Động tác tập thở này rất có ích cho bộ não được dòng máu lưu thông khắp nơi mà không bị khô teo các đưỡng dẫn huyết li ti.
-Cách xoa bóp: Sau khi tập thở xong, ta tiến hành xoa bóp(Massage). Đặt úp bàn tay trái lên đầu gối chân trái, dùng tay phải vuốt miết vào da từ trên vai xuống dọc phía sấp cánh tay, rồi vuốt miết ngược từ cổ bàn tay ngửa lên vai. Ta làm như thế chừng 20-30 lần. Sau đó chuyển sang dùng bàn tay trái vuốt miết lên cánh tay phải cũng cách thức như vậy đến 20-30 lần. Sau khi vuốt xong cả hai tay, ta tiến hành dùng bàn tay phải bóp xuống và bóp lên cánh tay trái chừng 10-15 lần. Nghỉ một lúc, rồi đổi động tác bóp này sang bóp cho cánh tay phải cũng cách thức bóp như thế trong 10-15 lần. Xoa bóp xong hai tay. Ta nghỉ một lúc, rồi ngồi hẳn lên giường, co chân trái dựng lên, xếp chân phải để nằm xuống giường. Sau đó ta tiến hành dùng hai bàn tay xoa bóp chân trái từ trên xuống dưới theo dọc phía trước chân, rồi vuốt lên theo dọc phía sau chân, vuốt miết chừng 15-20 lần. Sau đó đổi sang chân phải cũng làm như thế. Xoa bóp xong hai chân, ta nằm ngửa xuống giường, hai chân duỗi thẳng tự nhiên, hai bàn tay xoa mặt, vuốt lên, vuốt xuống cho đều cả vùng trán, má, tai, cằm. Xoa như thế chừng 20 lần. Xoa mặt như thế sẽ làm cho da mặt phẳng, mịn và không bị tàn nhang và chấm đen thâm “đồi mồi”. Nghỉ một lúc. Sau đó tiến hành xoa bóp bụng và ngực. Ta dùng hai bàn tay xoa qua, xoa lại vùng bụng dưới chừng 10 lần, rồi hai bàn tay bóp nhẹ vòng qua lại chừng 10 lần. Sau đó tiến hành xoa bóp như vậy cho vùng bụng trên. Sau cùng là xoa bóp vùng ngực cũng tiến hành như vậy.Việc xoa bóp như thế sẽ làm cho lưu thông mạch máu trong cơ thể được ổn định, thần kinh vững vàng. 
Lưu ý rằng, việc tập luyện nên tiến hành vào buổi tối sau khi ăn gần một giờ là tốt nhất. Vì cả ngày lượng thán khí cacbonic có trong không khí nhiều do ban đêm lá cây thãi ra. Ban ngày khi có ánh áng mặt trời tác động thì quá trình diệp lục tố lá cây được thực hiện nhờ hấp thụ thán khí(Carbonic) và tạo ra dưỡng khí(oxygen) trong không khí cứ tăng cao dần đến chiều tối. Nếu ta tập luyện buổi sáng thì phải hít thở nhiều mà trong không khí còn chứa nhiều thán khí cacbonic thì sẽ có hại cho sức khỏe. Sau việc tập luyện buổi tối, trước khi đi ngủ, ta nên tắm bằng nước ấm 37-40 độ thì giấc ngủ sẽ tốt hơn.
Ngoài những điều tập luyện thông thường hữu ích như đã nêu trên, tùy theo sức lực, thể trạng và sự ưa thích của từng người mà có thể tập thêm môn “Thái cực quyền”, hoặc “Tập thiền”, hoặc tập “Yoga” để nâng cao thể lực cũng là tốt thôi. Nhưng không tham lam tập nhiều với những động tác phức tạp, quá sức sẽ phản tác dụng cho sức khỏe. Nếu có điều kiện thuận lợi thì tập nâng cao thế, bằng cách leo đồi núi, hoặc leo cầu thang. Thế giới đã tổng kết về sự tập luyện này rất tốt cho sức khỏe bền lâu.
5.CẢI THIỆN TÂM LÝ:
Yếu tố tâm lý đối với con người rất quan trọng. Khi ta vui tươi, thoải mái tâm hồn thì thể lực và trí tuệ ta được cải thiện, còn khi ta tức giận, buồn phiền, lo lắng thì thể lực, tinh thần ta bị chùng xuống dẫn đến suy giảm thần kinh, trí não. Vì thế cho nên khi ta gặp những chuyện bức xúc do một nguyên nhân nào đó thì phải bình tĩnh giải tỏa ngay trong 5 phút. Nếu để lâu thì sẽ khó giải tỏa. Muốn vậy, ta nên tránh ra khỏi vòng gây bức xúc, hoặc tìm cách chuyển sang vấn đề khác; hoặc không cần phải trực tiếp tranh luận, cải cọ nhau cho thêm rắc rối.  Dân gian Việt có câu tục ngữ: “Một điều nhịn, chín điều lành”. Hoặc ở nước ngoài có câu: “Không nhịn được điều nhỏ thì sẽ bỏ lỡ việc lớn”. Trong mối quan hệ với mọi người, ta phải sống có tấm lòng vị tha, không định kiến, cố chấp. Ta luôn nhớ những kỷ niệm tốt đẹp vui tươi của cuộc đời và hãy nên quên đi những điều bực tức, giận hờn thì con người ta sẽ thoải mái, khỏe mạnh.
Một điều đáng nói nữa trong việc cải thiện tâm lý là hàng ngày nên nhớ những chuyện vui để cười. Tục ngữ có câu: “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ”; hoặc “Miệng hay cười, người hay khỏe”. Tác dụng của cười rất lớn.Cười tránh được một số bệnh. Như phòng được bệnh thiên đầu thống(biến chứng nặng ở đôi mắt). Cười nhiều tốt cho đường hô hấp, đường tiêu hóa và ít bị táo bón. Cười đã trở thành một tiêu chuẩn của sức khỏe. Do đó, nên chú ý vận dụng để có tiếng cười hàng ngày cho hợp tình cảnh, chứ không phải cười vô cớ, cười vô duyên, cười như kẻ hoang tưởng, tâm thần.
Một yếu tố tâm lý nữa là khi buồn tủi thì nên khóc. Khóc cho vơi nỗi buồn cũng là cách giải tỏa cho tâm lý được nhẹ nhàng hơn phải nén chịu đau thương. Nói chung lại, khi đáng cười thì cười khi đáng khóc thì khóc là rất tốt cho trạng thái tâm lý được bình yên.
                                                        Nữ BS. TLP
                                                        Hà Nội ngày 22-7-2013
                                  
                                                 


Thứ Năm, 22 tháng 8, 2013

LÒNG MẸ-TÌNH CON-thơ


                              LÒNG MẸ- TÌNH CON

Con về thăm mộ mẹ cha
Tại miền An Lạc quê nhà thân thương
Bà con tình nghĩa vấn vương
Chuyện trò tâm sự đoạn trường trải qua
Chiến tranh tàn khốc lùi xa
Vết thương đọng mãi mọi nhà còn đau
Mẹ buồn tủi phận u sầu
Một mình lo liệu trước sau chu toàn
Nuôi con dạy bảo khôn ngoan
Biết trọng tình nghĩa họ hàng, làng quê
Lòng mẹ thương nhớ tìm về
Tình con ấm áp tràn trề niềm tin.
Giờ đây mẹ đã quy tiên
Cầu cho mẹ được bình yên suối vàng.
                       Nguyễn Hồng Trân
      (Dịp Vu Lan 15-7- Quý Tị= 2013)

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Ký sự CHUYẾN DU NGOẠN VỀ VỊNH HẠ LONG

Ký sự CHUYẾN DU NGOẠN VỀ VỊNH HẠ LONG
                                          Nguyễn Hồng Trân
Vào những ngày cuối tuần đầu thu, gia đình chúng tôi đã cùng nhau du ngoạn về vịnh Hạ Long- nơi đã được danh hiệu là một trong những “Kỳ quan mới của thế thế giới” vào năm 2012. Đó là niềm vinh dự lớn cho đất nước Việt Nam ta. Có nhiều người trong nước và nước ngoài từ trước tới nay đã từng đến du lịch vùng vịnh Hạ Long này và ai cũng thấy choáng ngợp trước quang cảnh kỳ vĩ của núi non biển cả Việt Nam. Trước đây (năm 1994), Vịnh Hạ Long đã được Unessco vinh danh là di sản thiên nhiên đẹp của thế giới. Nơi đây có hàng nghìn ngọn núi lớn nhỏ đã nhô lên khỏi mặt nước biển tạo thành một vùng núi đảo sát thềm lục địa phía Bắc nước ta và trông cảnh vật nơi đây thật đẹp đẽ tuyệt vời.
Chúng tôi đã đăng ký chuyến du lịch trên vịnh Hạ Long lần này theo phương thức khuyến mại “trọn gói” với giá là 2 triệu đồng/ mỗi người cho lượt đi về hai ngày có ở lại trên vịnh một đêm (gồm cả ăn uống và các phương tiện đi lại trong chương trình du lịch). Ngày 10/ 8/2013, chúng tôi tập trung tại cửa Nhà hát lớn Hà Nội từ sáng sớm 7,30’ giờ. Đúng 8 giờ, ô tô du lịch khởi hành đưa chúng tôi lên đường về tỉnh Quảng Ninh. Ôtô chạy qua Bắc Ninh, tới Hải Dương, sang Đông Triều, Uông Bí rồi đến nhà đón tiếp khách du lịch tại dãy khách sạn lớn trên bến cảng Tuần Châu của vịnh Hạ Long. Tại đây chúng tôi gặp nhiều khách trong nước và ngoài nước đến tham quan rất đông.
 Đến đây, chúng tôi được mời ăn uống nhẹ nhàng và ngồi hóng mát, nhìn ra bến cảng du lịch của vịnh. Tại bến cảng này có hàng trăm chiếc tàu thủy cỡ vừa và nhỏ được quy định đậu ngay hàng, thẳng lối trên từng vùng bờ vịnh. Những con tàu này hầu hết là của Công ty du lịch Hạ Long; cũng có một số tàu liên kết du lịch với với các chuyên gia nước ngoài như Philippin, Thái Lan, Pháp,v.v… Những loại tàu này đều sơn màu trắng ngà (để dễ phản xạ khác biệt rõ với màu nước biển xanh) và càng làm nổi bật những cánh buồm nâu trên tàu. Những con tàu du lịch này có từ 2 tầng đến 4 tầng với những cái tên Việt như Âu Cơ, Hạ Long, Bài Thơ…, những cái tên nước ngoài như Paradise Luxury (Thiên đường sang trọng), Paradise Cruise (Thiên đường trên biển), Star Light (Ngôi sao sáng), Ha Long sall (thuyền buồm Hạ Long),v.v…
Phần lớn những chiếc tàu du lịch có tổ chức ở đây của các công ty du lịch đều gọi chung là “Du thuyền”. Ngoài ra còn có nhiều chiếc thuyền nhỏ của tư nhân chở khách tự do cũng lưu hành khắp nơi trên vịnh và đỗ vào những bến bờ lẻ tẻ đó đây tại chân các hòn đảo trong vịnh.
 Chúng tôi du ngoạn trên tầu “Paradise Luxury”. Tầng 1, tầng 2 là các phòng nghỉ thuộc chuẩn “5 sao” rất sang trọng, hiện đại, nhưng các hoa văn trang trí nội thất theo phong cách Á Đông rất dễ chịu và đẹp mắt; tầng 3 là nhà ăn và sinh hoạt đời sống; tầng 4 là ngắm cảnh và các sinh hoạt văn hóa, thể thao… Tầng nào cũng sạch sẽ, đẹp đẽ, hài hòa. Chúng tôi rất thích thú ở trên du thuyền này trong 2 ngày tham quan Vịnh Hạ Long.
Ngày đầu tiên:
-Con tầu “Thiên đường sang trọng” đã đón chúng tôi lên tầu và thực hiện một loạt chương trình của chuyến du ngoạn này như:
-Thưởng thước ly giải khát chào mừng đoàn tham quan và giới thiệu những người phục vụ trên tầu. Ông trưởng quản lý tàu là người Philipin, ông chuyên gia du lịch là người Thụy Điển, còn lại các phục vụ viên nhà hàng, ăn uống, phòng buồng đều là nam nữ thanh niên người Việt.
-Cảm nhận bữa ăn trưa mang đậm phong cách Á Châu.
-Buổi chiều đến tham quan hang “Sửng sốt” ở trên cao trong lòng núi đá (do các thuyền máy đưa khách đến chân núi để leo lên hang).
-Thuyền máy đón quý khách về lại tàu và tiếp tục hành trình trên vịnh.
-Tầu đưa quý khách đến tham quan đảo “Ti Tốp”.
-Chiều tối, con tầu “Thiên đường Sang trọng” đưa du khách về khu vực nghỉ lại đêm trên Vịnh Hạ Long yên bình.
-Buổi tối, quý khách ăn bữa tối, rồi nghỉ ngơi.
-Sau đó có thể tham gia các hoạt động giải trí buổi tối như: xem chiếu phim, câu mực, chơi cờ hoặc thư giãn với các dịch vụ Spa.
Ngày thứ hai:
-Buổi sáng sớm, hướng dẫn tập thái cực quyền trên tầng thượng.
-Sau đó dùng bữa sáng ăn bánh ngọt và uống cà phê, trà chanh.
-Tiếp đến, tầu đưa quý khách đi tham quan “Hang Luồn”.
-Ăn bữa sáng chính tự chọn theo phong cách Âu Châu.
-Buổi trưa về, quý khách làm thủ tục thanh toán trả phòng tại tầng 1 của tầu.
-Tầu đưa quý khách về cập bến cảng Tuần Châu. Quý khách tạm biệt những người phục vụ trên tầu, hẹn ngày gặp lại sau. Thế là kết thúc cuộc du ngoạn trên vịnh Hạ Long.
-Quý khách lên phòng chờ của khách sạn du lịch, dùng bữa ăn trưa rồi ngồi nghỉ ngơi chờ xe du lịch đến đón trở về lại nơi xuất phát.
Người ta nói rằng, muốn tham quan kỹ vùng vịnh Hạ Long này thì cũng phải mất hơn một tuần mới thỏa mãn. Vì chỗ nào cũng đẹp, cái gì cũng muốn xem. Đến đây như lạc vào một “Mê cung” biển đảo đồ sộ hấp dẫn vô cùng!
Lần này chúng tôi chỉ du ngoạn ngắm cảnh thiên nhiên và đến xem được một số ít hang động ở đây mà thôi. Chúng tôi vào tham quan động “Sửng sốt”. Động này và một số hạng động khác trên dãy đảo Bồ Hòn là do người Pháp Legderin, thuyền Trưởng tàu Avalence đã phát hiện từ năm 1901. Trong cuốn Du lịch Hạ Long xuất bản năm 1938, họ gọi hang này là Grotte des surprises (Hang động của sự sửng sổt, ngạc nhiên). Cái tên hang động “Sửng Sốt” thì mới được đưa lên vào năm 1946 (Do đoàn thám hiểm Quốc gia đến đây và chính thức đặt tên gọi tiếng Việt này). Miệng hang động này cách mực nước biển khoảng 25m. Từ cửa hang nhìn ra một vùng biển lặng vây quanh bởi vòng cung của núi Bồ Hòn và cách đó chưa tới 1km là những hòn núi nhỏ, nơi cửa hang Bồ Nâu nhìn ra biển.
Động này nằm trong một hòn đảo thuộc dãy núi Bồ Hòn.   Từ chân núi lên các hang ta phải leo qua 139 bậc cấp bằng đá. Trong ba hang của động “Sửng sốt”, các khối hình của thạch nhủ rất đa dạng mà người ta có thể hình dung được nhiều thứ trong đó. Chẳng hạn chỗ này như con sư tử, chỗ kia là con rồng, chỗ nọ là ông Tiên, v.v…
Lòng hang động “Sửng Sốt” gồm có ba hang lớn được ngăn nối với nhau bởi các ngách ngăn rất hẹp. Ngăn ngoài có trần cao với rất nhiều nhũ rủ xuống. Tiếng nói trong hang nghe rất rõ do không bị vang vọng. Đặc biệt, ở khoang này hầu như không có nhũ vì nóc hang không có khe nứt, không có nước nhỏ giọt.Giữa hang có một cột nhũ khổng lồ nối thẳng từ nóc xuống nền hang, rất đẹp. Ở đáy hang, ta cũng thấy vỡ ra những mảng lớn để lộ những con đường ngầm, ngõ ngách sâu thẳm. Từ tháng 1 đến tháng 5 năm 1999, người ta đã xây một lối đi bằng đá dài 800m uốn quanh lòng hang để cho du khách thuận tiện đi lại tham quan. Tại vùng biển này, các thuyền chài tụ tập thành một làng mà quanh đó có các hang Bồ Nâu, Mê Cung, Hang Luồn, đảo Ti Tốp, hòn Đầu Người…  
Sau khi tham quan xong hang động “sửng Sốt”, chúng tôi sang đảo Ti-Tốp. ngày xưa đảo này có tên gọi là đảo “Nghĩa Địa” (là do tàu hàng của Pháp bị nạn năm 1905 tại đây rồi họ lập nghĩa địa chôn cất những người tử nạn trên đảo này). Dưới chân đảo rất cao này là một bãi cát vàng nhìn xa như một vầng trăng khuyết. Trên đỉnh đảo này có xây một đài quan sát hiện đại. Bãi tắm này trải dài hơn 100 mét với toàn cát vàng và nước biển trong xanh, sạch sẽ. Du khách rất thích dừng chân lại tắm biển và chèo thuyền Kazac dạo chơi xung quanh biển đảo. Địa điểm này, ngày xưa khi nhà du hành Vũ trụ Giéc -Man Ti -Tốp (cựu Chủ tịch Hội Xô-Việt hữu nghị) sang thăm Việt Nam năm 1962, bác Hồ đã mời đi cùng với Bác ra tham quan vịnh Hạ Long rồi dừng chân tại bãi cát này ngắm cảnh và tắm biển. Ông Ti-Tốp khen nơi đây cảnh đẹp và Bác vui vẻ nói với  ông Ti- Tốp là sẽ đặt tên ông để kỷ niệm một vị anh hùng lên vũ trụ tại vùng vịnh Hạ Long. Ti-Tốp thấy vinh dự liền cám ơn Bác Hồ đã đặc ân tình hữu nghị Việt –Xô.
Sáng ngày hôm sau, chúng tôi được đến tham quan hang Luồn. Hang này nhỏ nhưng độc đáo. Vì đây là hang lộ thiên phía trong hòn đảo nên tàu đậu bên ngoài xa, ca- nô đưa khách đến gần hòn đảo rồi có thuyền chèo đưa từng tốp nhỏ du khách luồn qua hang hẹp vào bên trong. Trong lòng đảo như một cái hồ tròn, xung quanh là vách đá dốc đứng. Bên trên có nhiều cây cối xanh um, thấp nhỏ. Đặc biệt tại đây có một đàn khỉ leo trèo nhảy nhót rất tài tình. Chúng thấy ghe thuyền chở du khách vào là cứ nhảy xuống ngồi trên những mỏm đá sát bờ để chờ có gì có thể ăn được khi khách tặng cho.

Trong các sách báo, tạp chí du lịch Việt Nam đã ghi rằng:
Vịnh Hạ Long có từ xa xưa do những kiến tạo địa chất. Tuy nhiên, trong tâm thức của người Việt từ thời tiền sử với trí tưởng tượng dân gian và ý niệm về cội nguồn con Rồng cháu Tiên, một số truyền thuyết cho rằng khi người Việt mới lập nước đã bị giặc ngoại xâm, Ngọc Hoàng sai Rồng Mẹ mang theo một đàn Rồng Con xuống hạ giới giúp người Việt đánh giặc. Thuyền giặc từ ngoài biển ào ạt tiến vào bờ vừa lúc đàn Rồng tới hạ giới. Đàn Rồng lập tức phun ra lửa thiêu cháy thuyền giặc, một phần nhả Châu Ngọc dựng thành bức tường đá sừng sững làm cho thuyền giặc đâm phải mà vỡ tan, chặn đứng bước tiến của ngoại bang.
Sau khi giặc tan, thấy cảnh mặt đất thanh bình, cây cối tươi tốt, con người nơi đây lại cần cù, chịu khó, đoàn kết giúp đỡ nhau, Rồng Mẹ và Rồng Con không trở về trời mà ở lại hạ giới, nơi vừa diễn ra trận chiến để muôn đời bảo vệ con dân Đại Việt. Vị trí Rồng Mẹ đáp xuống là Hạ Long; nơi Rồng Con đáp xuống là Bái Tử Long và đuôi đàn rồng quẫy nước trắng xoá là Bạch Long Vĩ (bán đảo Trà Cổ ngày nay, với bãi cát dài trên 15 km)”.
Thực ra tên gọi vịnh Hạ Long ngày nay là đã có bao nhiêu tên khác nhau thay đổi qua nhiều thời kỳ lịch sử, thời Bắc thuộc khu vực này được gọi là Lục Châu, Lục Hải. Các thời , Trần, Vịnh mang các tên Hoa Phong, Hải Đông, An Bang, Vân Đồn, Ngọc Sơn hay Lục Thủy. Tên Hạ Long (rồng đáp xuống) mới xuất hiện trong một số thư tịch và các bản đồ hàng hải của Pháp từ cuối thế kỷ 19.
Trên tờ Tin tức Hải Phòng xuất bản bằng tiếng Pháp có bài viết về sự xuất hiện của sinh vật giống rồng trên vùng biển đảo này, khi người Pháp Legderin, thuyền trưởng tàu Avalence cùng các thủy thủ bắt gặp một đôi rắn biển khổng lồ ba lần (vào các năm 1898, 1900 và 1902) . Có lẽ người Châu Âu đã liên tưởng con vật này giống như con rồng châu Á, loài vật huyền thoại được tôn sùng trong văn hóa Việt Nam nói riêng và văn hóa các nước đồng văn hóa châu Á nói chung. Bên cạnh những truyền thuyết của Việt Nam về Rồng Mẹ và Rồng Con đáp xuống khu vực vịnh đảo vùng Đông Bắc này, sự xuất hiện con vật lạ hiện hữu như rồng trong thực tại, có thể đã trở thành các lý do khiến vùng biển đảo Quảng Ninh được người Pháp gọi bằng cái tên vịnh Hạ Long từ đó và phổ biến đến ngày nay .
“Vịnh Hạ Long nằm ở vùng Đông Bắc Việt Nam, là một phần phía tây Vịnh Bắc Bộ và phía tây giáp đất liền với đường bờ biển dài 120 km. Vịnh có tổng diện tích 1553 km2 gồm 1969 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó 989 đảo có tên và 980 đảo chưa có tên. Vùng Di sản được Thế giới công nhận có diện tích 434 km2 bao gồm 775 đảo, như một hình tam giác với ba đỉnh là đảo Đầu Gỗ (phía tây), hồ Ba Hầm (phía nam) và đảo Cống Tây (phía đông).
Vịnh Hạ Long là một di sản độc đáo bởi địa danh này chứa đựng những dấu tích quan trọng trong quá trình hình thành và phát triển lịch sử trái đất, là cái nôi cư trú của người Việt cổ, đồng thời là tác phẩm nghệ thuật tạo hình vĩ đại của thiên nhiên với sự hiện diện của hàng nghìn đảo đá muôn hình vạn trạng, với nhiều hang động kỳ thú quần tụ thành một thế giới vừa sinh động vừa huyền bí... Nơi đây còn gắn liền với những giá trị văn hóa – lịch sử hào hùng của dân tộc.
Đây là hình ảnh cổ xưa nhất của địa hình có tuổi kiến tạo địa chất từ 250 - 280 triệu năm, là kết quả của quá trình vận động nâng lên, hạ xuống nhiều lần từ lục địa thành trũng biển. Quá trình Carxto bào mòn, phong hoá gần như hoàn toàn tạo ra một Hạ Long độc nhất vô nhị trên thế giới.Hàng trăm đảo đá, mỗi đảo mang một hình dáng khác nhau hết sức sinh động: hòn Đầu Người, hòn Rồng, hòn Lã Vọng, hòn Cánh Buồm, hòn Gà Chọi (hoặc còn gọi Trống Mái), hòn Lư Hương...
Tiềm ẩn trong lòng các đảo đá ấy là những hang động tuyệt đẹp gắn với nhiều truyền thuyết thần kỳ như động Thiên Cung, động Sửng Sốt, động Tam Cung, hang Đầu Gỗ,hang Trinh Nữ, hang Luồn... Đó coi như là những cung điện, lâu đài của tạo hoá giữa chốn trần gian.
Từ xưa, Hạ Long đã được đại thi hào dân tộc Nguyễn Trãi mệnh danh là "kỳ quan đất dựng giữa trời cao”.
Vịnh Hạ Long là kết quả của quá trình tiến hoá địa chất lâu dài. Du khách đến vịnh Hạ Long không chỉ đến với kỳ quan của thế giới mà còn đến với một bảo tàng địa chất quý giá được gìn giữ ngoài trời đến 300 triệu năm. Những hang động chính là bằng chứng sinh động về quá trình xâm thực của nước biển, nước mưa qua các tầng địa chất. Môi trường địa chất vịnh Hạ Long còn là nền tảng phát sinh các giá trị khác như đa dạng sinh học, văn hóa khảo cổ và các giá trị nhân văn khác.
Năm 1962 Bộ Văn hóa - Thông tin (Việt Nam) đã xếp hạng vịnh Hạ Long là di tích danh thắng cấp quốc gia. 
Ngày 17/12/1994, trong phiên họp lần thứ 18 của Hội đồng Di sản Thế giới thuộc UNESCO tổ chức tại Thái Lan, vịnh Hạ Long chính thức được công nhận là Di sản Thiên nhiên thế giới với giá trị ngoại hạng về mặt thẩm mĩ, theo tiêu chuẩn của Công ước quốc tế về bảo vệ tự nhiên và văn hóa thế giới. Ngày 2/12/2000, tại Hội nghị lần thứ 24 tại thành phố Cairns, Queensland, Úc, Hội đồng Di sản Thế giới đã công nhận vịnh Hạ Long là Di sản thế giới lần thứ 2 theo tiêu chuẩn về giá trị địa chất, địa mạo.

Qua hai ngày du ngoạn cảnh vật ở vịnh Hạ Long, tuy chưa đi tham quan được nhiều nơi, nhưng chúng tôi rất hài lòng với tinh thần phục vụ du lịch khá chu đáo của ngành du lịch Hạ Long. Đồng thời chúng tôi cảm thấy rất thú vị! Thật là tuyệt vời! Thật đáng tự hào cho đất nước Việt Nam có một vùng biển đảo xinh đẹp, hùng vĩ, kỳ diệu như vậy! Và dân chúng toàn cầu đã sáng suốt bầu chọn vịnh Hạ Long được đứng vào hàng những kỳ quan mới của thế giới. Chúng ta những người con của đất nước Việt càng thêm tự hào về sự vinh danh đó thì càng phải lo chăm sóc giữ gìn, bảo vệ và phát triển để làm sao cho xứng đáng với danh nghĩa đó.
                                 Hà Nội ngày 12/8/2013.

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2013

MỘT SỐ BÀI THƠ XƯA RẤT ẤN TƯỢNG

     MỘT SỐ BÀI THƠ XƯA RẤT ẤN TƯỢNG
             Nguyễn Hồng Trân (Sưu tầm và bình luận)
                                        ==00==
Bài 1:
  KHÓC THỊ BẰNG PHI

Ôi thị Bằng Phi đã mất rồi,
Ới tình, ới nghĩa, ới duyên ơi.
Mưa hè, nắng chái oanh ăn nói.
Sớm ngõ, trưa sân liễu đứng ngồi.
Đập cổ kính ra tìm lấy bóng,
Xếp tàn y lại để dành hơi.
Mối tình muốn dứt càng thêm bận,
Lẽo đẽo theo hoài mãi chẳng thôi.
                                           Vua Tự Đức
                              ==00==
Bài thơ chữ Nôm theo thể thơ Đường luật thất ngôn bát cú ( 8 câu, mỗi câu 7 chữ) của vua Tự  Đức đã tồn tại bao lâu rồi mà ngày nay nhiều người đọc lại vẫn còn thấy ưa thích. Vì bài thơ khóc thị Bằng Phi thật là hay, thật lãng mạn! Sự xúc cảm sâu sắc của nhà vua được thể hiện rất hình tượng, thành tâm và tinh tế. Tôi rất thích bài này và xin mạo muội họa lại một bài để tỏ lòng biết thưởng thức và ngưỡng mộ cái tình ý sâu lắng của tác giả đã gửi gắm vào những câu thơ của mình.
      Bài họa:                                    
               LÒNG BUỒN
             Nguyễn Hồng Trân (cựu GV Đại học Huế)                    
Thân nàng như thế đã yên rồi,
Định mệnh, do trời, số phận ôi!
Sáng đến, chiều về nhìn cá lội,
Ngày qua, tháng lại nhớ phi ngồi.
Nhìn gương, nhớ bóng nghe còn tiếng,
Khoác áo, mong hình thấy vắng hơi.
Luyến tiếc, đau thương sao kể xiết .
Lòng buồn nặng trĩu mãi không thôi.

(Ghi chú: Có sách ghi rằng bài này có trong tập thơ 1000 bài thơ của Nguyễn Gia Thiều khóc vợ lẽ Thị Bằng Cơ. Không biết điều đó có đúng không? Nhà nghiên cứu về thơ Nôm ở Huế -Trương Đình Tín thì cho rằng bài đó là của vua Tự Đức như nhà văn Dương Quảng Hàm cũng đã từng nêu trong sách của ông ấy. Vì trong nhiều tập thơ của Nguyễn Gia Thiều không thấy có bài đó, vả lại kiểu thể hiện ngôn từ trong thơ của Nguyễn Gia Thiều không như vậy. Ai biết rõ điều này tường tận hơn, xin chỉ bảo giùm cho?)

Bài 2:
                    NĂM CỤ RỚT CÁI ÌNH
(Thơ của Hoài Nam Nguyễn Trọng Cẩn( ? -1946)-Quê ở Bố Trạch, Quảng Bình)
          Năm 1933, Pháp cho vua Bảo Đại trực tiếp tham chính nên toàn thể Nội các do Nguyễn Hữu Bài đứng đầu phải từ chức. Nguyễn Trọng Cẩn có bài thơ ghi lại biến cố này như sau:

Năm cụ khi không rớt cài ình,
Đất bằng sấm dậy giữa Thần Kinh.
Bài không đeo nữa xin dâng Lại,
Đàn chẳng ai nghe khéo dở Hình,
Liệu thế không xong Binh chẳng được,
Liêm đành chịu đói, Lễ không rinh,
Công danh như thế là hưu hỉ,
Đại sự xin nhường lớp hậu sinh.
                                         ==***==

Ghi chú: 1. Nguyễn Hữu Bài (1863-1935): quê ở làng Cao Xá, h.Vĩnh Linh, t.Quảng Trị. Thiên chúa giáo. Thượng thư bộ Lại.
                2. Tôn Thất Đàn (1873 -1936): quê ở Thừa Thiên Huế. Tt bộ Hình. (là cụ thân sinh của GS. Tôn Thất Lang, GS. Tương Lai (Nguyễn Phước Tương), GS  Nguyễn thị Ngọc Toản (vợ Trung tướng Cao Văn Khánh).
                3. Phạm Liệu ( ? ...?...  ): quê ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Tt bộ Binh.
                4. Võ Liêm (  ? …  ?... ): quê ở Hương Thủy, Thừa Thiên. Tt. Bộ Lễ.
                5. Vương Tứ Đại ( ?     ?  ): quê ở Thọ Xuân, Thanh Hóa, Tt. Bộ Công.
                                             ==00==
Bài 3:
           
                             “NGẪM SỰ ĐỜI”  
                            
Bài thơ “Ngẫm sự đời” của vua Tự Đức là một bài thơ chữ Nôm, thể loại Đường luật (Thất ngôn- bát cú) đã nói lên nỗi niềm tâm sự của ngài về cuộc đời với mối quan hệ gia tộc và xã hội.
           NGẪM SỰ ĐỜI
Sự đời ngẫm nghĩ , nghĩ mà ghê!
Sống gửi rồi ra thác lại về
Khôn dại cùng chung ba tấc đất
Giàu sang chưa chín một nồi kê
Tranh giành trước mắt, mây tan tác
Đày đọa sau thân, núi nặng nề
Thử đến hỏi Tiên, Tiên chẳng thấy
Gượng làm chút nữa để mà nghe…
Ngay hai câu đầu “mở đề”, ta có thể hiểu được nhà vua cảm thấy lòng mình ngao ngán với sự đời thực tại:
Sự đời ngẫm nghĩ , nghĩ mà ghê!
Sống mãi rồi ra thác lại về
Ngài cho rằng, cứ sống mãi với nhiều chuyện rắc rối làm chi rồi cũng đến lúc chết cả thôi.
Đến hai câu tiếp là hai câu “thực”, tác giả muốn nói lên một triết lý là người khôn, kẻ dại cuối cùng cũng chung số phận về với đất mà thôi, chẳng còn ý nghĩa gì:
Khôn dại cùng chung ba tấc đất
Giàu sang chưa chín một nồi kê
Và giàu sang rồi cũng không được dài lâu, bền vững.
Từ triết lý cuộc đời như thế, ngài đã dẫn đến hai câu “luận”:
Tranh giành trước mắt, mây tan tác
Đày đọa sau thân, núi nặng nề
Việc tranh giành nhau quyền lợi, địa vị đã mất mát tình nghĩa, làm tổn thất nặng nề đến đạo lý gia đình, tộc phái. Hai câu này nói lên tâm trạng của nhà vua rất buồn trong hoàn cảnh anh em ruột thịt đã mất đoàn kết muốn hại nhau làm tổn thương đến họ hàng, làng xã…
Cuối cùng hai câu “kết” của bài thơ nói lên sự bế tắc nỗi buồn của nhà vua được chưa giải tỏa:
Thử đến hỏi Tiên, Tiên chẳng thấy
Gượng làm chút nữa để mà nghe…
Ngài không còn hy vọng gì đến đấng thần tiên để giải cứu ưu phiền cho mình nữa mà đành theo số phận cố chịu đựng gắng gượng làm vua để mà nghe thêm những điều thiên hạ luận bàn, phán xét chuyện đời mà thấm thía tiếp thu…
                                                              ===000===
Ghi chú: Vua Tự Đức (1829 - 1883), tên thật là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm, con trai thứ hai của vua Thiệu Trị. Ông trị vì đất nước suốt 36 năm (1847-1883) là ông vua nhà Nguyễn trị vì đất nước lâu nhất  trong số 13 vua nhà Nguyễn.
Bài 4:
Đến với bài thơ THĂNG LONG HOÀI CỔ của bà Huyện Thanh Quan
                 (Nguyễn Hồng Trân sưu tầm và bình luận)


“Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương
Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh ấy người đây luống đoạn trường”  
                      ==00==
Bài thơ này đã ra đời sau sự kiện lịch sử ở nước ta là sau khi Nguyễn Ánh kéo quân đến Thừa Thiên đánh quân Tây Sơn để chiếm lại kinh thành Phú Xuân, rồi lên ngôi vua và đặt niên hiệu Gia Long vào năm 1802. Từ đó thành Thăng Long (Hà Nội) chỉ còn là Cố đô mà thôi.
Lời thơ trong bài HOÀI CẢM này mang đậm âm hưởng hoài niệm với sự tiếc nuối một thời vàng son dĩ vãng.
Trong hai câu đầu mở đề, tác giả đã cho hiện lên như một lời trách móc thời thế đã tạo ra một khung cảnh buồn lắng, âm thầm trong trời đất:

          Tạo hóa gây chi cuộc hí trường
Đến nay thấm thoắt mấy tinh sương

Tiếp đến hai câu thực như một bức tranh ảm đạm ở chốn thần kinh xưa. Đường sá, cỏ cây đìu hiu; nhà cửa, lâu đài khuất bóng mặt trời:

Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương

Sau đó là hai câu luận rất hay là tác giả đã liên tưởng đến những vật vô tri, vô giác mà như có linh hồn đang tự ái, tủi thân và giận hờn qua bao năm tháng sầu bi:

Đá vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt
Nước còn cau mặt với tang thương

Sau cùng là hai câu kết thật là tài tình. Bà ta đã đưa ra một triết lý về nhân sinh quan của hậu thế gắn liền với giá trị tình cảm con người trong đời sống thực tại:

Ngàn năm gương cũ soi kim cổ
Cảnh ấy người đây luống đoạn trường.
                            ==00== 
Ghi chú:
  Bà huyện Thanh Quan (Nguyễn Thị Hinh) sống ở đầu thế kỷ XIX, quê ở làng Nghi Tàm, huyện Vĩnh Thuận (nay Từ Liêm, Hà Nội), là vợ ông Lưu Nguyên Ôn,người làng Nguyện Áng, huyện Thanh Trì, nay thuộc Hà Nội, ông đã từng làm Tri huyện Thanh  quan (Thái Bình).Vì thê, người ta quen gọi bà là Bà huyện Thanh Quan.